QUẢ BOM THỜI GIAN TREO TRÊN ĐỈNH ĐẦU THẾ GIỚI


hanhtinhtitanic
QUẢ BOM THỜI GIAN TREO TRÊN ĐỈNH ĐẦU THẾ GIỚI

Nhiều người trên toàn cầu đã và đang mất nhà cửa và sinh kế vì cháy rừng, lũ lụt, bão và các thảm họa gây chết người khác. Và giờ đây, với việc giới khoa học đang dự báo biển Bắc Băng Dương gần như sẽ không có băng vào cuối mỗi mùa hè, điều tồi tệ hơn có thể sẽ xảy ra.

Hai tác giả của bài viết này, là Ts. Mario Molina – người đoạt giải Nobel hóa học năm 1995, từng là giáo sư tại Đại học California, phân hiệu San Diego và Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, và Ts. Durwood Zaelke – hiện là Chủ tịch của Viện Quản trị & Phát triển Bền vững, cũng là giám đốc của Chương trình Quản trị vì Phát triển Bền vững tại Đại học California, phân hiệu Santa Barbara. Gs. Mario Molina đã qua đời khi đang cùng chuẩn bị bài viết này.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ bài viết của họ, được đăng trên trang project-syndicate.org, để đem đến lời cảnh báo mới nhất về ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU.

Nguồn của bài: The Time Bomb at the Top of the World

Phiến băng Greenland. Nguồn ảnh: Martin Zwick/REDA&COU/Universal Images Group thông qua Getty Images.

Thật khó có thể tưởng tượng được sự tàn phá của biến đổi khí hậu hơn các đám cháy rừng đang hoành hành ở bang California, Oregon và Washington, hay những cơn bão nhiệt đới ập đến – và đôi khi còn tàn phá Vùng Vịnh Mexico. Chúng ta cũng đã đối mặt với những đợt sóng nhiệt chết người ở Ấn Độ, Pakistan và Châu Âu, và lũ lụt kinh hoàng ở Đông Nam Á. Nhưng còn nhiều điều tồi tệ hơn ở phía trước, với một nguy cơ đặc biệt, lớn đến mức nó có thể đe dọa chính sự tồn vong của nhân loại: đó chính là hiện tượng suy giảm nhanh chóng của biển băng ở Bắc Cực.

Giống như trong một bộ phim của Alfred Hitchcock, “quả bom” khí hậu này, ở một thời điểm nhất định nào đó, có thể đẩy tốc độ của hiện tượng nóng lên toàn cầu tăng lên gấp đôi. Nó giống như một chiếc đồng hồ đếm lùi thời gian, đang được giới khoa học theo dõi với sự lo lắng ngày càng tăng. Vào mỗi tháng 9 hàng năm, phạm vi đóng băng của biển băng ở Bắc Cực thường ở mức thấp nhất, trước khi bóng tối bao phủ kéo dài ở vùng này và nhiệt độ giảm thấp khiến nó bắt đầu mở rộng phạm vi đóng băng trở lại. Tại thời điểm này, các nhà khoa học đang so sánh đối chiếu mức độ phủ của biển băng với những năm trước.

Kết quả nghiên cứu của họ sẽ khiến tất cả chúng ta phát hoảng. Năm nay, các dữ kiện thu được từ Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Hoa Kỳ (National Snow and Ice Data Center) ở Boulder (bang Colorado) cho thấy có rất ít băng ở khu vực trung tâm Bắc Cực hơn bao giờ hết. Nghiên cứu vừa được công bố cho thấy vào năm 2018 và 2019, biển băng mùa Đông ở vùng Biển Bering của Bắc Cực đã xuống mức thấp nhất trong 5.500 năm qua.

Trên toàn vùng Bắc Cực, vào ngày 15 tháng 9 vừa qua, độ phủ của biển băng đạt mức thấp kỷ lục thứ hai từ trước đến nay. Số lượng băng khối thay đổi theo từng năm, nhưng xu hướng suy giảm là không thể tránh khỏi: những ngày 14 tháng 9 có độ phủ biển băng ít nhất từ trước đến hiện nay đều thuộc về 14 năm qua.

Nhưng diện tích biển băng không chỉ bao phủ ít hơn; nó cũng mỏng hơn bao giờ hết. Loại băng trên biển lâu đời nhất (có độ tuổi từ 4 năm trở lên), có khả năng chống tan chảy cao hơn, hiện chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số thể tích của biển băng. Loại biển băng chỉ có độ tuổi một năm hiện đang chiếm ưu thế, khiến lớp phủ băng biển trở nên mỏng manh và nhanh tan hơn. Giới khoa học hiện cho rằng Bắc Băng Dương có thể gần như không có băng vào cuối mỗi mùa hè của trong vòng một hoặc hai thập kỷ nữa.

Các hậu quả của sự kiện này sẽ rất thảm khốc. Với kịch bản cực đoan nhất có thể xảy ra trong vòng nhiều thập kỷ, sự kiện mất toàn bộ lớp băng trong suốt những tháng có ánh nắng mặt trời [chiếu tới vùng Bắc Cực] sẽ gây ra một lượng bức xạ nhiệt lớn trên toàn cầu, tương đương với việc bổ sung một nghìn tỷ tấn carbon dioxide được bơm vào bầu khí quyển. Nói một cách dễ hiểu, trong 270 năm qua kể từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu, loài người đã thải 2,4 nghìn tỷ tấn CO2 vào bầu khí quyển. Khoảng 30% lượng nhiệt tăng ở Bắc Cực đã được làm mát, trung hòa nhờ lượng băng mất đi từ năm 1979 đến năm 2016, và tiến trình ấm lên nhanh chóng hơn sẽ xảy ra trên toàn cầu như một hậu quả tất yếu, do lượng băng làm mát đã không còn nhiều như trước đây nữa.

Kịch bản cực đoan này sẽ khiến tiến trình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn dự báo đến 25 năm và chúng ta khó có thể hình dung ra mức độ nghiêm trọng của chuyện này. Mới tháng trước, một khối băng có kích thước gấp đôi đảo Manhattan đã vỡ và tách ra khỏi thềm băng lớn nhất còn lại ở Bắc Cực, nằm ở khu vực Đông Bắc đảo Greenland, trong nền nhiệt độ mùa hè cao kỷ lục.

Trong khi đó, phiến băng Greenland nằm trên đất liền cũng đang gặp nguy cơ lớn. Với hiện tượng ấm lên ở Bắc Cực diễn ra nhanh hơn tối thiểu là gấp đôi so với mức trung bình trên toàn cầu, tốc độ tan chảy băng ở Greenland đã gia tăng tối thiểu gấp ba lần trong hai thập kỷ qua. Người ta tin rằng chuyện này sẽ trở nên không thể đảo ngược trong vòng một thập kỷ tới hoặc ít hơn. Cuối cùng, quá trình tan chảy này sẽ khiến mực nước biển dâng lên đến 7 mét (23 feet), nhấn chìm các thành phố ven biển, mặc dù đỉnh điểm của sự kiện này chỉ xảy ra trong hàng trăm năm nữa.

Cùng với vấn đề Bắc Cực ngày càng ấm lên nhanh hơn chính là nguy cơ tự tăng cường hiệu ứng vòng lặp phản hồi của quá trình tan băng vĩnh cửu. Với lượng carbon bị khóa lại trong lớp băng vĩnh cửu nhiều gấp đôi so với lượng carbon đã tồn tại trong bầu khí quyển, việc giải phóng một phần trong số này thậm chí có thể mang đến thảm họa. Hiện tượng tan rã lớp băng vĩnh cửu cũng sẽ giải phóng nhiều khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt mạnh mẽ hơn: là khí nitrous oxidekhí methane. Khi nền nhiệt độ toàn cầu tăng lên cũng là lúc có thể nhiều khí methane hơn nữa có thể được giải phóng ra từ đáy biển nông của Thềm Biển băng Bắc Cực ở khu vực Đông Siberia.

Rõ ràng là, cần phải hành động khẩn cấp để giảm thiểu những rủi ro to lớn – thậm chí đang xảy ra – này. Chuyện cắt giảm nhanh lượng khí thải CO2 là cần thiết, nhưng gần như không đủ. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả việc cắt giảm nhanh lượng CO2 cũng chỉ làm giảm được khoảng 0,1-0,3°C hậu quả từ quá trình gia nhiệt của khí CO2 vào năm 2050.

Đó là lý do tại sao cần phải cắt giảm lượng phát thải của những “chất gây ô nhiễm khí hậu khủng khiếp” chỉ tồn tại trong thời gian ngắn như: khí methane, carbon đen, hydrofluorocarbon (HFCs) và ozone tầng đối lưu. Các phương pháp như vậy có thể làm giảm tiến trình ấm lên gấp sáu lần so với giảm lượng khí thải CO2 vào năm 2050. Nhìn chung, việc loại bỏ phát thải các chất “siêu giữ nhiệt” này sẽ làm giảm được một nửa tỷ lệ ấm lên toàn cầu nói chung và giảm 2/3 lượng gia nhiệt được dự báo ở Bắc Cực.

Một số tiến bộ đang được thực hiện. Gần 4 năm trước, tại Kigali, Rwanda, 197 quốc gia đã thông qua một nội dung sửa đổi đối với Nghị định thư Montreal, tập trung vào việc loại bỏ dần các chất HFC. (Hiện tại, Nghị định thư Montreal đã tạo điều kiện cho việc loại bỏ gần 100 chất hóa học gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và gây nguy hiểm cho tầng ozone.)

Hơn nữa, tại Hoa Kỳ, Thượng viện đã đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng vào tháng trước để cắt giảm 85% sản lượng và nhập khẩu khí HFC vào năm 2036. Về phần mình, chính quyền bang California đã giảm 90% lượng khí thải carbon đen kể từ những năm 1960, và sẽ giảm một nửa số phần còn lại vào năm 2030. Liên minh Khí hậu Hoa Kỳ (US Climate Alliance) – một nhóm lưỡng đảng gồm 25 thống đốc bang – đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí methane khoảng từ 40-50% vào năm 2030.

Đây là những mục tiêu đáng khen ngợi. Nhưng để đạt được các mục tiêu đó – chưa nói đến các mục tiêu tham vọng hơn cần để ngăn chặn hiện tượng gia tăng nền nhiệt độ toàn cầu – sẽ đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những thách thức lớn, bắt đầu từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn phản đối các mục tiêu giảm phát thải.

Ngay cả khi Trump thua trong cuộc bầu cử vào tháng tới, Bắc Cực – và toàn bộ hành tinh này – vẫn sẽ đối mặt với mối nguy hiểm nghiêm trọng, trừ khi chính quyền mới tăng cường triệt để nỗ lực cắt giảm lượng khí thải CO2 và các chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn. Mọi người trên khắp thế giới đã và đang mất nhà cửa và sinh kế vì nạn cháy rừng, lũ lụt, bão và các thảm họa gây chết người khác. Điều tồi tệ hơn có thể chưa xảy ra đâu.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Hiệu ứng che mờ khí quyển

BỤI MÙ Ô NHIỄM LÀM MÁT HÀNH TINH GẤP 2 LẦN SO VỚI TÍNH TOÁN TRƯỚC ĐÂY

Một nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí Nature, phân tích từ những thông số của vệ tinh chụp phân cực (polarimetric satellite measurements) cho thấy bằng chứng mạnh mẽ hơn về...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Tăng tốc Biến đổi Khí hậu

TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN KHÍ HẬU TRONG NĂM 2018

Dù đã qua tháng 3/2019, chúng tôi vẫn mời gọi các bạn cùng nhìn lại những thảm họa khí hậu xảy ra trong năm 2018, để cùng chuẩn bị cho điều sắp xảy ra trong năm mới này. Có nhiều...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic