NGHIÊN CỨU MỚI CẢNH BÁO VỀ SỰ ĐỘT BIẾN NHANH CHÓNG HIỆN TƯỢNG NÓNG LÊN TOÀN CẦU VÀ MỐI CHIA RẼ SÂU SẮC TRONG GIỚI KHOA HỌC KHÍ HẬU


hanhtinhtitanic
NGHIÊN CỨU MỚI CẢNH BÁO VỀ SỰ ĐỘT BIẾN NHANH...

Nhân sự kiện Ts. James Hansen – Cựu Giám đốc Goddard (NASA) – công bố một báo cáo khoa học về hiện tượng Che Mờ Toàn Cầu của bụi khí dung ô nhiễm là tác nhân khiến nền nhiệt toàn cầu sẽ gia tăng đột biến trong thời gian gần đây và tương lai gần,

Hành tinh Titanic chuyển ngữ và xin giới thiệu một bài viết nhận xét khá đầy đủ trên trang Inside Climate News mọi góc cạnh của những đổ vỡ về ý thức khoa học, cũng như toan tính sắp tới của nền văn minh Homo Sapiens khi sắp phải đối diện với khủng hoảng lớn. Họ sẽ phải làm gì? Họ sẽ đi đến đâu trên bờ vực khủng hoảng? Điều gì sắp diễn ra trong tâm địa của con người đứng trước điều không thể tránh được?

Bài chuyển ngữ Tiếng Việt từ nguồn:

New Study Warns of an Imminent Spike of Planetary Warming and Deepens Divides Among Climate Scientists

Bài viết trên Inside Climate News do phóng viên Bob Berwyn thực hiện. Bob Berwyn là một phóng viên ở Áo quốc, người đã đưa tin về khoa học khí hậu và chính sách khí hậu quốc tế trong hơn một thập kỷ. Trước đây, ông đã đưa tin về môi trường, các loài có nguy cơ tuyệt chủng và việc quản trị đất công cho một số tờ báo ở Colorado, đồng thời từng làm biên tập viên và trợ lý biên tập cho các tờ báo cộng đồng ở Colorado Rockies.

James Hansen, nhà khoa học đầu tiên gióng lên cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu tại Quốc hội Hoa Kỳ, nhận ra rằng việc giảm ô nhiễm bụi mịn trong bầu khí quyển sẽ dẫn đến một mức tăng nhiệt đột biến, và ông đã chỉ trích hội đồng khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc. Điều đó gây ra phản ứng dữ dội từ các nhà nghiên cứu khác.

Trong năm qua, các chỉ số theo dõi khí hậu toàn cầu về băng tan, sóng nhiệt, nhiệt độ đại dương, san hô chết, lũ lụt và hạn hán đều nghiêng về vùng cảnh báo đỏ. James Hansen, tác giả chính của một nghiên cứu được công bố mới đây trên Tập san Biến đổi Khí hậu Mở của Oxford (Oxford Open Climate Change) dự báo một sự nhảy vọt trong tốc độ tăng nhiệt trong vài thập kỷ tới, cho biết: Trong mùa hè và mùa thu [năm nay], sự bất thường nền nhiệt độ toàn cầu hàng tháng đã tăng vọt vượt quá hầu hết các dự đoán, góp phần thúc đẩy những hiện tượng thời tiết cực đoan và chúng có thể sẽ không sớm bớt đi.

Nhưng nghiên cứu này đã gây tranh cãi ngay cả trước khi nó được công bố, và nó có thể làm gia tăng những rạn nứt trong cộng đồng khoa học khí hậu cũng như trong những thảo luận rộng rãi hơn trước công chúng về mức độ nghiêm trọng và sắp xảy ra của các tác động khí hậu, trong đó Hansen chỉ trích Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đã đánh giá thấp hiện tượng nóng lên trong tương lai của hành tinh, trong khi các nhà nghiên cứu khác, bao gồm cả các tác giả của IPCC, lại chỉ trích nghiên cứu mới.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc giảm liên tục các hạt bụi mịn ô nhiễm không khí gốc lưu huỳnh, còn gọi là sol khí, có thể khiến nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu tăng vọt vượt quá mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris sớm hơn nhiều so với dự kiến, và điều này sẽ gia tăng nhanh chóng những thách thức mà các quốc gia đang nỗ lực hạn chế cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu – dựa trên các hiệp định quốc tế trong một giai đoạn địa chính trị vốn không tin tưởng được – phải đối mặt.

Jeffery Sachs, Giám đốc Học viện Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia (Mỹ), người điều phối bài thuyết trình của các tác giả của nghiên cứu mới nói trên, cho biết sự khác biệt về các dự báo của ngành khoa học khí hậu không phải là vấn đề chính. Ông nói:

“Chúng ta đang ở trong một tình huống nghiệt ngã. Và điều tồi tệ hơn nữa chính là các chính trị gia đã tỏ ra vô trách nhiệm với thế giới trong một thời gian khá dài. Chúng ta có một thất bại chính trị lớn. Các chính trị gia của chúng ta chỉ thích chiến tranh thôi. Họ không muốn cứu hành tinh này theo cách đúng đắn.”

Ts. Hansen và các đồng tác giả quốc tế [của nghiên cứu] cũng phân tích lại các ghi chép về nghiên cứu cổ khí hậu học cách đây vài nghìn năm và phát hiện ra rằng những dòng hải lưu quan trọng nhất của hành tinh – nơi giúp vận chuyển và điều hòa nhiệt lượng trong đại dương – có thể chảy chậm lại hoặc ngừng hoạt động trong thế kỷ này vì chúng nhạy cảm hơn với việc gia tăng nguồn cung cấp lượng nước ngọt từ tình trạng băng tan, và dự báo việc này sẽ xảy ra sớm hơn so với các tính toán của các mô hình nghiên cứu khí hậu đang được sử dụng rộng rãi hiện nay, bao gồm cả những mô hình được áp dụng làm cơ sở cho các dự báo khoa học của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC). Các mô hình này cũng đã bị giới khoa học khác chỉ trích, bao gồm cả một số tác giả nghiên cứu trước đây từng tham gia IPCC, vì đã hạ thấp các rủi ro của nền khí hậu hành tinh.

Các tác giả của nghiên cứu ở trên cho biết những phát hiện mới [trong báo cáo khoa học của họ] cho thấy rằng các mô hình nghiên cứu và kịch bản dự báo tương tự được sử dụng rộng rãi [hiện nay] cũng hạ thấp tốc độ tan chảy của các phiến băng rộng lớn trên toàn cầu, cũng như tốc độ của mực nước biển dâng, đến mức khó có thể thích ứng.

Kết hợp dữ liệu cổ khí hậu với việc mô hình hóa và quan sát chi tiết trong vài thập kỷ qua, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng thế giới đang phải đối mặt với nhiều tác động mạnh mẽ của [khủng hoảng khí hậu], bao gồm cả những cơn siêu bão có khả năng ném những tảng đá có kích thước bằng một ngôi nhà lên đỉnh các vách đá ven bờ biển, những thay đổi đáng kể về hình thái mưa trên toàn cầu sẽ tác động đến nền nông nghiệp ở các khu vực đông dân cư, và mực nước biển có thể dâng vài mét vào năm 2100, so với con số dự kiến nhỏ bé ​​của IPCC là từ 0,29 đến 1,1 mét.

Ts. Leon Simons, một nhà nghiên cứu thuộc Câu lạc bộ Rome (Club of Rome), ở Hà Lan, cũng là đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết:

“Hãy nhìn vào những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến ​​trong vài tháng qua với mức độ nóng lên hiện nay. Chúng ta thấy rõ những tác động đang xảy ra. Vụ cháy rừng ở Canada là một ví dụ rất cụ thể, thải ra gần 2 tỷ tấn CO2 và đưa bụi khói đến Châu Âu. Đó chỉ là một ví dụ mà thôi. Sẽ còn nhiều điều như thế nữa trong vài năm tới.”

Sự Gia tăng các Nghiên cứu Đáng Báo động và Hành động Cộng đồng từ Giới Nghiên cứu

Trong vài năm gần đây, Ts. Hansen, Ts. Simons và một số nhóm nghiên cứu khác, đã cố gắng nâng cao nhận thức về khả năng xảy ra những cú sốc khí hậu đột ngột và bất ngờ trong tương lai gần, mà sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi người hiện đang sinh sống trên hành tinh. Ví dụ như: các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ngày càng tăng của nhiều vụ mất mùa đồng thời ở các khu vực khác nhau trên thế giới sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Vào ngày 19/9/2023, Trung tâm Phục hồi Stockholm (Stockholm Resilience Center) đã công bố nghiên cứu cho thấy sáu trong số chín thành tố giới hạn của hành tinh có liên quan đến nền khí hậu đã bị tan vỡ, mà điều này – theo các tác giả, bao gồm cả Ts. Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu Potsdam về Tác động Khí hậu, và Ts. Konrad “Koni” Steffen, người đã nghiên cứu và cảnh báo về sự nguy hiểm của một vụ tan chảy khối băng ở Greenland cho đến khi ông qua đời đột ngột trong một khe nứt ở đó vào năm 2020 – là sẽ “gây ra nguy cơ đổ vỡ tính ổn định của toàn hành tinh”.

Tuần trước, Liên minh Các Nhà khoa học Thế giới (Alliance of World Scientists) cho biết “sự cấp bách về mặt đạo đức” đã buộc họ phải cảnh báo một lần nữa về tình trạng khẩn cấp nền khí hậu toàn cầu, với mức độ dự báo tăng nền nhiệt được nâng lên 3 độ C vào năm 2100 khiến xã hội toàn cầu sụp đổ. Điều đó trở thành một khả năng “chính đáng và nguy hiểm chưa được khám phá”, một kịch bản mà giới nghiên cứu đã viết trong một báo cáo khoa học vào tháng 12/2022.

Sự gia tăng của những cảnh báo như vậy trùng hợp với các chỉ trích đang lan rộng rằng quy trình khoa học của IPCC quá chậm chạp trong việc giúp xã hội loài người đưa ra những quyết định ứng phó với nền khí hậu đang thay đổi nhanh chóng, và rằng những phát hiện quan trọng [của IPCC] đã bị cắt giảm bớt vì giới quan chức khoa học và quản trị viên được bổ nhiệm về mặt chính trị lại có tiếng nói cuối cùng về những gì được viết xuống trong các báo cáo tóm tắt quan trọng của ủy ban nhằm cung cấp thông tin về chính sách công. Theo Ts. Hansen, vòng luẩn quẩn của tình trạng học thuật chậm chạp và bị hạn chế quá mức đã nuôi dưỡng sự tự mãn của công chúng và biện minh cho việc các chính phủ không hành động kịp.

Những lời điều trần từ sớm của Ts. Hansen trước Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1988 là một bước đột phá về mặt chính trị, cung cấp cho những người ra quyết định chính sách các thông tin khoa học thuyết phục mà ông hy vọng sẽ thúc đẩy họ phải hành động. Sau nhiều thập kỷ, điều đó đã không diễn ra, và ông tiếp tục tham gia các cuộc biểu tình phản đối Đường ống Dẫn dầu Keystone ( Keystone Oil Pipeline) và bị bắt bên ngoài Nhà Trắng vào năm 2011, và bị bắt một lần nữa vào năm 2018 ở bang Tây Virginia trong khi phản đối việc đào bỏ đỉnh núi để khai thác than. Tất cả những điều đó đã xảy ra khi ông vẫn còn là người đứng đầu Học viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA.

Năm 2009, ông xuất bản cuốn sách “Storms of My Grandchildren” (Cơn bão của Các Cháu tôi) như một lời tiên tri khí tượng về kiểu thế giới nào mà các trẻ em sinh ra ở thế kỷ 21 sẽ phải đối mặt. Và ông hiện đang hoàn thành cuốn sách có tựa đề “Sophie’s Planet” (Hành tinh của Sophie), được viết dưới dạng một loạt các bức thư gửi cho cháu gái của ông với chủ đề nội dung tương tự — về những lựa chọn mà chúng ta hiện đang đưa ra ngay bây giờ sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai như thế nào.

Ts. Hansen đã nghỉ hưu ở NASA và hiện đang dẫn đầu nhóm nghiên cứu quan trọng hàng đầu về Khoa học Khí hậu, Nhận thức và Giải pháp tại Học viện Trái Đất (Earth Institute) của Đại học Columbia (Mỹ). Do niềm tin của mình, ông vẫn tích cực vận động chính sách công và cũng đã sử dụng kiến ​​thức chuyên môn về khoa học khí hậu của mình trong một số trường hợp pháp lý — được chia sẻ bởi các cộng sự như Ts. Abramoff, Ts. Kalmus và hàng nghìn nhà khoa học khác — rằng tri thức đưa ra mệnh lệnh đạo đức để hành động.

Gần đây, các nhà nghiên cứu khác cũng đã yêu cầu giới khoa học và các tổ chức khoa học phải khẩn trương hơn. Ts. Rose Abramoff và Ts. Peter Kalmus đã làm gián đoạn hội nghị thường niên của Liên minh Địa Vật lý học Hoa Kỳ ở Tp. Chicago vào tháng 12 năm ngoái, giăng biểu ngữ kêu gọi các nhà khoa học “RỜI KHỎI PHÒNG THÍ NGHIỆM VÀ XUỐNG ĐƯỜNG TUẦN HÀNH” cũng như chỉ trích những phương pháp do các tổ chức khí hậu lớn vạch ra là quá chậm chạp để tránh thảm họa. Ts. Abramoff đã bị sa thải khỏi công việc của mình tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge của Hoa Kỳ vì hành động của cô tại hội nghị nói trên.

Có phải Bụi mù Khí dung đang Thúc đẩy Sự Tăng nhiệt Đột biến Hiện nay?

Trong nhiều năm, Ts. Hansen và Ts. Simons đã đề xuất rằng sự gia tăng gần đây và đang diễn ra của một loạt các chỉ số khí hậu toàn cầu – không chỉ là nền nhiệt độ trung bình toàn cầu mà thôi – có thể phần lớn bị kích hoạt bởi hiện tượng suy giảm mạnh các hạt lưu huỳnh siêu nhỏ được tạo ra do việc đốt nhiên liệu trong ngành vận tải và đốt các loại nhiên liệu hóa thạch khác, hoặc bởi quá trình sản xuất công nghiệp.

Những hạt bụi mù khí dung đó được phun vào bầu khí quyển với số lượng lớn kể từ khi [con người] bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, thường khiến cho các đám mây trở nên có màu sáng hơn và có tính bền hơn, và do đó chúng phản xạ nhiều năng lượng nhiệt của mặt trời trở lại không gian hơn [thay vì chiếu được xuống bề mặt Trái Đất để gây hiệu ứng tăng nhiệt]. Trong khi carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác đã hâm nóng hành tinh ít nhất kể từ năm 1850, thì các sản phẩm phụ khác của việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng đồng thời làm mát hành tinh này, mặc dù tác động của bụi mù khí dung chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn so với thời gian bẫy nhiệt [của khí nhà kính đang tồn tại trong khí quyển].

Ý tưởng cơ bản đó không gây tranh cãi, nhưng nghiên cứu mới của Ts. Hansen về sức mạnh tương đối của những tác động mâu thuẫn nhau đó thì khác với nhiều nghiên cứu bên cạnh, bằng cách cho rằng hiệu ứng làm mát [của bụi mù khí dung] đã bị đánh giá thấp, và khi các bụi khí dung lưu huỳnh và tác động của chúng lên các đám mây giảm đi thì nền nhiệt độ [trên Trái Đất] sẽ tăng lên nhiều hơn so với chúng ta tưởng.

Theo hầu hết giới chuyên gia khoa học về khí hậu, việc các đám mây sẽ thay đổi như thế nào trong những thập kỷ tới và sự tương tác của chúng với các bụi khí dung vẫn là yếu tố không chắc chắn lớn nhất trong việc đưa ra những dự đoán chính xác về mức độ tăng nhiệt trong tương lai. Ts. Hansen cho biết một số thiết bị vệ tinh quan trọng có thể giúp trả lời câu hỏi đó đã không bao giờ được đưa vào quỹ đạo trong những năm 1980 và 1990, bất chấp những đề nghị yêu cầu nhiều lần [từ phía giới nghiên cứu].

Ts. Gavin Schmidt, người thay thế Ts. Hansen để đứng đầu Viện Nghiên cứu Không gian toàn cầu của NASA, cho biết những sứ mệnh nghiên cứu về thành phần và sự thay đổi của bụi mù khí dung lẽ ra phải được ưu tiên cao hơn. Ts. Schmidt nói:

“James [Hansen] và những người khác đã phải đấu tranh hết mình để có được một máy đo phân cực khí dung trong sứ mệnh GLORY, mà điều này sẽ phải mất một chặng đường dài để được hỗ trợ. Thật không may, nó đã không đạt được quỹ đạo do lỗi hoạt động của tên lửa, mà hóa ra là do việc gian lận trong chuỗi cung ứng [hệ thống sản xuất tên lửa].”

Ts. Schmidt cho biết một sứ mệnh mới có tên là PACE (viết tắt của Plankton, Aerosol, Cloud, Ocean Ecosystem – nghĩa là “Phiêu sinh vật, Bụi mù khí dung, Mây, Hệ Sinh thái Đại dương”) có thể nhanh chóng làm giảm những điều chưa biết chắc chắn xung quanh tác động của bụi mù khí dung đối với nền khí hậu. Vệ tinh đó sẽ đi vào quỹ đạo trong năm tới. Copernicus, Cơ quan Dịch vụ về Biến đổi Khí hậu của Liên minh Châu Âu (EU), cũng sắp phóng một vệ tinh mới, được đặt tên là EarthCARE, cũng với mục tiêu đo lường mối quan hệ giữa bụi mù khí dung, các đám mây và lưu lượng mưa, so với lượng bức xạ của Mặt Trời tới Trái Đất khiến thúc đẩy hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Dù thiếu những dữ liệu đó, nghiên cứu mới [được đề cập ở trên] đã sử dụng quy trình loại trừ [các yếu tố tác động] để một lần nữa cho thấy việc suy giảm lượng bụi khí dung lưu huỳnh đang kích hoạt hiện tượng nóng lên nhanh chóng. Việc so sánh với các thời kỳ khí hậu trong quá khứ đã nắm giữ một số manh mối, chẳng hạn như cho thấy rằng các rạn san hô dọc theo Bán đảo Yucatán đã phát triển hướng lên [mặt biển] và hướng vào bờ theo những đợt phun trào khổng lồ chỉ trong vài thập kỷ, ở thời điểm khoảng 100.000 năm trước vào cuối kỷ địa chất Eemian. Ts. Hansen cho biết, đó là một dấu hiệu cảnh báo khác cho thấy các bộ phận của hệ thống khí hậu Trái Đất, đặc biệt là các phiến băng và thềm băng, đều nhạy cảm hơn với hiện tượng tăng nhiệt hơn chúng ta nghĩ.

Ts. Simons nói:

“Hệ thống [nghiên cứu] của IPCC không thừa nhận mức độ mà tác động của bụi khí dung sẽ ảnh hưởng đến nền khí hậu trong vài thập kỷ tới, có lẽ là nhiều hơn bất kỳ điều gì khác. Chúng tôi hy vọng chúng tôi đã sai.”

Chia rẽ Sâu sắc Về Truyền thông Hiện trạng Nền Khí hậu

Bài báo cáo khoa học trên đã nhận nhiều chỉ trích khi được công bố dưới dạng bản dự thảo, và việc đó soi rõ tình trạng rạn nứt lâu dài trong cộng đồng giới khoa học khí hậu về cách truyền đạt các mức độ chắc chắn tương đối về hiện tượng nóng lên toàn cầu và các tác động của nó.

Phản ứng dữ dội đối với phiên bản cuối cùng [của nghiên cứu trên] được công bố mới đây, cũng như lời chỉ trích trực tiếp của Ts. Hansen dành cho IPCC, cho thấy sự chia rẽ đó ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Trong một bài bình luận mà Ts. Hansen đã xuất bản để tóm tắt báo cáo khoa học mới [của mình], ông đã viết rằng những người bình duyệt một số báo cáo khoa học trước đây của ông đã thận trọng chấp nhận những cảnh báo toàn diện về hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách chọn, chẳng hạn như, loại bỏ những từ ngữ như “nguy hiểm” trong phần mô tả về tác động của khí hậu được ghi nhận khi nền nhiệt độ tăng thêm 2 độ C.

Nhưng một số nhà khoa học khí hậu nổi tiếng cho biết Ts. Hansen đang nhầm lẫn giữa chuyện dè dặt thận trọng với chuyện nhấn mạnh vào tính chính xác và chắc chắn [của nghiên cứu khoa học].

“Bài bình luận của ông ấy thật tệ,” Ts. Piers Forster, giám đốc Trung tâm tương lai khí hậu Priestley (Priestley Centre for Climate Futures) tại Đại học Leeds, đồng thời là tác giả chính của phần báo cáo IPCC gần đây nhất có đề cập đến hiệu ứng phản hồi khí hậu và độ nhạy cảm của khí hậu, cho biết. Ts. Forster nói:

“Đây chỉ đơn giản là một báo cáo khoa học rất tồi tệ được đưa ra nhằm đánh giá mức độ nhạy cảm với khí hậu và chỉ trích IPCC. Không có chuyện đó đâu.”

Thay vào đó, Ts. Forster cho biết bài báo cáo là sự kết hợp giữa các quan điểm lịch sử, mô hình hóa địa lý và quan điểm cá nhân ​​của Hansen.

Ông cho rằng các ước tính về độ nhạy cảm cao của nền khí hậu được trích dẫn trong báo cáo khoa học của Ts. Hansen,

“tất cả đều có vẻ khá chủ quan và không được chứng minh bằng các quan sát, nghiên cứu mô hình hoặc tư liệu. Họ mô tả báo cáo khoa học của họ như một giải pháp thay thế nhưng nó không có được các phân tích chặt chẽ, có hệ thống hoặc đánh giá tư liệu toàn diện. Nó cũng gây bất lợi lớn cho hàng trăm nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã cống hiến nhiều năm cuộc đời cho quy trình của IPCC.”

Kevin Trenberth, giáo sư danh dự nổi tiếng của Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (National Center for Atmospheric Research), cho biết ông rất ngạc nhiên khi báo cao khoa học mới ở trên lại được xuất bản, và lưu ý rằng tập san khoa học [đăng báo cáo này] tương đối ít người biết đến. Gs. Trenberth nói:

“Tôi nghĩ có thể nó đã sai. Hansen chưa bao giờ tham gia IPCC với bất kỳ tư cách nào, ngay cả với tư cách là bên bình duyệt. Ông ấy hoàn toàn không thích hợp tác tập thể, và ông ấy có xu hướng phớt lờ những lời chỉ trích chính đáng. Ông ta gửi các báo cáo khoa học đi khắp nơi cho đến khi chúng được xuất bản. Ông ta nhét đầy bản báo cáo với những thứ không liên quan mà bản thân nó không thể công bố/xuất bản được.”

Gs. Trenberth cho biết bài báo cáo [khoa học mới ở trên] dựa vào ước tính về độ nhạy cảm của nền khí hậu cổ đã được chứng minh là sai trong một nghiên cứu năm 2021 khi mô hình hóa các thời kỳ ấm và lạnh cổ xưa, cung cấp một cách đánh giá chính xác tác động khí hậu của việc phát thải khí nhà kính trong thời đại công nghiệp. Ông cho biết nhóm của Hansen dường như cũng đã bỏ qua việc lượng hơi nước [trong bầu khí quyển] ngày càng tăng do hiện tượng nóng lên toàn cầu là một yếu tố góp phần gây ra hiện tượng tăng nhiệt đột biến gần đây. Ông nói:

“Hơi nước là một yếu tố gây hiện tượng phản hồi nhiệt lớn. Khi nhiệt độ tăng lên, khả năng giữ nước của khí quyển cũng tăng lên”, và điều này khuếch đại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ts. Hansen và Ts. Simons không hề nản lòng trước những tranh cãi xung quanh nghiên cứu của họ và vẫn tin rằng họ có nhiệm vụ cảnh báo và đưa ra các khuyến nghị chính sách, mà một số trong đó còn gây nhiều tranh cãi. Ts. Hansen ủng hộ việc đẩy nhanh quá trình khử/giảm carbon bằng cách thiết lập mức giá toàn cầu đối với carbon, sử dụng nhiều năng lượng hạt nhân hơn và đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo. Và ông cho biết các nhà khoa học cần nghiên cứu những hình thức chỉnh sửa/can thiệp địa-khí hậu (geoengineering) khác nhau, bao gồm cả việc chủ động phun các chất hóa học vào trong bầu khí quyển để phản xạ lại một tỷ lệ nhỏ năng lượng mặt trời tới, hoặc làm tăng độ trắng sáng diện tích rộng lớn của các đám mây trên đại dương bằng cách phun sương muối lên bầu trời nhờ một hạm thuyền robot.

Những ý tưởng đó vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học, nhưng Ts. Hansen nói rằng, vì thế hệ hiện tại đã tự đẩy mình vào một góc hẹp khó khăn về mặt khí hậu, nên chúng ta có trách nhiệm với các thế hệ tương lai trong việc cung cấp cho họ nhiều lựa chọn sáng suốt nhất có thể và nghiên cứu can thiệp địa-khí hậu (geoengineering) là một phần của điều đó.

Ts. Hansen nói:

“Chúng ta phải thừa nhận rằng hiện tại chúng ta đã đang tiến hành can thiệp địa-khí hậu vào hành tinh này rồi. Đây là những gì chúng ta đang làm bằng cách xả thải những lượng khí nhà kính khổng lồ vào bầu khí quyển, mà điều này đang làm cho hành tinh nóng lên với tốc độ lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử Trái Đất, theo như chúng ta đã biết”.

Ông nói thêm rằng tình trạng tăng nhiệt phải được làm chậm lại, và điều đó có thể sẽ đòi hỏi phải phản xạ lại ánh sáng mặt trời, vì việc loại bỏ khí nhà kính khỏi bầu khí quyển một khi chúng đã có ở đó là một việc rất khó khăn.

Ts. Simons cho biết cần có các nhóm khoa học gia chuyên môn để xác định xem liệu việc giảm lượng khí lưu huỳnh nhanh chóng có thực sự gây ra một sự tăng nhiệt độ toàn cầu đột biến hiện nay hay không, và việc làm giảm ô nhiễm khí quyển đột ngột và tình trạng tăng nhiệt có tương tác như thế nào khi ảnh hưởng đến lượng mưa gió mùa, cũng như các dòng hải lưu và các hình thái khí quyển có quy mô lớn. Ts. Simons gần đây đã đăng bài trên trang truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter, như sau:

“Không hề có lựa chọn dễ dàng nào trong vấn đề này. Thế giới sẽ chấp nhận mức độ nóng lên chừng bao nhiêu? Và tốc độ tăng nhiệt có thể bị đẩy đi nhanh đến mức nào cho đến khi chúng ta không thể thích nghi được nữa? Và liệu chúng ta có được sự ổn định trong quản trị toàn cầu để đối mặt với những thách thức chồng chất này hay không?”

Bình luận của Hành tinh Titanic:

Tuy việc suy giảm ô nhiễm bụi mịn khí dung trong bầu khí quyển, còn gọi là hiện tượng Global Dimming, sẽ dẫn đến một mức tăng nhiệt đột biến khôn lường, mà chúng tôi đã từng phân tích và đề cập đến trong TIN BUỒN SỐ 3 của dự án Hành tinh Titanic,

nhưng những lời nói thẳng của Ts. James Hansen là rất đáng chú ý.

Nó cho thấy có một sự rạn nứt trong giới khoa học khí hậu chính thống, và những người bị bịt miệng và không thể nói ra được sự thật đang ngày càng can đảm hơn để mô tả thực tế của hiện trạng đang xấu đi nhanh hơn so với dự kiến của các kịch bản của IPCC. Nó cho thấy IPCC rất thủ cựu và dè dặt trong việc công bố sự thật về cuộc khủng hoảng do đã bị tác động lớn bởi nhiều phe phái chính trị và kinh tế – những kẻ chỉ muốn đào dầu mỏ và tiếp tục tăng trưởng. TIN VÀO IPCC LÀ CHẾT CHẮC. Đó là điều mà chúng tôi đã kết luận từ gần 20 năm trước khi biết chắc năm 2030, thế giới có thể vượt ngưỡng +1,5 độ C và chạm mốc tăng nhiệt +2 độ C. Thậm chí, tốc độ tăng nhiệt đột biến sẽ còn khủng khiếp hơn theo như các tính toán của Hành tinh Titanic.

Nó còn cho thấy một điều bi đát khác: SẼ ĐẾN LÚC CON NGƯỜI PHẢI CHỌN LỰA “CHỈNH SỬA VÀ CAN THIỆP ĐỊA – KHÍ HẬU” khi họ hết chịu nổi sốc nhiệt, thiên tai và bão tố. Họ sẽ như con kiến nằm trong chảo rang, chỉ còn muốn thay đổi tình trạng đau khổ vì những gì đã gây ra. Điều đó càng đẩy loài Homo Sapiens tiến tới các quyết định và chọn lựa liều lĩnh hơn. Đó là điều khiển một hệ thống rất phức tạp của các sinh quyển và hệ sinh thái của hành tinh này. Họ sẽ phải chấp nhận hy sinh và đánh đổi các hiệu ứng phụ (side-effects) của việc can thiệp, tiêu diệt các sinh vật khác nằm trong vùng can thiệp, và thậm chí là gây chiến để áp đặt vùng can thiệp lên các quốc gia nhỏ yếu hơn. Tương lai tàn khốc của loài người có thể xuất hiện cả một thuật ngữ mới – gọi là “thuộc địa khí hậu”, nơi người ta có thể chỉnh sửa và can thiệp thô bạo nền khí hậu để làm lợi cho những vùng đế quốc ưu tiên khác. Người ta có thể chấp nhận phun hóa chất lên đầu người da đen dưới bầu trời Châu Phi, làm mát đại dương bất chấp sinh vật biển sẽ chết, tung tiền ra mua sự đồng ý được “phun hóa chất” của đám dân nghèo. Người ta có thể áp đặt các thứ thuế thương mại lên việc can thiệp đia-khí hậu và bắt đối tác phải tuân thủ. Sẽ có rất nhiều chiêu trò được đặt ra trong một thế giới nát bét vì bị loài Homo Sapiens can thiệp, chủ yếu dựa trên ý chí và lối tư duy duy lý của phương Tây.

Hãy chờ mà xem. Thế hệ kế tiếp của chúng ta sẽ chứng kiến điều đó!

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Đại dương nóng lên

NẾU ĐẠI DƯƠNG CHẾT, CHÚNG TA CŨNG SẼ CHẾT

Hôm thứ Hai vừa qua (13/1/2020), một nhóm 14 nhà khoa học quốc tế đã công bố nghiên cứu mới của họ trên Tạp chí Advances in Atmospheric Sciences, trong đó phân tích các dữ kiện...

Đã đăng ở by Savio
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

TỪ NHÀ KÍNH ĐẾN NHÀ HẤP NÓNG: NGÔN NGỮ CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tuần trước, các nhà khoa học trên thế giới đã sử dụng thuật ngữ “hiệu ứng nhà hấp nóng” để cảnh báo những hiệu quả hồi tiếp của hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể đẩy...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic