NHÌN LẠI COVID-19, COVID-20 VÀ RÚT RA BÀI HỌC CHO COVID-21


hanhtinhtitanic
NHÌN LẠI COVID-19, COVID-20 VÀ RÚT RA BÀI...

Hôm nay là 28/1/2021 (giờ Việt Nam). Tôi còn nhớ cách đây đúng 1 năm, khoảng ngày 28/1/2020 tức là mùng 4 Tết Canh Tý, tôi đã bắt đầu viết loạt bài phân tích dịch bệnh này dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau, tập trung vào phân tích lịch sử dịch tễ học, các triệu chứng, nhận định khuynh hướng phát triển của virus, cũng như phê phán lối sống ích kỷ kiêu ngạo và bác bỏ nhiều lời nói dối chính trị ngu dốt về căn bệnh.

Sau 1 năm, tôi nghĩ đây là lúc cần nhìn lại mọi thứ để hiểu rõ ràng hơn về COVID-19, COVID-20, trước khi nó trở thành COVID-21 vì nhiều đợt đột biến và lây nhiễm mới. Sau đây là một số suy nghĩ của cá nhân tôi dựa trên những gì đã xảy ra, với 3 điểm chính:

1. Coronavirus biến chủng từ một vật trung gian và lây cho người từ Tp. Vũ Hán – Trung Quốc. Dịch bùng phát ở đây lần đầu tiên và lây lan ra khắp thế giới với các chủng virus khác nhau. Tuy nhiên, đã có các bằng chứng cho thấy thực ra, có thể coronavirus chủng mới (nCoV) đã tồn tại ở các mẫu phân người/chất thải sinh hoạt bị đóng băng từ tháng 12/2019 (ở Italy) và tháng 3/2019 (Barcelona, Tây Ban Nha). Cụ thể hơn, giới y khoa Tây Ban Nha còn phân tích và nhận ra được mẫu virus đã tồn tại kể từ ngày 15/1/2020, tức là 41 ngày trước khi case bệnh đầu tiên tại Châu Âu được công bố chính thức.

Một nhân viên đang kiểm tra thân nhiệt của một khách hàng vào siêu thị khi đại dịch COVID-19) tiếp tục bùng phát ở Milan, Italy. Nguồn ảnh: REUTERS/Daniele Mascolo – RC2TPF994GAU/File Photo

Hiện Châu Âu đang rà soát lại chuyện này. Tôi cũng đã có một bài viết đề cập đến một nguồn tin ở Đài Loan cho biết thực ra, virus cũng đã có ở Mỹ trước khi Vũ Hán phát bệnh.Ngoài ra, các phân tích dịch tễ học trong cả năm 2020 và đầu năm 2021 cho thấy nCoV đã có nhiều biến chủng, mà người Trung Quốc và Anh đã cảnh báo là dễ lây nhiễm hơn và có thể mang tính độc nhiều hơn. Xin xem lại loạt bài của Hành tinh Titanic về dịch bệnh này, cũng như đối chiếu với các bài báo tiếng Anh và tiếng Việt hiện đang công bố các biến chủng mới tại Anh, Nam Phi và Brazil – chỉ sau 1 năm. Tôi nhắc lại các yếu tố trên để chúng ta hiểu và đánh giá đúng sức mạnh của chủng virus này. Đó là:

  • Có khả năng tiềm ẩn khá lâu trong vật chủ và cộng đồng vật chủ trước khi phát triệu chứng bệnh rõ ràng.
  • Có thể đã xuất hiện nhiều mầm bệnh (chủng virus) ở nhiều nơi trên toàn cầu do con người tiếp xúc với thú vật (như ăn chúng tại Trung Quốc, nuôi chồn lấy lông ở Đan Mạch…). Các mầm bệnh này chỉ đợi thời cơ hệ miễn dịch của bất cứ vật chủ nào trở nên yếu và có môi trường phù hợp (trời lạnh, rét, ẩm ướt…) là phát bệnh, hoặc đột biến nhẹ và phát bệnh.
  • Chính việc một dân số lớn và bất cẩn, không có ý thức đề phòng, không coi bệnh là mối đe dọa (ví dụ như: che giấu bệnh ở Trung Quốc, không đeo khẩu trang và sinh hoạt bất cần ở Mỹ và Châu Âu, chọn phương thức “miễn dịch bầy đàn” ở Anh, Thụy Điển và Brazil…) đã tạo môi trường để virus lan nhanh, lan rộng, và biến thành các bản sao đột biến đa dạng. nCoV đã có cơ hội để test các bản biến dị của mình trên hàng tỷ người, được tự do chọn lựa con mồi, và nhờ đó, tìm được cách thích ứng nhanh nhất với sinh khối vật chủ lớn nhất hành tinh này.

Vì vậy, cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh và dập dịch chính là công bố minh bạch mọi thông tin dịch tễ, phân tích và theo dõi di truyền của các chủng virus liên tục, đóng cửa biên giới, truy tìm và phong tỏa các cluster (nhóm lây nhiễm) ngay khi có dấu hiệu phát bệnh, tạo ý thức cộng đồng về đeo khẩu trang/rửa tay/phòng ngừa lây nhiễm, và nếu cuối cùng không thể tránh được đại dịch trên tầm mức quốc gia, thì phải ra lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội.

Rõ ràng là các quốc gia, vùng lãnh thổ đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh đều có vị trí địa lý cách ly tự nhiên hoặc chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt như trên, ví dụ như Đài Loan, New Zealand, Việt Nam, Iceland, Bhutan…

Giờ đây, COVID-19 đã lan rộng trên khắp thế giới, với hơn 100 triệu case nhiễm, hơn 2 triệu case tử vong, và 3 biến chủng lây lan nhanh/có khả năng kháng vaccine/kháng thể, thì việc duy nhất để loài người có thể chặn đứng đại dịch chính là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, phong tỏa biên giới giữa các quốc gia, giãn cách xã hội lây nhiễm trầm trọng, cách ly các case nhiễm biến chủng mới, rồi mới đến chuyện nhanh chóng tiến hành thực thi tiêm vaccine cho cả dân số từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Đấy là các ưu tiên về nếp sống, chứ không phải chỉ vaccine là giải quyết được đâu. Con người phải ngăn chặn khuynh hướng lây lan trên diện rộng để giảm đi nguy cơ tăng tốc đột biến của virus trước đã, rồi sau đó mới đến các biện pháp thiết lập kháng thể và miễn dịch cộng đồng. Nếu con người cứ sinh hoạt bất chấp tất cả nguy cơ này, thì chúng ta sẽ mãi mãi chạy đua theo các biến chủng của nCoV. Dựa trên những gì đã và đang diễn ra trong quá khứ và hiện tại, xác suất xảy ra những đợt lây nhiễm và biến chủng virus là rất cao.

2. Về các biện pháp trị liệu case nhiễm nCoV, cho đến nay chúng ta chưa có thuốc trị hiệu quả. Đó chỉ là các loại thuốc tạm thời để, hoặc là ức chế đặc tính lây lan trong quá trình tạo bản sao mRNA của virus trong tế bào người, hoặc là chặn bớt sự “tăng động” các cơn bão cytokine của hệ miễn dịch con người.

Tôi có thể sai khi đề xuất Hydroxychloroquine và Azythromycin là liệu pháp đầu tiên để điều trị bệnh trong giai đoạn ban đầu, nhưng chứng cứ cho thấy Ấn Độ có tỷ lệ nhiễm bệnh cao thứ hai thế giới (hơn 10.500.000 cases), chỉ sau Mỹ, nhưng tỷ lệ tử vong vì bệnh trên 1 triệu người lại rất thấp, đứng ở vị trí 104 (với 111 cases), và số case hồi phục đứng hàng thứ 2 (chỉ sau Mỹ). Theo tôi được biết, cho đến nay, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) vẫn tiếp tục kiên định trong việc dùng Hydroxychloroquine để điều trị.

Brazil cũng thế. Chính quyền Brazil ủng hộ Hydroxychloroquine như một liệu pháp chính để điều trị COVID-19, và trên bảng xếp hạng thông số dịch tễ về coronavirus, họ tuy đứng hàng thứ 3 về số case nhiễm (hơn 8,8 triệu), nhưng vẫn đứng hàng thứ 3 về số case hồi phục (7,7 triệu).

Chẳng lẽ người Ấn ăn cà ri để chống coronavirus, hoặc người Brazil múa samba để quên đi dịch bệnh? Tôi lấy hai quốc gia có số case nhiễm lớn, cũng như khá nghèo, không có trình độ cao về trị liệu y khoa, không có hệ thống bệnh viện tốt như Mỹ và Châu Âu, để làm thí dụ thực tế. Và xin nhắc lại rằng, nếu dịch bệnh lan ra nhanh chóng và đánh sập nền y tế ở một quốc gia nghèo – cực nghèo, thì việc sử dụng một liệu pháp có thể có độc tính một chút, nhưng rẻ, sẵn có, và không bị làm tiền bởi các tập đoàn tư bản dược liệu, là một điều nên suy nghĩ và áp dụng không đắn đo. Có thể đối với người Mỹ, hydroxychloroquine là rủi ro, tác động đến sức khỏe, ảnh hưởng đến “quyền con người”…, nhưng với dân da màu Châu Phi, Ấn Độ, Châu Mỹ Latin…, thì đó vẫn có thể là một phương thuốc cứu vớt tạm thời và có thể có hiệu quả trên số đông.

Một người Ấn nghèo không thể chi ra USD3.000 cho việc mua Remdesivir. Và giờ đây, Remdesivir cũng được chứng minh là không hiệu quả trong trị liệu COVID-19 nữa.

Thật ra, như đã viết trong một bài nhận định TỔNG QUAN VỀ CÁC LOẠI THUỐC CHỮA TRỊ TẠM THỜI NCOV, tôi đã đặt Remdesivir xuống cuối bảng danh sách. Trong năm 2020 vừa qua, ngành y khoa Đông Á và trên thế giới đã dùng thuốc Avigan/Favipiravir điều chế của Nhật, (hay Favilavir theo cách gọi của người Trung Quốc) để trị bệnh. Sau đó, có thêm người Anh và Đức đã sử dụng Dexamethasone và các thuốc có gốc glucocorticoids để kiểm soát bão cytokine. Ngoài ra, đã có thêm các liệu pháp khác như truyền huyết tương mang kháng thể của người đã khỏi bệnh, kháng thể tổng hợp đơn dòng Bamlanivimab (của hãng Eli Lilly – Mỹ), hay kháng thể đơn dòng Regdanvimab (của hãng Celltrion, Hàn Quốc). Thực ra, ngành dược toàn cầu đang phân tách và điều chế những loại kháng thể đơn dòng chuyên để bắt chước cơ chế của những protein của hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập và tạo bản sao mã di truyền của virus, mà những loại đa kháng sinh trước đó đã được chứng minh là có một số hiệu ứng ức chế virus (như hydroxychloroquine, azythromycine…) nhất định. Tôi tin là trong tương lai gần, sẽ có những loại thuốc như vậy để điều trị đúng bệnh, đúng chủng virus hơn, đem lại dược tính hiệu quả hơn. Việc lưu trữ, phân phối và điều trị bằng thuốc cũng luôn dễ dàng, tiện lợi, dễ tiếp cận hơn so với vaccine.

Dù thế giới đã xuất hiện nhiều loại vaccine khác nhau, như:

  • Vaccine của Pfizer & BIONTech, Moderna (cả hai sử dụng công nghệ sinh học nano để chèn một đoạn di truyền mRNA của coronavirus vào một phân tử chất béo vô hại, sau khi tiêm vào cơ thể người thì chỉ có thể tạo ra bản sao của gai virus trong tế bào người, sau đó trở nên mục tiêu cho hệ miễn dịch nhận biết và tấn công),
  • Vaccine AstraZeneca (của Đại học Oxford (Anh Quốc), là vaccine tái tổ hợp – lấy đoạn gene DNA của virus vô hại hoặc giảm độc lực (ở đây là adenovirus ở loài tinh tinh) để không thể tự tạo bản sao, chèn thêm đoạn vật chất di truyền của coronavirus vào, và sau khi đưa vào cơ thể người sẽ chỉ có thể sao y một đoạn gene RNA của gai virus trong tế bào người, tạo nên mục tiêu tấn công cho hệ miễn dịch),
  • Vaccine Sputnik V (của Viện Y học Gamaleya (Nga), sử dụng công nghệ vector sinh học, đưa mã gene virus vào hai loại vector adenovirus khác nhau (rAd26 và rAd5) để tạo thành một chuỗi DNA thông tin, có khả năng xâm lấn tế bào nhưng không thể tự sao chép nguyên bản virus, mà chỉ có thể sao y một đoạn gene RNA của gai virus, sau đó chính hệ miễn dịch của con người sẽ tìm diệt những gai virus bị phân mảnh như thế này),
  • Vaccine của SinoVac và SinoPharm (sử dụng công nghệ sinh học để bọc các mã gene của nhiều chủng nCoV nguyên bản khác nhau (đến từ Trung Quốc, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển), bao gồm cả gai virus, trong một protein gọi là beta-propiolactone, để giảm độc lực và trở nên vô hại, sau đó lại trộn với một hợp chất nhôm có tính dẫn xuất để hệ miễn dịch phản ứng nhanh chóng với vaccine).

thì theo quan điểm của tôi, có lẽ các loại thuốc trị liệu mới là yếu tố thay đổi cuộc chơi này, chứ không phải vaccine. Loài người chẳng thể đủ nguồn lực để tiêm vaccine cho hơn 7 tỷ người trong vòng vài tháng trong cuộc chạy đua với virus biến chủng virus. Cho đến bây giờ, chúng ta đã có khá nhiều loại vaccine với nhiều hiệu quả chống virus khác nhau: Moderna (94,1%), Pfizer và BIONtech (95%), Oxford-AstraZeneca (70%), Sputnik V (91,4%). Dĩ nhiên, đang có một cuộc tranh luận về tính hiệu quả của SinoVac, loại vaccine được Bắc Kinh tung ra để ngoại giao sức mạnh mềm. Người Trung Quốc nói nó có hiệu quả 79.34%, người Brazil nói hiệu quả của nó chỉ là 50,4%, Indonesia nói 68%, Thổ Nhĩ Kỳ nói 91%, Các Tiểu Vương Quốc Arab nói 86%.

Tuy nhiên, nếu xét về giá thành, cũng như khả năng cất trữ, chuyên chở, phân phối, thì các vaccine của người Anh (AstraZeneca), người Nga (Sputnik V), người Tàu (CoronaVac) dễ lưu giữ dược tính và hiệu lực trong điều kiện bình thường, ở đâu cũng có sẵn phương tiện cất trữ hơn so với của Mỹ. Trong khi vaccine của Pfizer & BIONTech và của Moderna đều phải được trữ ở mức nhiệt độ cấp đông (frozen temperature) lần lượt là -70°C và -20°C, cùng với các yêu cầu chi tiết về rã đông (thawing), pha loãng (mixing), thời hạn sau khi rã đông, thì các loại vaccine khác của Anh, Nga, Trung Quốc chỉ cần giữ ở nhiệt độ của tủ lạnh (từ 2°C – 8°C) trong từ 1 đến 6 tháng. Như vậy nghĩa là chỉ riêng kỹ thuật cất trữ và tiêm chủng của vaccine Mỹ sẽ tốn nhiều chi phí hơn so với số vaccine còn lại. Giá tiền cho mỗi mũi vaccine cũng khác biệt như thế: của Pfizer là USD20/liều, của Moderna là từ USD10-USD50/liều, của AstraZeneca là dưới USD4/liều, của Sputnik V là dưới USD10. Giá của CoronaVac (thuộc SinoVac, Trung Quốc) là cả một vấn đề khi mà nó trồi sụt liên tục theo ảnh hưởng chính trị và nhu cầu thị trường, có lúc lên đến hơn USD37/liều, có lúc giảm xuống còn USD10/liều. Trong khi đó, người Hoa định giá SinoVac là USD5/liều.

Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi mà những khác biệt về công nghệ sản xuất, chi phí cất trữ, phân phối, chính sách ngoại giao, ảnh hưởng chính trị… đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận về tính hiệu quả của AstraZeneca, Sputnik V, SinoVac… trong thời gian gần đây. Các hãng dược nhiều tiền của như Pfizer, Moderna, BIONTech đã phát động các chiến dịch truyền thông nhằm săm soi đối thủ của họ trên thị trường. Người Mỹ cũng sẽ muốn dìm hàng của người Anh, Nga và Trung Quốc nữa đấy chứ, và ngược lại, ví dụ như:

Tổng thống Jair Bolsonaro trong lễ khởi động chương trình Đồng hành Giúp đỡ Thiện nguyện (Alliance for Volunteering aid program) tại Planalto Palace ở thủ đô Brasilia. Nguồn ảnh: Evaristo Sa/AFP/Getty Images

Tổng thống Brazil Jail Bolsonaro – một fan cứng của Donald Trump – đã ra lệnh tạm ngưng chích SinoVac vì hiệu quả thấp. Nên nhớ là trước đó, phía ngành y tế Brazil đã tuyên bố mức độ hiệu quả của SinoVac lên đến 78%, nhưng chỉ vài ngày sau, có lẽ vì áp lực đảng phái chính trị, họ đã giảm con số này xuống còn 50,4%. Tổng thống Bolsonaro tỏ ra rất vui với “chiến thắng này”.

Phía Bắc Kinh cũng không vừa gì. Họ tuyên bố sẽ chích miễn phí cho toàn dân (tổng cộng 1,4 tỷ người – haizz, thế là mấy tập đoàn dược phẩm tư bản đã mất một miếng bánh to), tặng nửa triệu liều Sinopharm cho Pakistan, tặng nửa triệu liều cho người Philippines, cho người Philippines mua vaccines với giá “hữu nghị BFF – Best Friends Forever”, tặng người Cambodia 1 triệu liều, … Người Hoa cũng đã ký được hợp đồng “ngoại giao vaccine” với nhiều quốc gia Châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Các Tiểu Vương Quốc Arab (UAE), Bahrain.

Trong khi đó, phía Nga (Spunik V) lại có động thái ủng hộ người Anh và người Ấn, hứa sẽ hợp tác nâng “nội lực” của AstraZeneca lên đến 90% để “chống lại” đám con buôn Pfizer.

Người Ấn thì dùng vaccine và ngành sản xuất dược liệu để tạo mối quan hệ đồng minh. Họ được người Anh, Mỹ chống lưng – và cũng là nơi sản xuất AstraZeneca, nên tuyên bố tặng 3,2 triệu liều cho Nepal, Bhutan, Bangladesh – những quốc gia đang cùng với Ấn Độ bảo vệ biên giới phía Bắc trước Trung Quốc. New Dehli cũng dự kiến tặng không vaccine cho Maldives, Mauritius, Myanmar, Seychelles, Sri Lanka và Afghanistan trong chính sách Neighbourhood First của mình.

Còn ngược lại, chắc chắn thế giới cũng đã đọc được nhiều bài báo liên quan (cả tiêu cực lẫn tích cực) đến tác dụng phụ và tỷ lệ tử vong sau khi tiêm vaccine của Pfizer và Moderna. Dĩ nhiên là việc sử dụng thuốc thì luôn đi kèm tác dụng phụ và tùy thuộc vào sức khỏe, cơ địa của người dùng nữa, nên các con số trên chỉ là cái cớ để nhiều quốc gia khác nhau tìm cách dèm pha nhau.

Điều kỳ lạ chính là Việt Nam lại không hồ hởi gì lắm với vaccine của Bắc Kinh. Chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận mở hơn nhiều, khi đã đặt mua 30 triệu liều cho 15 triệu người dân từ AstraZeneca. Việt Nam cũng đàm phán với phía Mỹ, Nga về việc mua vaccine Pfizer và Sputnik V. Còn đối với Trung Quốc, chưa thấy Việt Nam có các động thái rõ ràng gì về việc mua vaccine chống COVID-19 cả.

Có lẽ chính phủ Việt Nam cũng sử dụng chính sách “đối ngoại trung lập” đối với vaccine COVID-19, và cố tránh xa hàng hóa của Trung Quốc vì lẽ dân Việt đã sợ và sẽ né tránh ngay lập tức khi đọc được dòng chữ “Made In China” trong các sản phẩm liên quan đến thực phẩm và dược phẩm nhập khẩu. Chả người Việt nào dám liều mạng sử dụng hàng của Trung Quốc cả. Đấy cũng có thể là một lý do – liên quan đến lợi nhuận và thương mại – khiến ngành y tế Việt Nam không dám ngỏ lời mua SinoPharm và SinoVac. Bắc Kinh nên tự ngầm hiểu rằng, “mình đã làm thế nào để khiến người ta xử sự như vậy”.

Với tình hình này, nhận định về tính hiệu quả của vaccine sẽ là không chính xác và khá rối ren, vì luôn có sự tác động của chính trị, xã hội và lòng tham của con người. Sự thật về hiệu quả của vaccine còn lâu mới xác định được. Chắc chắn là phải sau nửa năm nữa kể từ khi đưa vào tiêm chủng các loại vaccine ở trên, chúng ta mới có thể nhận biết được tính hiệu quả và tối ưu của chúng. Đó là chưa kể đến các dấu hiệu về biến chủng virus mới đang được loan báo mấy ngày hôm nay, cho thấy một trong số chúng có thể vượt qua kháng thể đã được tạo lập bởi vaccine. Đã có một cuộc thử nghiệm sử dụng huyết tương (serum) của người đã tiêm vaccine chống COVID-19 của Moderna, được lấy sau 7 ngày chích liều thứ 2 và sau đó khảo sát khả năng trung hòa “virus SARS-CoV-2 giả” (pseudovirus). Kết quả cho thấy rằng, hiệu quả trung hòa virus đối với chủng biến thể ở Anh (mã số B.1.1.7) không thay đổi đáng kể, nhưng giảm ít nhất là 6 lần đối với chủng biến thể ở Nam Phi (mã số B.1.351) (tuy vẫn còn nằm trong ngưỡng bảo vệ cho phép). Đây là khảo sát ở trong phòng thí nghiệm, nên chắc chắn chưa phản ánh chính xác đối với chủng virus thật ở ngoài môi trường tự nhiên. Chính hãng Moderna cũng đưa ra nhận định rằng sự suy giảm tính hiệu quả trong khả năng trung hòa virus có thể cho thấy nguy cơ tiềm ẩn làm suy giảm khả năng miễn dịch sớm hơn đối với các chủng B.1.351 mới của virus SARS-COV-2.

Ngay cả biến chủng ở Anh (mã số B.1.1.7), ngoài khả năng lây lan nhanh, lại đang được giới y tế quốc gia này đặt vấn đề có tính độc cao hơn từ 30%-40% sau khi đếm lại và thống kê số xác chết trong 3 tháng vừa qua.

Cuối cùng, về mặt trị liệu COVID-19, gì thì gì giới khoa học y khoa thế giới cần phải nghiên cứu thêm về những phương pháp chống dịch bệnh đa dạng khác so với vaccine và thuốc – như cơ địa con người, nếp sống, cách sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, sức khỏe hệ miễn dịch, chính sách điều tiết xã hội, nhận thức về dịch bệnh… để củng cố thêm nhiều tuyến bảo vệ và ngăn chặn.

Dường như trong đợt dịch này, chúng ta chỉ thấy tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao xuất hiện ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển, nếp sống công nghiệp cao, con người đã quen với môi trường sạch sẽ, hệ miễn dịch không có nhiều khả năng chống lại bệnh lạ, chế độ dinh dưỡng cũng không nhiều vitamin và khoáng chất đến từ nguồn tươi sống (mọi nguồn thịt ở xã hội Mỹ, Nhật, Tây Âu, Australia… đều phải nằm trong kho đông lạnh ít nhất là 6 tháng, rau quả tươi khá đắt vì phải trồng và chỉ có sẵn theo mùa).

3. Trong đại dịch COVID-19 và COVID-20, chúng ta chứng kiến những cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội, những lời nói dối khủng khiếp, và sự kiêu ngạo trước sức mạnh của thiên nhiên. Đó là thái độ che dấu dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc, bịt miệng giới y bác sĩ, cấm truyền thông đưa tin, phong tỏa tin tức tại nơi lần đầu tiên dịch bệnh bùng phát. Đó là sự kiêu căng của Donald Trump và người Mỹ, đã chứng kiến mức độ khủng khiếp của lây lan dịch bệnh tại Trung Quốc, Nhật, Hàn, Iran, Italia, Tây Ban Nha, Pháp… nhưng vẫn không rút kinh nghiệm và chấp nhận dứt bỏ khỏi bầu sữa cung ứng hàng hóa giá rẻ của đại công xưởng thế giới Bắc Kinh.

Tôi còn nhớ, khi dịch bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, có rất nhiều trang tin của người Việt loan báo – thậm chí là cường điệu và chế biến – các thảm cảnh xảy ra khi dịch lan tràn tại Vũ Hán: nào là cảnh sát khóa cửa nhà dân để cấm đi lại, nào là người ta tự dưng ngã xuống chết ở ngoài đường, nào là xác chết chồng chất trên đường, nào là mật độ khí SO2 tăng cao trên bầu trời Vũ Hán là do lò thiêu xác hoạt động hết công suất, nào là người dân bỏ chạy khỏi nơi phong tỏa… Tất nhiên, những điều đó giúp cho người Việt Nam có tinh thần đề phòng cao độ đối với trận dịch. Tôi chỉ ngạc nhiên vì sao những thông tin như thế – từng được chế biến và loan đi bởi những người Việt chống Trung Quốc có mối quan hệ với Mỹ rất sâu đậm, lại không thể trở nên lời cảnh cáo nghiêm túc dành cho chính người Mỹ và đất nước Mỹ? Rồi ngay sau đó, khi Mỹ bùng phát dịch bệnh, chính những người “chế biến tin tức” này lại quay mặt 180 độ, ủng hộ Donald Trump, cho rằng dịch bệnh không đáng sợ, đổ lỗi cho người Trung Quốc, gọi nCoV là “virus Hoa chủng” (Chinese Virus). Rồi sau đó, lại có những tin đồn về việc nCoV là sản phẩm vũ khí sinh học từ phòng thí nghiệm được tung ra bởi Mỹ, Nga, và ngay cả Trung Quốc. Người thì nói nó là từ trung tâm thí nghiệm và nghiên cứu dịch bệnh tại Vũ Hán. Kẻ thì nói có người Mỹ cùng đầu tư và tham gia vào những thí nghiệm tại Vũ Hán. Bên thì khẳng định chính người Trung Quốc mới là thủ phạm gieo rắc virus trên toàn cầu. Nhưng rõ ràng là, sau 1 năm diễn biến, chính con virus này đang đổi màu biến chủng như tắc kè, dù ở Anh hay Nam Phi, ở Brazil hay Trung Quốc. Giới khoa học cũng khẳng định các đột biến mới trong bộ gene của nCoV hoàn toàn phù hợp với diễn biến dịch tễ học. Vậy thì ai đã tạo ra con virus này. Chúa ư?

Thật khó hiểu về tâm lý của con người khi lâm vào thảm họa, phải không? Họ ra sức tô đậm máu và nước mắt của kẻ thù khi đại dịch tràn đến, nhưng lại xóa bớt tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh khi nó xảy đến cho thần tượng của mình. Đó thực sự là cơn cuồng điên nhất của loài người, mà chúng ta sẽ còn chứng kiến khi cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU ập tới trên toàn cầu. Thực ra, từ nhiều năm trước, đã có hàng loạt lời đổ lỗi và ngụy biện cho biến đổi khí hậu là “lời nói dối của Bắc Kinh” (Chinese hoax), là do đại công xưởng Trung Quốc thải khí nhà kính lớn nhất (họ quên béng đi mất khối lượng phát thải khổng lồ lớn nhất lịch sử của nước Mỹ cho đến hiện nay, cũng như ai là bên đang mua hàng và tiêu thụ hàng hóa của người Hoa), là do đàn bò Anh đánh rắm quá nhiều vì điên loạn, là do Nga và Ấn Độ cũng đốt than đá nữa… vân vân và mây mây.

Luôn có màu sắc chính trị đan xen đậm đà vào những bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng, khi mà loài người phải cạnh tranh nhau về năng lượng, mức độ khai thác tài nguyên, sự tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ hàng hóa. Những người không hiểu biết và không biết suy nghĩ thì hùa nhau tin, nhưng các kẻ tung tin đồn thất thiệt lại chính là những con rắn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, phát xít và phân biệt chủng tộc. Chúng làm như vậy để chuẩn bị gieo những hạt giống ngu dốt, chiến tranh và hận thù, chuẩn bị cho điều phải đến – khi mà các căng thẳng về nguồn sống trên hành tinh này đang chuẩn bị cạn kiệt và suy tàn. Chúng muốn một số lượng lớn dân số cần phải giết nhau bớt, để tạm cất đi gánh nặng về nhu cầu sống trong tương lai khủng hoảng ấy. Dĩ nhiên, khi các căng thẳng về nguồn sống cơ bản như nước uống, lương thực, không khí… xảy ra, thì chắc chắn sẽ có xung đột và tội ác, nhưng nếu con người biết bình tâm và thay đổi ý thức của mình trước rủi ro, họ vẫn có thể sống sót cùng nhau – nhưng với chiều kích cân bằng, không có ai được hơn ai cả. Điều đó làm tôi nhớ đến một trong những lời tiên tri của bà Vanga được báo chí thêu dệt và đăng trên mạng, rằng sau 100 năm nữa, chủ nghĩa cộng sản sẽ thành công trên toàn cầu.

Haizz, tôi chưa bao giờ tin mấy lời tiên tri vớ vẩn như vậy, nhưng dĩ nhiên mọi sự sẽ diễn ra như thế rồi, khi mà con người tàn phá thiên nhiên đến kiệt quệ, chiến tranh hạt nhân quét qua 2/3 dân số, các nguồn sống gần như biến mất, thì hoặc là số người còn sống sót sẽ phải ăn ở với các điều kiện như nhau, không thể phân biệt giàu với nghèo, tư bản với cộng sản, quan chức hay dân đen nữa đâu, hoặc là tất cả đều cùng chịu chung số phận bị hủy diệt trong cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6. Vậy nên không gọi là “chủ nghĩa cộng sản thành công tuyệt đối” thì là gì?

Con người nên cất bớt đi những mâu thuẫn xảy ra do quá khứ tham lam, kiêu ngạo, bạo tàn của họ gây ra cho chính giống loài này – từ các vị vua chinh phạt Đông Tây, các cuộc thánh chiến tàn khốc, cuộc cách mạng tư sản đạp đổ nền quân chủ, chủ nghĩa tư bản mại bản, chủ nghĩa tư bản thuộc địa, chế độ nô lệ da đen, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa đế quốc đến cuộc cách mạng vô sản đẫm máu, chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang, các cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng cộng sản, cách mạng văn hóa, sự kiện tàn sát ở Thiên An Môn, chủ nghĩa tư bản tân tự do, chủ nghĩa tư bản toàn cầu, chủ nghĩa tư bản đỏ… Ý thức hệ cộng sản độc tài thì sinh ra bởi mâu thuẫn giai cấp của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư sản thì sinh ra bởi đàn áp và quyền lực sát sinh của thể chế quân chủ. Thể chế quân chủ thì sinh ra từ sự tập kết quyền lực vào một nhóm duy nhất của bộ lạc bầy đàn săn bắt hái lượm thời tiền sử. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng tham và sự vơ vét. Vâng, tất cả chỉ là KARMA – HẬU QUẢ, của những gì ông bà tổ tiên của chúng ta đã gieo trước đó mà thôi. Và cuộc khủng hoảng khí hậu và đại tuyệt chủng lần thứ 6 có thể là thời điểm gặt hái hậu quả cuối cùng, là dấu chấm hết dành cho chuỗi luân hồi vô tận và thứ tội tổ tông truyền đời này.

Nhưng nếu loài người biết tự chấm dứt điều đó trong chính tâm hồn của mình, ở ngay thời điểm kịch tính và khó khăn như thế này, thì họ sẽ “thấy bờ” ngay lập tức. Hãy chấm dứt tham vọng tăng trưởng không giới hạn, chấm dứt thói quen tiêu dùng vô độ, chấm dứt ước mơ làm giàu, chấm dứt cái tôi của mình. Hãy chấm dứt khoe khoang sự giàu có của mình, các chuyến du lịch đắt tiền, hàng hóa tiêu chuẩn Mỹ – Nhật, quần áo thời trang Paris, nếp sống xa hoa tại Dubai, các món ăn “độc – lạ” trên bàn nhậu, các bộ salon gỗ đẳng cấp vua chúa, các ngôi biệt thự trăm tỷ, siêu xe, smartphone xịn… vì chúng là nguyên nhân kích hoạt thêm ước vọng và lòng tham của đại đa số công chúng, sẽ luôn tiếp tục ra sức hợp tác đào bới bất cứ thứ gì trên hành tinh này để được cho “bằng chị, bằng em”. Nếu con người biết dừng những điều giả dối đang tiêu diệt cả chủng loài và tập nhận ra điều chân thực trong hạnh phúc và cuộc sống của mình, chúng ta sẽ không cần quá nhiều thứ để chứng minh là chúng ta đang hạnh phúc.

Trong thời khắc này, điều cần làm chính là dẹp đi mọi khác biệt về quan điểm chính trị, văn hóa, tôn giáo, nếp sống, nếp nghĩ, tài sản, tiền bạc… để chỉ chú ý đến TÌNH YÊU và SỰ THA THỨ, cũng như cùng nhau đối phó với đại dịch và khủng hoảng biến đổi khí hậu. Hãy đặt câu hỏi rằng, chúng ta có biết yêu thương chính chúng ta hay không? Hãy tự hỏi chúng ta có biết yêu thương con cháu của mình hay không? Hãy suy nghĩ xem liệu con người còn có thể có mặt trên hành tinh này sau 500 năm nữa hay không?

Vâng, trong kỷ nguyên của ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU và ĐẠI TUYỆT CHỦNG LẦN THỨ 6, chỉ có TÌNH YÊU LÀ Ở LẠI. Khi có tình yêu và sự cảm thông, con người sẽ thật tâm hành động vì chính mình và người khác. Ví dụ như, khi hơn 7 tỷ người trên hành tinh này có thể làm được một điều đơn giản như chấp nhận ở trong nhà trong 1 tháng để chống dịch, không đi đâu cả, tập trung sức mạnh địa phương vào ủng hộ giới y tế tuyến đầu, biết chia sẻ nguồn sống cho nhau trong thời gian đó, ý thức đeo khẩu trang và giữ gìn sức khỏe. Tôi nghĩ rằng chỉ sau 1 tháng không “tham sân si”, “quay đầu là thấy bờ” như vậy, đại dịch có thể được kiểm soát và xác định các con bệnh để chữa trị dứt điểm. Nói đơn giản là thế, nhưng rất khó làm đấy. Bài tập đại dịch này sẽ là bài tập đầu tiên dành cho loài người như một chủng loài tự xưng mình là NGƯỜI KHÔN NGOAN (Homo Sapiens). Nếu chúng ta thất bại, chúng ta sẽ phải chấp nhận số phận đã an bài trong các đợt khủng hoảng tiếp theo.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng thông qua đại dịch này, thiên nhiên đang cho con người nếm thử cảm giác bị nghẹt thở, lá phổi bị tàn phá, dòng máu thiếu oxygen là như thế nào, khi mà chúng ta đang hủy hoạt, chặt phá hàng loạt cánh rừng – lá phổi và mạch sự sống của hệ sinh thái, và bơm khí thải độc hại ra đầy bầu khí quyển của hành tinh. Sự sống trên Trái Đất này đang hấp hối và không thể thở nổi như thế nào vì loài virus có tên gọi là homo sapiens, thì cũng giống như chính loài homo sapiens đang bị bóp nghẹt và sắp chết như vậy vì chủng coronavirus. Hãy tập đứng về phía các nạn nhân để hiểu nỗi đau của ĐẤT TRỜI. Ai là nguyên nhân chủ yếu của tất cả những vấn đề này?

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Hệ thống Tư bản Tài chính

BỘ LẠC WAORANI VÙNG PASTAZA

Từ ngày 27/2/2019, rời khỏi vùng đất Pastaza của tổ tiên họ trong khu vừng nhiệt đới Amazon lớn nhất thế giới, hàng trăm người thổ dân thuộc bộ lạc Waorani, đã đi bộ đến thành phố...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Dịch bệnh

MỸ VÀ TRUNG QUỐC HỢP TÁC VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU VIRUS VŨ HÁN?

Hôm 28/4/2020 vừa qua, Newsweek đã đăng một bài báo khá thú vị về vai trò của Dr. Anthony Fauci đối với các thí nghiệm liên quan đến coronavirus ở Phòng thí nghiệm sinh học Vũ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic