MUA SẮM HOẢNG LOẠN VÀ COVID-19


Konan
MUA SẮM HOẢNG LOẠN VÀ COVID-19

Trong thế giới tự nhiên, sinh vật có 2 xu hướng thích nghi chính để sống sót. Xu hướng đầu tiên là thích nghi sinh học (biological adaptation), khi cơ thể sinh vật tiến hóa những đặc điểm sinh học có sức chống chịu với môi trường. Xu hướng này thể hiện rõ nhất ở những loài vật có lối sống đơn độc. Khi phải thường xuyên phải một mình đối mặt với nguy hiểm, vũ khí tự thân là điều bắt buộc để sinh tồn. Xu hướng thứ hai là thích nghi hành vi (behavioral adaptation), khi sinh vật phát triển những hành vi giúp chúng ứng phó với điều kiện môi trường. Ở những loài sống bầy đàn, ta có thể thấy rõ xu hướng thích nghi này thông qua việc các cá thể trong đàn phối hợp với nhau để ứng phó với vấn đề. Khi tập thể được bảo vệ thì ngược lại cơ hội sống sót của cá thể cũng tăng lên.

Cùng sống trong môi trường băng giá, gấu trắng và chim cánh cụt hoàng đế là những ví dụ tiêu biểu cho 2 xu hướng thích nghi này. Quá trình tiến hóa trang bị cho gấu trắng bộ lông cách nhiệt, lớp mỡ dày và đặc biệt là một cơ thể đồ sộ giúp giảm tói đa tỷ lệ “tiết diện cơ thể/sinh khối”, qua đó tối ưu hóa năng lượng để sưởi ấm cơ thể. Chẳng phải tự nhiên mà gấu trắng là loài gấu lớn nhất thế giới hiện tại. Về phần chim cánh cụt hoàng đế, chúng cũng có lớp mỡ dày, nhưng từng đó là không đủ để sinh tồn đơn độc trong môi trường băng giá như gấu trắng. Bí quyết của loài này là hành vi sống quần tụ, đứng sát với nhau thành một quần thể lớn. Trong quần thể ấy, những cá thể ở bên trong và bên ngoài sẽ lần lượt đổi chỗ cho nhau. Và như thế tất cả cùng được chia sẻ sự ấm áp, cùng có cơ hội sống sót trước cái lạnh.

Cách đàn chim cánh cụt hoàng đế tổ chức để sưởi ấm cho nhau

Dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn thế giới. Tình hình dịch ở Việt Nam cũng đang diễn tiến căng thẳng, đến mức Chính phủ đã phải quyết định cách ly toàn xã hội. Và trong điều kiện của dịch bệnh, ta lại thấy câu chuyện về loài gấu trắng và chim cánh cụt trong thế giới loài người qua hiện tượng mua sắm hoảng loạn (panic-buying) đã được ghi nhận ở khắp nơi trên thế giới.

Hành vi mua sắm hoảng loạn của con người giống hệt một con gấu trắng ăn ngấu nghiến tất cả những gì kiếm được để tích trữ năng lượng nhằm sống sót qua mùa đông dài. Nhưng có một điều khác biệt giữa thế giới của người và gấu, đó là môi trường sống truyền thống (không tính tới sự suy thoái do biến đổi khí hậu hay tác động của con người) có thể đảm bảo cho gấu trắng tích một lượng mỡ khổng lồ. Nhưng với con người thì khác, xã hội chúng ta không được thiết kế để vận hành cho một chu kỳ tích trữ dài đằng đẵng. Nếu tất cả mọi người tích trữ hàng hóa (stockpiling) một cách đột ngột và cùng lúc, chắc chắn lượng nhu yếu phẩm tại một thời điểm nhất định sẽ không đủ. Lúc đó sẽ có người thừa mứa, đổi lại là người khác bị đói nặng.

Vậy đối tượng nào sẽ bị đói?

Câu trả lời rất đơn giản: tầng lớp yếu thế!

Đó là người già, người nghèo, người không có điều kiện di chuyển, người ở vùng xa xôi, etc. Đó là một cụ bà người Australia bật khóc trước kệ hàng trống không trên kệ siêu thị. Đó là một y tá người Anh rớt nước mắt vì không thể mua được rau hay hoa quả để củng cố sức khỏe của chính mình trong cuộc chiến chống Covid-19 mà cô ấy ở tuyến đầu. Thậm chí khi khẩu trang cạn kiệt trong các hiệu thuốc tại Pháp, sự hoảng loạn đã lên đến đỉnh điểm khi có những đối tượng đập cửa kính ô tô của các y tá gia đình để trộm khẩu trang của họ. Nhìn vào những câu chuyện đó, liệu mỗi người trong số chúng ta còn tự tin dạy con mình về những đức tính nhân bản như sự đồng cảm, sẻ chia, thương yêu, đùm bọc?

Y tá tại Anh khóc vì không mua được rau quả vì siêu thị đã bị vét sạch

Chưa kể, những người bị hành động tích trữ của ta tước đi cơ hội tiếp cận với nhu yếu phẩm, họ rất có thể là một bộ phận trong hệ thống sản xuất phân phối đang cung cấp chính những nhu yếu phẩm đó cho ta. Họ chết, hệ thống đó cũng chết, và ta cũng đừng hòng sống được. Họ cũng có thể là cha mẹ của một bác sĩ sẽ cứu sống ta vào một lúc nào đó. Những chiếc khẩu trang, chai nước rửa tay hay lọ thuốc Chloroquine mà ta tích trữ đáng ra đã có thể dành cho các bác sĩ để cứu sống chính người thân của ta.

Vòng lặp nhân-quả trong xã hội loài người tưởng xa nhưng nhiều khi rất gần. Sống vì người khác cũng là sống vì mình. Giữa cuộc khủng hoảng mua sắm, con người phải học loài chim cánh cụt, thực hiện hành vi thích hợp để tăng tỷ lệ sống sót của tập thể, qua đó tăng tỷ lệ sống sót của bản thân.

Hành vi thích hợp đó là gì?

Hãy lấy ví dụ về câu chuyện khác cũng được nhắc đến rất nhiều trong thời gian này: làm phẳng đường cong (flatten the curve). Chúng ta nói tới việc hệ thống chăm sóc y tế có một ngưỡng tải số lượng bệnh nhân nhất định trong khoảng thời gian nhất định. Để tránh tình trạng vỡ trận, điều cốt yếu là phải kìm đà tăng số ca bệnh mới, phải giữ số bệnh nhân vào viện không vượt quá số lượng bệnh nhân xuất viện trong cùng thời điểm. Trở lại với câu chuyện mua sắm, để nhu cầu của tất cả cùng được đảm bảo, để hệ thống kịp xoay vòng, mỗi người chỉ nên mua hàng ở một mức độ vừa phải. Đơn cử như câu chuyện lúa gạo, để ai cũng có gạo ăn, để không ai rơi vào tình trạng đói giáp hạt trước khi sang vụ mới, thì mỗi gia đình không nên tích trữ quá nhiều so với nhu cầu, cũng không nên tích trữ cho thời gian quá dài. Nói vắn tắt, ta cần mua sắm với tinh thần san sẻ với tập thể như loài cánh cụt, điều đó sẽ giúp hạ thấp đỉnh của cơn sóng thần có tên tích trữ hàng hóa.

Ngoài ảnh hưởng tới vấn đề cung ứng hàng hóa, mua sắm hoảng loạn trong thời Covid-19 còn mang tới một nguy cơ mà ít người nhắc tới: lây lan mầm bệnh.

Trong khủng hoảng, phản ứng bầy đàn là một hiện tượng dễ hiểu. Nhưng khủng hoảng Covid-19 không giống những cuộc khủng hoảng khác, nó là một dịch bệnh có khả năng lây lan khủng khiếp và sẽ khiến mọi hành vi bầy đàn đều mang theo nguy cơ sức khỏe. Ta thấy hàng xóm đổ xô đi mua sắm, ta chột dạ, cũng xách giỏ lên và đi. Nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi một lượng lớn con người ùn ùn kéo tới chợ, tới siêu thị, tới cửa hàng cùng một lúc? Kịch bản may mắn là không có mầm bệnh trong số người đó, thì ok đen lắm cũng chỉ đến mức ta không mua được giấy vệ sinh, vì giấy bị mua hết mà siêu thị chưa kịp nhập. Nhưng kịch bản tồi tệ hơn là khi mầm bệnh đã âm thầm vi hành trong cộng đồng. Lúc đó thì có thể ta vừa không mua được giấy, mà xác suất chạm mặt với người bệnh và được san sẻ vài giọt nước bọt chứa virus cũng tăng lên. Vì một cơn lên đồng tập thể mà tạo thêm môi trường thuận lợi cho virus lây lan thì có đáng không?

Nói tóm lại, trong bối cảnh Covid-19, dù cách ly hay không cách ly, hãy nghĩ tới tập thể vì đó cũng là cho mình. Mỗi người hãy là một chú chim cánh cụt biết mua vừa đủ, không chạy theo đám đông, hạn chế cầm nắm khi mua đồ, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Quốc gia Khủng hoảng

SỐ PHẬN VIỆT NAM VÌ LỰA CHỌN NĂNG LƯỢNG BẨN

Đọc tin này thì hiểu rằng than đá đang đi vào lịch sử của nền kinh tế bẩn. Ai ủng hộ than đá thì đang ở trong thời kỳ ngu muội của phát triển. Donald Trump, Scott Morrison, Nguyễn...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Khủng hoảng tâm lý con người

HỌC ĐỂ LÀM GÌ KHI KHÔNG CÓ MỘT TƯƠNG LAI ĐỂ SỐNG SÓT

Phong trào Bãi Học Đường (School Strike) của cô bé 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg sẽ được hưởng ứng rộng khắp tại 51 quốc gia vào ngày Thứ Sáu 15/3/2019 này. Học sinh trên...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic