NGÀY TẬN THẾ KHÔNG NHƯ TÔI NGHĨ


hanhtinhtitanic
NGÀY TẬN THẾ KHÔNG NHƯ TÔI NGHĨ

Bài viết dưới đây chia sẻ những suy nghĩ về tình hình hiện tại của một con người khi anh ta/cô ta nhận ra nhiều thực tế phũ phàng về khả năng chắc chắn sụp đổ của nền văn minh. Anh ta/cô ta cảm thấy điều đó sẽ xảy ra như trước mắt mình, không thể tránh khỏi vì có tầm nhìn sâu rộng về những gì đang xảy ra trong hiện tại. Nhưng anh ta/cô ta lại cô đơn, vì gần như mọi người xung quanh không hiểu và nhận thức được điều đó.

Nguồn của bài viết: The Apocalypse Is Not What I Expected. Bài được đăng trên một blog website mang tựa đề Collapse Musings (tạm dịch “Suy tưởng về Sụp đổ”), với các tác giả không tên gọi và cũng không biết họ đang ở đâu trên hành tinh này. Nhưng một điều chắc chắn rằng những người góp phần vào nội dung của blog đều am hiểu rất sâu sắc cuộc khủng hoảng khí hậu và sụp đổ hệ sinh thái toàn hành tinh này. Họ có khả năng trích dẫn chính xác các dữ kiện và thông tin toàn cầu trên mọi khía cạnh (khí tượng, kinh tế, chính trị, xã hội). Họ đang tập hợp dưới một website nhỏ để đưa ra những chia sẻ cuối cùng trước khi nền văn minh loài người tiến đến điểm cuối cùng của nó.

Hành tinh Titanic sẽ liên tục cập nhật và chuyển ngữ các bài viết quan trọng trong blog/website này đến bạn đọc Việt Nam. Mời các bạn nào quan tâm đến tương lai của mình hãy theo dõi trên kênh Patreon và Website chính thức của Hành tinh Titanic.

Các bộ phim của Hollywood khiến tôi nghĩ rằng nếu ngày tận thế sắp xảy ra, mọi người sẽ cùng hành động [để ngăn chặn nó]. Thực tế lại nghiệt ngã hơn nhiều.

Khi còn nhỏ, tôi đã xem rất nhiều phim về ngày tận thế—Mad Max (Max Điên Rồ), The Terminator (Kẻ hủy diệt), Day of the Dead (Ngày của Người Chết), Deep Impact (Thảm họa Hủy diệt), Independence Day (Ngày Độc lập), những thứ tương tự.

Khi xem chúng, tôi đã quen thuộc và bị quan điểm của Hollywood về ngày tận thế thấm vào não mình: cảnh mọi người chạy đến các cửa hàng, giành giật hàng hóa trên các kệ hàng và giẫm đạp lên nhau khi họ chạy trốn để mong toàn mạng. Thông thường, có cảnh một đứa bé đánh rơi con gấu bông hay thứ gì đó, nhắc nhở chúng ta rằng ngày tận thế thật đáng buồn.

Trong khi đó, những người chịu trách nhiệm [cứu thế giới] họp nhau trong những căn phòng thiếu ánh sáng với đầy đèn và màn hình nhấp nháy. Các nhà khoa học mặc áo khoác phòng thí nghiệm màu trắng giải thích tình hình trong khi các tướng lãnh quân đội hút thuốc lá và cau có mặt mày. Tổng thống thì chăm chú lắng nghe khi các cố vấn cho ông biết những lựa chọn giải pháp. Mục tiêu {của kế hoạch] luôn là giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng hoặc ít nhất là cứu loài người khỏi họa tuyệt chủng.

Tất nhiên, bây giờ tôi đã hiểu rằng đấy chỉ là phim ảnh và không có gì giống đời thực cả. Mặc dù vậy, tôi vẫn bị sốc vì ngày tận thế khác xa với những gì tôi từng tưởng tượng.

“Những gì trông giống như ngày tận thế nơi viễn cảnh thường trở nên nghiệt ngã hơn lúc bình thường khi nó xảy ra ở hiện tại.” – David Wallace Wells

Cho đến thời điểm năm 2020, tôi đã không nhận ra rằng thế giới này sẽ đến hồi kết thúc. Tôi đã dành nhiều tháng đọc về biến đổi khí hậu để tìm hiểu xem nó tồi tệ đến mức nào và liệu nhân loại có thể tránh được tình huống xấu nhất hay không.

Trong nhiều năm, tôi đã cho rằng năng lượng tái tạo sẽ thay thế được nhiên liệu hóa thạch, nhưng đến mùa hè năm 2020, tôi nhận ra điều đó là không thể. Con người đã nghiện dầu một cách vô vọng. Nếu không có nó [nhiên liệu hóa thạch], chúng ta sẽ quay trở lại lối sống hồi thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, chỉ ở trên một hành tinh có nhiều người hơn và thời tiết tồi tệ hơn nhiều.

Đến mùa thu năm 2020, tôi hoàn toàn hiểu rằng xã hội hiện đại sẽ sụp đổ trong vài thập kỷ tới, và cuộc sống của tôi dường như có thể sẽ bị cắt ngắn, cùng với cuộc sống của những người thân yêu xung quanh tôi. Nhân loại đã thất bại, và ngày tận thế đã đến gần.

Thật khó để diễn tả điều này đã khiến tôi sợ hãi và chán nản như thế nào. Có lúc tôi ngơ ngác đi loanh quanh, lòng đầy bâng khuâng, hầu như không nghe được người xung quanh nói gì. Những lúc khác, tôi ngồi một mình và lặng lẽ khóc, nghĩ về những đứa con của mình không còn thứ tương lai mà tôi đã mơ ước cho chúng.

Phải mất một khoảng thời gian rất lâu cho đến lúc tôi mới bắt đầu kể cho bất cứ ai nghe những gì tôi đã biết được. Tôi không muốn mọi người nghĩ tôi bị điên. Đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có thực sự điên hay không, vì vậy tôi đã dành thời gian đọc những thông tin tích cực về biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo, chỉ để rồi lại thất vọng khi nhận ra rằng chúng ta đã chuẩn bị rất ít cho cuộc khủng hoảng khí hậu—chưa kể đến tình trạng sản lượng khai thác dầu mỏ đạt đỉnh [peak oil] và tình trạng suy giảm đa dạng sinh học.

Cuối cùng, khi tôi nói điều đó với một vài người, phản ứng của họ đúng như những gì tôi nghĩ. Họ cho rằng tôi đã rơi vào bẫy lừa trên Internet, giống như những kẻ đã tin vào những dự đoán về ngày tận thế của lỗi Y2K hoặc hồi năm 2012. Tôi không đổ lỗi cho họ. Tôi cũng có thể phản ứng như vậy vài năm trước cơ mà.

Điều tôi không ngờ tới là phản ứng của những người tin tôi. Tôi có thể nghĩ đến ít nhất một vài người đã chấp nhận mọi điều tôi nói, đồng ý rằng nền văn minh sẽ diệt vong, và phản ứng của họ về cơ bản kiểu như là, “Chà, điều đó thật tệ.”

Tôi đoán là do Hollywood, nhưng tôi cứ nghĩ những người tin tôi sẽ có thái độ lo lắng hơn cơ. Tôi nghĩ họ sẽ nói những câu kiểu như “Chúng ta nên làm gì?”, “Chúng ta nên đi đâu?” hoặc “Chúng ta sẽ chuẩn bị như thế nào?”

Thay vào đó, họ chỉ đơn giản là thay đổi chủ đề [cuộc trò chuyện].

Đây là lý do tại sao tôi tin rằng trong số tất cả các bộ phim về ngày tận thế, bộ phim thực tế nhất là “Don’t Look Up” (Đừng nhìn lên). Nhiều nhà phê bình cho rằng nó quá lố, nhưng tôi nghĩ đạo diễn đã làm đúng và chỉ ra chính xác vấn đề. Nếu một ngôi sao chổi có khả năng tiêu diệt một hành tinh thực sự hướng đến Trái Đất, thì hầu hết mọi người sẽ nhún vai hoặc phủ nhận rằng điều đó đang xảy ra.

Vài tuần trước, tôi quyết định cảnh báo đến những người thân nhất của mình về sự sụp đổ, vì vậy tôi đã tạo một nhóm Facebook bao gồm có mẹ tôi, anh chị em tôi và vợ/chồng của họ. Tôi đã viết một bài giải thích, ngắn gọn nhất có thể, về lý do tại sao đã quá muộn để ngăn chặn thảm họa khí hậu và tại sao cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ gây ra sự sụp đổ của nền văn minh hiện đại trong vài thập kỷ tới. Tôi đã đưa vào rất nhiều trích dẫn để họ có thể tự mình xem xét dữ liệu.

Tôi không chắc họ sẽ phản ứng thế nào. Họ có đặt câu hỏi không? Họ sẽ gọi tôi là kẻ điên à? Liệu họ có đồng ý với tôi và bắt đầu bàn thảo về cách chuẩn bị không? Nỗi hồi hộp đang khiến tôi không chờ đợi được.

Vậy họ đã phản ứng như thế nào? À… họ không phản ứng gì cả. Tôi chỉ nhận được một bình luận mang tính đồng tình từ một người đã hiểu về sự sụp đổ, nhưng những người còn lại thì không nói gì cả.

Hoàn toàn chẳng có phản ứng gì hết.

Thành thật mà nói, tôi đã ước mong họ tố cáo tôi là một người theo đuổi các lý thuyết âm mưu điên rồ. Ít nhất, điều đó sẽ có ý nghĩa gì đó. Ít nhất, tôi sẽ có cơ hội để thảo luận với họ và trình bày quan điểm của mình chi tiết hơn.

Thái độ phớt lờ chính là điều tồi tệ nhất mà họ có thể làm.

Sau một vài tuần, tôi quyết định không nên quá thất vọng về họ. Việc thế giới sẽ kết thúc là một điều đáng sợ, vì vậy có thể họ cần thêm thời gian để nhận ra. Và nếu họ cho là tôi điên rồ, có thể họ nghĩ rằng cứ để tôi điên còn hơn là tranh luận với tôi.

Vì vậy, tôi lại đăng một bài viết theo kiểu khác. Lần này, tôi nói về những lời dạy của Michael Dowd và ý tưởng rằng chúng ta vẫn có thể tiếp tục sống một cuộc đời với đầy niềm vui và lòng biết ơn, ngay cả khi đối mặt với sự sụp đổ. Tôi chia sẻ một trong những bài giảng của ông, “Being the Calm in the Storm” (Trở thành Sự Bình an trong Cơn bão), và khuyến khích họ xem nó.

Họ đã phản ứng như thế nào? Một lần nữa, họ đã không làm gì cả. Tôi nhận được một bình luận tỏ thái độ ủng hộ khác từ cùng một người như trước đây. Những người còn lại chẳng nói gì cả.

Điều này khiến tôi cảm thấy bối rối. Nếu một người thân của tôi đăng bài nói rằng thế giới sắp kết thúc, thì dù tôi nghĩ là họ điên, tôi vẫn sẽ nói điều gì đó. Tôi sẽ hỏi làm sao họ có thể chắc chắn đến vậy, hoặc tôi sẽ cố gắng làm họ vui lên bằng cách nào đó. Tôi sẽ không phớt lờ chúng. Nhưng đó là những gì họ đã làm.

Khi mới thành lập nhóm Facebook đó, tôi đã nói với họ rằng tôi không muốn cuộc thảo luận của chúng tôi trở nên u ám và đầy vẻ ảm đạm. Tôi muốn nhóm của chúng tôi là nơi mà tất cả có thể hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau—nơi chúng tôi có thể chia sẻ lời khuyên về cách chuẩn bị cho bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Chắc chắn có rất nhiều ý tưởng cho điều này.

Tôi đoán là họ quá bận rộn với cuộc sống của họ để nghĩ về ngày tận thế.

Một cái gì đó tương tự đang diễn ra trên toàn xã hội. Có một nhóm nhỏ người hiểu rằng hành tinh này sẽ tiếp tục nóng lên trong tương lai gần, rằng sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu đã bắt đầu, rằng chúng ta đang cạn kiệt các nguồn tài nguyên như nhiên liệu hóa thạch và kim loại đất hiếm, và sự tăng trưởng vô hạn trên một hành tinh hữu hạn là điều không thể.

Tuy nhiên, những người như chúng tôi hầu như bị phớt lờ. Chúng tôi có dữ liệu, các sự kiện đang diễn ra trong thực tế và ý thức chung về phía mình, nhưng tất cả những điều đó không thành vấn đề. Mọi người không muốn tin rằng thế giới sắp kết thúc, vì vậy họ chỉ…không làm gì cả. Việc chúng tôi đưa ra chứng cứ mạnh mẽ đến mức nào cũng chẳng quan trọng.

Ngay bây giờ, chính phủ liên bang nên bắt đầu hành động. Họ nên lập kế hoạch củng cố cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích nông nghiệp địa phương, di chuyển người dân ra khỏi khu vực dễ bị lũ lụt, giáo dục người dân cách sử dụng ít năng lượng hơn, và vân vân.

Thay vì thế, chính phủ này lại tập trung vào việc đấu thầu các tập đoàn – ngân hàng, nhà thầu quốc phòng, công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, tất cả những thứ vẫn thường làm. Và những người điều hành các tập đoàn này hoặc không biết sự sụp đổ là điều không thể tránh khỏi, hoặc họ không quan tâm và chỉ quan tâm nhiều đến việc nhận được khoản tiền thưởng lớn hơn vào năm tới.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả, nhưng bạn có thể nghĩ rằng sẽ có ít nhất một vài chính trị gia hiểu chuyện gì đang xảy ra và muốn cảnh báo mọi người. Barack Obama chẳng hạn. Tôi đã từng chỉ trích ông này rất nhiều, nhưng ông ta không hề ngu ngốc. Ông ta đủ thông minh để hiểu chúng ta đang gặp rắc rối như thế nào, nhưng vẫn chủ trì một cuộc khai thác bùng nổ dầu đá phiến lớn ở Hoa Kỳ và thậm chí còn khoe khoang về điều đó.

Điều gần đây nhất mà ông này nói về cuộc khủng hoảng khí hậu là: “Nếu làm việc thực sự nghiêm túc, chúng ta có thể giới hạn tăng nhiệt độ ở mức 2,5°C thay vì 3°C. Hoặc 3°C thay vì 3,5°C.” Úi chà, đầy cảm hứng. Cảm ơn Obama.

Chắc chắn ông ấy biết rằng mức tăng nhiệt 2,5°C trở lên có nghĩa là chúng ta sẽ kích hoạt những điểm tới hạn không thể đảo ngược gây hủy diệt nền văn minh công nghiệp và có thể tiêu diệt toàn thể loài người. Phải không? Làm sao mà ông ta có thể không biết điều đó? Hay là ông ta chỉ đang cố gắng giữ cho mọi người bình tĩnh để ông ta và giới thượng lưu khác có thể duy trì sự giàu có và quyền lực của mình càng lâu càng tốt?

Tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là tôi vô cùng thất vọng. Tôi đã nghĩ là Đảng Cộng hòa [có thói quen] bỏ qua vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng có vẻ như Đảng Dân chủ cũng đang phớt lờ nó.

Vâng, chính quyền Biden đã đầu tư hàng tỷ USD vào mảng năng lượng xanh, nhưng vậy thì sao? Năng lượng xanh vẫn có hại cho môi trường, và tất cả những gì nó làm chỉ là giữ cho hệ thống đang hủy diệt hành tinh của chúng ta tồn tại thêm được một vài năm nữa. Trong khi đó, Biden vẫn tiếp tục phê duyệt thêm nhiều dự án khoan dầu mỏ.

Có một điều chắc chắn: Sẽ không bao giờ có lúc một Tổng thống Mỹ gặp gỡ các nhà khoa học và các tướng lĩnh và đưa ra những quyết định quan trọng về cách chuẩn bị cho xã hội trước sự sụp đổ. Thay vào đó, giới lãnh đạo của chúng ta sẽ tiếp tục giả vờ rằng mọi thứ đều ổn và thành tựu tăng trưởng kinh tế khổng lồ sắp đến gần.

Hầu hết những người thuộc tầng lớp lao động cũng sẽ tiếp tục giả vờ nữa. Họ sẽ phủ nhận rằng có một cuộc khủng hoảng khí hậu, hoặc họ sẽ phủ nhận rằng đó là một mối đe dọa hiện hữu. Ngay cả khi họ sắp chết vì sốc nhiệt hoặc chết đói do mất mùa, nhiều người trong số họ vẫn sẽ không thừa nhận điều gì đang thực sự xảy ra. Thay vào đó, họ sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc, Đảng Dân chủ, người nước ngoài, người thiểu số—gần như bất kỳ ai ngoại trừ chính họ.

Sao lại thế? Bởi vì việc thừa nhận rằng lối sống của bạn góp một phần trách nhiệm khiến cho ngày tận thế xảy ra là điều quá đau đớn.

Đó cũng là vấn đề của hầu hết các bộ phim về ngày tận thế. Họ không tính đến tâm lý con người. Họ bỏ qua các khái niệm như thói thành kiến thông thường (Normalcy Bias)tình trạng vô tri đa nguyên (Pluralistic Ignorance) và hiện tượng phân tán trách nhiệm (Diffusion of Responsibility).

Cho dù mọi thứ có tồi tệ đến đâu, mọi người vẫn sẽ tiếp tục những công việc thường ngày của mình và phủ nhận sự sụp đổ đang xảy ra hoặc từ chối nghĩ về nó, đồng thời chúng ta sẽ tiếp tục sống trong một thời kỳ phi nhân tính đơn điệu và liên tục (boring dystopia) cho đến khi ngày tận thế giết chết tất cả.

Có lẽ Hollywood nên làm một bộ phim về sự sụp đổ—thứ dựa trên câu chuyện có thật mà tất cả chúng ta đang sống. Tất nhiên, nếu họ làm vậy, mọi người sẽ nói điều đó là không thực tế.

BÌNH LUẬN CỦA HÀNH TINH TITANIC:

Những gì tác giả chia sẻ đã phản ánh rất chính xác trạng thái tâm lý của phần lớn con người trong xã hội này trước thời kỳ diệt vong. Nó cho thấy sự tàn bạo của hệ thống này – hệ thống của tiền tệ, tăng trưởng, tham vọng kiếm tiền và tiêu thụ cho thỏa cái tôi bản năng động vật của con người. Trước sức ép của hệ thống, hầu như tất cả sẽ không có cơ hội để nhận ra vì sao họ sẽ chết và biết được nguyên nhân gốc rễ cho điều đó. Mọi thuyết âm mưu và sự đổ lỗi vẫn sẽ được tung ra để dẫn dắt đám đông. Sự vô minh vẫn sẽ tiếp tục cho đến thời điểm cuối cùng của lịch sử.

Thật là một số phận bi đát cho cái chủng loài tự gọi mình là homo sapiens – người tinh khôn!

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Suy giảm đa dạng sinh học

BÁO CÁO KHOA HỌC CHO THẤY SAN HÔ ĐÁ DƯỜNG NHƯ ĐANG CHUẨN BỊ THU XẾP CHỦNG LOÀI CHO MỘT CUỘC ĐẠI TUYỆT CHỦNG MỚI

Hôm 3/3/2020, một nghiên cứu khoa học được tiến hành bởi nhóm chuyên gia quốc tế đến từ New York, California, Israel, Anh quốc và Đức, được đăng trên Tạp chí Nature cho thấy: Các...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Khủng hoảng tâm lý con người

TẠI SAO CỨ PHÊ PHÁN?

Có một số bạn, khi đọc status của chúng tôi – Nhóm HÀNH TINH TITANIC – có những phản biện kiểu thế này: 1. Tại sao cứ phê phán mọi thứ mà không đưa ra được bất cứ giải...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic