NGUY CƠ TỪ NƯỚC: MỐI HIỂM HOẠ TỪ CÁC CON ĐẬP CŨ TRÊN THẾ GIỚI


hanhtinhtitanic
NGUY CƠ TỪ NƯỚC: MỐI HIỂM HOẠ TỪ CÁC CON ĐẬP...

Một nghiên cứu mới của LHQ cho thấy, hàng chục nghìn con đập lớn trên toàn cầu đang hết tuổi thọ dự kiến, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về trục trặc kỹ thuật và sự cố suy sụp. Những công trình đang xuống cấp này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hàng trăm triệu người sống ở khu vực hạ lưu.

Fred Pearce là tác giả và nhà báo tự do sống tại Anh. Ông là nhà báo đóng góp cho Yale Environment 360 và là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm The Land Grabbers (Kẻ Cướp Đất), Earth Then and Now: Amazing Images of Our Change World (Trái Đất Quá khứ và Hiện tại: những Bức ảnh Đáng Kinh Ngạc về Thế giới Đang Thay đổi của Chúng ta), và The Climate Files: The Battle for the Truth About Global Warming (Hồ sơ Khí hậu: Trận chiến cho Sự thật Về Hiện tượng Nóng lên Toàn cầu)

Bài viết này được bạn Minh Nhật chuyển ngữ cho Hành tinh Titanic từ nguồn:

Water Warning: The Looming Threat of the World’s Aging Dams

Các kỹ sư đã tìm thấy các vết nứt trên Đập Kariba cao 420m trên sông Zambezi ở Nam Phi. Nguồn ảnh: DMITRIY KANDINSKIY / SHUTTERSTOCK

Có ai lại muốn (hoặc, dám) sống ở hạ lưu của Đập Mullaperiyar 125 tuổi, nằm ẩn mình trong vùng địa chấn của dãy núi Western Ghats ở Ấn Độ? Theo một nghiên cứu năm 2009 của các kỹ sư địa chấn tại Viện Công nghệ Ấn Độ, di tích cao 176 foot (53,6m) của đế quốc Anh này bị nứt trong các trận động đất nhỏ ngày trước, vào các năm 1979 và 2011, và nó có thể không chịu được một trận động đất mạnh quá 6,5 độ Richter.

Thế mà có đến ba triệu người hiện đang sống ở hạ lưu của con đập. Nhưng yêu cầu của họ về việc tháo dỡ nó lại bị lằng nhằng thành một vụ kiện pháp lý kéo dài, tại Tòa án Tối cao quốc gia, giữa Kerala, bang hạ nguồn đang bị đe dọaTamil Nadu, bang ở thượng nguồn vận hành con đập để lấy nước tưới tiêu và thủy điện.

Hoặc sẽ thế nào nếu dám sống bên dưới đập Kariba, do người Anh xây dựng trên sông Zambezi ở Nam Phi cách đây 62 năm? Hồi đó, nó được coi là tương đương với Đập Hoover của Châu Phi. Nhưng vào năm 2015, các kỹ sư phát hiện ra rằng, nước thoát ra qua các khe ngập của nó đã khoét một lỗ sâu hơn 260 feet (80m) dưới đáy sông, gây ra các vết nứt và đe dọa lật đổ con đập bê tông cao 420 feet (128m) và đồng thời là hồ nhân tạo lớn nhất thế giới.

Ở hạ lưu con đập này hiện là nơi định cử của khoảng 3,5 triệu người, tương tự như trường hợp ở một con đập khổng lồ khác, Đập Cahora BassaMozambique, nơi giới kỹ sư ở đây lo ngại có thể sẽ bị vỡ nếu bị nước lũ tấn công ngay khi đạp Kariba ở phía trên sụp đổ. Mặc dù rất khẩn trương, nhưng công việc sửa chữa tiêu tốn đến 300 triệu đô la này sẽ không thể được hoàn thành sớm cho đến năm 2023.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng đã có khoảng 19.000 đập lớn có hơn 50 năm tuổi trên toàn cầu.

Cả hai con đập này là minh chứng cho sự kết hợp nguy hiểm tiềm tàng của 3 yếu tố: sự xuống cấp của công trình, nguy cơ đang leo thang và nạn quan liêu ỳ ạch, được nêu bật trong một nghiên cứu mới tiên phong về rủi ro ngày càng tăng từ các con đập già cỗi trên thế giới, được công bố vào tháng 01 bởi Đại học Liên hợp quốc (UNU), một đơn vị hàn lâm và là cánh tay nghiên cứu đắc lực của Liên Hợp Quốc (UN). Nó cảnh báo rằng các nguy cơ dồn tích lâu ngày đang gia tăng khi các đập thuỷ điện sắp hết thời gian thiết kế của chúng, đang gây ra ngày càng nhiều các lỗi hỏng hóc, rò rỉ và xả nước khẩn cấp đe dọa hàng trăm triệu người sống ở hạ lưu. Trong khi đó, các nhân viên thanh tra an toàn không thể theo kịp khối lượng công việc sửa chữa chúng.

Thế kỷ 20 là thời kỳ bùng nổ của giới xây dựng đập nước. Đỉnh điểm của phong trào này, đặc biệt ở Châu Á, là từ giữa những năm 1950 đến giữa thập kỷ 1980, khi các con đập ngày càng triển khai thịnh hành để tạo ra thủy điện, tích trữ nước để tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt, cũng như điều tiết dòng chảy của sông ngòi để ngăn lũ lụt và cải thiện dẫn hướng cho tàu bè.

Nhưng sự bùng nổ này đã đi qua. Ts. Vladimir Smakhtin thuộc Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của UNU ở Hamilton, Canada – đồng tác giả của nghiên cứu khoa học trên – đã nói với Yale Environment 360 như sau:

“Vài thập kỷ trước, hàng nghìn con đập lớn được xây dựng mỗi năm. Bây giờ con số đó giảm xuống còn chừng một trăm”.

Hầu hết các địa điểm được giới kỹ sư xây dựng đập tìm kiếm, chẳng hạn như ở các thung lũng hẹp, đã được triển khai hết rồi. Các con đập hiện đang ngăn phần lớn những con sông trên thế giới, và có thể chứa một lượng nước tương đương một phần sáu tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm của chúng. Smakhtin cho biết trong khi đó, các mối quan tâm về môi trường và xã hội liên quan đến tình trạng ngập lụt đất đai và hệ sinh thái sông bị phá hủy ngày càng tăng lên, và đã có nhiều lựa chọn thay thế để tạo ra điện với mức phát thải carbon thấp.

Một chiếc máy bay trực thăng thả bao cát xuống Đập Toddbrook 188 tuổi ở Anh Quốc sau khi cửa xả bị sập, buộc một thị trấn gần đó phải sơ tán vào năm 2019. Nguồn ảnh: LEON NEAL/GETTY IMAGES

Vì vậy, có một số lượng các đập lớn trên thế giới, được xác định là những đập cao hơn 15 mét (49 feet), đang nhanh chóng trở nên cũ kỹ. Trong năm ngoái – năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng đã có 19.000 đập trên 50 năm tuổi, mà nghiên cứu của UNU kết luận là đã hết vòng đời sử dụng và cần được tu bổ toàn bộ hoặc phải bị dỡ bỏ.

Nước Anh và Nhật Bản có các con đập lâu đời nhất, với độ tuổi trung bình lần lượt là 106 và 111 năm. Trung bình các đập nước của Hoa Kỳ có độ tuổi là 65 năm. Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ, tâm chấn của cơn sốt xây đập giữa thế kỷ 20, không bị tụt lại quá xa, với tuổi trung bình của 28.000 đập lớn hiện nay lần lượt là 46 và 42 năm. Báo cáo của UNU cho biết:

“Đến năm 2050, tức là vào giữa thế kỷ 21, phần lớn nhân loại sẽ sống ở hạ lưu các con đập lớn được xây dựng từ thế kỷ 20”.

Ts. Smakhtin cho biết nguy cơ dồn tích lâu ngày của các con đập cũ kỹ càng gây ra những rủi ro về an toàn, khi các kết cấu của chúng trở nên dễ nứt vỡ hơn và biến đổi khí hậu làm gia tăng áp lực khi lưu lượng sông ngòi ngày càng khắc nghiệt hơn. Báo cáo cho thấy tỷ lệ vỡ đập gia tăng mạnh kể từ năm 2005. Tuy nhiên, Ts. Duminda Perera, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cũng thuộc UNU, cho biết đã không có cơ sở dữ liệu toàn cầu về vấn đề này. Nhưng ông đã tìm thấy báo cáo về hơn 170 lần đập nước hỏng hóc từ năm 2015 đến năm 2019, trong khi trước năm 2005, mức trung bình của con số này là dưới 4 lần mỗi năm. Vào tháng 1/2020, Đập Kandesha của Zambia, được xây dựng vào những năm 1950, đã sụp đổ trong mưa lớn, khiến hàng nghìn người dân phải di tản. Tháng 6/2020, một đập thủy lợi 55 tuổi ở vùng Quảng Tây của Trung Quốc đã vỡ sau khi bức tường chắn đập dài 492 foot (150m) của nó bị nhấn chìm trong mưa lớn. Một tháng trước đó, hai con đập cũ ở Michigan đã bị sập trong trận mưa lớn – Đập Edenville 96 tuổi trên sông Tittabawassee đã gây ra một trận lũ lớn phá hủy Đập Sanford 94 tuổi cũng ở hạ lưu con sông này.

Giới kỹ sư xây đập nói rằng những mối đe dọa lớn nhất trong các thập kỷ tới có lẽ sẽ nằm ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Vào tháng 8 năm 2019, một trong những con đập lâu đời nhất của Anh gần như bị hỏng. Khoảng 1.500 cư dân của thị trấn Whaley Bridge được lệnh phải rời khỏi nhà của họ sau khi cổng xả từ Đập Toddbrook 188 năm tuổi, được xây dựng để cung cấp nước cho một con kênh, đã bị sập trong trận mưa lớn, nước tràn ra bắt đầu gây xói mòn tại chính con đập, làm dấy lên lo ngại rằng cấu trúc của nó sẽ sụp đổ và nhấn chìm thị trấn.

Vào năm 2017, tại Đập Oroville 50 năm tuổi ở chân đồi Sierra Nevada của California, một cổng xả đã bị sập. Sự kiện này khiến khoảng 180.000 người phải sơ tán. Con đập cao 770 foot (234m) này là đập nước cao nhất ở Hoa Kỳ, và sau khi sửa chữa cửa xả, con đập này vẫn rất quan trọng đối với nguồn cung ứng nước của tiểu bang.

Giới kỹ sư xây đập nói rằng những mối đe dọa lớn nhất trong các thập kỷ tới có lẽ nằm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trong quá khứ, cả hai quốc gia này đều từng hứng chịu những vụ vỡ đập khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Năm 1979, trong một trận lũ lụt, vụ sụp đổ của Đập Machchhu Gujarat, Ấn Độ, đã giết chết 25.000 người.

Bốn năm trước, Đập Banqiao Hà Nam, Trung Quốc đã vỡ toang, tạo ra 1 con sóng kéo dài 7 dặm (hơn 11km) và có chiều cao 20 feet (6 mét) theo hạ lưu con sông với tốc độ 30 dặm một giờ (48 km/g). Nó ngay lập tức giết chết khoảng 26.000 người, bao gồm toàn bộ dân số của thị trấn Daowencheng. Có tới 170.000 người khác chết trong nạn đói và dịch bệnh sau đó. Thảm họa này được xem là sự cố công trình gây chết nhiều người nhất trong lịch sử. Vụ việc này được giữ kín như một bí mật quốc gia trong nhiều năm.

Nước được xả ra từ đập Sanmenxia ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào năm 2019 để ngăn tràn đập. Nguồn ảnh: SUN MENG/VCG VIA GETTY IMAGES

Cả hai thảm họa này đều liên quan đến các đập có độ tuổi còn khá trẻ, lần lượt là 20 và 23 năm. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chúng cho thấy có thể còn nhiều quả bom nổ chậm tương tự được xây dựng từ thời kỳ đó.

Trung Quốc có khoảng 24.000 đập lớn. Nhiều cái có từ những ngày của cuộc Cách mạng Văn hóa, khi hệ tư tưởng chủ nghĩa Mao lấn át sức mạnh kỹ thuật công nghệ trong nỗ lực phát triển kinh tế. Một phân tích năm 2011 của Ts. Meng Yang, hiện thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, đã báo cáo rằng một phần ba các đập nước của quốc gia này “được coi là có nguy cơ cao do cấu trúc lỗi thời và/hoặc không được bảo trì thích hợp”.

Tính đến năm 2050, tại Ấn Độ, Giám đốc Ủy ban Cấp nước Trung ương, Jade Harsha, cảnh báo vào năm 2019 rằng nước này sẽ có hơn 4.000 đập lớn trên 50 tuổi. Hơn 600 đập đã tồn tại được nửa thế kỷ. Những con đập mà Jawaharlal Nehru – Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ – vào năm 1954 đã tôn sùng là “những ngôi đền của Ấn Độ, nơi tôi tôn thờ”, thì hiện đã trở thành những công trình già cỗi mà theo Harsha, mức độ an toàn hiện được đánh giá là “điểm mù trong các chính sách về nước của Ấn Độ”.

Ngân hàng Thế giới đồng ý về điều đó. Tháng 12/2020, họ đã công bố khoản cho vay 250 triệu đô la cho Ấn Độ cho một dự án đang tiến hành nhằm “tăng cường an toàn các con đập”, với việc kiểm tra và quản lý tốt hơn các đập lớn của quốc gia này, hiện đang chứa 240 triệu mẫu-Anh khối nước (tức là 296.035.200.000 m3 nước) – bắt đầu với 120 con đập trong số hạm đội đập già cỗi của nước này.

Martin Wieland, chủ tịch ủy ban về các khía cạnh của địa chấn trong thiết kế đập nước tại Ủy Ban Quốc Tế về Đập Lớn có trụ sở đặt tại Paris, cơ quan hàng đầu của giới chuyên gia về đập, nói với Yale e360 rằng:

“nhiều đập vẫn có thể tồn tại lâu hơn 50 hoặc 100 năm nếu được thiết kế tốt , được xây dựng tốt, và được bảo trì và giám sát tốt. Đập bê tông lâu đời nhất ở châu Âu, Đập Maigrauge [ở Thụy Sĩ] được hoàn thành vào năm 1872 và dự kiến có tuổi thọ 200 năm”.

Tuy nhiên, ông nói, “sự an toàn của một con đập có thể xấu đi rất nhanh.” Ông cho rằng một phần lớn rủi ro ngày càng tăng là “không phải do vấn đề già đi, mà là số lượng người cư ngụ ở hạ nguồn tăng lên.”

Các đập hầu hết được làm bằng đất, đá hoặc bê tông. Chúng có thể hỏng do bê tông mục nát, nứt, thấm nước, các vết nứt ẩn trong đá xung quanh hoặc bị xô lệch dưới sức nặng của chính chúng. Chúng có thể bị hỏng lớp lót, do động đất, bị phá hoại hoặc bị rửa trôi khi nước lụt xâm nhập lên đến đỉnh của chúng. Wieland cho biết việc kiểm tra thường xuyên là rất quan trọng.

Biến đổi khí hậu, đang gây ra nhiều đợt lũ lụt nghiêm trọng hơn, và các con đập cũ kỹ đe dọa trở thành nguy cơ gây chết người.

Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại trên toàn cầu về việc thiếu các chuyên gia kiểm định có khả năng đánh giá rủi ro từ những con đập cũ, dẫn đến việc đình trệ các cuộc kiểm tra và các nguy cơ bị phớt lờ đi. Một cuộc điều tra sau sự cố của Đập OrovilleHoa Kỳ cho thấy rằng các cuộc kiểm tra trước đây đã không phát hiện ra sai sót về kết cấu đập. Như Wieland đã nói:

“Không phải mọi thứ đều có thể nhìn thấy hoặc đo lường được.”

Nhiều đập cũ hiện đang bị bỏ hoang do các hồ chứa của chúng chứa đầy trầm tích do các con sông để lại khi bị đập chặn. Một nghiên cứu quốc tế vào năm 2014, dẫn đầu do Ts. G. Mathias Kondolf thuộc Đại học California, nhánh Berkeley, ước tính rằng hơn một phần tư tổng lượng phù sa của các con sông trên thế giới đang bị giữ lại đằng sau các con đập.

Trên sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, con sông chứa nhiều phù sa nhất thế giới, đập Sanmenxia đã bị lấp đầy chỉ trong vòng sau hai năm. Theo giới quan chức, các hồ chứa của Ấn Độ đang mất gần 1.973.568.000 m3 tích trữ nước mỗi năm do hiện tượng tích tụ trầm tích.

Sự tích tụ của phù sa khiến các con đập trở nên kém hữu ích hơn, nhưng đôi khi cũng khiến chúng biến thành nguy hiểm hơn. Điều này là do với không gian hồ chứa ít hơn, các con đập có nguy cơ bị tràn khi mưa lớn. Để cứu công trình của họ, những nhà vận hành đập nước thường hay thực hiện việc xả khẩn cấp đột ngột xuống các cửa xả khi nước lũ dâng cao.

Sau khi cơn bão Mitch quét qua Trung Mỹ vào năm 1998, hàng trăm người ở thủ đô Tegucigalpa của Honduras đã chết ngay trên giường của họ khi một “bức tường nước” quét qua nhiều cộng đồng nghèo cư ngụ ven sông của thành phố này. Các nhà điều tra từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey) kết luận rằng “bức tường” xuất hiện khi những người điều hành 02 con đập chính của thành phố tiến hành xả nước khẩn cấp khi lũ dâng cao. Hai con đập chỉ được xây dựng vào những năm 1970, nhưng đã mất nhiều khả năng do phù sa bồi tụ.

Các công nhân đánh giá thiệt hại sau sự cố sập một cửa xả tại Đập Oroville 50 năm tuổi ở California vào năm 2017. Nguồn ảnh: FLORENCE LOW / SỞ TÀI NGUYÊN NƯỚC CALIFORNIA

Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang mang đến nhiều trận lũ lụt nghiêm trọng hơn cho nhiều nơi, và các con đập cũ kỹ có nguy cơ gây chết người. Ts. Smakhtin nói:

“Các đập cũ được thiết kế và xây dựng trên cơ sở các ghi nhận thủy văn trong thời kỳ trước khi biến đổi khí hậu xảy ra. Bây giờ mọi thứ đã khác, và điều này thật đáng lo ngại.”

Điều gì nên được triển khai? Giới chuyên gia cho biết, một số đập cũ vẫn còn an toàn, nhưng tất cả các con đập cần được kiểm tra nghiêm ngặt hơn nhiều khi chúng trở nên cũ kỹ, thường dẫn đến việc phải sửa chữa tốn kém. Rất nhiều công trình sẽ cần phải được tái cấu trúc để đối phó với những dòng chảy khắc nghiệt của sông ngòi, khác xa với những dòng chảy như dự kiến khi chúng được xây dựng lúc ban đầu.

Nhưng báo cáo của UNU chỉ ra rằng nguy cơ dồn tích lâu ngày của các con đập khiến giá trị của chúng không còn nữa – phần vì phù sa bội tụ hoặc vì có các nguồn sản xuất điện thay thế – và các con đập này được giữ lại chủ yếu vì việc loại bỏ chúng rất tốn kém và khó khăn về mặt kỹ thuật. Đây vừa là một mối đe dọa an toàn vừa là một thảm kịch cho các hệ sinh thái sông có thể được phục hồi bằng cách dỡ bỏ đập.

Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới về việc ngừng vận hành các con đập nước, với hơn 1.000 con đập đã được dỡ bỏ trong 30 năm qua. Nhưng ngay cả khi làm được như vậy, thì các con đập được dỡ bỏ ở Mỹ cho đến nay hầu hết đều có kích cỡ nhỏ, thường có chiều cao dưới 16 feet (1,8 mét). Một ngoại lệ là Con Đập Glines Canyon 87 năm tuổi ở Công viên Olympic, Washington, bị dỡ bỏ vào năm 2014. Với độ cao vách đập là 210 feet (64 mét), đây là con đập lớn nhất từng bị phá dỡ. Nhiệm vụ này mất hai thập kỷ để lên kế hoạch và tiến hành. Tuy nhiên, Ts. Smakhtin nói rằng, hàng nghìn đợt dỡ đập như vậy có thể là điều cần thiết để ngăn chặn sự gia tăng của các thảm họa liên quan đến đập nước.

Ông cho biết:

“Một số đập lớn đến mức khó hình dung được cách tiếp cận xử lý. Hãy nhìn vào đập Kariba. Nó quá khổng lồ, và vào giữa thế kỷ này, nó sẽ chạm đến mốc một trăm năm tuổi. Hy vọng rằng đến lúc đó, chúng ta sẽ có công nghệ để phá huỷ nó. Nhưng hiện tại, chúng tôi không biết phải làm thế nào.”

BÌNH LUẬN CỦA HÀNH TINH TITANIC

Một thời, thế giới bao gồm cả Việt Nam, đã quá vội vã trong việc xây dựng nên các con đập, tận dụng cùng lúc được sức nước để sản sinh ra điện, tích trữ nước tưới tiêu, và sinh hoạt. Những lợi ích đồng thời này đã bao hàm trong chữ “Thuỷ lợi” của Tiếng Việt, bao gồm cả những việc dơ bẩn nhân danh thuỷ điện để đốn hạ những khu rừng vàng, hợp thức hoá việc khai thác gỗ quý hiếm.

Song song với lợi ích nhãn tiền từ 1950-1980 đó, loài người vì lòng tham đã đánh giá quá thấp về hậu quả, bao gồm cả yếu tố biến đổi khí hậu, hay khả năng bảo trì, tháo dỡ các con quái vật này. Chúng ta đã quá ích kỷ gạt đi lợi ích của các vùng hạ lưu và nhắm mắt trước các thách thức của việc thay đổi tự nhiên, dòng chảy vốn đã được hình thành từ hàng nghìn năm nay.

Với số lượng cư dân hạ lưu ngày càng đông đúc, những thảm hoạ kết hợp cả “nhân tai” và “thiên tai” sẽ sớm quét sạch các nỗ lực phát triển kinh tế, đặc biệt là những nước nghèo, đông dân và không nghiêm túc trong việc bảo trì những “cục nợ” này.

Và ngày hôm nay, người ta đã hồ hởi phấn khởi để làm nên những cánh đồng điện mặt trời tại Việt Nam. Liệu rằng câu chuyện đánh giá rủi ro môi trường đã được thực hiện nghiêm túc, hay 50 năm sau chúng ta lại tiếp tục đau đầu giải quyết hậu quả của nền kinh tế đói khát năng lượng này?

Các bạn có thể tham khảo thêm về Tác động Môi trường của Năng lượng Mặt Trời tại: Environmental Impacts of Solar Power.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Siêu bão/Lốc xoáy

NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA KHÍ TƯỢNG VỀ SIÊU BÃO HAGIBIS

New York Times nêu nhận định của các chuyên gia khí tượng về siêu bão HAGIBIS: 1. Ts. Brandon Bukunt tại Dịch vụ Khí tượng Quốc gia Hoa Kỳ (Tiyan, Guam): – HAGIBIS sẽ đổ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Suy giảm đa dạng sinh học

NGÀY TẬN THẾ CÔN TRÙNG

Insectageddon – hay còn gọi là “ngày tận thế côn trùng”, là thời điểm hệ sinh thái thực vật hành tinh sụp đổ, khi mà ô nhiễm hóa chất sử dụng trong nông nghiệp (hay...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic