ẢO TƯỞNG VỀ NỀN KINH TẾ MÃI MÃI TĂNG TRƯỞNG


hanhtinhtitanic
ẢO TƯỞNG VỀ NỀN KINH TẾ MÃI MÃI TĂNG TRƯỞNG

Dù cho chúng ta có những công nghệ tạm gọi là “bền vững” như xe chạy điện và điện sản sinh từ gió đi chăng nữa, thì chúng cũng phải đối mặt với những giới hạn vật lý không thể phá vỡ, với chi phí môi trường cực kỳ nghiêm trọng và cụ thể.

Dưới đây là bài viết của Chirag DharaVandana Singh. Chirag Dhara là một nhà vật lý khí hậu và là cộng sự nghiên cứu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ. Vandana Singh là giáo sư vật lý tại Đại học Bang Framingham, làm việc về lãnh vực sư phạm khí hậu xuyên ngành.

Bài do bạn Minh Nhật chuyển ngữ cho Hành tinh Titanic, từ nguồn:

The Delusion of Infinite Economic Growth

Nguồn: Getty Images

Xe chạy bằng điện (Electric Vehicle – gọi tắt là: EV) đã trở thành một trong những biểu tượng đương đại to lớn của một thế giới bàng hoàng thức tỉnh trước các thách thức sâu sắc về bất ổn kinh tế, xã hội nói chung và biến đổi khí hậu nói riêng. Điều đó nhiều đến mức chúng ta có thể tưởng tượng rằng các câu trả lời của nhóm Deep Thought về Sự sống, Vũ trụ và Vạn vật đều có thể là “EV”. Nhưng, như nhà văn Douglas Adams (1952-2001) đã từng đặt vấn đề, nếu xe điện là câu trả lời, thì câu hỏi là gì?

Hãy để chúng tôi tưởng tượng về một EV “hoàn hảo”: chạy bằng năng lượng mặt trời, có hiệu năng cao, đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Nhưng nó có bền vững không? Vâng, xe điện chạy bằng năng lượng tái tạo có thể giúp giảm lượng khí thải carbon của phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, thước đo tính bền vững không chỉ đơn thuần là lượng khí thải carbon mà còn là Vật liệu Sản xuất: tổng lượng sinh khối, quặng kim loại, khoáng sản xây dựng và nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ một sản phẩm. Trọng lượng xấp xỉ theo tấn của EV cấu thành từ các vật liệu như kim loại (kể cả đất hiếm), nhựa, thủy tinh và cao su. Do đó, nhu cầu về xe điện tăng đột biến trên toàn cầu sẽ làm tăng nhu cầu đối với từng loại vật liệu này.

Mọi giai đoạn trong vòng đời của bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất đều cần tính toán đến chi phí môi trường: phá hủy môi trường sống, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm (bao gồm cả khí thải carbon), đến từ việc khai thác nguyên liệu thô, sản xuất / xây dựng, đến khâu thải bỏ. Do đó, chính tình trạng khai thác sản xuất nguyên vật liệu toàn cầu ngày càng tăng về cơ bản là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kép về sinh thái và khí hậu.

Việc khai thác nguyên vật liệu đã phát triển nhanh chóng, bị khóa lại cùng với mức tăng trưởng (GDP) của nền kinh tế toàn cầu, tăng theo cấp số nhân kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Điều này phần lớn là do sự tiêu dùng quá mức của giới siêu giàu trong một hệ thống kinh tế xã hội dựa trên sự tăng trưởng không giới hạn. Liệu chúng ta có thể giải quyết mâu thuẫn cơ bản này giữa nhiệm vụ tăng trưởng không giới hạn và hậu quả là hủy hoại môi trường không?

VIỆN DẪN CÔNG NGHỆ

Đổi mới công nghệ và cải tiến tính hiệu quả thường được xem là những cách thức để tách tăng trưởng sử dụng nguyên liệu ra khỏi tăng trưởng kinh tế. Mặc dù công nghệ chắc chắn có một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang một thế giới bền vững, nhưng nó bị hạn chế bởi các nguyên tắc vật lý cơ bản và những cân nhắc kinh tế thực dụng.

Rất nhiều ví dụ được đưa ra. Hiệu suất động cơ của máy bay đã được cải thiện rất ít trong nhiều thập kỷ vì chúng từ lâu đã hoạt động gần với hiệu suất cao nhất về mặt lý thuyết. Tương tự như vậy, có một giới hạn cứng đối với hiệu suất của tế bào quang điện, là khoảng 35 phần trăm vì các đặc tính vật lý của chất bán dẫn cấu thành chúng; trong thực tế, rất ít tấm quang điện có hiệu suất vượt quá 20% vì lý do kinh tế và tính thương mại thực dụng. Việc sản xuất điện ở các trang trại gió lớn được giới hạn ở khoảng một watt trên mỗi mét vuông như một hệ quả vật lý đơn giản. Sự gia tăng đáng kinh ngạc về sức mạnh điện toán theo cấp số nhân trong 5 thập kỷ qua sẽ kết thúc vào khoảng năm 2025, vì về mặt vật lý, chúng ta không thể tạo ra các bóng bán dẫn trên chip máy tính, vốn đã nhỏ hơn khoảng 5% kích thước của coronavirus.

Cho dù đó là các nguyên tắc vật lý cổ điển, lượng tử, ở trạng thái rắn hay nhiệt động lực học, mỗi nguyên tắc đều đặt ra những ràng buộc khác nhau mà các giải pháp công nghệ không thể thay đổi được. Về cơ bản, những nguyên tắc vật lý đã cho phép các bước nhảy vọt đáng kinh ngạc về công nghệ trong thế kỷ qua chắc chắn cũng sẽ hạn chế chúng. Chúng ta có thể cân nhắc xem, rằng việc tái chế rộng rãi vật liệu sẽ khắc phục các giới hạn này một cách hiệu quả. Tái chế là rất quan trọng; tuy nhiên, trong khi thủy tinh và kim loại có thể được tái chế được gần như vô hạn mà không bị giảm chất lượng, thì các vật liệu như giấy và nhựa chỉ có thể tái chế được một vài lần trước khi vật liệu này trở nên quá xuống cấp.

Ngoài ra, bản thân quy trình tái chế có thể là một quá trình ngốn nhiều năng lượng và vật liệu khác. Ngay cả khi các định luật vật lý có thể bị phá vỡ (tất nhiên là không thể) để đạt được tái chế với hiệu suất 100%, nhu cầu tăng thêm từ tăng trưởng kinh tế sẽ cần phải có vật liệu nguyên chất, bổ sung mới. Điểm mấu chốt chính là mức hiệu năng này bị giới hạn bởi quy tắc vật lý, nhưng lại không bị giới hạn đối với “nhu cầu” của cấu trúc kinh tế xã hội.

Thật không may, tình hình này còn tệ hại hơn. Tăng trưởng kinh tế bắt buộc phải theo cấp số nhân; nghĩa là quy mô của nền kinh tế phải tăng gấp đôi trong một thời kỳ cố định. Như đã đề cập đến trước đó, chính điều này đã thúc đẩy sự gia tăng tương ứng trong việc khai thác sản xuất nguyên vật liệu. Để hiểu bản chất của tăng trưởng theo cấp số nhân, hãy xem xét về xe điện (EV). Giả sử rằng chúng ta có đủ lithium (có thể chiết xuất dễ dàng) cho các loại pin cần thiết để cung ứng năng lượng cho cuộc cách mạng xe điện trong 30 năm nữa. Bây giờ, giả sử rằng việc khai thác dưới đáy biển sâu cung cấp lượng nguyên liệu này gấp bốn lần hiện tại. Chúng ta có đủ nguyên liệu lithilium cho ngành sản xuất này tới 120 năm không? Không, bởi vì tốc độ tăng 10% nhu cầu lithium ở thời điểm hiện tại sẽ tương đương với mức tăng gấp đôi nhu cầu sau mỗi bảy năm, có nghĩa là chúng ta sẽ chỉ có đủ lithilium trong 44 năm. Trên thực tế, chúng ta sẽ gây ra sự tàn phá không kể xiết, có lẽ không thể đảo ngược, đối với các hệ sinh thái biển để mua cho mình nguồn cung cấp nguyên liệu thô lithilium trong vài năm nữa.

Sự tăng trưởng nhanh chóng theo cấp số nhân, một cách tất yếu, sẽ nhấn chìm bất cứ thứ gì trong nguồn cung hữu hạn. Ví dụ như, đối với virus, tài nguyên hữu hạn đó là dân số con người, và trong bối cảnh của hành tinh này, đó là kho tài nguyên vật chất của nó.

Vì vậy, suy luận hiển nhiên không thể tránh né được, chính là không thể tách việc sử dụng tài nguyên vật chất ra khỏi tăng trưởng kinh tế. Và đây chính xác là những gì đã xảy ra. Năm 2015, Ts. Wiedmann và các cộng sự, đã tính toán cẩn thận việc khai thác nguyên vật liệu nói chung đối với một số quốc gia, bao gồm cả những yếu tố liên quan đến thương mại quốc tế. Trong giai đoạn 1990–2008 được đề cập trong nghiên cứu, không một quốc gia nào đạt được sự phân chia có kế hoạch, có định hướng trên toàn diện nền kinh tế bền vững. Những tuyên bố ngược lại của các quốc gia phát triển (Global North) đã che giấu sự suy giảm đáng kể hoạt động sản xuất và tình trạng tàn phá sinh học liên quan đối với các quốc gia chậm phát triển (Global South).

Các đề xuất gần đây về khai thác sinh thái dưới đáy biển sâu (ecocidal deep-sea) và khai thác các hành tinh ngoài không gian là một hệ quả không đáng ngạc nhiên của mô hình tăng trưởng bất chấp những giới hạn của Trái Đất này.

BỀN VỮNG LÀ GÌ?

Những quan sát này đưa chúng ta đến một điều kiện tối thiểu mang tính tự nhiên cho sự bền vững: tất cả các đường cong sử dụng tài nguyên cần đồng thời phải được làm thẳng, và tất cả các đường cong ô nhiễm cần đồng thời chấm dứt. Chính tầm nhìn về khối lượng tài nguyên này đã giúp chúng ta nhận ra tại sao xe điện có thể giúp bù đắp lượng khí thải carbon, nhưng vẫn hoàn toàn không bền vững theo mô hình tăng trưởng vô hạn.

VẤN ĐỀ THỰC SỰ

Chúng tôi đã lập luận rằng, mối liên hệ chặt chẽ giữa tiêu dùng vật chất và mức tăng trưởng GDP đang làm cho mô hình tăng trưởng vô hạn không tương thích với việc duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái. Do đó, trong khi XE ĐIỆN là giải pháp một phần cho vấn đề khí hậu, thì với trong mô hình tăng trưởng hiện tại, chúng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng do con người gây ra ở phương diện liên quan đến việc tiêu thụ tài nguyên không bền vững.

Vấn đề thực sự là: làm thế nào để chúng ta chuyển đổi sang các mô hình kinh tế thay thế, được thiết lập dựa trên sự hòa hợp giữa hạnh phúc công bằng của con người với tính toàn vẹn về mặt sinh thái?

Kỷ nguyên công nghiệp tăng theo cấp số nhân trong việc sử dụng các nguồn vật chất sơ cấp và có chuyển hóa: đất trồng trọt (a), nhiên liệu hóa thạch (b), nước ngọt (c), kim loại (d), nhựa (e). Nguồn: Our World in Data (CC BY-SA 3.0 AU)
Tính bền vững từ góc nhìn khai thác tài nguyên: Việc sử dụng tài nguyên và gây ô nhiễm (a và b) đang gia tăng theo cấp số nhân là không bền vững. Chúng tôi định nghĩa tính bền vững là sử dụng tài nguyên theo đường thẳng (c) và ô nhiễm đã được chấm dứt (d). Nguồn ảnh: Aditi Deshpande

BÌNH LUẬN CỦA HÀNH TINH TITANIC

Có lẽ rất khó để loài người chấp nhận rằng: mọi hành vi tiêu thụ của mình, dù là tiêu thụ truyền thống hay chuyển sang các hành vi tiêu dùng “xanh”, cũng đều đang sử dụng những tài nguyên hữu hạn của hành tinh Trái Đất. Một khi chứng ta chưa đánh giá được tác động của các nguyên vật liệu mới phát sinh, hãy hạn chế hết mức có thể và thôi dương dương tự đắc với các “giải pháp” của mình.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Siêu bão/Lốc xoáy

HAGIBIS CÓ THỂ TRỞ THÀNH CƠN BÃO MẠNH NHẤT TRONG NĂM 2019

Tin từ NOAA xác nhận vào ngày 8/10/2019: Siêu bão HAGIBIS hiện đang là cơn bão mạnh nhất trên hành tinh, và có thể trở thành cơn bão mạnh nhất trong năm 2019. JTWC (Trung tâm Cảnh...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Hệ thống Tư bản Tài chính

KHỦNG HOẢNG HÀNH VI CON NGƯỜI LÀ GỐC RỄ CỦA TAN VỠ NỀN KHÍ HẬU

Mức nhiệt cao kỷ lục, lượng khí thải kỷ lục, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch kỷ lục. Cho dù Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Khí hậu COP28 (2023) vừa diễn ra được 1 tháng, thế...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic