MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG HAY PHÉP THỬ TRÊN TÍNH MẠNG CON NGƯỜI?


Konan
MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG HAY PHÉP THỬ TRÊN TÍNH...

Miễn dịch cộng đồng và sự mập mờ

Miễn dịch cộng đồng (herd immunity) có thực sự là mục tiêu chính phủ Anh hướng tới trước đại dịch Covid-19 hay không, điều đó vẫn bị phủ bởi một màn sương bí ẩn. Câu chuyện này bắt đầu nổi lên khi TS David Halpern, Giám đốc điều hành Bộ phận Nhận biết Hành vi (Behavioural Insights Team), thuộc Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (Scientific Advisory Group for Emergencies) của chính phủ Anh, nói với BBC rằng [1]:

“Câu chuyện sẽ diễn ra trên cơ sở thừa nhận dịch bệnh quét qua và lớn lên (trong cộng đồng) như sẽ có, trong lúc đó bạn sẽ muốn phủ một lớp kén bảo vệ cho những nhóm nguy cơ nhất để họ không mắc bệnh.”

“Theo thời gian, khi họ thoát khỏi lớp kén bảo vệ, miễn dịch cộng đồng đã được hình thành trong phần còn lại của dân cư.”

Cùng lúc đó, Trưởng ban Cố vấn Khoa học của Chính phủ Anh, Patrick Vallance, tiếp tục khiến dư luận sững sờ với chia sẻ [2]:

“Mục tiêu của chúng tôi là kéo thấp đỉnh dịch, mở rộng nó,chứ không xoá bỏ triệt để. Cùng với đó, khi đại bộ phận người dân nhiễm bệnh nhẹ, một dạng miễn dịch cộng đồng sẽ được tạo ra và thêm nhiều người miễn dịch với bệnh, đồng thời ta sẽ làm giảm sự lây nhiễm và bảo vệ nhóm nhạy cảm.”

Nhưng trái ngược với chia sẻ của những cố vấn trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh, Matt Hancock, lại nói rằng miễn dịch cộng đồng chỉ là một khái niệm khoa học, đồng thời phủ nhận việc đó là mục tiêu trong chiến lược của nước này [3]. Trên trang web của mình, chính phủ Anh thông báo một bản chiến lược hành động (action plan), trong đó có 4 giai đoạn [4]:

  1. Kiềm chế (Contain): xác định ca nhiễm sớm, tầm soát các đối tượng tiếp xúc gần, ngăn ngừa ảnh hưởng của bệnh.
  2. Trì hoãn (Delay): làm chậm quá trình lây lan. Nếu bệnh gây ra ảnh hưởng, hạ thấp đỉnh dịch và tránh để đỉnh dịch rơi vào mùa đông.
  3. Nghiên cứu (Research): gia tăng hiểu biết về virus và hành động giúp thu nhỏ ảnh hưởng của nó lên cộng đồng; tìm kiếm giải pháp sáng tạo trong việc chẩn đoán, thuốc điều trị và vắc-xin; dựa trên bằng chứng để xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ hiệu quả nhất.
  4. Giảm nhẹ (Mitigate): cung cấp sự chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, hỗ trợ bệnh viện để duy trì dịch vụ cơ bản và đảm bảo hỗ trợ liên tục cho người bệnh trong cộng đồng để giảm nhẹ tác động tổng thể của bệnh lên xã hội, dịch vụ công và nền kinh tế.

Toàn bộ nội dung 4 giai đoạn trên hay bản kế hoạch hành động cũng không hề nhắc tới cụm từ “miễn dịch cộng đồng”. Rõ ràng đang có một sự không nhất quán đáng ngờ trong phát biểu của các đại diện cũng như bài viết chính thức về vấn đề dịch bệnh Covid-19. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ về ý định thực sự của chính quyền Anh.

Sự chậm chạp gây tranh cãi

Điều gây nghi vấn về chiến lược chống dịch Covid-19 của chính phủ Anh là sự chậm chạp trong việc thực hiện giải pháp tạo khoảng cách cộng đồng (social distancing) [5]. Cụ thể là việc đóng cửa các hoạt động tập trung đông người, nước Anh chậm một cách đáng ngờ so với các nước láng giềng. Mãi tới ngày 13/03/2020, Boris Johnson mới thông báo hoãn các sự kiện đông người hay sự kiện thể thao lớn, dù vẫn từ chối làm vậy chỉ một ngày trước đó [6]. Sự chậm trễ này khiến nhiều người trong giới thể thao không thấy vui vẻ khi nghĩ mình trở thành món đồ của giới trùm. Huyền thoại sống của CLB bóng đá Manchester United, Wayne Rooney, còn ví các cầu thủ ở Anh quốc bị đối xử như những con chuột lang làm thí nghiệm [7]. Đặc biệt, cho tới thời điểm này, chính quyền Anh vẫn chưa cho đóng cửa trường học hay cấm/hạn chế du lịch như nhiều quốc gia khác.

Dịch Covid-19 tại nước Anh hiện tại đã bước vào giai đoạn 2 – Trì hoãn. Đây không chỉ là thời điểm bùng phát của dịch, mà còn bùng phát nghi vấn minh bạch trong chiến lược ứng phó của Chính quyền Boris Johnson. Nội dung hành động của giai đoạn này chính là thứ gây tranh cãi. Cụ thể, nó yêu cầu tất cả những ai có 2 biểu hiện sốt trên 37,8*C và có triệu chứng mới ho liên tục phải tự cách ly tại nhà (self-isolation) mà không cần gọi Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service – NHS). Họ chỉ liên lạc với NHS trong trường hợp nào các triệu chứng xấu đi trong thời gian tự cách ly xấu đi, hoặc không cải thiện sau 7 ngày [8].

Điều đó cũng có nghĩa là Anh không tiến hành chủ động tìm kiếm điều trị cho các ca nhiễm, không cô lập trường hợp nghi nghiễm và cách ly người tiếp xúc, không test trên diện rộng nhiều nhất có thể như khuyến cáo của WHO [9]. Để tóm tắt cách làm này, có thể nói ngắn gọn rằng chính quyền Anh chỉ nhận trách nhiệm khiêm tốn là điều trị những ca bệnh nặng. Mọi trách nhiệm đối với những trường hợp còn lại, bao gồm những ca bệnh nhẹ, những ca nghi nhiễm, những người bệnh thậm chí còn không nghĩ mình bị bệnh, chính quyền ưu ái dành hết cho con dân của mình.

Đây cũng là điểm làm dấy lên nghi vấn rằng Anh thực sự đang đi theo con đường tạo miễn dịch cộng đồng. Với Covid-19, còn gì ngon lành hơn một đám người thích tiệc tùng, thích du lịch, có văn hoá bảo thủ phớt Ăng lê, được phơi nhiễm trước đó bởi hàng loạt thông tin kiểu như dịch này chỉ như cúm thôi, chỉ nguy hiểm với người già thói, đeo khẩu trang là bị bệnh. Đây là con đường dễ nhất để tạo ra mức độ lây nhiễm đủ lớn nhằm đạt mức miễn dịch cộng đồng.

Tất cả các quyết sách trên được chính quyền Anh giải thích là dựa trên những mô hình và bằng chứng khoa học [8]. Với cộng đồng khoa học, đây trở thành điểm mấu chốt để giải quyết các nghi vấn. Một lá đơn đồng kiến nghị đã được các nhà khoa học, đứng đầu là TS Richard Horton – Tổng Biên tập tạp chí The Lancet uy tín, thảo ra để yêu cầu chính phủ Anh chia sẻ công khai bằng chứng khoa học, dữ liệu và mô hình sử dụng để xây dựng chiến lược [10]. Bên cạnh việc đòi hỏi sự minh bạch về số liệu, các nhà khoa học còn hối thúc chính phủ Anh hành động mạnh mẽ hơn. Ngày 14/03/2020, một nhóm bao gồm 431 nhà khoa học tại Anh và 35 nhà khoa học quốc tế tiếp tục gửi đơn kiến nghị đòi hỏi các biện pháp tạo khoảng cách xã hội gắt gao hơn cần được thực hiện ngay lập tức [11].

Để giải thích cho việc chậm đưa ra các giải pháp tạo khoảng cách cộng đồng, bài giới thiệu chính thức của chính phủ Anh về giai đoạn 2 – Trì hoãn nói rằng điều đó sẽ không bảo vệ con người khỏi nguy cơ lớn nhất, mà chỉ khiến xã hội bị ảnh hưởng nặng nề [8]. Một nhóm nhà khoa học hành vi đã chỉ trích chiến lược của chính phủ dường như dựa trên một tính toán sai lầm về hiện tượng mệt mỏi trong hành vi (behavioural fatigue). Qua một lá thư ngỏ, họ kêu gọi chính phủ Anh hoặc là chia sẻ thông tin khoa học, hoặc nếu không có thì phải xem xét lại các quyết định của mình. Lá thư hiện tại đã có hơn 600 chữ ký của các chuyên gia và nhà nghiên cứu [12].

Thí nghiệm trên sinh mạng

Đến bây giờ, dù Anh chưa thừa nhận chính thức bằng văn bản rằng đang muốn tạo ra miễn dịch cộng đồng, nhưng ta dễ dàng nhận ra hành động của Anh đang vô tình một cách rất cố ý mở đường cho việc virus lây lan ra cộng đồng. Khi cả thế giới đang đi theo con đường khắc khổ để dập dịch, với những ví dụ thành công nhất định như Trung Quốc, Việt Nam hay Hàn Quốc, thì nước đang ở tâm dịch châu Âu như Anh lại đi một mình một đường với lý lẽ dựa trên bằng chứng và mô hình khoa học mập mờ. Đó chẳng khác gì một cuộc thí nghiệm trên sinh mạng con người.

Cứ giả sử miễn dịch cộng đồng không phải là chiến lược của Anh, thế thì dập dịch kiểu gì kiểu gì khi không test diện rộng, không cho nhập viện, không cách ly bắt buộc? Trì hoãn kiểu gì khi chậm trễ đưa ra các giải pháp tạo khoảng cách cộng đồng? Chẳng nhẽ dựa vào văn hoá bảo thủ và phớt Ăng lê, dựa vào sự ngạo mạn nghĩ rằng mình là nước phát triển ư? Hãy nhìn số lượng khán giả tới sân vận động trong các trận đấu của Premier League ngay trước khi có lệnh đóng cửa thì biết.

Còn nếu chính phủ Anh thực sự hướng tới miễn dịch cộng đồng thì sao?

Theo như ước tính của ông Patrick Vallance, sẽ cần khoảng 60% dân số Anh, tương đương 40 triệu người, bị nhiễm bệnh để đạt được miễn dịch cộng đồng. Và dù chính phủ Anh có giữ được lời hứa sẽ giữ an toàn cho nhóm nhạy cảm nhất, thì tỷ lệ tử vong thấp nhất vẫn là 0,5% số ca nhiễm. Điều đó có nghĩa là trong kịch bản tốt nhất, người Anh cũng nên chuẩn bị tinh thần chia tay với hơn 200.000 người thân của mình [13]. Ngay cả khi tất cả người chết là người già, thì chẳng nhẽ đó là cái kết họ xứng đáng nhận sau khi đã dành cả cuộc đời để đóng thuế và xây dựng đất nước?

Đó mới là con số tử vong. Thôi thì ta thường nói « Chết là hết ! », vậy còn người sống sót thì sao ?

Có một điều mà chắc chắn ông Patrick Vallance hay Boris Johnson sẽ không bao giờ muốn nhắc đến trước công luận, đó là di chứng sức khoẻ vĩnh viễn với người bệnh Covid-19, đặc biệt với những ca nặng (ca nghiêm trọng – serious case, ca nguy kịch – critical case). Trong khi hậu quả của virus lên các nội tạng khác còn cần nghiên cứu thêm, thì có một điều chắc chắn, phổi của người bệnh sẽ là chiến trường đẫm máu nhất. PGS Matthew B. Frieman từ trường Đại học Y tế v Maryland giải thích rằng phổi của bệnh nhân Covid-19 bị tổn thương tương tự SARS và MERS. Với người bị bệnh nặng, virus sẽ đục những lỗ như tổ ong trên phổi của họ [14]. Ngay cả khi không chết, họ sẽ phải sống với những tổn thương này suốt đời. Một thống kê từ Bệnh viện Hong Kong cho thấy một số bệnh nhân Covid-19 có thể bị suy giảm chức năng phổi ở mức 20-30%, dẫn tới tình trạng hụt hơi khi đi bộ nhanh [15].

Với 40 triệu ca dự kiến cần để phục vụ mục tiêu miễn dịch cộng đồng, dựa trên những thống kê tốt nhất cho tới thời điểm hiện tại [16], ta hãy làm vài phép tính như thế này :

  • Giả thiết tỷ lệ sống sót 97,7% trên tổng số ca chia đều cho tất cả các ca từ nặng đến nhẹ, thì trong số 19% số ca nặng (14% ca nghiêm trọng và 5% ca nguy hiểm), sẽ có khoảng 40.000.000 x 19% x 97,7% = 7.400.000 người còn sống sót.
  • Giả thiết phân bố nhóm tuổi ở số ca nặng tương đương với phân bố nhóm tuổi ở số người chết. Vậy số người dưới 30 tuổi trong nhóm bệnh nặng nhưng sống sót là khoảng 1,4%, tương đương 7.400.000 x 1,4% = 103.600 người. Con số này với nhóm tuổi lao động từ 20-60 tuổi là 7,3%, tương đương 7.400.000 x 7,3% = 540.200 người.

Hãy nhìn vào những di chứng nhãn tiền và con số trên.

Liệu đám trẻ người Anh còn phớt Ăng-lê, có còn ngạo mạn nghĩ rằng bệnh này chết ít, cũng chỉ như cúm thôi, chỉ người già mới phải sợ thôi, khi biết mình hoàn toàn có thể rơi vào nhóm hơn 100.000 người sống phần đời còn lại với 2 lá phổi không lành lặn ?

Liệu người dân Anh trong độ tuổi lao động có đồng ý với kế hoạch miễn dịch cộng đồng của chính phủ hay không khi biết mình có thể là một trong số hơn 500.000 người « được » nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống với 2 lá phổi không lành lặn ?

Đó là chưa kể việc test điên cuồng tại Hàn Quốc đã cho ra kết quả gây choáng váng, khi có tới gần 30% số ca nhiễm nằm trong độ tuổi 20-29 [17]. Đây là tỷ lệ khác hoàn toàn so với những gì thế giới vẫn hình dung, khiến danh sách những điều chúng ta chưa biết về dịch Covid-19 càng thêm dài. Nó cũng cho thấy nguy cơ sức khoẻ với nhóm trẻ tuổi chưa chắc đã thấp như tất cả vẫn nghĩ. Vậy với phương pháp test hạn chế của Anh, liệu sẽ có những nguy cơ nào còn bị bỏ sót ?

Hiểm hoạ

Cho tới bây giờ, vẫn còn quá nhiều thứ con người chưa hiểu rõ về Covid-19, trong đó có những vấn đề nghiệm trọng như tác động của virus lên cơ thể người bệnh, nguy cơ tái nhiễm. Việc thả cửa cho virus lây hàng loạt chẳng khác gì mở một phòng lab trên toàn quốc và biến toàn bộ người dân trở thành chuột thí nghiệm. Đặc biệt, chẳng có cách nào tốt hơn để “giúp” một con virus tiến hoá và biến chủng bằng cách để nó thoả thuê lây nhiễm cho hàng chục triệu người mà không bị kiểm soát.

Hơn nữa, nếu miễn dịch cộng đồng của anh là thật và thành công, thì đối tượng hưởng lợi duy nhất chỉ là người sống ở Anh. Còn với thế giới, đó là một hiểm hoạ khó lường, ít nhất là cho tới khi vaccine và thuốc đặc trị được tìm ra. Khi đó, mỗi người dân Anh đều có nguy cơ trở thành mầm bệnh tiềm ẩn, được nguỵ trang dưới lớp phủ miễn dịch cộng đồng trong nước. Một khi hoạt động trao đổi, buồn bán, du lịch được mở cửa trở lại, một khi người Anh tiếp tục tung tăng đi nước ngoài, họ sẽ mang thứ mầm bệnh đó theo mình. Với những quốc gia đã chấp nhận hy sinh để dập dịch triệt để ngay từ đầu như Việt Nam, những vị khách này sẽ là thảm hoạ. Bởi hầu hết người dân ở đây đều không có miễn dịch và dễ dàng trở thành mồi ngon cho những con virus nhập khẩu kia. Hãy nhìn cách các vị khách châu Âu mang virus tới Việt Nam và tung tăng đi khắp mọi miền đất nước là đủ hiểu nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Và nó sẽ đẩy các quốc gia không may mắn vào một cuộc chiến trường kỳ mệt mỏi tốn kém.

Vậy nên, chẳng quá để nói rằng nếu Anh chọn chiến lược miễn dịch cộng đồng ở thời điểm hiện tại, thì đó là một lựa chọn vô nhân đạo với người dân trong nước và ích kỷ vô trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Nó chẳng khác gì một khế ước trao đổi đổi với ma quỷ mà nhờ đó, Covid-19 đạt được mục đích sinh tồn của mình là duy trì và phát triển nòi giống, còn ngân khố của nước Anh sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá chi phí phòng chống dịch và tiền lương hưu.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Khủng hoảng tâm lý con người

VATICAN TUYÊN BỐ “CLIMATE EMERGENCY”

Vatican trở thành “quốc gia” thứ 3 trên toàn cầu chính thức công bố tình trạng khẩn cấp của nền khí hậu hành tinh Trái Đất, khi mà hôm qua (ngày 14/6/2019), trong cuộc...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Lòng tham và kiêu ngạo

QUY HOẠCH VÙNG ĐẤT THẤP THỦ THIÊM

Quay trở lại vấn đề của Bán đảo Thủ Thiêm, tôi mời gọi chúng ta nên nhìn vào một khía cạnh khác của tính chất địa lý và môi trường nơi đây, qua bản đề án quy hoạch chi tiết năm...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic