VÌ SAO NOAM CHOMSKY LẠI CẢNH BÁO VỀ “THE END OF ORGANIZED HUMAN LIFE ON EARTH – KẾT THÚC CỦA SỰ SỐNG LOÀI NGƯỜI CÓ TỔ CHỨC TRÊN TRÁI ĐẤT”?


hanhtinhtitanic
VÌ SAO NOAM CHOMSKY LẠI CẢNH BÁO VỀ...

Dưới đây là bài viết của một bạn đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Canada gửi cho Hành tinh Titanic với các chia sẻ thật lòng của bạn ấy về tình hình của thế giới và Việt Nam trước cuộc khủng hoảng khí hậu và nhiều yếu tố đầy nguy cơ khác đang đe dọa nền văn minh loài người. Hành tinh Titanic xin mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm.

“Hành tinh của chúng ta đang tan vỡ” (“the state of the planet is broken”) – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mô tả như vậy về biến đổi khí hậu trong bài phát biểu ngày 2/12/2020 tại Đại học Columbia, New York. Rất hiếm khi một lãnh đạo tổ chức đứng đầu thế giới, người luôn tỏ ra phải thận trọng và khách quan, lại dùng những mô tả gay gắt như vậy trong phát biểu của mình. Thế nhưng, ngài Tổng thư ký đã phải gọi những gì mà nhân loại ảnh hưởng tới thiên nhiên là một cuộc chiến tranh “tự sát”.

Nguyên văn: “Humanity is waging war on nature. This is suicidal. Nature always strikes back — and it is already doing so with growing force and fury” – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Chúng ta đang ở một giai đoạn đã khá muộn màng để sửa chữa lỗi lầm, và ngài Tổng thư ký lo ngại rằng, các quốc gia sẽ loay hoay trong cuộc chiến chống COVID mà lãng quên việc hành động khẩn cấp về khí hậu. Trong khi, lẽ ra họ họ phải tận dụng cơ hội mà tất cả đã đánh đổi rất đắt của đại dịch COVID để thức tỉnh và tái cấu trúc nền văn minh, chuyển hướng ưu tiên sang vấn đề khí hậu và môi trường. Đến bây giờ thì điều đó lại càng rõ ràng hơn với cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine. Ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu COP26, con người đã vội sao nhãng trong xung đột, các nước đồng loạt thúc giục đồng minh tăng cường khai thác nhiên liệu hoá thạch.

Truyền thông luôn thất bại trong việc khiến mọi người hiểu được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu, và điều này càng đúng với Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu với đường bờ biển dài và nguy cơ lũ lụt đứng đầu thế giới cùng với Bangladesh. Vậy mà ở quốc gia này, cụm từ “Biến đổi Khí hậu” nhiều khi xuất hiện như một sáo ngữ trên truyền thông đại chúng, chứ không thực tâm là mối ưu tiên hàng đầu của các mục tiêu thích ứng về mặt kinh tế xã hội. Phần lớn mọi người chưa hiểu được vài điều cốt yếu về khí hậu như sau:

1. Thứ nhất, những con số 1.5oC hay 2oC thay đổi nhiệt độ trung bình mà chúng ta hay nghe nói tạo cảm giác thật nhỏ bé không đáng kể. Dường như sẽ chẳng quá có vấn đề nếu trời có nóng thêm một vài độ. Nhưng thực ra, biến đổi khí hậu không phải là chỉ có thêm vài ngày nắng nóng. Nó là sự thay đổi mang tính thảm hoạ và đột ngột của toàn bộ hệ thống sinh thái khi bị lệch khỏi quỹ đạo cân bằng như từ trước đây hàng trăm nghìn năm. Sự thay đổi của nhiệt độ trung bình nghe chừng rất nhỏ, nhưng sự thay đổi của nhiệt độ cực trị (cực nóng và cực lạnh), sẽ lớn hơn rất nhiều. Ngay tại thời điểm này, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 1.25oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, chúng ta đã chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ không thể tin nổi. Tháng 6/2021, Siberia, xứ tuyết huyền thoại của nước Nga, đã ghi nhận mức nhiệt độ bề mặt 47.8oC, đủ để làm tan rã đất đóng băng vĩnh cửu. Hay những ngày đầu tháng 7/2021, nhiệt độ kỷ lục suýt soát 50oC đang thổi bùng lên hàng trăm đám cháy không thể kiểm soát được tại bờ Tây Canada và Hoa Kỳ, nướng chín cả tỷ sinh vật có vỏ trên bãi biển và các trang trại nuôi thuỷ sản. Tờ Guardian chạy tít “no where is safe”. Tháng 3/2022, nhiệt độ khu vực phía Đông của lục địa Nam Cực cao hơn 40oC so với bình thường, gây ra sự sụp đổ của thềm băng Conger có diện tích to bằng Thủ đô Rome. Đây là điều ngoài dự tính của giới khoa học vì thềm băng phía Đông vốn ổn định hơn phía Tây của lục địa Nam Cực, dự kiến sẽ còn bền vững trong 1000 năm tới. Hay trong chính tháng 4, tháng 5/2022 này, Ấn Độ và Pakistan liên tục nóng trên 50oC nhiều ngày liền, đường phố đầy xác sinh vật chết vì nóng, hàng ngàn con chim rơi xuống từ bầu trời. Ngay cả con người cũng nằm vật kiệt quệ bên vệ đường. Hàng chục người đã chết, nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Thảm cảnh ở Ấn Độ và Pakistan chính là tương lai của Việt Nam. Với khí hậu nóng ẩm, nguy cơ xảy ra điều kiện “nhiệt độ bầu ướt nguy hiểm” (wet-bulb condition: là mức nhiệt độ đo bằng nhiệt kế bọc vải ướt trên 35 độ C, theo nghiên cứu mới là 32 độ C) ở Việt Nam là rất cao. Kết hợp giữa nóng và ẩm có thể vô hiệu hoá khả năng điều tiết nhiệt của cơ thể, gây ra cái chết nhanh chóng, và con người không thể sinh hoạt ở ngoài trời quá một khoảng thời gian ngắn nhất định trong điều kiện đó.

Mặt khác, khi băng Bắc Cực tan, dòng nước lạnh làm lạnh đột ngột một số khu vực, thay đổi nồng độ nước biển làm suy yếu các dòng hải lưu quan trọng, đồng thời gây ra sự nhiễu loạn của Dòng tia khí quyển (Jet Stream). Vì vậy, chúng ta lại chứng kiến những mùa đông lạnh giá kỉ lục. Hay tự nhiên Việt Nam lại có những ngày trong tháng Năm mát mẻ bất thường. Bắc Cực như một chiếc điều hoà sắp hỏng thi thoảng lại rồ máy, vì vậy đừng thấy mùa đông lạnh mà nghi ngờ việc Trái Đất đang nóng lên. (Nhân tiện, một số người cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề “còn gây tranh cãi”, thực ra đó chỉ là lập luận dân tuý kiểu Trump. 97% giới khoa học đồng thuận về biến đổi khí hậu, một tỷ lệ chưa từng có với bất kì vấn đề khoa học nào. Vì vậy không có gì để bàn cãi ở đây nữa).

2. Thứ hai, toàn bộ hệ sinh thái mà chúng ta phụ thuộc vào đang hoạt động tinh tế như một chiếc cân tiểu ly. Hàng ngàn năm qua, cho đến thời kì tiền công nghiệp, nhiệt độ trung bình của Trái Đất chỉ dao động trong khoảng 0.5oC. Đó là điều kiện tiên quyết cho một nền khí hậu đủ ổn định và có thể dự báo dẫn đến sự ra đời của nền nông nghiệp trù phú và dễ dàng như hiện nay. Biểu đồ ở đây của giáo sư Ed Hawkins cho thấy chúng ta đang nằm ở vị trí đỉnh hoả ngục theo nghĩa đen:

Đã có những dấu hiệu các loài động thực vật cố gắng di chuyển lên vĩ độ cao hơn hoặc vùng cao hơn để thích nghi với nền nhiệt độ mới. Mùa xuân 2021 hoa anh đào ở Nhật nở sớm kỷ lục trong 1200 năm qua. Các loài côn trùng cũng cố gắng thức dậy sớm hơn, mình đã sững sờ khi nghe tiếng ve kêu vào giữa mùa xuân. Thiên nhiên và toàn bộ hệ sinh thái đang cố gắng thích ứng với sự thay đổi. Nhưng nếu nền nhiệt độ cứ tiếp tục tăng, nhiều loài sẽ không thể thích nghi được nữa. Chuỗi thức ăn của chúng sẽ bị phá vỡ khi thời gian sinh trưởng của từng loài không kịp đồng bộ hòa điệu với nhau. Côn trùng sẽ không kịp thức dậy, chim di trú không kịp quay về, và rồi khi các loài đó không tìm được thức ăn, cây cũng không được giúp thụ phấn để đơm hoa kết trái, các loài thực vật dựa vào sinh vật để nhân giống sẽ tuyệt chủng. Một nền nhiệt độ tăng trên 2oC đã là vô cùng thảm hoạ với thế giới này. Nhưng khả năng chúng ta có thể giữ được nền nhiệt độ dưới mức này là vô cùng thấp. Ước tính của giới khoa học dựa vào các chính sách “trên giấy” của mọi quốc gia hiện nay chính là nền nhiệt toàn cầu sẽ tăng 2.5-2.9oC vào cuối thế kỷ này. Nếu các quốc gia thực hiện được lời hứa ở COP26, kịch bản lạc quan nhất là 1.8oC. Kịch bản rất không chắc chắn vì các quốc gia vẫn đang liên tục bỏ lỡ nhiều mục tiêu cắt giảm khí thải từ trước đến giờ. Nếu các cam kết này bị phá vỡ và loài người quá bận rộn trong vòng xoáy của tham lam và xung đột, chúng ta sẽ chạm ngưỡng tăng 3.3-5.7oC vào năm 2100 với kịch bản business-as-usual, tức là “cứ kinh doanh làm giàu như bình thường”.

3. Thứ ba, biến đổi khí hậu là một quá trình phi tuyến tính với các điểm đổ vỡ không thể vãn hồi (“tipping points”). Giống như một quá trứng nằm ở cạnh bàn, trong một thời gian dài, mọi chuyện tưởng chừng vẫn ổn, chúng ta chỉ chứng kiến những thay đổi nho nhỏ lẻ tẻ dường như không đáng chú ý. Nhưng giống như quả trứng rồi sẽ đột ngột rơi xuống, những biến chuyển thảm hoạ sẽ đến vô cùng đột ngột và ngày càng khốc liệt, hơn mọi tưởng tượng của chúng ta. Những người dưới 50 tuổi ngày hôm nay có khả năng cao trong đời này sẽ phải tận mắt chứng kiến cảnh đau thương của thảm hoạ khí hậu (dù rằng ngay bây giờ, cảnh tượng đó đã và đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới rồi, với tỷ lệ nhân loại cứ 9 người thì 1 người đói khát). Còn những đứa trẻ mới được vài tuổi ngày hôm nay, thì liệu có bao nhiêu khả năng được trải qua một đời này trong bình yên? Các nhà khoa học đã chỉ ra hàng chục điểm “bất khả hối” của nền khí hậu. Từ năm 2018 đến nay, tin xấu ngày càng dồn dập chứng tỏ chúng ta đã xô đổ nhiều điểm “bất khả hối” này, và đang tiệm cận thêm nhiều điểm khác. Các điểm này kết nối liên hoàn với nhau như những con cờ domino, điểm này kích thích điểm kia, và làm gia tốc quá trình nóng lên của Trái Đất. Một số điểm tipping points có thể kể đến như sự rối loạn và suy yếu của những dòng hải lưu chính, san hô chết hàng loạt, rừng Amazon biến thành rừng thưa, băng vĩnh cửu tan giải phóng khí methane, sụp đổ thềm băng ở khu vực phía Tây của lục địa Nam Cực, Bắc Băng Dương không có băng vào mùa hè (sự kiện Mặt đại dương Xanh – “Blue ocean event”), băng tan ở Greenland, thay đổi gió mùa và mùa mưa, v.v. Mỗi tipping point này đều mang đến hậu quả vô cùng chết chóc.

Lấy 1 ví dụ, chỉ 0,25oC nữa thôi, quá trình axit hoá đại dương sẽ khiến cho 50% san hô biến mất, và 99% chủng loài san hô sẽ bị xoá xổ tại mức nền nhiệt tăng thêm 2oC. Trong khi đó, rạn san hô tối quan trọng cho toàn bộ sự sống trong đại dương. Ngay cả bây giờ, nhiều loại hải sản đã bị khai thác quá mức đến độ suy giảm hơn 90%. Nếu như rạn san hô không còn, viễn cảnh đại dương không có cá hoàn toàn có khả năng trở thành sự thật. Hiệu ứng “feedback circle” sẽ dẫn đến những sụp đổ liên hoàn. Khi mức tăng nhiệt vượt quá 2oC, quá trình “runaway warming” được kích hoạt, trái đất sẽ nóng lên nhanh chóng cho đến khi đạt được trạng thái cân bằng mới ở một nền nhiệt tăgn 4 – 5oC cao hơn mức hiện tại. Đó là trạng thái “hothouse Earth” – Trái Đất hấp nóng. Một mức biến thiên nhiệt độ như vậy sẽ kết thúc sự tồn tại của xã hội loài người văn minh trong vài chục đến vài trăm năm. Nó cũng sẽ kéo theo họa tuyệt chủng của phần lớn sự sống phức tạp trên hành tinh Trái Đất, và có thể phải mất hàng triệu năm để phục hồi.

Hiểu được những điểm trên, ta sẽ biết được rằng tương lai của chính mình và của con cái mình đang bị đe doạ trực tiếp như thế nào. Đó là một mối đe doạ sống còn. Lịch sử Trái Đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng, với 95% sinh vật biến mất trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ngày nay, chúng ta đang đối diện với cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu, một cuộc đại tuyệt chủng có nguyên nhân nhân tạo, trực tiếp từ hoạt động của con người. Quá trình đó hiện đã và đang diễn ra rồi, với tốc độ tuyệt chủng của các loài động – thực vật nhanh gấp 100 lần tốc độ tuyệt chủng tự nhiên. Từ trước đến nay, chúng ta hay nói rằng phát triển bền vững hay chống biến đổi khí hậu là vì các thế hệ tương lai. Điều này đã không còn chính xác nữa. Biến đổi khí hậu là vấn đề của chính thế hệ chúng ta và con cái mình. Cuộc khủng hoảng đó đang đến rất gần, ngày càng được dự đoán là sẽ đến sớm hơn chúng ta tưởng. Khi toàn bộ tính đa dạng sinh học của thế giới tự nhiên sụp đổ, con người cũng sẽ không còn nơi bấu víu. Nhà lịch sử tự nhiên David Attenborough dự đoán rằng đến năm 2080, các loài côn trùng sẽ chết hết, theo sau đó là một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện. Ý kiến của David Attenborough, đại diện cho khoa học dòng chính “mainstream”, vốn còn khá thận trọng, trong khi nhiều nhà nghiên cứu khác còn đưa ra mức cảnh báo cao hơn nữa. Loạt phim tài liệu “Ngã rẽ tương lai 2030” của đài NHK của Nhật Bản thì dự đoán viễn cảnh đó có thể xảy ra vào 2050, khi nguồn nước ngầm ở những vùng gieo trồng lương thực chính yếu sẽ bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu, chuyên canh nông nghiệp và chăn nuôi. Đói nghèo sẽ gây ra những khủng hoảng toàn diện về mặt xã hội. Những bạo loạn nổi lên ở Lebanon do nạn rối loạn nguồn cung lương thực, ở Iran do thiếu nước ngọt hay biểu tình ở Cuba do thiếu thốn thực phẩm và thuốc men… rồi đây sẽ lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Ngay bây giờ, trong năm 2022, những hồ nước siêu lớn nhiều tỷ mét khối ở miền Tây Hoa Kỳ đang bị khô cạn kỷ lục trong vòng 1200 năm qua, đe doạ nguồn nước của 40 triệu người Mỹ. Và bạn đừng quên rằng, nếu hồ cạn ở nước nghèo thì chỉ người ở đó chết đói và bạo loạn, còn hồ cạn ở nước giàu thì họ sẽ đi cướp đoạt ở cả quốc gia khác. Kể cả nếu loài người có thể vượt qua cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu, biến đổi khí hậu đủ sức gây ra sự sụp đổ xã hội của thế giới văn minh nếu các quốc gia bị rơi vào vòng xoáy của bạo loạn và chiến tranh để tranh giành số tài nguyên còn sót lại (trong đó có khả năng là chiến tranh hạt nhân), hoặc khi các biên giới quốc gia bị xô ngã vì hàng tỷ người phải di cư khỏi những vùng đất không còn phù hợp cho sự sinh tồn. Con số này được dự đoán là 1,2 tỷ người vào năm 2050, và hơn 3 tỷ người vào năm 2070. Năm 2050, 31 triệu người Việt Nam sẽ nằm trong số đó.

Việt Nam sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng vô cùng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chúng ta sẽ phải giã biệt sông Mekong vào năm 2050, khi băng trên rặng núi Himalayas tan rã. Đó cũng là thời điểm Đồng bằng Sông Cửu Long ngập hoàn toàn khi triều cường. Nhưng chẳng cần đợi đến mấy chục năm nữa, chỉ một vài năm tới thôi, chúng ta sẽ phải hứng chịu những đợt sóng nhiệt không cho phép con người ở ngoài trời quá vài tiếng. Năm sau hoặc năm sau nữa, khi El Nino quay trở lại, sẽ đến lượt phía bên này của Thái Bình Dương phải chịu sốc nóng, cùng những cơn bão nhiệt đới xô đổ mọi kỷ lục. Dưới mái tôn của khu ổ chuột Long Biên, nhiệt độ là 50oC vào ngày hè 40oC. Những phận nghèo gần như vô hình sát nách thủ đô đó sẽ ra sao khi mối đe doạ của nền nhiệt cực đoan đang đến gần. Miền Trung sẽ ra sao khi bão lũ 2020 trở thành “trạng thái bình thường mới”. Khi băng tan, các nhà khoa học đã xác định được mức tăng 10m nước là không thể vãn hồi kể cả khi loài người dừng phát thải khí nhà kính ngay lập tức, và sự tan rã này càng ngày càng gia tốc trong vòng 1-2 thế kỷ tới. Bởi lẽ, Greenland và thềm băng phía Tây của lục địa Nam Cực đang sụp đổ theo mặt phẳng nghiêng không có gì giữ lại được. Có lẽ đây sẽ là thế kỷ cuối cùng của Thăng Long “ngàn năm văn hiến” vì độ cao của thủ đô Hà Nội so với mực nước biển chỉ là từ 2 đến 10m.

Thế nhưng, cho đến bây giờ, chúng ta gần như chưa chuẩn bị gì đáng kể cho biến đổi khí hậu, ngoại trừ chút thành tích lỡ cỡ về năng lượng mặt trời. Tuyệt đại đa số vẫn say sưa trong viễn cảnh “hoá rồng, hoá hổ”. Và tất nhiên, việc đầu tư vô số tiền của để xây dựng những công trình nghìn tỷ không có giá trị chống biến đổi khí hậu ở những vùng đất sẽ sớm ngập nước là điều hoàn toàn điên rồ. Thế kỉ 21 này sẽ vô cùng thách thức, có lẽ phải nỗ lực lắm để người Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung mới đi qua được thế kỉ này. Cho nên những ảo vọng giàu có của chúng ta là hoàn toàn không có cơ sở và không khả thi về mặt khoa học. Mục tiêu đúng đắn cho Việt Nam phải là hướng tới sự thích ứng dẻo dai về mặt sinh thái và xã hội. Chúng ta cần chuyển hướng ngay bây giờ mọi nguồn lực để xây dựng những hạ tầng back-up khi nước biển dâng, tái cơ cấu nền kinh tế, đào tạo lại lao động, gây dựng lại đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh lương thực khi Đồng bằng Sông Cửu Long không còn nữa…

Các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng, để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, các quốc gia cần hành động tổng lực như trong Thế chiến Thứ hai. Chúng ta chỉ còn 1 thập kỷ cuối cùng cho điều đó, trước khi mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. 2030 là ngã rẽ sống còn của thế kỷ này, còn sau đó sẽ là quá muộn. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể cứu vãn tình hình. Những bạn trẻ chưa vào đại học ngày nay sẽ khó có đủ thời gian để chiếm lĩnh những vị trí xã hội quan trọng và dẫn dắt một cuộc cách mạng về khí hậu. Hơn thế nữa, chính tham vọng làm giàu nhanh chóng đang cản trở chúng ta nhận ra và chuẩn bị cho mối hiểm hoạ đang kề cận. Việt Nam thuộc nhóm những nước thiếu cam kết nhất trong hành động về khí hậu. Chỉ số bền vững sinh thái của Việt Nam đứng thứ 176/180 toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng COVID cho ta một bản demo để hiểu rõ phần nào về cuộc khủng hoảng khí hậu trong tương lai. Cảm giác bất lực của chúng ta trong đại dịch rồi đây sẽ còn bị nhân lên nhiều lần trước những thách thức khủng khiếp của nền khí hậu hỗn loạn. COVID và biến đổi khí hậu có nhiều điểm chung:

  • Thứ nhất, nó có một điểm bùng phát, mọi thứ tưởng như ổn cho tới khi không còn ổn nữa. Các nhà khoa học đã cảnh báo về đại dịch toàn cầu từ lâu khi chứng kiến tốc độ biến chủng ngày càng nhanh của virus. Họ cũng đang cảnh báo như vậy về nền khí hậu của Trái Đất.
  • Thứ hai, mọi thứ sẽ vượt qua tầm kiểm soát nếu bỏ lỡ giai đoạn sớm để hành động.
  • Thứ ba, sự kiêu ngạo sẽ phải trả giá đắt.
  • Thứ tư, những toan tính kinh tế trở nên vô nghĩa trước khủng hoảng.
  • Thứ năm, đánh giá không đúng tình hình sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm.

Cơ hội thực sự duy nhất của chúng ta trong khủng hoảng COVID là nhận diện được cuộc khủng hoảng khí hậu đang đến ngay sau đó. Và vẫn còn rất nhiều thách thức để thuyết phục người Việt Nam hành động vì khí hậu. Truyền thông liên tục vẽ nên cho chúng ta viễn cảnh tham vọng của một nền kinh tế tăng trưởng không giới hạn. Điều đó đơn giản là không khả thi về mặt sinh thái và không giúp ích gì cho cuộc chiến sinh tồn ta sắp phải đối mặt. Tăng trưởng liên tục là bất khả thi trong một thế giới hữu hạn. Hơn thế nữa, nguyên nhân quan trọng nhất đẩy chúng ta đến bước đường này chính là chủ nghĩa tiêu thụ không có điểm dừng. Chúng ta đang khai thác tài nguyên gấp 1.7 lần khả năng chịu đựng của trái đất và con số này sẽ ngày một tăng.

Bên cạnh một số ít hiểu được thông điệp về khí hậu, phần lớn người Việt Nam không sẵn sàng tin, lảng tránh chủ đề, hoặc cho rằng công nghệ rồi sẽ cứu rỗi được chúng ta. Mình hiểu những cảm xúc của mọi người, vì chính mình đã mất rất nhiều năm để đối diện với bản thân khi nghĩ về khí hậu. Như một người đang yên lành, tự dưng bị thông báo rằng mình mang bệnh nan y, cảm xúc đầu tiên chính là không muốn tin. Cũng không mấy ai chấp nhận được rằng những nỗ lực sự nghiệp và mong muốn cống hiến của bản thân lại đang góp phần thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng tàn phá Trái Đất. Chúng ta có thể hi vọng phần nào ở công nghệ, nhưng một cuộc cách mạng về thái độ tiêu dùng là vô cùng cần thiết, để mua thêm thời gian cho công nghệ. Trong khi chỉ còn 1 thập kỉ để cứu vãn khí hậu, không công nghệ nào ở thời điểm này đủ sức giải quyết vấn đề. Hoặc chúng ta không có khả năng nhân rộng chúng kịp thời, hoặc chúng có những hệ luỵ và tác dụng phụ vô cùng phức tạp. Kì vọng mù quáng về công nghệ thậm chí nguy hiểm, vì chúng ta hoàn toàn dựa vào sự may mắn của một phép màu khoa học ngẫu nhiên để cho phép mình được hưởng thụ và tiêu xài như cũ.

Nhiều bạn cố gắng kêu gọi mọi người hành động ở phương diện cá nhân, như không xài túi nilong, không vứt rác ra đường, trồng rừng… Với những con người tuyệt vời ấy, mình xin nhắn gửi: “Hãy tiếp tục con đường của các bạn, và đừng dừng lại ở phương diện cá nhân hay giới trẻ. Chúng ta cần tác động đến chính sách, đến những người có ảnh hưởng, và đến những người ít nghĩ về vấn đề khí hậu nhất.”

Mình cảm ơn các bạn đã đọc được đến đây, mình hi vọng các bạn có thể nhìn vào khoa học, nhìn vào tương lai để có câu trả lời cho những bước đi tiếp theo của cuộc đời. Mình tin rằng nếu bạn hiểu được những gì sắp đến, nó sẽ tái cấu trúc toàn bộ cuộc đời bạn, thế giới quan của bạn. Đó là một trải nghiệm đau đớn, không dễ chấp nhận với nhiều người, nhưng cũng là cơ duyên để kết nối với những thành tố cơ bản nhất của sự sống, cũng như để tìm kiếm phẩm giá đích thực.

Còn những ai không tin, những ai giận mình vì những gì mình viết thì mình hoàn toàn hiểu, bởi mình cũng đã từng như vậy, nhiều năm… Từ tận đáy lòng, mình thương các bạn như mình thương chính mình. We are all in this together! Mình chúc phúc cho các bạn, vì có thể thờ ơ cũng là một loại ân phước!

Khi chọn chia sẻ về vấn đề này mình đã trăn trở mãi một câu hỏi: có nên xáo trộn cuộc sống của các bạn không, có nên để các bạn mang theo nỗi tâm sự như mình 5 năm qua hay không? Nhưng rồi mình nhận ra các bạn xứng đáng được biết, để có thể sống tỉnh thức, bình thản đón nhận tương lai, và để có thể đưa ra những lựa chọn không ân hận cho cuộc đời này. Xin đừng từ bỏ làm những điều mang lại hi vọng, biết đâu đấy phép màu sẽ đến! Sẽ không bao giờ là quá muộn để lựa chọn điều đúng đắn, để sống có phẩm giá và giúp đỡ những người xung quanh sống có phẩm giá.

“Nếu ngày mai là ngày tận thế, hôm nay tôi xin trồng một cái cây!”

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Lòng tham và kiêu ngạo

VIỆT NAM “VÔ ĐỊCH”

Buổi sáng và buổi chiều trước trận chung kết lượt về cúp AFF diễn ra, ngọn cờ đỏ sao vàng được cắm và sử dụng ở khắp mọi nơi ngoài đường phố: Ngọn cờ được dùng để làm áo, quần che...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

SYDNEY TRỞ THÀNH NƠI NÓNG NHẤT HÀNH TINH

Hôm qua (ngày 4/1/2020), Thành phố Sydney trở thành nơi nóng nhất trên hành tinh này khi phải đối mặt với mức nhiệt gần 50°C. Penrith – khu vực ngoại ô phía Tây Sydney đã...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic