TÌNH HÌNH THỜI TIẾT SÁT TẾT – TRONG TẾT – SAU TẾT: CUỘC CHIẾN GIỮA LỬA HỒNG VÀ BĂNG GIÁ


hanhtinhtitanic
TÌNH HÌNH THỜI TIẾT SÁT TẾT – TRONG...

Cho đến hôm nay, các phiên dự báo thời tiết trong 10 ngày tới dành cho Việt Nam trên GFS và ECMWF đều thay đổi chóng mặt. Chúng tôi nhận thấy có một xu hướng đang gia tăng của một đợt nóng xuất hiện phía trên 3/4 khu vực Đông Nam Á lục địa. 

Đợt nóng này thể hiện một vòm áp thấp nóng, úp xuống các quốc gia từ Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Cambodia, Lào, khu vực Nam Bộ – Tây Nguyên – Nam Trung Bộ – một phần Trung Trung Bộ của Việt Nam – khu vực biển Vịnh Thái Lan, kéo dài rõ rệt từ ngày 31/1. Khu vực trung tâm của vòm nóng này có thể là biên giới của ba nước Lào – Cambodia – Thái Lan, với đỉnh nóng nền nhiệt chạm mốc 38-39 độ C từ ngày 4/2 đến 8/2. Cũng trong những ngày này, vòm áp thấp nóng sẽ bành trướng ảnh hưởng của nó về phía Đông – Đông Bắc, lan qua cả biên giới phía Tây của các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, khiến nền nhiệt ở đây ấm lên hẳn.

Dự báo của mô hình GFS cho thấy trong ngày 5/2/2024, vòm thấp nóng đã bao phủ và đang bành trướng trên Cambodia, Lào, khu vực Nam Bộ – Nam Tây Nguyên của Việt Nam, một phần Thái Lan, Vịnh Thái Lan và bán đảo Malaysia. Nền nhiệt ở một số nơi ven biên giới Việt Nam – Cambodia ở tỉnh Daklak (Ea Súp, Ea Rốk), Bình Phước (Lộc Ninh, Thanh Bình và ngay cả Đồng Xoài), Cần Thơ – Vĩnh Long – Đồng Tháp (Sa Đéc) – Cà Mau (Trần Văn Thời, U Minh) có thể chạm mốc 38-39 độ C, có nơi lên đến 40 độ C. Theo dự báo, vòm thấp nóng này sẽ xuất hiện đặc biệt cực đoan từ ngày 1/2 đến 7/2.

Để cho dễ hình dung, chúng tôi đã tạo một biểu đồ nền nhiệt độ ở độ cao 2 mét so với mực nước biển trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 31/1-13/2 đối với mô hình dự báo GFS và từ ngày 31/1-7/2 đối với mô hình dự báo ECMWF. Các mũi tên màu vàng là hướng bành trướng của vòm nhiệt (tức là không khí nóng). Các mũi tên màu đỏ đại diện cho hướng di chuyển của khối không khí lạnh sát và trong Tết Âm Lịch. Tất cả các biểu đồ đều dự báo mức nhiệt lúc đầu giờ trưa, vào 13 giờ Việt Nam.

Theo mô hình dự báo GFS, bạn sẽ thấy nền nhiệt khu vực Bắc Trung Bộ sẽ dần tăng lên từ ngày 31/1, và đạt đỉnh nóng 30-35 độ C khoảng ngày 4/2, 5/2 và 6/2. 

Ở miền Bắc, khu vực đồng bằng Bắc Bộ sẽ ấm lên rõ rệt trong các ngày 2-4/2/2024, với nền nhiệt dao động từ 20-25 độ C. Thậm chí ở các khu vực sát biên giới phía Tây với Lào, nhiệt độ có thể vọt lên 37, 38 độ C ở Hà Tĩnh, Nghệ An. 

Thế nhưng, bắt đầu từ ngày 5/2 khi xuất hiện một đợt không khí lạnh tràn về từ phía Bắc (Trung Quốc), thì đã có hiện tượng đụng độ giữa hai nóng và lạnh ở miền Bắc. 

Và các bạn có thể thấy rõ cuộc chiến giữa lửa hồng và băng giá, với ranh nóng – lạnh (khoảng chênh nhiệt giữa 15 và 20 độ C) đã vắt ngang miền Bắc, chia đôi chiến tuyến giữa khu vực phía Đông (lạnh, chiếm 3/4 miền Bắc) và khu vực phía Tây (ấm, chiếm 1/4 miền Bắc) – mà bạn có thể dễ dàng nhận ra giữa hai màu xanh lá cây và vàng trong biểu đồ nhiệt của các ngày 8, 9, 10, 11/2/2024. Chúng tôi phóng to các ngày đặc biệt này, và vạch một đường kẻ màu tím để các bạn dễ nhận ra trong hình dưới đây về sự phân chia rõ rệt này. Nói chung, với xu hướng như vậy, thì khu vực Tây Bắc Bộ sẽ có thể là nơi ấm áp nhất trong dịp Tết này, với nền nhiệt dao động từ 18 – 20 độ C. Khu vực Đông Bắc Bộ và vùng đồng bằng sẽ có sự chênh nhiệt khá lớn, từ 20-25 độ (trong những ngày trước Tết) giảm xuống 12-15 độ (trong ngày sát Tết và trong Tết). Bạn nào ở miền Bắc muốn ấm áp thì di chuyển đến Lai Châu, Sơn La, Điện Biên)

Với GFS, ngày sát Tết, đêm giao thừa và ngày mùng một Tết sẽ là thời điểm phân tranh kịch liệt nhất giữa nóng và lạnh ở miền Bắc. Chúng tôi không biết có thể xảy ra mưa đá, lốc xoáy cục bộ hoặc sấm sét như năm 2020 hay không, nhưng rất có khả năng sẽ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian này. Các bạn ở Bắc Trung Bộ cũng nên đề phòng sự chuyển nhiệt rất nhanh trong vòng 24 giờ, từ mức 25-28 độ C (ngày 7/2) rớt xuống mức 10-15 độ C (ngày 8/2).

GFS dự báo mức nhiệt đầu giờ trưa ở khu vực đồng bằng miền Bắc trong ngày sát Tết (9/2/2024, tức 30 tháng Chạp), ngày mùng một Tết (10/2/2024) và mùng hai Tết (11/2/2024) sẽ hạ xuống còn 12-15 độ C. Các vùng núi cao phía Bắc sẽ còn lạnh hơn, từ 8-10 độ C. Đó là khoảng thời gian băng giá thắng thế.

Nhưng ưu thế của băng giá sẽ nhanh chóng bắt đầu bị phá tan – hoặc đợt lạnh chủ động lui binh – vào ngày 12/2 (mùng ba Tết), khi nền nhiệt toàn miền Bắc sẽ ấm lên lại rất nhanh, với mức nhiệt, từ 18-20 độ C. Sang ngày 13/2, lại có thể có một đợt lạnh yếu dồn xuống, nhưng vẫn chưa đủ sức để lấn át cái nóng tiếp tục bành trướng từ phía Tây. Chúng tôi nghĩ rằng, cuộc chiến giữa lửa hồng và băng giá sẽ lại tiếp tục diễn ra và chưa thể biết được kết cuộc và những tác động lên nền nhiệt miền Bắc sau đó như thế nào. Mọi chuyện sẽ để hạ hồi phân giải. Nhưng thường thì những năm El Nino sẽ có các đợt lạnh rất sâu và mạnh, đến trễ.

Thậm chí, kịch bản vòm nhiệt lấn át mạnh mẽ hơn (theo mô hình dự báo của ECMWF Châu Âu mà chúng tôi sẽ đưa hình dưới đây) còn cho thấy sẽ có lúc sóng nhiệt vượt qua cả biên giới Việt – Trung phía Bắc, đẩy nền nhiệt miền Bắc Việt Nam và tỉnh Quảng Tây – Quảng Đông (Trung Quốc) vọt lên đến gần 30 độ C trong các ngày 4, 5, 6/2 nữa! Tất nhiên, ECMWF chỉ đang dự báo được đến ngày 7/2, chứ chưa cung cấp thông số cho thời gian sát Tết và trong Tết. Hành tinh Titanic đang chờ lấy các thông số đó để đưa ra kịch bản chính xác hơn về thời tiết trong dịp Tết ở Việt Nam. Nhưng điều đó cho thấy xu hướng vòm thấp nóng còn có thể có cường độ cao hơn nữa. Nếu cường độ của nó cao hơn, thì có thể 1/2 miền Bắc sẽ có một cái Tết ấm áp như dự báo trước đó của chúng tôi, với nền nhiệt trong khoảng 20 độ C. Trong những ngày tới, Hành tinh Titanic có thể tiếp tục cập nhật về chuyện này nếu có thay đổi.

Về khu vực Trung Trung Bộ, các bạn ở đây sẽ chỉ cảm thấy “mát”, nhiệt độ từ 15-20 độ C từ ngày 8/2  trở đi đến sau Tết (ít nhất là 13/2) do tác động của đợt lạnh tràn xuống theo hướng Đông – Đông Bắc. Ranh lạnh (dưới 21-22 độ C) có thể kéo dài từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đến tận Quảng Ngãi, Bình Định. Nhiều đợt gió lớn (cấp 6, cấp 7) có thể xuất hiện từ ngoài khơi và thổi vào bờ ven biển các tỉnh miền Trung. Các bạn nên đề phòng biển động và sóng cồn cao 2 mét.

Dĩ nhiên, các tỉnh Nam Bộ và phần lớn Tây Nguyên thì chúng tôi bao nóng trọn gói, đặc biệt từ ngày 31/1 – 7/2, với nền nhiệt từ 34-36 độ C. Sang ngày 8/2, khu vực Bắc Tây Nguyên có thể mát mẻ vì ảnh hưởng của đợt không khí lạnh đang dồn qua từ phía Đông. Từ ngày 10/2, cả khu vực Nam Tây Nguyên cũng mát, với nền nhiệt ban ngày từ 20-25 độ C.

Hiện tượng vòm áp nóng Đông Nam Á ở phía Tây Nam đang cố lấn át các đợt lạnh từ phía Bắc – Đông Bắc ngay từ trước Tết Âm Lịch cho thấy sự phức tạp và cực đoan của cả hai thái cực nóng và lạnh tại thời điểm đặc biệt này, cũng như xu hướng sốc nóng cho một năm 2024 đang đến. Cuộc chiến giữa lửa hồng và băng giá là minh chứng cho những gì sẽ đến với sự thắng thế của tình trạng nóng lên toàn cầu, sẽ còn gay gắt hơn nữa khi chúng ta tiến sâu vào năm 2024. Đây có thể là đợt sóng nhiệt đầu tiên dành cho Việt Nam, tập trung vào khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Và nếu thế, thì rõ ràng là những gì chúng ta đã nghĩ sẽ đến, lại đến quá sớm so với dự kiến.

Hãy chuẩn bị cho một mùa nóng, với tất cả nguy cơ của nắng nóng, sốc nhiệt, hạn hán, thiếu hụt nước tưới tiêu, nền nhiệt phá kỷ lục cũ và lập kỷ lục mới, cháy rừng, hạn mặn, thiếu điện… Tất cả đang chờ ở phía trước.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Suy giảm đa dạng sinh học

MỘT PHẦN BA SỐ SAN HÔ Ở THE GREAT BARRIER REEF ĐÃ CHẾT

Theo một nghiên cứu của trường Đại học James Cook (Queensland, Australia), cho đến nay, một phần ba số san hô của the Great Barrier Reef đã bị giết chết do ảnh hưởng của đợt sóng...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

2018 ĐANG SẮP TRỞ THÀNH NĂM THỨ TƯ NÓNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI

Mùa hè đỏ lửa và nóng bức năm nay trông giống như viễn cảnh của tương lai, khi các nhà khoa học đang cảnh báo về một kỷ nguyên mới của biến đổi khí hậu, và nó cho thấy thực tế thế...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic