NGHIÊN CỨU CHO THẤY BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU “CÓ THỂ ĐÓNG MỘT VAI TRÒ QUAN TRỌNG” TRONG ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS


hanhtinhtitanic
NGHIÊN CỨU CHO THẤY BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU...

Biến đổi khí hậu do con người gây ra “có thể đã đóng một vai trò quan trọng” trong đại dịch coronavirus. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới nhằm xem xét xem liệu sự thay đổi của khí hậu đã tác động đến các khu rừng ở Đông Nam Á như thế nào, dẫn đến sự bùng nổ các chủng loài dơi trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, do sự thay đổi của thảm thực vật trong 100 năm qua, đã có thêm 40 loài dơi di chuyển đến sống tại khu vực này, mang theo thêm 100 loại coronavirus do dơi sinh ra. Dơi được biết đến như là vật chủ mang coronavirus, với nhiều loài mang hàng nghìn chủng loại virus khác nhau. Nhiều nhà khoa học tin rằng virus gây ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu bắt nguồn từ loài dơi ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, hoặc các khu vực lân cận trước khi lây nhiễm sang người.

Những phát hiện này khiến giới khoa học lo ngại về khả năng biến đổi khí hậu sẽ khiến các đại dịch trong tương lai dễ xảy ra hơn.

Tiến sĩ Robert Beyer, tác giả chính của nghiên cứu khoa học trên và là nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge giải thích:

“Nếu những con dơi mang khoảng 100 loại coronavirus mở rộng vùng sinh sống đến một khu vực mới do biến đổi khí hậu, thì có vẻ như xác suất về khả năng một chủng coronavirus gây hại cho con người hiện diện, lây truyền hoặc tiến hóa trong khu vực này sẽ tăng lên, chứ không phải giảm đi.”

Du khách đi tham quan bên trong hang động bị bỏ hoang ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 2 tháng 12 năm 2020. Sự tiếp xúc giữa dơi và người khiến giới khoa học cảnh báo là nguồn tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh. Nguồn ảnh: NG HAN GUAN / AP

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các ghi nhận khí hậu để tạo ra một bản đồ thảm thực vật trên thế giới như cách đây một thế kỷ. Sử dụng kiến ​​thức về kiểu thảm thực vật phù hợp với các loài dơi khác nhau, họ đã xác định được sự phân bố trên toàn cầu của từng loài vào đầu thập niên 1900.

Sau đó, họ so sánh bản đồ này với quần thể dơi hiện tại. Kết quả cho thấy có một sự phát triển phong phú và mạnh mẽ các chủng loài dơi – là số lượng các loài dơi khác nhau được tìm thấy trong một khu vực nhất định – ở vùng Đông Nam Á này nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất.

Hình ảnh dưới đây, từ nghiên cứu trên, cho thấy các khu rừng ở miền Nam Trung Quốc, Myanmar và Lào đã thay đổi như thế nào trong vòng một thế kỷ qua, với môi trường sống ngày càng phù hợp với loài dơi và cho phép nhiều chủng loại khác của loài này sinh sôi tăng đàn nhanh chóng hơn. Vùng tô đỏ đậm này trong khu vực cho thấy sự gia tăng phong phú của các chủng loài dơi. (Nghiên cứu không xem xét quy mô dân số quần thể, chỉ xem xét sự đa dạng của các loài dơi trong khu vực.)

Nguồn: Ts. ROBERT BEYER

Theo các tác giả nghiên cứu, các thay đổi về mặt khí hậu như sự gia tăng nền nhiệt độ, ánh sáng Mặt Trời và mật độ carbon dioxide… chính là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của lớp thực vật và cây cối, làm thay đổi cấu trúc thảm thực vật ở miền Nam Trung Quốc, biến vùng cây bụi nhiệt đới thành thảo nguyên nhiệt đới và rừng cây rụng lá theo mùa. Các tác giả cho rằng kiểu rừng này phù hợp hơn với các loài dơi.

Nghiên cứu gọi khu vực này ở Đông Nam Á là “điểm nóng toàn cầu” đối với các loài dơi và chỉ ra dữ liệu di truyền cho thấy SARS-CoV-2, virus gây ra bệnh truyền nhiễm COVID-19, có nguồn gốc từ khu vực này.

Theo các tác giả, điều này cung cấp bằng chứng đầu tiên về cách mà biến đổi khí hậu có thể đóng một vai trò trực tiếp trong quá trình xuất hiện của virus.

Ts. Beyer cho biết:

“Trong thế kỷ qua, chúng tôi ước tính rằng biến đổi khí hậu đã khiến số lượng loài dơi ở những nơi có khả năng là nguồn gốc của SARS-CoV-2 tăng lên đáng kể. Sự gia tăng này gợi ý một cơ chế khả thi về việc biến đổi khí hậu có thể đóng một vai trò như thế nào đối với nguồn gốc của đại dịch.”

Vào tháng Giêng vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới cuối cùng đã được phép đến Vũ Hán (Trung Quốc) để điều tra nguồn gốc của đợt bùng phát dịch bệnh, lần đầu tiên được báo cáo tại thành phố đó cách đây hơn một năm. Một giả thuyết hàng đầu giữa các nhà khoa học là virus có nguồn gốc từ dơi trước khi chuyển sang người, có khả năng thông qua vật chủ là một loài động vật khác như tê tê chẳng hạn. Một số trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên có liên quan đến chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán. Nhưng hiện tại, đây chỉ là một giả thuyết, và các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu chính thức điều tra nguồn gốc của đại dịch.

Tiến sĩ Rick Ostfeld, một chuyên gia về sinh thái bệnh học từ Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary (Cary Institute of Ecosystem Studies) ở Millbrook, New York, nhận thấy nghiên cứu này rất hấp dẫn, mặc dù ông không đồng ý với tất cả các kết luận của nó. Ông nói rằng không có gì là ngạc nhiên khi biến đổi khí hậu đã làm thay đổi hiện trạng rừng và quần thể dơi. Ông cũng đồng ý với các tác giả nghiên cứu rằng sự di cư của các loài động vật có thể làm cho virus lây lan. Ông nói:

“Việc các quần thể động vật di chuyển xung quanh một khu vực có thể có tác động mạnh mẽ đến khả năng lây truyền bệnh bằng cách để vật chủ phơi nhiễm với các mầm bệnh mới.”

Nhưng ông thận trọng khi đưa ra các kết luận xa hơn thế. Ts. Ostfeld nói thêm:

“Mối liên hệ dẫn đến sự xuất hiện của coronavirus vẫn còn mang tính chất lý thuyết và có vẻ khó xảy ra. Điều mà nghiên cứu này đã sai rõ ràng chính là giả định rằng, sự đa dạng ngày càng tăng của các loài dơi (mà chúng được mặc nhiên là đúng) dẫn đến tăng nguy cơ gia tăng một loại virus do dơi truyền sang người. Đơn giản là không phải như vậy. Phần lớn dơi vô hại đối với con người – chúng không chứa virus có thể gây bệnh cho chúng ta. Vì vậy, việc có thêm nhiều loài xuất hiện không làm tăng nguy cơ. “

Kate Jones, một giáo sư về sinh thái học và đa dạng sinh học tại Đại học College London, cũng có phần tỏ ra thận trọng. Bà cho biết:

“Biến đổi khí hậu chắc chắn có một vai trò trong việc thay đổi sự phân bố của các loài để làm tăng nguy cơ sinh thái. Tuy nhiên, rủi ro của hiệu ứng lan tỏa ấy là một sự tác động ảnh hưởng lẫn nhau rất phức tạp của không chỉ nguy cơ sinh thái mà còn cả sự phơi nhiễm và dễ bị tổn thương của con người.”

Ts. Beyer hoàn toàn đồng ý rằng “thận trọng là chính đáng” khi nói đến việc kết nối trực tiếp giữa biến đổi khí hậu với đại dịch bởi vì, như ông giải thích, đánh giá mức độ mà biến đổi khí hậu đã góp phần vào bất kỳ giai đoạn nào giữa một con dơi mang virus và một con người bị nhiễm bệnh sẽ mất nhiều công sức hơn. Đặc biệt, ông nói rằng điều này liên quan đến việc sử dụng các mô hình dịch tễ học để phân tích sự tương tác giữa các chủng loài và virus khác nhau trong không gian và thời gian.

Mặc dù mọi người đều hiểu rằng sự gia tăng theo cấp số nhân của dân số loài người và việc chúng ta khai thác tràn lan thế giới tự nhiên, như phá rừngnạn buôn bán động vật mở rộng, đang làm tăng nguy cơ các mầm bệnh truyền nhiễm có thể dễ dàng nhảy từ động vật sang người hơn, nhưng điều đó vẫn chưa đủ rõ ràng về mức độ góp phần tác động của các nhân tố biến đổi khí hậu.

Các viên chức y tế kiểm tra những con dơi bị tịch thu và tiêu hủy chúng sau khi coronavirus bùng phát tại một chợ động vật sống ở Solo, miền Trung Java, Indonesia, vào ngày 14 tháng 3 năm 2020. Nguồn ảnh: AP

Tuy nhiên, trong thế kỷ qua, do cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu mà con người gây ra, nhiều hệ sinh thái đã ấm lên – đôi khi lên đến vài độ – và các hình thái mưa đã thay đổi, với lượng mưa ít đi ở một số khu vực và tăng lên tại những khu vực khác. Các thay đổi sinh thái này đang làm biến đổi môi trường sống của nhiều chủng loài, khiến nhiều loài tiếp xúc gần với nhau hơn, có khả năng cho phép virus lây lan dễ dàng hơn.

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa khí hậu với sự lây lan của dịch bệnh, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng có một sự tương tác, nhưng một số cho rằng những hành động trực tiếp của con người như phá rừng, phát triển hoặc chăn nuôi quy mô công nghiệp, lại đáng quan tâm hơn. Gs. Jones nói:

“Hóa ra rằng, có thể việc con người gia tăng dân số, việc con người di chuyển và môi trường tự nhiên suy thoái thông qua bành trướng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tìm hiểu quá trình lây lan của virus SARS-CoV-2.”

Ts. Ostfeld nhận xét:

“Chúng ta có thể dự đoán chủng loài động vật hoang dã nào nhiều khả năng mang mầm bệnh nhất có thể gây bệnh cho con người. Chúng thường phát triển mạnh khi chúng ta thay thế môi trường sống tự nhiên (như rừng rậm và đồng cỏ savan) bằng nông nghiệp, phát triển khu dân cư và cụm trung tâm thương mại.”

Ts. Beyer thấy không có vấn đề gì với những đánh giá đó. Ông nói:

“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc mở rộng các khu vực đô thị, đất nông nghiệp và bãi săn xâm phạm môi trường sống tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến việc lây truyền bệnh từ động vật sang người – chúng là nguyên nhân đưa nhiều động vật mang mầm bệnh và con người đến tiếp xúc với nhau ngay từ đầu”.

Nhưng với những phát hiện trong nghiên cứu của mình về cách nền khí hậu định hình lại các khu vực sinh thái, Ts. Beyer cảm thấy biến đổi khí hậu có thể là một nguyên nhân quan trọng. Ông nói:

“Biến đổi khí hậu có thể đẩy những động vật đến nơi mà chúng đang xuất hiện hiện nay; nói cách khác, biến đổi khí hậu đưa mầm bệnh đến gần với con người hơn. Hiện tượng này cũng có thể đưa một loài mang virus đến môi trường sống của một loài khác, mà sau đó, virus có thể thực hiện bước nhảy khác [đến vật chủ mới] – một bước mà có thể đã không xảy ra nếu không có tác động của biến đổi khí hậu, và điều đó có thể gây ra những hậu quả lâu dài quan trọng đối với nơi virus có thể đến tiếp theo. “

Beyer cũng nhận thấy các mối liên hệ về khí hậu không chỉ là ở sự gia tăng quần thể của các loài dơi. Ông nói:

“Trong một số trường hợp, nhiệt độ cao hơn có thể làm tăng tải lượng virus nơi các loài, khiến virus dễ lây truyền hơn. Và: Nhiệt độ tăng có thể làm tăng khả năng chịu nhiệt của virus, mà từ đó làm tăng tỷ lệ lây nhiễm vì một trong những cơ chế phòng thủ chính của chúng ta đối với các bệnh truyền nhiễm chính là tăng nhiệt độ cơ thể (sốt) [để chống lại căn bệnh].”

Trong khi cộng đồng khoa học có một số thận trọng về tác động cụ thể của biến đổi khí hậu đối với đại dịch coronavirus hiện nay, họ cũng đồng tình rộng rãi rằng, trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ là động lực ngày càng lớn khiến các bệnh truyền nhiễm và đại dịch xuất hiện thêm.

Ts. Beyer nói:

“Biến đổi khí hậu sẽ thay đổi sự phân bố vùng địa lý của các loài mang mầm bệnh theo cách mà chúng sẽ sống chung với các loài mà chúng chưa sống chung bao giờ với nhau trước đây. Những tương tác mới này sẽ tạo cơ hội nguy hiểm cho virus lây lan và phát triển.”

Ts. Ostfeld cho biết:

“Biến đổi khí hậu chắc chắn là một động lực quan trọng dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của dịch bệnh. Nó có thể làm gia tăng sự lây truyền theo một số cách khác nhau. Vì vậy, vâng, biến đổi khí hậu chắc chắn làm cho tôi lo lắng, như là nguyên nhân dẫn đến các đại dịch trong tương lai.”

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nạn đói & khát

DAY ZERO

“Day zero” được định nghĩa là ngày mà một cộng đồng dân cư địa phương nhất định nào đó trải nghiệm thời điểm KHÔNG CÒN NƯỚC để mà sử dụng – từ nước ngầm chảy...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Hệ thống Tư bản Tài chính

CÚ LỪA LỚN NHẤT THẾ KỶ 21

Đây là một hình ảnh dự báo trước công nghệ khoa học của tương lai? Sau khi nền khoa học thương mại của chủ nghĩa tư bản đã gây ô nhiễm, đốt hết và tàn phá mọi điều kiện căn bản để...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic