CHUYÊN GIA KINH TẾ HÀNG ĐẦU CHO BIẾT CHÚNG TA KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI TAN VỠ KHÍ HẬU NẾU KHÔNG GIẢM TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG


hanhtinhtitanic
CHUYÊN GIA KINH TẾ HÀNG ĐẦU CHO BIẾT CHÚNG...

Nhà kinh tế Herman Daly cho rằng chúng ta phải thay thế động lực tăng trưởng về số lượng với phát triển bền vững và có chất lượng. Herman Edward Daly (21/7/1938 – 28/10/2022) là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế sinh thái, người trong nhiều thập kỷ đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chuyển hướng kinh tế học theo hướng bền vững môi trường, cho rằng hệ thống kinh tế hiện tại là trung tâm của cuộc khủng hoảng tan vỡ khí hậu. Với những đóng góp của ông cho kinh tế và môi trường, Gs. Daly đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Danh dự về Sinh kế Chân thực của Thụy Điển, Giải thưởng Heineken về Khoa học Môi trường do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoàng gia Hà Lan trao tặng, Giải Leontief cho những đóng góp cho tư tưởng kinh tế, và Huân chương của Tổng thống Cộng hòa Italia. Ts. Daly cũng từng là giáo sư danh dự tại Trường Chính sách công thuộc Đại học Maryland, và là chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Hành tinh Titanic chuyển ngữ và đăng lại bài phỏng vấn độc quyền ông về quan điểm của một nền kinh tế đang phá vỡ hệ thống khí hậu như thế nào, cũng như cách sửa chữa nó, do báo điện tử TruthOut thực hiện chỉ 2 tháng trước khi vị chuyên gia kinh tế này qua đời vào tháng 10/2022. Điều quan trọng là loài người khó có khả năng thực hiện những gì vị chuyên gia kinh tế này đã đề xuất. Vâng, rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi do bước tiến cố chấp và vũng lầy nghiêm trọng của cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá do hệ thống chủ nghĩa tư bản cổ điển tân tự do để lại.

Bài phỏng vấn quan trọng này do phóng viên C.J. POLYCHRONIOU thực hiện. C.J. Polychroniou là một chuyên gia chính trị/kinh tế chính trị, là tác giả và nhà báo – người đã giảng dạy và làm việc tại nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện nay, mối quan tâm nghiên cứu chính của ông là về nền chính trị Hoa Kỳ và nền kinh tế chính trị Hoa Kỳ, sự hội nhập kinh tế Châu Âu, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và kinh tế môi trường, cũng như việc giải trừ cấu trúc dự án kinh tế-chính trị của chủ nghĩa tư bản tân tự do (neoliberalism). Ông là người đóng góp thường xuyên cho báo điện tử Truthout, cũng như là thành viên của Dự án Trí tuệ Cộng đồng của Truthout (Truthout’s Public Intellectual Project). Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách và hơn 1.000 bài báo xuất hiện trên nhiều tạp chí, tập san, tờ báo và các trang web tin tức nổi tiếng. Nhiều ấn phẩm của ông đã được dịch sang vô số ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Ả Rập, tiếng Hoa, tiếng Croatia, tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hy Lạp, tiếng Ý, tiếng Nhật, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Những tác phẩm viết mới nhất của ông bao gồm: Lạc quan Hơn Tuyệt vọng: Noam Chomsky bàn về Chủ nghĩa Tư bản, Đế quốc và Thay đổi Xã hội (Optimism Over Despair: Noam Chomsky On Capitalism, Empire, and Social Change – xuất bản năm 2017); Khủng hoảng khí hậu và Thỏa thuận Xanh Toàn cầu: Nền Kinh tế Chính trị Cứu rỗi Hành tinh (Climate Crisis and the Global Green New Deal: The Political Economy of Saving the Planet, cùng với Gs. Noam Chomsky và Ts. Robert Pollin là tác giả chính, xuất bản năm 2020); Vực thẳm: Chủ nghĩa Tân Tự do, Đại dịch và Nhu cầu Cấp thiết để Thay đổi Triệt để (The Precipice: Neoliberalism, the Pandemic, and the Urgent Need for Radical Change, tuyển tập các cuộc phỏng vấn Gs. Noam Chomsky, xuất bản năm 2021); và Kinh tế và Cánh Tả: Phỏng vấn các Nhà kinh tế Tiến bộ (Economics and the Left: Interviews with Progressive Economists, xuất bản năm 2021).

Toàn cảnh Nhà máy điện Pembroke và Nhà máy lọc dầu Valero Pembroke vào ngày 30 tháng 3 năm 2022, tại Milford Haven, Vương quốc Anh. Nguồn ảnh: MATTHEW HORWOOD / GETTY IMAGES

C.J. Polychroniou: Trong nhiều năm qua, ông đã tranh luận rằng hệ thống kinh tế hiện tại, được hình thành dựa trên những nguyên tắc của kinh tế học tân cổ điển, đã bỏ qua các giới hạn của hành tinh, và do đó, nó đang phá hủy kết cấu của hệ sinh thái trên Trái Đất và gây ra mối đe dọa hiện hữu cho nhân loại. Tuy nhiên, chỉ gần đây, thông điệp này mới được phổ biến rộng rãi hơn đến công chúng do nhận thức ngày càng tăng về mối liên hệ giữa nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng khí hậu. Ông có thể mô tả ngắn gọn cách hệ thống kinh tế hiện tại tác động đến hệ sinh thái toàn cầu và nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu không?

Gs. Herman Daly: Nền kinh tế ngày nay tác động đến môi trường của chúng ta tương tự như cách một bàn chân cỡ số 12 tác động đến một chiếc giày cỡ số 10 – nó làm chiếc giày bị giãn ra trong khi siết chặt bàn chân một cách đau đớn. Thuật ngữ kinh tế-sinh thái gọi hiện tượng này là “vượt quá giới hạn” (overshoot), bao gồm việc chiếm dụng quá nhiều diện tích đất đai đáng lẽ phải được dành để hỗ trợ nắm giữ dòng năng lượng mặt trời hiện tại bằng quá trình quang hợp, và sự sụt giảm quá mức của nhiên liệu hóa thạch (là dự trữ năng lượng mặt trời từ những mùa hè thời Đồ Đá Cũ), cũng như các mỏ khoáng sản khác. Chính nhờ những nguồn tài nguyên này mà sức lao động [chân tay] của con người được chuyển hóa thành trải nghiệm tinh thần tận hưởng cuộc sống, và [cuối cùng] là rác thải vật chất. Tốc độ chuyển hóa trở thành quá mức nếu vượt quá tốc độ tái tạo của các nguồn tài nguyên, vượt quá khả năng hấp thụ chất thải của môi trường, hoặc vượt quá tốc độ cải tiến công nghệ tiết kiệm tài nguyên.

Hiện nay, tốc độ chuyển hóa quá mức tài nguyên thành chất thải của chúng ta, còn được gọi là “xuất lượng trao đổi chất” (metabolic throughput), bị thúc đẩy bởi quy mô dân số quá đông nhân với quy mô tiêu thụ tài nguyên bình quân đầu người quá mức, trong một sinh quyển hữu hạn và bị ràng buộc về mặt entropy (xu hướng hỗn loạn của vật chất) mà chúng ta đang sống. Mặc dù là dấu hiệu chính, biến đổi khí hậu chỉ là một triệu chứng của tình trạng vượt giới hạn này mà thôi. Các triệu chứng khác của tình trạng vượt quá giới hạn bao gồm suy giảm đa dạng sinh học, phá vỡ sinh quyển do các chất mới phát sinh (chì tetraethyl, chất gây rối loạn nội tiết tố, chất phóng xạ…) mà sinh quyển này chưa từng trải qua trong quá trình tiến hóa, cộng với sự gia tăng bất bình đẳng và nghèo đói, đôi khi dẫn đến bạo lực.

C.J. Polychroniou: Bất chấp tất cả các bằng chứng về tác động thảm khốc của việc đốt nhiên liệu hóa thạch đối với nền khí hậu [của hành tinh], thế giới vẫn tiếp tục xả thải khí carbon vào bầu khí quyển một cách có hệ thống. Tại sao việc đưa ra một chính sách hợp lý nhằm hạn chế đáng kể nhiên liệu hóa thạch lại khó đến như vậy?

Gs. Herman Daly: Bởi vì nhiên liệu hóa thạch tích tụ rất nhiều năng lượng dưới dạng nhỏ gọn và tiện lợi so với các nguồn khác. Ngoài ra, nhiên liệu hóa thạch được thu thập từ dưới lòng đất, và không giống như các nguồn năng lượng khác như gỗ hoặc thức ăn gia súc cho động vật chuyên tạo ra sức kéo, chúng không cạnh tranh với diện tích bề mặt đất nông nghiệp chuyên để gieo trồng lương thực cho con người. Với trữ lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ, chúng ta đã có thể sống nhờ vào “vốn” tích lũy từ quá khứ trong nhiều năm, thay vì từ “nguồn thu nhập” năng lượng mặt trời hiện tại. Điều kiện này cho phép nền kinh tế của con người tăng trưởng ở quy mô dư thừa. Tình trạng vượt quá giới hạn – overshoot này hiện đang buộc phải chấm dứt vì chi phí kết hợp [tăng cao] từ tài nguyên cạn kiệt và nạn ô nhiễm mà chúng ta từng bỏ qua lúc thế giới còn trống rỗng, trước khi bị lấp đầy bởi hàng hóa, “các thói quen tệ hại” và con người.

Nền kinh tế ngày nay tác động đến môi trường của chúng ta giống như cách một bàn chân cỡ số 12 tác động đến một chiếc giày cỡ số 10 – khiến chiếc giày bị giãn ra trong khi xiết chặt bàn chân một cách đau đớn.

Chúng ta đã có thể và nên chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên tái tạo, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải giảm quy mô nền kinh tế của con người xuống một cấp độ nhỏ hơn để có thể được duy trì [tồn tại] ít nhiều ở trạng thái ổn định. Các nguồn tài nguyên tái tạo được sẽ trở thành không thể tái tạo nếu bị khai thác vượt quá năng suất bền vững [của chúng]. Các giá trị của chủ nghĩa tăng trưởng sẽ phải được thay thế bằng nền đạo đức về sự vừa đủ, khả năng biết chia sẻ, và xu hướng phát triển về chất lượng hơn là tăng trưởng về số lượng. Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch kiên quyết chống lại sự thay đổi này bằng cách cố xác bám vào các khoản tiền cướp đoạt từ nguồn tài nguyên khổng lồ và nguồn thu lợi nhuận độc quyền của họ. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nên được khuyến khích, nhưng có rất nhiều sự lạc quan vô căn cứ rằng năng lượng tái tạo sẽ đủ rẻ và dồi dào để thay thế nhiên liệu hóa thạch mà không làm giảm quy mô nền kinh tế, hoặc thậm chí là tốc độ tăng trưởng của nó. Thực ra, điều quan trọng nhất chính là phải giảm quy mô [kinh tế] của con người. Ngoài ra, chúng ta có thể và nên tăng hiệu quả phân bổ [nền kinh tế] bằng cách nội hóa các chi phí bên ngoài, và cải thiện tính công bằng trong phân phối bằng cách tái phân phối [nguồn lực/hàng hóa]. Nhưng trừ khi giảm được quy mô nền kinh tế vĩ mô xuống mức bền vững, chúng ta sẽ chỉ khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn, vì bản thân sự tăng trưởng đã trở nên phi kinh tế rồi.

Quy mô của nền kinh tế là kết quả tích số của số dân nhân với mức tiêu thụ tài nguyên bình quân đầu người. Rất nhiều lập luận tư tưởng bị lãng phí khi tranh cãi về chuyện kiểu như, liệu dân số gia tăng hay mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng là nguyên nhân dẫn đến một quy mô [phát triển] quá dư thừa hay không. Điều đó cũng giống như việc tranh luận xem chiều dài hay chiều rộng quyết định nhiều nhất đến diện tích của hình chữ nhật. Trong đời tôi, dân số thế giới đã tăng gấp bốn lần (từ 2 tỷ lên 8 tỷ), trong khi mức tiêu dùng bình quân đầu người [có nhiều nơi rất khác nhau và không bình đẳng] thậm chí còn tăng cao hơn nữa, có lẽ gấp chín lần tùy theo cách đo lường. Chúng ta không thể bỏ qua bất cứ yếu tố nào [trong bài toán này].

C.J. Polychroniou: Ông đã đưa ra khái niệm về “tăng trưởng phi kinh tế” để ngụ ý rằng “tăng trưởng là phi kinh tế một khi nó làm tăng chi phí môi trường và xã hội nhiều hơn so với gia tăng lợi ích sản xuất”. Quả thực, ông đã bác bỏ ý tưởng cho rằng tăng trưởng kinh tế là thước đo tốt cho phúc lợi con người, và ngược lại, ông kêu gọi chuyển đổi sang một nền kinh tế ổn định.

Gs. Herman Daly: Tăng trưởng mang “tính kinh tế” khi thế giới này không có mặt chúng ta và các “món đồ” của chúng ta. Bây giờ thế giới đã tràn ngập [hàng hóa và rác], và sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế kiểu này trong một sinh quyển hữu hạn sẽ làm tăng chi phí cận biên của các dịch vụ ưu tiên cho hỗ trợ sự sống, trong chiều kích chỉ để đáp ứng những lợi ích cận biên đang giảm dần của thói tiêu dùng tầm thường – cái người ta phải quảng cáo tiếp thị rầm rộ để đạt được [doanh thu]. Sự tăng trưởng ở các quốc gia giàu hiện nay tiêu tốn chi phí nhiều hơn giá trị thực của nó, và điều đó không mang tính kinh tế, ngay cả khi tăng trưởng ở các nước nghèo vẫn mang tính kinh tế cho đến khi chạm đến cấp độ tương tự của tình trạng dư thừa. Người nghèo không thể đạt đến điều kiện đầy đủ [nguồn sống] trừ khi người giàu tạo thêm không gian sinh thái cho họ.

C.J. Polychroniou: Đầu tiên, đâu là các chính sách nên được gợi ý cho một nền kinh tế ở trạng thái ổn định (steady-state economics)? Thứ hai, nền kinh tế ổn định có phải là nền kinh tế xanh hay không? Và thứ ba, làm thế nào một nền kinh tế ổn định có thể cân bằng giữa việc bảo tồn [tài nguyên] và nhu cầu ngày càng tăng của con người?

Gs. Herman Daly: Tôi liệt kê dưới đây mười chính sách hướng tới một nền kinh tế ở trạng thái ổn định. Rất nhiều chính sách [trong số này] có thể được áp dụng một cách độc lập và dần dần, mặc dù chúng gắn kết với nhau theo nghĩa là một số chính sách sẽ bù đắp cho thiếu sót của những chính sách khác. Tất nhiên, câu hỏi về mức độ của các nhu cầu trong nền kinh tế mang trạng thái ổn định là rất quan trọng, và những giới hạn của hệ sinh thái tại mỗi địa phương, mỗi khu vực và toàn cầu phải được xem xét khi xây dựng các chính sách hiệu quả. Mười chính sách là con số chủ quan [của tôi] để nêu cụ thể và tập trung vào vấn đề. Nhưng [tôi sẵn lòng mời] các bạn độc giả có thể cộng thêm, bớt đi hoặc củng cố [thêm ý tưởng cho chúng].

Chúng ta đã có thể và nên chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên tái tạo, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải giảm quy mô nền kinh tế con người xuống một cấp độ nhỏ hơn để có thể duy trì được ít nhiều ở trạng thái ổn định.

  1. Phát triển hệ thống Cap-Auction-Trade (Mua – Đấu giá – Bán Carbon) đối với các nguồn tài nguyên căn bản (đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch): Hãy đặt giới hạn khí thải cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên cơ bản theo ba quy tắc chính: (1) các nguồn tài-nguyên-tái-tạo không được cạn kiệt nhanh hơn tốc độ tái-tạo của chúng; (2) các nguồn tài-nguyên-không-thể-tái-tạo không được cạn kiệt nhanh hơn tốc độ phát triển của các nguồn tài nguyên thay thế chúng và có thể tái tạo được; và (3) chất thải từ mọi nguồn sử dụng tài nguyên không được quay trở lại hệ sinh thái nhanh hơn mức chúng có thể được hệ thống tự nhiên này hấp thụ và tái tạo. Cách tiếp cận này sẽ giúp đạt được quy mô bền vững và thị trường hiệu quả, tránh được hiệu ứng bật ngược Jevons (mà ở đó hiệu quả sử dụng tài nguyên tăng lên sẽ dẫn đến việc sử dụng tài nguyên nhiều hơn), và tăng doanh thu đấu giá để tái phân phối lũy tiến.
  2. Chuyển dịch thuế: Thay đổi cơ sở tính thuế từ “giá trị gia tăng” (trên sức lao động và vốn tư bản) sang cơ sở tính thuế có thêm các giá trị khác, cụ thể là xuất lượng khai thác tài nguyên thiên nhiên (natural resource throughput), vốn đã trở thành nhân tố có giới hạn. Những loại thuế như vậy sẽ nâng giá của nhân tố có giới hạn, cải thiện hiệu quả phân bổ [nền kinh tế] và tạo ra công nghệ tiết kiệm tài nguyên, cũng như mang lại doanh thu cho nhà nước.
  3. Hạn chế phạm vi bất bình đẳng: Hãy thiết lập các giới hạn thu nhập tối thiểu và tối đa, duy trì mức chênh lệch đủ lớn để bảo tồn các động cơ [giúp thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế], nhưng đủ nhỏ để ngăn chặn xu hướng chuyên quyền của nền kinh tế thị trường vốn đã trở nên cực đoan. Đồng thời, phải loại bỏ hàng hóa và dịch vụ của đối thủ [cạnh tranh] ra khỏi các khối tài sản chung dễ dàng được tiếp cận mở (ví dụ như: khả năng hấp thụ khí thải trong khí quyển) và đánh thuế chúng vì công ích, đồng thời cần giải phóng hàng hóa không có tính cạnh tranh (ví dụ như kiến thức và thông tin) khỏi tình trạng khan hiếm giả tạo để khiến chúng phù hợp với hệ thống giá cả phải chăng [trong xã hội]. Nghĩa là, hãy ngừng xem cái khan hiếm như thể nó miễn phí, và đừng coi cái miễn phí như thể nó khan hiếm.
  4. Cải cách khu vực ngân hàng (banking sector): Hãy chuyển từ hệ thống ngân hàng dự trữ một phần (fractional reserve banking system) sang bắt buộc dự trữ 100% đối với tiền gửi không kỳ hạn (demand deposits). Dòng tiền sẽ không còn chủ yếu biến thành nợ chịu lãi do các ngân hàng tư nhân tạo ra, mà là nợ chính phủ không chịu lãi do Kho bạc Nhà nước phát hành. Mỗi đồng đô la được cho vay để đầu tư sẽ là một đô la của người dân nào đó đã tiết kiệm được trước đó, khôi phục lại sự cân bằng kinh điển giữa đầu tư và hạn chế tiêu dùng, đồng thời giúp làm giảm các chu kỳ bùng nổ và phá sản [kinh tế], cũng như giảm xu hướng lạm phát.
  5. Quản lý thương mại quốc tế vì công ích: Chuyển từ nền thương mại tự do và tình trạng di chuyển vốn không ràng buộc sang nền thương mại quốc tế cân bằng và có điều tiết. Mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế quốc gia là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc hội nhập chúng vào một nền kinh tế toàn cầu lại là điều có thể tránh được. Thương mại tự do làm suy yếu các chính sách nội địa hóa chi phí quốc nội, đồng thời khuyến khích chính sách lao động giá rẻ, dẫn đến cuộc chạy đua cạnh tranh cắt giảm chi phí đến tận đáy bằng cách định giá thấp nguồn lực và lao động. Nạn di chuyển tự do vốn tư bản cũng khiến đánh mất hiệu lực của lập luận lợi thế so sánh cơ bản (basic comparative advantage argument) trong lĩnh vực thương mại hàng hóa tự do.
  6. Mở rộng khoảng thời gian nghỉ ngơi – giải trí: Hãy giảm thời gian làm việc theo quy ước để chuyển sang thể thức làm việc bán thời gian, sở thích cá nhân và dành cho giải trí, từ đó xem hạnh phúc là thước đo cốt lõi của sự thịnh vượng, đồng thời giảm động lực sản xuất không giới hạn. Từ góc độ phúc lợi, trong xã hội hiện tại của chúng ta, quyền tự do để chọn giữa các tùy chọn cơ bản về thời gian làm việc và thời gian giải trí bị hạn chế rất nhiều, trong khi quyền tự do để chọn giữa hàng nghìn nhãn hiệu ngũ cốc ăn sáng lại được đảm bảo.
  7. Ổn định dân số: Phấn đấu đạt được sự cân bằng, trong đó số sinh cộng với số người nhập cư bằng số tử vong cộng với số người xuất cư, và trong đó mỗi lần sinh đều là một trường hợp mong muốn sinh con (chứ không phải lỡ sinh con), và mọi người nhập cư đều có giấy tờ hợp pháp.
  8. Cải cách kiểm toán quốc gia: Tách GDP thành một khoản kiểm toán chi phí và một khoản kiểm toán lợi ích thu được, để có thể dừng tình trạng tăng trưởng sản lượng khi chi phí biên gia tăng bằng với lợi ích biên bị sụt giảm, khiến cho dù có tăng trưởng nữa cũng không còn mang tính kinh tế. Việc cân nhắc chính xác giữa chi phí và lợi ích là điều khó khăn, nhưng ngay cả việc đánh giá và so sánh không chính xác ấy cũng còn có ý nghĩa hơn nhiều so với chuyện chỉ đơn giản gộp chúng lại thành “hoạt động kinh tế” [chung chung].
  9. Khôi phục số việc làm đầy đủ: Hãy khôi phục Đạo luật Bảo đảm Công Ăn Việc làm Đầy đủ của Hoa Kỳ năm 1945 (U.S. Full Employment Act of 1945), cũng như các đạo luật [mang ý nghĩa] tương tự ở những quốc gia khác, để một lần nữa giúp cho mọi người dân đều có công ăn việc làm trở thành mục đích cuối cùng, còn tăng trưởng kinh tế chỉ là phương tiện tạm thời mà thôi. Tình trạng thất nghiệp/thiếu việc làm là cái giá mà chúng ta phải trả cho sự tăng trưởng [kinh tế] từ kỹ thuật tự động hóa, xuất khẩu gia công ra nước ngoài, nền thương mại vô tổ chức, và chính sách nhập cư lao động giá rẻ. Trong điều kiện ở trạng thái [kinh tế] ổn định, việc cải thiện năng suất sẽ khiến có nhiều thời gian nhàn rỗi thay vì là thất nghiệp.
  10. Thúc đẩy quản trị toàn cầu một cách công bằng: Hãy tìm cách biến cộng đồng thế giới thành như một liên minh các cộng đồng quốc gia, chứ không phải phá tan ranh giới các quốc gia để chuyển thành một “thế giới không biên giới” duy nhất. Việc toàn cầu hóa nhờ thương mại tự do, nạn dịch chuyển vốn không ràng buộc, và vấn đề di cư [do khủng hoảng hàng loạt] luôn làm tan rã cộng đồng quốc gia, không để lại ích lợi gì cho liên minh cả. Kiểu toàn cầu hóa như vậy [nói thẳng ra] chính là chủ nghĩa cá nhân – một thể thức chế độ phong kiến tập đoàn vô quốc gia [áp đặt cho] một cộng đồng chung toàn cầu. Thay vào đó, hãy củng cố tầm nhìn ban đầu của hệ thống tiền tệ Bretton Woods về các nền kinh tế quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, và chống lại tầm nhìn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về một nền kinh tế toàn cầu hội nhập duy nhất. Hãy tôn trọng nguyên tắc bổ trợ (subsidiarity): mặc dù biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ trang đòi hỏi thiết lập các định chế toàn cầu, nhưng việc tuân thủ luật pháp cơ bản và bảo trì cơ sở hạ tầng vẫn là những vấn đề thuộc về khu vực địa phương. Hãy tập trung năng lực hợp tác toàn cầu còn hạn chế của chúng ta vào những gì thực sự cần.

C.J. Polychroniou: Cần thực hiện những bước đi thực tế nào để chuyển đổi sang nền kinh tế trong trạng thái ổn định, và ông thấy hoạt động xã hội (activism) đóng vai trò gì trong việc giúp chúng ta chuyển đổi sang một tương lai bền vững?

Gs. Herman Daly: Chúng ta cần những chính sách tốt dựa trên hiểu biết đúng đắn về khoa học và đạo đức, nhưng điều đó chưa đủ. Hoạt động xã hội nhiệt tình ủng hộ các chính sách cũng là điều cần thiết, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần cả hai yếu tố – cả lý trí và tinh thần, cả sự hiểu biết trí tuệ và cảm hứng đạo đức – nếu chúng ta muốn duy trì một cách công bằng thế giới kỳ diệu mà chúng ta đã được thừa hưởng, là thế giới hiện đang bị đe dọa tự hủy diệt rất nghiêm trọng.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Hành tinh Titanic

KỶ NIỆM 40 NĂM HỘI NGHỊ KHÍ HẬU ĐẦU TIÊN CỦA THẾ GIỚI

Hôm qua (5/11/2019) – trong dịp kỷ niệm 40 năm Hội nghị về Khí hậu đầu tiên của thế giới được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1979, hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Dịch bệnh

MỸ VÀ TRUNG QUỐC HỢP TÁC VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO TẠI VIỆN NGHIÊN CỨU VIRUS VŨ HÁN?

Hôm 28/4/2020 vừa qua, Newsweek đã đăng một bài báo khá thú vị về vai trò của Dr. Anthony Fauci đối với các thí nghiệm liên quan đến coronavirus ở Phòng thí nghiệm sinh học Vũ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic