NẮNG NÓNG KỶ LỤC SẼ TẤN CÔNG NAM BÁN CẦU KHI MÙA HÈ TẠI ĐÂY BẮT ĐẦU


hanhtinhtitanic
NẮNG NÓNG KỶ LỤC SẼ TẤN CÔNG NAM BÁN CẦU KHI...


Từ đầu năm 2023, Bắc Bán Cầu đã trải qua một mùa hè oi bức do các điều kiện khí hậu và khí tượng cực đoan. Giới khoa học cho rằng Nam Bán Cầu sẽ không thoát khỏi định mệnh này trong thời gian sắp tới, một khi nửa dưới của hành tinh này bước vào mùa hè, thời điểm cuối năm 2023.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ bài đăng trên tuần san khoa học Nature từ nguồn:

Record-breaking heat set to hit southern hemisphere as summer begins

Các nhà khoa học cho biết, khu vực Nam Bán Cầu đang chuẩn bị đối mặt với một mùa hè khắc nghiệt khi tình trạng biến đổi khí hậu khuếch đại tác động của các biến số khí hậu tự nhiên. Điều này xảy ra sau một mùa hè ở Bắc Bán Cầu chứng kiến những đợt nắng nóng cực độ trên khắp Châu Âu, Trung Quốc và lục địa Bắc Mỹ, lập kỷ lục mới về nền nhiệt độ ở cả ban ngày lẫn ban đêm tại một số khu vực.

Sự kết hợp tương tự của các hình thái thời tiết trong năm 2019-2020 đã dẫn đến những vụ cháy rừng ‘mùa hè đen’ tàn khốc ở Úc. Nguồn ảnh: Carla Gottgens/Bloomberg thông qua Getty

Andrew King, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Melbourne, Australia, cho biết

“có khả năng lớn chúng ta sẽ chứng kiến mức nhiệt độ cao kỷ lục, ít nhất là trên mức trung bình toàn cầu, và chứng kiến một số hiện tượng đặc biệt cực đoan ở một số nơi trên thế giới”.

Các tác động của El Niño

Khi năm 2023 sắp kết thúc, giới khí tượng và khoa học khí hậu đang dự báo các hình thái thời tiết sẽ dẫn đến mức nhiệt độ mặt đất và mặt nước biển cao kỷ lục. Chúng bao gồm một El Niño mạnh xuất hiện ở Thái Bình Dương và hiện tượng Lưỡng cực dương tại Ấn Độ Dương (positive Indian Ocean Dipole).

Ailie Gallant, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia, đồng thời là nhà nghiên cứu chính của Trung tâm Hội đồng Hoàng gia Nghiên cứu về Khí hậu Cực đoan của Australia, cho biết:

“Những tác nhân đáng kể đó có thể ảnh hưởng lớn đến hạn hán và thời tiết cực đoan trên khắp Nam Bán Cầu.”

Ở Australia, cả hai hiện tượng nói trên đều có xu hướng “gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt là ở phía Đông của đất nước này”.

Trong năm 2019 và 2020, sự kết hợp tương tự của các yếu tố thúc đẩy khí hậu đã góp phần gây ra nạn cháy rừng kéo dài vài tháng trên hơn 24 triệu ha đất ở miền Đông và Đông Nam Australia.

Ở miền Đông của Châu Phi, sự kết hợp giữa El Niño và hiện tượng lưỡng cực dương ở Ấn Độ Dương có liên quan đến các điều kiện [thời tiết] ẩm ướt hơn bình thường và gia tăng khả năng xảy ra các trận mưa cực đoan và lũ lụt. Lượng mưa trên mức trung bình được dự báo sẽ xảy ra ở phần lớn miền Nam châu Phi vào giai đoạn từ giữa đến cuối mùa Xuân sắp tới (từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay), sau đó là điều kiện thời tiết ấm áp và khô ráo vào mùa hè.

Nam Phi đã trải qua tình trạng lũ lụt vào mùa Xuân năm 2023. Nguồn: Rodger Bosch/AFP thông qua Getty

Ở Nam Mỹ, El Niño có tác động mạnh mẽ hơn. Nó gây ra các điều kiện thời tiết ẩm ướt và lũ lụt cho một số vùng của lục địa này, đặc biệt là tại Peru và Ecuador, nhưng lại mang đến kiểu thời tiết nóng, khô cho lưu vực sông Amazon và các khu vực ở Đông Bắc.

Ts. King cho biết, tính đến năm 2023, ba năm liên tiếp chịu tác động đối nghịch với El Niño – là La Niña, đã mang lại điều kiện ẩm ướt, mát mẻ cho miền Đông Australia, đồng thời dẫn đến nạn hạn hán và thời tiết nắng nóng kỷ lục trên khắp nửa dưới của lục địa Nam Mỹ. Nhưng việc hành tinh này ‘ba lần nhúng dấm’ La Niña đã giúp che đậy tình trạng gia tăng nền nhiệt độ toàn cầu, có liên quan đến lượng phát thải khí nhà kính và tình hình biến đổi khí hậu tăng.

Ông nói rằng, cùng với các điều kiện do El Niño tạo ra, toàn bộ tác động của biến đổi khí hậu đang “xuất hiện rất rõ ràng”.

Trong khi đó, hoạt động công nghiệp của con người tiếp tục góp phần làm tăng lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển.

Nhà khoa học khí hậu Danielle Verdon-Kidd tại Đại học Newcastle, Australia, cho biết các đợt sóng nhiệt— một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhất — đang là mối lo ngại lớn cho mùa hè năm 2023 [của quốc gia này]. Bà nói:

“Chúng tôi biết rằng các điều kiện hiện tại của chúng ta hiện nay… đều khiến nhiều khả năng những loại hệ thống thời tiết kiểu đó sẽ phát triển trong mùa hè này.”

Mùa hè năm 2023 ở Bắc Bán Cầu đã chứng kiến mức nhiệt độ cao chưa từng thấy ở Trung Quốc, một số khu vực ở Châu Âu và Bắc Phi, mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận ở Canada và các đợt nắng nóng nghiêm trọng trên biển ở Địa Trung Hải. Các diện tích đất rộng lớn ở Bán Cầu Bắc đang tạo ra những vùng không khí nóng khô tuần hoàn khép kín được gọi là vòm nhiệt, khiến chúng ngăn chặn các vùng áp suất thấp vốn mang lại điều kiện thời tiết mát và ẩm ướt hơn.

Ở Nam Bán Cầu, hiện tượng vòm nhiệt ít được quan tâm hơn. Ts. Verdon-Kidd nói:

“Chúng ta cũng có một diện tích đất liền lớn ở Australia, nhưng bán cầu nam có tỷ lệ giữa đại dương và đất liền cao hơn nhiều, nên hệ thống thời tiết của chúng tôi sẽ khác”.

Ngoài những hiện tượng khí hậu đồng quy này, Mặt Trời và lượng hơi nước có trong bầu khí quyển sẽ có ảnh hưởng đến thời tiết. Ts. King cho biết Mặt Trời đang tiến đến đỉnh điểm của chu kỳ hoạt động 11 năm, và điều này có thể góp phần làm tăng nền nhiệt độ toàn cầu, dù ở mức nhỏ nhưng đáng kể. Trong khi đó, vụ phun trào của núi lửa dưới nước Hunga Tonga–Hunga Ha‘apai vào tháng 1 năm 2022 đã làm tăng thêm lượng hơi nước ở tầng trên bầu khí quyển, dự kiến cũng sẽ làm tăng nhẹ nền nhiệt độ toàn cầu. Ts. King cho biết:

sự thay đổi nhiệt độ là “một phần trăm độ so với mức trung bình toàn cầu, vì vậy sẽ càng khuyếch đại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay thậm chí là El Niño vào lúc này, dù cho đó chỉ là một yếu tố nhỏ”.

Nguồn: Climate Central

Các đại dương nóng bỏng

Đại dương cũng đang cảm nhận được sức nóng. Nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào tháng 7 năm nay và một số khu vực ấm hơn bình thường đến hơn 3 độ C. Ariaan Purich, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Monash, cho biết lượng băng biển phủ xung quanh lục địa Nam Cực trong mùa Đông năm nay cũng thấp kỷ lục, và điều này có thể dẫn đến một vòng lặp phản hồi [tan băng mới]. Bà nói:

“Những khu vực rộng lớn ở Nam Đại Dương vẫn thường bị bao phủ bởi băng biển vào tháng 10 thì nay lại không”.

Thay vì bị phản chiếu khỏi lớp băng trắng, bức xạ mặt trời chiếu đến có nhiều khả năng bị bề mặt đại dương thẫm tối hấp thụ.

“Sau đó, hiện tượng này làm cho bề mặt biển ấm hơn và nó sẽ làm tan chảy nhiều băng biển hơn nên xảy ra vòng lặp phản hồi liên tục này.”

Khi băng ở Nam Cực tan chảy, vùng nước sẫm màu hơn sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn, khiến băng tan nhiều hơn. Nguồn ảnh: Sebnem Coskun/Anadolu Agency thông qua Getty

Một yếu tố khí tượng khác góp phần vào mùa hè này [ở Nam Bán Cầu] chính là Hình thái Vòng khuyên phương Nam (Southern Annular Mode), còn được gọi là Dao động Nam Cực (Antarctic Oscillation), mô tả sự dịch chuyển về phía bắc hoặc phía nam của vành đai gió tây bao quanh lục địa Nam Cực.

Vào năm 2019, Hình thái Vòng khuyên phương Nam rơi vào pha suy giảm mạnh mẽ. Ts. Purich cho biết:

“Điều này có nghĩa là trên khắp miền Đông Australia, sẽ có rất nhiều gió nóng và khô thổi từ sa mạc qua miền Đông Australia, và vì vậy điều này thực sự làm trầm trọng thêm nguy cơ cháy rừng”.

Hình thái Vòng khuyên phương Nam mạnh mẽ có liên quan đến lượng mưa lớn hơn trên hầu hết lục địa Australia và miền Nam của Châu Phi, nhưng lại gây ra thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ, New Zealand và Tasmania.

Hình thái Vòng khuyên phương Nam hiện đang ở trạng thái mạnh, nhưng được dự báo sẽ trở lại mức trung tính trong những ngày tới và Ts. Purich cho biết:

“Tôi muốn nói rằng chúng ta không mong đợi sẽ xuất hiện Hình thái Vòng khuyên phương Nam ở chế độ suy giảm rất nhiều trong mùa Xuân này”.

Và dù mùa hè có nóng đến mấy thì điều tồi tệ nhất vẫn có thể chưa đến. Nhà khoa học khí quyển David Karoly tại Đại học Melbourne, từng là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), nói rằng tác động lớn nhất của El Niño có thể được cảm nhận rõ ràng ngay cả vào mùa hè năm 2024–25. Ts. Karoly nói:

“Chúng ta đều biết rằng tác động lên nền nhiệt có liên quan đến pha El Niño thường xảy ra một năm sau sự kiện này”.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Khủng hoảng Sông Mekong

MÀU NƯỚC SÔNG MEKONG ĐÃ CHUYỂN THÀNH XANH NGỌC

Arthit Panasoon, chủ tịch của một nhóm bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Nakhon Phanom (phía Đông Bắc Thái Lan), cho biết mực nước sông Mekong tại đây đã hạ xuống mức rất thấp, và màu...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

KHÁM PHÁ MỚI VỀ CÁC LOẠI DÒNG TIA KHÍ QUYỂN CÓ THỂ HỦY HOẠI NGUỒN CUNG THỰC PHẨM TOÀN CẦU

Ngày 9/12/2019 vừa qua, Ts. Kai Kornhuber (thuộc Học viện Nghiên cứu Trái Đất của Đại học Columbia) và các cộng sự đã công bố một báo cáo khoa học trên Tạp chí Nature Climate...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic