BĂNG Ở GREENLAND ĐANG TAN RÃ VÀ ĐƯỢC THAY THẾ BẰNG LỚP THẢM THỰC VẬT


hanhtinhtitanic
BĂNG Ở GREENLAND ĐANG TAN RÃ VÀ ĐƯỢC THAY...

Theo một phân tích chính từ lịch sử dữ liệu ghi nhận qua vệ tinh, ước tính khoảng 11.000 dặm vuông (hay 28.707 km vuông) phiến băng và sông băng ở Greenland đã tan chảy trong ba thập kỷ qua.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ từ nguồn:
Greenland’s ice sheet is melting – and being replaced by vegetation

Phía trên sông băng Sydgletscher nhìn về Vịnh Bowdoin Fjord, tại thị trấn Qaanaaq, vùng Tây Bắc Greenland

Tổng diện tích băng bị mất này tương đương với diện tích của đất nước Albania, chiếm khoảng 1,6% tổng lượng băng và sông băng của Greenland.

Nơi nào từng có băng và tuyết hiện diện [và bị tan đi mất], thì giờ đây chỉ còn những tảng đá cằn cỗi, vùng lầy ngập nước và các đám cây bụi.

Một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Leeds (Vương quốc Anh), những người đã theo dõi các thay đổi xảy ra trên khắp Greenland từ thập niên 1980 đến thập niên 2010, cho biết nền nhiệt độ không khí ấm hơn đang khiến băng tan đi, từ đó ảnh hưởng đến nhiệt độ của bề mặt đất, lượng phát thải khí nhà kính và sự ổn định của cảnh quan [trong khu vực].

“Khối lượng băng bị mất đi ở Greenland là nguyên nhân đáng kể làm mực nước biển dâng trên toàn cầu, một xu hướng đặt ra những thách thức đáng kể ở cả hiện tại và tương lai.”
– Ts. Michael Grimes, Trường Nghiên cứu Địa lý, Đại học Leeds

Lớp băng vĩnh cửu – lớp đất đóng băng vĩnh viễn bên dưới bề mặt Trái Đất – đang bị “xuống cấp” do tình trạng nóng lên, và ở một số khu vực, giới khoa học cảnh báo rằng nó có thể tác động đến cơ sở hạ tầng, các tòa nhà và cộng đồng sống ở bên trên.

Phát hiện của họ – với tựa đề báo cáo khoa học “Những thay đổi về độ che phủ đất trên khắp Greenland do thảm thực vật tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua” – đã được công bố vào ngày 13/02/2024 trên tập san khoa học Scientific Reports.

Tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu

Greenland là một phần của vùng Bắc Cực. Đây là hòn đảo lớn nhất thế giới, có diện tích khoảng 836.330 dặm vuông (2,1 triệu km vuông). Hầu hết đất đai ở đây đều được bao phủ bởi băng và sông băng, và là nơi sinh sống của gần 57.000 người.

Kể từ những năm 1970, khu vực này đã nóng lên với tốc độ trung bình gấp đôi toàn cầu. Ở Greenland, nhiệt độ không khí trung bình hàng năm từ năm 2007 đến năm 2012 ấm hơn 3 độ C so với mức trung bình từ năm 1979 đến năm 2000.

Và giới nghiên cứu cảnh báo rằng các mức nhiệt độ khắc nghiệt hơn có thể xảy ra trong tương lai.

Ts. Jonathan Carrivick, một nhà chuyên gia nghiên cứu hệ thống Trái đất thuộc Phân khoa Môi trường (Faculty of Environment) tại Đại học Leeds và là một trong những tác giả của nghiên cứu trên, cho biết:

“Nền nhiệt độ ấm hơn có liên quan đến những thay đổi về lớp phủ mặt đất mà chúng ta đang chứng kiến ở Greenland. Bằng cách phân tích hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, chúng tôi có thể tạo ra bản ghi chi tiết về những thay đổi lớp phủ mặt đất đang diễn ra.”

Băng biến mất và thay thế bằng đá trơ trụi và cây bụi

Tình trạng băng biến mất tập trung quanh rìa các sông băng ngày nay, cũng như ở phía khu vực phía Bắc và Tây Nam của Greenland. Ngoài ra mức độ suy giảm lượng băng cao còn xảy ra ở các khu vực cục bộ phía Tây, miền giữa Tây Bắc và miền Đông Nam.

Trong ba thập kỷ qua, diện tích đất có thảm thực vật phát triển trên đó đã tăng thêm 33.774 dặm vuông (87.475 km vuông), thêm gấp đôi trong thời gian nghiên cứu.

Hiện tượng thảm thực vật gia tăng rõ rệt ở khu vực phía Tây Nam, phía Đông và Đông Bắc. Sự gia tăng lớn nhất thảm thực vật đất ngập nước dày đặc xảy ra ở vùng lân cận Kangerlussuaq phía miền Tây Nam và ở các khu vực biệt lập ở phía miền Đông Bắc.

Phân tích của giới nghiên cứu cho thấy thảm thực vật đã tăng lên dọc theo dải chênh lệch vĩ độ (latitudinal gradient) giữa 63 độ vĩ Bắc và 69 độ vĩ Bắc, rồi giảm dần về hướng Bắc này.

Khu vực tiền đóng băng của sông băng Fan, thị trấn Qaanaaq, khu vực Tây Bắc Greenland

Ts. Jonathan Carrivick cho biết:

“Chúng tôi đã chứng kiến các dấu hiệu cho thấy tình trạng mất băng đang gây ra nhiều phản ứng khác, dẫn đến băng tan rã nhiều hơn và ‘phủ xanh’ hơn nữa Greenland, nơi băng co lại để lộ đá trơ trụi, rồi sau đó bị ‘lãnh nguyên hóa’ và cuối cùng là cây bụi xâm chiếm. Đồng thời, nước thoát ra từ lớp băng tan đang cuốn đi lớp trầm tích và phù sa, và cuối cùng hình thành nên vùng đất ngập nước và vùng đầm lầy.”

Tình trạng mất băng càng kích hoạt hiện tượng nóng lên [toàn cầu] hơn nữa

Tình trạng mất băng ảnh hưởng đến nhiệt độ bề mặt đất do ứng suất phản xạ (albedo), là thước đo mức độ phản chiếu của bề mặt hành tinh.

Băng và tuyết là những yếu tố phản xạ tốt năng lượng của mặt trời chiếu vào bề mặt Trái Đất, và hiện tượng này giúp giữ cho Trái Đất mát hơn. Khi băng biến mất, nền đất đá bị lộ ra sẽ hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn, làm tăng nhiệt độ bề mặt đất [tại khu vực].

Tương tự, khi băng tan, nó làm gia tăng lượng nước trong hồ chứa. Nước hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn tuyết và điều này cũng làm tăng nhiệt độ bề mặt hành tinh.

Nguồn phát thải khí nhà kính

Phân tích cho thấy các diện tích đất lầy ngập nước đang tăng gần gấp bốn lần trên khắp Greenland, đặc biệt là ở khu vực phía Đông và Đông Bắc. Các vùng đất ngập nước này là nguồn phát thải khí methane.

Khi đề cập đến điều đó trong báo cáo khoa học, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng:

“Hiện tượng thảm thực vật mở rộng, và đặc biệt là ở các khu vực đất ngập nước, cho thấy các chỉ báo, ngoài việc biểu thị tình trạng trầm trọng của tan băng vĩnh cửu, còn chứng tỏ tình trạng lớp [thực vật mới] đang hoạt động dày lên và do đó giải phóng một lượng khí nhà kính trước đây được lưu giữ trong vùng đất Bắc Cực này”.

Các nhà nghiên cứu cũng phát triển một mô hình để dự đoán những khu vực nào trên Greenland có khả năng chứng kiến sự thay đổi “rõ rệt và nhanh chóng” trong tương lai.

Ts. Michael Grimes, tác giả chính của báo cáo khoa học trên, người đã thực hiện nghiên cứu trong khuôn khổ luận án Tiến sĩ của nhóm, nói thêm rằng:

“Việc lớp thảm thực vật mở rộng, diễn ra song song với hiện tượng rút lui của sông băng và phiến băng, đang làm thay đổi đáng kể dòng chảy của trầm tích và chất dinh dưỡng vào các vùng nước ven biển. Những thay đổi này rất nghiêm trọng, đặc biệt đối với người dân bản địa có hoạt động săn bắn truyền thống để sinh sống dựa vào sự ổn định của những hệ sinh thái mong manh này.

Hơn nữa, tình trạng mất đi một khối lượng băng ở Greenland là nguyên nhân đáng kể gây ra hiện tượng mực nước biển dâng trên toàn cầu, một xu hướng đặt ra những thách thức quan trọng cả hiện tại và tương lai.”

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Kích hoạt Sự kiện Địa chất

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐANG KÍCH HOẠT CÁC TRẬN ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN, PHUN TRÀO NÚI LỬA, HOẠT ĐỘNG ĐỊA CHẤT… NHƯ THẾ NÀO?

Nền khí hậu Trái Đất đang thay đổi rất nhanh chóng. Ở một số khu vực, nhiệt độ leo thang đang làm tăng tần suất và khả năng xảy ra cháy rừng và hạn hán. Ở những nơi khác, chúng...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Băng tan

ĐIỂM TIN CẬP NHẬT VỀ SỐ PHẬN CỦA BĂNG TUYẾT Ở BẮC CỰC

1. Ngày 8/4/2019, một nhóm khoa học gia về khí hậu của Mỹ và Châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Bắc Cực (của Đại học Alaska Fairbanks) và Viện Khảo cứu Địa chất Đan Mạch...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic