TIN BUỒN SỐ 5: LỖI HỆ THỐNG – SYSTEM ERROR 404


hanhtinhtitanic
TIN BUỒN SỐ 5: LỖI HỆ THỐNG – SYSTEM...

Thật thú vị khi chứng kiến các biến cố và cách mà loài người hiện đang chống lại cơn khủng hoảng đại dịch nCoV.

Nó giống hệt các phản ứng của thế giới đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, chính xác đến từng milimet.

Tôi sẽ lấy nước Mỹ ra làm ví dụ, vì đã có nhiều người nói đúng sự thật về những gì đã và đang xảy ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Italy. Ngoài ra, tôi cũng không phản đối các quan điểm đó – rằng Bắc Kinh đã sai lầm lớn khi bịt miệng và đàn áp các bác sĩ thổi còi cảnh báo, cũng như có biện pháp che dấu thông tin dịch tễ. Điều đó là hiển nhiên rồi, đối với các nhà nước độc tài tư bản đỏ. Nhưng nên lấy hình ảnh nước Mỹ – quốc gia mà mọi người đều đặt niềm tin và nghĩ rằng đó là một mô hình dân chủ tuyệt vời và đáng học tập theo, để mọi người tỉnh ngộ và xem xét lại niềm tin của mình. Mong các fan Amerika chớ có phiền lòng.

1. Nước Mỹ phớt lờ mọi cảnh báo, dù đã được chứng kiến tình trạng thê thảm của Trung Quốc, rồi đến Hàn Quốc, Nhật, Italy, Iran… Chính quyền vì lo sợ sụp đổ kinh tế nên cố hết sức trấn an dân chúng, loan truyền sai lệch thông tin, không nhận thức đúng thực tế của mối đe dọa. Chính quyền chỉ lo các hợp đồng kinh tế và chiến tranh thương mại, nhưng lại bỏ quên rất nhiều điều hệ trọng để chuẩn bị chống đại dịch, như khẩu trang, bộ test-kit, chiến lược cách li… Thực ra, dường như các chính thể phương Tây và Mỹ đặt nền kinh tế lên cao hơn lợi ích, sức khỏe và mạng sống của người dân. Họ sợ sụp đổ kinh tế hơn là sợ dịch bệnh.

Thái độ phớt lờ này thậm chí còn xảy ra dù đã có đứt gãy và đổ vỡ về hệ thống cung ứng hàng hóa/linh kiện từ các công xưởng ở Trung Quốc. Đứng trước TIỀN và TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, hình ảnh một nước Mỹ đã luôn lo lắng “nhìn xa trông rộng”, từng quan tâm đến các mối đe dọa và nỗ lực tiêu diệt chúng từ trong trứng nước ở Trung Đông, Việt Nam, Châu Mỹ Latin… giờ đâu mất rồi. Phải nói là tấm chắn bảo vệ nước Mỹ từ xa và hệ thống miễn dịch của quốc gia này đã biến mất tăm trước con virus bé xíu chỉ có một chuỗi di truyền ARN này.

2. Người dân Mỹ cũng thế. Họ bầu ra chính quyền nào, thì bản chất của chính quyền ấy cũng giống hệt và là biểu trưng cho lối suy nghĩ và niềm tin của họ. Cho đến những ngày gần đây, cho dù tôi đã thấy khá nhiều người da trắng học thức ở Mỹ kêu gọi chuẩn bị cho tình hình xấu nhất, cho dù tôi đã gửi nhiều link tham khảo về tình trạng của đại dịch đến bạn bè ở Mỹ, phần đông vẫn tỏ ra phớt lờ và yên trí rằng chính quyền Mỹ đang có những biện pháp tốt nhất dành cho họ. Thế rồi, một phần dân da màu Mỹ – vì đã có kinh nghiệm đau thương ở tại cố quốc trong quá khứ – đã ngửi thấy mùi khủng hoảng và tràn ra các siêu thị để gom hàng hóa (khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh, gạo…). Cho đến hai hôm trước, người Mỹ da trắng mới ý thức được tình trạng khẩn cấp. Họ đã đổ xô ra các siêu thị để mua đồ nhu yếu phẩm và để dành cho ít nhất 1 tháng bị lockdown. Chuỗi cung ứng hàng hóa của siêu thị Mỹ bắt đầu tỏ ra thiếu hụt hàng hóa. Nếu điều này được chuẩn bị từ trước, và nếu chính quyền ý thức được chuyện đó, thì hẳn họ phải đáp ứng các nhu cầu chính đáng này của người dân. Trong khi đó, chính quyền đã bắt đầu và chỉ biết ra lệnh lockdown mà chưa quan tâm đủ đến tình hình hàng hóa nhu yếu phẩm. Hy vọng trong tương lai, họ sẽ đáp ứng chuyện này – vì điều đó nằm trong tầm tay của giới chức chính quyền. Nhưng rõ ràng rằng, điều đó vẫn cho thấy, toàn bộ xã hội và dân chúng Mỹ chưa sẵn sàng với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tầm cỡ toàn hành tinh.

3. Cách đối phó với cơn khủng hoảng đã ập đến trước cửa nhà của người Mỹ cũng mang đậm “dấu ấn Mỹ”. Đầu tiên, đối với kinh tế, họ cắt lãi suất và bơm tiền vào hệ thống, với ước mong vực dậy nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Nhưng họ vẫn chưa hiểu được rằng, khi mà tất cả mọi nền kinh tế khác trên toàn cầu chưa và không hoạt động – bao gồm cả thị trường Đông Á là Nhật, Hàn và Trung Quốc – thì việc Mỹ bơm tiền vào chẳng có ý nghĩa gì cả. Giới ngân hàng và đầu tư tư bản Mỹ sẽ không thể tìm được bất cứ chỗ nào để xài tiền của mình và hợp thức hóa đồng tiền đó. Như vậy, về nguyên tắc tiền tệ, mớ tiền của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn không có giá trị gì cả (dù là ở dưới dạng con số digital hay tiền giấy). Bên cạnh việc bơm tiền, FED thậm chí còn cắt lãi suất về gần zero, và tung ra các chương trình kích cầu và mua trái phiếu. Điều đó có nghĩa là dân Mỹ được xóa hết gần như mọi ràng buộc để có thể tiếp tục mua sắm, với hàng hóa giá rẻ bất ngờ, cùng với việc vay mượn tiền dễ dàng hơn. Haizz. Tôi biết chắc rằng sau đại dịch này (nếu có thể chặn đứng nó bằng một loại vaccine chẳng hạn), thì cái bong bóng nợ và lạm phát trên toàn cầu sẽ càng phình to ra hơn nữa. Với một số lượng lớn tiền không có giá trị (vì đã được tiêu trước – trả sau), thì người Mỹ chỉ có hai lựa chọn: hoặc bị lạm phát và mất giá đồng bản vị, hoặc phải tung tiền đi khắp thế giới để tiếp tục đầu tư, khai thác và bóc lột để hợp thức hóa mớ tiền dư thừa đã bơm vào. Lúc đó, khốn cho quốc gia nào bị lóa mắt vì đồng USD. Họ sẽ phải trả giá bằng môi trường sụp đổ và sự ô nhiễm tràn lan thêm nữa. Và như một hậu quả lớn của đại dịch, cả nền kinh tế thế giới tiếp tục bị cuốn vào các cơn lốc đầu tư của người Mỹ, luôn muốn tăng trưởng cho bằng chị bằng em, và rồi chẳng có tâm đâu mà để ý thấy cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang ập tới. Tất cả sẽ đều bị mù quáng trước việc vực dậy nền kinh tế sau cơn đại dịch. Đó là dự báo chắc chắn của tôi. Xem:

4. Cách đối phó thứ hai của người Mỹ trước cơn đại dịch chính là họ mở free gần như các kênh giải trí khiêu dâm và game online để mong người dân ở trong nhà, không ra ngoài đường. Cổng khiêu dâm trực tuyến PornHub của Mỹ và Canada cho biết trong 30 ngày qua, họ chứng kiến có đến 6.877.922 lượt tìm kiếm tư liệu khiêu dâm liên quan đến dịch coronavirus trên đây. Chủ đề săn tìm này còn đạt đỉnh vào ngày 5/3/2020. Ngoài ra, giới điện ảnh ở Hollywood còn hứa hẹn tung ra 3 bộ phim tấn qua streaming online với giá đăng ký xem rẻ hơn bình thường. Rất nhiều kênh và ứng dụng online kỳ này đang vào cuộc để hốt bạc và thu tiền – vì có vẻ thị trường kinh doanh đang ủng hộ họ. Con virus nCoV đã lùa được dân Mỹ vào nhà và phải ở trong đó qua ít nhất 14 ngày, thì chắc chắn số người này sẽ rất buồn chán và phải tìm cách gì đó để giải khuây. Trong khi mọi công viên giải trí, rạp phim, shop thương mại, khu du lịch… phải đóng cửa, và ngay cả các nhà thờ, nhà chùa, đền Hồi Giáo cũng thế – dù người Mỹ ít khi đi tham dự các nghi lễ tôn giáo, thì những dịch vụ trực tuyến sẽ lên ngôi. Sẽ có người nói rằng, nguyên tắc của thị trường là phải thế. Vâng, là phải thế, nhưng điều đó cho thấy loài homo sapiens mãi mãi sẽ chẳng cắt đi được cơn nghiện, dù Trời có Sập xuống. Và chuyện này đặc biệt xảy ra ở một trong những đế chế của chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ bậc nhất thế giới. Xem:

5. Cách đối phó thứ ba của người Mỹ chính là họ đang sắp hàng để mua súng. Rất nhiều báo Mỹ và Anh đã đăng về hiện tượng người Mỹ đang ồ ạt đổ xô đi mua vũ khí tại các shop chuyên dụng. Các bang có số lượng người đi mua nhiều nhất là California, New York và Washington. Ngoài ra, doanh thu bán súng ống cũng gia tăng đột biến tại các bang North Carolina, Georgia, Pennsylvania, Texas, Florida, Illinois và New York. Các cửa hàng bán vũ khí chuyên dụng cho biết họ đang chứng kiến một làn sóng đầu tiên của người tiêu dùng ùa đến, và những người này cho biết họ phải mua súng vì sợ cuộc khủng hoảng thiếu lương thực và đồ nhu yếu phẩm sẽ dẫn đến căng thẳng dân sinh và gây bạo loạn xã hội. Những người khác lại nói rằng họ lo lắng chính phủ Mỹ sẽ dùng quyền công bố tình trạng khẩn cấp để giới hạn việc mua bán súng ống. Da màu và da trắng đều mua súng, nhưng tôi thấy có vẻ người da trắng và da đen quan tâm đến chuyện này hơn. Họ hiểu rõ tình trạng của nước Mỹ hơn bất cứ sắc dân di cư nào khác, vì họ có kinh nghiệm thương đau – trong khi người Việt qua đó chủ yếu để học hành và kiếm tiền.

Và người ta không quan tâm đến súng trường dùng để săn bắn, nhưng lại mua các loại súng dễ ngắm mục tiêu và bắn trúng đích. Có một lượng nhu cầu rất lớn đối với kiểu súng trường AR-15 bán tự động, kiểu chuyên dùng để tấn công hiệu quả. Vâng, người Mỹ đang hoảng sợ thật sự, khi chứng kiến một chính quyền vô dụng, hàng loạt sự sụp đổ về kinh tế, và các cuộc đổ xô đi mua nhu yếu phẩm mà không chuẩn bị trước. Và họ nghĩ cách tốt nhất là dùng súng để bảo vệ nhà của mình, gia đình của mình. Thật điên rồ, phải không? Giả dụ trong một cuộc biến loạn khó kiểm soát ở một quốc gia đa chủng tộc, có những đợt sóng người da màu đi gom hàng hóa trước, rồi sau đó giới cầm quyền không thể đáp ứng nhu cầu của các đợt mua sau của người da trắng, khiến căng thẳng sắc tộc gia tăng đến điểm tới hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu người da trắng bị đói và trở nên giận dữ khi chứng kiến đám da màu có nhiều đồ ăn hơn họ? Giả như bất cứ một cuộc khủng hoảng nào đạt đến ngưỡng xô đổ mọi giới hạn trong xã hội và thể chế cầm quyền, thì nước Mỹ chắc chắn sẽ trở thành bãi chiến trường với các sắc tộc canh chừng lẫn nhau và sẵn sàng xả súng vào nhau. Tâm lý nghi ngờ đã được thể hiện ra rất rõ khi có sự đổ vỡ. Tôi nhớ đã từng khuyên những người Việt ở Mỹ nên tập học cách bắn súng và luôn sẵn sàng có vũ khí trong nhà từ lâu rồi cơ mà. Và tất cả sẽ phải hiểu rằng, trong tương lai của biến đổi khí hậu, họ phải tự trang bị khả năng sống sót, trước các diễn biến cực đoan về phân biệt chủng tộc và tranh giành nguồn sống. Hãy chắc chắn rằng mình có thể đương đầu với hàng loạt tên da trắng hoặc da đen đang đột kích vào nhà của mình để chiếm trọn chiếc tủ lạnh chẳng hạn. Nghe có vẻ hoang đường quá nhỉ? Nhưng đó là sự thật, vì Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang thực hiện chính sách tạo ra thù ghét chủng tộc ngay trong lòng nước Mỹ. Nhưng chớ có hoảng sợ vì điều đó nếu bạn đã đến Mỹ và sống tại đó! Điều quan trọng là hãy sẵn sàng chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất có thể xảy đến. Xem:

6. Một trong những điều đặc biệt mà tôi để ý thấy, chính là mới hôm qua (16/3/2020), báo chí Đức đưa tin về vụ Donald Trump muốn mua đứt và độc quyền sáng chế vaccine liều thấp của CureVac – một công ty dược phẩm Đức, thì hôm nay (17/3/2020), hãng tin AP đã giật tít rằng Mỹ đang thử nghiệm một loại vaccine kiểu mới: tách đoạn protein của gai (dằm) coronavirus – chuyên bám vào thụ thế ACE2, sau đó chèn vào một phân tử nano để bắt chước một virus không có hại (không có nhân ARN), sau đó tiêm vào cơ thể người nhằm dạy cho hệ miễn dịch con người biết cách nhận ra và tiêu diệt địch thù. Cách này khác cách làm truyền thống ở chỗ chỉ dùng phân tử nano, không dùng virus thật bị làm cho yếu đi về khả năng xâm nhập và sao chép tế bào. Hiện chưa biết nó có hiệu nghiệm hay không, nhưng điều đó chỉ cho thấy Donald Trump đang cố thay đổi mindset của dân Mỹ sau scandal dùng tiền để mua độc quyền vaccine của Đức. Xem:

Thật tức cười khi chỉ một tin nho nhỏ ấy, cũng đã khiến nhiều người Việt cuồng Mỹ tại đây đưa lên mạng rào rào, trầm trồ khen ngợi và tung hô như chưa bao giờ được làm như thế. Tâm lý của họ là luôn cố vớt vát được miếng nào hay miếng đó để giữ thể diện cá nhân, cũng như bảo vệ thần tượng của họ. Nếu là dân Mỹ và có đầu óc thực sự, thì họ sẽ hiểu rằng chuyện Mỹ làm test-kit còn vấp lên vấp xuống, với luật lệ quan liêu ràng buộc FDA và CDC rắc rối như thế nào, thì cái việc thử nghiệm vaccine vô hại ấy chẳng qua là nỗ lực của giới chính trị nhằm vớt vát tình hình mà thôi. Tôi thì hy vọng nó có thể thành công và cứu nước Mỹ khỏi một bàn thua trông thấy. Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá cao vaccine đang được điều chế theo đúng quy trình truyền thống của Đức, Hong Kong và Australia hơn – trên phương diện công bằng và bền vững. Khi đối phó với thiên nhiên, sẽ chẳng có nơi nào dùng chiến lược “mì ăn liền” được cả. Phải mất ít nhất từ 2 đến 4 tháng nữa thì những vaccine thật sự mới có thể ra đời và được phân phối trên diện rộng. Sẽ rất nguy hiểm nếu vaccine giả virus của Mỹ không qua kiểm chứng hiệu quả đầy đủ mà đã áp dụng tiêm cho một dân số đông. Điều đó có thể kích hoạt một sự mất cảnh giác và khiến đợt lây nhiễm càng trầm trọng hơn nữa. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra đâu, nhưng khối người vẫn tin sái cổ vào công nghệ của Mỹ, chẳng hạn như chuyện khai thác dầu theo phương ngang từ cát dầu và đá phiến dầu cách đây 10 năm – mà bây giờ chính Canada đang phải đánh đổi bởi ô nhiễm và tàn phá môi trường trầm trọng.

Như thực tế đã chứng minh, sẽ có một cơn sốt tìm kiếm và kinh doanh vaccine chống nCoV tại những công ty và tập đoàn dược hàng đầu thế giới, không thua gì cuộc đổ xô đi đào vàng tại San Francisco hồi đầu thế kỷ 19. Chắc chắn họ sẽ thu được rất nhiều tiền từ chuyện đó. Và thế rồi cũng sẽ có một vài thuyết âm mưu nói rằng coronavirus là do đám tập đoàn dược tung ra cho mà xem, và nhân loại lại quên khuấy đi mối đe dọa thực lại đến từ thiên nhiên. Đó mới là điểm quan trọng và thực tế nhất.

7. Tôi nói mô hình của Mỹ không đủ để đối phó với bất cứ cuộc khủng hoảng trầm trọng nào là vì sao? Nếu nhìn toàn cục và toàn diện những diễn biến xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay của đại dịch nCoV, người Mỹ không nhận thức đúng thực tế của mối đe dọa. Thực ra, họ chỉ biết đến TIỀN và TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ. Giống như cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường, người Mỹ chỉ biết đổ tiền và lập công xưởng ở Trung Quốc, khai thác sức lao động và tài nguyên tại đó với giá thành đủ rẻ để kiếm lời. Họ không quan tâm nhiều đến các hệ lụy khác về môi trường, thể chế chính trị, con người, xã hội, tình hình nền khí hậu. Họ chỉ cần được việc của mình, nghĩa là giữ cho sự ô nhiễm ở xa quê nhà, và có hàng hóa để buôn bán và kích cầu nền kinh tế. Họ nghĩ rằng nếu có khủng hoảng xảy ra, nó sẽ chỉ tồn tại ở nơi đó, mà không gây ảnh hưởng gì đến đất nước xinh đẹp của mình. Vâng, Trung Quốc ô nhiễm thì mặc kệ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh bán mình cho đồng USD, bằng mọi giá biến mình thành “đại công xưởng của thế giới”, rũ bỏ mọi quy định nghiêm ngặt về kiểm soát môi trường, bán rẻ và bóc lột sức lao động của người dân – những cái đó, các tập đoàn và hãng Mỹ, Tây Âu… không quan tâm. Nếu môi trường Trung Quốc bị phá hủy, thì đó là chuyện của người Trung Quốc.

Thật không may là, cái gì người Trung Quốc xả ra, thì sẽ đều làm bẩn cả bầu khí quyển và đại dương chung. Rác và khí thải rồi cũng sẽ trôi và bay đến cửa nhà người Mỹ sau một khoảng thời gian nhất định nào đó. Nền khí hậu rồi sẽ bị tác động và thay đổi khi đến ngưỡng nào đó. Nhưng đứng trước lợi nhuận, hệ thống kinh tế tư bản Mỹ không hề quan tâm, và người dân Mỹ bị cuốn vào hệ thống ấy cũng chẳng quan tâm gì mấy. Thế cho nên mới có cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, mà bọn trẻ thế giới kêu gào cảnh cáo, nhưng rõ là phần đông dân số cứ mải mê lo lắng việc cơm áo gạo tiền và hưởng thụ nên chẳng để ý gì cả.

Rồi cũng có những bài học tương tự đang diễn ra nhãn tiền. Dịch nCoV bùng phát tại Trung Quốc một cách thê thảm. Chẳng người Mỹ nào quan tâm cả, ngoại trừ lo lắng chứng khoán bị sập và đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Trong khi người Trung Quốc hoảng loạn, giới tư bản Mỹ vẫn cứ loay hoay với các hợp đồng thương mại đa quốc gia, người dân Mỹ cứ thắc mắc khi nào Boeing 747Max8 có thể cất cánh được. Họ nghĩ rằng dịch bệnh chỉ xảy ra trong phạm vi Trung Quốc mà thôi, và cười chế nhạo Bắc Kinh đã tỏ ra độc tài thế nào khi cuống cuồng cắt bỏ các chuyến bay, ra lệnh cách li ép buộc, và thực hiện phong tỏa cả quốc gia. Người Mỹ nghĩ rằng đó chỉ là cuộc khủng hoảng của riêng người Trung Quốc. Với tiền bạc và hệ thống kinh tế – chính trị “dân chủ” như vậy, họ sẽ không thể bị tác động và chẳng mảy may suy xuyển trước dịch bệnh. Thế rồi, chỉ một tháng sau, tất cả đã thấy rõ và tỉnh cơn mê. Nhưng đã quá trễ. Thậm chí họ đang bị giới chính trị gia phe cánh và tư bản tập đoàn dược dẫn vào một mê trận khác mà không biết.

Vâng, tất cả vẫn mê muội cho đến phút chót. Tất cả đều không nghe lời cảnh cáo của giới khoa học có lương tâm. Mọi sự diễn ra giống y hệt cuộc khủng hoảng khí hậu – từng milimet.

Tôi tóm tắt lại sự so sánh và các phân tích trên bằng cách trích dẫn lại một twit của Jimmy Kimmel – người dẫn chương trình truyền hình, diễn viên hài, nhà văn, nhà sản xuất chương trình truyền hình Mỹ – được đăng vào hôm nay (17/3/2020), với nội dung như sau:

“Sau khi mọi sự kết thúc, chúng ta hãy cố mà nhớ rằng, đám thiên tài đã nói với chúng ta đừng lo lắng về coronavirus cũng chính là đám thiên tài đang nói với chúng ta đừng lo lắng về biến đổi khí hậu.”

Một số người Mỹ có thể đã tỉnh giấc mộng. Nhưng tôi biết còn rất nhiều người Việt vẫn còn đang mê muội lắm, chưa tỉnh được ngay đâu. Thông thường thì, người Mỹ sẽ tỉnh trước, rồi một hồi lâu sau đó, người Việt cuồng Mỹ mới chịu tỉnh lại. Khi đó thì đã quá muộn, thậm chí còn muộn hơn cả người Mỹ.

Và đây cũng là tin buồn cuối cùng, TIN BUỒN SỐ 5 trong loạt tin buồn mà tôi đã viết – dựa trên tất cả những dữ kiện cập nhật mới nhất của khoa học biến đổi khí hậu, cũng như khả năng nhận biết và trực giác của con người về tình hình thực tế của nền khí hậu Trái Đất. Chắc nhiều người sẽ tự hỏi:

sau các thông tin rất sốc và bất ngờ về quả bomb khí methane nằm dưới đáy Bắc Băng Dương đang chực chờ được giải phóng khi biển băng biến mất (tin buồn số 1), định luật Henry chứng minh đại dương đang nhả khí nhà kính trở lại bầu khí quyển (tin buồn số 2), chúng ta thực ra đang sống trong nghịch lý của hiệu ứng che mờ khí quyển của bụi mù ô nhiễm (tin buồn số 3), và sự thật về những gì kinh khủng nhất từng xảy ra trong quá khứ cách đây hơn 50 triệu năm đang quay trở lại trong hiện tại và tương lai gần (tin buồn số 4),

thì còn tin buồn nào đáng sợ hơn và nguy hiểm hơn nữa chăng?

Vâng, đó chính là khả năng miễn dịch, nhận thức hiểm họa và mối đe dọa khủng hoảng của loài người đã hoàn toàn mất đi, do sự dối trá hợp lý và vòng xoáy tiền tệ đầy cám dỗ của hệ thống kinh tế tư bản hiện đại – hiện đang lũng đoạn và che dấu sự thật với cả thế giới. Mọi người đã nằm trong hệ thống, đã phụ thuộc vào hệ thống đủ để không còn có thể quay ngược lại và thoát ra khỏi hệ thống ấy được nữa. No Way Out. Và cho dù có một số người cố thoát ra được, thì toàn bộ hành tinh này cũng sẽ bị sụp đổ và tiêu tùng, kéo theo bao gồm cả những người này. Một số ít thay đổi cũng chẳng làm được gì cả. Nó tương tự như ai cũng dính chàm và sa lầy, không nhiều thì ít. Nước Mỹ mà tôi hay lấy ví dụ, chỉ là hình ảnh tượng trưng cho cả hệ thống kinh tế toàn cầu mà thôi, mà thực ra, chính nước Mỹ là nơi sinh ra mọi vấn đề của thế giới.

Tôi lại xin bắt đầu câu chuyện bằng các mốc thời gian kể từ khi loài người chúng ta phát hiện ra khả năng giữ nhiệt chết người của khí nhà kính (mà trong đó, carbon dioxide chủ yếu được nhắc đến):

1. Năm 1824, Joseph Fourier (1768 – 1830) – nhà vật lý học và toán học người Pháp, chính là người khám phá ra hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas effect) đang điều khiển nền nhiệt của hành tinh Trái Đất, khi mô tả bầu khí quyển như là cơ chế giữ nhiệt hấp thụ từ tia nắng Mặt Trời, giống như một chiếc hộp có nắp bằng kính, trong đó nhiệt tăng lên vì bị chiếc nắp giữ lại.

2. Năm 1896, nhà hóa học người Thụy Điển Svante Arrhenius (1859 – 1927) cuối cùng đã công bố về cách xác định mối liên quan giữa khí carbon dioxide và hiệu ứng giữ nhiệt nhà kính, trong một báo cáo khoa học mang tựa đề “On the Influence of Carbonic Acid in the Air upon the Temperature of the Ground” (Ảnh hưởng của A-xít Cacbonic trong Không khí đối với Nhiệt độ Mặt đất). Xem:

Arrhenius là người đầu tiên kết luận rằng, mật độ khí carbon dioxide ở trong bầu khí quyển thật ra có tác động trực tiếp đến nền nhiệt của toàn hành tinh. Ông thấy rằng CO₂ và nhiều khí nhà kính khác đã giữ lại bức xạ hồng ngoại khiến bầu khí quyển ấm lên. Kết quả là khí quyển Trái Đất có thể chứa nhiều hơi nước hơn, và đó cũng là một yếu tố góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu. Arrhenius cũng là người đầu tiên nghi ngờ rằng việc đốt than đá sẽ góp phần vào hiệu ứng nhà kính. Nhờ khám phá này, ông đoạt giải Nobel Hóa Học vào năm 1903.

3. Năm 1959, Edward Teller (1908 – 2003) – nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Hungary – đã nói với Học viện Nghiên cứu Dầu khí Mỹ (the American Petroleum Institute – API) rằng, một mức tăng 10% mật độ CO₂ sẽ đủ để khiến băng ở hai cực Trái Đất tan ra và nhấn chìm thành phố New York. Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng vấn đề ô nhiễm hóa học này còn nghiêm trọng hơn những gì mà hầu hết mọi người tưởng.” Vào lúc ấy, tổng số khí thải carbon dioxide và methane trên toàn cầu đã chạm mức 10,18 tỷ tấn/năm.

4. Năm 1965, Hội đồng Cố vấn Khoa học (President’s Science Advisory Committee) của Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (1908 – 1973) trong một bản báo cáo đã khẳng định rằng “khí thải gây ô nhiễm đã làm biến đổi trong phạm vi toàn cầu mật độ carbon dioxide có trong bầu khí quyển”, với hiệu ứng “có thể gây hại cho chủng loài con người”. Để kết luận cho báo cáo này, người đứng đầu API đã cảnh báo ngành công nghiệp khai thác dầu khí: “Thời gian đang gần hết.”

5. Năm 1970, hai tập đoàn dầu khí Shell và BP bắt đầu chi tiền cho nghiên cứu khoa học tại nước Anh để giám định các tác động về mặt khí hậu của khí gây hiệu ứng nhà kính trong thập niên 70.

6. Năm 1977, các chuyên gia khoa học của tập đoàn dầu khí Exxon đã có một bản báo cáo “gây chấn động” gửi đến ban lãnh đạo tập đoàn này, trong đó kết luận rằng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính làm tăng mức carbon dioxide trong bầu khí quyển Trái Đất. Exxon đã quyết định giấu nhẹm bản báo cáo này cho đến khi bị điều tra vào năm 2017.

7. Năm 1981, một biên bản nội bộ trong tập đoàn Exxon cảnh báo rằng “rõ ràng là” mức khí thải CO₂ từ kế hoạch phát triển 50 năm của tổng công ty “sẽ gây ra những hậu quả thực sự khủng khiếp (cho ít nhất một tỷ lệ lớn dân số trên hành tinh này”. Vào lúc ấy, tổng số khí thải carbon dioxide và methane trên toàn cầu đã chạm mức 20,69 tỷ tấn/năm.

8. Vào ngày 23/6/1988, nhà khoa học James Hansen – Giám đốc của Học viện Nghiên cứu Không gian Goddard (GISS) thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) – đã ra điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ về “ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính đã được phát hiện ra, và nó hiện đang làm biến đổi nền khí hậu của hành tinh Trái Đất”. Dựa trên dữ liệu phân tích nền nhiệt mặt đất của các trạm quan trắc GISS đặt tại Bắc Bán Cầu và so sánh đối chiếu thông số trong khoảng thời gian từ năm 1880 đến năm 1985, Hansen và các cộng sự khám phá ra rằng nền nhiệt đã gia tăng từ 0,5°C – 0,7°C trong gần một thế kỷ qua, và 4 năm nóng nhất đều thuộc về thập niên 1980, trong đó, năm 1981 và năm 1987 là hai năm có nền nhiệt cao nhất. Trước Quốc Hội Mỹ ngày hôm đó, James Hansen đã tuyên bố 99% ông chắc chắn về mối liên hệ giữa khí thải công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Nhưng mọi nỗ lực của ông đã bị giới chính trị gia phớt lờ. Từ năm 2006, chính quyền của Tổng thống George Walker Bush đã cố gắng bịt miệng và kiểm duyệt tất cả các bài nói chuyện của Hansen, ngăn ông kêu gọi cắt giảm khí thải công nghiệp ngay lập tức để tránh thảm họa xảy ra. Tháng 4/2013, James Hansen tuyên bố chính thức rời khỏi NASA sau khi trả lời trong một cuộc phỏng vấn về việc ông chống lại quyết định triển khai công nghệ khai thác cát dầu/dầu đá phiến theo phương ngang (fracking oil) tại Canada: “Nếu còn là một viên chức làm việc cho chính quyền, bạn không thể ra làm chứng để chống lại chính quyền đó”. James Hansen sau đó trở thành một nhà hoạt động để phản đối chính sách năng lượng bẩn của Mỹ, và đã bị bắt giam nhiều lần. Nhưng sau hơn 30 năm kể từ ngày ông ra điều trần trước Thượng Viện Mỹ, thế giới vẫn chưa nhận thức được tầm mức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Xem:

9. Năm 1988, một báo cáo mật được chuyển lên ủy ban bảo tồn môi trường của tập đoàn dầu khí Shell đã khẳng định lượng khí thải CO₂ có thể làm tăng nền nhiệt toàn cầu lên thêm từ 1°C đến 2°C trong vòng 40 năm tới, cùng với những biến đổi có thể “rất lớn lao trong lịch sử ghi nhận”. Báo cáo này hối thúc ngành năng lượng phải hành động nhanh chóng. Báo cáo còn cho biết: “Vào thời điểm hiện tượng nóng lên toàn cầu trở nên dễ nhận biết, thì đã quá trễ để đề ra bất cứ biện pháp nào hiệu quả nhằm giảm bớt hay thậm chí là ổn định tình hình.”

10. Các tập đoàn công nghiệp Mỹ thành lập tổ chức gọi là Liên minh Khí hậu Toàn cầu (Global Climate Coalition – GCC), một nhóm vận động hành lang có trách nhiệm thách thức và không thừa nhận ngành khoa học về nóng lên toàn cầu, cũng như gây cản trở hành động cắt giảm khí thải công nghiệp. Tập đoàn Exxon, Shell và BP đã tham gia liên minh này trong khoảng năm 1993 – 1994.

11. Năm 1990, tập đoàn dầu khí Exxon đã chi tiền cho hai nhà khoa học – Ts. Fred Seitz và Ts. Fred Singer, để tranh luận và chống lại các kết luận chính thống của ngành khoa học khí hậu. Chúng ta cần phải nhớ rằng, hai ông Seitz và Singer đã từng được ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá Mỹ trả tiền để chất vấn và chống lại mối nguy hiểm của việc hút thuốc lá. Ts. Singer, người đã chối bỏ việc nhận tiền của các tập đoàn thuốc lá hoặc dầu khí, từng nói rằng các mối quan hệ tài chính này không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu khoa học của ông.

12. Năm 1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất Rio, nhiều quốc gia đã ký kết bản thỏa thuận quốc tế đầu tiên để ổn định phát thải khí nhà kính và tránh các tác động nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Hoạt động này đã thiết lập nền tảng cho các hội nghị sau này về khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Cố Tổng thống George Herbert Walker Bush (1924-2018) từng hứa hẹn tại hội nghị này: “Nước Mỹ hoàn toàn có ý định trở thành lực lượng dẫn đầu thế giới đầy ưu việt trong tiến trình bảo vệ môi trường toàn cầu.”

13. Năm 1997, hai tháng trước khi Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu tại Kyoto (Nhật) diễn ra, tập đoàn dầu khí Mobil (mà sau này sáp nhập vào Exxon) đã đặt một quảng cáo trên tờ The New York Times với tựa đề “Reset the Alarm” (nghĩa là “Đặt lại Cảnh báo”), trong đó khẳng định: “Hãy đối mặt với thực tế: ngành khoa học biến đổi khí hậu không đáng tin cậy để yêu cầu một kế hoạch hành động, mà có thể đẩy các nền kinh tế vào tình trạng rối loạn.”

14. Năm 1998, nước Mỹ từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto sau khi các tập đoàn dầu khí và Hội đồng Hợp tác Các Quốc gia vùng Vịnh (The Gulf Cooperation Council – GCC) chống đối quyết liệt.

15. Năm 2009, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe thuộc Đảng Cộng hòa – Chủ tịch Ủy ban Công chánh và Môi trường của Thượng viện Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 2003-2007 và 2015-2017), người nhận được nhiều tài trợ từ ngành công nghiệp dầu khí, đã dẫn đầu chiến dịch “Climategate” đánh lạc hướng thông tin để tấn công các nhà khoa học vào ngày mở đầu của một hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen, mà hội nghị này sau đó đã kết thúc một cách vô ích.

16. Năm 2013, một nghiên cứu được thực hiện bởi Richard Heede – đồng Sáng lập và Quản trị Học viện Kiểm toán Khí hậu (Climate Accountability Institute) – và được đăng trên tạp chí Climatic Change, cho thấy 90 công ty/tập đoàn đang chịu trách nhiệm cho 2/3 lượng phát thải carbon vào bầu khí quyển của hành tinh kể từ lúc khởi đầu thời kỳ công nghiệp vào giữa thế kỷ 18. Xem:

17. Năm 2016, sau khi bị công chúng phản đối, Học viện Dầu khí Mỹ (API) đã xóa bỏ một nội dung trên website của họ, xác nhận rằng việc loài người đang góp phần gây biến đổi khí hậu là “không chắc chắn”.

18. Năm 2017, mỗi tập đoàn dầu khí Exxon, Chevron và BP đã tài trợ ít nhất 500.000 USD cho lễ nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Xem hồ sơ ghi nhận tại đây:

Sau khi lên làm Tổng thống, Donald Trump đã xé bỏ cam kết của Mỹ trong Hiệp định Khí hậu Paris (năm 2016), dù Hoa Kỳ đã ký kết vào đó từ một năm trước.

19. Năm 2019, Mohammed Barkindo, Tổng thư ký của Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đại diện cho Saudi Arabia, Kuwait, Algeria, Iran và một số nhà nước xuất khẩu dầu mỏ khác, đã tuyên bố rằng những nhà hoạt động khí hậu chính là mối đe dọa lớn nhất cho ngành công nghiệp, cũng như khẳng định rằng họ đang lừa dối công chúng bằng các cảnh báo vô căn cứ về hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Như vậy, kể từ năm 1824, khi Joseph Fourier phát hiện ra hiệu ứng nhà kính của các chất khí trong bầu khí quyển, và sau đó là xác nhận của Svante Arrhenius về vai trò của khí carbon dioxide trong tác động trực tiếp đến nền nhiệt của toàn hành tinh, đã 196 năm để loài người luôn được cảnh báo và có thể nhận ra mối đe dọa của nền công nghiệp xả thải khí nhà kính. Thế nhưng tất cả – đặc biệt là giới hoạch định chính sách và tập đoàn kinh tế của các cường quốc lớn trên thế giới – đều chọn im lặng, công kích sự thật, và tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch để thu lợi nhuận và làm giàu.

Quyết định của họ kéo theo việc phát triển và tăng trưởng một hệ thống và đế chế kinh tế lãng phí và văn hóa tiêu dùng khổng lồ, kéo dài từ Tây sang Đông, xâm nhập vào từng ngóc ngách và khu vực trên toàn hành tinh này. Sau gần 200 năm của cuộc cách mạng công nghiệp, nhiều trung tâm thương mại và tài chính đã được thiết lập để hỗ trợ và giữ vững mô hình này. Hệ thống ngân hàng được lập ra, cùng với cơ chế dòng tiền tài trợ và phát hành tín dụng, để hối thúc 90% dân số loài người nhanh chóng lao vào guồng máy sản xuất, phân chia lợi nhuận, tiêu dùng, và hưởng thụ. Công nghệ điện toán, internet, và ngay cả vũ khí, được tạo ra để bảo vệ và loan truyền ý thức hệ cùng lối sống tiêu thụ lãng phí ấy. Vốn tư bản được tập trung vào các mũi nhọn công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch, làm giàu cho chỉ 1% số người trong tổng dân số thế giới, trong khi tàn phá thế giới tự nhiên và khai thác mọi nguồn lực đến cạn kiệt chỉ trong một thời gian ngắn. Thậm chí các quốc gia – mà trước đây từng đổ máu và cố gắng đi theo một khuynh hướng trái ngược là chủ nghĩa cộng sản/chủ nghĩa xã hội – cũng bị cưa đổ và cám dỗ bởi quy luật tăng trưởng này.

Cách đây không lâu (2014), nhiều người vỗ tay hào hứng khen ngợi và ủng hộ khi Mỹ chế ra kỹ thuật khai thác dầu từ đá phiến và cát dầu, gọi là Ép dầu theo phương ngang (freaking oil). Họ đâu hiểu rằng công nghệ này chỉ là một phần trong các nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của ngành khai thác dầu khí, để tránh tình trạng Peak Oil (sản lượng dầu đạt đỉnh trước khi suy giảm nhanh chóng vì nhu cầu tiêu thụ khổng lồ) đã được dự báo từ lâu bởi nhà địa chất học M. King Hubbert (1903-1989). Công nghệ này cũng đánh đổi môi trường, khi sử dụng rất nhiều nước để đẩy và lọc dầu ra khỏi cát, cũng như tàn phá hệ sinh thái tại nơi khai thác. Giá dầu thô sụt giảm nhanh chóng khi có công nghệ này, nhưng nhiều cánh rừng phương Bắc tại Mỹ và Canada đã phải chết đi.

Mặc cho các cơn siêu bão đang hình thàng và vùi dập nhiều quốc gia, mặc cho các cánh rừng tại Amazon (Brazil), Malaysia và Indonesia đang bị đốt đi để phục vụ cho nền công nghiệp thực phẩm của Mỹ và Trung Quốc, mặc cho các cơn bão lửa xảy ra dồn dập ở California và miền Đông Nam Australia, các nền kinh tế lớn vẫn không thay đổi chính sách phát triển của mình. Ngay cả trong cơn hấp hối vì đại dịch coronavirus, Bắc Kinh vẫn cố sức thúc ép các nhà máy và xưởng sản xuất hoạt động ngay khi vừa có dấu hiệu giảm bớt, nhưng không đáng kể, bệnh dịch này.

Dù Jeff Bezos – CEO của hãng bán lẻ Amazon – hứa chi ra 10 tỷ USD để giải quyết vấn đề khí hậu (chủ yếu là một dạng đầu tư vào công nghệ xanh để làm lợi lại cho tập đoàn này), ông ta vẫn đe dọa nhân viên của mình không được nói về biến đổi khí hậu. Các tập đoàn Microsoft, Google đang có mối quan hệ thân mật và rất gắn bó với những công ty dầu mỏ. Quốc gia Na Uy xem ra là tấm gương mẫu mực cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, nhưng hệ thống ngân hàng tại Na Uy thì lại đang đầu tư cho những ngành công nghiệp bẩn, khai thác dầu khí tại Australia. Bản thân Na Uy còn khai thác và xuất khẩu dầu mỏ sang quốc gia khác nhờ công nghệ tiên tiến của họ. Anh có quỹ trợ cấp khổng lồ cho ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch. 6.000 tỷ USD được hơn 1.000 tổ chức quỹ đầu tư và ngân hàng cam kết để ủng hộ cho ngành dầu khí bắt đầu từ năm 2018. Các tập đoàn dầu khí vẫn tiếp tục lên kế hoạch đổ vào thị trường thế giới thêm 7 triệu thùng dầu/ngày so với lượng tiêu thụ hiện có. Australia đang tìm cách bán thêm than đá cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, tham vọng mở rộng các thị trường mới. Thế giới đã bước qua năm 2020 rồi, nhưng các cam kết cắt giảm khí thải được thống nhất trong Hiệp định Paris vẫn còn nằm trên giấy và chưa đi đến bất cứ giải pháp nào để thực thi. Thậm chí, chẳng có quốc gia nào nghiêm chỉnh chấp hành đúng mức ngay cả các cam kết có từ 22 năm trước đó, tức là trong Nghị định thư Kyoto.

Loài người đang bị sa lầy và không thể rút chân ra khỏi chính hệ thống do họ tạo ra. Đó là bi kịch lớn, bởi vì thật ra:

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI CHỈ LÀ MỘT CÚ LỪA TINH TẾ KHÁC DÀNH CHO ĐA SỐ LOÀI HOMO SAPIENS ƯA THÍCH TẬN HƯỞNG VẬT CHẤT, SAY MÊ VÀ KHỜ KHẠO TRƯỚC XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BẤT CHẤP GIỚI HẠN CỦA HỆ SINH THÁI, CŨNG NHƯ CÓ TẦM NHÌN THIỂN CẬN VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ.

Một lần nữa, trong status này, tôi không bàn quá nhiều đến Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) – một thứ quái thai của cực đoan, bạo tàn và thuần ngu xuẩn, sinh ra từ các mâu thuẫn lịch sử không thể giải quyết được của Chủ nghĩa Tư bản (CNTB). Đã có nhiều người nói và viết về nó, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào các hậu quả lâm sàng của CNCS, cùng với các bức xúc và kêu gào đòi hỏi thay đổi, nhưng thật ra, chẳng tạo được nhiều thay đổi tận gốc rễ nào – nhất là ở những xã hội có truyền thống và phân tầng Nho giáo, hoặc bị lệ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực/thành phần kinh tế để nuôi sống quốc gia (ví dụ như Nga và Venezuela chẳng hạn).

Có người so sánh CNTB và CNXH như âm với dương, nhưng điều đó không đúng, vì thật ra, hai ý thức hệ chính trị này đều đến từ phương Tây, sinh ra do lối suy nghĩ duy lý và cố chấp cực đoan của các triết gia xã hội phương Tây. Thực ra, chúng là anh em với nhau, là hai thái cực của cùng một vấn đề tranh chấp giai cấp mà xã hội con người đã tự tạo ra cho mình, không thể tránh thoát được khi đẩy quá nhanh tiến trình phát triển nhờ nhiên liệu hóa thạch, mà không thể đảm bảo sự cân bằng trong lợi ích phân tầng xã hội.

Và một trong những nguyên nhân chính nữa, đó là vì mọi người không nhận ra rằng, các thể chế cộng sản chủ nghĩa hiện đang dần kết hôn với CNTB để thiết lập một hệ thống kinh tế – xã hội vững vàng hơn trước, sinh ra thêm nhiều hình thức kinh tế củng cố thêm cho hệ thống của nó, sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ. Thậm chí, ngày hôm nay, ngay cả CNTB ở phương Tây cũng đang có ước mơ và khuynh hướng bắt chước CNCS, cố gắng chuyển sang hình thức tập quyền để kiểm soát lợi ích và ổn định xã hội dưới dạng Chủ nghĩa Dân túy (Nationalism) – như Donald Trump (Mỹ) chẳng hạn. Vì thế, đừng bao giờ lầm tưởng bạn đang chống CNTB hay CNCS, nhưng thực ra là chống một hệ thống kinh tế gắn kết mọi lợi ích với nhau và luôn linh hoạt giải quyết mọi vấn đề mâu thuẫn một cách tinh tế và khéo léo trên cơ sở lợi nhuận. Ở đâu đạt được thỏa thuận về lợi nhuận đồng đều cho các bên, ở đó có sự chống lưng, bất chấp các vi phạm nhân quyền và tàn phá môi trường. Chẳng bao giờ chúng ta chống lại được đâu, và hệ thống ấy hoàn toàn có khả năng đề kháng được bất cứ chống đối nào. Cả hệ thống chỉ có thể sụp đổ khi đứng trước các mối đe dọa khách quan khiến các giá trị cốt lõi của nó lung lay đến tận gốc rễ – ví dụ như đại dịch nCoV lần này, hoặc cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Đứng trước sự nhạy cảm và các mối đe dọa ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của mình, đám chính trị gia và tập đoàn kinh tế, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, cũng sẽ tìm cách hợp thức hóa sự bành trướng quyền lực của mình hơn nữa và củng cố vị thế ảnh hưởng của mình bằng những lý thuyết mới có khả năng mị dân hiệu quả hơn, để mọi người phớt lờ mọi lời cảnh báo, cứ tiếp tục dấn thân vào vòng xoáy và tiến đến đoạn đường cuối cùng mà không thể tránh thoát được.

Người Việt Nam chịu đau khổ và thấy thiệt thòi dưới chế độ cộng sản hiện hành đã quá lâu, nhưng chưa bao giờ có kinh nghiệm sống dưới hệ thống tư sản và CNTB. Thế cho nên chúng ta cứ đòi hỏi thay đổi và làm cách mạng lật đổ thể chế độc tài này, nhưng lại không nhận ra rằng, sau khi đã hoàn tất quá trình đập đi cái cũ, liệu chúng ta sẽ chọn một mô hình kinh tế – chính trị mới như thế nào, ở đâu, có tốt đẹp như chúng ta hằng mơ tưởng hay không. Liệu nền giáo dục mục nát thời cộng sản sẽ mở tầm nhìn đủ để những con người của thời kỳ hậu cộng sản đương đầu nổi với những hệ thống tư bản kiểu mới, mà ở đó, có phương pháp quản lý và điều hành xã hội chặt chẽ hơn, có khả năng kiểm soát người dân một cách khôn khéo hơn, và có thể đưa cả dân tộc vào một guồng máy tập quyền mới, giống hệt Nga hoặc Trung Quốc mà thôi. Trên hết tất cả, liệu chúng ta có nghĩ rằng, một hệ thống mới của CNTB là mô hình tối ưu để đưa dân tộc của mình thoát khỏi vòng xoáy và chu kỳ luân chuyển của quyền lực, tiền bạc, sự bóc lột, cũng như đe dọa phát triển bền vững. Các nước phương Tây như Mỹ và Châu Âu đang sử dụng hệ thống chính trị nào? Họ có quá cực đoan trên một cánh hữu duy nhất? Họ có đang nếm mùi đau khổ từ hệ thống CNTB hiện hành hay không? Họ có tiếp tục đấu tranh để thay đổi, nâng cấp và tối ưu hóa hơn nữa thể chế chính trị của mình, nhằm nỗ lực kiểm soát quyền lực vào tay nhân dân hơn nữa? Hay họ đang thất bại và chiều theo xu hướng chung của các ông chủ tư bản? Tất cả những nhận định trên phải thực sự khách quan và không bị tác động của ý thức hệ chính trị chủ quan.

Người Việt Nam hầu như không nhận ra rằng, mọi vấn đề về cướp đất, tranh giành lợi ích, ô nhiễm môi trường, quan hệ con buôn, phá rừng, đào xới và khai thác khoáng sản… chỉ xuất hiện phổ quát và gây hiệu quả nghiêm trọng kể từ khi quốc gia của họ mở cửa và gia nhập thị trường thương mại WTO, tham gia cuộc đua tăng trưởng kinh tế, cũng như kể từ khi tư tưởng và trào lưu thương mại toàn cầu hóa được truyền bá khắp thế giới. Các vấn đề tương tự thực ra đã xuất hiện trong thời kỳ đầu lập quốc của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, rồi sau cuộc nội chiến và nhiều dàn xếp mâu thuẫn bên trong lòng nước Mỹ, mới được ổn thỏa như hiện nay. Các vấn đề này cũng xảy đến, khi Trung Quốc – người “đồng chí cộng sản” của Việt Nam đã tự bán mình cho đồng USD, tự nguyện trở thành “đại công xưởng sản xuất” cho giới tư bản phương Tây, bơm dòng máu tư bản đỏ vào trong cơ thể nền kinh tế của mình – vươn chiếc vòi bạch tuộc sang Việt Nam từ sau thập kỷ 80 của thế kỷ trước, và khiến nền kinh tế Việt Nam trở thành một thị trường bán hàng cấp thấp của người Hoa Đại Lục. Và cuối cùng, giờ đây, sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, với hàng loạt nhóm tập đoàn lợi ích sinh ra ở trong lòng bộ máy kinh tế mang lòng tham tư bản chủ nghĩa, Việt Nam đã gần như trở thành một quốc gia mang danh xưng CNXH bên ngoài, nhưng trong ruột chính là CNTB độc tài.

Chúng ta có bao giờ tự hỏi về điều đó? Sau khi CNCS ở Việt Nam sụp đổ (nếu thực có chuyện này – điều phần đông dân số cũng có vẻ mơ ước), chúng ta sẽ đi đâu về đâu? Chúng ta sẽ giống Nga với triều đại của Vladimir Putin? Hay sẽ giống Ukraine đang nằm trong sự xâu xé giữa hai phe tư bản và xã hội? Hay sẽ giống Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan với các xã hội bền vững và bình an, nhưng lại đang xuất khẩu ô nhiễm ở nơi khác? Liệu các học thuyết về dân tộc trong quá khứ của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đình Diệm, và ngay cả Nguyễn Ái Quốc (đã có thời người này nghiêng về chủ nghĩa cách mạng dân tộc) có sử dụng được cho bước chuyển tiếp quan trọng này hay không? Hay chúng ta sẽ giống Mỹ (trong giấc mơ ư)?

Người Việt Nam bị che mờ mắt vì nhiều lý do – đau khổ, mâu thuẫn lợi ích, ý thức hệ chính trị, lệ thuộc kinh tế, các vấn đề vi phạm quyền dân sự… Nhưng chúng ta phải có tầm nhìn mới và xa hơn trước khi thay đổi. Chúng ta phải có khả năng phân tích được mặt trái và mặt phải của thái cực bên kia – là CNTB – mà chúng ta đang ước mơ chuyển đổi sang. Liệu nó có đáng để tốn thêm nước mắt, máu và mạng sống, sau 100 năm chống thực dân Pháp và 20 năm chống Mỹ với hàng triệu người ngã xuống? Các vấn đề hiện nay của thế giới là gì? Điều loài người đang phải đối mặt và phải giải quyết ngay lập tức là gì? Hành tinh này đang bị khủng hoảng gì? Điều ưu tiên cho sự sinh tồn nằm ở đâu?

Chính vì thế, tôi sẽ viết những dòng sau đây để phân tích kỹ hơn CNTB hiện đại – gốc rễ của mọi vấn đề đang xuất hiện và tồn tại trong thời đại này, là nguyên nhân chính đang kéo tất cả loài người xuống cái hố của sự hủy diệt trên toàn cầu, để thấy rằng, chúng ta còn rất ít lối thoát:

1. Sinh ra từ thái cực chống đối và mang ý chí xóa bỏ mọi quyền tư hữu của công dân, cào bằng mọi mối quan hệ, hủy hoại mọi suy nghĩ khác biệt, trong quá khứ, chế độ cộng sản ở Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới phải chèn ép hầu hết các quyền tự do biểu đạt của công dân, ép buộc mọi người dân phải tuân thủ các quy tắc tư tưởng của một nhóm người duy nhất mang tính Đảng phái, hô hào bằng ý chí nhưng hành động bằng trí thông minh của loài trâu bò nông nghiệp. Đó chỉ là loại biến tướng cực đoan của kẻ nghèo nàn thất phu, vì tức giận trước bất công lợi ích mà làm càn, không hiểu được tâm lý và bản chất của con người – thích tư hữu và chiều theo các bản năng cấp thấp trong thang bậc nhu cầu của Abraham Maslow. Ngược lại, CNTB ở bờ bên kia thế giới đã biết khôn khéo hơn sau những cú sốc gay gắt về ý thức hệ cộng sản. Giới đứng trên đỉnh trong các thể chế tư bản hiểu rằng, nếu họ tiếp tục bóc lột con người theo kiểu cũ của tư bản thực dân, tư bản mại bản… thì sẽ sớm bị lật đổ và tiêu diệt hoàn toàn. Thế cho nên, những người này:

một mặt đem tiền của đi gây thêm chiến tranh và tạo ra các cuộc biến loạn ở nhiều nơi khác trên thế giới, tìm cách ngăn cản sự lan rộng ý thức hệ đối lập với lợi ích kinh tế của họ, và gia tăng sức ép cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị bằng chạy đua vũ trang và công nghệ, giữa hai phe đối lập,

một mặt quyết định cắt bớt đi phần lợi nhuận của mình để xây dựng một hệ thống kinh tế mới có tên gọi là Neo-Liberalism (Chủ nghĩa Tân Tự Do), trong đó cởi trói cho tất cả các tập đoàn kinh tế có thêm quyền lực để phát triển kinh tế, hô hào thúc đẩy tăng trưởng vì lợi ích làm giàu của quốc gia, kích thích đám đông lao động để được hưởng một cuộc sống đầy đủ đáng mơ ước, lôi kéo mọi tầng lớp và nguồn lực trong xã hội tham gia khai thác và quay sang bóc lột thiên nhiên – đối tượng không thể kêu gào phản đối hay làm cách mạng chống trả được. Với phương pháp gia tăng và tối đa hóa hiệu suất của guồng máy kinh tế tư bản theo chiều hướng này, những người đứng bên trên hệ thống vừa kiếm được lợi nhuận nhanh chóng và nhiều hơn, vừa có thể dỗ yên đám đông bên dưới bằng cách cung cấp đầy đủ những điều kiện sống như đã hứa – chỉ bằng một phần nhỏ nguồn lợi nhuận họ thu được, vừa đáp ứng được các nhu cầu cấp thấp làm hài lòng con người, vừa không đào sâu thêm mâu thuẫn giai cấp… Họ cho phép các quyền tự do căn bản được thực thi, nhất là những loại tự do đáp ứng “ý thích hưởng thụ vật chất” của đám đông. Ngoài ra, họ kiểm soát tự do trong “phạm vi vừa đủ”, “không xâm hại lợi ích cốt lõi” và “chiều lòng con người một cách tự nhiên nhất”, bằng các tác động của kinh tế, văn hóa tiêu dùng, giải trí và giáo dục trên người dân. Khi thấy mô hình xã hội ổn định và đáp ứng các nhu cầu ăn, mặc, vui chơi, tính dục, sức khỏe, giáo dục… thì dân chúng và các hội đoàn công cộng sẽ chỉ nói, bàn luận và phục vụ trong phạm vi đó. Giáo dục, khoa học, truyền thông tất nhiên cũng sẽ phục vụ cho mô hình này.

2. Khi trong tay đã có được nguồn sức mạnh vô song về mặt kinh tế, một hệ thống ổn định về mặt chính trị và xã hội, nhóm người đứng trên đỉnh mới tiếp tục xây dựng những thực thể truyền thông tiếp tục hô hào ủng hộ mô hình của họ dưới dạng quảng cáo, marketing, kích thích tiêu dùng và biến nó trở thành hình mẫu lý tưởng đáng mơ ước cho dân chúng ở các quốc gia khác. Cùng lúc đó, đế chế kinh tế của họ sinh ra nhiều tổ chức tài chính có quy mô toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) – đưa nguồn vốn tư bản dư thừa của Mỹ và Tây Âu đến các quốc gia nghèo hơn để đầu tư, khai thác và buôn bán đổi chác. Tiến trình này xem ra có vẻ rất hợp lý và hợp pháp. Nhóm các nước tư bản chẳng đi xâm lược hay cướp bóc gì của ai cả – đây là quan điểm nhiều người Việt Nam hay sử dụng để bảo vệ thần tượng Mỹ của họ. Đúng, rõ ràng là họ chẳng cần phải làm như vậy – như đã từng làm rất lộ liễu trong quá khứ thực dân của mình với các đế chế Anh, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha. Khi đã có rất nhiều tiền trong tay và nguồn tiền đó lại được hợp thức hóa nhờ rất nhiều loại hàng hóa xa xỉ mà đám dân đen ở bất cứ đâu đều mơ ước, thì dưới chiêu bài yêu cầu bảo đảm thị trường tự do để bảo vệ bên có thế lực tài chính hùng mạnh hơn, họ sẽ rót vốn tư bản vào các quốc gia nghèo hơn, tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế tương tự, đem dây chuyền sản xuất hàng hóa vào và tạo ra hàng hóa để bán cho người dân của các nước này, hợp thức hóa việc khai thác tài nguyên của chính các quốc gia đó mà phục vụ cho dây chuyền sản xuất của họ, sau đó rút món lợi được hợp thức hóa về dưới dạng tiền, tài nguyên thô, link kiện hoặc thành phẩm. Họ cũng khiến các thể chế chính trị tại đây yên tâm hơn, vì vừa tạo được việc làm, vừa cung ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân, khiến xã hội ổn định và được tự do thoải mái hưởng thụ. Thế là các bản sao của neo-liberalism được thiết lập ở nhiều nơi khác nhau, nhưng có thể khác biệt một chút, chẳng hạn như Trung Quốc dưới chỉ thị phát triển một “nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc”, hay Việt Nam là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, hay Arab Saudi là “nền kinh tế dầu mỏ phục vụ cho lợi ích của hoàng gia”, hay Zimbabwe là “nền kinh tế độc tài siêu hạng”, hay Nga là “nền kinh tế nhờ cơ bắp của Putin”… Giới cầm quyền và doanh nhân tinh hoa của các nước sở tại cũng nhận được nhiều mối lợi lớn. Thế cho nên mọi người đều hài lòng cả. Chỉ có thiên nhiên ở mọi nơi trên toàn cầu là bị bóc lột và tàn phá mà thôi. Ngoài ra, khi mọi dây chuyền sản xuất và công xưởng được dời đi nơi khác, bản thân các cố quốc của chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng được hưởng một môi trường trong lành và sạch sẽ, và đương nhiên trở thành mô hình “trong mơ” của những nước nghèo hơn. Họ ráng phấn đấu gia tăng sản xuất, bóc lột hơn nữa thiên nhiên, để hy vọng một ngày nào đó có đủ tiền để mà giữ vững nền kinh tế, bảo tồn môi trường và vẫn giàu có hưởng thụ như thần tượng của mình. Nhưng làm gì có chuyện đó.

3. Vâng, người dân đâu hiểu được rằng, chấp nhận tham gia guồng máy kinh tế này tức là:

  • Ký một bản hợp đồng không công bằng về lợi thế, giữa một bên – có nhiều tiền/hàng hóa/công nghệ, nắm bản vị tiền tệ có sức mạnh chi phối quốc tế, được chống lưng bởi hệ thống tài chính quốc tế với các nguyên tắc bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của họ – và một bên không có gì cả, chỉ có tài nguyên và nguồn lao động rẻ mạt. Thậm chí nguồn tiền được sử dụng hợp thức hóa mọi giao dịch trên tầm kinh tế vĩ mô cũng phải là đơn vị tiền tệ của bên đầu tư – là USD, được in ra từ Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED), hoặc Nhân dân tệ (Reminbi), được in ra từ Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh, hoặc Yen Nhật, được in ra từ Ngân hàng Nhật Bản. Đấy có phải là một bên cầm dao đằng cán, và một bên cầm dao đằng lưỡi không? Về vấn đề này, bạn có thể hiểu tại sao Mỹ luôn tìm cách chống lại bất cứ quốc gia nào muốn neo giữ giá trị đồng tiền của mình so với USD và muốn dùng đơn vị tiền tệ của mình để lấn át USD trong giao dịch quốc tế – dù là Nhật Bản trong quá khứ, hay Trung Quốc ở trong hiện tại. Bạn có bao giờ suy nghĩ rằng, nếu USD vẫn là đồng tiền thống trị hệ thống kinh tế toàn cầu, thì việc Trung Quốc đang nắm giữ 1.170 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, mà thực ra, đó chỉ là một con số nằm trong cái máy tính đặt ở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thôi hay không? Kẻ nào đang quản lý đồng tiền mạnh nhất, thì cho dù mang nợ vẫn có sức mạnh áp đảo chủ nợ. Đó là vũ khí của nền tư bản tài chính và tiền tệ.
  • Qua bản hợp đồng tham gia thị trường tự do bất hợp lý này, người giàu có thể mang tiền đến nhà bạn, đầu tư xây dựng các nhà máy trong nhà bạn, bắt con cái và họ hàng của bạn lao động trong các nhà máy của họ với mức lương rẻ mạt, đào xới và khai thác nguồn tài nguyên trong nhà bạn, và thậm chí bắt bạn phải hỗ trợ cung cấp năng lượng để các nhà máy của họ hoạt động. Sau đó, họ đem một phần hàng hóa đã sản xuất ra để bán lại cho con cái của bạn, thu về khoản tiền đã trả lương và thu lại cả sản phẩm lẫn nguồn thặng dư tài nguyên đã khai thác, đem chuyển về nhà của họ. Tóm lại, họ chẳng mất thứ gì. Tiền của họ vẫn quay về nhà họ, và thậm chí còn sinh lợi nhiều hơn trước. Nhờ chính sách ấy, hàng hóa rẻ đi bất ngờ và dễ hấp dẫn sức tiêu thụ hơn. Và từ đó, chủ nghĩa tiêu thụ toàn cầu ra đời.
  • Mô hình kinh tế neo-liberalism của CNTB, ngoài chuyện khai thác cùng cực nguồn tài nguyên và nguồn lực ngoài thiên nhiên, nó chỉ làm giàu cho một số ít người đứng ở trên đỉnh tháp của hệ thống kinh tế, dù ở Mỹ hay ở các bản sao của nó tại Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Singapore, các nước Trung Đông… Đó là tiến trình copy để nhân rộng mạng lưới quyền lực, bành trướng khả năng khai thác, tối đa hóa lợi nhuận cho số ít, đưa vào tay những người giàu càng nhiều tiền của, phương tiện, cơ hội để dễ dàng kiểm soát và tập trung mọi nguồn lực. Có rất nhiều người ngây thơ nghĩ rằng: “Rồi một lúc nào đó, tôi cũng sẽ giàu và thành công bằng họ”. Đấy là sai lầm lớn. Bạn làm sao giàu được bằng họ nếu bạn không trở thành một người trong nhóm số ít của họ? Tại sao lại là “số ít”? Vì chỉ có “số ít” mới đủ khả năng trở nên giàu có để nắm được quyền lực và nguồn tài nguyên mà chi phối “số đông”. Mà đã là số ít được ưu đãi thì sẽ không có sự chia sẻ lợi ích và quyền lực một cách đại trà đâu. Họ cũng sẽ không thích cho bất cứ ai giàu được ngang bằng họ. Khi có xung đột lợi ích, họ sẽ đè bạn xuống và đánh bạn tơi tả cho đến khi bạn chịu chấp nhận đẳng cấp của họ, nguyện phục vụ họ suốt đời mà không dám phản bội, và sẽ không bao giờ dám ngóc đầu lên “đảo chánh” một lần nữa.
  • Từ hệ thống kinh tế hàng hóa dựa trên động lực lợi nhuận càng nhiều càng tốt, một nền “sinh thái tiền tệ” ra đời và định hình mọi mối quan hệ trong xã hội loài người. Các tầng lớp được phân chia tùy thuộc vào khả năng kiếm tiền, trữ tiền và chi tiền. Người giàu chơi với người giàu. Người nghèo chơi với người nghèo. Người giàu có thể cắt một phần nhỏ lợi nhuận để phục vụ công ích và bố thí welfare cho kẻ nghèo. Cơ hội phát triển và tương lai của bất cứ thành viên nào trong xã hội cũng tùy thuộc vào sự phân tầng này. Chính sách và giá trị bảo hiểm trong xã hội cũng được tính toán dựa trên khả năng kiếm tiền và thanh toán của khách hàng. Người ta luôn nói rằng trong một xã hội tự do kiểu neo-liberalism như ở Mỹ, chỉ cần có ước mơ và cố gắng, mọi người đều có thể vươn lên, thoát khỏi số phận và thành công. Điều đó chỉ đúng một cách tương đối. Nếu có nỗ lực, chăm chỉ và tài năng, bạn sẽ được trọng dụng để phục vụ hệ thống. Bạn sẽ vươn lên chạm đến một mức nào đó trong xã hội phân tầng bằng tiền bạc này. Đó là cách hệ thống thanh toán một phần nhỏ của sự “công bằng” cho mọi công sức bạn bỏ ra. Nhưng bạn vẫn sẽ không thể là những người nằm trên đỉnh, trừ khi bạn cực giỏi và bán linh hồn hoàn toàn cho hệ thống.
  • Thực ra, chuyện người Việt Nam hay người Yemen hay người Brazil muốn sống sung sướng và “tự do tiêu dùng” như người Mỹ thì chỉ có ở trong mơ. Dĩ nhiên là, American Dream không thể là giấc mơ của kẻ khác được, ngoại trừ của người Mỹ. Khi mọi nguồn tài nguyên, năng lượng được sử dụng và thu vén cho một số ít người hoặc quốc gia, cùng với lời hứa cung cấp mức hưởng thụ và tiêu dùng đầy đủ đến thừa mứa cho một số khác đông hơn trong phạm vi dân số nhất định để đảm bảo ổn định xã hội và không sinh ra mâu thuẫn gay gắt, thì hệ thống cung cấp đó đụng phải bức tường của những giới hạn mà tự nhiên đã bày ra sẵn. Nếu mọi cư dân của hành tinh này tiêu thụ năng lượng và mua sắm tiêu dùng như một người Mỹ trung lưu, thì phải cần đến nguồn tài nguyên của 5 hành tinh Trái Đất mới đủ đáp ứng. Làm thế nào để tìm ra 5 hành tinh như thế trong vũ trụ này, trong khi dân số loài người đang gia tăng lên mức 10 tỷ người vào năm 2050? Một người Mỹ tiêu thụ mức năng lượng bằng 2 người Nhật, hoặc 6 người Mexico, hoặc 31 người Ấn Độ, hoặc 128 người Bangladesh, hoặc 370 người Ethiopia… Làm thế nào hàng tỷ người trên khắp hành tinh này sẽ được hưởng thụ và tiêu dùng như người Mỹ? Thế mà trong tất cả các đoạn trailer quảng cáo hàng hóa, xe hơi, bất động sản, đồ tiện nghi gia dụng, thực phẩm công nghiệp…, họ luôn vẽ nên các khung cảnh rất sáng láng, sung sướng, thoải mái, hạnh phúc, với những lời hứa hẹn như trong mơ về một nếp sống “như ở Mỹ” – kiểu mẫu thực tế lý tưởng. Đó có phải là lời dối trá mị dân – hay chỉ dành cho đám giàu có khá giả thuộc một tầng lớp khác trong xã hội? Xem:
  • Hệ thống kinh tế neo-liberalism với động lực làm kinh tế vì lợi nhuận sẽ cố gắng khai thác hết mọi nguồn tài nguyên ở trong đất đai, thiên nhiên, hệ sinh thái chỉ để sản xuất và cung cấp các dịch vụ sẵn có và xa xỉ dành cho người có tiền. Họ sẽ sẵn sàng rút sạch nguồn nước ngầm để sản xuất CocaCola như ở bang Kerala (Ấn Độ), bỏ mặc hàng chục nghìn người chết khát ở các khu làng mạc lân cận. Họ cũng sẵn sàng chế ra hạt giống biến đổi gene và đã triệt khả năng sinh sản đời F1 của hạt giống, chỉ để độc quyền nguồn phân phối hạt giống, ví dụ như của tập đoàn Monsanto (Mỹ) đã bán cho nông dân Việt Nam. Họ thoải mái dùng nguồn năng lượng giá rẻ từ dầu mỏ để xây dựng hệ thống đóng chai và chuyên chở nước khoáng từ đảo Fiji về các trung tâm thương mại như New York, bán cho người giàu, dù rằng chất lượng nước máy ở thành phố này được đảm bảo là uống được. Họ tận dụng mọi nguồn lực để sản xuất và cung cấp hàng hóa/dịch vụ, miễn sao có thể thu được lợi nhuận, dù cho điều đó có vô nghĩa và lãng phí đến cỡ nào đi nữa. Đồng tiền chỉ được xoay vòng và đầu tư vào guồng máy đó, và sẽ không có phần cho kẻ nào nghèo đói, không đủ khả năng tiêu dùng, không tham gia vào hệ thống và đã bị gạt ra bên lề xã hội ngay từ lúc sinh ra. Thậm chí, hệ thống này còn lôi kéo được những người trước đó hoàn toàn không biết gì và chưa hề tham gia vào guồng máy. Bằng chứng là những đợt di cư của người trẻ lên thành phố, các trung tâm thương mại, các khu công nghiệp và chế-xuất. Bằng chứng là nông dân ở các vùng quê xa xôi đang phải bán nông sản của mình vào đường dây nhập, phân phối và bán hàng của các tập đoàn nông sản đa quốc gia. Bằng chứng là những người làm nước mắm truyền thống phải chịu thua đám doanh nghiệp đã mua, thiết lập thương hiệu riêng của họ, sản xuất loại “nước chấm mới” dưới danh nghĩa nước mắm Việt Nam. Chẳng có ai hay bất cứ lực lượng nào có thể bảo vệ được người dân khỏi bị cuốn vào guồng máy, không bị tác động bởi hiệu ứng lợi nhuận tập trung, và phải tham gia để không bị “lạc lõng” và “cô lập” trong một mạng lưới chặt chẽ như thế, vì các tập đoàn doanh nghiệp được trao quyền tuyệt đối và hợp pháp.

4. Dưới đây, tôi liệt kê những đặc điểm chính của hệ thống kinh tế tân tự do neo-liberalism để mọi người nhận ra sức mạnh của nó và khó có hy vọng thay đổi được hệ thống này:

  • Một hệ thống được vận hành bằng tiền tệ ngay cả trước khi tiền tệ được tạo ra. Động lực của nó là phải luôn luôn cạnh tranh, luôn luôn tiến tới và không ngừng nghỉ tìm ra cách tối đa hóa lợi nhuận thu về, bằng bất cứ phương tiện nào, như khả năng sáng tạo, tiến bộ khoa học, trình độ công nghệ, sức lao động con người… Và vì thế, nó cuốn sức sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục, lương tâm con người… và cả thực tế sự thật vào guồng máy của nó. Đó là điều rất nguy hiểm, vì con người sẽ mất phương hướng và trở nên xơ cứng như một cái máy trong hệ thống này. Con người sẽ chỉ học hành, làm việc, sáng tạo, sống cuộc sống của mình, để phục vụ cho mục đích của hệ thống mà thôi. Người ta cứ nghĩ mình được tự do, nhưng không phải thế. Chỉ là được quyền lao động và thụ hưởng trong phạm vi nhất định, và phạm vi đó thỏa mãn gần như tất cả mọi nhu cầu cấp thấp của con người, thậm chí cả quyền “tự do tôn giáo” và “nhân quyền”. Xem ra các nước phương Tây có vẻ tôn trọng nhiều tôn giáo, nhưng không phải thế. Chính hệ thống tiêu dùng và khuynh hướng tận hưởng trần tục lại đang kéo các tín đồ ra bên ngoài nhiều cơ sở tôn giáo, một cách tự nhiên và rất chính đáng, được núp bóng dưới chiêu bài “tự do cá nhân”. Giới trẻ sẽ thích đi xem phim, dự party, nhảy bar hơn là tham dự một thánh lễ hay buổi lễ tôn giáo chẳng hạn. Hệ thống nhà thờ tại đây hoàn toàn trống vắng. Có nơi, ông linh mục phải chờ xem có nhiều người đến dự lễ hay không rồi mới ra làm lễ. Các ơn gọi trở nên hiếm như lá mùa thu. Chẳng có ai chịu đi tu cả, vì ở ngoài đời mới sung sướng và tự do. Và thế là tôn giáo bị bóp nghẹt một cách tự nhiên và vui vẻ.
  • Một hệ thống “sinh thái tiền tệ mới”, thay thế hệ sinh thái vốn có của tự nhiên, bằng cách sử dụng phương tiện tiền tệ để tạo “lý do và động lực” khai thác năng lượng và tài nguyên, sản xuất ra hàng loạt hàng hóa xa xỉ và rác, chứ không phải để đáp ứng các nhu cầu căn bản của số đông dân số loài người. Chính tiền tệ đã đào bới lòng đất, khai thác dầu mỏ – khoáng sản, rút cạn các dòng nước ngầm, chặt trốc gốc hàng triệu mẫu đất rừng trên toàn hành tinh, tàn sát mọi loài thú và sinh vật khác, hoạt hóa các “công xưởng của thế giới”, đốt cháy hàng tỷ tấn nhiên liệu hóa thạch và phun vào bầu khí quyển cũng hàng tỷ tấn khí nhà kính, sản xuất ra hàng tỷ tấn rác nhựa… Nói cách khác, đây là hệ thống hoạt động bằng cách chuyển đổi mọi thứ trên hành tinh này ra TIỀN. Thậm chí nó còn cân đo đong đếm giá trị của con người, bảo hiểm tính mạng con người, danh dự và niềm tin – thậm chí linh hồn của chúng ta – bằng TIỀN. Tất cả phải được quy đổi ra giá trị TIỀN BẠC. Tất cả đều phải được thông qua TIỀN TỆ. Trước khi có “hệ sinh thái mới” này, sự sống trên hành tinh này tồn tại và hoạt động vì chính bản thân sự sống ấy, một cách tự do và đầy ngẫu hứng. Bây giờ, sau hơn 100 năm xuất hiện các định chế tài chính thế giới và các ngân hàng trung ương, mọi tạo vật trên hành tinh này đều bị xích cổ và sống nô lệ vào TIỀN. Mọi người có quyền tự do để KIẾM TIỀN, có quyền tự do để XÀI TIỀN, nhưng không được quyền rời bỏ TIỀN, vì đó là vi phạm nguyên tắc tối thiểu. Người ta sẽ không thể sống thiếu TIỀN. TIỀN càng ngày càng nhiều trong các mối quan hệ làm ăn, buôn bán, trong các ngân hàng, được biểu trưng bằng hàng hà sa số các mặt hàng, nhưng ngược lại, để bù vào sự cân bằng phải có, hệ sinh thái tự nhiên ngày càng giảm đa dạng hóa và bị tiêu diệt.
  • Một hệ thống tập trung tối đa các nguồn lực (tài chính, nhân lực, nguồn tài nguyên) vào những điểm tập kết và phát triển siêu đô thị, xây dựng nên các trung tâm tài chính và thương mại, và không cho phép chia sẻ cũng như phân phối đều nguồn lực cho mọi thành phần trong xã hội. Cơ hội phát triển không thể được chia đều cho tất cả, dù là ở trong nội bộ loài người, nói chi là tính đến nhiều chủng loài khác trong tự nhiên. Mọi nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, chỉ là công cụ để hệ thống dựa vào đó mà phát triển. Trong khi đó, nguồn lực và nguồn năng lượng tập trung vào các siêu đô thị thì lại chuyển qua thái cực tiêu dùng xa xỉ, lãng phí, phục vụ cho những nhu cầu không cần thiết lắm và thậm chí là vô nghĩa. Tại các siêu đô thị, mọi thứ hàng hóa trở nên thừa mứa và đầy đủ chất lượng cho mọi quyền lựa chọn, trong khi người dân ở vùng nông thôn và khu vực kém phát triển thì bị tước đi những quyền căn bản nhất. Sự mất cân bằng về mặt tiêu thụ và chi phối năng lượng cũng đang lấy mất cơ hội phát triển sang một cấp độ mới của nền văn minh loài người, xóa bỏ tương lai nâng cấp nền văn minh vì không đánh giá đúng giá trị của năng lượng và sử dụng lãng phí năng lượng. Ít nhất, nếu biết sử dụng đúng đắn và hiệu quả nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, kéo dài thời gian phát triển chậm nhưng bền vững, thì cho dù dân số chạm ngưỡng 20 tỷ người, loài người vẫn có thêm thời gian để ý thức về tầm mức của tiến hóa và xây dựng các công nghệ đủ để tìm ra 1 hành tinh mới trước khi Trái Đất cuối cùng bị phá hủy. Tự nhiên đã ban phát cho loài người nguồn năng lượng từ dầu mỏ, vốn tích lũy từ năng lượng mặt trời, tích hợp vào sinh khối của thực vật, cộng thêm sức ép và nhiệt độ kinh khủng của lòng đất trong hàng triệu năm. Đó phải là thứ năng lượng cần sử dụng dè dặt và cẩn trọng. Nhưng không, hệ thống kinh tế tư bản của loài người đào thứ vàng đen này lên chỉ để phục vụ cho các dây chuyền sản xuất hàng hóa tầm thường, chế tạo ra xe hơi, smartphone, rượu bia, nước ngọt, thời trang… và đó là những thứ không cần thiết lắm để tồn tại và sống hạnh phúc. Nói cách khác, hệ thống của chúng ta đang xài miễn phí tài nguyên, không hề tính đến các chi phí năng lượng thật của hệ sinh thái và quy trình vận động địa chất trong hàng triệu năm của năng lượng hóa thạch. Giá trị của tất cả các món hàng mà chúng ta mua từ shop hoặc siêu thị chỉ được tính bắt đầu từ khâu đào xới, chế biến, phân phối, tiếp thị và bán hàng mà thôi. Xin đọc:

Thật ra, hệ thống này đã phá hủy các điều kiện sống Goldilocks quá nhanh, trong khi không đủ thời gian để nâng cấp chính mình bằng quy trình học hỏi (accumulative learning) và tạo ra các điều kiện Goldilocks mới để tiếp tục tồn tại và thích nghi. Để biết điều kiện Goldilocks là gì, xin đọc:

Vậy một hệ thống như vậy có sửa sai và điều chỉnh hướng đi của mình được hay không? Tôi sẽ chứng minh điều đó là không thể, bằng các lý do sau đây.

  • CNTB được kiềm chế bởi các nguyên tắc “dân chủ nửa vời”, nhưng khi nó bắt tay được với CNCS – được toàn quyền hành động và độc tài sắt máu, sự tàn phá càng nhân lên gấp bội. Đó là một hệ thống kết nối các mối lợi ích vững vàng với nhau. Khi đó, chẳng có thế lực nào (tức là ngay cả CNCS nguyên thủy) đủ để chống lại hệ thống này theo kiểu đơn thuần là đối kháng.
  • CNTB chiều theo ý thích và nhu cầu của con người để thu lợi nhuận, đã mọc rễ sâu vào từng góc tối trong sinh hoạt xã hội loài người trên cả hành tinh này, và luôn cố gắng tránh né các bài học về bóc lột (trong lịch sử). Chắc chắn nó sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi cả hành tinh này sụp đổ. Còn nếu nền văn minh nhân loại chuyển sang một hình thức mới không còn thu được bất cứ lợi nhuận gì nữa, thì đó không thể gọi là CNTB được. Đó nên được gọi là THIÊN ĐƯỜNG hay NIRVANA. Tôi đã đọc nhiều về CNTB cùng với các hình thức phát triển của nó, từ Chủ nghĩa Thực dân cũ, đến Chủ nghĩa Thực dân mới, Chủ nghĩa Tư bản Tiền tệ và Tài chính, Chủ nghĩa Tư bản Hiện đại, Chủ nghĩa tư bản tân tự do… và ngay cả những khái niệm (ideology) mới như Humanistic Capitalism (Chủ nghĩa Tư bản Nhân văn), nhưng cũng phải kết luận như Karl Marx rằng, nếu không thu được lợi nhuận (dù không phải là lợi nhuận thặng dư kiểu vật chất, tài sản, mà là lợi nhuận vô hình, kiểu như nguồn vốn con người, tri thức, sáng tạo…), thì Chủ nghĩa Tư bản sẽ không thể được gọi là Tư bản. Nó sẽ không còn là tư bản nữa, mà nên gọi là một thứ gì đó khác. Cũng vậy, tôi cũng đã đọc Karl Max (1818-1883), Friedrich Engels (1820-1895) về Chủ nghĩa Xã hội (và Cộng sản cực đoan bạo lực Bolshevik sau này của Vladimir Ilyich Ulyanov (1870-1924)), về Chủ nghĩa Xã hội Tự do Cá nhân và Vô chính phủ của Mikhail Bakunin (1814-1876), và thậm chí – giống như khái niệm Humanistic Capitalism – là một thứ chủ nghĩa khiên cưỡng Socialist Humanism (Chủ nghĩa Nhân văn Xã hội) của Maurice Merleau-Ponty, để rồi cuối cùng cũng phải kết luận rằng, Socialism thật ra chỉ là hậu quả của sự mâu thuẫn với Capitalism, và cả hai đều có cùng một đặc tính cố hữu: duy trì con người trong mối quan hệ với xã hội và kiểu mẫu kinh tế đặc thù, trong đó xem nhẹ hoặc hoàn toàn bỏ qua tầm quan trọng của mối quan hệ phức tạp giữa con người với thế giới tự nhiên. Dù cho “nhân văn” đến cỡ nào đi nữa, thì cả Capitalism và Socialism vẫn sẽ xem con người như chủ thể quan trọng nhất để mà bắt tất cả mọi nguồn lực và cá thể thành viên khác trong hệ sinh thái phải phục vụ ý chí và lợi ích của con người một cách tối đa trong các điều kiện chủ quan của chúng ta. Nhưng trong tất cả các triết gia chính trị, tôi vẫn đánh giá cao Mikhail Bakunin nhất, vì ông đề ra một xã hội vô chính phủ trên cơ sở hoàn thiện vai trò quyết định của cá nhân đối với CNXH, nhưng vẫn hoạt động được theo khuynh hướng phục vụ lại cộng đồng. Đó có thể là sự thay đổi trong tương lai của phương Tây, khi mà hình thái năng lượng mới, cùng với cuộc khủng hoảng khí hậu, sẽ chia một quốc gia ra nhiều vùng địa phương tự trị và tự cung tự cấp nguồn lực, như kiểu đề xuất của George Monbiot – một nhà hoạt động chính trị và môi trường Anh Quốc.
  • Quán tính của nền kinh tế TBCN là rất lớn. Người ta luôn có khuynh hướng tập trung vào lợi nhuận ở bất cứ góc độ kinh doanh và phát triển xã hội nào. Phải có tiền mới có động lực để mà hoạt động và làm việc. Cho dù các nhà tư bản có chuyển đổi sang khuynh hướng “phát triển bền vững”, ví dụ như đầu tư về năng lượng sạch (quang năng, phong năng, địa nhiệt năng…) thì đó vẫn là cùng một chiều giống như lúc trước. Sẽ không thể kiểm soát được các trào lưu mới về kinh tế, và tương tự, cũng không thể kiểm soát số năng lượng được đổ thêm vào trào lưu này, cho đến khi mọi nguồn lực trên hành tinh này đều kiệt quệ. Bài toán năng lượng luôn là giới hạn khó nhằn nhất cho bất cứ nỗ lực phát triển và tăng trưởng nào mà con người mong muốn có giá trị thặng dư là lợi nhuận. Thiên nhiên không được thiết kế để thỏa mãn bất cứ lòng tham nào. Thế giới tự nhiên luôn đạt đến sự cân bằng hoàn thiện nhất mà bất cứ giá trị thặng dư nào xuất hiện sẽ bắt đầu rung lắc cả hệ thống, khiến nó mất cân bằng, và về lâu về dài là sụp đổ không tránh khỏi. Nếu tiếp tục tiến trình chế tạo ra các công nghệ mới – dù chúng có “xanh và sạch” đến đâu đi nữa, nhưng vẫn cứ phải có lợi nhuận, thì định mệnh vẫn là như vậy. Làm gì có “xanh và sạch” khi mà bao giờ cũng cần phải tận dụng và khai thác triệu để nguồn tài nguyên để thu lợi nhuận? Chúng ta chỉ có thể làm chậm lại tiến trình đó – nhưng hiện nay, tất cả đều đã quá trễ.

Cuối cùng, phân tích như vậy để thấy rằng, sự hiện diện của con người, cùng với trí thông minh và ý thức của chúng ta trên hành tinh này, không phải để chúng ta tham lam, kiêu ngạo, xưng hùng xưng bá, và bóc lột các thành viên khác trong hệ sinh thái. Thực ra, ơn gọi và mục đích cho sự sống và sự tồn tại của con người đã được định nghĩa từ nghìn xưa bởi các nền tôn giáo lớn và nếp sống lâu đời (như thổ dân Bắc Mỹ, Phật Giáo Tây Tạng…), rằng chúng ta chỉ nên sống cuộc đời này ở mức vừa đủ, tránh tác động quá nhiều lên hệ sinh thái tự nhiên, giữ cho mọi sự hài hòa được càng nhiều và càng lâu càng tốt, và bỏ phần lớn thời gian để trải nghiệm hạnh phúc thật cũng như suy tư về những giá trị cao hơn thân phận của chúng ta – nơi quê xa mà tâm hồn con người luôn hướng đến và trông chờ một ngày nào đó được quay trở lại. Tất cả các minh triết lớn đều xác định kiếp sống trần thế này như một thể thức tạm thời, càng tránh xa được “tham sân si” và “các cơn cám dỗ” càng tốt. Chúng ta đến rồi chúng ta lại đi. Điều quan trọng chính là hiểu được nơi nào là bài học để rèn luyện và nơi nào là chốn dừng chân vĩnh cửu.

Và một trong những lý do nữa khiến loài người khó tránh được số phận sụp đổ của mình, chính là chúng ta đã tiêu diệt gần hết các minh triết đó, hoặc bóp méo chúng theo ý thích chủ quan của chúng ta. Giờ đây, chẳng còn nhiều giá trị tôn giáo tinh ròng để có thể hướng dẫn con người đi đúng đường lối như từ nghìn xưa được nữa. Chỉ cần 200 năm khám phá ra nhiên liệu hóa thạch và sử dụng chúng để thỏa mãn mọi thú vui và trí tò mò của chúng ta, lối thoát cuối cùng cũng đã bị bịt kín. Trò chơi sắp kết thúc mà không có hậu.

Chỉ có phúc cho ai nhận ra điều đó càng sớm càng tốt mà thôi.

Hiển thị ý kiến phản hồi (4)

Phần chia sẻ ý kiến

  • mrmaxvincent

    cảm ơn vì bài viết quá tuyệt vời.

  • Nguyen

    Cám ơn Tác giả! Đây là bài phân tích và tổng hợp xuất sắc nhất bằng Tiếng việt mà tôi từng được đọc về CNTB kiểu mới
    Liệu rằng có hy vọng nào cho gen Z hay rồi cũng đến hồi kết cho một bản chữ cái alphabet?

  • Vũ Tuấn Phương

    “Thật thú vị khi chứng kiến các biến cố và cách mà loài người hiện đang chống lại cơn khủng hoảng đại dịch nCoV.
    Nó giống hệt các phản ứng của thế giới đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, chính xác đến từng milimet.”
    Chỉ bằng 2 câu mở đầu mà tác giả đã lột tả hết được cái thế giới quan hiện tại.

  • letangphuquy

    Kiến thức của người viết bài thật sự chuyên sâu, tổng quát để có thể nhìn nhận khách quan, trung thực và chính xác về hiện trạng của thế giới, của giống loài Homo Sapiens. Những quan điểm, những bài viết của Hành Tinh Titanic đã thực sự chạm được đến tôi, dù tôi chỉ là một thanh niên 2004 bình thường, chưa có trải nghiệm nhiều về cuộc sống (thậm chí là kém kiến thức, thiếu hiểu biết thực tế); nhưng cũng đã hiểu được về “ngày tàn” đang tới. Xin chân thành cảm ơn đội ngũ Hành Tinh Titanic vì những gì mà mọi người cố gắng làm trong thời gian qua, đã cố gắng kêu gào về cái “Khổ Đế” đang diễn ra trước mắt nhưng mỗi người lại nhắm mắt thờ ơ, hoặc không biết, hoặc cố tình che giấu.
    Riêng về cá nhân tôi, tôi chẳng thể hứa hẹn gì nhiều, chẳng thể làm ảnh hưởng hay tác động tới nhiều người khác được. Ít nhất, tôi sẽ cố gắng giảm thiểu carbon footprint, sống “sạch” nhất có thể, về mặt tuyên truyền sẽ cố gắng share các bài của page.
    Tôi là thanh niên nên tôi vẫn còn nhiều cái ham muốn, những cái khát vọng nên tôi vẫn đang miệt mài học tập. Thực sự khi nghe thấy rằng tiến bộ khoa học, hay trí tuệ con người chỉ để phục vụ cho cái hệ thống này, chỉ để đẩy nhanh cái guồng quay để đưa hành tinh tới tận thế, tôi thực sự rất buồn. Tôi hi vọng có thể đem một chút trí khôn nhỏ bé của mình, một chút tư duy mình luyện được trong quá trình học để làm nên điều gì đó thực sự là cần thiết cho nhân loại, chứ không phải là hướng tới lợi nhuận.
    Nhờ những bài của page luôn nhắc tôi về thực tại trước mắt nên tôi sẽ cố bớt đi những mong muốn không cần thiết, những cái “tầm phào” như là giải trí hay hưởng thụ. Thật ra bớt đi và sống hài hòa hơn, sống thiện hơn nó cũng là “tu” rồi, và “tu tâm” thì khó, cũng đòi hỏi quyết tâm cao như là việc cố sống “xanh”, cố giảm carbon footprint. Tôi sẽ xem lại giáo lý của Phật, lời giảng của Sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh mà cha tôi vẫn hay nghe và truyền lại cho tôi, mà tôi lại chưa có chăm chỉ áp dụng những điều tuyệt vời ấy vào đời sống của mình.
    Hi vọng trong vòng đời ngắn ngủi của mình, tôi có thể sống thật nhất, tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất và lan tỏa những chân giá trị đến cho người xung quanh. Hi vọng tôi là một người con có hiếu, một người sống trọn tình nghĩa, một người tôn trọng sự thật và là một người làm chậm đi ngày tàn của Homo Sapiens.
    Một lần nữa xin cảm ơn page đã cảnh tỉnh và đưa một thanh niên như tôi trở về với chân giá trị.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Sử dụng Lãng phí Năng lượng

GIÁ TRỊ THỰC CỦA MỘT THÙNG DẦU THÔ

Chỉ trong vài thế kỷ, con người đã đốt cháy gần hết số nhiên liệu hóa thạch được Thiên Nhiên tạo ra qua hàng trăm triệu năm. Thật khó mà cho đó là một kiểu bảo tồn môi trường và...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Rác thải & Ô nhiễm môi trường

BẢN ĐỒ RÁC THẢI VÀ RÁC NHỰA THẾ GIỚI

Bản đồ rác thải và rác nhựa được phân bố và đang trôi nổi trên 7 đại dương của thế giới. Nhìn vào thì thấy Mỹ, Tây, Tàu, Ta gì cũng vứt đầy rác ra ngoài biển. Xem bản đồ tại đây:...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic