TRÁI ĐẤT BỊ LUỘC CHÍN TRONG NĂM 2023 – ĐIỀU NÀY SẼ TIẾP TỤC XẢY RA VÀO NĂM 2024?


hanhtinhtitanic
TRÁI ĐẤT BỊ LUỘC CHÍN TRONG NĂM 2023...

Với năm ngoái [2023] đã chính thức là năm nóng kỷ lục, giới nghiên cứu khí hậu đang lo lắng nhìn về phía trước.

Hành tinh Titanic chuyển ngữ từ nguồn:

Earth boiled in 2023 — will it happen again in 2024?

Global heating may breach 1.5°C in 2024 – here’s what that could look like

Một người đàn ông có tuổi cố gắng giải nhiệt cơ thể trong đợt nắng nóng ở Mexico năm 2023. Nguồn ảnh: Victor Medina/Reuters

Những con số cuối cùng đã được ghi nhận, và năm 2023 chính thức trở thành năm nóng nhất – phá vỡ các kỷ lục trước đó cũng như suy nghĩ của nhiều nhà khoa học khí tượng. Và giới nghiên cứu cho rằng, năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn.

Nền nhiệt độ toàn cầu trong tháng này, đặc biệt là ở các đại dương, đang cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm. Hình thái thời tiết El Niño đang diễn ra – trong đó khối nước ấm tràn vào vùng biển nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương – cũng đang bước vào năm thứ hai, thời điểm mà hiện tượng này thường làm tăng thêm độ nóng lên toàn cầu. Những yếu tố này, cũng như nhiều yếu tố khác, cho thấy rằng năm 2024 có thể chứng kiến những tác động về thời tiết và khí hậu thậm chí còn khắc nghiệt hơn năm 2023, khi con người tiếp tục thải khí nhà kính có tác dụng giữ nhiệt vào bầu khí quyển.

Samantha Burgess, phó giám đốc của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung của Châu Âu (European Centre for Medium-Range Weather Forecasts) ở Đại học Reading, Vương quốc Anh, cho biết:

“Chúng tôi biết năm 2024 sẽ có những đợt nắng nóng. Nhưng ‘chúng tôi không thể đoán trước được chúng sẽ xảy ra khi nào và ở đâu’”.

Vượt quá ngưỡng giới hạn

Theo số liệu do nhiều cơ quan khác nhau công bố trong tuần này, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu vào năm 2023 đã cao hơn từ 1,34–1,54 °C so với mức trung bình của giai đoạn từ năm 1850–1900, là thời kỳ ‘tiền công nghiệp’ trước khi các hoạt động sản xuất công nghiệp của con người bắt đầu tăng tốc (xem bài ‘Năm nóng nhất về ghi nhận’). Ts. Sarah Kapnick, nhà khoa học đứng đầu Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (US National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA) tại Washington DC, cho biết: “Những con số này thật đáng kinh ngạc”. Theo Dịch vụ Copernicus, mỗi ngày trong năm ngoái ấm hơn ít nhất 1°C so với mức trung bình của thời tiền công nghiệp, và đây là lần đầu tiên điều này được ghi nhận.

Nguồn: Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus/Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung của Châu Âu (ECMWF)

Độ chính xác của các con số ước tính này khác nhau tùy theo bộ dữ liệu được sử dụng, nhưng tất cả những phân tích đều kết luận rằng, nền nhiệt độ trung bình hàng năm trên toàn cầu đã gần chạm hoặc cao hơn giới hạn tăng nhiệt +1,5°C mà các quốc gia đã cam kết cố gắng ngăn chặn trong Hiệp định Khí hậu Paris hồi năm 2015, nhằm giúp [loài người ]tránh khỏi nhiều tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Hiện hành tinh này dường như đã sẵn sàng vượt qua ngưỡng đó: gần một nửa số ngày trong năm 2023 có nền nhiệt cao hơn 1,5°C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp, và theo dữ liệu của Copernicus, thì có đến hai ngày trong tháng 11 vừa qua [của năm 2023] đã vượt qua mức tăng nhiệt +2°C (xem bài ‘Cảm nhận sức nóng’).

Met Office, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia của Vương quốc Anh đặt trụ sở tại Đại học Exeter, dự đoán rằng, vào năm 2024, rất có thể nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu sẽ vượt mốc 1,5°C. (Phân tích của Met Office cho rằng nền nhiệt trung bình của năm 2023 cao hơn 1,46°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.) Ts. Nick Dunstone, một nhà khoa học khí hậu tại Met Office, người đứng đầu nghiên cứu trên, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi dự báo điều này. Tuy nhiên, việc vượt qua ngưỡng 1,5 °C trong một năm không có nghĩa là thỏa thuận Paris đã chính thức bị phá hủy: giới nghiên cứu nói rằng ngưỡng này cần phải vượt qua trong một hoặc nhiều thập kỷ mới chính thức phá vỡ giới hạn đã nêu.

Nhưng những tác động khắc nghiệt của khí hậu và thời tiết vào năm 2023 nhấn mạnh rằng, loài người đã thay đổi căn bản hành tinh này như thế nào. Ts. Ruth Cerezo Mota, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Tự quản Quốc gia Mexico (National Autonomous University of Mexico) ở Mérida, Mexico, cho biết:

“Đây chỉ là bản xem trước (preview) của những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ”.

Phá vỡ kỷ lục

Nhiều dịch vụ cung cấp dữ liệu khí hậu khác nhau đều đồng ý rằng, năm 2023 chứng kiến ngày nóng nhất kỷ lục trên toàn cầu (ngày 6 tháng 7), tháng nóng nhất kỷ lục trên toàn cầu (tháng 7), và các tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10, tháng 11 và tháng 12 đều giữ kỷ lục có nền nhiệt nóng nhất từ trước đến nay. Khi giới nghiên cứu kết hợp các bản ghi nhiệt độ hiện đại với các số liệu nghiên cứu nhiệt độ khí hậu thời cổ đại trong quá khứ, họ nhận thấy rằng năm 2023 có lẽ là năm nóng nhất trong ít nhất 100.000 năm qua.

Nguồn: Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus/Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung của Châu Âu (ECMWF)

Ts. Burgess cho biết có nhiều yếu tố góp phần tạo ra tình trạng cực đoan của năm 2023. Chúng bao gồm các loại khí gây hiệu ứng nhà kính mà nhân loại đã thải vào bầu khí quyển – năm 2023 chứng kiến lượng phát thải cao nhất mọi thời đại là 36,8 tỷ tấn carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch – cũng như các đại dương đang trở nên ấm nóng bất thường. Vụ phun trào núi lửa ở Tonga vào năm 2022 đã bơm nhiều hơi nước giữ nhiệt vào khí quyển cũng là một nguyên nhân. Và những thay đổi về quy định vận chuyển hàng hải từ năm 2020 nhằm cắt giảm lượng ô nhiễm sulfur dioxide thải vào khí quyển đã đóng một vai trò quan trọng; mặc dù các vi hạt khí sulfur dioxide có hại cho sức khỏe con người nhưng chúng cũng có tác dụng che mờ bầu khí quyển, làm giảm bức xạ nhiệt đi vào khí quyển và làm mát nền khí hậu.

Một nhân tố khác chính là El Niño, xuất hiện nhanh chóng bất thường vào giữa năm 2023. Các mô hình nghiên cứu cho thấy hành tinh này hiện đang đạt đỉnh hoặc gần đỉnh của pha El Niño. Ts. Burgess cho biết, hàm lượng nhiệt cao hiện nay của đại dương toàn cầu có thể sẽ gây ra các đợt sóng nhiệt dưới biển trong những tháng tới.

Giới nghiên cứu vẫn đang nỗ lực xác định liệu mức nhiệt độ khắc nghiệt của năm 2023 có phải là dấu hiệu cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu đang gia tăng, hay một phần là do sự biến động tự nhiên trong hệ thống khí hậu toàn cầu. Nhà cựu khoa học khí hậu của NASA – Ts. Jim Hansen, người đã cảnh báo thế giới về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu từ những năm 1980, đã cho rằng lượng gia tăng năng lượng mặt trời bị giữ lại trên Trái Đất đang khiến tốc độ nóng lên toàn cầu nhanh hơn. Ông cũng báo trước năm 2024 sẽ là năm đầu tiên mà loài người chính thức vượt qua mốc tăng nhiệt 1.5°C. Nhưng các nhà nghiên cứu khác thì không chắc chắn như vậy. Andrew Dessler, một chuyên gia khoa học khí hậu tại Đại học Texas A&M cho biết: “Việc theo dõi tình trạng khí hậu trong vài năm tới sẽ cho chúng ta biết liệu chúng ta đã vượt qua giới hạn đó hay không”.

Theo Viện nghiên cứu Berkeley Earth, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Berkeley, California (Hoa Kỳ), thời điểm nền nhiệt độ tăng vọt bắt đầu từ tháng 6 năm 2023, trước khi El Niño diễn ra, được thúc đẩy một phần bởi biến số tự nhiên ở khu vực Bắc Đại Tây Dương và các khu vực khác. Nhóm này dự đoán xác suất 58% năm nay sẽ nóng hơn năm ngoái, và năm 2024 gần như chắc chắn sẽ là năm nóng nhất hoặc nóng thứ hai từng được ghi nhận.

Tương lai đã ở đây rồi

Ts. Cerezo Mota cho biết tình hình khí hậu trong năm nay chắc chắn sẽ kéo theo nhiều tác động “đau lòng” hơn so với năm 2023.

Bị kích hoạt bởi biến đổi khí hậu, mẫu thời tiết khắc nghiệt của năm 2023 bao gồm Siêu Bão Otis cấp 5 đổ bộ vào thành phố Acapulco của Mexico, khiến hàng chục người thiệt mạng. Những đám cháy rừng ở Quebec, Canada vào tháng 6 và tháng 7 đã phả làn khói u ám khắp các đô thị lớn, bao gồm nhiều thành phố ở miền Trung Tây và Đông Bắc Hoa Kỳ. Các đám cháy hoành hành khắp Hy Lạp vào tháng 7 và tháng 8, thiêu rụi những khu rừng lân cận và giết chết một số người. Và cũng trên đảo Maui của Hawaii vào tháng 8, một trận cháy rừng do gió lớn và cỏ xâm lấn đã thiêu cháy ít nhất 100 người.

Các vụ cháy rừng kỷ lục đã tàn phá Quebec ở Canada vào năm ngoái. Nguồn: Frederic Chouinard/SOPFEU/Anadolu Agency thông qua Getty.

Sóng nhiệt cũng đốt nóng nhiều nơi trên thế giới, trong đó Trung Quốc ghi nhận mốc nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay, và Tp. Phoenix, bang Arizona (Hoa Kỳ), trải qua 31 ngày liên tiếp có nền nhiệt từ mốc 43°C (110°F) trở lên. Tại Mexico, hơn 200 người thiệt mạng trong đợt nắng nóng hồi tháng 7, và đợt hạn hán kéo dài 3 năm ở Đông Phi, trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và các làn sóng người tị nạn.

Rồi cuối năm 2023, giới lãnh đạo toàn cầu họp nhau tại COP28, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Dubai, đã lần đầu tiên đồng ý chuyển đổi khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm năng lượng — một động thái mà nhiều người cho rằng là quá ít và quá muộn màng.

Tereza Cavazos, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục (Center for Scientific Research and Higher Education) ở Ensenada (Mexico), cho biết:

“Các kịch bản từng dự đoán về biến đổi khí hậu trong tương lai đã biến thành sự thật ngay lúc này rồi. Chúng ta không cần phải đợi thêm 15 hay 20 năm nữa mới chứng kiến những thay đổi và tác động mà chúng ta nghĩ rằng còn lâu lắm mới xảy ra”.

Năm 2024 có thể là năm đầu tiên mà chúng ta chứng kiến Trái đất nằm trong ngưỡng tăng nhiệt +1,5°C. Và dưới đây là những gì mà nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu cho thấy điều kiện mới đó sẽ như thế nào đối với con người và thiên nhiên.

Các hệ sinh thái trên bờ vực sụp đổ

Các rạn san hô nhiệt đới đang nằm trong vùng nước ấm nóng. Những môi trường sống này bao gồm một mạng lưới các động vật giống polyp (liên quan đến sứa) và các loại tảo đầy màu sắc được bọc trong lớp xương canxi cacbonat (calcium carbonate). Các dạng sống phức tạp mà chúng tạo ra ở vùng nước nông quanh khu vực xích đạo của Trái Đất được cho là chốn dung thân của nhiều loài hải sinh hơn bất kỳ hệ sinh thái nào khác.

Các nhà sinh vật học san hô Adele Dixon và Maria Beger (thuộc Đại học Leeds) và nhà vật lý học Peter Kalmus (thuộc NASA) và Ts. Scott F. Heron (thuộc Đại học James Cook) cho biết:

“San hô đã thích nghi để sống trong một phạm vi nhiệt độ môi trường cụ thể. Vì vậy khi nhiệt độ đại dương quá nóng trong một khoảng thời gian dài, san hô có thể bị tẩy trắng – mất đi lượng tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng và nuôi dưỡng chúng thông qua quá trình quang hợp – và cuối cùng, chúng có thể chết.”

Hiện tượng tẩy trắng san hô trước đây rất hiếm nhưng hiện nay đang xảy ra gần như hàng năm. Nguồn ảnh: Damsea/Shutterstock

Biến đổi khí hậu đã làm tăng tần suất của các đợt nắng nóng trong đại dương. Theo nghiên cứu của Ts. Dixon, trong một thế giới nóng hơn 1,5°C, 99% các rạn san hô sẽ thường xuyên phải tiếp xúc với mức nhiệt độ không thể chịu đựng được, để chúng có thể phục hồi. Điều đó cũng đe dọa an ninh lương thực và thu nhập của khoảng một tỷ người – chưa kể đến tính đa dạng sinh học.

Các rạn san hô nổi tiếng được xem là “những con chim hoàng yến trong mỏ than” trước tác động của biến đổi khí hậu đối với thế giới tự nhiên. (Đây là một hình ảnh tượng trưng cho lời cảnh báo dễ hiểu nhất, khi mà giới khai mỏ thường thả chim hoàng yến xuống dưới hầm mỏ trong lòng đất và nghe xem chúng có hót hay không. Nếu chúng hót, thì xem ra mọi sự an toàn và con người có thể chui xuống hầm mỏ. Nếu chúng im lặng (và có vấn đề), thì có nghĩa là rủi ro rất cao và con người không nên ở dưới mỏ lúc này. Nếu có khí độc trong hầm mỏ, chim hoàng yến sẽ hít lượng khí đó gấp đôi do cơ chế thở của loài chim này, khiến chúng có vấn đề trước khi những người thợ mỏ bị bệnh. Nếu một người thợ mỏ nhìn thấy một con chim hoàng yến có hành động kỳ lạ hoặc bất tỉnh, họ sẽ biết phải rời khỏi hầm mỏ ngay lập tức vì khí độc đang rò rỉ.) Theo phân tích của chuyên gia khoa học đa dạng sinh học Alex Pigot tại UCL, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên tới mốc 2°C, sự tàn phá vốn đã thấy trên các rạn san hô sẽ trở nên rõ ràng ở mọi nơi trên hành tinh này:

“Chúng tôi nhận thấy rằng việc giới hạn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5°C sẽ khiến 15% loài có nguy cơ đột ngột mất đi ít nhất 1/3 phạm vi địa lý để sống trong hiện tại của chúng. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng gấp đôi, lên 30% số loài trên quỹ đạo tăng nhiệt 2,5°C hiện tại của chúng ta.”

Nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của con người

Với mức tăng nhiệt trên 1,5°C, nhân loại có nguy cơ kích hoạt những đợt nắng nóng dữ dội đến mức thách thức cơ chế tự làm mát của cơ thể con người.

Nhiệt độ và độ ẩm cao hiếm khi kết hợp lại để tạo ra tình trạng “nhiệt bầu ướt” (wetbulb) ở mức 35°C. Đây là thời điểm không khí quá nóng và ẩm khiến bạn không thể đổ mồ hôi để hạ nhiệt – khác với mức “nhiệt bầu khô” (drybulb) mà nhiệt kế hay chỉ báo.

Theo các nhà khoa học khí hậu Tom Matthews (thuộc Đại học Loughborough) và Colin Raymond (thuộc Viện Công nghệ California – California Institute of Technology), nền nhiệt độ đang tăng lên của Trái Đất có thể sớm thay đổi điều đó. Họ cho biết:

“Các nghiên cứu mô hình đã chỉ ra rằng tình trạng nhiệt bầu ướt có thể thường xuyên vượt qua ngưỡng 35°C nếu thế giới vượt quá giới hạn nóng lên 2°C… và khu vực Vịnh Ba Tư (Persian Gulf), Nam Á và vùng Đồng bằng ở phía Bắc của Trung Quốc nằm ở tuyến đầu phải đối mặt với cái nóng ẩm chết người này”.

Hình ảnh tại một trong những trạm ứng cứu người dân say nắng ở Hyderabad, Pakistan, vào tháng 5 năm 2023. Nguồn ảnh: Owais Aslam Ali/Pakistan Press International (PPI)/Alamy Stock Photo

Nhưng các khu vực khác nhau trên thế giới đang nóng lên với tốc độ khác nhau. Trong một thế giới nóng hơn trung bình 1,5°C, nền nhiệt ở mỗi vùng địa phương thực tế còn tăng nhiều hơn thế.

Để giải thích điều này, Ts. Matthews và Raymond đã nghiên cứu hồ sơ từ các trạm thời tiết riêng lẻ trên toàn thế giới và phát hiện ra rằng, nhiều địa điểm đang nhanh chóng chạm ngưỡng nhiệt độ và độ ẩm gây chết người cao hơn nhiều. Họ nói:

“Tần suất hành hạ cơ thể người của mốc nhiệt bầu ướt (ví dụ: trên 31°C) đã tăng hơn gấp đôi trên toàn cầu kể từ năm 1979, và ở một số nơi nóng nhất và ẩm nhất trên Trái Đất, như vùng ven biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, mốc nhiệt bầu ướt đã vượt quá giới hạn, ở mức 35°C.”

“Nền khí hậu [từng che chở bao bọc chúng ta] đang tiến vào nơi mà hệ sinh lý của con người không thể theo kịp.”

Sự tuyệt chủng của các loài và cái nóng chết người có nhiều khả năng xảy ra hơn sau mức tăng nhiệt 1,5°C. Những cơn bão thảm khốc và những tảng băng sụp đổ cũng vậy.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Định luật Henry

HIỆN TƯỢNG A-XÍT HÓA ĐẠI DƯƠNG

Hiện tượng a-xít hóa đại dương (ocean acidification) (là một vấn đề khác sinh ra từ việc thải quá nhiều khí CO₂ vào bầu khí quyển) là một phản ứng hóa học rất đơn giản: khi CO₂...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Siêu bão/Lốc xoáy

SIÊU BÃO FANI TẤN CÔNG ẤN ĐỘ VÀ BANGLADESH

Siêu bão FANI đang đi sạt qua miền duyên hải của hai bang miền Đông Ấn Độ là Andhra Pradesh và Odisha với sức gió Cat.4 (212 km/g), trước khi đánh vào thủ phủ Kolkata của...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic