NGHIÊN CỨU CHO THẤY CÁC THẢM HỌA LIÊN QUAN ĐẾN NƯỚC Ở HAI THÁI CỰC – KHÔ HẠN VÀ ẨM ƯỚT – ĐANG TRỞ NÊN CỰC ĐOAN HƠN KHI CẢ HÀNH TINH ẤM LÊN


hanhtinhtitanic
NGHIÊN CỨU CHO THẤY CÁC THẢM HỌA LIÊN QUAN...

Theo một nghiên cứu mới, từ hạn hán kéo dài đến lũ lụt nghiêm trọng, cường độ của các thảm họa liên quan đến nước trên khắp thế giới đã nhiều lên trong hai thập kỷ qua khi nhiệt độ toàn cầu tăng đến mức kỷ lục.

Nghiên cứu của các nhà khoa học NASA được công bố hôm thứ Hai (13/3/2023) trên tạp chí khoa học Nature Water cho thấy tình trạng hạn hán và lũ lụt ngày càng thường xuyên, lan rộng và dữ dội, có liên quan chặt chẽ đến việc nền nhiệt độ toàn cầu cao, thay vì là với các hình thái thời tiết thay đổi tự nhiên, như El Niño và La Niña chẳng hạn. Điều này cho thấy những sự kiện cực đoan này sẽ gia tăng khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, nghiên cứu cho biết.

Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất mà nghiên cứu ghi nhận lại được là ở Brazil và Venezuela từ năm 2015 đến 2016, mà các chuyên gia cho rằng còn tồi tệ hơn đợt hạn hán hiện tại ở khu vực Tây Nam Hoa Kỳ.
Nguồn ảnh: Victor Moriyama/Getty Images
hanhtinhtitanic

Nghiên cứu được đưa ra khi bang California hứng chịu dòng sông khí quyển đợt thứ 11 tính đến thời điểm hiện tại trong mùa này – là những cơn bão mang theo lượng mưa xối xả và tuyết rơi dày đặc tập trung vào một khu vực mà trong vài năm qua đã bị hành hạ bởi nạn hạn hán khắc nghiệt.  Những cơn bão này đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng, lở đất, sập cầu và đường xá rạn nứt không sử dụng được.

Mặc dù giới khoa học đã dự báo biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần suất hạn hán và lũ lụt, nhưng rất khó để đo lường được chúng.

Matthew Rodell, tác giả chính của nghiên cứu trên và là nhà thủy văn học tại Trung tâm Du hành Vũ trụ Goddard của NASA, đã xem xét 20 năm dữ liệu vệ tinh của NASA từ 2002 đến 2021, đồng thời phân tích quy mô, thời lượng và mức độ nghiêm trọng – những mức độ ẩm ướt hoặc khô hơn bình thường –  về các sự kiện cực đoan liên quan đến nước trên khắp thế giới.

Nghiên cứu đã xác định 505 sự kiện cực kỳ ẩm ướt và 551 sự kiện cực kỳ khô hạn trong giai đoạn thời gian này, với khoảng 70% kéo dài từ sáu tháng trở xuống và khoảng 10% kéo dài hơn một năm.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng những sự kiện cực đoan này đã tăng cường độ và tần suất kể từ năm 2015, khi xu hướng những năm ấm áp kỷ lục bắt đầu.

Rodell nói với CNN: “Chúng tôi nghĩ, có lẽ chuyện này liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, bởi vì chúng tôi biết rằng bảy năm qua là khoảng thời gian nóng nhất được ghi nhận. Chắc chắn rồi, có một mối tương quan đáng kể giữa tổng cường độ toàn cầu của những sự kiện này và nền nhiệt độ kỷ lục.”

Rodell muốn chắc chắn về kết luận này, vì vậy ông đã thực hiện các phân tích để loại trừ các chỉ số khí hậu khác, bao gồm Chu kỳ Dao động phương Nam El Niño (El Niño-Southern Oscillation – ENSO), là một hình mẫu khí hậu tự nhiên liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ nước biển ở Thái Bình Dương và ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn cầu.

Và cuối cùng, ông cho biết dấu hiệu biến đổi khí hậu mang lại tác động mạnh hơn các chỉ số tự nhiên khác.

Rodell nói:

Điều tôi cảm thấy tự tin hơn là khi thế giới ấm lên, chúng ta sẽ chứng kiến ​​cường độ toàn cầu lớn hơn của tất cả các hiện tượng khô và ướt tăng lên, nghĩa là chúng sẽ diễn ra thường xuyên hơn, lớn hơn và nghiêm trọng hơn về tổng thể. Điều gì xảy ra về mặt địa phương khu vực thì khó dự báo chắc chắn được hơn một chút.

Báo cáo hôm thứ Hai cho thấy sự kiện mưa xối xả cực đoan nhất trong thời gian nghiên cứu đã xảy ra vào năm 2020 ở vùng Cận Sahara Châu Phi, nơi có nhiều tháng mưa dữ dội làm dâng nước Hồ Victoria – hồ lớn nhất Châu Phi – lên mức cao nhất từng được ghi nhận. Nước dâng cao làm ngập nhà cửa và ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng quan trọng như nước uống, cơ sở chăm sóc sức khỏe và thủy điện.

Người dân dùng thuyền để khuân vác đồ đạc qua nước lũ sau khi nhà của họ ở Kenya bị ngập do mưa lớn và dòng chảy ngược từ hồ Victoria vào ngày 3/5/2020.
Nguồn ảnh: Thomas Mukoya/Reuters
hanhtinhtitanic

Đợt hạn hán khốc liệt nhất mà nghiên cứu ghi nhận được là ở Brazil và Venezuela từ năm 2015 đến 2016, được Rodell cho biết “dữ dội gấp đôi” đợt hạn hán hiện tại ở khu vực Tây Nam Hoa Kỳ tính đến cuối năm 2021. Hạn hán đe dọa nghiêm trọng đến năng lượng thủy điện,  rút cạn các hồ chứa quan trọng và cắt giảm năng suất cây trồng.

Đợt hạn hán tồi tệ nhất từng xảy ra ở khu vực Amazon của Brazil đã rút cạn mực nước sông xuống mức thấp lịch sử vào năm 2015.
Nguồn ảnh: Bruno Kelly/Reuters
hanhtinhtitanic

Richard Seager, giáo sư tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nói với CNN rằng việc các nhà khoa học sử dụng vệ tinh để phân tích các sự kiện liên quan đến nước là một góc độ mới của nghiên cứu, vì hầu hết các nghiên cứu trước đó chỉ đo mức độ mưa hoặc độ ẩm của đất. Ông nói:

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu mới để xác nhận rằng tình trạng nóng lên do con người gây ra đang khiến hệ thống khí hậu trở nên cực đoan hơn với cả các giai đoạn khô hạn và ẩm ướt kéo dài.

Giới khoa học của Liên Hợp Quốc gần đây đã kết luận rằng, khi khí hậu thay đổi, các đợt hạn hán có thể chỉ xảy ra mỗi 10 năm một lần thì bây giờ xảy ra thường xuyên hơn 70%;  trong khi lượng mưa lớn từng xảy ra 10 năm một lần thì nay xảy ra thường xuyên hơn 30%.

Mặc dù năm 2022 không được đưa vào khung thời gian để nghiên cứu, nhưng nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới đã chứng kiến ​​các sự kiện cực đoan vào năm ngoái, bao gồm cả trận lũ lụt chết người đã nhấn chìm một phần ba Pakistan, cũng như đợt hạn hán nghiêm trọng ở Châu Âu khiến mực nước một số con sông hạ xuống mức thấp lịch sử.

Kim Cobb, một nhà khoa học khí hậu và là giám đốc Viện Môi trường và Xã hội (Institute for Environment and Society) tại Đại học Brown, người không tham gia nghiên cứu trên, đã trao đổi với CNN rằng nghiên cứu mới nhất này mang đến “một cách nhìn mới về sự thay đổi nhanh chóng trong vòng tuần hoàn nước của chúng ta, liên hệ đến nhiều vấn đề về hạn hán, lũ lụt và cháy rừng trong phân tích toàn cầu này.”

Những dao động thay đổi đột ngột giữa cả hai thái cực – thời kỳ hạn hán và thời kỳ mưa xối xả – còn được gọi là những đợt thời tiết cực đoan, chính là một hiện tượng khác mà giới khoa học cảnh báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong một hành tinh ngày càng nóng lên vào những thập kỷ tới.

Bang California, nơi đang trải qua một trận siêu hạn hán lịch sử, gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, đã bất ngờ phải hứng chịu những trận mưa lớn và bão tuyết trong vài tháng qua.

“Phát hiện này thực sự củng cố các xu hướng mà chúng ta thấy từ phân tích dữ liệu lượng mưa và đầu ra của mô hình khí hậu, đồng thời bổ sung thêm bằng chứng quan trọng để cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch và ứng phó khẩn cấp, lập kế hoạch cơ sở hạ tầng, thực hành nông nghiệp và quản lý tài nguyên nước trong điều kiện khí hậu ấm lên liên tục,” Cobb  nói.

Rodell nói thêm rằng ông hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp mọi người nhận ra rằng, mỗi một sự gia tăng nhỏ trong nhiệt độ toàn cầu đều quan trọng và thế giới phải kiềm chế việc gia tăng không ngừng tình trạng ô nhiễm đang làm cả hành tinh nóng lên. Ông cho biết thêm:

Nghiên cứu này là một cách khác để mọi người nhận ra rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Đó không chỉ là vấn đề nhiệt độ trung bình tăng cao trên toàn thế giới, mà các sự kiện thời tiết thực tế có tác động nghiêm trọng đến con người có thể đang gia tăng về cường độ và tần suất.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Khí Carbon Dioxide

MẬT ĐỘ KHÍ NHÀ KÍNH GIA TĂNG NHANH CHÓNG

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme – UNEP) vừa công bố Bản báo cáo Mức chênh lệch Phát thải Khí nhà kính (Emissions Gap Report)...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU SẼ MANG TÍNH BẤT NGỜ VÀ TẠO RA NHIỀU BIẾN ĐỘNG LỚN. CHÚNG TA PHẢI HÀNH ĐỘNG CÀNG SỚM CÀNG TỐT

Các điểm giới hạn về cơ bản có thể phá vỡ sự ổn định của cả hành tinh và tạo ra thay đổi đột ngột trong nền khí hậu. Một đợt giải phóng khí methane khổng lồ có thể đưa chúng ta...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic