KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU KHỦNG KHIẾP HƠN TA NGHĨ. VÀ NẾU NGHĨ, THÌ TA SẼ LÀM CHI ĐỜI TA?


Linh Nguyen
KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU KHỦNG KHIẾP HƠN TA NGHĨ....

Một nhà khoa học khí hậu đã dành vài năm cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người vào cuộc khủng hoảng sắp tới. Vợ anh giờ đã kiệt sức. Cậu con trai lớn thấy tương lai vô vọng. Và ngoài anh ra, chẳng ai chịu dùng cái nhà vệ sinh ngoài trời mà anh dựng lên để giảm thiểu dấu chân carbon.

Đọc hết bài viết bên dưới, các bạn sẽ hiểu về suy nghĩ, cảm xúc, thái độ, hành động… của những người đang nghiên cứu và làm việc trong ngành khoa học khí hậu. Đó cũng sẽ là cảm xúc và tâm lý của tất cả chúng ta khi mọi sự diễn ra rõ rệt hơn trong tương lai. Họ chỉ là những nhà tiên tri nhìn thấy được toàn cảnh tương lai bằng các dữ kiện, còn chúng ta sẽ tiến đến thời điểm khủng hoảng đó.

Bài viết này của tác giả Elizabeth Weil, viết cho ProPublica. Hình ảnh do Andrew White – nhà khoa học khí hậu trong bài – cung cấp. Bài viết được bạn Linh Nguyễn chuyển ngữ cho Hành tinh Titanic từ nguồn:

The Climate Crisis Is Worse Than You Can Imagine. Here’s What Happens If You Try.

Peter Kalmus và Sharon Kunde tại nhà của họ ở Altadena, California (Ảnh do Andrew White cung cấp, dành riêng cho ProPublica).

Thẫn thờ, Peter Kalmus lảo đảo bước về phía chiếc xe hơi. Tất cả đang diễn ra. Tất cả những gì anh luôn gắng chỉ cho mọi người thấy, mà vẫn không thể giúp họ nhận ra – chúng đã ở đây cả rồi. Hôm qua, khi gia đình anh bắt đầu chuyến du lịch bụi nhân dịp Lễ Lao động, men theo dòng suối cạn phơi đầy đá cuội giữa những tán sồi trong Hẻm Romero (Romero Canyon), trong những rặng núi phía đông thành phố Santa Barbara, nhiệt độ ở đó là 105 độ F (40.5 độ C). Bây giờ nhiệt độ đang là 110 độ F (43.3 độ C), và dưới chiếc ba lô, thân hình lực lưỡng của Peter không chỉ đang toát mồ hôi vì nóng. Anh thấy mình như bị nung chảy dần. Dường như mọi sự đều hỏng cả. Não anh hỏng, hành tinh này hỏng, và tất cả những gì sống trên hành tinh đều có vẻ hỏng hóc, bị xáo trộn và lệch lạc.

Gần đến đầu lối mòn, tâm trí Peter trượt vào một vòng xoáy chết chóc: Điều gì sẽ đến trong mùa hè tới? 10 năm nữa trời còn nóng đến đâu? Đúng là dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình sẽ chỉ tăng lên chừng một phần mấy độ C mỗi thập kỉ. Thế nhưng một phần mấy độ ấy sẽ cộng dồn lên mãi và các giới hạn nhiệt cao nhất sẽ còn tăng nhanh hơn thế, và trong khi thân hình lực lưỡng của Peter đại loại có thể chịu đựng được mức 100 độ F, mức 110 độ F đã khiến anh phát điên. Loại khí hậu ấy không thân thiện với con người. 110 độ F là một hành tinh khắc nghiệt và xa lạ.

Những con thằn lằn bị nướng chín, ngay tại đó trên các tảng đá. Ở nơi khác, bầy chim đang hót rơi xuống từ trời. Đúng như các nhà nghiên cứu đã hứa hẹn, xung đột giữa con người xảy ra nhiều hơn. Không phải bạo lực công khai, ở đây thì chưa. Nhưng các con của Peter hay gắt gỏng, và vợ anh thì dễ cáu tiết, và sự thật rành rành mà anh từng tuyệt vọng gắng giúp những người xung quanh nhìn ra – “sự thật rành rành” là cụm từ mà cộng đồng quan tâm đến khí hậu lựa chọn để nói về nhận thức gan ruột của họ rằng biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề của tương lai mà là một cuộc khủng hoảng ngay bây giờ – cái sự thật rành rành đó hiển hiện ở đây. Tất cả tai ương đã ở đây rồi (cả với hành tinh và theo cách nói của lão già Alexis Zorba trong cuốn Alexis Zorba – Con người hoan lạc: “Vợ. Con. Nhà cửa. Mọi thứ. Tất cả tai ương”). Để dịu lại, Peter, một nhà khoa học khí hậu chuyên nghiên cứu về các rạn san hô, đã đứng dưới suối suốt một giờ, như cách người ta đứng trong nhà xác chờ nhận diện một người thân quá cố, điên tiết vì sự bất lực của mình, và tuyệt vọng nặng nề. Anh chẳng thấy vẻ vang gì rằng mình đã đúng.

Sharon Kunde, vợ của Peter, cũng chẳng thấy tình thế có gì ghê gớm, tuy rằng cơ thể chị ổn cả. Trời chỉ nóng thôi mà … ok, rất nóng. Chồng chị lại lên cơn. Cơn khủng hoảng trầm kha bấy lâu vẫn âm ỉ, nay gặp dịp khí trời oi bức quá độ, lại vỡ bùng vô phương chống đỡ. Chuyến đi thật tồi tệ.

“Tôi mất hết cả kiềm chế,”

sau này Peter nhớ lại khi chúng tôi ngồi trước hiên nhà anh trong một buổi chiều tháng Mười một trời quá ấm ở Altadena, California, ngay dưới chân rặng núi San Gabriel.

“Đúng rồi,” Sharon nói.

“Không kiểm soát được mình nữa.”

“Ừ.”

“Sharon tội nghiệp là người gần gũi với tôi nhất, và tôi chia sẻ mọi điều với cô ấy.”

Đôi khi mọi điều xảy ra vừa là quá nhiều, lại vừa như không đủ. Tác giả George Marshall mở đầu cuốn sách mang tựa đề Đừng Nghĩ Đến Nó Làm Gì: Vì sao Não Chúng ta Được Lập trình để Phớt lờ Biến đổi Khí hậu (Don’t Even Think About It: Why Our Brains Are Wired to Ignore Climate Change), với câu chuyện ngụ ngôn về Jan Karski, một người lính trẻ của quân kháng chiến Ba Lan, người vào năm 1943 đã gặp trực tiếp Felix Frankfurter, vị Thẩm phán Tòa án Tối cao người Do Thái thường được coi là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế hệ ông. Karski kể với thẩm phán Frankfurter về những gì anh đã tận mắt chứng kiến: cướp phá trong khu người Do Thái ở Ba Lan, trại tập trung chết chóc ở Belzec. Sau đó, Frankfurter nói:

“Tôi không tin cậu.”

Đại sứ Ba Lan, người đã sắp xếp cuộc gặp đó theo đề xuất của Tổng thống Franklin Roosevelt, xen vào để xác nhận câu chuyện của Karski.

Frankfurter giải thích:

“Tôi không bảo rằng cậu ấy nói dối. Tôi bảo tôi không tin cậu ta. Hai thứ đó khác nhau. Lí trí tôi, tâm hồn tôi – chúng được hình thành theo cách khiến tôi không thể chấp nhận những gì cậu ấy vừa kể. Không không không.”

Ảnh do Andrew White cung cấp , dành riêng cho ProPublica

Giống như Frankfurter, Sharon cũng có lí trí và tâm hồn biết tự phòng vệ. Là giáo viên cấp ba môn tiếng Anh và sống khắc kỉ từ nhỏ trong gia đình gốc Đức theo giáo lý Luther (Tin Lành) ở miền Trung tây Hoa Kỳ, chị không tin vào việc nói ra khi chưa sẵn sàng hành động.

Sharon, 46 tuổi, nói về nỗi ám ảnh với khí hậu của chồng chị:

“Chúng tôi thấy khó hiểu nhau trong chủ đề này.”

Thế nhưng trong khi Sharon có sự kín đáo siêu phàm, Peter lại chẳng khác gì một cái sân thanh lý đồ lạc xoong, luôn phơi bày toàn bộ con người mình trước bàn dân thiên hạ. Ở tuổi 46, anh làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (Jet Propulsion Lab – JPL) của NASA, nghiên cứu về khả năng sống sót của các rạn san hô khi đại dương ấm lên. Mắt anh có chút long lanh hơn những gì ta có thể hình dung về một người đàn ông bị ám ảnh bởi ngày tàn của hành tinh. Nhưng anh thường lấy hai tay ôm đầu như ôm một quả tạ bình vôi 23kg. Mỗi lần nghe một chiếc máy bay bay ngang qua, anh lại lẩm bẩm:

“Tiếng ồn của nhiên liệu hóa thạch đấy.”

Từ nhiều năm nay, trong các bài trên tạp chí Yes!, trong các bài xã luận gởi tòa soạn (op-ed) đăng trên báo Los Angeles Times, trong cuốn sách của chính anh mang tên Tạo ra Sự Thay đổi: Sống tốt và Châm ngòi cho một cuộc Cách mạng Khí hậu (Being the Change: Live Well and Spark a Climate Revolution), trên mạng xã hội, Peter đã kêu gọi, cầu xin mọi người chú ý đến tình trạng cấp bách trên toàn cầu. Mùa thu năm ngoái, anh cảm thán trên Twitter:

“Đây có phải chỉ là địa ngục của mình tôi đâu? Mà tôi lại phải dành cả đời trong tuyệt vọng cố thuyết phục mọi người ĐỪNG PHÁ HOẠI QUẢ ĐẤT CHẾT TIỆT NÀY?”

Nỗi đau tê dại của anh là một trường hợp có thể đem ra làm điển hình nghiên cứu để trả lời một câu hỏi căn bản về biến đổi khí hậu: Làm thế nào để đối mặt với sự thật về biến đổi khí hậu khi mà chỉ riêng việc chấp nhận sự thật ấy cũng có nguy cơ xô đổ sự tỉnh táo của ta? Quá nhiều phiền muộn, quá nhiều đau khổ phải chịu. Thế nên ta trí thức hóa. Ta hợp lí hóa. Và thường khi, ta ngoảnh mặt quay lưng mà thậm chí không cho phép mình ý thức rằng mình đang quay lưng ngoảnh mặt. Ở mọi cấp độ – cá nhân, chính trị, chính sách, doanh nghiệp – chúng ta lặp lại kiểu hành xử này. Ta thất bại, hay thậm chí không buồn nỗ lực, trong việc đứng lên đối mặt với thách thức. Đành rằng có những thế lực khổng lồ của quyền và tiền không ngừng củng cố hiện trạng trì trệ của thế giới, nhưng ngay cả chính chúng ta, những người có niềm tin vững chắc rằng mình có quan tâm đến điều đó, cũng thường thất bại trong việc biến mối quan tâm ấy thành hành động gì đáng kể. Ta trò chuyện, những cuộc chuyện trò lịch sự, có lẽ thậm chí còn sôi nổi. Ta nói những lời thông tuệ về khí hậu trong phòng họp hay lớp học, trong bếp hay trên hành trình vận động tranh cử. Rồi sau đó… có một khoảng cách, một sự trì trệ và trống rỗng lớn lao. Điều gì sẽ xảy ra nếu một người – hay để tưởng tượng cho chính xác, một nhà khoa học khí hậu, người được ban cho đặc ân mà cũng phải chịu lời nguyền, hiểu hết chiều sâu của vấn đề – nhận về tất cả tai ương?

Khi Peter, Sharon cùng hai đứa con trai 12 và 14 tuổi của anh chị đã xếp ba lô vào xe trong ngày nghỉ Lễ Lao động quỷ tha ma bắt ấy, họ mở điều hòa hết cỡ, rồi dừng lại mua nước Gatorade và bim bim Flamin’ Hot Doritos để lấy lại sức. Nhưng cái nóng đã bủa xuống không chỉ thân hình lực lưỡng của Peter, mà cả trên hàng triệu mẫu (acres) cánh đồng cỏ quyên tước khô và đồng cây bụi sồi.

Chiều hôm đó, khoảng 1 giờ, trận cháy rừng Bobcat bắt đầu ở cách nhà họ năm dặm, trong những ngọn đồi của thành phố Los Angeles.

Ảnh do Andrew White cung cấp, dành riêng cho ProPublica

Ám ảnh của Peter về khí hậu bắt đầu theo cách những nỗi ám ảnh vẫn thường bắt đầu, với cả sự hồ hởi và sợ hãi. Vào cuối năm 2015, Sharon mang thai đứa con đầu lòng của họ, và giữa từng cơn vui sướng rồi hoảng hốt xen kẽ vẫn đồng hành với những ai lần đầu chuẩn bị làm cha, Peter tham gia vào một buổi thảo luận chuyên đề hàng tuần về vật lí ở Đại học Columbia, nơi khi ấy anh đang theo học bậc tiến sĩ ngành Vật lí Thiên văn. Chủ đề ngày hôm ấy là sự bất cân bằng về năng lượng trên hành tinh – năng lượng từ mặt trời xâm nhập vào khí quyển trái đất nhiều hơn năng lượng mà khí quyển trái đất tỏa ra ngoài không gian. Peter tham gia một cách say mê. Thời niên thiếu anh là một cậu hướng đạo sinh mọt sách học trường dòng ở ngoại ô Chicago, và như chị gái Audrey của anh thường nói, từ nhỏ đến lớn Peter luôn “nhảy bổ vào những thứ mình tin bằng cả ba chân.” Anh gặp Sharon ở Harvard. Họ chuyển đến sống ở New York để chị lấy bằng về giáo dục. Trong một thời gian, trước khi trở lại trường học, Peter làm lập trình viên ở Phố Wall kiếm được khá tiền. Giờ đây, ngay tại đó anh được nghe, thực sự được nghe lần đầu, rằng hành tinh này, ngôi nhà tương lai của con trai anh, sẽ bị quay chín. Chấm hết.

Đó là một thảm họa – một thảm họa vật lí, một thảm họa của ngành vật lí, và anh, một nhà vật lí học đang chuẩn bị đón đứa con trai đầu lòng, vẫn còn đứng như trời chồng đó. Anh rời giảng đường trong cơn choáng váng. Anh kể lại với tôi:

“Tôi nghĩ kiểu như: ‘Thế chúng ta cứ vờ như đây chỉ là một câu chuyện khoa học thông thường thôi à?’ Chúng ta đang nói về sự kết thúc của toàn bộ sự sống như ta từng biết trên Trái đất.”

Trong tám tháng sau đó, Peter đi quanh Manhattan, “như người mất trí,” anh nói, giống như “một trong mấy người hay cầm biển sắp-tận-thế-rồi chạy quanh ngoài đường đó.” Anh cố gắng cải đạo cho các nhóm sống xanh của sinh viên bậc đại học ở Columbia theo chính nghĩa của anh. Họ có quan tâm đến môi trường không? Có chứ. Họ có quan tâm đến thảm họa của hành tinh không? Có, tất nhiên họ quan tâm chứ, nhưng họ sẽ trung thành với chương trình loại bỏ túi nylon ra khỏi các nhà ăn của trường. OK? Anh thử vận động ban giám hiệu nhà trường chuyển sang dùng điện gió. Họ thậm chí còn chẳng cho anh lấy một buổi họp. Chẳng làm được điều gì cả. Vì sao Al Gore bỏ một mớ tiền ra làm phim về khí hậu để cuối cùng lại nao núng ở đoạn kết “Sự thật phũ phàng” (An Inconvenient Truth) mà nói rằng, về cơ bản, chỉ cần mua mấy cái bóng đèn tiết kiệm năng lượng? Gần như chẳng ai nhận ra điều đó – thực sự nhận ra điều đó. CHÚNG TA ĐANG TRONG CƠN NGUY BIẾN. Chỉ có một kết cục khả dĩ ở đây nếu con người không ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, thật nhanh: hỗn loạn toàn cầu, bạo lực trên diện rộng, và những cái chết đau thương.

Bạn bè của Peter và Sharon đến thăm và chúc phúc cho con trai họ, bé Braird, ít lâu sau khi em sinh ra vào Tháng sáu 2006. Lần lượt từng vị khách nói ra lời chúc của mình cho cậu bé. Đến lượt Peter, anh nói rằng anh hi vọng con mình không bị bắn khi biến đổi khí hậu làm con người trở nên dã man, và rằng bé sẽ không bị chết đói.

Ảnh do Andrew White cung cấp, dành riêng cho ProPublica

Peter và Sharon thuê một ngôi nhà có cây bơ to khi họ chuyển đến California vào năm 2008 để Peter thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ mà anh vẫn mơ ước về sóng hấp dẫn tại Đại học Kĩ thuật California (Caltech). Khi ấy Braird được 2 tuổi và bé Zane mới ra đời còn chưa cai sữa. Peter và Sharon đều lớn lên trong gia đình có bốn anh chị em, và họ không muốn Braird phải làm con một – vả lại có được một đứa con khi mình muốn cũng là một điều tuyệt vời vô hạn, trong trường hợp này là tuyệt vời đến độ không thể từ bỏ. (Sau đó họ quyết định bỏ không sinh đứa con thứ ba.) Hoạt động xã hội ở cộng đồng đầu tiên của Peter là một cuộc biểu tình vì khí hậu mà anh cùng tổ chức với một người bạn. Chỉ có hai người xuất hiện. Peter tham gia phong trào “Chuyển biến Pasadena” (Transition Pasadena), một nhóm cộng đồng hành động với mục tiêu tạo ra “một thành phố kiên cường hơn và sống dịu dàng hơn với Trái Đất của chúng ta”. Anh cũng kể rằng anh đã cố gắng “hướng cho nhóm tập trung vào hiện tượng trái đất nóng lên và đổ vỡ khí hậu,” nhưng các thành viên, theo anh, chỉ muốn nói về “làm vườn và các buổi họp hội đồng thành phố,” chứ không muốn nhắc đến ngày tận thế, cho nên Peter và “Chuyển biến Pasadena” chia tay.

Bốn năm từ ngày thức tỉnh và bắt đầu hành động vì khí hậu, Peter cảm thấy những gì mình làm được gần như là con số không tròn trĩnh. Một đêm, chán nản với việc khoanh tay đứng nhìn và ghê tởm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, anh ngồi vào máy tính và bắt đầu tính toán nguồn gốc tất cả lượng phát thải của chính mình để có thể cắt giảm chúng.

Sáng hôm sau anh đưa cho Sharon một biểu đồ tròn.

Đó là một trong những khoảnh khắc vừa bóp méo lại vừa kết tinh những vấn đề cố hữu về quy mô trong ứng phó với biến đổi khí hậu, những vấn đề của cá thể và của cả hành tinh, nhỏ bé và vĩ đại, quằn quại và vang dội như thể được điều khiển bằng một chiếc bàn đạp hiệu ứng của đàn guitar điện. Chính Peter tin rằng ta không thể sửa chữa vấn đề biến đổi khí hậu bằng đạo đức cá nhân cũng như chẳng thể làm điều tương tự với nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống. Nhưng anh cũng biết rằng, đến một lúc nào đó,

“ta phải đốt tàu của mình ngay trên bãi biển,”

nói như Richard Reiss, một nhà giáo dục về khí hậu và nghiên cứu sinh ở Viện Đô thị Bền vững của trường Cao đẳng Hunter (Institute for Sustainable Cities at Hunter College). Ta phải cam kết, có lẽ thậm chí phải tạo ra chút kịch tính, và thực sự thay đổi đời mình.

Khoanh lớn nhất trong biểu đồ phát thải chính là những chuyến bay của Peter đi tham dự các buổi họp mặt và hội thảo khoa học. Với gia đình anh, nếu Peter không đi máy bay nữa, nghĩa là anh sẽ có nhiều thời gian ở nhà hơn để chăm sóc con cái. Sharon vẫn giữ quyền được bay nếu chị muốn. Đôi bên đều có lợi.

Nguồn phát thải lớn thứ hai của Peter là thức ăn. Vì thế, anh khởi sự trồng a-ti-sô, cà tím, cải xoăn và bí, lại chăm sóc thêm cho các cây ăn quả, mấy việc đó đều tuyệt cả. Rồi anh bắt đầu ủ phân hữu cơ – OK, thế cũng tuyệt. Anh cũng bắt tay vào nuôi ong, nuôi gà, và chẳng bao lâu sau đám gấu mèo và chồn túi khám phá ra bầy gà còn Peter thì bắt đầu mặc độc chiếc quần lót chạy ra khỏi nhà lúc nửa đêm khi anh nghe tiếng thét của bọn gà. Gà con sống trong nhà, hai cậu con trai yêu mến chúng. Braird bị ong đốt trong khi Sharon vắng nhà vì tham gia một khóa thiền, thế rồi hóa ra Braird bị dị ứng và bị sốc.

Tiếp đến là lục thùng rác (dần dà – may sao – việc lục thùng rác chuyển thành một hợp đồng với chuỗi siêu thị Trader Joe’s để Peter lấy lại những thức ăn mà họ không bán được, hai tuần một lần vào các đêm Chủ Nhật). Lô hàng của Peter – “chừng bảy hay tám thùng,” theo lời Sharon, “ba thùng,” theo lời Peter – bao gồm các hộp đựng một tá trứng mà chỉ có một quả bị vỡ. Những khay dâu (phần lớn chưa lên mốc). Bánh mì hết hạn. Peter cố gắng hết sức cất dọn mọi thứ trước khi đi ngủ, vì ngủ dậy thấy đống hổ lốn khiến Sharon phát điên. Nhưng… đấy là một nỗ lực lớn. Sống với phát thải carbon thấp là một nỗ lực lớn.

Ảnh do Andrew White cung cấp, dành riêng cho ProPublica

Họ thôi không dùng máy sấy quần áo chạy bằng gas nữa. Họ ngừng đi đại tiện vào bồn cầu có xả nước và bắt đầu thực hành làm phân bắc, ủ chính phân mà họ thải ra. Khi còn ở Mông Cổ, Sharon từng sống trong một ngôi nhà có nhà xí bên ngoài, “cho nên chuyện này tôi cũng quen rồi,” chị nói. Thêm vào đó, thành thật mà nói thì chị thích cái chính kiến sống với nguồn lực từ địa phương, sống hữu cơ và chống chủ nghĩa tư bản của toàn bộ việc này.

“Marx viết về điều này trong cuốn Tư bản, Tập 1, rằng một trong những nguyên nhân người châu Âu bắt đầu sử dụng phân bón hóa học là vì người ta khởi sự chuyển về sống ở thành phố và xa rời đất đai, … và người ta không đi ị ngoài đồng nữa, cho nên đất trở nên ít màu mỡ.”

Vấn đề chính, với Sharon, là nhà tắm của họ thì nhỏ mà cái bồn cầu ủ phân lại nằm trong đó. Họ dùng lá khuynh diệp để khử mùi, nhưng rồi các mẩu lá nhỏ cũng rơi rụng lung tung khắp nhà tắm. Sau một thời gian Peter chuyển cái bồn cầu ủ phân ra ngoài trời. Anh cũng dựng một nhà tắm ngoài trời mà Sharon thấy khá thích, “trông mộc mạc và có chất California.”

Sharon đồng bệnh tương lân với một chị bạn lấy chồng là mục sư. Làm sao để có được một cuộc hôn nhân công bằng với một người đàn ông đang cố cứu thế giới? Giống như chị, vợ người mục sư cũng cảm thấy “không thể nào có chút không gian dành cho riêng mình,” Sharon kể. “Vì anh ấy được Chúa gọi để chăn dắt đàn con của Chúa. Khi chị ấy cố gắng làm gì đó thuộc về mình, nó chẳng bao giờ quan trọng bằng việc anh ấy làm.” Làm mẹ cũng đủ khó rồi. Sharon muốn viết tiểu thuyết. Chị muốn làm thơ. Chị muốn đi chạy bộ, hay chỉ là đi dạo, trong yên bình. Chị nói:

“Giấc mơ của anh ấy anh hùng hơn nhiều quá và quan trọng hơn nhiều quá, khiến cho tôi kiểu như, chẳng biết nữa. Tôi phải cuốn theo nó thôi.”

Phần khó khăn nhất của cuộc thử nghiệm cắt giảm carbon với Sharon là chiếc Mercedes đời 1985 mà Peter chuyển sang dùng xăng sinh học. Maeby, là cái tên Sharon gọi đểu chiếc xe – một tên riêng phát âm giống hệt từ “có thể” trong tiếng Anh, Có thể chúng ta sẽ đi đến nơi về đến chốn, mà cũng Có thể sẽ không. Maeby bước vào đời họ năm 2011, khi Sharon bắt đầu học tiến sĩ Ngôn ngữ Anh tại Đại học California phân hiệu Irvine, và phải đi đi về về một quãng đường 50 dặm mỗi chiều. Đúng là họ đã đi du lịch nhiều chuyến trong mùa hè, đi cắm trại và thăm bạn bè. Nhưng trong các chuyến đi mùa đông thăm gia đình họ ở miền Trung tây, mỡ nhớt trong máy xe đông lại vì cái lạnh, làm Maeby hỏng hóc nhiều hơn. Có những đêm Sharon khóc trong phòng trọ giữa đường, nhưng “ban ngày thì mọi thứ có vẻ tốt hơn,” chị nói. Chị bàn đến việc thuê xe hoặc thậm chí bay về nhà nhưng không bao giờ thực hiện. Thế nhưng, một đêm muộn trên xa lộ lạnh lẽo, tối tăm và đơn độc ở bang Utah hẻo lánh, khi Peter đang bò dưới gầm chiếc xe hỏng, Braird và Zane ngồi la hét ở băng ghế sau, còn Sharon ngồi ghế lái cố gắng nổ máy xe theo yêu cầu của Peter – chị khởi sự băn khoăn liệu mình có đang mắc hội chứng Stockholm (giải thích thêm từ người dịch: Hội chứng Stockholm là một trạng thái tâm lý về mối quan hệ phát triển giữa kẻ bắt cóc với người bị bắt cóc, trong đó nạn nhân lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc).

Ảnh do Andrew White cung cấp, dành riêng cho ProPublica

Đôi khi, Sharon nghĩ về Peter như

“Thánh John Tẩy Giả, một tiếng vọng từ chốn hoang vu, vang lên lời kêu gọi không ngừng, “Hãy ăn năn đi, hãy sám hối đi!”

Chị nói điều này với vẻ thương yêu pha lẫn bực dọc. Như Larissa MacFarquhar khám phá trong cuốn sách Những kẻ lạ chết đuối (Strangers Drowning), những người tốt cực đoan thường làm chúng ta điên tiết. Ta thấy họ ngớ ngẩn, tự cho mình là đúng, đôi khi còn là những nhà đạo đức ái kỉ bệnh hoạn mà với họ, MacFarquhar viết, “Thời nào cũng là thời chiến.” Chỉ riêng hình dung việc làm thế nào để nuôi con lớn lên trên Trái Đất, ngay bây giờ, cũng đưa ra biết bao nhiêu câu hỏi hiện sinh. Peter thường rơi vào một trạng thái tinh thần kiểu thây ma tận thế nửa đùa nửa thật. Anh muốn dạy các con trồng cây, tự vệ, sửa chữa đồ đạc. Anh bảo:

“Tôi cho rằng ta cần nói đến việc nền văn minh sụp đổ, và hàng tỉ người sẽ chết.”

Trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, chính Sharon cũng thấy sợ hãi việc để lại các con trên hành tinh này, nhưng chị cũng dùng phẩm cách kiên nghị đặc trưng của người Đức được hun đúc từ thuở ấu thời để tạo cho mình một thứ bong bóng bình an của kẻ chối từ sự thật. Chị nói:

“Những điều bạn không muốn đối mặt, cứ lờ nó đi. Vờ như nó không tồn tại.”

“Nguyên tắc chăm sóc,” theo cách gọi của chị, bao gồm việc khuyến khích hai cậu con trai học nhạc, đọc sách và cả ngồi thiền khi chị có thể thuyết phục chúng cùng tham gia với chị. Chị muốn chuẩn bị cho các con những phẩm chất như sáng tạo và kiên cường. Nếu hành tinh này đang sụp đổ, chúng sẽ càng cần có đời sống nội tâm phong phú.

Sharon có muốn bọn trẻ lo lắng không? “Tôi không biết, tôi không biết,” chị nói. Đó là câu hỏi không hồi kết, cấp bách, phi thời. Ta muốn con cái mình hiểu đến đâu những điều khủng khiếp về thế giới?

Năm 2012, Peter chuyển ngành nghiên cứu, từ vật lí thiên văn sang khoa học trái đất, vì anh không thể nào ngừng bị ám ảnh. Điều đó đồng nghĩa với việc bước xuống những nấc thang thấp hơn trong sự nghiệp, từ bỏ nhóm thí nghiệm Quan sát Sóng Hấp dẫn Giao thoa tia Laser (Laser Interferometer Gravitational-Wave Observatory – LIGO) – ba thành viên sáng lập của nhóm sau này được trao giải Nobel Vật lí năm 2017. Thế nhưng ngay cả công việc mới cũng chẳng hợp với anh. Chính khoa học – với nỗi khiếp hãi không dám nói ra những điều nghe có vẻ thiên kiến điển hình của nó – chẳng còn hợp với anh nữa.

Ảnh do Andrew White cung cấp, dành riêng cho ProPublica

Peter đã từ bỏ hi vọng được vỗ về cảm xúc. Anh đã từ bỏ thái độ an vị. Anh gặp những cơn ác mộng về việc đi máy bay. Anh nói:

“Phát thải, bạn biết đấy. Tôi cảm thấy như máy bay bay bằng thịt trẻ con xay ấy.”

Ngay cả những quyết định đơn giản nhất cũng đẩy anh vào những rạn nứt sâu sắc về mặt triết lí. Các bài học nhạc của hai đứa con, với Peter, có vẻ lỗi thời một cách đáng buồn, gần như ương ngạnh, thực chẳng khác gì đứng gẩy đàn mà nhìn thành Rome hay Los Angeles bốc cháy.

Peter không ngừng cố gắng lên tiếng. Anh tổ chức các buổi cà phê khí hậu, theo kiểu những buổi cà phê bàn về cái chết, nơi người ta tụ tập để chia sẻ với nhau nỗi mất mát (Sharon không tham gia). Anh lập nhóm Khoa học gia Khí hậu Không Bay (No Fly Climate Sci), một nhóm cộng đồng bao gồm các tổ chức học thuật và các nhà khoa học cam kết giảm di chuyển bằng máy bay. Anh không ngừng viết, gửi bài lên mạng, tổ chức, diễn thuyết. Những việc anh làm không phải lúc nào cũng được chào đón. Khi đại dịch Covid còn chưa bắt đầu, Peter đứng bên rìa sân cỏ trong các trận bóng của Braird khi nhiệt độ ngoài trời là 113 độ F (45 độ C). Anh kể:

“Và tôi sẽ nói với các phụ huynh khác: Đây chính là biến đổi khí hậu đấy. Và, bạn biết đấy, người ta không thích nghe điều đó trong một trận bóng đá. Nhưng tôi không thể nào mà không nói được. Tôi không thể.”

CHÚNG TA ĐANG TRONG CƠN NGUY BIẾN – Peter nghĩ thế suốt ngày, mỗi ngày. “Đây tôi có một tài khoản lương hưu,” Peter bảo. Anh có cần tài khoản lương hưu không? Năm 2060, khi anh thành ông già, thế giới này sẽ thành cái giống gì? Anh luôn cẩn trọng để không biến mình thành một kẻ ám ảnh tận số. Theo anh, những kẻ ám ảnh tận số là bọn ích kỉ. Họ sẽ từ bỏ nỗ lực làm những điều tốt đẹp cho tất cả và rút lui về cố thủ trong boong ke của riêng mình, mặc kệ những người còn lại chết cháy ngoài kia. Tuy thế, bất chấp cam kết không ngừng hành động để thay đổi thế giới của Peter, đôi khi Sharon thấy không nuốt nổi sự tiêu cực khoa trương của anh. Chị nói:

“Việc tưởng tượng ra mọi thứ sẽ tồi tệ thế nào thu hút anh ấy chả kém gì phim sex thu hút những người khác ấy.”

Sharon thỉnh thoảng “nổi dậy” một chút để duy trì ý thức về bản ngã – những thứ nho nhỏ kiểu như dùng nhiều nước nóng khi rửa chén, hay lớn hơn một chút, như thỉnh thoảng ngừng nói chuyện với Peter. Braird và Zane cũng thế, mỗi đứa hấp thụ và phản ứng với những lời tâm can cuồng nhiệt của anh theo cách riêng của chúng. Zane, đứa con trai nhỏ, bắt đầu các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu thường xuyên theo kiểu Greta Thunberg trước tòa thị chính. Trong khi đó Braird, đứa lớn hơn, bước vào tuổi teen, muốn khác biệt và ngày càng có xu hướng hư vô chủ nghĩa. Khi tôi hỏi cháu muốn làm gì trong tương lai, Braid hỏi lại:

“Tương lai nào?”

Khi được hỏi cháu nghĩ gì về biến đổi khí hậu, Braird đâm một mũi dao vào tim Peter theo cách mà chỉ một đứa con mới có thể làm được. Cậu bé nói:

“Cháu không thực sự nghĩ về điều đó.”

Ảnh do Andrew White cung cấp, dành riêng cho ProPublica

Tối thứ ba sau kì nghỉ Lễ Lao động, hai ngày sau khi cả gia đình trở về từ chuyến du lịch thiêu đốt ở Hẻm Romero, Peter, vẫn còn đang hồi phục sau khi kiệt sức vì nóng, đứng rửa bát ở bồn. Braird chơi điện tử trên giường. Sharon ngồi thiền, như chị vẫn thường ngồi mỗi tối từ 7 đến 8 giờ tối. Ngay lúc đó tiếng chuông báo động ré lên từ điện thoại của họ. Một cảnh báo di tản, đám cháy Bobcat bùng lên. Hôm trước đó, trong cái nóng khủng khiếp bất tận, họ đã dùng băng dính dán kín cửa sổ để ngăn khói lọt vào nhà, nhưng còn chưa thu xếp ba lô di tản. Họ chưa từng thực sự tin rằng nhà mình sẽ cháy. Cả bang California đã thành một chiến trường khí hậu. Các máy bay trực thăng của quân đội giải cứu được 200 người bị đám cháy Creek làm mắc kẹt bên một cái hồ ở Sierra, đám cháy này khè ra một vùng lửa dài 50,000 feet (15.24km). Sở cứu hỏa California (Cal Fire) dự đoán họ sẽ phải mất sáu tuần mới có thể kiểm soát được đám cháy Bobcat.

Sharon ngồi thiền xong xuôi. Rồi chị bắt đầu chụp hình tất cả đồ đạc của họ, chụp cả bên trong các tủ và ngăn kéo, vì đó là điều những người tư vấn bảo hiểm hướng dẫn khách hàng: Ghi lại bằng chứng về tài sản để có cơ sở đòi tiền bảo hiểm. Peter suy sụp. Anh không quan tâm đến những tấm hình hay khoản tiền bảo hiểm. Anh chỉ muốn cho cái nhà cháy quách. Anh hết còn muốn vờ như mọi sự vẫn bình thường, và anh quyết định rằng đây là lúc nói với Sharon rằng suốt bao nhiêu năm qua anh đã chán nản và cảm thấy bị chị phỉnh phờ bằng hiệu ứng đèn khí. (Chú thích của người dịch: hiệu ứng đèn khí – gaslighting – là một khái niệm phổ biến trong giới nghiên cứu tâm lí, văn học và chính trị, để chỉ một kiểu thao túng tâm lí trong đó nạn nhân bị một người hay một nhóm người khác lường gạt bằng cách từ từ gieo nghi ngờ, khiến họ không còn tin chắc được vào trí nhớ, nhận thức hay khả năng phán đoán của mình nữa. Khái niệm này có nguồn gốc từ vở kịch mang tên Đèn khí của Patrick Hamilton dựng năm 1938, được chuyển thể thành phim hai lần năm 1940 và 1944, trong đó một gã chồng có dã tâm giết vợ từ từ, làm chị phát điên bằng cách lén lút chỉnh cho những chiếc đèn khí quanh nhà họ mờ dần. Khi người vợ phàn nàn, hắn giả vờ như thật rằng đèn vẫn sáng không mờ đi chút nào.)

“CHÚNG TA CHẢ BAO GIỜ NÓI ĐẾN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU! EM CÓ QUAN TÂM TÍ NÀO ĐẾN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU KHÔNG?” anh nói. Hỏng rồi.

Chị ném một cái giỏ đồ giặt. Chị gào lên:

“ANH ĐANG ĐÙA CÁI ĐÉO GÌ THẾ. Cả đời chúng ta xoay quanh chuyện biến đổi khí hậu.”

Thế đó, cái khoảng cách vô hình ta dựng lên quanh hiểu biết và hòa nhập, để bảo vệ đời sống và lí trí của chính bản thân mình. Dù sao sau trận cãi nhau, khi cuối cùng cũng nói ra được điều mình nghĩ trong suốt gần 15 năm, Peter cảm thấy khá hơn. Không phải vì mọi sự có gì đổi khác. Chả có gì khác cả. Tình thế vẫn ngặt nghèo một cách choáng ngợp và không thể lay chuyển. Cách duy nhất để quan tâm đến bảo hiểm, sách vở, tranh, căn nhà, là nếu ta tin rằng còn có một hành tinh ổn định để ta nương thân mà hưởng thụ những thứ đó trong 20, 40 hay 80 năm nữa. Nếu ta tin rằng sẽ còn có một “hành tinh bốn mùa, nơi ta còn trồng được lương thực, còn có nước uống, còn ra được ngoài trời mà không chết vì sốc nhiệt,” Peter nói.

“Tôi không còn niềm tin đó nữa, không còn ý niệm về sự ổn định nữa.”

Ảnh do Andrew White cung cấp, chỉ dành cho ProPublica

Thế nhưng từ tận đáy lòng, anh cũng biết rằng Sharon không thể, và không nên, từ bỏ niềm tin ấy. Chị là người hay lo lắng hơn anh. Cả hai đều biết điều đó. Sharon nói:

“Muốn giữ được tỉnh táo thì tôi chỉ có thể nhận thức mọi chuyện đến một mức độ nhất định thôi.”

Ngay trong buổi tối hôm đó, trước khi trận cãi vã nổ ra, họ đã cùng xem bộ phim dài tập Chuyện người tùy nữ (The Handmaid’s Tale) như thường lệ mỗi tối thứ ba. Sharon thường nghĩ về June, nhân vật chính trong phim. Chị bảo tôi:

“Ta phải điều chỉnh cách nghĩ của mình. Ta phải nghĩ từng tí một, không nghĩ nhiều quá một lúc, để còn có thể chịu được, giống như cô June ấy. Phải hi sinh để mà sống sót. Nếu sống sót được để chiến đấu thêm một ngày, thì có thể đến lúc nào đó sẽ có cơ hội thích hợp. Ta không thể tự triệt đường sống của mình – ok, ta có thể. Nhưng tôi không muốn chọn cách đó.”

Maeby đã ra khỏi cuộc đời họ. Bây giờ Peter chạy một chiếc xe điện. Cái bồn cầu ủ phân vẫn còn ở ngoài trời, dù Peter thú nhận, “Ba người kia không hứng thú đóng góp tí nào.” Dự án hiện nay của Peter là thực hiện các quảng cáo về khí hậu. Đây có phải là cách anh kể câu chuyện về những gì đang diễn ra với thế giới để có thể khiến mọi người không chỉ nghe và rút lui mà phải bắt tay vào hành động? Anh nghĩ về điều đó mọi lúc. Làm sao để mô tả một vấn đề không chấp nhận nổi theo một cách khiến cho người nghe – ngay cả chính bạn, người đang đọc bài viết này – thực sự thấm thía?

Suốt tháng Mười và Mười một, đám cháy Bobcat tiếp tục lan ra. Nó lan rộng đến 115,000 acres (hơn 465 hecta). Những lưỡi lửa cao 300 feet (hơn 91m) của nó liếm lên tận Đài quan sát trên Đỉnh Wilson (Mount Wilson Observatory), nơi các nhà khoa học từng chứng minh sự tồn tại của một vũ trụ bên ngoài dải Ngân Hà lần đầu tiên trong lịch sử. Lửa cháy tiếp sang tháng Mười hai, khi Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc António Guterres ra lời kêu gọi các nước trên thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu mà chẳng nhận được nhiều hưởng ứng. Đến nay, chỉ có 38 quốc gia làm theo lời ông. Hoa Kì không nằm trong số đó. Trong tháng Giêng, một nhóm 19 khoa học gia về khí hậu xuất bản nghiên cứu nhan đề “Đánh giá thấp những Thách thức trong Phòng tránh một Tương lai Khủng khiếp,” trong đó họ cho rằng

“Quy mô của những hiểm họa đối với sinh quyển và tất cả các dạng sống – bao gồm cả nhân loại – thực sự lớn đến nỗi ngay cả các chuyên gia giàu thông tin cũng khó mường tượng nổi.”

Câu này nghe quá đỗi thê thảm. Nó làm lí trí ta tê liệt.

Vậy thì làm thế nào, với trí tuệ hạn chế của con người, chúng ta có thể quan tâm đủ để thực sự tạo ra tiến bộ? Làm sao để ta không nao núng và tránh né? Sự thật về điều đang diễn ra làm lung lay tận gốc rễ những nền tảng ý thức về bản ngã của chúng ta. Nó áp lên đó một trọng lực méo mó, bẻ cong những ưu tiên của ta và vặn oằn toàn bộ đời sống ta dưới sức nặng của nó. Những kẻ công khai chối bỏ sự thật hiển nhiên là bọn bất lương, những con quái vật mang đúng dạng hình quái vật. Nhưng còn những kẻ còn lại trong chúng ta, phần lớn thời gian, mang những chiếc mặt nạ xanh đẹp đẽ cho bộ mặt vị kỉ và né tránh của mình mà sống tiếp như thể không có chuyện gì xảy ra. Rồi mỗi sáng ta thức giấc với một bài báo mới có tiêu đề đại loại như “Hành tinh này đang chết nhanh hơn ta nghĩ.”

Trong khi trí óc tôi cố gắng xử lí tất cả những thông tin này (và thất bại), Peter gọi điện để nhắc lại lần nữa xem tôi có hiểu được tầm quan trọng của một nhận xét mà anh đưa ra không: Anh không còn thấy hổ thẹn khi nói với mọi người rằng anh sẵn sàng chết nếu có thể ngăn hành tinh này trở nên quá nóng. Anh đã bỏ lại sau lưng sự khuây khỏa của việc khước từ sự thật. Anh hoàn toàn ý thức được cái giá phải trả.

“Cái cảm giác mặt đất mình đang giẫm lên đây và hành tinh quay quanh mặt trời này đại loại vẫn còn yên ổn thật là một cảm giác xa xỉ.”

Hiển thị ý kiến phản hồi (2)

Phần chia sẻ ý kiến

  • Bản tin ngày 10-4-2021 | Tiếng Dân

    […] […]

  • BẢN TIN NGÀY 10/04/2021 (BTV Tiếng Dân) | Ngoclinhvugia's Blog

    […] […]

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Hiệu ứng che mờ khí quyển

NGHIÊN CỨU MỚI CẢNH BÁO VỀ SỰ ĐỘT BIẾN NHANH CHÓNG HIỆN TƯỢNG NÓNG LÊN TOÀN CẦU VÀ MỐI CHIA RẼ SÂU SẮC TRONG GIỚI KHOA HỌC KHÍ HẬU

James Hansen, nhà khoa học đầu tiên gióng lên cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu tại Quốc hội Hoa Kỳ, nhận ra rằng việc giảm ô nhiễm bụi mịn trong bầu khí quyển sẽ dẫn đến một...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Khủng hoảng tâm lý con người

KHÔNG NÊN SINH CON VÌ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU?

Tờ NewYork Times hôm 5/2/2018 vừa có bài phỏng vấn các bậc phụ huynh từ 18 – 43 tuổi ở nhiều quốc gia khác nhau về những suy nghĩ dành cho con cái của họ – thế hệ loài...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic