LŨ LỤT KỶ LỤC Ở BẮC QUEENSLAND LÀ ĐIỀM BÁO ĐÁNG SỢ VỀ NHỮNG GÌ SẼ XẢY RA DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU


hanhtinhtitanic
LŨ LỤT KỶ LỤC Ở BẮC QUEENSLAND LÀ ĐIỀM BÁO...

Cơn mưa chưa từng có do Bão nhiệt đới Jasper đã kích hoạt trận lũ lụt trên diện rộng ở vùng cực Bắc của bang Queensland (Australia), buộc hàng nghìn người dân phải sơ tán. Sân bay Cairns bị đóng cửa, đường sá hư hại nặng nề và dân cư ở các bãi biển phía Bắc của thành phố bị nước lũ cô lập.

Một số máy đo lượng mưa ở lưu vực sông Barron và sông Daintree ghi nhận lượng mưa hơn 2m trong những ngày gần đây, và dự kiến sẽ còn nhiều cơn mưa đổ xuống hơn. Mực nước dâng ở hạ lưu sông Barron đã phá vỡ kỷ lục trước đó do lũ lụt tàn khốc lập vào tháng 3/1977. Vào sáng thứ Hai vừa qua (18/12/2023), sông Daintree dâng cao hơn 2m so với mực nước lũ của 118 năm trước đó, từng được ghi nhận lại vào năm 2019.

Cho đến nay, thiệt hại và tác động của trận lụt vẫn chưa hết. Nhưng khả năng sẽ có thiệt hại đáng kể về tài sản và cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như tác động tiêu cực đối với các ngành như du lịch và nông nghiệp. Quá trình phục hồi có thể mất nhiều tháng.

Vì vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn nguyên nhân gây ra tình trạng khẩn cấp này – và điều gì sẽ xảy ra khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Dưới đây là clip dự báo và đánh giá tình hình của đợt mưa và trận lũ vừa qua.

‘Điểm ưa thích’ cho mưa xối xả

Bão nhiệt đới Jasper đã đi qua bờ biển phía Bắc Tp. Cairns vào thứ Tư tuần trước (13/12/2023), quét qua cộng đồng bản địa xa xôi ở thị trấn Wujal Wujal. Thiệt hại từ gió lớn và nước dâng do bão là rất nhỏ, nhưng Jasper vẫn tạo ra một lượng mưa hơn 800mm trên các lưu vực sông Daintree và Mossman.

Cuối ngày thứ Tư 13/12, cơn bão đã giảm cấp xuống áp thấp nhiệt đới. Nó băng qua khu vực phía Nam bán đảo Cape York và hướng tới Vịnh Carpentaria. Đến ngày thứ Sáu 15/12, các cơ quan và nhà điều hành du lịch địa phương đều thông báo hoạt động trở lại và mời mọc du khách đến khu vực.

Tuy nhiên, đến sáng thứ Bảy 16/12, một trận mưa lớn và lũ lụt khẩn cấp đã phủ khắp khu vực rộng 360 km từ thị trấn Cooktown đến Ingham. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Tàn dư của cơn bão đã dừng lại ngay trong đất liền từ phía Đông Nam Vịnh Carpentaria, tạo ra một điểm ưa thích cho đợt mưa xối xả, được gọi là “vùng hội tụ cố định” (stationary convergence zone). Những cơn gió nhiệt đới cực kỳ ẩm ướt xung đột với nhau trên một khu vực hẹp giữa miền duyên hải Port Douglas và thị trấn Innisfail. Hiệu ứng này tạo ra điểm tập kết giữa đới gió Bắc thổi từ Vịnh Carpentaria và đới gió mậu dịch Đông Nam thổi từ Biển Coral. Các dãy núi nằm tại địa phương này còn tạo thêm sức nâng cho gió. Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến đợt mưa xối xả không ngừng trong vòng 48 giờ.

Hậu quả là tình trạng khẩn cấp nhanh chóng gia tăng khắp vùng Cairns và đồng bằng sông Barron cho đến khu vực phía Bắc của nơi này. Bạn có thể đọc dòng Twitter của Thủ tướng Australia Anthony Albanese mô tả tình hình thực tế này.

Lũ lụt ở Townsville: hình thái tương tự nhưng lại khác biệt

Đợt lũ lụt cực đoan này có một số điểm tương đồng với sự kiện đã gây ra thiệt hại đáng kể cho Townsville vào tháng 2/2019. Cả hai đều liên quan đến một vùng hội tụ cố định do áp thấp nhiệt đới ngừng di chuyển nằm ở khu vực phía Tây Bắc. Trong trường hợp của Townsville, vùng áp thấp nhiệt đới đứng yên trong hơn mười ngày. Vào thời điểm đó, Townsville nhận được lượng mưa tương đương lượng mưa trung bình một năm.

Nhưng ngược lại, hai sự kiện này lại có một số điểm rất khác nhau.

Thứ nhất, đợt lũ lụt [hồi năm 2019] ở Townsville xảy ra trong một năm ENSO trung tính – tức là không có các yếu tố thúc đẩy khí hậu như La Niña và El Niño. Tuy nhiên, đợt lũ lụt hiện tại mới xảy ra đã đến trong thời kỳ mà El Niño đang đạt đỉnh, khi các cơn bão nhiệt đới ít có khả năng xảy ra ở khu vực này của Australia, đặc biệt là vào đầu tháng 12.

Thứ hai, cơn áp thấp nhiệt đới di chuyển sâu vào đất liền gây ra lũ lụt ở Townsville năm 2019 đã nằm trong một rãnh gió mùa đang hoạt động, hút không khí xích đạo rất ẩm từ Indonesia. Nhưng điều bất thường là cơn bão Jasper lại không hình thành trong điều kiện như vậy. Lúc này, rãnh gió mùa vẫn còn xuất hiện và hình thành ở phía Bắc Australia.

Đợt lũ lụt có khả năng để lại thiệt hại đáng kể cho tài sản và cơ sở hạ tầng công cộng. Nguồn ảnh: Brian Cassey/AAP

Biến đổi khí hậu có liên quan gì đến điều này?

Khi năm 2023 khép lại với đặc điểm là năm ấm nhất trong lịch sử ghi nhận khí tượng hiện đại, người ta ngày càng lo ngại về sự gia tăng trên toàn cầu của các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt.

Bầu khí quyển và các đại dương đang nóng lên do lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng, phần lớn là do đốt nhiên liệu hóa thạch. Điều này đã dẫn đến nguy cơ xảy ra lượng mưa và lũ lụt cực lớn, chẳng hạn như những sự kiện mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay ở vùng cực Bắc của bang Queensland (Australia).

Với mỗi 1°C tăng lên nơi nền nhiệt độ trung bình toàn cầu, bầu khí quyển có thể chứa thêm 7% hơi nước. Một khi các yếu tố khí quyển kích hoạt được kết hợp với nhau, lượng hơi nước bổ sung này sẽ được giải phóng dưới dạng các cơn mưa rất lớn.

Còn quá sớm để cho rằng tình trạng mưa và lũ lụt cực đoan hiện nay là do biến đổi khí hậu. Nhưng khi thế giới tiếp tục ấm lên, những sự kiện như vậy sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Hiện tại, các đợt lũ lụt cực đoan trên toàn cầu xảy ra thường xuyên hơn, và cường độ của chúng đang phá vỡ nhiều kỷ lục về lượng mưa dài hạn và mực nước nước dâng trên sông.

Cậu bé Australia cho một con vẹt bị ướt nhẹp ăn xoài. Tình trạng lũ lụt tàn phá có thể trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng. Nguồn ảnh: Brian Cassey/AAP

Nhìn về phía trước

Một khi cuộc khủng hoảng trước mắt ở Bắc Queensland lắng xuống, chính quyền địa phương và tiểu bang sẽ cần phải tìm cách đối phó với tình trạng “bình thường mới” của các hiện tượng thời tiết cực đoan này. Câu hỏi lớn là: họ đã chuẩn bị chưa?

Kể từ trận lũ lớn xảy ra tại sông Barron vào tháng 3/1977, nhiều hoạt động phát triển thương mại và dân cư đáng kể đã được cho phép trên vùng ngập tràn của sông khi lũ xảy ra. Trong nhiều trường hợp, những dự án phát triển đã được phê duyệt trước đó mà không hề xem xét đầy đủ đến viễn cảnh lũ lụt trong tương lai. Nhiều dự án cũng đã được thông qua trước khi chính quyền địa phương bắt đầu lên kế hoạch xem xét về mực nước biển dâng.

Cộng đồng dân cư rộng lớn ở Cairns sẽ phục hồi sau sự kiện thời tiết cực đoan này và hy vọng sẽ giải quyết mọi vấn đề được xác định trong các hoạt động ứng phó khẩn cấp. Trong tương lai, việc lập kế hoạch khẩn cấp cần phải xem xét nghiêm túc hơn về những tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, các cơn bão nhiệt đới có cường độ mạnh hơn, sóng cồn do bão, lượng mưa đổ xuống và tình trạng lũ lụt.

Tính đến tháng cuối năm này, tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã được ban bố tại 2.351 khu vực tư pháp và chính quyền địa phương trên khắp thế giới. Do đó, nhiều bộ phận pháp lý đã xây dựng kế hoạch ứng phó. Ở Australia, chính quyền địa phương nên nhận ra các mối đe dọa và rủi ro về biến đổi khí hậu bằng cách chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Một người đàn ông và con trai của ông đi dọc bờ sông Cairns. Khu vực này đang phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng. Nguồn ảnh: Brian Cassey

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Băng tan

PHIẾN BĂNG KHỔNG LỒ Ở GREENLAND ĐANG TAN RA VỚI TỐC ĐỘ NGÀY CÀNG TĂNG

Trong một nghiên cứu mới nhất được công bố vào ngày 21/1/2019, phiến băng khổng lồ ở Greenland đang tan ra với tốc độ ngày càng tăng, khiến nó có thể chạm đến “điểm tới...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Siêu bão/Lốc xoáy

BÃO CÓ KHUYNH HƯỚNG ĐI CHẬM LẠI TRƯỚC KHI ĐỔ BỘ

Trong khi chờ đợi bão USAGI đổ bộ, chúng tôi mời các bạn xem lại một video clip của tờ New York Times làm sau thời điểm nước Mỹ bị tấn công bởi ba cơn bão liên tiếp là Harvey,...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic