QUAN ĐIỂM CỦA GIỚI KHOA HỌC GIA HÀNG ĐẦU VỀ KHÍ HẬU: “SỰ SỤP ĐỔ CỦA NỀN VĂN MINH HẦU NHƯ CÓ KHẢ NĂNG XẢY RA”


hanhtinhtitanic
QUAN ĐIỂM CỦA GIỚI KHOA HỌC GIA HÀNG ĐẦU VỀ...

Một nhà khoa học khí hậu hàng đầu của Australia cho biết “chúng ta đã lún sâu vào quỹ đạo hướng đến sự sụp đổ” của nền văn minh, mà giờ đây có khả năng là không thể tránh khỏi, bởi vì 9 trong số 15 điểm tới hạn được biết đến về mặt khí hậu toàn cầu, mà hiện đang điều khiển trạng thái vận hành của hành tinh này, đều đã bị kích hoạt.

Gs. Will Steffen – Đại học Quốc gia Australia

Will Steffen (người trong ảnh) – giáo sư danh dự của Đại học Quốc gia Australian nói với Voice of Action rằng đã có bằng chứng cho thấy con người đang kích hoạt “một loạt điểm tới hạn trên toàn cầu”, mà từ đó đưa chúng ta đến một tình trạng khí hậu của “Hành tinh Hấp Nóng” (Hothouse Earth) không còn dễ sống sót được nữa, bất kể chúng ta có cắt giảm phát thải khí nhà kính hay không.

Gs. Steffen cho biết rằng sẽ mất tối thiểu 30 năm (nhiều khả năng là từ 40 đến 60 năm) để loài người có thể chuyển sang một nền kinh tế có mức phát thải khí nhà kính bằng zero, nhưng một khi các điểm tới hạn bị phá vỡ, ví dụ như biển băng ở Bắc Cực chẳng hạn, chúng ta có thể đã không còn thời gian nữa.

Bằng chứng cho thấy chúng ta cũng sẽ mất quyền kiểm soát các điểm tới hạn đối với rừng mưa nhiệt đới Amazon, phiến băng ở khu vực phía Tây của lục địa Nam Cực, và phiến băng trên đảo Greenland, trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với thời điểm chúng ta có thể ngưng phát thải hoàn toàn.

Ông nói:

“Với quán tính được đặt ra trong cả hai hệ động lực là Trái Đất và loài người, cùng độ chênh lệch ngày càng tăng giữa ‘khoảng thời gian phản ứng’ cần phải có để bẻ lái chủng loài người hướng đến một tương lai bền vững hơn,

với ‘khoảng thời gian can thiệp’ còn lại để ngăn chặn một loạt các thảm họa xảy ra nơi cả hệ thống khí hậu tự nhiên (ví dụ như hiện tượng tan rã biển băng ở Bắc Cực) lẫn trong sinh quyển (ví dụ như sự tuyệt diệt của Rạn San hô Great Barrier Reef),

thì chúng ta đã lún quá sâu vào quỹ đạo hướng đến sự sụp đổ.”

“Điều đó có nghĩa là, khoảng thời gian còn lại để chúng ta can thiệp, trong hầu hết trường hợp, đã giảm xuống đến mức còn ngắn hơn khoảng thời gian cần thiết để chuyển đổi sang một hệ thống bền vững hơn.”

“Thực tế cho thấy nhiều tính năng của Hệ thống Trái Đất đang bị hư hỏng hoặc đánh mất sự cấu kết giữa ‘các điểm tới hạn’, mà từ đó dẫn đến một loạt ‘điểm tới hạn sụp đổ’, khiến cần phải đưa ra một câu hỏi tối hậu: Liệu chúng ta đã mất quyền kiểm soát hệ thống chưa? Có phải giờ đây, sự sụp đổ là không thể tránh khỏi?”

Đây không chỉ là một quan điểm từ một chuyên gia duy nhất, khi mà giới khoa học nghiên cứu sinh học thuộc Đại học Standford (Mỹ), những người đầu tiên tiết lộ rằng chúng ta hiện đang ở trong cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, vừa công bố một nghiên cứu mới trong tuần qua, ở đó cho thấy tiến trình tuyệt diệt của các chủng loài đang gia tăng với tốc độ chưa từng có, mà có thể đây chính là một điểm tới hạn cho sự sụp đổ của nền văn minh loài người.

Cũng trong tuần vừa qua, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy nhiều vùng sản xuất lương thực lớn của thế giới sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán khắc nghiệt hơn so với dự báo trước đây, và miền nam Australia sẽ là một trong những nơi bị tác động tồi tệ nhất toàn cầu.

Gs. Steffen đã sử dụng phép ẩn dụ của con tàu Titanic nơi một trong những cuộc nói chuyện gần đây của ông, để mô tả tình trạng cho thấy chúng ta có thể vượt qua các điểm tới hạn nhanh hơn so với khoảng thời gian chúng ta phản ứng để kiểm soát các tác động của chúng đối với nền khí hậu.

Ông nói:

“Trong trường hợp của tàu Titanic, thủy thủ đoàn đã nhận ra mình ở trong tình thế nguy hiểm khi mà cần đến 5km để giảm tốc và bẻ lái con tàu, trong khi giờ đây, họ đang ở cách tảng băng chỉ có 3km. Thế cho nên họ đã bị đánh chìm.”

“ĐÂY CHÍNH LÀ MỘT MỐI ĐE DỌA CÓ THẬT ĐỐI VỚI NỀN VĂN MINH”

Gs. Steffen, cùng với một số nhà khoa học khí hậu nổi tiếng nhất thế giới, đã đưa ra dự báo về tình thế thảm họa của chúng ta bằng các sự thật trần trụi nhất có thể được trong một bài báo cáo khoa học viết cho tạp chí Nature vào cuối năm ngoái.

Họ khám phá ra rằng 9 trong số 15 yếu tố tới hạn được biết đến của Trái Đất, hiện đang điều phối trạng thái của cả hành tinh này, đều đã bị kích hoạt cả rồi, và giờ đây đã có chứng cứ khoa học cho việc tuyên bố một tình trạng khẩn cấp trên toàn hành tinh. Những điểm tới hạn này có thể kích hoạt quá trình giải phóng carbon đột ngột vào bầu khí quyển, chẳng hạn như việc giải phóng khí carbon dioxide và methane do bởi hiện tượng tan băng không thể đảo ngược được của tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực.

9 trong số 15 điểm tới hạn của Trá Đất đã bị kích hoạt

Họ viết như thế này:

“Nếu một loạt điểm tới hạn xảy ra và chúng ta không thể ngăn chặn việc toàn hành tinh tiến tới một điểm tới hạn chung, thì đây là một mối đe dọa hiện hữu cho nền văn minh.”

“Chẳng có bất cứ phân tích kinh tế giữa phúc lợi và chi phí nào sẽ có thể giúp chúng ta được đâu. Chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.”

“Chứng cứ về bản thân các điểm tới hạn cho thấy rằng chúng ta đã đang ở trong một tình trạng khẩn cấp có quy mô toàn hành tinh: cả mối nguy cơ và tính cấp bách của tình huống này đều là cực kỳ khẩn cấp.”

Gs. Steffen cũng là tác giả chính của một báo cáo khoa học vào năm 2018 được giới chuyên gia trích dẫn nhiều, mang tựa đề “Các Quỹ đạo của Hệ thống Trái Đất trong Kỷ Nhân Sinh” (Trajectories of the Earth System in the Anthropocene), nơi ông khám phá rằng “ngay cả với mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris về việc giữ cho mức tăng nhiệt toàn cầu chỉ từ 1,5°C đến 2°C, chúng ta không thể loại trừ được nguy cơ của một loạt các vòng lặp phản hồi có thể đẩy Hệ thống Trái Đất vào con đường không thể đảo ngược được nữa của một “Trái Đất Hấp Nóng” (Hothouse Earth).

Gs. Steffen là một chuyên gia uy tín trên toàn cầu có nghiên cứu chuyên môn về các điểm tới hạn dễ có khuynh hướng thay đổi đột ngột khi chúng bị tác động đủ mạnh bởi một nền khí hậu đang biến đổi, và có thể đưa quỹ đạo của hệ thống Trái Đất vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của con người. Việc nền nhiệt ấm lên hơn nữa sẽ có thể khiến quá trình này tự thân vận động do các phản hồi của hệ thống và mối tương tác lẫn nhau của chúng.

Gs. Steffen mô tả chuyện này cũng giống như một chuỗi con cờ dominos, và mối lo ngại của ông chính là chúng ta đã ở vào thế không còn quay lại tình trạng như cũ được nữa, khi xô đổ một vài con cờ domino đầu tiên, mà có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ chuỗi.

Ông nói:

“Một số thành tố nói trên, mà chúng tôi quan ngại, đang dễ bị tổn thương khi chịu sự tác động của khoảng tăng nhiệt độ hiện đang xảy ra.”

“Nếu để những thành tố này bắt đầu chạm mức tới hạn, chúng ta có thể khiến toàn bộ chuỗi domino đổ nhào và đưa chúng ta đến một nền khí hậu nóng hơn, ngay cả khi chúng ta đã cắt giảm phát thải.”

Thậm chí cái Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) khét tiếng và đầy bảo thủ của Liên Hợp Quốc đã phải thừa nhận rằng, với mức tăng nhiệt chỉ 1,1°C mà chúng ta đang có ngày hôm nay, thì vẫn có nguy cơ tương đối của việc chạm mức tới hạn ở một số thành tố trên – và nguy cơ ấy gia tăng khi nhiệt độ gia tăng.

Gs. Steffen tin rằng chúng ta đang trên đường tiến tới một mức tăng nhiệt ít nhất 1,5°C với quán tính của nền kinh tế và hệ thống khí hậu hiện nay, nhưng chúng ta vẫn còn cơ may để giữ cho nền nhiệt không tăng quá 2°C nếu hành động khẩn cấp.

MỘT THẾ GIỚI +4°C CHỈ PHÙ HỢP ĐỂ CHO ÍT HƠN 1 TỶ NGƯỜI SỐNG SÓT

Gs. Hans Joachim Schellnhuber, giám đốc danh dự và là người sáng lập Học viện Potsdam Nghiên cứu về Tác động Khí hậu (Potsdam Institute for Climate Impact Research), tin rằng nếu vượt qua mốc tăng nhiệt 2°C, bất luận thế nào rồi thì chúng ta cũng sẽ nhanh chóng tiến đến mốc tăng 4°C do các điểm tới hạn và vòng hồi lặp gây ra, và dẫn đến sự kết thúc của nền văn minh loài người.

Gs. Schellnhuber: “Có một nguy cơ rất lớn rằng chúng ta sẽ tự mình kết thúc nền văn minh này.”

Ts. Johan Rockström, người đứng đầu một trong những học viện nghiên cứu hàng đầu của Châu Âu, đã cảnh cáo vào năm 2019 rằng, trong một thế giới nóng hơn 4°C, “thật khó mà nhận ra làm thế nào chúng ta có thể cung cấp chỗ ở cho 1 tỷ người hoặc ngay cả cho chỉ một nửa số đó… Dĩ nhiên, sẽ có một thiểu số ít người giàu còn sống sót với phong cách sống hiện đại, nhưng đó sẽ là một thế giới hỗn loạn và đầy tranh chấp”.

Ts. Schellnhuber, một trong những chuyên gia hàng đầu của thế giới về biến đổi khí hậu, cho biết nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường hiện tại, thì “sẽ có nguy cơ rất lớn rằng đó là điểm kết thúc cho nền văn minh của chúng ta”. Chủng loài người sẽ sống sót một ít, nhưng chúng ta sẽ phá hủy hầu như tất cả mọi thứ chúng ta đã xây dựng trong 2.000 năm lịch sử qua.”

Ts. Schellnhuber nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây, về các báo cáo của IPPC khẳng định chúng ta có thể giữ cho mức tăng nhiệt ở dưới 1,5°C, rằng điều đó “hơi dối trá” bởi vì còn tùy thuộc vào khả năng thu giữ lượng phát thải khí nhà kính khổng lồ (nghĩa là trích xuất được CO2 ra khỏi bầu không khí), mà không thực tế lắm trên phạm vi toàn cầu. Ông cho biết việc giữ cho mức tăng nhiệt ở dưới 1,5°C không còn có thể đạt được, nhưng vẫn có khả năng giữ cho chuyện đó ở dưới mức tăng 2°C với rất nhiều thay đổi về sinh hoạt xã hội trên quy mô lớn.

Nếu chúng ta không thể làm phẳng đường cong phát thải một cách đáng kể trước năm 2030, thì ngay cả chuyện giữ cho nền nhiệt không tăng quá 2°C cũng sẽ trở nên bất khả thi. “Bộ luật Carbon”, từng được công bố trên Tuần san Science vào năm 2017, cho biết để giữ cho mức tăng nhiệt ở dưới 2°C, sẽ cần phải cắt giảm lượng phát thải xuống còn một nửa trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2030.

Gs. Steffen nói với Voice of Action rằng 3 thách thức chủ yếu đối với nhân loại – là Biến đổi Khí hậu, Sự Thoái hóa của Sinh quyển, và Tình trạng Bất bình đẳng Ngày càng tăng giữa các Quốc gia – thực ra chỉ là “các mặt khác nhau của cùng một vấn đề cơ bản”.

Đó chính là “hệ thống kinh tế tân tự do” đang lan truyền trên khắp thế giới thông qua phong trào toàn cầu hóa, đặt nền móng cho “những lối sống sản xuất tối đa, tiêu thụ tối đa” và một “kiểu tôn giáo được xây dựng không phải cho sự sống đời đời mà là vì tăng trưởng luôn mãi”.

Ông nói với Voice of Action như sau:

“Mọi sự ngày càng trở nên rõ ràng rằng (i) hệ thống kinh tế này không tương thích với Hệ thống đang hoạt động tốt của Trái Đất ở tầm mức toàn hành tinh; (ii) hệ thống kinh tế này đang bào mòn cuộc sống hạnh phúc của con người và xã hội, thậm chí ở những quốc gia giàu có nhất, và (iii) sự sụp đổ chính là kết quả khả dĩ nhất của quỹ đạo hiện tại cho hệ thống hiện có, như đã được mô phỏng đầy tính dự báo vào năm 1972 trong bản báo cáo nổi tiếng mang tựa đề “Giới hạn của sự Tăng trưởng” (Limits to Growth).

TĂNG TRƯỞNG VĨNH VIỄN LÀ KHÔNG THỂ

Mô hình Giới hạn của sự Tăng trưởng (The Limits to Growth) được CLB Rome (Club of Rome) giới thiệu vào năm 1972 đã xem xét mối tương tác lẫn nhau giữa sản lượng thực phẩm, các nền công nghiệp, dân số tăng, các nguồn tài nguyên không tái tạo được, và tình trạng ô nhiễm.

Các kết quả căn bản nhất của mô hình này chính là chúng ta không thể phát triển hệ thống này mãi mãi, vì sẽ gây ra các vấn đề về môi trường và nguồn tài nguyên, mà cuối cùng cũng sẽ khiến cho toàn bộ hệ thống toàn cầu bị sụp đổ. (Chương trình “This Day Tonight” của đài ABC đã bàn thảo về đề tài này, theo một video clip trên youtube ở dưới đây). Ở thời điểm công bố mô hình trên, nó đã mô phỏng lại một cách chính xác dữ liệu lịch sử từ năm 1900 đến 1970.

Một nghiên cứu vào năm 2008 của Ts. Graham Turner, rồi sau đó là từ một nhà nghiên cứu hàng đầu của CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng Chung), đã sử dụng 3 thập kỷ dữ liệu thực trong lịch sử để đi đến kết luận rằng các dự báo trong mô hình của Limits to Growth đều đã chính xác:

“Việc so sánh bằng 30 năm dữ kiện lịch sử với các đặc tính quan trọng của kịch bản “kinh-doanh-như-thường-lệ” (business-as-usual [BAU]), được gọi là kịch bản ‘hoạt động căn bản’, sẽ đưa đến hậu quả là sự sụp đổ của hệ thống toàn cầu vào giữa thế kỷ 21.”

Cựu Khoa học gia của CSIRO Graham Turner đã từng cảnh cáo về sự sụp đổ từ nhiều thập kỷ trước.

Ts. Turner đã chạy lại các con số của mô hình này một lần nữa vào năm 2012 trong một báo cáo khoa học có đánh giá của giới chuyên môn, và một lần thứ ba vào năm 2014 khi ông về làm việc cho Học viện Xã hội Bền vững của Đại học Melbourne (University of Melbourne’s Sustainable Society Institute).

Kết luận của ông trong bản báo cáo năm 2014 là:

“Dữ kiện từ 40 năm trước hoặc hơn nữa kể từ khi công bố nghiên cứu Limits to Growth đã hoàn toàn chỉ ra rằng thế giới đang tiến theo sát kịch bản BAU.”

“Điều đáng chú ý chính là dường như không có các mô hình kinh tế-môi trường nào khác có thể minh họa cho sự tương hợp về mặt tổng thể và trong thời gian dài hạn của một chuỗi dữ liệu như thế.”

Gs. Turner đã tạm nghỉ hưu vào năm 2015 nhưng ông vẫn điều hành một khu chợ vườn nơi một điền trang nông thôn ở thung lũng Bega của vùng duyên hải phía Nam bang New South Wales.

Ông và người vợ tự trồng trọt hầu hết thực phẩm cho mình và sống không cần nguồn cung năng lượng từ mạng lưới điện quốc gia, mà chỉ cần hệ thống năng lượng mặt trời mà thôi. Turner nói rằng việc này đã cứu ông suốt thảm họa cháy rừng vào cuối mùa hè vừa qua, vì ông vẫn có điện để sinh hoạt khi mà hầu hết mọi người trong vùng đều mất điện trong nhiều tuần lễ.

Ông vẫn tiếp tục theo dõi dữ liệu với hết khả năng của mình kể từ bản báo cáo chính thức cuối cùng vào năm 2014, và năm ngoái, ông đã giúp sinh viên học thạc sĩ tại Đại học Harvard cập nhật dữ liệu cho đề tài nghiên cứu của họ.

Gs. Turner nói với Voice of Action rằng dưới mô hình tính toán của ông, kịch bản “kinh-doanh-như-thường-lệ sẽ kết thúc trong sự sụp đổ toàn cầu từ bây giờ cho đến thập kỷ kế tiếp, hoặc đại loại như thế.”

Thật khó mà dự báo trước được dòng thời gian, nhưng Gs. Turner cho biết ông tin rằng “đã có chứng cứ mạnh mẽ cho thấy hiện chúng ta có lẽ đã ở trong những giai đoạn ban đầu của sự sụp đổ”.

Ông nói:

“Quyền lợi không thể thay đổi và các chính trị gia đồi bại, kết hợp với một đám dân số cảm thấy hạnh phúc khi chối bỏ vấn đề nói trên, đã áp đảo tiếng nói của những người đang cố công bố sự thật và thực tế.”

Phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục gia tăng.

“VÀO NĂM 2030, CHÚNG TA SẼ BIẾT CHÍNH XÁC CON ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐÃ LÃNH NHẬN”

Gs. Steffen nói với Voice of Action rằng có “khả năng vào khoảng năm 2030, chúng ta sẽ biết con đường nào chúng ta đã chọn lựa”, “con đường hướng đến phát triển bền vững, hay là con đường hiện tại có khả năng hướng đến sự sụp đổ”.

Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng tình huống ‘ngã ba đường’ sẽ xảy ra ngay trong thập kỷ này, có lẽ không chỉ bởi một sự kiện đơn lẻ, mà là một chuỗi các sự kiện.”

Gs. Steffen nói với Voice of Action rằng ông tin sự sụp đổ “sẽ có khả năng không xảy ra như một biến cố toàn cầu đầy kịch tính, nhưng thay vì thế là hiện tượng suy sụp tổng thể của rất nhiều đặc tính của sự sống, với sự sụp đổ vùng miền xảy ra tại chỗ này, chỗ kia, ở một vài nơi”.

“Ví dụ như, dường như nước Mỹ đang bước vào giai đoạn dài hạn của sự suy thoái trong rất nhiều mặt của xã hội này, cùng với một khả năng sẽ sụp đổ nhanh hơn trong thập kỷ tới.”

Ts. Samuel Alexander, một giảng viên thuộc trường Đại học Melbourne (Australia) và cũng là thành viên nghiên cứu của Học viện Xã hội Bền vững Melbourne, đã nói với Voice of Action rằng, sự sụp đổ sắp xảy ra sẽ không diễn biến như một sự kiện riêng lẻ dễ phân biệt.

Alexander cho biết:

“Đối với các nền văn minh, điều có khả năng xảy ra chính là chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà nhà văn JM Greer gọi là ‘sụp đổ tan rã/dị hóa’ (catabolic collapse) – lúc mà chúng ta đối mặt với nhiều thập kỷ xảy ra khủng hoảng, khi hệ thống hiện tại của nền văn minh bị biến chất, nhưng sau đó hồi phục vì các chính phủ và xã hội dân sự cố gắng phản ứng, sửa lỗi và giữ cho mọi thứ được tiếp diễn như cũ thêm một ít thời gian nữa.”

“Chủ nghĩa tư bản khá là giỏi trong việc tránh né các viên đạn và tạm thoát khỏi những thách thức đối với tính chính danh và khả năng tồn tại của nó. Nhưng tôi cảm thấy các điều kiện để thứ chủ nghĩa này sống sót lại chính là sự hủy diệt phải đến.”

Ts. Alexander, người đang nghiên cứu những thách thức về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa của dân cư sinh sống trên toàn bộ hành tinh này trong kỷ nguyên của các giới hạn, tin rằng tương lai sẽ là “một dạng nào đó của tình trạng hậu tăng trưởng / hậu chủ nghĩa tư bản / hậu thời kỳ công nghiệp”.

“Tương lai sẽ đến, một phần theo thiết kế mô hình sống và một phần được “bẻ cong” theo các thảm họa xảy ra. Thách thức của chúng ta chính là phải nỗ lực thiết lập nên một tương lai thông qua việc hoạch định và hành động trong cộng đồng, chứ không phải để cho định mệnh sai khiến chúng ta.”

Ts. Alexander nói rằng sẽ không bao giờ là “quá trễ” để hành động hợp lý, dù cho chúng ta đang cố gắng ngăn ngừa hay kiểm soát sự sụp đổ, thì vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm (“một tương lai tăng nhiệt 3°C vẫn tốt hơn 4°C”).

Gs. Steffen tin rằng các cuộc nổi loạn đám đông hiện đang diễn ra ở Mỹ không phải là dấu hiệu của sự sụp đổ, nhưng là một “tình trạng bất ổn đang gia tăng”.

Ts. Alexander nói đó là dấu hiệu của “căng thẳng tích tụ lại trong một hệ thống đóng”. Nếu không có những nền tảng vững vàng và hành động chính trị, chúng ta đã “có khả năng chứng kiến sự bùng phát của tình trạng bất ổn dân sự ngày càng gia tăng khi mọi thứ tiếp tục trở nên mục ruỗng”.

“Khi các nền kinh tế bị suy thoái và khi sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, sẽ càng có nhiều người hơn bị tước mất quyền công dân, kích động sự chống đối, và đáng buồn là đôi khi người ta còn tìm kiếm những “con dê tế thần” để đổ lỗi cho các hoàn cảnh khó khăn mới hoặc ngày càng gia tăng (ví dụ như cái gọi là Phong trào Alt-Right / Cánh Hữu Khác, một loại biến tướng của chủ nghĩa dân tộc da trắng thượng đẳng).”

Nếu không thể ổn định nền khí hậu, chúng ta sẽ rơi vào kịch bản không thể quay lại được của “Trái Đất hấp nóng”.

CÁC QUỸ HỖ TRỢ BỊ RÚT CẠN SAU KHI NHỮNG SỰ THẬT PHIỀN PHỨC ĐƯỢC CÔNG BỐ

Khi Gs. Turner gia nhập CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng Chung) vào đầu thập niên 2000, thì tổ chức này đang hoạt động dựa trên Cơ cấu Dự trữ và Lưu lượng Thị trường Australia (Australian Stocks and Flows Framework) – một mô hình kinh tế sử dụng các tài sản vật chất thay vì đồng dollar.

Công trình này được tài trợ bởi Bộ Di trú Australia, nhưng Gs. Turner cho biết các bản báo cáo – thứ cuối cùng được hoàn thành vào năm 2010 – đã bị chôn vùi bởi vì những kết luận của chúng không hỗ trợ cho sự tăng trưởng dân số cao.

Nghiên cứu này cho thấy các lợi ích kinh tế về mặt giá trị tài sản trên mỗi đầu người sẽ bị quá tải bởi những yếu kém xã hội, bao gồm tác động đối với chất lượng cuộc sống và môi trường từ việc sử dụng nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm. Bản báo cáo cảnh báo rằng sẽ xảy ra tình trạng không còn lưu lượng nạp thực của tài sản ở vùng Darling River, đánh mất môi trường sống và các chủng loài động thực vật, tắc nghẽn đi lại sinh hoạt, thiếu nguồn cung nước cho thành phố, và suy giảm tính đa dạng sinh học do những con rạch nước bị ô nhiễm.

Các kết quả nghiên cứu của Gs. Turner chống lại hệ thống giáo điều của chủ nghĩa tư bản tân tự do khi mà chúng thách thức quan điểm tăng trưởng mãi mãi trên một hành tinh có giới hạn. Gs. Turner cho biết ông và các đồng nghiệp đang theo đuổi những hướng nghiên cứu tương tự về các mô hình kinh tế “dự trữ và lưu lượng” và “thấy rằng ngày càng khó khăn để xin được nguồn tài trợ”.

Không có gì lạ khi mà bản báo cáo mới nhất của Trung tâm Đột phá Quốc gia về Phục hồi Nền Khí hậu (Breakthrough National Centre for Climate Restoration) công bố rằng “không có bất cứ văn bản nào tổng hợp được các tác động xảy ra trên diện rộng của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế Australia, và không có bất cứ mô tả đáng tin cậy nào về tình trạng dễ tổn thương của nền kinh tế Australia đối với hiện tượng nóng lên trong tương lai của nền khí hậu, trong bối cảnh vùng miền địa phương và trên toàn cầu.”

Gs. Steffen cho biết ông đã không bị gây bất cứ sức ép nào về mặt chính trị đối với công việc, “nhưng có lẽ tôi đã không công kích mô hình mẫu mực về sự tăng trưởng/chủ nghĩa tư bản một cách trực tiếp như Graham [hoặc Turner] đã làm”. Ông nói rằng ông đã không do dự khi lưu ý trong các bài nói chuyện của mình về tính xung khắc của hệ thống kinh tế tân tự do với một hệ thống Trái Đất ổn định.

Gs. Steffen nói:

“Dường như có một sự thật hiển nhiên rằng chúng ta sẽ cần phải có những thay đổi rất nền tảng, trên tất cả mọi đường lối dẫn đến các giá trị cốt lõi – chúng ta thực sự đánh giá điều gì là quan trọng trong cuộc sống?”

Còn Gs. Turner thì cho biết rằng “những thay đổi mênh mông và tuyệt đối” cần cho một tương lai bền vững sẽ chỉ “quá khó cho hầu hết mọi người thực hành.”

“Bạn sẽ phải giảm một nửa tỷ lệ sinh, bạn sẽ phải hạn chế số lượng di dân xuống zero, bạn sẽ phải chuyển sang dùng năng lượng tái tạo toàn phần và tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng năng lượng ấy trong mỗi khu vực của nền kinh tế, và yếu tố quan trọng thực sự chính là bạn phải cắt giảm thời gian làm việc trong tuần xuống còn một nửa hiện nay.”

“Nhưng điều đó cũng có nghĩa là người dân sẽ không nhận được cùng mức thu nhập như nhau và do đó, sẽ làm giảm mức tiêu thụ của mỗi hộ gia đình xuống một nửa. Và trừ khi bạn làm được những điều nói trên, bạn sẽ không thể đạt được trạng thái cân bằng, một tương lai bền vững, và nếu bạn bỏ lơ bất cứ yếu tố nào, thì thậm chí bạn còn phải đối phó cực khổ hơn với những yếu tố phát sinh khác.”

Gs. Turner tin rằng có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống của tất cả mọi người theo cách bền vững, nhưng chúng ta sẽ phải sống theo phong cách của thập niên 1950 hoặc 1960, với những giới hạn như là, mỗi hộ gia đình chỉ có thể sở hữu 1 chiếc xe hơi và 1 chiếc TV. Chúng ta sẽ không cần phải cư ngụ trong hang động, và chúng ta vẫn còn có nền công nghệ, nhưng tốc độ cải tiến sẽ chậm đi hơn nhiều.

Ông nói với Voice of Action:

“Tôi nghĩ rằng, nếu tất cả chúng ta đều biết kiềm chế để sống theo cách đơn giản và do đó đạt được một cuộc sống vừa ý hơn, thì sẽ vẫn có thể còn một số tiến bộ công nghệ để đưa chúng ta đến tương lai bền vững, nhưng dường như có khả năng là … chúng ta đang hướng đến hoặc có lẽ ở trên đỉnh của một kiểu suy sụp toàn cầu.”

Gs. Turner cho biết ông lo sợ rằng phần lớn công chúng sẽ không xem vấn đề này đủ nghiêm túc và yêu cầu thay đổi cho đến khi họ “thực sự mất việc làm hoặc trông thấy con cái của mình trực tiếp bị khủng hoảng”.

‘CHI PHÍ GÂY RA BỞI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CÓ KHẢ NĂNG LÀ VÔ HẠN’

Người ta tranh luận chính trị về việc quay trở về với sự tăng trưởng nhờ khai thác nhiên liệu hóa thạch được tài trợ bởi tiền đóng thuế của người dân, nhưng chứng cứ cho thấy cho dù nếu chính phủ có cam kết với năng lượng tái tạo, thì cũng không thể thực hiện được một “sự tăng trưởng xanh” trên phạm vi toàn cầu.

Một Tài liệu Làm việc năm 2019 của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) lưu ý về thỏa thuận tăng trưởng giữa giới khoa học gia và các nhà kinh tế học, rằng “nguy cơ xảy ra thảm họa thảm khốc và không thể thay đổi được đang gia tăng, gợi ý về các chi phí tiềm tàng vô hạn của tình trạng biến đổi khí hậu ở mức tồi tệ nhất, bao gồm cả, ở mức cực độ nhất, chính là sự tuyệt chủng của loài người”.

Một Slide trình chiếu từ bài thuyết trình gần đây của Gs. Steffen cho thấy dải bất thường về nền nhiệt trong 2000 năm qua.

Trung tâm Quốc gia Đột phá về Phục hồi Nền Khí hậu (Breakthrough National Centre for Climate Restoration) đặt cơ sở ở Australia đã dành nhiều năm xuất bản các báo cáo cảnh báo, rằng khoa học ngày càng đưa ra bằng chứng cho thấy chúng ta đang hướng về sự sụp đổ nền văn minh. Họ nhấn mạnh rằng hiện đã không còn ngân sách carbon nữa cho một cơ hội giữ cho mức tăng nhiệt ở dưới 2°C, nên chúng ta có thể sẽ không nên triển khai ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch nữa.

Bản báo cáo của Trung tâm Quốc gia Đột phá đã chỉ trích cộng đồng khoa học – bao gồm cả IPCC – vì đã quá xem thường các nguy cơ cao nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là về các điểm tới hạn và mối nguy hiểm có thật của chúng. Bản báo cáo mới nhất, mang tựa đề “Các Bài Tính Toán Tai Hại” (Fatal Calculations), chỉ trích giới chuyên gia kinh tế vì đã thất bại trong việc bao gồm cả chi phí của việc không hành động chống biến đổi khí hậu trong những mô hình của họ, mà từ đó đã được giới chính trị gia sử dụng để trì hoãn kế hoạch hàng động.

Bản báo cáo ghi rõ:

“Mặc cho các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên bình diện toàn cầu, ít nhất là về khoản cháy rừng, mối ưu tư về chi phí của việc hành động giải quyết vấn đề — và tình trạng đui mù trước khoản phí tổn khổng lồ trong tương lai (nếu không hành động) — vẫn tiếp tục là lối tư duy chủ đạo trong nội bộ giới chính trị, kinh doanh và tài chính.”

“Bởi vì giờ đây, biến đổi khí hậu đang trở thành một mối đe dọa có thật đối với xã hội con người, việc kiểm soát nguy cơ và tính toán những thiệt hại sẽ xảy ra trong tương lai phải chú ý nhiều hơn đến các khả năng cao chạm mức cực đoan của thảm họa, thay vì chỉ tập trung vào các xác suất tương đối của phạm vi nguy cơ sẽ xảy ra.”

Trong một văn bản thảo luận được công bố vào tháng 5/2020, mang tựa đề “Những Bài học Khí hậu đến từ COVID-19” (COVID-19 climate lessons), Trung tâm Đột phá đã mô tả các vấn đề tương đương giữa biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu chuẩn bị trước đại dịch.

Bản báo cáo có đoạn như sau:

“Thế giới đang mơ ngủ bước tới thảm họa. Các học viện về hoạch định chính sách và nghiên cứu khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc đều không làm đúng chức năng và chưa bao giờ kiểm định hay báo cáo về những nguy cơ có thật”.

“Không có bất cứ tiến trình ở tầm mức quốc gia hay toàn cầu nào được thực thi để chắc chắn rằng, các lượng giá về nguy cơ ấy được bảo đảm và có tính hiệu quả. Mỗi lần một năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) luôn nói về những nguy cơ trên toàn cầu có khả năng xảy ra, bao gồm cả sự đổ vỡ về mặt khí hậu, và rồi sau đó tất cả mọi người quay lưng phớt lờ trước các nguy cơ có thật đó.”

Các điểm tới hạn không được tính đến đáng kể trong những mô hình dự báo về biến đổi khí hậu.

Hoạt động của con người đang làm cho nền nhiệt gia tăng vượt trên cả hệ thống các biến số của tự nhiên mà sinh quyển này được dựng lên để hỗ trợ. Gs. Steffen cho biết chúng ta đã chứng kiến một mức tăng nhiệt giống như hiện nay, chỉ xảy ra có 2 lần trong 100 triệu năm gần đây, lần đầu tiên là khi loài khủng long bị quét sạch khỏi mặt đất cách đây 65 triệu năm và lần thứ hai là một sự kiện đại tuyệt chủng khác xảy ra cách đây 56 triệu năm.

Lần cuối cùng mật độ khí carbon dioxide trong bầu khí quyển chạm mức như hiện nay là vào thời kỳ đầu đến giữa của Thế Thượng Tân (Pliocene) cách đây từ 3–4 triệu năm, khi mà nền nhiệt toàn cầu ấm hơn khoảng 3°C so với cuối thế kỷ 19, và mực nước biển toàn cầu cao hơn hiện nay khoảng 25 mét.

CHÍNH QUYỀN THẤT BẠI TRONG VIỆC ĐÁP ỨNG THÁCH THỨC

Mặc cho các vụ cháy rừng (bushfires) gần đây đã thiêu cháy 35 triệu hectares, làm chết đến 445 người do khói bụi, và đốt ra tro 1 tỷ loài động vật, cũng như tăng gấp đôi lượng phát thải CO2 hàng năm của Australia, chính phủ quốc gia này vẫn đang từ chối cam kết thậm chí các mục tiêu cắt giảm phát thải khiêm tốn nhất, và lại tìm cách thúc đẩy “tái phục hồi ngành khai thác khí đốt”.

Một vụ việc mới xuất hiện tuần vừa qua khi mà chính quyền Australia cảnh báo về khả năng xảy ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng, nhưng thất bại trong việc chuẩn bị đủ để đối phó. Các đội trưởng đội chữa cháy đều bị bịt miệng và không được nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Năm nay, rạn san hô the Great Barrier Reef đã chết trắng hàng loạt lần thứ 3 trong 5 năm gần đây.

Chính quyền Australia, luôn giữ rịt và bảo vệ nền công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạchkhông hề có sự kiểm tra của bất cứ thực thể giám sát chống tham nhũng nào, vẫn tiếp tục kháng cự lại áp lực đòi hỏi gia tăng cam kết của quốc gia này đối với biến đổi khí hậu. Thậm chí, Australia sẽ không có khả năng đáp ứng các mục tiêu đã cam kết trong Hiệp định Khí hậu Paris mà không tính toán bớt đi một vài con số trong bản báo cáo láo của họ – và ngay cả bản thân những mục tiêu đó cũng không đủ để ngăn chặn sự sụp đổ.

Không chỉ là vấn đề biến đổi khí hậu sẽ đưa chúng ta đến sự sụp đổ, mà còn sự thật rằng thiên nhiên đang suy giảm trên toàn cầu với tốc độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Khoảng 1 triệu chủng loài động thực vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng, rất nhiều loài sẽ biến mất chỉ trong vòng vài thập kỷ nữa. Như Gs. Steffen lưu ý, mạng lưới sự sống trên Trái Đất đang thu hẹp lại và dần dần bị tước đi.

Loài người hoàn toàn thống trị sinh quyển trên cạn, chiếm đến 32% tổng sinh khối trên mặt đất, cùng với khoảng 65% gia súc và thú nuôi, chỉ chừa lại ít hơn 3% động vật hoang dã có xương sống.

Một hiện tượng đang xảy ra, gọi là “Sự Tăng Tốc Vĩ Đại” (The Great Acceleration), mà ở đó, dân số loài người và tăng trưởng kinh tế đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đến việc sử dụng thêm nhiều nguồn tài nguyên như nước và năng lượng. Chuyện này cũng dẫn đến một sự tăng trưởng theo cấp số mũ về: phát thải khí nhà kính, hiện tượng a-xít hóa đại dương, tầng ozone bị suy yếu, nền nhiệt mặt đất tăng, đánh bắt làm cạn kiệt hải sản biển, thoái hóa sinh quyển đất, các khu rừng nhiệt đới và đất gieo trồng biến mất.

Rất nhiều quốc gia, bao gồm một số khu vực ở Australia, đang cạn kiệt nguồn nước và phải nhận tiếp tế nước bằng xe bồn. Giới chuyên gia dự báo rằng vào năm 2025, sẽ có 1,8 tỷ người phải sống ở các khu vực khan hiếm nước.

Gs. Steffen cho biết việc cắt giảm hoàn toàn phát thải vào năm 2050 sẽ là “quá trễ” và điều duy nhất sẽ cứu rỗi chúng ta chính là các giải pháp triệt để trong việc cam kết:

  • Không triển khai bất cứ dự án nhiên liệu hóa thạch mới nào ngay từ bây giờ.
  • Cắt giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
  • Đạt mức zero thực về phát thải khí nhà kính vào năm 2040.

Gs. Steffen nói rằng chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu chọn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì cố thu giữ và rút CO2 từ bầu khí quyển, với sự thật rằng “chúng ta đang chống lại định luật thứ hai của nhiệt động lực học khi cố thu hồi CO2”.

Gs. Turner tin rằng Đạo luật về Tập đoàn Kinh tế nên được viết lại “để các tập đoàn doanh nghiệp không được có quá nhiều quyền lợi hợp pháp so với xã hội dân sự, và không bị thúc ép phải tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông.”

“SỐ PHẬN CỦA CHÚNG TA CÓ LẼ ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH ĐOẠT XONG RỒI”

Phó Giáo sư Anitra Nelson, thành viên quản trị danh dự của Học viện Xã hội Bền vững thuộc Đại học Melbourne, chủ trương ủng hộ các chính sách “giảm tăng trưởng” (de-growth), mà sẽ hạn chế bớt mức tiêu thụ và sản xuất trên toàn cầu xuống đến mặt bằng bền vững. Bà nói rằng chúng ta hiện đang tiêu thụ các nguồn tài nguyên như thể có đến 4 hành tinh Trái Đất, và nếu không thay đổi nhanh chóng quan niệm đó, chúng ta sẽ đối mặt với các điều kiện mà chúng ta không thể sống sót nổi.

Bà Gs. Nelson nói với Voice of Action như sau:

“Trên quỹ đạo hiện tại, có lẽ số phận của chúng ta đã được quyết định xong xuôi rồi, và nếu chúng ta vẫn muốn chống lại, thì trừ khi chúng ta phải hành động ngay và theo cách nghiêm túc, chúng ta sẽ không thể quay trở lại trạng thái cân bằng như xưa đối với tự nhiên.”

“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đã bước vào giai đoạn sụp đổ rồi, và mọi chuyện sẽ chỉ biến chuyển tệ hơn và nhanh chóng suy tàn khi chúng ta bước tới.”

Gs. Anitra Nelson: “Đã đến lúc giảm tăng trưởng”

Gs. Nelson cho biết chúng ta cần phải thay đổi toàn diện về cách sống trên hành tinh này, bao gồm cả những cuộc thảo luận về việc kiểm soát dân số (ví dụ như hạn chế số lượng trẻ em mà mỗi gia đình nên có), và thậm chí là giới hạn tối đa thu nhập.

Bà Nelson còn cho biết rằng chúng ta cũng cần phải xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, khi mà quy định cơ bản của nó chính là hệ thống kinh tế không thể tồn tại nếu thiếu sự tăng trưởng.

Thay vì các công ty cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, chúng ta cần phải “địa phương hóa các nền kinh tế” để “về mặt căn bản, người dân có thể sản xuất trong phạm vi địa phương để đáp ứng các nhu cầu tại địa phương, và chỉ là những nhu cầu cần thiết nhất mà thôi”. Điều này sẽ bao gồm việc xây dựng “các cộng đồng tự trị” với “nền dân chủ trực tiếp và có thật”, và được quyền hoạch định chính sách dựa trên sự đồng tâm nhất trí chung.

Tim Buckley, giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng tại Học viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), đã cho Voice of Action biết rằng mô hình kinh tế của chúng ta “sẽ phải thay đổi hoặc bị sụp đổ” khi “chúng ta đối mặt với các giới hạn tăng trưởng”. Chi phí cho sức khỏe và xã hội hiển nhiên đang gia tăng nhanh chóng và “chúng ta đang chạm đến điểm không thể tránh né được”.

Ông Buckley nói:

“Tôi nghĩ chủ nghĩa tư bản toàn cầu đang nhận ra, rằng sự xuất hiện của đám người chuyên hút máu và ăn bám thiên nhiên (chính là số 1% dân cư loài người nhưng sở hữu hầu hết tài sản giàu có trên thế giới) đã được duy trì quá lâu rồi”.

“Nếu bọn họ giết chết vật chủ (và cả 99% loài người ở tầng lớp bên dưới), thì vị thế của họ sẽ thực sự rất tệ hại. Ngay cả khi họ có vơ vét hết tất cả tài sản giàu có trên mặt đất này, thì toàn bộ miếng bánh cũng sẽ tan vỡ, và họ chính là kẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy nên để bảo vệ địa vị ‘thượng lưu’ của mình, họ sẽ cho phép sự thay đổi diễn ra để xây dựng mô hình trở nên bền vững hơn, để họ vẫn có thể là 1% nhóm người đứng trên đỉnh, nhưng chấp nhận chia sẻ thêm một chút để làm cho hệ thống trở nên vững vàng hơn.”

Buckley có vẻ lạc quan hơn hầu hết các chuyên gia ở trên vì ông tin rằng nhóm tinh hoa tài chính thế giới sẽ tái tổ chức lại nền kinh tế toàn cầu để trở nên bền vững và tự duy trì được chính hệ thống này.

Ông này cho biết:

“Nền kinh tế của năng lượng tái tạo sẽ làm cho xu hướng này trở nên hợp lý về mặt kinh tế. Đó không phải là chuyện cứu vớt người nghèo trên thế giới. Đó là về tính thực dụng của kinh tế – năng lượng mặt trời đang giết chết các đầu tư vào nhà máy nhiệt điện vận hành bằng than đá. Chính giới công nghệ và kinh tế thắng cuộc, chứ không phải những phong trào bảo vệ môi trường.”

BÌNH LUẬN CỦA HÀNH TINH TITANIC:

Đối với Việt Nam, chúng tôi chỉ lập lại các lời khuyên thẳng thắn – như đã từng trước đây hơn 12 năm – như sau:

  1. Chấm dứt ngay mô hình KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, mà trong đó, các nhóm lợi ích kinh tế, tập đoàn “tư bản quốc doanh”, mafia tư bản thân chính phủ… đang tận dụng để khai thác, bóc lột và tàn phá đất nước này nhằm kiếm chác lợi nhuận và chi phối nền chính trị của quốc gia. Củng cố nền luật pháp để trừng trị tham nhũng và tệ nạn lợi dụng chức quyền để làm ăn phi pháp.
  2. Chấm dứt ngay giấc mơ tăng trưởng, ngưng ngay tham vọng trở thành “công xưởng phụ”, thay thế Trung Quốc trong việc trở thành con mồi của chủ nghĩa tư bản tân tự do. Thải bỏ và cấm ngay lập tức các mô hình kinh tế phá hoại hệ sinh thái và môi trường sống.
  3. Tập trung khôi phục môi trường đất nước đã bị tàn phá và hủy diệt, trồng rừng tối đa, bảo vệ các dòng sông, bảo vệ tài nguyên biển, cấm khai thác vô tội vạ nguồn lực thiên nhiên, cấm các ngành kinh doanh, buôn bán, trao đổi gỗ nguyên khối tấm lớn, thú hoang dã, hoặc tận diệt nguồn sinh trưởng của tự nhiên.
  4. Không tập trung phát triển các khu vực siêu đô thị nữa, nhưng cân bằng nguồn lực vùng miền, xây dựng thế mạnh nông nghiệp – lâm nghiệp – ngư nghiêp địa phương. Tập trung vào sản xuất nông nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái để kiến tạo môi trường sống bền vững trong tương lai khủng hoảng. Tạm dừng tăng trưởng trên bề mặt của tiền tệ và tài chính, nhưng tăng trưởng theo chiều sâu chất lượng sống và hạnh phúc căn bản cho người dân.
  5. Bắt đầu hối thúc và hỗ trợ các ngành công nghệ – kỹ thuật – kiến trúc – năng lượng – hỗ trợ dân sinh thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu thảm họa khí hậu (như sốc nóng, hạn hán, bão lũ, lốc xoáy, thủy triều dâng…). Hãy bắt đầu triển khai các mô hình dân cư sinh thái địa phương dựa trên thế mạnh vùng miền, phù hợp với dân sinh tại nơi đó, và có tích hợp bảo tồn thiên nhiên, cũng như bảo vệ tính mạng con người trước nguy cơ sụp đổ. Trao quyền tự trị cho một số khu vực có đặc thù sinh thái riêng, cùng tham gia hoạch định phương hướng phát triển dân sinh dựa trên các kịch bản cực đoan nhất, để bắt đầu áp dụng mô hình thích nghi hoặc cứu trợ lẫn nhau khi biến đổi khí hậu xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng (ví dụ như trong cháy rừng, lũ lụt, siêu bão…)
  6. Mời gọi và trân trọng sự giúp đỡ của các quốc gia khác đến chia sẻ kinh nghiệm thích nghi với tình hình mới của biến đổi khí hậu, hỗ trợ cơ sở vật chất, tăng cường mạng lưới theo dõi và dự báo thảm họa khí hậu trên bình diện khu vực và toàn cầu. Kết nối với các nhà khoa học có lương tâm và thành thật với thực tế của nguy cơ sụp đổ. Tránh giấu giếm sự thật đối với nhân dân, nhưng phải nói thẳng về tính nghiêm trọng tối đa của nguy cơ và mời gọi mọi người cùng đối mặt/tham gia giải quyết vấn đề.
  7. Bắt đầu đề nghị thiết lập và đàm phán với các cường quốc trên thế giới về một giải pháp di tản dân cư trên toàn cầu ở vùng xích đạo đến các khu vực dễ sống sót hơn trong tương lai, ví dụ như Siberia, Greenland, Canada, Alaska, hoặc lục địa Nam Cực. Hãy suy nghĩ nghiêm túc về giải pháp này, vì trong tương lai 50 năm nữa, Việt Nam không phải là nơi có thể sống sót được nữa.

HÀNH TINH TITANIC là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

[wpforms id=”2628″]
Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

CHU KỲ KHÍ HẬU EL NIÑO VÀO NĂM 2020 CÓ THỂ KÍCH HOẠT TIẾN TRÌNH TĂNG NHIỆT TOÀN CẦU +18°C

Đường biểu đồ màu xanh trong hình bên dưới cho thấy một xu hướng dài hạn, dựa trên dữ kiện của NASA LOTI (Land-Ocean Temperature Index – Chỉ số Nhiệt Đại dương – Đất...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Dịch bệnh

SAU CUỘC ĐIỀU TRA CỦA WHO, CÀNG CÓ MỐI NGHI NGỜ CHO THẤY CORONAVIRUS CHỦNG MỚI ĐÃ LAN RA TẠI TRUNG QUỐC VÀ CHÂU ÂU TỪ ĐẦU THÁNG 10/2019

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy coronavirus đã lây lan trên toàn cầu vài tháng trước khi những case bệnh đầu tiên ở một chợ Vũ Hán bắt đầu thu hút sự chú ý trên toàn cầu...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic