PHÂN TÍCH CHO THẤY 1/5 SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ SỤP ĐỔ HỆ SINH THÁI


hanhtinhtitanic
PHÂN TÍCH CHO THẤY 1/5 SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ...

Theo báo cáo của Tổ chức Tư vấn – Đánh giá Rủi ro và Bảo hiểm Tài chính có thâm niên 150 năm SWISS RE, HÀNG NGHÌN TỶ USD GDP TRÊN TOÀN CẦU ĐANG PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO ĐẶC TÍNH ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA THIÊN NHIÊN. Mọi phân tích trong bản báo cáo này đều được thực hiện dựa trên Chỉ số phân loại về Đa dạng Sinh học và Chức năng của Hệ Sinh thái (Biodiversity and Ecosystems Services – BES).

Dưới đây là bài viết trên trang theGuardian.com và do bạn Linh Nguyễn chuyển ngữ từ nguồn:

Fifth of countries at risk of ecosystem collapse, analysis finds

Các bạn cũng có thể tham khảo bản báo cáo của Swiss Re tại đây:

A fifth of countries worldwide at risk from ecosystem collapse as biodiversity declines, reveals pioneering Swiss Re index

Thảm họa cháy rừng ở Australia. Đây là một trong những quốc gia đứng đầu danh sách đối mặt với các nguy cơ về đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái. Nguồn ảnh: Adwo/Alamy.

Theo một báo cáo phân tích của Hãng Bảo hiểm Swiss Re, một phần năm số quốc gia trên thế giới đang đứng trước nguy cơ chứng kiến hệ sinh thái sụp đổ vì sự phá hủy môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã.

Các “dịch vụ”, chức năng do tự nhiên cung cấp như thức ăn, nước sạch, không khí, và rào chắn bảo vệ khỏi lũ lụt, đều đã và đang bị tổn hại vì những hoạt động của con người.

Theo báo cáo này, hơn một nửa giá trị GDP trên toàn cầu – tương đương 42 nghìn tỷ USD (hay 32 nghìn tỷ bảng Anh) – lệ thuộc vào các chức năng hoạt động sôi nổi của đặc tính đa dạng sinh học, mà hiện đang ngày càng có nguy cơ chạm đến mức tới hạn.

Australia, Israel và Nam Phi thuộc tốp đầu trong chỉ số của Swiss Re về nguy cơ sụp đổ đa dạng sinh học và các dịch vụ/chức năng của hệ sinh thái, cùng với một số quốc gia đáng chú ý khác như Ấn Độ, Tây Ban Nha và Bỉ. Các nước có hệ sinh thái dễ bị tổn thương và ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế như Pakistan và Nigeria cũng được lưu ý.

Báo cáo của Swiss Re còn cho biết một số nước như Brazil và Indonesia có những vùng rộng lớn mà hệ sinh thái còn nguyên vẹn chưa bị xâm phạm, nhưng lại có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian hoang dã ở các quốc gia này.

Báo cáo còn khẳng định:

“Có tới một phần năm số quốc gia trên toàn cầu đứng trước nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái vì suy giảm đa dạng sinh học và các chức năng hữu ích khác liên quan đến đa dạng sinh học,”

Swiss Re là một trong các hãng tái bảo hiểm lớn nhất thế giới và một thành viên chủ chốt của ngành công nghiệp bảo hiểm toàn cầu.

Oliver Scheske, tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét:

“Nếu sự suy giảm chức năng hệ sinh thái tiếp tục diễn ra [tại các nước có nguy cơ], ta sẽ chứng kiến những hiện tượng khan hiếm điều kiện sống ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn, tiến đến các điểm tới hạn.”

Jeffrey Bohn, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Swiss Re, phát biểu:

“Theo chúng tôi biết, đây là chỉ số đầu tiên kết hợp các chỉ dấu về đa dạng sinh học và hệ sinh thái để so sánh chéo giữa các quốc gia khác nhau trên toàn cầu, rồi kết nối ngược trở lại tới nền kinh tế cụ thể của chính các quốc gia đó.”

Chỉ số này được thiết lập nhằm giúp các hãng bảo hiểm đánh giá rủi ro hệ sinh thái khi đặt ra mức phí bảo hiểm ưu đãi cho doanh nghiệp, nhưng Bohn nói rằng nó có thể có ứng dụng rộng rãi hơn vì “cho phép giới doanh nghiệp và chính phủ đưa các thành tố đa dạng sinh học và hệ sinh thái vào quá trình cân nhắc quyết sách kinh tế của họ.”

Tháng Chín vừa rồi, Liên Hiệp Quốc tiết lộ rằng các chính phủ trên toàn thế giới đã không đạt được bất kì một mục tiêu nào về ngăn ngừa tình trạng đánh mất đa dạng sinh học trong một thập kỷ qua, trong khi vào năm 2019, giới khoa học hàng đầu đã cảnh báo rằng loài người đang lâm vào cảnh hiểm nghèo vì sự tuột dốc không phanh của các hệ thống hỗ trợ sự sống tự nhiên trên hành tinh Trái Đất. Gần đây, hơn 60 nguyên thủ quốc gia đã cam kết chấm dứt sự hủy hoại này.

Chỉ số của Swiss Re được xây dựng trên cơ sở 10 dịch vụ/chức năng sinh thái cốt yếu do các nhà khoa học trên thế giới xác định, có sử dụng dữ liệu khoa học để vẽ bản đồ tình trạng của các chức năng này với độ chi tiết tới từng km² đất trên thế giới. Các chức năng này bao gồm việc cung cấp nước sạch và không khí, thức ăn, gỗ, hoạt động thụ phấn của thực vật, độ màu mỡ của đất, độ phủ của rừng, khả năng kiểm soát xói mòn, bảo vệ bờ biển, cũng như một chỉ số đo mức độ nguyên vẹn của môi trường sống.

Các nước có trên 30% diện tích hệ sinh thái bị tổn thương được coi là có nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái. Chỉ còn một phần bảy số quốc gia có các hệ sinh thái nguyên vẹn bao phủ nhiều hơn 30% diện tích toàn bộ lãnh thổ.

Trong số các nền kinh tế hàng đầu thuộc nhóm G20, Nam Phi và Australia được coi là có nguy cơ cao nhất, Trung Quốc đứng thứ 7, Hoa Kì đứng thứ 9 và Anh Quốc đứng thứ 16.

Alexander Pfaff, một giáo sư chuyên ngành chính sách công, kinh tế và môi trường của Đại học Duke thuộc Hoa Kỳ cho biết:

“Các xã hội, từ địa phương cho tới toàn cầu, đều có thể trở nên thịnh vượng hơn khi chúng ta không chỉ thừa nhận tầm quan trọng của những đóng góp từ thiên nhiên – điều mà chỉ số này đang cho thấy – mà còn cân nhắc về chúng trong từng hành động của ta, cả trong đời sống cá nhân và trong cộng đồng, trong khu vực tư và khu vực công.”

Gs. Pfaff nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lưu ý rằng, tình trạng suy thoái của thiên nhiên đã bắt đầu gây ảnh hưởng về kinh tế từ rất lâu trước khi hệ sinh thái sụp đổ, và bổ sung:

“Gọi tên vấn đề có thể là một nửa của giải pháp, [nhưng] nửa còn lại là bắt tay vào hành động.”

Swiss Re cho biết các nước phát triển và đang phát triển đều có nguy cơ mất đa dạng sinh học. Đơn cử như sự khan hiếm nguồn nước có thể gây thiệt hại cho các ngành sản xuất hàng hóa, bất động sản và chuỗi cung ứng.

Bohn nói rằng khoảng 75% tài sản trên toàn cầu không được bảo hiểm, một phần vì không có đủ dữ liệu để xác định mức rủi ro. Ông cho rằng chỉ số này có thể giúp định lượng các nguy cơ như mất mùa và ngập lụt.

Hiển thị ý kiến phản hồi (2)

Phần chia sẻ ý kiến

  • Bản tin ngày 4-11-2020 | Tiếng Dân

    […] Hành Tinh Titanic có bài: Phân tích cho thấy 1/5 số quốc gia trên thế giới đứng trước nguy cơ sụp đổ …. Theo báo cáo của Hãng Bảo hiểm Swiss Re, 1/5 các quốc gia trên thế giới đang […]

    • Article Author
    • Trả lời
  • BẢN TIN NGÀY 4/11/2020 (BTV Tiếng Dân) | Ngoclinhvugia's Blog

    […] Hành Tinh Titanic có bài: Phân tích cho thấy 1/5 số quốc gia trên thế giới đứng trước nguy cơ sụp đổ …. Theo báo cáo của Hãng Bảo hiểm Swiss Re, 1/5 các quốc gia trên thế giới đang […]

    • Article Author
    • Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Rác thải & Ô nhiễm môi trường

KHÔNG KHÍ Ô NHIỄM TÀN PHÁ HỆ THẦN KINH TRUNG ƯƠNG

Theo một báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không khí ô nhiễm đang có tác động tàn phá khủng khiếp đến hàng tỷ trẻ em trên khắp thế giới, phá hủy hệ thần kinh trung...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Suy giảm đa dạng sinh học

LOÀI CUA CÓ THỂ CỨU TÍNH MẠNG CỦA BẠN, TRỪ KHI NÓ BỊ CHÍNH CON NGƯỜI QUÉT SẠCH KHỎI HÀNH TINH NÀY

Rất ít người trên thế giới nhận thức được rằng một ngày nào đó, sức khỏe và tính mạng của họ lại phụ thuộc vào một con cua có dòng máu màu xanh cobalt, mang hình thù trông giống...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic