SỰ KẾT HỢP TIỀM TÀNG CÓ THỂ GÂY TỬ VONG GIỮA ĐỘ ẨM VÀ NỀN NHIỆT CAO ĐANG XUẤT HIỆN TRÊN TOÀN CẦU


hanhtinhtitanic
SỰ KẾT HỢP TIỀM TÀNG CÓ THỂ GÂY TỬ VONG GIỮA...

Hầu hết mọi người đều biết rằng kiểu nhiệt ẩm khó đối phó hơn loại nhiệt “khô”. Và gần đây, một số nhà khoa học đã dự báo rằng vào cuối thế kỷ này, ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, khí hậu ấm lên có thể kết hợp nhiệt độ và độ ẩm đạt đến các mức độ mà con người chưa từng trải nghiệm trước đây. Những điều kiện như vậy sẽ tàn phá các nền kinh tế, và thậm chí có thể vượt qua giới hạn sinh lý của sự sống con người.

Tuy nhiên, theo một báo cáo khoa học mới nhất, những dự báo trước đây đều đã hoàn toàn sai: các điều kiện nhiệt ẩm nói trên đã đang xảy ra rồi. Báo cáo này đang xác nhận hàng ngàn đợt nhiệt độ và độ ẩm tăng cực độ và cực kỳ hiếm gặp trước đây ở Châu Á, Châu Phi, Australia, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, bao gồm cả khu vực duyên hải Vịnh Mexico ở Hoa Kỳ. Dọc theo Vịnh Ba Tư, gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện hơn một chục vụ bùng phát ngắn tình trạng nhiệt ẩm vượt qua giới hạn sống sót về mặt lý thuyết của con người. Theo các tác giả của nghiên cứu khoa học này, cho đến nay, các đợt bùng phát nhiệt ẩm chỉ xuất hiện trong phạm vi địa phương và kéo dài một vài giờ, nhưng chúng lại đang gia tăng về tần suất và cường độ. Nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí Science Advances vào ngày 8/5/2020, tại:

Ts. Colin Raymond, tác giả chính thực hiện cuộc nghiên cứu trên như một đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông tại Trạm Quan trắc Trái Đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia, cho biết:

“Các nghiên cứu trước đây đã dự báo rằng, chuyện này sẽ chỉ xảy ra trong một vài thập kỷ nữa, nhưng dữ liệu cho thấy chúng đang xảy ra ngay bây giờ. Khoảng thời gian tồn tại của những sự kiện này sẽ chỉ kéo dài hơn, và các khu vực chúng ảnh hưởng sẽ gia tăng số lượng tương quan trực tiếp với hiện tượng nóng lên toàn cầu.”

Khi phân tích dữ liệu từ các trạm quan trắc thời tiết từ năm 1979 đến năm 2017, các tác giả nhận thấy rằng hiện tượng kết hợp giữa nhiệt độ/ẩm độ cực cao đã tăng gấp đôi trong suốt thời gian nghiên cứu. Các sự kiện lặp đi lặp lại này xuất hiện ở phần lớn Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan; khu vực Tây Bắc Australia; và dọc theo vùng duyên hải của Biển Đỏ và Vịnh California của Mexico. Các con số ghi nhận cao nhất, có khả năng gây tử vong, được xác định xảy ra 14 lần tại các thành phố Dhahran/Damman (Ả Rập Saudi), Doha (Qatar), và Ras Al Khaimah (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), với tổng số dân hơn 3 triệu người. Ngoài ra, một số khu vực ở Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, vùng cận nhiệt đới ở Châu Phi và vùng Caribbean cũng bị tấn công.

Khu vực Đông Nam Hoa Kỳ đã chứng kiến điều kiện khắc nghiệt này hàng chục lần, chủ yếu xảy ra gần bờ biển vùng Vịnh Mexico ở phía đông bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida Panhandle. Các vị trí tồi tệ nhất bao gồm: New Orleans và Biloxi (bang Mississippi). Những điều kiện như vậy cũng đã xâm nhập vào bên trong lục địa Bắc Mỹ, đến tận bang Arkansas và dọc theo vùng đồng bằng ven biển phía Đông Nam Hoa Kỳ.

Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà các điều kiện như vậy có xu hướng tập trung xảy ra ở những vùng duyên hải dọc theo các khu vực biển, vịnh và eo biển bị bao bọc bởi đặc điểm địa lý, nơi nước biển bốc hơi tạo ra nhiều ẩm độ, rồi sau đó bị hấp nóng bởi nền nhiệt cao. Ở một số khu vực xa hơn trong đất liền, gió mùa chứa nhiều hơi ẩm hoặc các khu vực tưới tiêu trên diện rộng dường như cũng đóng một vai trò tương tự.

Các nghiên cứu khí hậu trước đây đã không nhận ra được hầu hết các sự kiện nhiệt – ẩm từng xảy ra trong quá khứ, bởi vì giới nghiên cứu khí hậu thường chỉ xem xét và ghi nhận mức nhiệt và ẩm độ trung bình được đo trên các khu vực địa lý rộng lớn và trong nhiều giờ liền. Thay vì làm thế, Ts. Raymond và các đồng nghiệp đã tập trung nghiên cứu trực tiếp vào dữ liệu được ghi nhận hàng giờ, từ 7.877 trạm quan trắc thời tiết riêng lẻ, cho phép họ xác định được các đợt nhiệt – ẩm có thời gian tồn tại ngắn hơn và đã tác động lên những khu vực địa lý có phạm vi nhỏ hơn.

Độ ẩm cao làm trầm trọng các hiệu ứng của nhiệt, vì cơ thể con người được làm mát nhờ đổ mồ hôi; nước thoát ra ngoài da sẽ loại bỏ nhiệt độ dư thừa trong cơ thể, và khi bay hơi, nước giúp tỏa bớt lượng nhiệt đó. Quá trình làm mát này hoạt động tốt trong các vùng sa mạc, nhưng lại kém hơn ở những khu vực ẩm ướt, nơi không khí đã bão hòa với độ ẩm cao. Ở điều kiện này, cơ chế bốc hơi của mồ hôi giảm đi. Trong điều kiện cực đoan nhất, nó có thể dừng lại. Với trường hợp đó, trừ khi người ta có thể rút vào một phòng có trang bị máy điều hòa nhiệt, còn nếu không, nhiệt độ cơ bản của cơ thể sẽ vượt quá phạm vi sống sót có giới hạn đó, và các cơ quan bắt đầu ngưng hoạt động. Trong điều kiện cực đoan nhiệt – ẩm / hấp nóng ấy, thậm chí một người khỏe mạnh, có sức khỏe tốt, ngồi nghỉ trong bóng râm, không mặc quần áo và uống nước liên tục, vẫn sẽ bị tử vong chỉ trong vài giờ.

Giới khí tượng học đo lường hiệu ứng nhiệt – ẩm trên một thang bách phân Celsius (°C) của “nhiệt bầu ướt”. Ở Hoa Kỳ, các số ghi này thường được chuyển dịch thành các “chỉ số nhiệt” hoặc “cảm nhận thực tế” của độ Fahrenheit. Những nghiên cứu trước đây gợi ý rằng, ngay cả những người khỏe mạnh nhất, có khả năng thích nghi tốt nhất với môi trường, cũng không thể thực thi các hoạt động ngoài trời một cách bình thường khi mức nhiệt bầu ướt đạt 32°C, tương đương với chỉ số nhiệt 132°F. Hầu hết những người có thể trạng bình thường khác sẽ kiệt sức và ngã quỵ trước đó. Mức nhiệt 35°C – từng đạt đỉnh trong một thời gian ngắn tại các thành phố nằm ở Vịnh Ba Tư – được xem là giới hạn sống sót về mặt lý thuyết của cơ thể con người. Con số đó tương đương với chỉ số nhiệt là 160°F. (Chỉ số nhiệt thực sự kết thúc ở 127°F, vì vậy những số ghi này thực sự nằm ngoài bảng xếp hạng.) Ts. Raymond xác nhận:

“Tác động của bất cứ điều kiện nhiệt – ẩm nào vượt qua mức 30°C là rất kinh khủng và không thể xem thường.”

Nghiên cứu cho thấy rằng các số ghi mức nhiệt bầu ướt trên toàn cầu chạm hoặc vượt quá 30°C đã tăng gấp đôi kể từ năm 1979. Các số ghi mức nhiệt – ẩm 31°C – mà trước đây được cho là rất hiếm khi xảy ra – đã tăng vọt, với tổng con số đạt khoảng 1.000 lần. Số ghi mức nhiệt bầu ướt 33°C – mà trước đây được cho là gần như không thể có – giờ đây xuất hiện tổng cộng khoảng 80 lần.

Vào tháng 7/2019, một đợt sóng nhiệt xảy ra ở hầu hết các vùng trên lãnh thổ Hoa Kỳ đã đạt mức cực đại nhiệt bầu ướt khoảng 30°C, nghĩa là tương đương gần với chỉ số nhiệt 115°F ở nhiều nơi, với mức cao nhất là 122°F ở Baltimore (bang Maryland). Ngoài ra, còn có một đợt sóng nhiệt tương tự xuất hiện vào tháng 8/2019. Sóng nhiệt đã làm tê liệt các cộng đồng và dẫn đến ít nhất 6 ca tử vong, bao gồm một kỹ thuật viên sửa máy điều hòa không khí ở Phoenix (bang Arizona), và cựu trọng tài biên Mitch Petrus của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia – người đã chết ở Arkansas khi đang làm việc ngoài trời.

Đó vẫn là một con số tử vong khiêm tốn, vì các chứng bệnh liên quan đến nhiệt đã giết chết nhiều cư dân Hoa Kỳ hơn bất kỳ thảm họa rủi ro nào khác có liên quan đến thời tiết, như cảm lạnh, bão hoặc lũ lụt. Một cuộc điều tra vào năm ngoái (2019) được thực hiện bởi trang web InsideClimate News đã tiết lộ rằng, những trường hợp say nắng hoặc kiệt sức vì nóng của quân đội Hoa Kỳ tại các căn cứ nội địa đã tăng 60% từ năm 2008 đến năm 2018. Mười bảy binh sĩ đã chết, hầu hết đều ở vùng Đông Nam oi bức của Hoa Kỳ. Sóng nhiệt mang độ ẩm cao ở Nga và châu Âu, nơi có người ta ít dùng máy điều hòa, đã giết chết hàng chục ngàn người.

Ts. Radley Horton, một nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trạm quan trắc Lamont-Doherty và cũng là đồng tác giả của bài báo cáo trên, cho biết: “Chúng ta có thể đang tiến gần đến điểm tới hạn thực tế của mối hiểm họa này so với suy nghĩ trước đây.” Ts. Horton là đồng tác giả của một nghiên cứu dự báo vào năm 2017, trong đó cho rằng các điều kiện nhiệt – ẩm như vậy sẽ không thể không xảy ra trước cuối thế kỷ này.

Tuy máy điều hòa không khí có thể làm giảm hiệu ứng này ở Hoa Kỳ và một số quốc gia giàu có khác, nhưng chúng cũng có những giới hạn. Trước khi bài nghiên cứu mới ở trên được thực hiện, một trong những sự kiện đạt mức nhiệt – ẩm cao nhất từng được ghi nhận, là ở thành phố Bandar Mahshahr của Iran, với số ghi nhiệt bầu ướt đạt gần chạm 35C vào ngày 31/7/2015. Không có trường hợp tử vong nào xảy ra; người dân được báo cáo là đã ở lại bên trong các phương tiện và tòa nhà có trang bị máy lạnh, và tắm mát sau khi phải hoạt động ngoài trời. Nhưng Ts. Horton chỉ ra rằng, nếu dân cư ngày càng bị ép buộc phải ở trong nhà lâu hơn, thì công việc nông nghiệp, thương mại và các hoạt động sinh hoạt khác có thể bị đình trệ, ngay cả ở các quốc gia giàu có. Chúng ta đã có một bài học về sự sụp đổ của các nền kinh tế khi đối mặt với trận đại dịch coronavirus.

Trong bất cứ trường hợp nào thì rất nhiều người dân ở các quốc gia nghèo sẽ phải đối mặt với rủi ro của tình trạng nhiệt bầu ướt, khi mà họ không có đủ điện năng và còn không có khả năng sở hữu máy điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra, đây là các xã hội phải sinh tồn dựa trên công việc làm nông đòi hỏi nhiều thời gian lao động ngoài trời. Ts. Horton nói rằng các sự thật này sẽ khiến hầu hết những nơi bị tác động bởi nhiệt bầu ướt trở thành vùng đất chết, và con người không thể sống ở đó được nữa.

Ts. Kristina Dahl, một nhà khí tượng học thuộc Liên minh Giới khoa học Quan tâm đến Biến đổi Khí hậu (Union of Concerned Scientists), đã dẫn dắt một nghiên cứu vào năm ngoái (2019) có cảnh báo về tình trạng tăng nhiệt độ và độ ẩm trong tương lai ở Hoa Kỳ, nói rằng bài báo cáo khoa học ở trên cho thấy “các cộng đồng dân cư trên toàn cầu đang tiến gần đến các giới hạn sống còn như thế nào”. Bà còn nói thêm rằng chắc chắn một số địa phương đã có thể trải qua các điều kiện tồi tệ hơn cả mức độ của nghiên cứu này, bởi vì các trạm quan trắc thời tiết không nhất thiết luôn ghi nhận được các điểm nóng về nhiệt nơi những khu phố đô thị dày đặc, được xây dựng bao quanh bởi bê tông và vỉa hè có khả năng bẫy nhiệt. Một nghiên cứu riêng do Đại học Stanford (Mỹ) công bố vào tháng trước (tháng 4/2020) cho thấy từ năm 1979-2013, trung bình một công nhân nông nghiệp ở Hoa Kỳ đã phải trải qua các điều kiện chỉ số nhiệt cao nguy hiểm trong 21 ngày của mùa vụ từ tháng 5 đến tháng 8. Nghiên cứu này dự báo rằng, nếu không giảm phát thải khí nhà kính hoặc đề ra các biện pháp thích ứng, thì việc phơi nhiễm với mức nhiệt-ẩm cao đó sẽ tăng gấp đôi; ở khu vực Đông Nam Hoa Kỳ, những điều kiện như vậy sẽ kéo dài trong suốt mùa vụ nông nghiệp.

Ts. Steven Sherwood, một nhà khí tượng học tại Đại học New South Wales (Australia), cho biết:

“Những ghi nhận trong nghiên cứu này có ý nghĩa rằng, một số khu vực trên Trái đất đang tiến gần đến điều kiện nhiệt không thể chịu đựng nổi so với dự báo trước đây. Chúng ta từng tin rằng chúng ta vẫn còn nhiều biên độ an toàn.”

Cuối cùng, bản báo cáo khoa học trên được cùng thực hiện bởi Ts. Tom Matthews, một giảng viên về khoa học khí hậu tại Đại học Loughborough (Anh Quốc). Còn Ts. Colin Raymond hiện là một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Chương trình Đánh giá và Nghiên cứu Khoa học Tích hợp Vùng (Regional Integrated Sciences and Assessments Program) của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đạ Dương Hoa Kỳ (NOAA).

Bình luận của Hành tinh Titanic:

Chúng tôi đăng tấm bản đồ ghi nhận mức nhiệt bầu ướt theo độ bách phân Celsius của nghiên cứu trên do Ts. Colin Raymond thực hiện, tập trung vào khu vực Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam – một phần Trung Quốc Lục Địa và một phần khu vực Nam Á.

Các bạn có thể thấy phần lớn bán đảo Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam – là những chấm màu cam và đỏ, tức là ghi nhận mức nhiệt bầu ướt khoảng từ 30-32°C hoặc hơn. Gần như toàn bộ lãnh thổ phía Đông và Đông Nam Trung Quốc, cũng như cả Ấn Độ, còn nguy hiểm hơn, với các chấm màu đỏ đậm, ở mức 34°C.

Đó là tương lai của chúng ta – một tương lai bị hấp nóng trong một nền nhiệt cao với độ ẩm lớn, đặc biệt trong thời khắc giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa.

Chúng ta chỉ có những lựa chọn khá mong manh như sau để tập thích nghi mà thôi:

1. Tránh làm việc ngoài trời vào gần giờ trưa đến cuối giờ chiều, mà chỉ có thể bắt đầu sinh hoạt khi trời bắt đầu tối – chính xác y như những động vật chuyên ăn đêm.

2. Trang bị thêm máy móc làm nông hoặc công việc ngoài trời, có khả năng điều hòa nhiệt cho người điều khiển (cái này thì rất mắc tiền, chưa chắc gì người nông dân nghèo mua được).

3. Chấp nhận xây dựng và ở trong các căn nhà dưới lòng đất để trốn nóng.

4. Có thể cố gắng trồng thêm cây cối và rừng, nhưng sẽ gặp hiểm họa cháy rừng một khi khí hậu nóng khô ập đến trong những khoảng thời gian nhất định theo mùa của một năm.

5. Thực hiện cơ chế giải nhiệt bằng nước (phun sương, tưới tiêu…), nhưng đó chính là con dao hai lưỡi, khi mà độ ẩm trong không khí tăng vọt cùng với nền nhiệt cao.

Với chỉ 46.500 VND (2 USD) hàng tháng – tương đương giá trị của 1 bát phở, bạn có thể giúp chúng tôi đem tin tức mới nhất về cuộc khủng hoảng Biến đổi Khí hậu và sụp đổ Hệ Sinh Thái đến cho cộng đồng Việt Nam. Chúng tôi thậm chí còn đang tìm ra những cách để tư vấn và thông tin cho người dân Việt Nam về các phương thức giúp dân tộc chúng ta thay đổi và sống sót trong kỷ nguyên Biến đổi Khí hậu.

[wpforms id=”2628″]
Hiển thị ý kiến phản hồi (1)

Phần chia sẻ ý kiến

  • Minh Van

    Bài viết hay

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Bão - mưa lớn - lũ

CẢNH BÁO BÃO MỚI

Đúng như tôi đã sợ. Một khi gió mùa Đông Bắc giảm bớt cường độ thì sẽ có chuyện xảy ra, vì nước biển còn khá ấm. Theo dự báo của hệ thống GFS, sẽ có một cơn áp thấp ở ngoài khơi...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền văn minh sụp đổ

LIÊN HIỆP QUỐC CÔNG BỐ BÁO CÁO VỀ GIỚI HẠN CUỐI CÙNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: NỀN NHIỆT TOÀN CẦU KHÔNG ĐƯỢC NÓNG LÊN QUÁ 1,5°C

Trong một báo cáo về giới hạn cuối cùng của biến đổi khí hậu mới được công bố vào ngày hôm nay (8/10/2018), các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới tại Ủy ban Liên Chính phủ về...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic