BÁO CÁO TÌNH HÌNH KHÍ HẬU: NĂM 2024 CÓ KHỞI ĐẦU NÓNG KỶ LỤC


hanhtinhtitanic
BÁO CÁO TÌNH HÌNH KHÍ HẬU: NĂM 2024 CÓ KHỞI...

Năm nay [2024] có xu hướng nền nhiệt ngang bằng hoặc vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng kỷ lục.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ từ CarbonBrief:

State of the climate: 2024 off to a record-warm start

Nền nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng cao bất thường trong ba tháng qua – cao hơn khoảng 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – xảy ra sau khi pha El Niño hiện tại đạt đỉnh vào đầu năm 2024.

Nền nhiệt trong 10 tháng qua đều đã thiết lập các kỷ lục mới về nhiệt độ hàng tháng vượt mọi thời đại, mặc dù biên độ mà các kỷ lục mới được thiết lập này đã giảm từ mốc khoảng 0,3 độ C vào năm ngoái xuống còn 0,1 độ C trong ba tháng đầu năm 2024.

Tháng 4/2024 đang trên đà kéo dài chuỗi tăng nhiệt kỷ lục này lên 11 tháng liên tiếp.

Quý đầu tiên của năm nay đã chứng kiến nền nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục trên nhiều khu vực rộng lớn của hành tinh, bao gồm cả các vùng biển nhiệt đới Đại Tây Dương và Tây Thái Bình Dương, phần lớn Nam Mỹ, Trung Phi, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.

Một người lái xe kéo đang giải nhiệt bằng vòi nước trên mặt trong nắng nóng ở Dhaka, Bangladesh, vào ngày 15 tháng 4 năm 2024. Nguồn ảnh: Mamunur Rashid / Alamy Stock Photo

Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024 và dựa trên dự báo của pha El Niño hiện tại, Tổ chức Carbon Brief ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu trong năm nay có thể sẽ chạm mức trung bình tăng nhiệt khoảng +1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mặc dù rất khó để dự báo chính xác vào đầu năm, nhưng tính toán của Carbon Brief cho thấy rằng năm 2024 gần như chắc chắn sẽ có thể trở thành năm nóng nhất hoặc nóng thứ hai từng được ghi nhận [trong lịch sử của ngành khí tượng hiện đại].

Nền nhiệt độ toàn cầu tiếp tục lập kỷ lục

Ba tháng đầu năm 2024 đều lập kỷ lục mới về nhiệt nhờ điều kiện của pha El Niño đạt đỉnh ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương.

Biến chuyển tự nhiên ngắn hạn này được tạo ra vì tình trạng ấm lên khoảng 1,3 độ C xảy ra kể từ giữa thập kỷ 1800 do lượng khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác của con người.

Hình dưới đây cho thấy nền nhiệt độ toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024 (đường biểu thị màu tím) so với từng tháng trong các năm khác nhau kể từ năm 1940 (với các đường đồ thị được tô màu theo từng thập kỷ đã xảy ra) trong tập dữ liệu nhiệt độ bề mặt của Copernicus/ECMWF ERA5.

Các mức nhiệt trung bình toàn cầu hàng tháng đều chạm mức cao kỷ lục kể từ tháng 6/2023
Nhiệt độ mỗi tháng từ năm 1940 đến năm 2024 trong bộ dữ liệu của Copernicus/ECMWF ERA5. Có những điểm bất thường được định vị so sánh với đường biểu thị nền nhiệt cơ sở trong giai đoạn 1850-1900. Nguồn biểu đồ: Carbon Brief.

Mỗi tháng từ tháng 6/2023 trở đi – tức là 10 tháng liên tiếp cho đến thời điểm hiệ ntại – đều lập kỷ lục về tăng nhiệt rõ ràng. Nền nhiệt độ trong ba tháng qua đều nóng hơn khoảng 0,1 độ C so với kỷ lục trước đó được thiết lập trong sự kiện Siêu El Niño vào năm 2016.

Trong Bản Đánh giá mới nhất về Nền Khí hậu [toàn cầu] được công bố hàng quý này, Tổ chức Carbon Brief phân tích các dữ liệu ghi nhận từ năm nhóm nghiên cứu khác nhau đã báo cáo dữ liệu nhiệt độ bề mặt toàn cầu, là: NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ), NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ), Met Office Hadley Centre/UEA (Trung tâm Hadley/Đại học East Anglia của Văn phòng Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh), Berkeley EarthCopernicus/ECMWF (Cơ quan Dịch vụ Khí tượng của Liên minh Châu Âu).

Hình bên dưới biểu thị nền nhiệt độ hàng năm của từng nhóm dữ liệu này kể từ năm 1970, cùng với mức trung bình trong ba tháng đầu năm 2024. (Lưu ý: tại thời điểm viết bài này, dữ liệu tháng 3/2024 vẫn chưa được Hadley/UEA công bố.)

Các ghi nhận mức nhiệt độ bề mặt toàn cầu từ năm 1970-2023, và cho đến thời điểm hiện tại của năm 2024
Dữ liệu nền nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm từ NASA GISTEMP, NOAA GlobalTemp, Hadley/UEA HadCRUT5, Berkeley EarthCopernicus/ECMWF (các đường biểu thị), cùng với nèn nhiệt độ năm 2024 cho đến nay (tháng 1 đến tháng 3, là các chấm màu). Những điểm bất thường được chấm trên biểu đồ khi so sánh với giai đoạn từ năm 1981-2010 và được hiển thị đối chiếu với thời kỳ tiền công nghiệp dựa trên nền nhiệt độ trung bình của thời tiền công nghiệp trong các bộ dữ liệu của Hadley/UEA, NOAA và Berkeley kéo dài từ năm 1850. Nguồn biểu đồ: Carbon Brief.

Nói chung, hành tinh này đã ấm lên khoảng 1 độ C kể từ năm 1970, với quan điểm thống nhất chặt chẽ giữa các bộ dữ liệu ghi nhận nền nhiệt độ toàn cầu khác nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn hơn giữa các bản ghi nhiệt độ trong khoảng thời gian đối chiếu xa hơn (đặc biệt là trước năm 1900) do các quan sát ít được ghi nhận lại hơn và do độ nhạy cảm khí hậu lớn hơn được tạo ra khi lấp đầy khoảng trống giữa các số liệu đo.

Tất cả đều cho thấy nền nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại đang cao hơn bất kỳ kỷ lục hàng năm nào trước đó. Tuy nhiên, nền nhiệt của quý đầu tiên trong năm 2024 khó có thể đại diện cho cả năm này, do các điều kiện của pha El Niño đang suy yếu và kỳ vọng về một pha La Niña đang phát triển vào cuối năm nay.

Các mốc nhiệt độ kỷ lục hàng ngày trên toàn cầu

Hình bên dưới cho thấy dữ liệu nhiệt độ hàng ngày từ bản ghi của Copernicus/ECMWF ERA5 cho năm 2024 (đường biểu thị màu tím), 2023 (đường biểu thị màu đỏ) và trong giai đoạn từ năm 1940-2022 (đường biểu thị màu xám).

Nó nhấn mạnh rằng tháng 4/2024 đang trên đà tiếp tục chuỗi kéo dài những tháng có nền nhiệt nóng kỷ lục, với hầu hết các ngày riêng lẻ trong tháng này cho đến hiện tại đều lập kỷ lục mới về nền nhiệt đo được hàng ngày của khoảng thời gian này hàng năm.

Các mốc nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu cho thấy năm 2023, và khoảng thời gian đầu năm 2024, nóng kỷ lục
Nhiệt độ toàn cầu hàng ngày từ năm 1940 đến thời điểm hiện tại (ngày 20/4/2024) từ Copernicus/ECMWF ERA5, với các giá trị hàng ngày cho mỗi năm được vẽ dưới dạng một đường riêng biệt. Màu sắc biểu thị năm 2024 là màu tím, 2023 là màu đỏ, và tất cả các năm khác là màu xám. Những điểm bất thường đều được đánh dấu đối chiếu với nền nhiệt cơ sở trong giai đoạn từ năm 1850-1900. Nguồn biểu đồ: Carbon Brief.

Biểu đồ bên dưới cho thấy một hình ảnh trực quan khác, với nền nhiệt độ [trung bình toàn cầu] ghi nhận hàng ngày được hiển thị bằng các màu sắc, từ xanh dương (-2 độ C) cho đến đỏ (+2 độ C), với mức đối chiếu với đường cơ sở nhiệt độ trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn từ năm 1850-1900) được đặt thành 0 độ C. Hình dưới đây hiển thị [các mức nhiệt độ] mỗi ngày kể từ năm 1940 trong bộ dữ liệu của Copernicus/ECMWF ERA5.

Nền nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng như thế nào kể từ năm 1940, khi đối chiếu với nền nhiệt cơ sở trong giai đoạn 1850-1900
Bản đồ nhiệt độ ghi nhận hàng ngày theo từng ngày từ năm 1940 đến thời điểm hiện tại (ngày 20/04/2024) của Copernicus/ECMWF ERA5. Những điểm bất thường đều được đánh dấu đối chiếu với mức nhiệt cơ sở trong giai đoạn từ năm 1850-1900. Nguồn biểu đồ: Carbon Brief.

Điều đáng chú ý chính là hầu như ngày nào trong 50 năm qua đều chứng kiến mức nhiệt độ cao hơn mức của thời kỳ tiền công nghiệp cả, với cả hai năm 2023 và 2024 cho đến nay đều đặc biệt rất ấm so với bất kỳ năm nào trước đó từng được ghi nhận.

El Niño đang đẩy mạnh tình trạng tăng nhiệt do con người gây ra

Nền nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên trong những tháng gần đây do sự kiện El Niño mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự kiện này đã đạt đến đỉnh điểm và dự kiến sẽ chuyển sang pha La Niña vào cuối năm nay.

Hình dưới đây cho thấy một loạt các mô hình dự báo khác nhau về tình trạng của El Niño-Dao động phương Nam (ENSO) trong thời gian còn lại của năm 2024, do các nhóm nghiên cứu khác nhau đưa ra. Các giá trị được hiển thị là sự thay đổi nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương – vùng El Niño 3.4 – trong khoảng thời gian ba tháng liên tục.

Các mô hình dự báo tình hình biến chuyển của ENSO từ tháng 4/2024
Các mô hình dự báo El Niño-Dao động Nam (ENSO) cho giai đoạn ba tháng liên tục ở khu vực Niño 3.4 (Tháng 12, Tháng 1, Tháng 2 – DJF – v.v.) cho khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Nguồn ảnh: Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Xã hội (International Research Institute for Climate and Society), Phân khoa Khí hậu của Đại học Columbia, Hoa Kỳ)

Hầu như tất cả các mô hình đều cho rằng các điều kiện của pha El Niño sẽ giảm nhanh chóng và được thay thế bằng các điều kiện khí hậu của pha La Niña vào cuối mùa hè này. Hầu hết các mô hình đều dự báo một pha La Niña vừa phải (nhiệt độ mặt nước biển bất thường (SST) giảm ít hơn 0,5 độ C tại khu vực Niño 3.4) sẽ phát triển vào cuối năm nay.

HÀNH TINH TITANIC

Nếu các bạn thấy thông tin của chúng tôi hữu ích cho việc chuẩn bị thích nghi với khủng hoảng khí hậu, hãy chia sẻ và giới thiệu cho mọi người trong cộng đồng. Bạn cũng có thể góp phần vào xây dựng nội dung cho Hành tinh Titanic bằng cách tự nguyện cam kết gửi tặng một khoản tiền nhất định hàng tháng cho chúng tôi tại:
https://paypal.me/HanhtinhTitanic

Những dự báo sớm về một năm 2024 nóng

Trong lịch sử, nền nhiệt độ bề mặt toàn cầu chạm mốc cao nhất sau khi El Niño đạt đỉnh điểm vào đầu năm.

Điều này xảy ra trong cả hai sự kiện El Niño siêu mạnh gần đây nhất, vào năm 1998 và 2016, có nền nhiệt ấm hơn đáng kể so với những năm trước đó (1997 và 2015) một khi các sự kiện El Niño tương ứng phát triển.

Tuy nhiên, nền nhiệt của năm 2023 lại rất bất thường. Nền nhiệt này biểu thị giống với những gì con người nghĩ [sẽ chỉ xảy ra] sau khi El Niño đạt đỉnh, hơn là trong thời điểm pha ENSO này đang phát triển.

Nhiệt độ hàng năm đã vượt quá phạm vi mà tất cả các nhóm nghiên cứu khác nhau từng dự đoán vào đầu năm. Hiện vẫn chưa có lời giải thích thống nhất nào cho tình trạng nắng nóng cực độ này, đặc biệt cho giai đoạn nửa cuối năm 2023.

Hình bên dưới cho thấy biên độ kỷ lục (các thanh màu đỏ) – là định lượng mà nền nhiệt độ trung bình toàn cầu đã vượt qua kỷ lục nhiệt độ hàng tháng trước đó – trong mỗi tháng của năm vừa qua.

Mùa hè và mùa thu năm 2023 chứng kiến các kỷ lục được thiết lập với biên độ lớn: 0,5 độ C vào tháng 9, 0,4 độ C vào tháng 10 và 0,3 độ C vào tháng 7, tháng 8, tháng 11 và tháng 12.

Các mốc nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vọt kỷ lục trong 10 tháng liên tiếp từ giữa năm 2023 đến thời điểm hiện tại của năm 2024
Biên độ mà các kỷ lục mới về nền nhiệt độ hàng tháng đã được thiết lập trong vòng 12 tháng qua. Sử dụng dữ liệu từ Copernicus/ECMWF ERA5. Nguồn biểu đồ: Carbon Brief.

Trong ba tháng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những kỷ lục mới được thiết lập chỉ xung quanh khoảng +0,1 độ C. Các kỷ lục trước đó cho tháng 1, tháng 2 và tháng 3 đã được thiết lập vào năm 2016, và với tốc độ ấm lên kể từ đó, chúng tôi kỳ vọng các kỷ lục mới sẽ được thiết lập ở mức khoảng 0,1 độ C vào năm liền kề sau đỉnh El Niño. Nếu năm nay [2024] đi theo quỹ đạo của năm 2016, chúng ta có thể dự đoán nền nhiệt độ toàn cầu sẽ bắt đầu giảm trong những tháng tới.

Tuy nhiên, thực tế là tình trạng tăng nhiệt đặc biệt của năm 2023 phần lớn vẫn chưa được giải thích, đặt ra câu hỏi về việc liệu những gì xảy ra trong quá khứ có phải là chỉ báo tốt cho những gì sắp xảy ra trong năm 2024 hay không. Nếu nửa cuối năm 2024 kết thúc tương tự như năm 2023, thì có lo ngại rằng chúng ta có thể đang bước vào kỷ nguyên được mô tả là “chốn vô dịnh và miền đất chưa từng được biết đến bao giờ” về mặt khí hậu.

Như Tiến sĩ Gavin Schmidt của NASA đã lưu ý trong một bình luận gần đây trên Tập san Khoa học Nature:

“Nếu sự bất thường về nền nhiệt không ổn định xảy ra vào tháng 8 [sắp tới] – một giả định khá hợp lý dựa trên các sự kiện El Niño đã xảy ra trước đó – thì cả thế giới sẽ ở trong miền đất chưa từng được biết đến bao giờ. Nó có thể ngụ ý rằng một hành tinh đang nóng lên đã làm thay đổi căn bản cách thức hoạt động của hệ thống khí hậu, sớm hơn nhiều so với dự đoán của giới khoa học. Điều đó cũng có thể có nghĩa là những suy luận thống kê dựa trên các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ thì kém tin cậy hơn chúng ta nghĩ, khiến làm tăng thêm sự không chắc chắn cho các dự báo theo mùa về nạn hạn hán và hình thái mưa.”

Bằng cách xem xét mối quan hệ giữa nền nhiệt của ba tháng đầu năm và nền nhiệt độ hàng năm kể từ năm 1970 – cũng như các điều kiện của ENSO trong ba tháng đầu năm [2024] và sự phát triển dự kiến của các điều kiện El Niño trong chín tháng còn lại – Carbon Brief đã đã thử thiết lập một dự báo về nền nhiệt độ trung bình toàn cầu cuối cùng của năm 2024 có thể sẽ ra sao.

Phân tích này bao gồm ước tính không chắc chắn về những kết quả cho năm 2024, vì cho đến nay, chúng ta mới chỉ có nền nhiệt độ ghi lại từ quý đầu tiên của năm. Biểu đồ bên dưới cho thấy phạm vi nhiệt độ dự kiến ​​vào năm 2024 bằng cách sử dụng dữ liệu phân tích lại về bầu khí quyển toàn cầu của Copernicus/ECMWF (ERA5) – bao gồm giá trị ước tính tốt nhất (màu đỏ) và giá trị tính đến thời điểm hiện tại (màu vàng). Nhiệt độ được thể hiện có đối chiếu với nền nhiệt cơ sở của thời kỳ cơ sở tiền công nghiệp (1850-1900).

Dự báo biên độ của nền nhiệt trung bình toàn cầu hầu như sẽ chạm mốc nóng nhất hoặc nóng thứ hai cho năm 2024
Các bất thường vè nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm từ dữ liệu được phân tích lại về bầu khí quyển toàn cầu của Copernicus/ECMWF (ERA5), được đánh dấu đối chiếu với theo đường nhiệt cơ sở của giai đoạn từ năm 1850-1900. Giá trị hiện tại của năm 2024 bao gồm từ tháng 1 đến tháng 3. Giá trị ước tính hàng năm của năm 2024 dựa trên mối quan hệ giữa nhiệt độ từ tháng 1 đến tháng 3 và nền nhiệt độ hàng năm từ năm 1970 đến năm 2023. Nguồn biểu đồ: Carbon Brief.

Dự báo của Carbon Brief cho thấy rằng năm 2024 gần như chắc chắn sẽ là năm ấm nhất hoặc ấm thứ hai trong lịch sử ngành khí tượng hiện đại, với ước tính tập trung [mức tăng nhiệt] chỉ vượt trên +1,5 độ C, cao hơn một chút so với năm 2023. Tuy nhiên, mô hình này giả định rằng năm 2024 tuân theo các hình thái khí hậu mà chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ gần đây – là sự kiện đáng chú ý của những mô hình đã bị phá vỡ vào năm 2023.

Chúng tôi thiết nghĩ cũng cần nhắc lại rằng việc nền nhiệt của một năm riêng lẻ đã chạm mốc 1,5 độ C cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp thì không tương đương với ý nghĩa của giới hạn 1,5 độ C được đề ra trong Hiệp định Khí hậu Paris (năm 2015). Giới hạn này đề cập đến tình trạng nóng lên trong dài hạn, chứ không phải [điều đã xảy ra trong] một năm riêng lẻ bao gồm ảnh hưởng ngắn hạn của những biến động tự nhiên về khí hậu, chẳng hạn như El Niño.

Hình bên dưới thể hiện ước tính của Carbon Brief về nền nhiệt độ của năm 2024, có sử dụng dữ liệu từ ERA5, tính đến cả giai đoạn đầu năm và khi có thêm dữ liệu của mỗi tháng. Mặc dù các ước tính tập trung vẫn tương đối không thay đổi, nhưng độ không chắc chắn đã giảm dần theo sự bổ sung của dữ liệu trong mỗi tháng.

Biên độ dự báo nhiệt độ toàn cầu cho năm 2024 của CarbonBrief
Dự báo của Carbon Brief về nhiệt độ toàn cầu vào đầu năm [2024], sau khi dữ liệu ERA5 của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 được cung cấp.

Tình trạng nóng kỷ lục hầu như trên toàn cầu

Trong khi sự thay đổi nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu là một chỉ số quan trọng của tình trạng biến đổi khí hậu dài hạn, bất kỳ tháng hoặc năm nào cũng sẽ có các hình thái ấm lên hoặc mát đi đáng kể tùy theo từng khu vực khác nhau trên thế giới.

Ba tháng đầu năm 2024 chứng kiến nền nhiệt độ đặc biệt ấm áp xảy ra trên các vùng biển nhiệt đới của Đại Tây Dương và khu vực Tây Thái Bình Dương, phần lớn Nam Mỹ, Trung Phi, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.

Hình dưới đây cho thấy sự khác biệt giữa nhiệt độ trong ba tháng đầu năm 2024 và nền nhiệt cơ sở từ năm 1951-1980, được lấy từ Berkeley Earth (sử dụng bộ dữ liệu nhiệt độ có độ phân giải cao của nhóm này). Các màu đỏ, cam và vàng biểu thị những khu vực ấm hơn mức trung bình, trong khi màu xanh dương biểu thị những khu vực mát hơn.

Tình trạng bất thường về nhiệt độ bề mặt toàn cầu trong ba tháng đầu năm 2024 so với nền nhiệt cơ sở trong giai đoạn từ năm 1951-80. Nguồn ảnh: Berkeley Earth.

Hình dưới đây cho thấy những nơi nào trên bề mặt Trái Đất đã trải qua nền nhiệt độ cao kỷ lục (màu đỏ đậm) trong ba tháng đầu năm 2024. Điều đáng chú ý là không có vị trí nào trên hành tinh này có nền nhiệt độ lạnh kỷ lục trong quý đầu tiên của năm nay.

Các địa điểm có nền nhiệt độ ấm kỷ lục trong ba tháng đầu năm 2023 dựa trên dữ liệu từ năm 1850. Nguồn ảnh: Berkeley Earth.

Độ phủ băng biển ở phạm vi thấp nhất lịch sử

Trong phần lớn khoảng thời gian đầu năm 2024, phạm vi băng biển ở Bắc Cực ở mức thấp trong lịch sử khi so sánh với giai đoạn từ năm 1979-2010, và đang thiết lập một số giá trị mới thấp kỷ lục cho từng ngày trong tháng 2 và tháng 3.

Do điều kiện mùa Đông ở Bắc Bán Cầu vẫn còn đủ lạnh để đóng băng lại nên băng biển có xu hướng ít biến đổi về mức độ giữa các năm vào mùa Đông so với mùa Hè.

Sau sự kiện chạm mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 9/2023, băng biển ở Nam Cực đã chạm mức thấp gần như kỷ lục trong sáu tháng qua. Vào cuối tháng 2/2024, lượng băng này chạm mức tối thiểu trong năm, trùng với năm 2022, là mức tối thiểu thấp thứ hai ở Nam Cực trong hồ sơ ghi nhận từ vệ tinh.

Hình dưới đây cho thấy cả phạm vi băng biển ở Bắc Cực và Nam Cực vào năm 2024 (các đường liền nét màu đỏ và xanh dương), phạm vi lịch sử trong ghi nhận từ năm 1979 đến năm 2010 (các khu vực được tô mờ) và mức thấp kỷ lục (đường chấm màu đen). Không giống như các bản ghi nhiệt độ toàn cầu (chỉ báo cáo mức trung bình hàng tháng), dữ liệu băng biển được thu thập và cập nhật hàng ngày, cho phép xem mức độ băng biển cho đến hiện tại.

Độ phủ băng biển ở Bắc Cực và Nam Cực trong năm 2024
Phạm vi băng biển hàng ngày ở Bắc Cực và Nam Cực với dữ liệu từ Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia Hoa Kỳ (US National Snow and Ice Data Center). Các đường đậm biểu thị giá trị hàng ngày của năm 2024, vùng tô mờ biểu thị hai phạm vi độ lệch chuẩn trong các giá trị lịch sử từ năm 1979 đến năm 2010. Các đường chấm màu đen biểu thị mức thấp kỷ lục cho mỗi Cực. Nguồn biểu đồ: Carbon Brief.

Tuy nhiên, độ phủ của băng biển chỉ nói lên được một phần của câu chuyện. Ngoài việc giảm phạm vi băng phủ, băng biển còn sót lại có xu hướng mới được hình thành và mỏng hơn lớp băng từng bao phủ khu vực này.

Hình bên dưới, có sử dụng dữ liệu từ Hệ thống Đồng hóa và Mô hình hóa Băng biển Bắc Cực (Pan-Arctic Ice Ocean Modelling and Assimilation System – PIOMAS), cho thấy độ dày lớp băng biển ở Bắc Cực thay đổi hàng năm, từ năm 1979 đến năm 2024.

Sự bất thường về khối lượng băng biển ở Bắc Cực từ năm 1979 đến tháng 3/2024 với nguồn dữ liệu từ PIOMAS.

Trong khi khối lượng băng biển không thay đổi hoặc có tăng nhẹ trong vòng 5 năm qua, khối lượng đó lại có xu hướng giảm đi rõ ràng kể từ khi bắt đầu có ghi nhận từ vệ tinh vào cuối thập niên 1970.

Nếu các bạn thấy thông tin của chúng tôi hữu ích cho việc chuẩn bị thích nghi với khủng hoảng khí hậu, hãy chia sẻ và giới thiệu cho mọi người trong cộng đồng. Bạn cũng có thể góp phần vào xây dựng nội dung cho Hành tinh Titanic bằng cách tự nguyện cam kết gửi tặng một khoản tiền nhất định hàng tháng cho chúng tôi tại:

👉https://paypal.me/HanhtinhTitanic

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Tăng tốc Biến đổi Khí hậu

TRÒ CHƠI DOMINO

Đây không chỉ đơn giản là một thí nghiệm vật lý, mà còn cho chúng ta nhận ra được sự khủng khiếp của hiện tượng khuếch đại lực/năng lượng (amplification) khi có sự tác động của...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU

QUẢ BOM THỜI GIAN TREO TRÊN ĐỈNH ĐẦU THẾ GIỚI

Thật khó có thể tưởng tượng được sự tàn phá của biến đổi khí hậu hơn các đám cháy rừng đang hoành hành ở bang California, Oregon và Washington, hay những cơn bão nhiệt đới ập đến...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic