VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG KHỦNG HOẢNG


hanhtinhtitanic
VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO TRONG KHỦNG HOẢNG

Bạn Phan Nguyen trên Facebook của tôi có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn và thú vị về vai trò của Tôn Giáo, sau khi tôi đăng tin bài về lớp băng trên biển Bắc Cực phần lớn có độ tuổi ngày càng trẻ hơn.

Bạn có đề cập đến những lời tiên tri của Pháp Luân Công, vai trò dọa nạt của tôn giáo trong việc loan báo một ngày tận thế, về việc phải cần đến một câu chuyện ngụ ngôn kiểu như con tàu của Noah.

Chính vì thế nên tôi đã quyết định mở status này để giải đáp cho bạn hiểu cách mà một trình thuật nội dung tôn giáo nghiêm khắc cảnh cáo con người nếu vi phạm nguyên tắc sống theo Đạo của Trời, bằng Sách Sáng Thế của Do Thái giáo và một số sách trong bộ Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo.

Tôi tập trung vào cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời của ông Noah.

Sách Sáng Thế, chương 6, câu 11 và 12, cho thấy rõ ràng tình trạng của tội lỗi và cái ác xảy ra trên Trái Đất như sau:

“Đất đã ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa và đầy bạo lực. Đức Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất.”

Bạn Phan Nguyen có thấy chỉ báo của câu này tương tự như hiện trạng xã hội và môi trường trên toàn cầu hiện nay giống như vậy hay không? Chính cách sống ưa thích bạo lực, thói tham lam cướp bóc vơ vét của cải, và đồng tiền bẩn đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống con người, đang làm cho chúng ta vấy bẩn, không thể thoát ra khỏi hệ thống đen tối này, và điều quan trọng hơn, là sự dữ đã trở thành “nếp” – một điều gì đó ăn sâu vào máu thịt và mọi thứ liên quan đến con người trên mặt đất này. Mọi thứ đã trở nên hư hỏng trước con mắt của Đấng Tạo Hóa, vì nó đi sai lệch so với dự phóng và ý muốn của Đấng đã kiến tạo nên thế giới tốt đẹp này. Và điều gì đến phải đến, vì sự dữ thống trị nên tai họa sẽ phải xảy ra như một tất yếu. Cái gì đi ngược lại trật tự tốt đẹp của Tạo Hóa thì sẽ dẫn đến diệt vong – đó không phải là một lời đe dọa, nhưng là quy luật tự nhiên.

Thế rồi câu chuyện đóng tàu của Noah diễn ra. Điều đáng nói là các đoạn trình thuật mô tả chi tiết từ lúc nhân vật Noah xuất hiện, về gia đình ông, công việc đóng tàu của ông, cơn lụt đại hồng thủy, con tàu lênh đênh trên sóng nước, cuộc đối thoại với Thiên Chúa, nước bắt đầu rút, các dấu hiệu có đất liền, mọi người ra khỏi tàu, lời hứa của Thiên Chúa… trong sách Sáng Thế được sắp xếp với mối quan hệ giao thoa mở-khép và cân bằng câu chuyện rất thú vị, như sau:

A Nói về Noah (câu 10a)
B Nói về các con trai Shem, Ham, và Japheth (10b)
C Con tàu được xây dựng (14-16)
D Thông báo Đại hồng thủy (17)
E Lời hứa với Noah (18-20)
F Chuẩn bị thức ăn trong con tàu (21)
G Ra lệnh vào tàu (chương 7. câu 1-3)
H 7 ngày tiên đoán đại hồng thủy (4-5)
I 7 ngày nữa chờ đại hồng thủy (7-10)
J Chính thức bước vào con tàu (11-15)
K Thiên Chúa đóng cửa Noah vào tàu (16)
L 40 ngày nước lụt (17a)
M Nước dâng lên (17b-18)
N Núi đồi bị ngậm chìm (18-20)
O 150 ngày nước mênh mông (21-24)
P CHÚA NHỚ ĐẾN NOAH (ch8. c1)
O’ 150 ngày nước rút (3)
N’ Các đỉnh núi hiện ra (4-5)
M’ Nước rút (6)
L’ Kết thức 40 ngày nước rút (6a)
K’ Noah mở cửa con tàu (6b)
J’ Quạ và bồ câu được thả ra (7-9)
I’ 7 ngày chờ nước rút (10-11)
H’ 7 ngày nữa chờ nước rút hẳn (12-13)
G’ Ra lệnh rời khỏi tàu (15-17)
F’ Thức ăn bên ngoài tàu (chương 9.1-4)
E’ Lời hứa với mọi xác phàm (8-10)
D’ Không có đại hồng thủy trong tương lai (11-17)
C’ Lại nói về con tàu lần cuối (18a)
B’ Nói về các con trai Shem, Ham, Japheth (18b)
A’ Nói về Noah (19-20)

Điều đó có ý nghĩa gì? Vâng, đó là một trình thuật giàu ý nghĩa và rất chi tiết trong việc mô tả một đơn vị cơ bản của xã hội con người là GIA ĐÌNH (8 con người: 4 cặp nam-nữ có mối quan hệ huyết thống chặt chẽ với nhau), sống đúng con đường chính nghĩa của Đạo, tuân theo nguyên tắc sống của một người công chính, và trở nên hoàn hảo trong mắt của Đấng Tạo Hóa. Gia đình đó gắng sức lội ngược dòng nếp sống hư hỏng và thối nát của xã hội đương thời.

Và họ được cứu. Nhưng không phải tránh thoát cơn đại hồng thủy bằng phép màu “phong long”, ghê gớm gì của Thiên Chúa. Họ phải tự xắn tay áo lên để đóng một con tàu. Con tàu đó chính là con đường của họ, do chính họ đặt lòng tin, chọn lựa, nhúng tay vào và phó thác số mệnh cho nó – hay còn gọi là ĐẠO. Và con tàu của ĐẠO ấy không chỉ được làm ra để cứu vớt tám mạng người này mà thôi (như thế thì ích kỷ quá, phải không), nhưng còn dung chứa và cứu thoát tất cả mọi loài vật theo từng cặp theo ý của Đấng Tạo Hóa. Ở trung tâm tất cả các hoạt động này là “THIÊN CHÚA NHỚ ĐẾN NOAH” – vì ông chọn lựa đúng, sống đúng và tin tưởng đúng ý của Tạo Hóa. Đó mới đích thực là ĐẠO.

Điều gì đã khiến cả gia đình ông Noah đồng lòng đồng sức và quyết định đặt niềm tin vào Thiên Chúa? Phải chăng là sự nhiễu nhương, phù phiếm và “đổi trắng thay đen” của xã hội đương thời? Phải chăng là khả năng nhìn ra và ý thức được mối hiểm họa? Hay phải chăng là niềm tin vào lựa chọn sống đúng đắn theo ý muốn của Đấng Tạo Hóa, và sự khôn ngoan nhận ra rằng sự sống nơi xã hội hư hỏng và thối nát này rồi sẽ đến lúc tận cùng và bị tiêu diệt như một hệ quả tất yếu?

Bạn hẳn đã xem bộ phim NOAH do đạo diễn Darren Aronofsky làm và công chiếu năm 2014 rồi phải không? Có rất nhiều tài tử danh giá góp mặt trong tác phẩm điện ảnh này, bao gồm cả Anthony Hopkins, Russel Crowe, Jennifer Connelly và Emma Watson. Bạn có thể chứng kiến sự miêu tả rất sống động sinh hoạt, tâm tư tình cảm và cách ứng xử của một gia đình lớn trong cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra như thế nào qua màn ảnh. Và điều duy nhất để lại trong tâm hồn người xem sau khi chấm dứt bộ phim, không phải là ấn tượng hiệu quả hình ảnh hoành tráng của các cột nước dâng cao vùi lấp con người bệnh hoạn, hư hỏng, bạo lực, nhưng chính là nỗi ám ảnh khủng khiếp trong đầu nhân vật Noah: “Có phải Đức Chúa muốn hủy diệt con người cho đến người cuối cùng – cho dù đó là người trong gia đình của ông”.

Khi một người phải chứng kiến sự ngu dốt, tàn bạo, cái ác tột cùng và sự nhẫn tâm của đồng loại đối với nhau và đối với môi trường thiên nhiên, thì họ sẽ đánh mất niềm tin vào vai trò của con người trong hệ sinh thái tươi đẹp này. Con người chẳng qua chỉ là một giống vật được ban tặng món quà vô giá là sự thông thái, được trao quyền tự do sinh sát và phá hủy, và được phép kết án anh em của mình. Và vì thế, với quyền lực và ý chí mạnh mẽ như vậy, nhưng lại hành động theo chiều hướng của xấu xa và sự dữ, thực sự con người phải cần bị tận diệt hoàn toàn để tránh gây thảm họa cho các loài khác. Noah đứng trước cơn giằng xé nội tâm vì ý nghĩ khủng khiếp này. Ông đã chứng kiến sức mạnh của Tạo Hóa được cho phép xảy ra để nhấn chìm toàn bộ loài người hư hỏng. Ông trở thành người cực đoan, muốn chấm dứt cả số phận của chính mình và vợ con mình, để như chấm dứt vai trò và quyền lực đen tối mà con người sẽ dễ dàng sa đọa vào khi sinh sôi nảy nở trên hành tinh này.

Thế cho nên mới có cảnh Noah giằng lấy hai em bé cháu gái được người con dâu sinh ra trong những ngày cuối cùng của con tàu lênh đênh trên sóng nước để giết đi. Nhưng ông không thể. Thiên Chúa đã ghép vào tâm hồn Noah – cũng như mọi con người chân chính – một tình yêu và lòng quý trọng sự sống. Gia đình ông rồi cũng cập bến bờ của sự bình an. Các con của ông lớn lên và ra đi một lần nữa.

Bạn có thấy toàn bộ câu chuyện của Noah đầy ý nghĩa nhân bản và khơi gợi nhiều ý thức về niềm tin và món quà của sự sống hay không? Tôn giáo là như thế. Nó không giống như khoa học, nhưng phản ánh một cách chân thực nhất về lựa chọn, niềm tin và hành động của con người trên con đường của ĐẠO.

Ngoài các chứng cứ của khoa học về biến đổi khí hậu như các tảng băng đang tan ra ở hai cực, nền nhiệt khí hậu đang nóng dần lên, hàng loạt cuộc tuyệt chủng của nhiều chủng loài, các cơn siêu bão với sức gió trên 200km/g… nếu bạn muốn các tôn giáo có một dấu chỉ cụ thể cho thời đại ngày hôm nay, về một ngày tận thế sẽ có khi chúng ta đang chạy theo sức mạnh của đồng tiền, lòng tham và sự nhẫn tâm phá hủy môi trường sống, thì xin đọc câu Kinh Thánh này của bên Thiên Chúa giáo:

““Quả thế, thời ông Noah thế nào, thì ngày Thiên Chúa quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noah vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.” (Sách Matthew, chương 24, câu 37 – 39).

Ồ, ngạc nhiên chưa. Dấu chỉ của tôn giáo chính là không có gì hết ngoài niềm tin và ý thức. Đó chính là con đường của ĐẠO. Nếu ngày hôm nay, các bạn vẫn mê say ăn uống, vui chơi hết mình, hưởng thú vui shopping hết cỡ, mà không để ý gì đến các lời cảnh cáo và kêu gọi của giới khoa học gia chính thống với rất nhiều bằng chứng và thông số hiển nhiên của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, thì liệu kiểu đe dọa “phong long” như tôn giáo sẽ có tác dụng gì?

Vì thế, tôn giáo không hăm dọa cái gì cả. Tôn giáo là một con đường. Nếu bạn không đi trên con đường đó, chẳng ảnh hưởng gì cả đến người khác. Nếu bạn đi trên con đường đó nhưng cách đi đứng không đúng, kiểu như “cúng bái, lễ lạy để làm ăn thuận lợi hơn”, thì bạn sẽ lệch lạc và tự gây họa cho chính mình. Nếu bạn đi đúng và đi chính xác con đường đó, bạn sẽ tự cứu được mình và cả thế giới này nữa.

Tôn giáo cũng không chứng minh, không biện bác, không ép buộc. Nó phải là quyền tự do và quyết định của bạn. Vì thế, tôn giáo có giá trị bằng lòng tin và xác tín của hàng triệu thế hệ con người đã đi theo trên con đường của ĐẠO.

Thân mến.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

LỜI KHUYÊN, CẦU NGUYỆN & CHỮA LÀNH

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO VỀ TIỂU VÙNG AMAZON

Bắt đầu từ hôm nay (ngày 6/10) đến hết ngày 27/10/2019, Đức Giáo Tông Francis đã chính thức khai mở THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ TIỂU VÙNG AMAZON. Đây là công nghị đầu tiên của...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
LỜI KHUYÊN, CẦU NGUYỆN & CHỮA LÀNH

NÔNG – LÂM KẾT HỢP

“Canh tác thuận tự nhiên” là một thuật ngữ mà chúng tôi có nhắc đến trong bài LỜI KHUYÊN để chuẩn bị đối phó với khủng hoảng Biến đổi Khí hậu: Có rất nhiều cách gọi...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic