THÁNG 2/2024 SẮP TRÌNH LÀNG SỐ KỶ LỤC NẮNG NÓNG CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ KHÍ TƯỢNG HIỆN ĐẠI


hanhtinhtitanic
THÁNG 2/2024 SẮP TRÌNH LÀNG SỐ KỶ LỤC NẮNG...

Tình trạng ấm lên nhanh chóng của đại dương [trên toàn cầu], và những ngày mùa Đông nóng bất thường – do lượng nhiệt được con người tạo ra kết hợp với chu kỳ khí hậu El Niño – đã được ghi nhận khắp thế giới.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ từ nguồn:

February on course to break unprecedented number of heat records

Giới nghiên cứu khí tượng cho biết, tháng 2/2024 sắp phá vỡ một loạt các kỷ lục về nền nhiệt độ, do lượng nhiệt hâm nóng toàn cầu đến từ nền sản xuất công nghiệp của con người và hình thái khí hậu El Niño tự nhiên đã làm tăng nhiệt độ trên đất liền và đại dương trên khắp thế giới.

Sau hơn nửa tháng Hai trôi qua – là tháng có số ngày ít nhất trong năm, hiện tượng mức nhiệt tăng đột biến đã trở nên rõ rệt đến mức các biểu đồ khí hậu đang tiến vào một miền đất mới, đặc biệt đối với nhiệt độ mặt nước biển vẫn duy trì [ở mức cao] và tăng nhanh đến mức giới chuyên gia quan sát đang phải vật lộn để giải thích tại sao sự thay đổi lại đang diễn ra như vậy.

Tiến sĩ Joel Hirschi, phó giám đốc mô hình hệ thống biển tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia của Vương quốc Anh (UK National Oceanography Centre), cho biết:

“Hành tinh đang nóng lên với tốc độ ngày càng nhanh. Chúng ta đang chứng kiến nhiệt độ tăng nhanh ở đại dương, là bể tích nhiệt lớn nhất của nền khí hậu. Biên độ của kỷ lục nhiệt độ bề mặt nước biển trước đây bị đánh bại vào năm 2023 thì bây giờ đã bị vượt qua một cách bất ngờ vào năm 2024, mặc dù người ta chưa hiểu lý do tại sao lại như vậy, là chủ đề nghiên cứu chính đang được thực hiện.”

Theo nhà khoa học Zeke Hausfather tại Trung tâm Nghiên cứu Trái Đất Berkeley Earth, nhân loại đang trên quỹ đạo tiến đến tháng Hai nóng nhất trong lịch sử ghi nhận của ngành khí tượng hiện đại, sau các kỷ lục về nhiệt độ của tháng 1/2024, tháng 12/2023, tháng 11/2023, tháng 10/2023, tháng 9/2023, tháng 8/2023, tháng 7/2023, tháng 6/2023 và tháng 5/2023.

Mặc dù đây là các tác động ngắn hạn đến từ cao điểm của pha khí hậu El Niño nếu nó diễn ra theo lộ trình của những năm trước đây và [sẽ có thể] bắt đầu hạ nhiệt trong những tháng tới, ông cho biết hiện tượng tăng nhiệt trong những tuần gần đây là do nền nhiệt độ tăng vọt lên mức +2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tám ngày đầu tiên của tháng 2 năm 2024 chạm mức nhiệt nóng kỷ lục

Nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu hàng ngày ở độ cao 2 mét, tính theo độ Celsius

Nguồn đồ họa: the Guardian. Nguồn dữ liệu: Học viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Climate Change Institute), phân tích của Đại học Maine về bộ dữ liệu Copernicus ECMWF Era5

Thông thường, sẽ là tin tốt nếu pha La Nina có hiệu ứng giúp hạ nền nhiệt độ toàn cầu xảy ra tiếp theo [sau El Niño], nhưng Ts. Hausfather cho biết diễn biến của khí hậu đã trở nên thất thường hơn và khó dự báo hơn. Ông nói:

“[Nền khí hậu và thời tiết năm ngoái – 2023] đã thách thức nhiều dự báo đến mức khó có thể đặt nhiều tin tưởng vào các phương pháp mà chúng tôi đã sử dụng để đưa ra những dự báo này trong quá khứ. Tôi muốn nói rằng tháng 2/2024 là một thời điểm có thể đánh bại kỷ lục trước đó [về nhiệt độ] được thiết lập vào năm 2016, nhưng đó không phải là một kết luận có thể đoán trước được vào thời điểm này vì các mô hình nghiên cứu thời tiết cho thấy nhiệt độ toàn cầu sẽ giảm trở lại trong tuần tới. Vì vậy, mặc dù tôi cho rằng những mức nhiệt độ cực cao này cung cấp một số bằng chứng về sự gia tăng tốc độ nóng lên trong những năm gần đây – như các mô hình khí hậu dự báo sẽ xảy ra nếu lượng khí thải CO2 không giảm trong khi lượng bụi khí ô nhiễm lại giảm, thì nó không nhất thiết tệ hơn điều chúng ta nghĩ”.

Khoảng thời gian nửa đầu tháng 2/2024 đã gây sốc cho những ai đang theo dõi diễn biến thời tiết trên toàn cầu. Maximiliano Herrera, một người chuyên viết blog về Các mức Nhiệt độ Khắc nghiệt Khắp Thế giới (Extreme Temperatures Around the World), đã mô tả sự gia tăng của hàng nghìn kỷ lục về nhiệt độ được nhiều trạm khí tượng ghi nhận là “điên rồ”, “hoàn toàn điên rồ” và mang ý nghĩa “lịch sử nền khí hậu hành tinh đang được viết lại”. Điều khiến anh ngạc nhiên không chỉ ở số lượng kỷ lục, mà còn ở mức độ nhiều kỷ lục trong số đó vượt qua mọi kỷ lục trước đó.

HÀNH TINH TITANIC

Nếu các bạn thấy thông tin của chúng tôi hữu ích cho việc chuẩn bị thích nghi với khủng hoảng khí hậu, hãy chia sẻ và giới thiệu cho mọi người trong cộng đồng. Bạn cũng có thể góp phần vào xây dựng nội dung cho Hành tinh Titanic bằng cách tự nguyện cam kết gửi tặng một khoản tiền nhất định hàng tháng cho chúng tôi tại:
https://paypal.me/HanhtinhTitanic

Ông cho biết đất nước Maroc đã chứng kiến 12 trạm quan trắc thời tiết ghi nhận mức nhiệt độ trên 33,9 độ C, và đây không chỉ là kỷ lục quốc gia về ngày nóng nhất trong mùa Đông mà còn cao hơn mức nhiệt trung bình trong tháng 7 [hàng năm] hơn đến 5 độ C. Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở phía Bắc Trung Quốc đã phải đóng cửa lễ hội băng mùa đông vì nền nhiệt độ tăng chưa từng có, cao hơn mức đóng băng, trong ba ngày của tháng này.

Trong tuần qua, các trạm quan trắc ở những nơi xa xôi như Nam Phi, Ả Rập Saudi, Thái Lan, Indonesia, Kazakhstan, Colombia, Nhật Bản, Triều Tiên, Maldives và Belize đã ghi nhận nhiều mức kỷ lục nhiệt độ hàng tháng.

Trong nửa đầu tháng này, Herrera cho biết có 140 quốc gia đã phá kỷ lục nhiệt độ hàng tháng, tương tự với số liệu cuối cùng của sáu tháng nóng kỷ lục vừa qua của năm 2023 và ở mức cao hơn ba lần bất kỳ tháng nào trước năm 2023.

Nhiệt lượng tích tụ nơi bề mặt đại dương tiếp tục gây kinh ngạc cho giới quan sát dày dạn kinh nghiệm và đưa đến xu hướng gia tăng nguy cơ xảy ra những cơn bão dữ dội vào cuối năm nay. Chuyên gia về bão Michael Lowry đã đăng trên twitter rằng nhiệt độ bề mặt nước biển trên vùng biển chính của Đại Tây Dương, nơi hình thành hầu hết các cơn bão cấp 3 (category 3) hoặc mạnh hơn của Hoa Kỳ,

“giờ đây, vào giữa tháng 2, cũng có độ ấm nóng như thường thấy giữa tháng 7. Thật là điều đáng sợ.”

Theo Ts. Hirschi, nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu đang ở “chốn vô định chưa biết đến bao giờ”. Ông cũng là người dự báo [nền nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu trong] tháng 3 sẽ phá kỷ lục của tháng 8 năm ngoái [2023] từ 0,1 độ C đến 0,2 độ C. Tháng 3 thường là thời điểm nóng nhất trong năm đối với các đại dương vì lúc này là cuối mùa hè ở Nam Bán Cầu, nơi chiếm lĩnh hầu hết những vùng biển lớn trên thế giới.

Nhiệt độ trung bình mặt nước biển năm 2024 vượt kỷ lục trước đó một khoảng rất cách biệt

Nhiệt độ trung bình bề mặt nước biển hàng ngày, từ 60 độ vĩ Nam đến 60 độ vĩ Bắc, tính theo độ Celsius

Nguồn đồ họa: the Guardian. Nguồn dữ liệu: Học viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Climate Change Institute), phân tích của Đại học Maine về dữ liệu của NOAA OISST

Thực ra, việc nhiệt độ tăng đột biến đã được dự báo trước, nhưng biên độ tăng của chúng lại gây bất ngờ. Giới chuyên gia khí tượng học hiện đang nghiên cứu tầm ảnh hưởng của các nguyên nhân khác nhau đằng sau những bất thường như vậy.

Pha El Niño mạnh đã đẩy nền nhiệt độ lên cao hơn, nhưng Ts. Francesca Guglielmo, một nhà khoa học cấp cao của Cơ quan Dịch vụ Khí tượng Châu Âu Copernicus, lưu ý rằng đây chỉ là một trong nhiều yếu tố làm tăng nhiệt đang hoạt động kết hợp với nhau. Mỗi tấn carbon dioxide gia tăng thêm do con người thải ra sẽ làm gây áp lực lên các đại dương. Ở một số khu vực, sức nóng bất thường cũng tăng lên do hiện tượng suy yếu gió mậu dịch (trade winds), Dòng Tia (jet stream) di chuyển lờ đờ, các biến động trong dòng hoàn lưu biển ở Bắc Đại Tây Dương, và tình trạng giảm ô nhiễm bụi khí dung (aerosol pollution), đã khiến đại dương tiếp xúc nhiều hơn với bức xạ mặt trời.

Ts. Katharine Hayhoe, khoa học gia trưởng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (Nature Conservancy), cho biết tình trạng không chắc chắn về sự tương tác của các yếu tố khác nhau [của nền khí hậu] là một lời nhắc nhở rằng chúng ta chưa hiểu được đầy đủ mọi khía cạnh về cách hệ thống Trái đất phức tạp phản ứng với hiệu ứng gia nhiệt từ bức xạ chưa từng có. Bà nói:

“Điều này đang xảy ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những gì được ghi nhận trong quá khứ. Thực tế thì chúng ta dường như đã đánh giá thấp tác động của những thay đổi đó đối với xã hội loài người hơn là đánh giá quá cao chúng.”

Chu kỳ khí hậu El Niño hiện đang suy yếu, và điều này sẽ làm giảm nhiệt độ ở vùng xích đạo Thái Bình Dương từ cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Ts. Hirschi cảnh báo rằng, nếu khu vực Bắc Đại Tây Dương vẫn quá ấm vào thời điểm đó, điều này có thể báo trước mùa hoạt động của các cơn bão dữ dội.

Những mối rủi ro như vậy sẽ tăng lên hàng năm trừ khi lượng khí thải carbon của con người được cắt giảm và tình trạng phá rừng được đảo ngược. Ông tiến sĩ nói:

“Việc làm chậm, dừng hoặc đảo ngược quỹ đạo nóng lên mà chúng ta đang tiến tới cũng giống như thay đổi hướng đi của một siêu tàu chở dầu. Kết quả không đến ngay lập tức nhưng chúng ta hành động càng sớm thì càng dễ tránh gặp rắc rối.”

Nếu các bạn thấy thông tin của chúng tôi hữu ích cho việc chuẩn bị thích nghi với khủng hoảng khí hậu, hãy chia sẻ và giới thiệu cho mọi người trong cộng đồng. Bạn cũng có thể góp phần vào xây dựng nội dung cho Hành tinh Titanic bằng cách tự nguyện cam kết gửi tặng một khoản tiền nhất định hàng tháng cho chúng tôi tại:

👉https://paypal.me/HanhtinhTitanic

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Siêu bão/Lốc xoáy

SIÊU BÃO MICHAEL

Cơn siêu bão mang tên Tổng lãnh Thiên thần Michael đã gia tăng lên cấp độ Cat.3 với sức gió 190km/g khi đi qua Vịnh Mexico, trước khi đổ bộ và càn quét toàn bộ bán đảo Florida...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Cổ Khí hậu học

KHI NỀN KHÍ HẬU HÀNH TINH CŨNG NẤC CỤC

Biến đổi khí hậu thường diễn ra trong khoảng thời gian dài, nhưng trong thời kỳ băng hà cuối cùng, những biến động nơi nền nhiệt độ cực đoan đã xảy ra trong vòng chỉ vài năm mà...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic