KHỦNG HOẢNG HÀNH VI CON NGƯỜI LÀ GỐC RỄ CỦA TAN VỠ NỀN KHÍ HẬU


hanhtinhtitanic
KHỦNG HOẢNG HÀNH VI CON NGƯỜI LÀ GỐC RỄ CỦA...

Báo cáo khoa học mới tuyên bố rằng, trừ khi nhu cầu về tài nguyên giảm đi, nhiều cải tiến công nghệ mới chỉ như là một kiểu vá víu tạm bợ mà thôi.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ từ nguồn: Human ‘behavioural crisis’ at root of climate breakdown, say scientists

Mức nhiệt cao kỷ lục, lượng khí thải kỷ lục, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch kỷ lục. Cho dù Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Khí hậu COP28 (2023) vừa diễn ra được 1 tháng, thế giới còn lâu mới đạt được các mục tiêu chung về khí hậu. Theo một nghiên cứu gần đây, gốc rễ của tất cả những vấn đề này là xu hướng “khủng hoảng hành vi” của con người, một thuật ngữ được đặt ra bởi một nhóm các nhà khoa học liên ngành.

Ts. Joseph Merz, tác giả chính của một báo cáo khoa học mới này, đề xuất rằng việc nền khí hậu tan vỡ là một dấu chỉ của tình trạng vượt giới hạn hệ sinh thái (ecological overshoot), mà nguyên nhân là do nạn khai thác có chủ ý của hành vi con người. Ông nói:

“Về mặt xã hội, chúng ta đã tự thiết kế bản thân theo cách chúng ta đã can thiệp địa-công nghệ (geoengineer) vào hành tinh này.”

Mô hình quả địa cầu đặt tại Triển lãm Tiêu dùng Công nghệ CES ở Las Vegas (Mỹ) hồi đầu tháng 1/2024. Các chuyên gia về khí hậu khẳng định “sự sáng tạo và đổi mới đang thúc đẩy mức tiêu thụ quá mức”. Nguồn ảnh: Ethan Miller/Getty Images

Ts. Merz, cũng là nhà đồng sáng lập Viện Merz (Merz Institute) – một tổ chức chuyên nghiên cứu các nguyên nhân mang tính hệ thống của cuộc khủng hoảng khí hậu và cách giải quyết chúng, cho biết:

“Chúng ta cần lưu ý đến cách chúng ta đang bị thao túng.”

Merz và nhiều đồng nghiệp của ông tin rằng, hầu hết những “giải pháp” khí hậu được đề xuất cho đến nay chỉ nhằm giải quyết các triệu chứng, chứ không phải là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng. Họ cho rằng, điều này dẫn đến mức độ ngày càng tăng của ba “đòn bẩy” khiến [hệ thống kinh tế – xã hội của con người] vượt quá giới hạn [phục hồi của hệ sinh thái], là: tiêu dùng, rác thải và dân số.

Họ cho rằng, trừ khi nhu cầu về tài nguyên giảm đi, nhiều cải tiến công nghệ khác chỉ như một kiểu vá víu tạm bợ mà thôi. Merz nói:

“Chúng ta có thể đối phó với biến đổi khí hậu, rồi làm cho tình trạng vượt quá giới hạn này càng trở nên tồi tệ hơn. Một cách nguy hiểm, vết chân khai thác tài nguyên của ngành năng lượng tái tạo chưa được phân tích thảo luận đầy đủ. Những trang trại năng lượng này phải được xây dựng lại sau mỗi vài thập kỷ – chúng sẽ không giải quyết được vấn đề lớn, trừ khi chúng ta giải quyết được nhu cầu.”

Thuật ngữ “Vượt giới hạn [phục hồi của hệ sinh thái] – Overshoot” đề cập đến số lượng Trái Đất mà xã hội loài người đang sử dụng để duy trì – hoặc phát triển – chính nền văn minh này. Nhân loại hiện sẽ cần đến 1,7 Trái Đất để duy trì mức tiêu thụ tài nguyên ở giới hạn mà khả năng sinh học của hành tinh này có thể tái tạo được.

Khi các thảo luận về cuộc khủng hoảng khí hậu thường [có xu hướng]tập trung vào lượng khí thải carbon, thì việc đề cập đến tình trạng vượt giới hạn này sẽ làm nổi bật cách sử dụng nguyên vật liệu, lượng chất thải ra và sự tăng trưởng của xã hội loài người, tất cả đều ảnh hưởng đến sinh quyển của Trái Đất. Ts. Merz nói:

“Về cơ bản, tình trạng vượt giới hạn – overshoot là một cuộc khủng hoảng về hành vi con người. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã khuyên mọi người thay đổi hành vi của mình mà không nói: ‘Hãy thay đổi hành vi của bạn’. Chúng ta luôn khẳng định ‘xanh hơn’ hoặc ‘bay ít hơn’, nhưng trong khi đó, tất cả những điều thúc đẩy hành vi lại đã đang thúc đẩy một cách khác. Tất cả những ám chỉ tinh tế và không quá tinh tế này thực sự đã bị đẩy theo hướng ngược lại – và chúng ta đang tự hỏi tại sao không có gì thay đổi.”

Báo cáo khoa học trên khám phá cách mà tâm lý thần kinh, tín hiệu xã hội và các chuẩn mực đã được khai thác để thúc đẩy hành vi của con người nhằm phát triển nền kinh tế, từ chuyện tiêu dùng hàng hóa đến xây dựng gia đình đông con. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng những động lực xưa cũ – ước muốn thuộc về một bộ lạc, hoặc chỉ báo địa vị của một con người, hoặc thu hút bạn tình – đã được giới tiếp thị chiến lược đồng lựa chọn để tạo ra những hành vi không tương thích với một thế giới bền vững.

Ts. Phoebe Barnard, nhà sinh thái học hành vi tiến hóa và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết:

“Người dân là nạn nhân – chúng ta đã bị bóc lột đến mức phải rơi vào khủng hoảng. Các công cụ này đang được sử dụng để đẩy chúng ta đến tình trạng tuyệt chủng. Tại sao người ta không sử dụng chúng để xây dựng một thế giới thực sự bền vững?

Chỉ 1/4 dân số thế giới chịu trách nhiệm cho gần 3/4 lượng khí thải. Các tác giả [của nghiên cứu trên] đề xuất rằng, chiến lược tốt nhất để chống lại tình trạng vượt quá giới hạn – overshoot là sử dụng các công cụ của ngành tiếp thị, truyền thông và giải trí trong một chiến dịch nhằm xác định lại những chuẩn mực từng được chấp nhận bởi mô hình xã hội khai thác/sử dụng nhiều tài nguyên của chúng ta.

“Chúng tôi đang nói về việc thay thế những gì mọi người đang cố gắng truyền đạt thông tin cho nhau, những gì họ đang cố gắng biểu thị về bản thân họ. Hiện tại, các thông tin truyền đi của chúng ta đều có dấu chân khai thác tài nguyên rất cao – từ quần áo mặc gắn liền với địa vị xã hội và sự giàu có, chất liệu của chúng có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, được vận chuyển đến Đông Nam Á thường xuyên nhất và sau đó được chuyển đến đây, chỉ để được thay thế bởi xu thế của mùa thời trang tiếp theo. Những thứ mà con người có thể gắn địa vị xã hội của mình vào theo cách dễ thay đổi và linh hoạt, chúng ta có thể thay thế tất cả bằng những thứ về cơ bản không để lại dấu chân vật chất – hoặc thậm chí tốt hơn là, mang lại tích cực về mặt sinh thái.”

Viện Merz điều hành một phòng thí nghiệm về hành vi overshoot, nơi họ nghiên cứu các biện pháp can thiệp nhằm giải quyết tình trạng vượt giới hạn phục hồi của hệ sinh thái. Một trong số đó chỉ ra “những người có ảnh hưởng đến hành vi” như giới kịch tác gia phim ảnh (screenwriters), giới phát triển web và kỹ sư thuật toán, tất cả đều đang thúc đẩy các chuẩn mực xã hội nhất định và có thể đang nỗ lực tái thiết lập xã hội một cách tương đối nhanh chóng và vô hại bằng cách thúc đẩy một loạt hành vi mới.

Báo cáo khoa học thảo luận về thành công to lớn trong hoạt động của Trung tâm Truyền thông Dân số (Population Media Center), một sáng kiến giúp tạo ra ngành giải trí phổ thông nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi đối với tình trạng gia tăng dân số, và thậm chí là cả bạo lực giới. Tỷ lệ sinh sản đã giảm ở các quốc gia mà những bộ phim truyền hình và tiểu thuyết truyền thanh của trung tâm được phát sóng.

Tăng trưởng dân số là một chủ đề khó đề cập vì mối liên hệ không xa với lịch sử của thuyết ưu sinh và nạn thanh lọc sắc tộc đã từng được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Ts. Merz và các đồng nghiệp nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải đối mặt với vấn đề này vì sự gia tăng dân số đã hủy bỏ hầu hết những thành quả đạt được cho nền khí hậu từ ngành năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả trong ba thập kỷ qua.

Ts. Barnard cho biết:

“Thành thật mà nói, đây chính là vấn đề giải phóng phụ nữ. Trình độ học vấn cao hơn sẽ dẫn đến tỷ lệ sinh thấp hơn. Ai có thể tuyên bố chống lại việc giáo dục nữ giới – và nếu đúng như vậy, thì tại sao vậy?”

Nhóm khoa học nói trên kêu gọi tiến hành nhiều nghiên cứu liên ngành hơn về cái mà họ gọi là “cuộc khủng hoảng hành vi con người” và nỗ lực phối hợp để tái xác định các chuẩn mực và mong muốn xã hội đang thúc đẩy xu hướng tiêu thụ quá mức của chúng ta. Khi được hỏi về vấn đề đạo đức của một chiến dịch như vậy, Ts. Merz và Ts. Barnard chỉ ra sự thật rằng các tập đoàn kinh tế luôn cố giành được sự chú ý của người tiêu dùng từng giây mỗi ngày.

Ts. Barnard đặt câu hỏi:

“Việc khai thác tâm lý của chúng ta nhằm mang lại lợi ích cho một hệ thống kinh tế đang hủy hoại hành tinh thì có phải là đạo đức hay không? Xu hướng sáng tạo và đổi mới [liên tục] đang thúc đẩy tiêu dùng quá mức. Hệ thống này đang đẩy chúng ta đến chỗ tự sát. Đó là nạn xâm chiếm, quyền tư lợi, hủy hoại giá trị gia đình, sự kiêu ngạo, và nó còn đi kèm với một nhóm các hành vi bẩn thỉu khác để đẩy chúng ta đến bờ vực thẳm.”

Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, các giải pháp nào không giải quyết được những động lực cơ bản của nền kinh tế chỉ biết tăng trưởng của chúng ta sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đã vượt quá giới hạn.

Ts. Barnard nói:

“Mọi thứ chúng ta biết và giữ gìn yêu thương đều đang bị đe dọa. Một hành tinh có thể cư ngụ được và một nền văn minh hòa bình đều có giá trị như nhau, và chúng ta cần ý thức về việc sử dụng mọi công cụ dựa trên nền tảng đạo đức và công lý. Đây không chỉ là nói về nhân loại. Đây là về mọi loài khác trên hành tinh này. Đây là vấn đề của các thế hệ trong tương lai.”

“Tôi thực sự thất vọng khi mọi người bị tê liệt và chỉ biết ngồi suy nghĩ rằng ‘tôi phải làm gì đây?’ Hay ‘chúng ta phải làm gì?’ Có những mối nguy hiểm về mặt đạo đức ở khắp mọi nơi. Chúng ta phải chọn cách can thiệp để giúp chúng ta tiếp tục nỗ lực trên con đường tiến tới với tư cách là nhân loại, bởi vì mọi thứ hiện nay đã được sắp đặt để tước bỏ nhân tính của chúng ta.”

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Rác thải & Ô nhiễm môi trường

ĐIỂM BÁO VỀ RÁC NHỰA: CHỈ CÓ THỂ NÓI LÀ KINH KHỦNG!

Ngày hôm qua, 18/3/2019, người dân Philippines phát hiện một con cá voi nhỏ bị chết vì sình bụng, với 40kg bọc nhựa ở trong hệ thống tiêu hóa của nó. Sau khi giải phẫu con cá voi,...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Tị nạn Khí hậu

BẠN NGHĨ RẰNG CUỘC THẢM SÁT DIỆT CHỦNG NGƯỜI DO THÁI (HOLOCAUST) LÀ TỒI TỆ NHẤT? CỨ CHỜ MÀ XEM…

Cách đây không lâu, tôi đã đọc một bài viết của Michael L. Fox về cuộc khủng hoảng di cư do khí hậu, và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân như thế nào trong...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic