KHI NÀO THÌ SỰ SỤP ĐỔ SẼ GIẾT ĐƯỢC TÔI?


hanhtinhtitanic
KHI NÀO THÌ SỰ SỤP ĐỔ SẼ GIẾT ĐƯỢC TÔI?

Tôi đã cố gắng tính toán xem còn bao lâu nữa thì sự sụp đổ sẽ cắt đứt cuộc đời mình, nhưng cuối cùng, tôi nhận ra rằng điều đó không còn quan trọng nữa. Vậy điều gì là cần phải lưu tâm trong lúc này, khi thời gian đang cạn dần?

Nguồn của bài viết: When Will The Collapse Kill Me? Bài được đăng trên một blog website mang tựa đề Collapse Musings (tạm dịch “Suy tưởng về Sụp đổ”), với các tác giả không tên gọi và cũng không biết họ đang ở đâu trên hành tinh này. Nhưng một điều chắc chắn rằng những người góp phần vào nội dung của blog đều am hiểu rất sâu sắc cuộc khủng hoảng khí hậu và sụp đổ hệ sinh thái toàn hành tinh này. Họ có khả năng trích dẫn chính xác các dữ kiện và thông tin toàn cầu trên mọi khía cạnh (khí tượng, kinh tế, chính trị, xã hội). Họ đang tập hợp dưới một website nhỏ để đưa ra những chia sẻ cuối cùng trước khi nền văn minh loài người tiến đến điểm cuối cùng của nó.

Khi tôi nhận ra rằng nền văn minh sẽ sụp đổ ngay trong vòng đời của mình, câu hỏi đầu tiên nảy ra là “Chúng ta còn bao lâu nữa?” Đó là một phản ứng tự nhiên. Thông thường, khi ai đó được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, thì câu “Tôi còn bao lâu nữa?” là điều đầu tiên họ muốn hỏi.

Thật không may, dù chúng ta đang nói về bệnh ung thư hay sự sụp đổ của nền văn minh, thì không ai có thể đưa ra câu trả lời dứt khoát nào cả. Nếu một bác sĩ nói với một bệnh nhân ung thư rằng “Khoảng một năm” thì đó thực sự chỉ là phỏng đoán. Nó có thể dài hơn rất nhiều – hoặc ngắn hơn rất nhiều.

Khi mọi người hỏi tôi khi nào thì nền văn minh sẽ sụp đổ, tôi thường nói: “Nó đang sụp đổ rồi”. Điều này khiến họ khó chịu và thường thốt ra những câu kiểu như “Ừ, tôi hiểu là nó đang sụp đổ rồi, nhưng khi nào nó thực sự đổ sập?” Tôi tự hỏi giới bác sĩ sẽ phản ứng thế nào nếu bệnh nhân của ông cứ càm ràm rằng: “Đúng, tôi hiểu rằng tôi bị ung thư, nhưng khi nào thì tôi thực sự bị ung thư?”

Câu hỏi mà họ đang cố gắng đặt ra là “Khi nào thì vụ sụp đổ sẽ giết chết tôi?” Họ muốn biết khi nào họ có thể chết vì nắng nóng, dịch bệnh, bạo lực, đói khát, mất nước hoặc một trong vô vàn lý do khác mà sự sụp đổ sẽ khiến đời sống con người bị rút ngắn.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi này kể từ khi tôi nhận thức được sự sụp đổ vào năm 2020. Khi đó, tôi đã nghĩ rằng sự sụp đổ đó sẽ không cướp đi sinh mạng của tôi và những người thân yêu của tôi cho đến ít nhất là năm 2050. Nhưng rồi trong năm tiếp theo, tôi đã đọc rất nhiều nghiên cứu khoa học, sách vở và bài báo về tình trạng sản lượng khai thác dầu mỏ đạt đỉnh (peak oil) và biến đổi khí hậu, đồng thời tham gia vào các diễn đàn xã hội như reddits về đề tài “sụp đổ”.

Đến năm 2022, tôi kết luận rằng chúng ta có thể sẽ sống ít nhất đến năm 2040. Một lần nữa, đấy chỉ là phỏng đoán, nhưng ý tưởng vẫn còn sống sót đến năm 2050 giờ đây dường như là không thể. Trong trường hợp xấu nhất (mà đó là tình hình diễn ra cho đến thời điểm này), chúng ta sẽ chứng kiến nền nhiệt độ tăng ít nhất 2,5°C vào năm 2050, cùng với hơn 1 tỷ người tị nạn khí hậu.

Dựa trên mọi thứ đang diễn ra ở mức nhiệt độ chỉ tăng 1,3°C, tôi chỉ không thể nghĩ rằng hệ thống cung ứng lương thực toàn cầu của chúng ta có thể tồn tại được sau tất cả những điều đó. Sẽ có rất nhiều vụ mất mùa đến mức nền sản xuất lương thực không thể đáp ứng đủ nhu cầu, và nhiều nông dân trên thế giới sẽ quá bận rộn để dành cả đời mình cho việc trồng trọt.

Nhưng gần đây, ngay cả mốc thời gian năm 2040 cũng trông có vẻ lạc quan. Cách đây vài năm, một bài báo cáo khoa học đã được xuất bản trên tạp chí Năng lượng ứng dụng (Applied Energy). Nó giải thích rằng chỉ số EROI (Tỷ lệ Năng lượng Thu về sau khi Đầu tư Khai thác – Energy Return On Investment) của dầu mỏ đang giảm theo cấp số nhân. Hiện tại, chúng ta đang dùng khoảng 16% năng lượng lấy từ dầu mỏ chỉ để bơm thêm được dầu ra khỏi lòng đất, nhưng đến năm 2040, tỷ lệ này sẽ lên tới 37%.

Điều này có nghĩa là năng lượng ròng từ dầu mỏ sẽ giảm ngay cả khi lượng khí thải của chúng ta tăng lên. Bạn sẽ hiểu được ý tôi muốn nói khi xem biểu đồ dưới đây. Lượng dầu có sẵn trên thị trường đang ở đường đồ thị đi ngang. Và trong khoảng 10 năm nữa, nó sẽ bắt đầu đi xuống nhanh chóng.

Người ta thường quảng cáo là chúng ta sẽ thoát khỏi dầu mỏ và chuyển sang năng lượng xanh, nhưng đây chỉ là một điều viển vông. Dầu mỏ là huyết mạch của nền văn minh công nghiệp toàn cầu.

Chúng ta không chỉ cần dầu để vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới trên xe tải và tàu chạy bằng động cơ diesel, mà còn cần dầu để tạo ra hàng nghìn vật dụng hàng ngày mà chúng ta xem là đương nhiên, như: đồ nhựa, mỹ phẩm, thuốc men, chất bôi trơn, chất kết dính, sản phẩm tẩy rửa…

Vâng, một vài sản phẩm này có thể được sản xuất mà không cần dầu. Ví dụ như, cây gai dầu (hemp) có thể được dùng để sản xuất nhựa (mặc dù điều này có thể khó khăn vì chúng ta đã sử dụng toàn bộ đất canh tác rồi), nhưng nó sẽ không hề rẻ. Cho dù chúng ta có sử dụng dầu hay không thì mọi thứ vẫn sẽ đắt hơn rất nhiều.

Giờ đây, hãy xem xét thực tế là chúng ta đã ở trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu với ngày càng nhiều người bị đói do chi phí thực phẩm cao. Trong 10 năm nữa, chúng ta sẽ [đối mặt với nền khí hậu] nóng lên hơn 1,5°C và tiến gần tới 2°C. Nạn mất mùa thậm chí sẽ còn phổ biến hơn, tình trạng thiếu nước sẽ lan rộng và chúng ta sẽ có ít năng lượng hơn để làm việc.

Đó là điều tồi tệ nhất của cả hai bối cảnh. Sản lượng khai thác dầu đạt đỉnh và biến đổi khí hậu sẽ tấn công chúng ta mạnh mẽ cùng một lúc, chưa kể đến tình trạng sụp đổ hệ sinh thái do cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu, nhưng tôi sẽ để dành điều đó cho một bài viết khác.

Vì vậy, bây giờ, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ sống được ít nhất là đến năm 2030. Sau đó thì tôi không biết chắc. Có thể sẽ có những đột phá về công nghệ trong sản xuất thực phẩm và năng lượng sẽ giúp nền văn minh này có thể lết đi xa hơn một chút.

Nhưng thành thật mà nói, điều đó có thực sự quan trọng hay không? Việc cố gắng tính toán xem chúng ta còn bao nhiêu thời gian để làm gì? Tôi có thể chết vào ngày mai, và tất cả những phỏng đoán này sẽ trở nên vô nghĩa.

Ngay cả khi tôi có thể biết chính xác ngày giờ mình sắp chết, thì liệu điều đó có thay đổi được gì không? Dĩ nhiên là không. Tôi vẫn sẽ sống cuộc sống của mình theo cách tốt nhất có thể – làm những việc tôi thích, dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên và đi chơi với những người thân yêu.

Vì thế tôi quyết định không lo lắng về chuyện đó nữa. Khi mọi người hỏi tôi khi nào nền văn minh sẽ sụp đổ, câu trả lời của tôi vẫn là “Nó đã đang sụp đổ rồi”.

Nếu bạn có thể biết chính xác khi nào sự sụp đổ sẽ cướp đi mạng sống, bạn sẽ làm gì khác đi được sao? Liệu bạn sẽ kết nối lại với bạn bè cũ? Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình? Đọc một cuốn sách bạn luôn muốn đọc? Học một nhạc cụ mà bạn luôn muốn chơi?

Nếu vậy, tại sao bạn không làm những việc này ngay bây giờ? Do tính mong manh của chuỗi cung ứng và mạng lưới năng lượng cùng với mối đe dọa chiến tranh hạt nhân ngày càng gia tăng, tất cả có thể sụp đổ vào cuối thập kỷ này.

Thời gian đang cạn dần. Hãy sử dụng những gì còn lại một cách khôn ngoan.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Băng tan

TAN BĂNG & SỰ SỤP ĐỔ CỦA VIỆT NAM

Để biết số phận của Việt Nam gắn liền ra sao với số phận của những khối băng vĩnh cửu nằm ở những vùng đất xa xôi tận hai cực của Trái Đất, chúng tôi mời các bạn nên đọc hết...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Suy giảm đa dạng sinh học

KHỈ RÚ MEXICO CHẾT KHÔ VÌ HẠN

Các cơn hạn kéo dài suốt 3 tháng qua và nền nhiệt luôn ở mức 40°C ở khu vực miền Nam bang Veracruz (Mexico) đã giết chết khoảng 10 con khỉ rú (howler monkey) quý hiếm. Các con khỉ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic