CẬP NHẬT CÁC BẢN ĐỒ SÓNG NHIỆT CUỐI THÁNG 2/2024 TẠI ĐÔNG NAM BỘ – NAM TÂY NGUYÊN – TÂY NAM BỘ


hanhtinhtitanic
CẬP NHẬT CÁC BẢN ĐỒ SÓNG NHIỆT CUỐI THÁNG...

Dưới đây là phần mô tả, khuyến cáo và công bố các bản đồ cập nhật nền nhiệt cho đợt sóng nhiệt sẽ quét qua miền Nam Việt Nam trong tuần sau, từ Thứ Hai ngày 19/2/2024 đến Thứ Bảy ngày 24/2/2024. Đợt sóng nhiệt còn tiếp diễn đến đầu tháng 3/2024 nên bài phân tích dự báo chuyên sâu này sẽ còn cập nhật tình hình cho các ngày sau đó cho đến hết đợt sóng nhiệt này.

Cường độ của đợt sóng nhiệt này sẽ mạnh hơn dự kiến, tác động đến một dân số rất đông (khoảng 35 triệu người) ở khu vực này (Tp.HCM khoảng 9 triệu người, Đồng bằng Sông Cửu Long khoảng 17 triệu người, khu vực Nam Tây Nguyên khoảng 3 triệu người, tỉnh Đồng Nai 3 triệu người, tỉnh Tây Ninh khoảng 1 triệu người, tỉnh Bình Dương khoảng 2,5 triệu người). Đây sẽ là tổng số người phải phơi nhiễm dưới một nền nhiệt rất cao, chịu đựng một mức nhiệt lúc cao điểm (13 giờ chiều địa phương) từ 38 đến 44 độ C, có nơi 46 độ C, ở trong lều khí tượng.

Vì thế, Hành tinh Titanic thiết lập các bản đồ nhiệt dưới đây để các bạn theo dõi và chuẩn bị đối phó với đợt sóng nhiệt này, tránh nguy cơ sốc nhiệt và tử vong.

Chúng tôi cũng đưa ra các ⚠️khuyến cáo như sau từ đầu bài viết này:

👉 Uống nhiều nước, giải nhiệt cơ thể bằng nước lọc thuần khiết, không chứa đường, không chứa cồn, không chứa soda là cách tốt nhất. Uống nước ở nhiệt độ thường, không quá lạnh, không uống nước đá hay ngậm đá vì sẽ gây viêm họng hoặc viêm đường hô hấp trên.

👉 Tránh ra ngoài đường trong khoảng thời gian cao điểm nắng nóng của ngày, từ 11 giờ đến 14 giờ chiều.

👉 Những bạn nào đang phải lao động ngoài trời, hoặc vì đặc thù nghề nghiệp phải làm việc ngoài trời là chủ yếu, thì nên thay đổi giờ làm nếu có thể được (ví dụ đổi sang làm ban đêm, hoặc làm sớm hơn buổi sáng để nghỉ trưa sớm và làm trễ hơn buổi chiều tối để tránh buổi trưa). Bạn nào không thể tránh được phải làm việc trong khung thời gian từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều thì nên dành thời gian nghỉ giải nhiệt cách quãng trong 5-10 phút trong bóng râm mỗi 30 phút ở ngoài nắng nóng, có đội nón và mặc quần áo bảo hộ chống nóng, uống nước đầy đủ. Nhưng với mức nhiệt 42 – 46 độ C thì không nên ở ngoài trời chút nào cả.

👉 Các đô thị lớn như Tp.HCM chắc chắn sẽ có hiện tượng “ốc đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ bị bức xạ lẫn nhau bởi các tòa nhà – đường sá và bị cô lập bởi môi trường bê tông, nên bị hiệu ứng gia tăng nhiệt độ môi trường “nhân tạo” bên cạnh nền sóng nhiệt của môi trường. Vì vậy, nếu nền nhiệt tự nhiên là 40 độ C, thì trong môi trường đô thị bị bê-tông hóa sẽ tăng lên 42-44 độ C. Những bạn nào đang sống ở các đô thị lớn nên tính đến chuyện này. Việc chặt hạ cây xanh và quy hoạch đô thị nén chặt, bỏ qua lớp phủ thực vật, đã gây ra hiểm họa này. Lòng tham “tấc đất tấc vàng” và mù mắt không còn chừa chỗ cho cây xanh và hệ sinh thái khác trong môi trường đô thị đã khiến cho con người phải sống trong những “chiếc hộp” hấp nóng và ở ngay tâm của lòng chảo gia cường sóng nhiệt. Chúng tôi khuyến cáo các thành phố lớn như Tp.HCM, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh… về lâu về dài nên xây dựng những cây nước phun hoặc hồ công cộng để người dân dễ dàng giải nhiệt. Châu Âu và Ấn Độ, Pakistan đã làm như thế từ lâu.

👉 Vì nóng nên nhiều gia đình và căn hộ sẽ phải dùng máy lạnh để giải nhiệt. Chúng tôi khuyến cáo các bạn chỉ nên bật máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải 26-27 độ C vì hai lý do chính sau đây:

  • (1) nếu các bạn để mức quá lạnh, thì sẽ bị sốc nhiệt khi bước từ môi trường lạnh (20 độ C) sang môi trường nóng (40 độ C) – chênh 20 độ – ngay lập tức. Bạn đâu thể ở mãi trong phòng máy lạnh được phải không? Và nếu cơ thể bạn cứ luôn luôn phải đối mặt với mức chênh nhiệt từ 18 – 20 độ C mỗi khi bạn phải di chuyển và thay đổi môi trường, thì sẽ rất có hại cho sức khỏe, dễ bị đột quỵ. Chẳng có cơ thể sinh học nào đủ sức chịu đựng cho những lần thay đổi nhiệt chênh lệch lớn như vậy, xảy ra liên tục trong 24 giờ cả.
  • (2) bật máy lạnh xuống nhiệt độ thấp quá mức sẽ tạo ra một công suất tiêu thụ năng lượng cực lớn, gây áp lực lên hệ thống lưới điện nói chung, gây quá tải mạng lưới. Cả chục triệu người cùng bật máy lạnh quá mức có thể làm sập cả mạng lưới điện, và cuối cùng chả ai có điện để giải nhiệt được cả. Mạng lưới điện ở bang California (một trong những bang giàu nhất Hoa Kỳ) đã từng bị sập trong đợt sóng nhiệt năm 2000, 2001, và gần chạm mức quá tải trong các năm tiếp theo cho đến năm 2022 khi mùa nóng đến. Việt Nam là sao mà so sánh được với California về cơ sở hạ tầng năng lượng, nên nếu con người quá tham lam và vô ý thức trong vấn đề sử dụng máy lạnh công suất cao thì sẽ đối mặt với hậu quả vô cùng lớn về mất điện trên diện rộng.

Vì vậy, thay vì bật máy lạnh ở mức nhiệt độ thấp (18-25 độ C) rồi phải mặc quần áo dày để giữ ấm trong lúc sóng nhiệt bên ngoài hoành hành, thì các bạn nên bật máy lạnh vừa phải và mặc quần áo nhẹ nhàng, mỏng vừa đủ, để tiết kiệm năng lượng cho cộng đồng và dễ dàng thích nghi với môi trường bên ngoài (cả về mặt công năng quần áo) khi phải di chuyển chuyển đổi giữa các môi trường có mức nhiệt độ rất khác nhau như vậy. Điều đó cũng hợp lý về mặt tư duy – vì chúng ta tự xưng mình là “loài vượn tinh khôn” homo sapiens mà, phải không ạ? Chả có con vật ngu dốt nhất nào lại đi làm ngược lại cả.

👉 Cần đề phòng cháy rừng – cháy nhà trên diện rộng. Thời tiết khô nóng từ lâu, và bây giờ lại thêm một đợt sóng nhiệt cực độ, thì chỉ cần một chút bất cẩn có thể gây ra thảm họa lớn không thể kiểm soát nổi. Các trận cháy rừng lớn trong lịch sử hiện đại đã chứng minh sự thật đó, ví dụ như ở Australia (2019-2020, cháy 19 triệu hecta, 33 người chết, hơn 1 tỷ động vật chết cháy), Hy Lạp (2021, cháy 100.000 hecta, 3 người chết), Canada (2023, cháy 18,5 triệu hecta, 4 lính cứu hỏa chết), Chile (2024, cháy 71.000 mẫu đất rừng, 131 người chết, 300 người mất tích), Hawaii (2023, cháy 2,61 triệu hecta đất rừng, ít nhất 115 người chết). Cháy rừng là một thảm họa khủng khiếp nhất vì nó gây ô nhiễm bầu không khí trên một diện tích rộng hơn nhiều so với đám cháy, trả lại carbon vào bầu khí quyển khiến càng gia tăng hiệu ứng giữ nhiệt của khí nhà kính, và phá hủy các cánh rừng đóng vai trò như bể chứa carbon tự nhiên. Hệ sinh thái và nguồn sống của một cánh rừng nhiệt đới khổng lồ có thể bị tiêu diệt chỉ trong vài tháng, gây ra sự sụp đổ chuỗi domino khí hậu – sinh thái tại mỗi địa phương và trên bình diện toàn cầu. Cháy rừng là cách nhanh nhất để cả hành tinh này tiến đến bờ vực đại tuyệt chủng.

👉 Bạn nào đang nuôi trồng các loài thủy hải sản nhạy cảm với nhiệt độ môi trường thì nên kiểm tra liên tục nhiệt độ nước mặt trong ao hồ thường xuyên để tránh sốc nhiệt vật nuôi.

👉 Các đồ ăn – thực phẩm nên được để vào chỗ thoáng mát, tủ lạnh để cất trữ vì sẽ có nguy cơ dễ bị ôi thịu hư hỏng khi thời tiết quá nóng, gây ngộ độc thực phẩm và đau bụng tiêu chảy nếu ăn vào.

Ngoài ra, các bạn cần cẩn thận củi lửa ở ngay tại nhà của mình. Trong thời tiết cực nóng như thế này mà chỉ cần sơ suất để một tia lửa bén vào đồ dùng trong nhà thì có thể tạo ra một đám cháy lớn. Chúng tôi nghe nói chỉ mới trong ngày 17/2/2024 vừa qua đã có đến 2 đám cháy lớn ở Tp.HCM, làm chết 4 người dân.

Sau đây, chúng tôi sẽ đăng lần lượt các bản đồ dự báo nhiệt tại những khu vực riêng biệt. Các bạn nên chú ý so sánh màu sắc biểu thị các mức nhiệt khác nhau dành cho khu vực mình quan tâm và đang sống. Để cho dễ nhận ra, chúng tôi cũng đã đặt con số biểu trưng mức nhiệt trong các khoảng màu nhất định. Xin lưu ý rằng, các bản đồ dưới đây biểu thị đỉnh nhiệt cao nhất vào lúc 13 giờ chiều hàng ngày.

Hiện chúng tôi mới chỉ mua được thông tin dự báo của Châu Âu từ ngày 19/2 đến 24/2/2024. Dự kiến đợt sóng nhiệt này vẫn có thể diễn tiếp qua ngày 25 và 26/2 trước khi bị ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh và gió Đông Bắc nên sẽ bớt nóng đi một chút. Sẽ có thể có thêm một đợt sóng nhiệt ngắn khác xuất hiện từ ngày 29/2 – 1/3. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ sóng nhiệt cho đến ngày 26/2/2024, vì đây là một đợt sóng nhiệt khá dài.

BẢN ĐỒ NỀN NHIỆT Ở BÌNH PHƯỚC – TÂY NINH – BÌNH DƯƠNG – ĐỒNG NAI – TP.HCM TRONG 6 NGÀY TỚI

Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Tp.HCM sẽ là các địa phương chịu tác động nặng nề nhất của đợt sóng nhiệt sắp tới. Các bạn đang sinh sống ở những nơi này, đặc biệt ở khu vực phía Tây sát biên giới kéo đến tận Tp. Biên Hòa – Tp. HCM – Long Khánh nên chuẩn bị đối mặt với một nền nhiệt rất cao, ít nhất là 40 độ C, cao nhất là 46 độ C.

☀️ Ngày 19/2, sóng nhiệt cao sẽ tràn qua biên giới Tây Nam của khu vực Nam Tây Nguyên.

☀️ Ngày 20/2/2024, tình hình đỡ căng thẳng hơn một chút.

☀️ Ngày 21/2/2024, mức nhiệt 42-44 độ C có thể xâm nhập sâu vào nội địa Việt Nam

☀️ Ngày 22/2/2024, mức nhiệt 42-44 độ C vẫn tiếp tục tồn tại sâu trong nội địa Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

☀️ Ngày 23/2/2024, một lần nữa, mức nhiệt 42-44 độ C lấn sâu hơn vào nội địa Việt Nam. Thậm chí ở biên giới phía Tây của tỉnh Bình Phước (khu vực Lộc Ninh, Thanh Lương) còn nóng kinh hơn nữa, với mức nhiệt dự báo 44-46 độ C.

☀️ Ngày 24/2/2024, làn sóng nhiệt 42-44 độ C lấn sâu hơn vào Tp. Biên Hòa và tiến đến sát nách Long Khánh. Một khu vực rộng lớn còn lại vẫn chịu đựng nền nhiệt 40-42 độ C. Nền nhiệt 38-40 độ C giờ đây được dự báo bao trùm cả Tp.HCM.

BẢN ĐỒ NỀN NHIỆT Ở MIỀN TÂY NAM BỘ – ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG 6 NGÀY TỚI

☀️ Ngày 19/2, nền nhiệt cao 38-40 độ C sẽ tràn qua biên giới Tây Nam, bao phủ cả hai thành phố lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long là Long Xuyên và Cao Lãnh, tràn đến sát nách Tp. Cần Thơ.

☀️ Ngày 20/2, làn sóng nhiệt tạm giảm mức độ cực đoan. Nền nhiệt 38-40 độ C rút về Châu Đốc.

☀️ Ngày 21/2, một lần nữa, mức nhiệt 38-40 độ C bao trùm cả Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long, và Cần Thơ. Khu vực rừng U Minh Hạ cũng có thể dính nền nhiệt 38-40 độ C.

☀️ Ngày 22/2, mức nhiệt nóng hơn 40-42 độ C thậm chí xuất hiện ở Cao Lãnh – Long Xuyên. Còn mức nhiệt 38-40 độ C bao phủ Vĩnh Long, Cần Thơ, Vị Thanh, Cà Mau, U Minh Hạ.

☀️ Ngày 23/2, nền nhiệt 38-40 độ C có xu hướng rút về Long Xuyên – Cao Lãnh.

☀️ Ngày 24/2, nền nhiệt 38-40 độ C rút qua Long Xuyên – Cao Lãnh, và mức cực đoan tạm bớt đi trên vùng tứ giác Long Xuyên.

BẢN ĐỒ NỀN NHIỆT Ở KHU VỰC TÂY NGUYÊN TRONG 6 NGÀY TỚI

☀️ Ngày 19/2, nèn nhiệt 40-42 độ C bao phủ khu vực giữa Tây Nguyên (Plei Tu, Ea Súp, Nhơn Hòa, Phú Thiện, Ayun Pa). Mặt phía Tây các rạng núi cao sẽ là nơi rất nóng. Tp. Buôn Ma Thuột (Dak Lak) cũng có nền nhiệt 38 – 40 độ C.

☀️ Ngày 20/2, tình trạng nhiệt độ tương tự như 19/2, chỉ giảm chút ít về phía Đông Tây Nguyên.

☀️ Ngày 21/2, nền nhiệt 42-44 tràn qua biên giới. Plei Tu nóng nhất. Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Ea Súp, Ea Wer, Nhơn Hòa, Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Nô… cũng tăng nhiệt lên 40-42 độ C.

☀️ Ngày 22/2, giảm nhiệt, nói chung là nóng như ngày 20 và 19/2, nhưng cá đỉnh núi cao phía Đông như Phú Thiện, Ayun Pa vẫn nóng 42-44 độ C.

☀️ Ngày 23/2, nền nhiệt nóng 40-42 độ C rút dần về biên giới Lào – Cambodia. Nền nhiệt Buôn Ma Thuột, Nhơn Hòa, Krông Nô…) giảm còn 38-36 độ C.

☀️ Ngày 24/2, sóng nhiệt rút hẳn về bên kia biên giới. Gần như toàn bộ Tây Nguyên chỉ còn nền nhiệt 36-38 độ C.

KHÔNG CHỈ VIỆT NAM ĐỐI MẶT VỚI SÓNG NHIỆT

Dưới đây là toàn cảnh thế giới trong cơn sốt nóng 44-50 độ C được dự báo sẽ xảy ra vào ngày thứ Năm 22/2/2024 sắp tới.

Bạn sẽ thấy lục địa Nam Mỹ có hai điểm nóng từ 40-46 độ C là Venezuela – Colombia – Guyana – Peru – Ecuador và Paraguay. Châu Phi cũng bị tô màu tím đậm với Cộng hòa Congo, Nam Sudan, Guinea Xích đạo, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Guinea, Burkina Faso, Botswana, Mozambique. Chủ yếu bờ Đông Ấn Độ phải đối mặt với sóng nhiệt kỳ này, bao gồm các tỉnh thành phố Chennai, Madurai, Colombo, Vijayawada. Còn Đông Nam Á thì tím đậm, đổ quạch ở hầu hết Thái Lan, Lào, Cambodia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Borneo.

Còn Australia? Nếu nhìn kỹ trong 5 ngày sắp tới, bạn sẽ thấy miền Tây Australia nóng lên trước và sau đó gần như 3/4 lục địa này sẽ có mức nhiệt từ 40-47 độ C.

Nếu để ý nhìn vào toàn cảnh đợt sóng nhiệt này trên toàn cầu, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng Việt Nam và Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng rất sâu đậm bởi khí hậu mùa hè của Nam Bán Cầu. Các khối nhiệt hình thành bên dưới đường xích đạo thuộc Nam Bán Cầu không còn chỉ tác động đến những lục địa thuộc thế giới phương Nam nữa, như Châu Phi, Nam Mỹ, Australia, Châu Đại Dương, nhưng len lỏi và tác động đến Đông Nam Á và một phần Nam Á. Rồi sau đó, khi Bắc Bán Cầu bước vào mùa hè thực sự và bị nung nóng lên, thì những khu vực nằm ở vùng tiếp giáp trung gian như Việt Nam và Đông Nam Á lại sẽ bị tiếp tục tác động bởi sóng nhiệt của Bán Cầu Bắc. Đó gọi là tác động kép của vùng giao thoa – nơi dễ dàng xảy ra những hiểm họa về tăng nhiệt và nhiệt bầu ướt.

Vì vậy, người dân Việt Nam nên chuẩn bị sớm là vừa. Với các khu vực dễ bị sốc nhiệt, thì nên chuyển đổi cách sống, thay đổi thời gian lao động, thực hiện chiến lược giảm thiểu bức xạ nhiệt bằng cây xanh đô thị. Đừng chặt cây nữa. Đừng tham lam quy hoạch bê-tông nữa. Đừng ngu dốt chạy theo cuộc đua tăng trưởng kinh tế và công nghệ hiện đại của giới tư bản phương Tây. Nếu không, các bạn sẽ hối tiếc mãi mãi.

Lửa hỏa ngục đang đến theo nghĩa đen. Nó sẽ thanh tẩy hành tinh này bằng chính những gì con người đã gây ra cho sự sống của hệ sinh thái. Không có nơi nào là an toàn cả đâu. Điều quan trọng là thay đổi cách sống và những gì còn lại ở trong trái tim của bạn. Trong cuộc khủng hoảng đột biến khí hậu và đại tuyệt chủng lần thứ 6, chỉ có TÌNH YÊU LÀ Ở LẠI.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

THÁNG 5/2019 TRỞ THÀNH THÁNG 5 NÓNG NHẤT ĐỨNG HÀNG THỨ 4 TRONG LỊCH SỬ GHI NHẬN

NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ) vừa xác nhận nền nhiệt trung bình toàn cầu trong tháng 5/2019 vừa qua đã cao hơn 1,53°F so với mức trung bình của thế kỷ 20 là...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Sốc nhiệt/nhiệt bầu ướt

PHÂN TÍCH KHÍ HẬU NÓNG ẨM VIỆT NAM

Dưới đây là các biểu đồ vệ tinh lúc 10g sáng, ngày 20/5/2019, trên phạm vi Việt Nam và bán đảo Đông Dương: Hình số 1: Nền nhiệt môi trường ở mức cảm thụ phản xạ sóng nhiệt (Misery...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic