TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐANG NÓNG LÊN, GIỚI KHOA HỌC KHÍ TƯỢNG XEM XÉT NÂNG THANG ĐO CẤP BÃO LÊN CATEGORY 6


hanhtinhtitanic
TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐANG NÓNG LÊN, GIỚI KHOA...

Các nhà khoa học đề xuất thêm thang đo cấp bão số 6 mới (category 6) để phân loại những ‘cơn siêu bão cực kỳ khủng khiếp’, mà có nhiều khả năng sẽ xảy ra do cuộc khủng hoảng khí hậu.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ từ nguồn:

Hurricanes becoming so strong that new category needed, study says

In a Warming World, Climate Scientists Consider Category 6 Hurricanes

Trong hơn 50 năm qua, Trung tâm Cảnh báo Bão Quốc gia Hoa Kỳ (National Hurricane Center) đã sử dụng Thang đo Cấp Bão Saffir-Simpson để cảnh báo nguy cơ thiệt hại người và tài sản. Thang đo này xác định cường độ cấp bão theo thang bậc, từ Cấp 1 – Category 1 (có tốc độ gió từ 74 – 95 dặm/giờ, tức là từ 119 – 152 km/g) đến Cấp 5 – Category 5 (có tốc độ gió từ 158 dặm/giờ trở lên, tức là từ 254 km/g trở lên).

Theo một nghiên cứu khoa học vừa được công bố, các cơn bão đang ngày càng trở nên mạnh hơn do khủng hoảng khí hậu, nên việc phân loại chúng cần được mở rộng sang một cấp độ mới, là “cấp 6 – category 6”, nâng cao thêm thang đo đang ở tiêu chuẩn từ cấp 1 đến cấp 5.

Giới nghiên cứu cho biết, trong thập kỷ qua, đã có thể có đến 5 cơn bão được phân loại ở cường độ cấp 6 mới này, bao gồm tất cả các cơn bão có sức gió duy trì từ 192 mph (308 km/g) trở lên. Các nghiên cứu cho thấy những cơn bão lớn như vậy ngày càng có nhiều khả năng xảy ra do hiện tượng nóng lên toàn cầu, kéo theo các đại dương và bầu khí quyển ấm lên.

Ts. Michael Wehner, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Lawrence Berkeley National Laboratory) ở Mỹ, cho biết:

“Tốc độ 192 mph (308 km/g) có lẽ nhanh hơn hầu hết những chiếc siêu xe Ferrari, thật khó mà tưởng tượng ra nổi một tốc độ kinh khủng như thế. Nếu [chúng ta] bị cuốn vào cơn bão kiểu đó thì sẽ rất tệ đấy. Rất tồi tệ.”

Ông đã đề xuất cấp bão số 6 mới cùng với một nhà nghiên cứu khác, là Ts. James Kossin thuộc Đại học Wisconsin-Madison.

Báo cáo khoa học mới này, được công bố trong Tập san Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences), đề xuất mở rộng thêm thang đo cấp bão Saffir-Simpson đang được sử dụng rộng rãi. Thang đo Saffir-Simpson được phát triển vào đầu những năm 1970 bởi Herbert Saffir, một kỹ sư xây dựng và Robert Simpson, một nhà khí tượng học và là giám đốc của Trung tâm Cảnh báo Bão Quốc gia Hoa Kỳ (US National Hurricane Center).

Các cơn siêu bão cấp 5 – category 5 đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng trong những năm gần đây – chẳng hạn như sự tàn phá của Siêu Bão Katrina ở Tp. New Orleans (bang Louisiana, Mỹ) vào năm 2005 và tác động tàn khốc của Siêu Bão Maria đối với đảo quốc Puerto Rico vào năm 2017 – nhưng nghiên cứu mới ở trên cho rằng hiện nay còn có một cấp bão thậm chí ghê gớm hơn, cần được xếp vào một cấp độ thang đo mới dành riêng cho nó.

Chúng bao gồm cơn Siêu Bão Haiyan, đã giết chết hơn 6.000 người ở Philippines vào năm 2013, và cơn Siêu Bão Patricia, đạt tốc độ tối đa 215 dặm/giờ (346 km/g) khi hình thành gần Mexico vào năm 2015.

Bão Patricia, đạt tốc độ tối đa 215 dặm/giờ (346 km/g) vào năm 2015 – vượt xa tốc độ 157 dặm/giờ (252 km/g) của một cơn siêu bão cấp số 5 (category 5). Nguồn ảnh: Scott Kelly/EPA

Ts. Wehner nói:

“Hiện chưa có trường hợp nào [loại bão mạnh như vậy] ở khu vực Đại Tây Dương hoặc Vịnh Mexico, nhưng những điều kiện thuận lợi cho bão cấp số 6 vẫn đang tồn tại, chỉ là chúng ta thật may mắn khi chưa đối mặt với trường hợp nào như thế. Tôi hy vọng chuyện đó sẽ không xảy ra, nhưng đấy chỉ như là trò tung xí ngầu thôi. Chúng ta biết rằng những cơn bão loại này đã ngày càng trở nên dữ dội hơn, và sẽ tiếp tục xu hướng như vậy.”

Trong khi tổng số các cơn bão xuất hiện chưa tăng lên do khủng hoảng khí hậu, giới nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cường độ của các cơn bão lớn đã tăng lên đáng kể trong suốt 4 thập kỷ theo dõi bão qua vệ tinh. Một đại dương siêu nóng đang cung cấp thêm năng lượng để gia tăng cường độ nhanh chóng cho các cơn bão. Chúng còn được hỗ trợ bởi một bầu không khí ấm hơn, chứa đầy hơi ẩm.

Ts. Wehner cho biết thang đo Saffir-Simpson là thước đo không hoàn hảo để dự báo về các mức độ nguy hiểm do bão tố gây ra cho con người, phần lớn xảy ra do lượng mưa cực lớn và lũ lụt ven biển chứ không phải do gió mạnh, nhưng [thang đo] cấp số 6 sẽ làm nổi bật những rủi ro cao do bão mang lại trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông chia sẻ:

“Mục đích chính của chúng tôi là nâng cao nhận thức rằng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến những cơn bão dữ dội nhất”.

Theo Ts. Wehner, hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã làm tăng đáng kể nhiệt độ bề mặt đại dương và nhiệt độ không khí ở tầng đối lưu tại những khu vực dễ hình thành và sinh ra bão, lốc xoáy nhiệt đới và siêu bão, cung cấp thêm năng lượng nhiệt cho quá trình tăng cấp bão. Khi nhóm thực hiện nghiên cứu phân tích dữ liệu lịch sử về các cơn bão từ năm 1980 đến năm 2021, họ đã tìm thấy 5 cơn bão lẽ ra cần được phân loại ở Cấp số 6 – Category 6, và tất cả chúng đều xảy ra trong vòng 9 năm qua. Họ đã xác định giới hạn trên của giả định (hypothetical upper bound) cho các cơn bão cấp số 5 bằng cách xem xét phạm vi mở rộng của tốc độ gió giữa các cơn bão có cấp độ thấp hơn.

“Động lực của chúng tôi là mong muốn xem xét lại việc mở rộng Thang đo Saffir-Simpson có thể dẫn đến tình trạng đánh giá thấp rủi ro như thế nào, và đặc biệt, việc đánh giá thấp này ngày càng trở thành vấn đề trong một thế giới đang nóng lên.” – Ts. Michael Wehner

Bão nhiệt đới (hurricanes) và cuồng phong (typhoons) về cơ bản là thuộc cùng một hiện tượng thời tiết; sự khác biệt về tên gọi của chúng hoàn toàn là do đặc điểm địa lý: các cơn bão ở khu vực Bắc Đại Tây Dương và Đông Bắc Thái Bình Dương được gọi là Hurricanes, ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được gọi là Typhoons, còn ở khu vực Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thì được gọi là lốc xoáy nhiệt đới (Tropical Cyclones).

Ngoài việc nghiên cứu quá khứ, các nhà khoa học còn phân tích những mô hình để khám phá xem cách mà nền khí hậu ấm lên sẽ tác động như thế nào đến cường độ bão. Mô hình của họ đã cho thấy rằng với mức tăng nhiệt toàn cầu thêm 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, xác suất nguy cơ hình thành bão cấp số 6 – category 6 tăng tới 50% ở gần khu vực biển Philippines, và tăng gấp đôi ở Vịnh Mexico. Nguy cơ cao nhất [cho người dân] phải đối mặt với các cơn bão cấp độ này là ở khu vực Đông Nam Á, Philippines và Vịnh Mexico.

Các hệ thống [dự báo/cảnh báo thiên tai] được sử dụng để lập biểu đồ thế giới xung quanh chúng ta trước đây đã được điều chỉnh để phản ánh những thay đổi nhanh chóng trong thời hiện đại. Cơ quan Khí tượng Australia đã thêm một màu chỉ báo mới – màu tím – vào bản đồ thời tiết để báo hiệu tình trạng nắng nóng tàn khốc, trong khi chỉ mới tuần trước, chương trình Theo dõi Rạn San hô (Coral Reef Watch programme) của chính phủ Hoa Kỳ đã bổ sung thêm ba cấp độ cảnh báo mới để nắm bắt tình trạng căng thẳng nhiệt ngày càng tăng mà loài san hô trên toàn cầu đang phải gánh chịu.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm có thang đo cấp bão chính thức mới – là cấp số 6 (category 6). Trung tâm Cảnh báo Bão Quốc gia Hoa Kỳ vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận cho nghiên cứu mới ở trên.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

TUYỆT CHỦNG

THẢM HỌA KHÍ HẬU LÀ ĐÂY

Hành tinh Trái Đất đã trở nên không thể sống được nữa. Liệu các chính phủ có hành động để ngăn chặn thảm họa này ngày càng trở nên tồi tệ hơn hay không? Mức độ thảm khốc và sự hỗn...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Hiện tượng tăng nhiệt tầng bình lưu

TIẾNG THÉT VÔ TẬN ĐANG BĂNG QUA THẾ GIỚI TỰ NHIÊN

Các mẫu luồng gió xoáy tại Bắc Cực được vệ tinh chụp lại trên khu vực Bắc Cực vào ngày 30/3/2019 giống hệt như điều mà danh họa Edvard Munch đã viết trong nhật ký của ông vào năm...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic