CÁC ĐỘI TÀU ĐÁNH BẮT NGÀY CÀNG LỚN CỦA TRUNG QUỐC ĐANG RÚT CẠN NGUỒN CÁ ĐẠI DƯƠNG NHƯ THẾ NÀO


hanhtinhtitanic
CÁC ĐỘI TÀU ĐÁNH BẮT NGÀY CÀNG LỚN CỦA TRUNG...

Sau khi đánh bắt cạn kiệt các khu vực gần bờ, đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển của các quốc gia khác, khai thác cạn kiệt nguồn cá. Hơn cả mối quan tâm về thuỷ sản, Trung Quốc luôn muốn khẳng định mình trên các vùng biển và xa hơn nữa là tham vọng địa chính trị của họ, từ Đông Á đến Châu Mỹ Latinh.

Bài báo này được thực hiện với sự hợp tác giữa The Outlaw Ocean Project (Dự án Đại dương Ngoài vòng Pháp luật)Yale Environment 360 (Môi trường 360 độ của Đại họcYale) .

Ian Urbina là một phóng viên điều tra và là tác giả của quyển The Outlaw Ocean: Journeys Across the Last Untamed Frontier (Đại dương ngoài vòng Pháp luật: Hành trình xuyên biên ải kinh hải tận cùng). Ông viết thường xuyên nhất cho tờ The New York Times, nhưng cũng là một cây bút đóng góp cho báo điện tử The Atlantic, là cộng tác viên thường xuyên cho kênh National Geographic, và là thành viên của The High Seas Initiative Leadership Council (Hội đồng Lãnh đạo Khởi xướng về Biển khơi) tại Viện Nghiên cứu Chính sách Aspen.

Bài viết này được bạn Minh Nhật chuyển ngữ cho Hành tinh Titanic từ nguồn:

How China’s Expanding Fishing Fleet Is Depleting the World’s Oceans

Trong nhiều năm, không ai biết tại sao có hàng chục “con thuyền ma” bằng gỗ tan tác – cùng với xác của ngư dân Triều Tiên bị chết đói trơ xương – thường xuyên dạt vào bờ biển Nhật Bản.

Tuy nhiên, một điều tra gần đây mà tôi thực hiện cho kênh NBC News, dựa trên dữ liệu vệ tinh mới, đã tiết lộ về những gì các nhà nghiên cứu biển hiện nay cho là lời giải thích khả dĩ nhất: Trung Quốc đang gửi một hạm đội tàu công nghiệp tàng hình đến đánh bắt trái phép trong vùng biển của Bắc Triều Tiên trước đây, buộc các tàu thuyền nhỏ hơn của Bắc Triều Tiên phải ra khỏi hải phận và dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng đến hơn 70% nguồn dự trữ mực ống từng dồi dào một thời. Do đó, các ngư dân Bắc Triều Tiên đang đánh bắt ở Nhật Bản dường như đã mạo hiểm đưa thuyền đi quá xa bờ trong một cuộc tìm kiếm thêm nguồn mực ống và bỏ mạng một cách vô ích.

Các tàu Trung Quốc – hơn 700 chiếc vào năm ngoái – dường như đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, cấm đánh bắt cá bằng tàu bè nước ngoài trong vùng hải phận của Bắc Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt này, được áp đặt vào năm 2017 để đáp trả nhiều vụ thử hạt nhân của nước này, nhằm trừng phạt Bắc Triều Tiên bằng cách không cho phép nước này bán quyền đánh bắt hải sản trong vùng biển của mình để đổi lấy ngoại tệ có giá trị.

Một tàu cá Trung Quốc, được trang bị dàn đèn để thu hút mực vào ban đêm, đang neo đậu ở vùng biển Hàn Quốc. Nguồn ảnh: ĐẠI LÝ THUỶ SẢN NAM HÀN QUỐC / ĐẢO ULLEUNG

Các thông tin tiết lộ mới này đã đưa ra ánh sáng tình trạng thiếu quản lý nghiêm trọng đối với đại dương trên thế giới và đặt ra những câu hỏi hóc búa về hậu quả của vai trò ngày càng mở rộng bành trướng của Trung Quốc trên biển và cách quốc gia này kết nối với khát vọng địa chính trị của mình.

Hầu hết các tàu của Trung Quốc đều lớn đến mức họ có thể đánh bắt được lượng cá trong một tuần bằng với một tàu cá địa phương đánh bắt trong một năm.

Có nhiều ước tính khác nhau về tổng quy mô đội tàu đánh cá toàn cầu của Trung Quốc. Theo một số tính toán, Trung Quốc có từ 200.000 đến 800.000 tàu đánh cá, chiếm gần một nửa hoạt động đánh bắt thủy hải sản của thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cho biết đội tàu đánh cá xa bờ của họ, hoặc những thuyền lớn co khả năng đi xa bờ biển Trung Quốc, chỉ khoảng 2.600 chiếc, nhưng trong một nghiên cứu khác, chẳng hạn như nghiên cứu của Viện Phát triển Hải ngoại (ODI), đã cho biết con số này lên gần 17.000 chiếc, với rất nhiều tàu trong số này tàng hình giống như những con tàu mà dữ liệu vệ tinh phát hiện ở vùng biển Bắc Triều Tiên. Để so sánh, đội tàu đánh bắt xa bờ của Hoa Kỳ có ít hơn 300 tàu.

Trung Quốc không chỉ là nước xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới, dân số nước này còn chiếm hơn một phần ba tổng lượng cá tiêu thụ trên toàn cầu. Vì đã làm cạn kiệt nhiều vùng biển ở gần bờ, trong những năm gần đây, các đội tàu đánh cá Trung Quốc phải ra khơi xa hơn để khai thác vùng biển của các quốc gia khác, bao gồm cả những quốc gia ở Tây Phi và Châu Mỹ Latinh, nơi các chế tài kiểm soát có xu hướng yếu hơn do chính quyền địa phương thiếu nguồn lực hoặc do xu hướng bán rẻ quyền tài phán kiểm soát vùng lãnh hải quốc gia địa phương đó. Trong vòng một tuần, hầu hết các tàu cá xa bờ của Trung Quốc đều lớn đến mức họ có thể đánh bắt được một lượng cá bằng với lượng cá của các tàu địa phương đến từ Senegal hoặc Mexico đánh bắt trong cả một năm.

Nhiều tàu của Trung Quốc vơ vét hải sản ở Châu Mỹ Latinh với mục tiêu chỉ để làm thức ăn cho cá (!), cá đánh bắt được nghiền thành bột cá, một loại thực phẩm bổ sung dạng viên giàu protein dùng cho cá nuôi thủy sản. Đội tàu của Trung Quốc cũng tập trung vào đánh bắt tôm, và hiện nay là cá totoaba có nguy cơ tuyệt chủng, loại cá được đánh giá cao ở Châu Á vì các dược tính được cho là có khả chữa bệnh (từ cơ quan bong bóng cá), mà có thể bán được với giá từ 1.400 đến 4.000 USD mỗi con.

Một chiếc thuyền ma của ngư dân Bắc Triều Tiên dạt vào bờ biển Nhật Bản. Nguồn ảnh: FÁBIO NASCIMENTO

Không có nơi nào trên biển mà Trung Quốc không chiếm ưu thế hơn về đánh bắt mực ống, vì đội tàu của nước này chiếm từ 50% đến 70% lượng mực ống đánh bắt được ở các vùng biển quốc tế, kiểm soát hiệu quả nguồn cung cấp hải sản phổ biến này trên toàn cầu. Ít nhất một nửa số mực do ngư dân Trung Quốc đánh bắt từ biển khơi được xuất khẩu sang Châu Âu, khu vực Bắc Á và Hoa Kỳ.

Để đánh bắt mực, người Trung Quốc thường sử dụng lưới kéo căng cột giữa hai tàu lớn, một phương pháp bị các nhà bảo tồn chỉ trích khắp nơi vì nó khiến rất nhiều cá bị giết một cách vô tình và lãng phí. Giới phê bình cũng cáo buộc Trung Quốc đang giữ lại nguồn mực ống chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và chỉ xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp với giá cao hơn. Ngoài ra, họ còn cho rằng Trung Quốc áp đảo các tàu thuyền của các quốc gia khác tại các khu vực lớn mà mực ống thường sinh sản, và có vị thế ảnh hưởng đến những cuộc đàm phán quốc tế về bảo tồn và phân phối nguồn tài nguyên mực toàn cầu vì lợi ích của chính họ.

Đội tàu đánh cá toàn cầu của Trung Quốc đã không tự mình phát triển thành một đội tàu khổng lồ hiện đại. Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp mạnh mẽ cho ngành công nghiệp này, với mức chi hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Tàu thuyền của Trung Quốc có thể đi xa như vậy một phần do trợ cấp nhiên liệu diesel tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011 (theo một nghiên cứu của Greenpeace, Bắc Kinh ngừng công bố số liệu thống kê sau năm 2011).

Trong hơn một thập kỷ qua, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ chi phí để đóng các tàu đánh cá vỏ thép lớn hơn, tân tiến hơn, thậm chí đưa theo tàu y tế đến các ngư trường lớn để đội tàu của họ có thể bám biển lâu hơn. Chính phủ Trung Quốc đặc biệt hỗ trợ đội tàu câu mực ống bằng cách cung cấp cho họ dự báo thông tin về nơi tìm thấy nguồn cung mực sinh lợi nhất, sử dụng dữ liệu thu thập được từ vệ tinh và tàu thăm dò.

Nhóm báo cáo của chúng tôi buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm khi một tàu Trung Quốc đột ngột quay hướng về phía thuyền của chúng tôi.

Theo nghiên cứu của Enric Sala, người sáng lập và lãnh đạo dự án bảo tồn Vùng biển Hoang sơ của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society’s Pristine Seas project), việc đánh bắt mực ống ở vùng nước xa bờ là một ngành kinh doanh thua lỗ. Sala nhận thấy rằng giá bán mực thường không thể bù lại chi phí nhiên liệu cần thiết để đánh bắt hải sản.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là bên bị bêu xấu nặng nề nhất khi đề cập đến các khoản trợ cấp như vậy, mà giới bảo tồn tự nhiên lại cho rằng, chính việc tàu cá hoạt động quá công suất và đánh bắt bất hợp pháp là nguyên nhân khiến các đại dương đang nhanh chóng cạn kiệt cá. Theo nghiên cứu của Ts. Sala, các quốc gia cung ứng nguồn trợ cấp lớn nhất cho các đội tàu đánh cá trên biển của họ là Nhật Bản (20% trợ cấp toàn cầu) và Tây Ban Nha (14%), tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

Gần đây hơn, chính phủ Trung Quốc đã ngừng kêu gọi mở rộng đội tàu đánh bắt xa bờ và đưa ra kế hoạch 5 năm vào năm 2017, trong đó hạn chế tổng số tàu đánh bắt xa bờ xuống dưới 3.000 tàu vào năm 2021. Ts. Daniel Pauly, một nhà sinh vật biển và là điều tra viên chính của Dự án Biển Quanh Ta (The Sea Around Us Project) tại Đại học British Columbia, cho biết ông tin rằng chính phủ Trung Quốc thực sự nghiêm túc trong việc muốn hạn chế hạm đội tàu đánh bắt ngoài khơi xa của họ. Ông cho biết thêm:

“Liệu họ có thể thực thi các hạn chế được đề cập đến này đối với hạm đội của họ hay không lại là một câu hỏi khác.”

Một tàu câu mực của Trung Quốc treo cờ Hàn Quốc khi đánh cá vào ban đêm. Nguồn ảnh: ĐẠI LÝ THUỶ SẢN NAM HÀN QUỐC / ĐẢO ULLEUNG

Tuy nhiên, các nỗ lực khác nhằm kiềm chế đội tàu cá của Trung Quốc đều diễn ra rất chậm chạp. Việc áp đặt các phương thức sửa đổi và kiểm soát chúng rất khó khăn, một phần vì luật pháp lỏng lẻo, phần lớn lực lượng lao động trên tàu không biết chữ, nhiều tàu không có giấy phép hoặc thiếu tên riêng hoặc số ID nhận dạng cần thiết để theo dõi, và các cơ quan nghiên cứu nghề cá của nước này thường từ chối tiêu chuẩn hóa hoặc chia sẻ thông tin cho các đơn vị quản lý trong nước hoặc nước ngoài.

Nhưng không chỉ có tình trạng hải sản suy kiệt đang bị đe dọa bởi quy mô và tham vọng hiện tại của đội tàu cá của Trung Quốc. Trong bối cảnh của khát vọng bành trướng địa chính trị lớn hơn của Trung Quốc, các ngư dân thương mại của quốc gia này cũng thường đóng vai trò là nhân viên bán quân sự trên thực địa, những người có các hoạt động được chính phủ Trung Quốc bảo vệ với tư cách pháp nhân dân sự. Dưới chiêu bài này, hình thức tổ chức tư nhân núp bóng bề ngoài giúp khẳng định quyền thống trị lãnh thổ, đặc biệt là đẩy lùi ngư dân hoặc các chính phủ khác dám thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông.

Huang Jing, cựu giám đốc Trung tâm Châu Á và Toàn cầu hóa tại Trường Nghiên cứu Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore cho biết:

“Những gì Trung Quốc đang làm là đưa hai tay ra sau và dùng cái bụng to của mình để đẩy bạn ra, để thách bạn dám đánh trước.”

Các tàu đánh cá của Trung Quốc nổi tiếng hung hãn và thường núp bóng với các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có vũ trang, ngay cả trong các vùng biển quốc tế hoặc trong hải phận quốc gia của những nước khác. Trong khi đưa tin trên biển, tôi và nhiếp ảnh gia đã quay được cảnh 10 tàu câu mực trái phép của Trung Quốc đi vào vùng biển của Bắc Triều Tiên. Nhóm báo cáo của chúng tôi đã buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm nguy hiểm sau khi một trong những thuyền trưởng đánh cá Trung Quốc đột ngột chuyển hướng về phía tàu của nhóm giám sát, đang đi tới trong vòng 10 mét, dường như muốn tiếp cận tấn công.

Trung Quốc cũng đã tìm cách mở rộng phạm vi tiếp cận hàng hải của mình thông qua các phương tiện truyền thống hơn. Ví dụ, chính phủ nước này đã phát triển lực lượng hải quân của mình nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với ít nhất ba hạm đội hải quân dường như đang được xây dựng, đồng thời điều động ít nhất một chục tàu nghiên cứu trang bị công nghệ tối tân, có triển vọng khai thác khoáng sản, dầu mỏ và các loại tài nguyên thiên nhiên khác.

Nhưng đội tàu cá của Trung Quốc còn hiện diện hung hăng và tràn ngập trên khắp các đại dương xa xôi. Như Greg Poling đã viết gần đây trên tạp chí Foreign Policy, các tàu này thường được giới phân tích quân sự phương Tây coi là một dạng “dân quân dân sự” tiên phong, hoạt động như một “lực lượng không chuyên nghiệp, không xếp loại đơn vị, không được đào tạo bài bản và nằm ngoài tất cả các khuôn khổ của luật hàng hải quốc tế, các quy tắc giao kết quân sự hoặc các cơ chế đa phương được thiết lập để ngăn chặn những sự cố mất an toàn trên biển.”

Không có nơi nào mà đội tàu cá của Trung Quốc lại có mặt khắp nơi như ở Biển Đông, một trong những vùng tranh chấp nóng bỏng nhất trên thế giới, với các yêu sách lịch sử, lãnh thổ và thậm chí là các quyền tài phán từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Indonesia. Bên cạnh quyền đánh bắt cá, lợi ích ở những vùng biển này là một bãi lầy đan xen giữa sự kiêu hãnh dân tộc của nhiều quốc gia khác nhau, các mỏ dầu khí sinh lợi dưới đáy biển và tham vọng chính trị có quyền kiểm soát đối với nơi có đến một phần ba lưu lượng thương mại hàng hải của thế giới phải đi qua.

Ở Biển Đông, quần đảo Trường Sa thu hút nhiều sự chú ý nhất khi chính phủ Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên những bãi đá ngầm và bãi cạn ở vùng biển này, quân sự hóa chúng bằng các bãi đáp máy bay, bến cảng và đài radar. Các tàu cá Trung Quốc củng cố nỗ lực này bằng cách dồn dập đưa tàu đến khu vực, bao vây và đe dọa những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, như cách họ làm vào năm 2018, khi đột ngột cử hơn 90 tàu đánh cá thả neo trên biển chỉ cách vài dặm ngoài khơi đảo Thitu của Philippines ngay sau khi chính quyền Phillipines vừa tiến hành nâng cấp nhẹ cơ sở hạ tầng của hòn đảo.

Ngư dân câu mực của Hàn Quốc, đang ở trên Biển Đông của Nhật Bản, hiện bị buộc phải đánh bắt xa bờ biển của họ do sự xâm lấn của các nhóm tàu Trung Quốc. Nguồn ảnh: ĐẠI LÝ THUỶ SẢN NAM HÀN QUỐC / ĐẢO ULLEUNG

Để biện minh cho các quyền của mình đối với khu vực, Bắc Kinh thường đưa ra lập luận của cái gọi là “đường yêu sách chủ quyền chín đoạn”, dựa trên bản đồ của các ngư trường lịch sử có đường 9 đoạn bao lấy hầu hết Biển Đông thuộc về lãnh hải Trung Quốc. Phần vì Trung Quốc phớt lờ hầu hết những lời chỉ trích, phần vì Trung Quốc đang chiếm ưu thế về kinh tế và nhiều mặt khác trên diễn đàn toàn cầu, các phương tiện truyền thông phương Tây có xu hướng đổ lỗi cho Trung Quốc về nhiều hành động tương tự mà Mỹ và châu Âu đã từng gây ra – trong quá khứ hoặc hiện tại. Và trong khi việc xác định điều gì là đúng hoặc công bằng ở Biển Đông có thể không dễ dàng gì hơn so với những mâu thuẫn đã được chứng minh ở những nơi khác như Trung Đông, thì hầu hết giới học giả về pháp lý và sử gia đều cho rằng lập luận đường chín đoạn không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, và nó được cho là không hợp lệ trong một phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016.

Các cuộc đụng độ về ngư trường có liên quan đến Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Nhật Bản và Trung Quốc đang có những xung đột về quần đảo Senkaku, được gọi bằng tiếng Trung Quốc là Điếu Ngư hoặc quần đảo “đánh cá”. Trong một diễn biến khác, một tàu Cảnh sát biển Argentina đã bắn súng cảnh cáo để ngăn chặn một tàu Trung Quốc chạy thoát ra hải phận quốc tế vào tháng 3 năm 2016. Khi đó tàu Trung Quốc, mang tên Lu Yan Yuan Yu, đáp trả bằng cách cố gắng đâm tàu Argentina, và tàu Cảnh sát biển đã đánh lật tàu đánh cá. Một số thuyền viên Trung Quốc đã thoát ra ngoài bằng cách bơi lại các tàu Trung Quốc khác, trong khi những người khác được Cảnh sát biển giải cứu.

Từ vùng biển của Triều Tiên đến Mexico và Indonesia, các cuộc xâm nhập của tàu cá Trung Quốc ngày càng trở nên thường xuyên, trơ trẽn và hung hãn hơn. Khó có trí tưởng tượng tuyệt vời nào để hình dung ra cách một cuộc đụng độ dân sự dường như có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự lớn hơn. Những cuộc đối đầu như vậy cũng làm dấy lên lo ngại nhân đạo về việc ngư dân có thể phải thế chấp thiệt hại tài sản (tàu bè), và các câu hỏi môi trường về những chính sách của chính phủ đẩy nhanh sự suy giảm nguồn cá nơi đại dương. Nhưng trên tất cả, tầm với và ảnh hưởng của tham vọng trên biển của Trung Quốc lại làm nổi bật một lần nữa vấn đề, rằng giá trị thực sự của cá biển hiếm khi được thể hiện đúng trên bảng giá niêm yết ngoài chợ hay trên thực đơn nhà hàng.

BÌNH LUẬN CỦA HÀNH TINH TITANIC

Các bạn vốn dĩ đã không lạ gì với chủ trương bá quyền của Trung Quốc trên mọi mặt trận từ chính trị đến kinh tế. Ngay trên môi trường đại dương, nơi ít người quan sát và nhiều hiểm nguy, TQ vẫn không ngại ngần dùng các biện pháp lưu manh và gian xảo khuất tất và lấn át hải phận, quyền khai thác của nước khác. Củng cố cho sự việc này còn bao gồm cả sự khiếp nhược và biếng nhác của các quốc gia khác như Triều Tiên, đã gián tiếp đẩy hàng loạt ngư dân của mình đến cái chết.

Không ai biết được lượng tàu cá mà Trung Quốc đang che giấu, mang trên mình cả 2 mục tiêu là càn quét hải sản và vươn xa quyền lực địa chính trị. Tuy nhiên, có một sự thật đáng sợ và đáng quan tâm hơn cho cả nhân loại, đó là hàng loạt các chính phủ đang tài trợ để tàu đánh cá ra khơi nhiều hơn để đánh bắt cạn kiệt nguồn hải sản biển. Càng hiếm hoi lại càng càn quét, không để cho đại dương nghỉ ngơi và tái hồi phục. Chính sách này sẽ để lại nhiều hậu quả khủng khiếp cho các thế hệ sau: Sự sống dưới đáy biển mất đi sẽ dẫn đến sự tuyệt diệt của những giống loài trên cạn. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy xem qua bộ Phim Seaspiracy (2021) do Netflix sản xuất, tại địa chỉ trang web sau:

http://www.documentarymania.com/player.php?title=Seaspiracy

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Khủng hoảng tâm lý con người

BIẾN CỐ 30/4/1975…

Cho đến tận bây giờ, do ý thức hệ chính trị cứng nhắc, nỗi đau khổ và mất mát, nhiều người Việt Nam vẫn không bao giờ chịu hiểu và nhận ra rằng, BIẾN CỐ 30/4/1975… chỉ là...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Tị nạn Khí hậu

ĐÓN NHẬN NGƯỜI TỴ NẠN VÀ DI CƯ

Trong ngày đầu năm mới 2018, Đức Giáo hoàng Francis của Giáo hội Công giáo đã công bố bản kế hoạch với 20 điểm thúc giục và kêu gọi hành động hỗ trợ những người dân di cư và tỵ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic