SỐNG HAY CHẾT?

Thật thú vị khi chứng kiến Việt Nam chuẩn bị đi vào ngã rẽ quyết định của đại dịch: không phong tỏa xã hội để bảo vệ kinh tế hay phải phong tỏa quốc gia để chống dịch?

Rồi thì xã hội này, thể chế này cũng phải đứng trước vấn đề gay cấn này, như Mỹ, Châu Âu, Australia, Ấn Độ, Brazil, Nga… cách đây không lâu mà thôi. Người Việt nói thì hay lắm, nhưng lâm vào hoàn cảnh tương tự, sẽ hiểu được cái giá của quyết định cuối cùng này. Ngoài ra, hãy nhìn vào các quốc gia ấy, để hiểu rằng, cuối cùng rồi thì mình sẽ đối mặt với hậu quả gì, và phải có chính sách như thế nào cho thích hợp.

Vâng, các bang ở Mỹ sau khi mở cửa lại trong một thời gian ngắn, bị bùng phát dịch bệnh, lại phải ra lệnh đóng cửa. Bang Victoria của Australia cũng thế. Singapore cũng vậy. Hong Kong, Anh Quốc, Nhật, Indonesia… y chang.

Con người – dù ở bất cứ nơi nào trên toàn cầu – hiện đều phải đặt ra một lựa chọn đắt giá: KINH TẾ hay SỨC KHỎE/MẠNG SỐNG? Và nếu sa lầy vào dịch bệnh, họ sẽ trả giá cả hai thứ cùng một lúc. Nhiều chứng cứ từ Mỹ và Trung Quốc còn cho thấy di chứng để lại dù sau khi khỏi bệnh là khá nghiêm trọng.

Thực ra, chúng ta sẽ thấy rằng, trong thời buổi phải giãn cách và phong tỏa xã hội, chỉ có một thứ duy nhất khiến người ta phải nghĩ ngợi: TIỀN BẠC – LÀM THẾ NÀO KIẾM ĐƯỢC TIỀN – LÃI SUẤT TIỀN GỬI. Và đó chính là điều thúc ép con người ta phải ra khỏi nhà và lao vào làm việc.

Hãy tự đặt ra 3 câu hỏi sau đây để nhận thức cho rõ:

  1. Tiền có phải là mục tiêu chính để sống hạnh phúc? Có một đống tiền nhưng phải bệnh tật, mất mạng, thì có ích gì? Có một đống tiền nhưng sống xìu xìu, yển yển, thì còn thú vị gì?
  2. Tiền thường được dùng để mua hàng hóa và thực phẩm. Vậy thứ gì quan trọng hơn trong danh sách kiếm ăn/mua sắm của bạn để giữ cho bạn đủ sống căn bản và vẫn khỏe mạnh như thường? Trong thời buổi khó khăn nhất, bạn sẽ dùng tiền để đi du lịch hay sẽ trồng cây ăn trái, nuôi gà, thả cá? Bạn sẽ mua chiếc điện thoại di động hay mua một bao gạo? Bạn sẽ đi ăn nhà hàng hay tự nấu ăn ở nhà? Bạn sẽ chạy bộ tập thể dục trong công viên gần nhà hay sẽ đi dịch vụ spa, thể dục thẩm mỹ?
  3. Nếu tiền chỉ để phục vụ cho những nhu cầu căn bản và dễ dàng như vậy, thì từ trước đến giờ, tại sao bạn phải còng lưng, đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm việc điên cuồng, để chỉ kiếm tiền cho thật nhiều, để vay nợ thật nhiều, để chi tiêu thật nhiều? Các nhu cầu trước đây của bạn – và ngay cả sự trả giá của bạn – có đáng cho công sức phải bỏ ra đó? Và giờ đây, trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, nhiều người trong số chúng ta vẫn gân cổ lên cãi rằng cần phải đi làm để kiếm tiền? Việc giải quyết tiền để mua các thứ căn bản như thực phẩm, nước uống, năng lượng điện… có tốn như mua smartphone, đi du lịch, ăn nhà hàng, mua sắm đồ xa xỉ, thời trang hàng hiệu… hay không?

Thật ra, một chính sách phù hợp trong giai đoạn này, chính là cả người dân và chính phủ cần phải tập trung vào các ngành kinh tế chu cấp cho những nhu cầu cơ bản của con người – đúng, đủ và không dư thừa quá nhiều về mặt cân đối luồng tiền để tránh lạm phát. Nhà nước có thể điều tiết chính sách tiền tệ, in tiền và trợ cấp tiền – hoặc một kiểu chi phiếu đơn giản – để người dân mua thực phẩm, nước uống, thanh toán năng lượng điện trong thời gian bị tác động. Dần dần, luồng tiền sẽ được cắt bớt từ các ngành/lĩnh vực không quan trọng, xa xỉ và cũ đối với tương lai khủng hoảng, để chuyển sang những lĩnh vực kinh tế thực chất và căn bản hơn cho sự sống dân tộc.

Và nhờ đó, nhà nước sẽ điều tiết và chuyển nguồn lực sang các ngành quan trọng tương ứng, đóng băng các khu vực kinh tế không quan trọng và sẽ bị chính thị trường “giết chết” trong thảm họa, ví dụ như: du lịch, hàng không, xe hơi, ngân hàng, bất động sản, công nghệ, dịch vụ ăn uống, xa xỉ phẩm, giải trí… Thực ra, tự bản thân một số ngành như công nghệ, giải trí cũng có thể dịch chuyển định hướng kinh doanh của họ sang phục vụ trực tuyến. Và ngay cả khi những ngành này bị “đóng băng”, thì chính phủ cần phải hỗ trợ ngay lập tức cho những người lao động đang làm việc trong lĩnh vực này, giúp họ chuyển đổi ngành nghề, chứ không phải giúp bơm tiền cho các ông chủ hãng/công ty để giữ những điều vô nghĩa với tương lai tồn tại, vì họ vẫn có đủ lợi nhuận thu được trong quá khứ kinh doanh để mà sống/tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực mới.

Chính phủ cũng cần rà soát lại chênh lệch lãi suất giữa các ngành/thực thể kinh tế đan xen với nhau, và tùy theo từng trường hợp để đóng băng, tuyên bố phá sản, hoặc tạm dừng sức ép từ phía các ngân hàng. Thật ra, chính các ngân hàng và hệ thống tài chính là nguyên nhân gây sức ép trên toàn xã hội, khiến hệ thống kinh tế cũ bị lung lay và sụp đổ vì khủng hoảng dịch bệnh. Nếu không kiểm soát được các ngân hàng và hệ thống tài chính, bất cứ quốc gia nào rồi cũng sẽ thất bại khi muốn thay đổi tận gốc để đón đầu khuynh hướng mới sẽ xảy ra trong tương lai. Nói cách khác, Việt Nam nên thực hiện cải cách tận gốc nền kinh tế của mình, tập trung vào các lĩnh vực/ngành thiết yếu thực chất, chuyển dịch dần dần sang thế mạnh vốn có từ xưa của chúng ta, và “đóng băng” – “xóa đi” các ngành xa xỉ và không quan trọng đối với tương lai của khủng hoảng khí hậu.

Đó là bàn về mặt chính sách quốc nội. Còn về đối ngoại thì sao?

Chắc chắn chúng ta không thể phớt lờ món nợ công đã vay mượn từ nước ngoài. Nhưng trong tình hình dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế chắc chắn xảy ra vì nhiều lý do khác, thì áp lực trả nợ sẽ không dồn dập như trước đây nữa. Nhà ai cũng đang cháy. Bất cứ quốc gia nào cũng hiểu hoàn cảnh của nhau. Chẳng ai đi đòi nợ quá gay gắt trong tình cảnh này. Vì vậy, chúng ta sẽ không bị quá thúc ép bởi vấn đề này. Ngoài ra, việc thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới giảm sâu, sẽ cất đi một phần gánh nặng nợ nần với nước ngoài. Việc bớt đi các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước cũng sẽ cắt đi một số chi tiêu vay nợ nữa. Đây là lúc cả quốc gia cần ngồi lại để định hướng phát triển. Trong tương lai, các mô hình phát triển kiểu cũ sẽ không còn được ứng dụng nữa. Người ta sẽ biết tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sang các hình thức cơ sở hạ tầng bền vững hơn – dựa trên nền tảng nguồn lực địa phương. Điều này thì chúng tôi cũng đã nói đến ngay từ năm 2007, khi Việt Nam mới gia nhập WTO. Tiếc rằng lúc đó, chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì ham mê tiền bạc và vay vốn tư bản nước ngoài nên đã nhúng chàm và sa lầy vào bẫy nợ, cũng như các khu công nghệp nặng làm dơ bẩn môi trường. Đại dịch chính là cơ hội để nhà cầm quyền Việt Nam ngồi lại và suy nghĩ định hướng tương lai.

Tại sao người Mỹ in tiền ra nhiều được, mà chúng ta không thể in tiền ra để chu cấp cho các nhu cầu căn bản? Đó là vì nền kinh tế Mỹ có sức mạnh nội tại và đồng dollar đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Nhưng hãy thử nghĩ lại xem, nếu tất cả mọi thị trường cung ứng hàng hóa và dịch vụ đều ngưng trệ, thì liệu đồng tiền được phát hành ra có khả năng đứng vững và giữ được giá trị hay không? Việt Nam cũng vậy mà thôi. Vì chúng ta bị ăn bả tăng trưởng và lún khá sâu vào nền kinh tế toàn cầu – chủ yếu chạy bằng động lực vay nợ, nên mới phải cố hết sức mà lết theo. Ngoài ra, đã một thời các quan chức chính quyền Việt Nam ăn hối lộ và tham nhũng, lạm chi vào nguồn vay vốn nước ngoài một cách nghiêm trọng. Thế cho nên bây giờ, tất cả phải gồng mình lên để trả nợ. Nhưng nếu chúng ta từ từ cắt bớt gánh nặng này bằng một chính sách phù hợp, xây dựng nền tư pháp độc lập để nghiêm trị kẻ phá hoại, tiết kiệm trong chi tiêu quốc nội, củng cố nền kinh tế dựa trên các nguồn lực nội tại sẵn có – là nông nghiệp bền vững, chất lượng, sạch sẽ, cùng với hệ sinh thái hài hòa của thiên nhiên và thu hút đầu tư vào những công nghệ năng lượng sạch – thì Việt Nam có thể chuyển mình sang giai đoạn phát triển bền vững nhờ đại dịch coronavirus. Hãy nhớ rằng, Việt Nam sẽ không được phép sai lầm lần nữa. Bất cứ sự tham lam cá nhân nào từ phía quan chức chính phủ cũng sẽ phải trả giá đắt trên phạm vi toàn quốc gia. Và các quan tham cũng nên nhớ rằng, ngày xưa thu vén được của cải và USD, thì còn có thể chạy ra nước ngoài để ở. Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng ập tới, càng ở nước ngoài thì càng có nguy cơ bị đàn áp, cạnh tranh, cướp bóc, giết chết… do áp lực xã hội và phân biệt chủng tộc. Không nơi nào bằng nhà mình cả. Và nếu muốn nhà mình tốt, thì cần phải xây dựng nó trở thành nơi đáng sống, một tổ ấm cho tất cả anh chị em trong nhà, chứ không phải đạp đổ, phá hủy nó vì lợi ích riêng của mình. Nếu người Việt Nam không thể sống được ở ngay tại quê cha đất tổ, thì cũng đừng mong được sống hạnh phúc và bình an ở bất cứ đâu.

Trong tương lai gần của cuộc khủng hoảng khí hậu, những giá trị giúp con người sống còn, và thậm chí định đoạt sự phát triển bền vững, chính là một quốc gia đoàn kết, tương thân tương ái, có cơ sở hạ tầng với khả năng chống chịu thảm họa thiên nhiên, có nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả, có thiết kế nguồn lực đồng đều và hài hòa tại nhiều địa phương/cộng đồng/gia đình, và khả năng chia sẻ những điều thiết yếu quý giá như lương thực thực phẩm sạch với các quốc gia trong vùng. Chúng ta vẫn có thể trở nên mạnh mẽ nhờ biết tận dụng thế mạnh của một đất nước có dân số trẻ và khả năng thích nghi linh hoạt, “chịu thương chịu khó”. Điều còn lại phải là sự định hướng đúng đắn, vì nếu đi sai lệch trong lúc này, chúng ta sẽ rơi vào hố sâu khủng hoảng và muôn đời không thể thoát ra được.

Việt Nam cũng nên chú ý đến mối rủi ro chiến tranh và những mâu thuẫn bùng phát về địa chính trị khi thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng khí hậu. Vũ khí và năng lực quốc phòng là điều cần phải được bảo đảm. Ý chí của dân tộc chống ngoại xâm cũng phải luôn được giáo dục và đề cao. Nhưng Việt Nam sẽ luôn đảm bảo được các tiêu chí này, vì chúng ta là một quốc gia tương đối đơn chủng – không có nhiều sự phức tạp về văn hóa và ý thức hệ như Mỹ, Châu Âu, Australia. Mảnh đất này cũng sẽ gánh rất nhiều thảm họa khí hậu trong tương lai, nên xu hướng người nước ngoài – trong đó có Trung Quốc – muốn di cư, lấn chiếm lâu dài là khó có thể xảy ra được. Thật ra, chính phủ Việt Nam nên bắt đầu nhận thức về vai trò nạn nhân của biến đổi khí hậu của quốc gia này, và chuẩn bị thực hiện các đàm phán trên bình diện quốc tế để di tản dần dần dân tộc này sang các vùng đất có thể có khả năng sống được trong tương lai 100 năm nữa. Đó là những miền đất sau giai đoạn tan băng ở vùng cận Nam Cực, Bắc Cực. Việt Nam nên trở thành một minh chứng cho loài người thấy rằng, trong cơn hoạn nạn và khó khăn, loài người cần phải biết chia sẻ, khoan dung và yêu thương nhau hơn. Còn nếu không thể làm được điều đó, thì chúng ta sẽ như câu sấm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“10 phần chết 7 còn 3, chết 2 còn 1 mới ra thái bình”

Thế đấy. Đây là lần cuối cùng chúng tôi viết và phân tích lối thoát để cho người dân Việt Nam nhận ra vấn đề. Đừng quá mù quáng vào hệ thống kinh tế tư bản tân tự do nữa. Chỉ những ai đang cố chấp bám víu vào mô hình kinh tế cũ thì mới bị giằng co và nô lệ đến không thể thay đổi được. Nhưng rồi, cuối cùng những người đó vẫn không thể tránh thoát được số phận của tất cả. Nếu chúng ta – những người lớn – biết thay đổi và chịu hy sinh một tí, thì chắc chắn con cháu chúng ta sẽ được dễ thở hơn một chút. Còn nếu ai cũng muốn đua tranh kiếm tiền và làm giàu cho cá nhân mình, thì tất cả đều sẽ chết hết.

Cuối cùng, xin trích lại ý kiến của một người bạn của chúng tôi trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở tại Việt Nam:

“Nhiều người so sánh tỷ lệ chết do Covid còn thấp hơn giao thông, thấp hơn ung thư. Đúng là tỷ lệ này đang thấp hơn vì đang có kiểm soát. Thử thả nổi xem sao. Toàn bộ hệ thống y tế sẽ quá tải. Các bác sĩ kiệt sức. Lúc đó ai muốn làm tình nguyện viên xông pha tuyến đầu? Chúng ta chưa hiểu biết rõ về nó. Chưa hiểu rõ thì nên rụt rè. Đừng liều với nó.”

“Người Việt ta có truyền thống tương thân tương ái sẽ cùng dìu dắt nhau đi qua cơn đói. Nhưng nếu bệnh vào rồi thì chẳng ai dám đến gần mà dìu dắt nhau. Cái thứ bệnh này lại quyết định cửa tử theo cách rất hên xui. Già và bệnh nền nhiều, trang thiết bị hỗ trợ kém thì coi như đi. Khỏe như anh Phi Công thì cần có thêm 3 tỷ và mấy chục Bs hàng đầu. Chúng ta có đủ số Bs hàng đầu và hàng tấn tiền tỷ để chuẩn bị cho một kịch bản xấu như Vũ Hán không? Không!”

Hãy nhớ rằng, chúng tôi không có hứng thú thuyết phục người khác. Tự họ phải thuyết phục chính mình, bằng nhiều cách. Và nếu để thực tế diễn ra rồi mới bị thuyết phục, thì đó cũng chính là thời điểm hấp hối và tàn đời. Xem ra, bộ não động vật của loài human-ape thích như vậy hơn.

Hiển thị ý kiến phản hồi (4)

Phần chia sẻ ý kiến

  • Hung Do

    Quyết định sống khỏe mạnh nhưng nghèo là rất khó khăn. Vì đa số mọi người vẫn thích chết giàu hơn là sống nghèo. 😀

  • Truong

    Khi một quốc gia đã gia nhập cuộc chơi kinh tế toàn cầu thì có lẽ khó mà bước chân ra được vì những nguyên nhân mà tác giả đã kể ra. Còn ở giai đoạn này ở Việt nam chuyện sống hay chết chỉ quanh quẩn ở ¹ việc là “làm gì nào để tránh nhiễm covid 19?” mà thôi.

  • Ken Nguyen

    Cảm ơn admin, trang web toàn bài hay. Mong mỗi người tỉnh thức, biết sám hối tội lỗi của mình, Lãnh đạo quốc gia biết nhận thức lại nhân quả để sửa mình, có như vậy mới mong bình an. Các vị thần vẫn đang dõi theo nhân tâm con người. Đây là cơ hội cuối cùng.

  • Đoàn Uyên

    Cảm ơn Trang vì những thông tin giá trị

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nạn đói & khát

KHỦNG HOẢNG NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN TRUNG TÂY NƯỚC MỸ

Đây là những hình ảnh về cuộc khủng hoảng nông nghiệp của miền Trung Tây (Midwest) ở Mỹ, sau khi bị dập tơi tả bởi bão tuyết (do sự dao động của dòng Jet Stream vùng cực), lũ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Khí Carbon Dioxide

MẬT ĐỘ CARBON DIOXIDE TRONG BẦU KHÍ QUYỂN TIẾP TỤC GIA TĂNG

Các mức mật độ CO₂ hiện đang tồn tại trong bầu khí quyển đều cao hơn rất nhiều so với cách đây 800.000 năm. Mật độ đỉnh điểm của carbon dioxide trong quá khứ 800.000 năm chỉ vào...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic