KHỦNG HOẢNG NGUỒN NƯỚC HIỂN HIỆN ĐE DỌA 270 TRIỆU NGƯỜI KHI DIỆN TÍCH BĂNG HÀ CỦA NAM Á DẦN THU HẸP


hanhtinhtitanic
KHỦNG HOẢNG NGUỒN NƯỚC HIỂN HIỆN ĐE DỌA 270...

Chuyển ngữ bởi: Linh Nguyễn

từ nguồn: A water crisis looms for 270 million people as South Asia’s glaciers shrink

Đây là một bài phóng sự ảnh trong số Tháng Bảy 2020 của Tạp chí National Geographic. Tác giả bài viết: ALICE ALBINIA. Ảnh do BRENDAN HOFFMAN thực hiện. Hình ảnh trong bài do Hiệp hội Phóng viên Nam Á hỗ trợ một phần.

Bài viết được nhận tài trợ của Rolex, đối tác hiện thời của Hiệp hội National Geographic Society trong quá trình sử dụng khoa học, khám phá và kể chuyện để soi rọi những thử thách mà các hệ thống thiết yếu nuôi dưỡng sự sống của Trái đất đang phải đối mặt.

Nước từ băng tan chảy làm thỏa cơn khát của Lưu vực sông Ấn. Nhưng giờ đây, dòng chảy này được dự báo sẽ suy giảm, gây ra nhiều nguy cơ cho nông nghiệp và cho dân số vẫn không ngừng gia tăng ở nơi đây.

TRUNG QUỐC
Khách hành hương chụp hình selfie vào tháng Chín vừa rồi tại Drolma La, điểm cao nhất trên hành trình kora dài gần 52km của họ. Kora là tên gọi nghi thức thiền hành vòng quanh Ngọn núi Kangrinboqe của Tây Tạng. Đây là ngọn núi thiêng của bốn nền tôn giáo khác nhau, và có bốn con sông của vùng Nam Á bắt nguồn từ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của ngọn núi này. Đoạn đầu nguồn của sông Ấn dài khoảng bốn ngày đi bộ, nằm ở phía Bắc.

Từ gần Đỉnh Kangrinboqe ở Tây Tạng bắt nguồn bốn con sông lớn, trải dài về phía đông và tây của dãy Himalaya, và xuôi về hướng biển, như chân tay của một vị nữ thủy thần đáng kính. Những nơi các dòng sông này chảy qua, chúng định hình các nền văn minh và quốc gia: Tây Tạng, Pakistan, bắc Ấn Độ, Nepal, và Bangladesh. Từ ngàn đời nay, người dân sống ở hạ nguồn tùy nghi sử dụng nguồn nước ở các dòng sông. Các dòng sông ấy được đong đầy nhờ hai hiện tượng: mưa trong mùa mưa và nước từ băng hà (sông băng) tan chảy. Cả hai hiện tượng này, vốn do các vị thần cai quản hàng thiên niên kỷ, nay cũng chịu sự chi phối của con người. (Xem thêm vì sao 10 con sông này có vai trò thiết yếu cho sự sống còn của châu Á).

Các dòng sông bắt nguồn từ phía Đông dãy Himalaya, như con sông Brahmaputra, chủ yếu lấy nước từ các cơn mưa mùa hạ; dòng chảy của chúng hoàn toàn có thể dồi dào thêm khi khí hậu nóng dần lên làm tăng độ ẩm của bầu khí quyển. Nhưng phần lớn nước của dòng sông Ấn, chảy về phía Tây từ Đỉnh Kangrinboqe, lại đến từ tuyết và băng hà trên rặng Himalaya, rặng Karakoram và rặng Hindu Kush. Đặc biệt, băng hà (sông băng) là những “tháp nước”: Chúng lưu trữ tuyết rơi vào mùa đông dưới dạng băng đá trên các đỉnh núi cao, và thả dòng nước tan chảy xuống trong hai mùa xuân hạ. Như thế, chúng cung cấp dòng chảy ổn định nuôi dưỡng con người và các hệ sinh thái. Ở hạ nguồn, trong các bình nguyên của Pakistan và miền bắc Ấn Độ, hệ thống canh tác thủy lợi rộng lớn nhất thế giới phụ thuộc vào dòng sông Ấn. Những dòng nước từ băng hà chảy vào con sông này là nguồn sống của khoảng 270 triệu người. (Sông Ấn là nguồn sống của hàng triệu người. Bản đồ này minh họa những nguy cơ mà con sông này đang phải đối mặt.)

ẤN ĐỘ
Trẻ em làng Gya, Ladakh, lội qua một dòng băng hà chảy vào sông Ấn. Con sông này chảy qua Ladakh, một vùng đất cao khô cằn ở điểm cực bắc của Ấn Độ, trên đường chảy từ Tây Tạng về phía tây sang Pakistan. Trong vài thập niên gần đây biến đổi khí hậu đã làm các dòng băng hà chảy vào sông Ấn tan nhanh hơn, gây ngập lụt chưa từng có. Năm 2014 một trận lụt từ một hồ nước băng hà đã phá hủy hai ngôi nhà ở Gya.

Hầu hết các dòng băng hà đều đang thu nhỏ dần. Ban đầu, nó sẽ làm tăng lưu lượng nước chảy vào sông Ấn. Nhưng nếu nhiệt độ tiếp tục tăng như dự báo, và các dòng băng hà tiếp tục tan rã, thì sông Ấn sẽ đạt “đỉnh nước” vào năm 2050. Sau đó, lưu lượng dòng chảy sẽ giảm bớt.

Ngày nay con người đã sử dụng tới 95% lưu vực sông Ấn, và dân số ở khu vực này đang tăng lên nhanh chóng. Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Nature, một nhóm các nhà khoa học quốc tế (được National Geographic Society hỗ trợ) đã tiến hành phân tích các tháp nước băng hà trên toàn thế giới. Băng hà ở sông Ấn là nơi thiết yếu nhất, và theo các nhà khoa học này thì:

“Với áp lực nguồn nước vốn đã rất cao và chính quyền hoạt động thiếu hiệu quả, vùng sông Ấn ít có khả năng chịu được sức ép này.”

Pakistan sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Từ năm 2003 đến 2006, trong quá trình nghiên cứu để viết cuốn sách Các Đế chế vùng sông Ấn (Empires of the Indus), tôi đã đi hết chiều dài hơn 3.200km của dòng sông, từ Biển Ả Rập cho đến đầu nguồn ở Tây Tạng. Từ ngày đó, tình trạng quá tải của con sông đã khá là rõ ràng rồi. Sông Ấn đã thay đổi hoàn toàn – không còn nhận ra nổi dòng sông hùng vĩ phi thường mà các quan chức thực dân Anh từng mô tả. Con sông đã bị thu hẹp lại vì nhu cầu thủy lợi, công nghiệp, và sinh hoạt hàng ngày. Do những con đập ngăn nước, nó không còn chảy ra tới biển được nữa, và vùng đồng bằng phủ rừng ngập mặn ở cửa sông khi ấy đang chết dần. Các hồ nước ở lòng sông thì bị ô nhiễm vì nước thải và cống rãnh.

PAKISTAN
Dòng cuồng lưu từ băng hà trên núi tràn rộng ra các bình nguyên vùng Sindh ở miền nam Pakistan. Đập nước ở Sukkur, nhìn thấy từ xa trong ảnh, được xây dựng từ thời thuộc địa. Nó chia nước sông Ấn sang một mạng lưới kênh rạch phục vụ việc canh tác bông, lúa mì, lúa gạo ở vùng sa mạc. Dọc sông Ấn, người Anh đã thiết lập hệ thống thủy lợi mà đến ngày nay vẫn là lớn nhất thế giới.

Tôi bị ấn tượng mạnh về việc sông Ấn, xưa kia được ca tụng trong những bản thánh ca thiêng liêng bằng tiếng Phạn (Sanskrit), giờ đây bị đối xử như một nguồn tài nguyên đơn thuần chứ không còn là một dòng sông thiêng được tôn kính nữa. Tất cả những người tôi gặp, từ thường dân cho đến chính trị gia, đều cho rằng con sông không được quản lý một cách đúng đắn. Họ nói về các dự án kỹ thuật thiếu hiệu quả hoặc thất bại do tham nhũng, về những bất công trong việc chia sẻ tài nguyên nước, và về các hệ sinh thái bị phá hủy nhân danh lợi nhuận.

Ở thời điểm đó, chưa có nhiều người nói đến những ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với dòng sông Ấn. Cho đến tận năm 2010, quy mô của vấn đề này mới trở nên rõ ràng – thông qua các trận lũ lụt bi thảm chứ không phải tình trạng suy giảm nguồn nước. Người ta chưa rõ tổng lượng nước mưa đổ xuống vùng Himalaya sẽ thay đổi ra sao trong tương lai, nhưng hiện tượng mưa lũ cực đoan gia tăng thì đã rõ ràng. Trong tháng 8/2010, khi sông Ấn còn đang tràn đầy nước từ băng tan mùa hè, nó đã bị một mùa mưa quái gở tấn công. Cơn mưa xối xả – xảy ra ở một vài nơi, với lượng nước đổ xuống chỉ trong vài giờ đã ngang bằng lượng nước mưa của cả một năm – đã khiến nước sông tràn bờ trên toàn bộ phần phía nam của dòng sông. Hơn 1.600 người đã thiệt mạng, và tổng giá trị thiệt hại về tài sản lên tới 10 tỷ USD.

Usman Qazi, một chuyên gia về phục hồi sau thảm họa làm việc cho Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Islamabad, cho biết:

“Chưa ai từng nghe nói tới lũ lụt ở quy mô rộng lớn như vậy. Nhưng hiện tượng này sẽ dần trở nên phổ biến. Lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra chính là một trong những nguy cơ lớn nhất ở quốc gia này.”

TRUNG QUỐC
Trẻ em du mục lấy nước sông Ấn từ đầu nguồn ở Tây Tạng. Trung Quốc kiểm soát vùng đầu nguồn của dòng sông. Năm 2006 chính quyền nước này đã xây một con đập mà không thông báo cho Ấn Độ và Pakistan, hai nước phụ thuộc rất nhiều vào dòng sông này.

Đây là khác biệt rõ nét nhất từ khi tôi viết sách xong: bóng ma biến đổi khí hậu giờ đây đang ám ảnh tất cả những thảo luận về tương lai của con sông Ấn. Thử thách trở nên phức tạp hơn bội phần vì sông Ấn và năm con sông nhánh của nó nằm trên lãnh thổ của cả Ấn Độ và Pakistan, hai nước vừa là láng giềng vừa là kẻ thù từ năm 1947, trong khi Trung Quốc thì lại đang kiểm soát vùng đầu nguồn. Khi tới Tây Tạng năm 2006, trên đường tìm về đầu nguồn con sông, tôi bị sốc khi thấy dòng sông không còn nước: gần đây, Trung Quốc đã đắp đập ngăn nước tại các nhánh thượng nguồn.

Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc đều có dân số đông đảo và nhiều lý do để khư khư bảo vệ các nguồn tài nguyên của họ. Cả ba nước đều có vũ khí nguyên tử. Chúng ta thường nghĩ về biến đổi khí hậu như một hiện tượng diễn ra từ từ, gần như không thể nhận thấy. Nhưng dọc theo con sông Ấn, nó có thể châm ngòi cho một mâu thuẫn làm thay đổi thế giới chỉ trong một sớm một chiều.

Đã từng có một thời khi mà con người biết ơn các dòng sông đến độ coi chúng là những sinh thể thiêng liêng.

Trong Kinh Vệ Đà (Rig Veda), tác phẩm tiếng Phạn lâu đời nhất của Ấn Độ, sông Ấn là dòng sông duy nhất được tôn sùng vừa là nam thần vừa là nữ thần, vừa là cha vừa là mẹ – theo các chuyên gia, có lẽ bởi chính tại nơi này, trong Thung lũng sông Ấn, Ấn Độ Giáo (Đạo Hindu) đã được hình thành.

TÂY TẠNG
Một khách hành hương từ Atlanta, Georgia, được giội nước thiêng từ Hồ Manasarovar ở Tây Tạng, gần đỉnh Kangrinboqe và đầu nguồn sông Ấn. Mỗi năm có hàng ngàn người hành hương đi quanh núi, nhưng chính quyền Trung Quốc đã cấm tắm ở hồ.

Phía bắc đỉnh Kangrinboqe, dòng sông vĩ đại khiêm nhường thả bong bóng nước trên mặt đất, như những hơi thở của nữ thần Saraswati 4 tay. Nó chảy về phía Tây, xuyên qua các rặng núi, dọc theo các đỉnh cao nhất của Ấn Độ, và băng qua vùng biên giới tranh chấp sang lãnh thổ của Pakistan. Ở giao điểm của ba rặng núi Himalaya, Karakoram và Hindu Kush, trong một nút thắt của băng và đá, dòng sông rẽ ngoặt về bên trái và chảy về phía Nam thêm hơn 1.600km qua các bình nguyên của vùng Punjab và Sindh trước khi đổ vào biển Ả Rập.

Khoảng 65km về phía bắc của chỗ ngoặt đó, trong thung lũng sông Hunza, một chi lưu của sông Ấn, trên bước bộ hành tôi bắt gặp Ghulkin, một dòng băng hà nằm giữa một bên là làng mạc, một bên là các vườn cây ăn quả. Ghulkin có màu đen vì đất và sa khoáng từ các ngọn núi. Tôi đã bước qua các khe nứt kêu răng rắc, và tự tay mình chạm vào mặt băng. Từ trên đỉnh núi, quang cảnh thật khiến lòng người phấn chấn. Dòng cuồng lưu màu nâu cắt ngang qua thung lũng. Dẫn xuống cùng với nó là những dải lụa thanh tao màu xanh lá kỳ ảo, các cánh đồng và vườn cây mà ở đó từng chiếc lá được tưới bằng các kênh đào nối thẳng từ dòng băng hà.

Ở phía bắc Pakistan, một độc thần giáo là Đạo Hồi tìm được cách tồn tại song song với lòng tôn kính theo kiểu đạo Shaman với quyền lực của các dòng băng hà. Người ta nói với tôi nhiều lần rằng băng hà Ghulkin là một nam thần “đang tiến xuống thung lũng tìm một nữ thần để kết đôi” – mà nữ thần này là một dòng băng hà đang rút lui – trong một vũ điệu tỏ tình huyền bí. Theo người dân địa phương, các dòng băng hà tiến tới là vì chúng đang tích lũy khối lượng. Đúng là như thế – nhưng sau này tôi được nhà địa chất học băng hà Bethan Davies của Đại học Royal Holloway ở London (Anh Quốc) cho biết rằng dòng băng hà cũng có thể trườn xuống núi như một chiếc xe trượt tuyết của trẻ em vì nó đã bắt đầu tan ra và không còn dính chặt vào đất nữa.

ẤN ĐỘ
Leh là thị trấn lớn nhất ở Ladakh, và thông thường dân số thị trấn này tăng gấp đôi vào mùa hè với hàng trăm ngàn du khách người Ấn Độ và người nước ngoài. Từ năm 2019 chính phủ Ấn Độ tiếp quản Ladakh để kiểm soát trực tiếp, điều này có thể thúc đẩy phát triển ở Ladakh do nhận được nhiều quan tâm từ bên ngoài hơn.

Điều tương tự có lẽ đã xảy ra vào năm 2018 ở Shishper, một dòng băng hà khác ở gần đó: Đột nhiên nó bắt đầu chảy xuống phía thị trấn Hassanabad, với tốc độ lên đến 36m một ngày. “Trông nó giống như một đoàn tàu vậy,” nhà địa chất học địa phương Deedar Karim bảo tôi. Shishper trườn qua các kênh thủy lợi và đâm thẳng vào một cây cầu. Lúc tôi trông thấy nó vào tháng Mười năm ngoái, nó đã tiến chậm lại chỉ còn khoảng hơn 30cm một ngày – dù như vậy vẫn là nhanh đối với một dòng băng hà.

Trong lưu vực thượng nguồn sông Ấn, các dòng băng hà không còn tiến tới hay rút lui như xưa nữa. Hai dòng Hoper và Barpu đã tan ra và lùi xa đến nỗi các vùng định cư của con người và hệ thống thủy lợi mà họ dày công xây dựng quanh đây đều đã cạn kiệt nguồn nước. Bạn sẽ thấy kênh đào và làng mạc bị bỏ hoang bên triền núi: nhà cửa cũng có màu nâu nhạt của những ngọn đồi khô khát. ông Niat Ali, một cựu chiến binh ở tuổi lục tuần nhớ lại:

“Thời tôi còn nhỏ khu này là những cánh đồng và vườn cây”.

Ông liệt kê một danh sách những xóm làng cũ nay đã tan tác: Shishkin, Hapa Kun, Hamdar, Barpu Giram.

ẤN ĐỘ
Những năm gần đây du lịch phát triển mạnh ở Ladakh, nơi trú ẩn mùa hè mới cho những người dân Ấn Độ bị căng thẳng vì nắng nóng. Các du khách này đang ở điểm hợp lưu của sông Ấn và sông Zaskar, nằm ở phía tây thị trấn Leh.

Các dòng băng hà đang tan còn gây ra một mối đe dọa cấp bách hơn. Đôi khi nước từ băng tan đọng thành những vũng sau một khối sa khoáng hoặc một khối băng, mà có thể nổ tung, gây ra “lũ hồ băng bùng phát” (thuật ngữ chuyên môn gọi là GLOF – Glacial Lake Outburst Flood). Vào năm 2018, trong thung lũng Ishkuman, một trận lũ đã nhấn chìm hai ngôi làng Bad Swat và Bilhanz. Nayab Khan, 48 tuổi, cảm thấy đất rung chuyển khi “nước cuốn xuống hàng khối đá tảng và xô chúng chạm vào nhau. Cứ thế kéo dài suốt 12 ngày.” Đất đá đổ nát thành đập ngăn dòng sông Immit, tạo ra một hồ nước mới sâu hơn 6m, phá hủy nhà của Nayab Khan và 41 người khác.

Biến đổi khí hậu đã góp phần đẩy bảy triệu người ở miền Bắc Pakistan vào nguy cơ phải chịu những trận lũ lụt như thế. Ashraf Khan, một nông dân trồng táo kiêm giáo viên, cho biết:

Ba dòng băng hà gần làng Pasu “là ba con rồng. Chúng ta đang sống ở ngay miệng chúng.” Năm 2008 một con rồng đã khè ra một cơn lũ hồ băng bùng phát vào mùa đông, khi mà “thường thì mọi thứ đều đóng băng cứng ngắc.” Tháng Tám vừa rồi, nước băng tan mùa hạ “cuốn trôi một khách sạn, một văn phòng của bộ phận tình báo Quân đội Pakistan, và một vườn cây ăn quả.”

ẤN ĐỘ
Một quán cà phê ven đường ở Jammu và Kashmir nhìn ra đập Baglihar trên dòng Chenab, một chi lưu lớn của sông Ấn. Theo Hiệp ước Nguồn Nước Sông Ấn năm 1960, Pakistan được quyền sử dụng nguồn nước từ sông Ấn, sông Chenab và sông Jhelum – nhưng Ấn Độ được hưởng một số quyền nhất định, bao gồm quyền làm thủy điện.

(Xem một gia đình ở Nepal đang vật lộn để sống sót ra sao.)

Dân làng Pasu, như mọi người khác ở phương bắc, có thể thấy thời tiết đang thay đổi. Mùa hè giờ đây nóng đến nỗi lần đầu tiên trong đời họ phải mua quạt từ dưới xuôi. Mùa đông giờ đây bớt khắc nghiệt, có vẻ hầu hết mọi người đều biết ơn điều này. Những người phu đào vàng di cư đến Hunza theo mùa và sống trong lều dựng ven sông thì phấn khởi vì thời tiết đang ấm lên, và cả những trận lũ cũng làm họ vui mừng. “Nước lũ đem quặng từ trong đá ra nhiều hơn,” Mahboob Khan giải thích. Anh đang đãi cát từ nước sông lạnh cóng, sau đó lăn cát qua thủy ngân độc hại trong lòng bàn tay để chiết xuất những mảy vàng. Anh ta chẳng hề bận tâm về biến đổi khí hậu.

ẤN ĐỘ
Thợ đường dây nối một ngôi nhà với lưới điện ở Saboo, Ladakh. Chính phủ Ấn Độ đã khuyến khích phát triển thủy điện ở lưu vực sông Ấn với chi phí đắt đỏ và ảnh hưởng môi trường to lớn, nhưng cũng có cả những lợi ích. Vào năm 2013, thị trấn Leh, thủ phủ của Ladakh, đã thay thế các máy phát điện chạy bằng dầu diesel bằng thủy điện ít ô nhiễm hơn.

Tôi phải kinh ngạc vì có quá ít người tôi gặp ở miền bắc Pakistan biết được chuyện gì đang làm tan băng hay trách móc phần còn lại của thế giới về điều đó. Ở xa hơn dưới phương nam, trong các thành phố lớn, cảm nhận về sự bất công đang dần tích tụ. Pakistan, một quốc gia đang phát triển với dân số khoảng 230 triệu người, chỉ đứng thứ 144 trên 192 quốc gia về lượng phát thải khí nhà kính trên đầu người. Như Bộ trưởng Malik Amin Aslam, phụ trách về Biến đổi Khí hậu của quốc gia này nói với tôi:

“Chúng tôi không gây ra chuyện này, nhưng lại đang phải gánh chịu hậu quả.”

Khi tuyên bố độc lập vào năm 1947, và thuộc địa cũ của Anh tách ra thành hai nước Ấn Độ và Pakistan, mỗi nước được chia phần sông Ấn ít hơn mình muốn. Khúc sông dài chảy về phía tây trên miền bắc nằm trong lãnh thổ trước đây của hai tiểu vương quốc Jammu và Kashmir, và cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều muốn chiếm trọn khúc sông này. Vùng biên giới chia đôi Kashmir vẫn thường xuyên diễn ra tranh chấp căng thẳng.

Dưới hạ nguồn, trong những bình nguyên màu mỡ của vùng Punjab, người Anh đã xây dựng các con đập trên sông Ấn và các chi lưu, rồi dẫn nước thông qua những công trình thủy lợi đầu mối ở đây về một mạng lưới kênh thủy lợi chằng chịt rộng lớn. Ở Punjab, biên giới mới cắt qua năm con sông nhánh, chia cho Pakistan hầu hết các vùng nông nghiệp xung quanh các kênh đào nhưng để lại cho Ấn Độ các công trình thủy lợi đầu mối ở Firozpur, trên dòng Sutlej.

ẤN ĐỘ
Trái: Một trường mẫu giáo ở Sichewali, Punjab, ươm cây bản địa để phủ xanh cảnh quan và giúp giữ nước cho tầng đất ngậm nước ở đây. Trữ lượng nước ngầm ở Punjab đã suy giảm nghiêm trọng một phần vì phương pháp trồng lúa bằng thủy lợi mặt nước, được áp dụng ở vùng này từ những năm 1960 trong thời cách mạng xanh.
ẤN ĐỘ
Balbir Singh Seechewal, một nhà bảo vệ môi trường người Sikh, khoe nhà máy xử lý nước ông xây dựng ở Sichewali sau khi nhận định rằng ô nhiễm môi trường đe dọa sức khỏe con người về cả thể chất và tinh thần. Thầy Nanak, vị thầy sáng lập của Đạo Sikh, đã giác ngộ sau khi tắm trong một dòng sông.

Quan chức phía Ấn Độ lập tức khẳng định chủ quyền của họ trong mùa xuân 1948 bằng cách đóng cửa đập ở các công trình thủy lợi đầu mối. Điều này làm sụt hẳn dòng chảy về phía Pakistan. Các cửa đập này được mở lại vài tuần sau đó. Nhưng như Majed Akhter, một nhà địa lý của trường King’s College ở London, nói với tôi rằng, ý chí của người Ấn Độ biểu hiện qua sự kiện ấy được giới chức Pakistan coi là “khởi nguồn bạo lực.” Tháng Mười năm ngoái, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đe dọa cắt dòng chảy một lần nữa.

Pakistan được trấn an vào năm 1960 khi Ngân hàng Thế giới (WB) thuyết phục được hai quốc gia ký kết Hiệp ước Nguồn Nước Sông Ấn (Indus Waters Treaty). Hiệp ước này chia đôi lưu vực sông Ấn, cho Pakistan sở hữu nguồn nước sông Ấn và hai chi lưu phía Tây, còn Ấn Độ được sở hữu ba chi lưu phía đông. Cộng đồng quốc tế gây sức ép, buộc hai nước xây thêm đập và kênh đào. Pakistan hoàn thành Hồ chứa Tarbela năm 1976. Năm 1987, Ấn Độ hoàn thành con kênh Indira Gandhi dài 650km để mang nước và mang cả cuộc cách mạng xanh từ Punjab về phương nam tới tận sa mạc Thar của vùng Rajasthan.

PAKISTAN
Trong các rặng núi phương bắc, dòng băng hà Shishper, có màu đen vì sa khoáng, chảy ào ạt vào hệ thống ống dẫn và các công trình hạ tầng khác năm 2018. Băng tan nhanh hơn có thể đã gây ra luồng nước mạnh mẽ này.

Các chuyên gia phân tích của cả hai nước đồng ý rằng các kênh đào này cung cấp lượng nước dồi dào với chi phí được con người khống chế ở mức thấp, và do đó khuyến khích tình trạng sử dụng lãng phí. Ali Tauqeer Sheikh, một thành viên Hội đồng Biến đổi Khí hậu Quốc gia Pakistan đã thốt lên:

“Chúng tôi làm ruộng trong sa mạc! Nhưng “100 năm nữa chúng ta không thể nào tiếp tục đổ lỗi cho người Anh.” Các chủ nông trại lớn là “giới tinh hoa chính trị, và hoàn toàn từ chối trả tiền nước.”

Tình trạng thiếu nước ở cả hai phía của biên giới đã tới mức độ khủng hoảng. Ở vùng Punjab của Ấn Độ, mỗi năm có hàng ngàn nông dân tự sát vì nợ nần. Việc bơm nước ngầm thì đắt đỏ; mỗi năm họ lại phải khoan giếng sâu hơn vì mực nước ngầm ngày càng sụt giảm – có nơi sâu đến hơn 120m. Tình trạng suy giảm nước ngầm là hệ quả của việc canh tác lúa gạo, một loại cây lương thực tiêu thụ nhiều nước. Trong khi đó, nước sông được chở đi xa tới tận Rajasthan.

Từ Rajasthan sang bên kia biên giới, tại tỉnh Sindh thuộc Pakistan, tôi đi tới một vùng của sa mạc Thar được tưới tiêu bằng hệ thống kênh thủy lợi. Nước dùng cho thủy lợi đến từ cách đó hơn 320km – từ khu đập của vùng Sukkur trên sông Ấn do người Anh xây dựng từ năm 1932. Ở đây, tại điểm cuối cùng của hệ thống kênh đào, phụ nữ và trẻ em làm việc ngoài đồng, thu hoạch loại ớt Dundicut lừng danh. Ở chợ ớt ngoài trời Kunri, khu chợ ớt lớn nhất ở Pakistan, nước mắt tôi giàn giụa khi tôi đứng xem người ta đấu giá hàng núi ớt quả màu đỏ lộng lẫy.

PAKISTAN
Ở Wagah, Punjab, du khách tạo dáng chụp hình với những người lính sau nghi lễ đóng cổng trang trọng diễn ra hàng ngày ở biên giới Ấn Độ. Năm 1947, khi Ấn Độ thuộc Anh được chia thành hai quốc gia độc lập, tỉnh Punjab bị chia làm đôi. Với cả hai phía của Punjab, cũng như với cả hai nước Ấn Độ và Pakistan, lưu vực sông Ấn là một nguyên nhân xung đột chính yếu.

Thế nhưng 2019 là một vụ mùa thất bát, Mian Saleem, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Trồng Ớt Đỏ ở Sindh giải thích với tôi:

Thời tiết cực đoan làm sản lượng thu hoạch bị giảm mất hai phần ba. Vào tháng Năm, nhiệt độ có lúc lên tới 47°C, làm cây khô héo. “Trong bốn mươi năm qua tôi chưa từng bao giờ thấy nóng như vậy”. Sau đó thì đến “mưa tháng Mười, lần đầu tiên tôi thấy trong đời.” Mưa làm nông dân phải hoãn việc thu hái, và ớt đồng loạt thối rữa trên cành.

Ở làng Rano Khan Rahimoon, tôi trò chuyện với những người lĩnh canh không có đất, gồm cả người theo đạo Ấn và đạo Hồi, họ sống bên nhau trong những ngôi nhà vách bùn có sơn phết. Họ trồng ớt và các loại hoa màu ngắn ngày khác, và nói rất hùng hồn về vấn đề lớn nhất của họ: nguồn nước. Attam Kumar, 28 tuổi, cho biết:

“Nước kênh lúc có lúc không.”

PAKISTAN
Một xe tải chuyển bông vải đến một nhà máy dệt ở Sindh. Ngành công nghiệp dệt may đem lại 8% tổng sản phẩm quốc nội của Pakistan và hơn một nửa nguồn thu ngoại hối của quốc gia này. Nhưng bông vải là một loại cây trồng tốn nước, và trong những năm gần đây, các hình thái thời tiết thất thường – sóng nhiệt rồi tới mưa lớn bất thường – đã làm sản lượng bông vải bị giảm sút.

Anh nói tiếp:

“Chúng tôi có ba vấn đề lớn. Nước kênh đào khan hiếm, mùa mưa thường nặng nề, và nguồn nước ngầm nhiễm độc mà chúng tôi bắt buộc phải uống.”

Theo anh, các giếng khoan đã bị nhiễm độc vì phân bón ruộng ngấm xuống các mạch nước ngầm. Kumar vén áo cậu bé Salaam 11 tuổi lên để chỉ cho tôi vết sẹo phẫu thuật thận. Trong số 150 dân làng, có bốn người đã phải phẫu thuật bỏ thận. Kumar nói:

“Chất độc này làm chúng tôi vắn số.”

Sáng hôm sau, tôi uống trà cùng một người chủ đất từng là bộ trưởng liên bang, rồi nói chuyện với người quản lý của một trang trại xoài rộng hơn 2.400 hecta, nơi những người làm công đang tưới một vườn hồng giữa sa mạc. Cả hai ông đều vừa mở những chai nước khoáng Evian, vừa ca thán về thời tiết thất thường gần đây. Nhưng cả hai đều không mấy lo ngại về việc kênh thiếu nước – họ đủ quyền lực để được cung cấp đầy đủ những tài nguyên họ cần.

PAKISTAN
Sau lúa mì, bông vải chiếm diện tích lớn hơn bất kì loại cây trồng nào khác ở Pakistan, và phụ nữ và trẻ em gái là nhân công thu hoạch chính. Trong quá trình thu hoạch, rất nhiều người bị tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở mức độ cao và gặp phải hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Những người phụ nữ này đang làm việc ở Tibba Sultanpur thuộc Punjab.
PAKISTAN
Vải từ các nhà máy như nhà máy này ở Khurrianwala, thuộc Punjab, đóng góp vào hơn một nửa nguồn thu ngoại hối của Pakistan. Tuy nhiên mỗi tấm vải xuất khẩu này thấm đẫm thứ nước ngầm quý hiếm: cần đến hơn 150 lít nước để sản xuất ra một kí bông vải thô.
PAKISTAN
Trẻ em lấy nước uống từ một nhà máy lọc nước bên bờ hồ Manchhar ở Sindh. Manchhar là hồ nước ngọt lớn nhất Pakistan, lấy nước từ sông Ấn. Nhưng các kênh chia nước trên thượng nguồn đã làm hồ bị tù đọng, thêm vào đó nước thải từ canh tác nông nghiệp chảy vào hồ làm cá chết gần hết và làm nước trở nên quá ô nhiễm, không thể uống được nếu không qua xử lý.

Sau bữa trưa ngon miệng ở trang trại xoài, tôi dừng chân ở bệnh viện làng. Moomal Waqar, bác sĩ ở đây, đang tuyệt vọng vì số bệnh nhân bị sỏi thận và sỏi mật. Giống như những người lĩnh canh, chị cho rằng đây là hậu quả của việc uống nước ô nhiễm phân hóa học không qua xử lý. Chị than:

“Ở đây làm gì có ai đủ tiền mua nước khoáng đóng chai.”

Nước nhiễm độc là vấn đề phổ biến ở Pakistan. Một nhóm nghiên cứu đứng đầu là Joel Podgorski thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Hải dương Liên bang Thụy Sĩ đã xuất bản một báo cáo vào năm 2017, cho thấy rằng có thể có tới 60 triệu người sống ở Lưu vực sông Ấn đang uống nước ngầm nhiễm độc asen. Asen (arsenic) là một nguyên tố có tự nhiên ở trong đất; nó cũng có thể đến từ phân bón hóa học. Khi tưới tiêu nhiều, asen ngấm vào mạch nước ngầm.

Hassan Abbas, một nhà địa chất thủy văn ở Punjab, nói:

“Hiện tượng nhiễm độc asen được ghi nhận hoàn toàn trùng khớp với các khu vực canh tác thủy lợi. Chúng tôi đã đầu độc một trong những bể chứa nước ngầm lớn nhất thế giới.”

Pakistan cũng có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở mức cao nhất nhì thế giới – ít nhất một phần ba số trẻ em nước này bị suy dinh dưỡng. Theo Daanish Mustafa, một nhà địa lý người Pakistan của trường King’s College London, tỉ lệ này trong nước lại cao nhất “ở các khu vực có canh tác thủy lợi,” nơi hoạt động sản xuất nông nghiệp ưu tiên các loại hoa màu xuất khẩu thay vì an ninh lương thực địa phương.

PAKISTAN
Tại Karachi, bên bờ biển Ả Rập, một người lái xe đổ đầy thùng nước mui trên xe tải của anh bằng nước lấy từ sông Ấn – ở đây anh làm thế là hợp pháp. Tuy nhiên thị trường chợ đen nở rộ làm nước ngày càng khan hiếm cho người nghèo.

Tất cả những vấn đề này tựu trung là do cách sử dụng nước ở các bình nguyên sông Ấn. Những đập nước và kênh đào làm cho tài nguyên nước trở nên dồi dào và rẻ mạt, đồng thời cũng giữ lại rất nhiều bùn phù sa màu mỡ của dòng sông trong những hồ chứa. Cuộc cách mạng xanh của thập niên 1960 và 1970 đã tạo ra nhiều loại giống cây trồng hoa màu lai tạo đòi hỏi được tưới tiêu nhiều nước hơn nữa, cùng với các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Hệ thống thủy lợi tưới đẫm và tưới tràn cũng đòi hỏi dùng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hơn, vì tình trạng nước ứ đọng là môi trường lý tưởng sinh ra các loại sâu bệnh, và vì nước từ đồng ruộng luôn rửa trôi hóa chất trong phân bón – ngấm vào mạch nước ngầm. Theo Abbas, hậu quả là “giờ đây, chúng tôi phải lấy nước sông nhiều gấp 10 lần số lượng cần thiết.” Nước thì lại đang khan hiếm và bị ô nhiễm ngay tại nơi xưa kia từng rất dồi dào và trong lành.

Cũng giống như nhiều chuyên gia về nước mà tôi từng trò chuyện, Abbas ủng hộ việc cải tổ triệt để hệ thống này. Cả Pakistan và Ấn Độ đều có những truyền thống thu trữ nước từ xa xưa, thích nghi hài hòa với nhịp điệu của dòng sông và những cơn mưa. Những truyền thống ấy đã bị bỏ bê từ thời thực dân Anh. Thay vì thế, cả hai quốc gia đều tập trung vào các dự án kỹ thuật khổng lồ – xây dựng đập, hồ chứa và kênh đào. Cả hai đều có kế hoạch xây thêm những đập mới trong Lưu vực sông Ấn.

Abbas cho rằng biến đổi khí hậu có thể là một điều may mắn cho Pakistan – một động lực để cân nhắc lại hệ thống hiện thời. Nước này có thể chuyển đổi từ các đập thủy điện đắt đỏ sang nguồn năng lượng mặt trời rẻ hơn. Thủy lợi tưới tràn cũng có thể được thay thế bằng thủy lợi nhỏ giọt với các ống dẫn lấy nước từ một mạch ngầm không ô nhiễm ở dưới lòng sông Ấn. Cuối cùng, Pakistan có thể khôi phục các vùng đầm lầy và rừng thành một hành lang dọc theo bờ sông Ấn và các sông nhánh của nó. Các đầm lầy và rừng này cũng sẽ giữ nước, giúp ngăn ngừa thảm họa lặp lại như hồi năm 2010, đồng thời nạp lại nước cho các mạch ngầm. Theo tính toàn của Abbas, các đập và hồ chứa chỉ cung cấp đủ nước cho Pakistan trong vòng 30 ngày trong một cơn hạn hán, trong khi đó chỉ riêng hệ thống mạch ngầm của sông Ấn đã có đủ nước cung ứng đến tận ba năm.

PAKISTAN
Vì nước sông Ấn bị chia dòng quá nhiều cho thủy lợi, ngư dân ở Keti Bandar, vùng ven đồng bằng sông Ấn, phải dong những con thuyền nhỏ của họ ra tận biển Ả Rập để bắt cá. Nhiều gia đình đã chuyển đi khỏi ngôi làng một thời trù phú này.
PAKISTAN
Tại nông trại của mình ở Sindh, Abdul Qadir Palari dùng chàm để nhuộm quần bò. Chàm là một loài cây bản địa chịu hạn tốt – không hút mất nhiều nước sông Ấn như bông vải.

Anh cho rằng việc thu nước mưa và nước sông thậm chí sẽ đủ để nạp đầy cho cả các mạch ngầm bên dưới Karachi, thủ đô thương mại của Pakistan. Nằm ven Vùng Đồng bằng Sông Ấn, Karachi là một trong những thành phố lớn nhất thế giới đang chịu áp lực nặng nề về nguồn cung ứng nước: mười lăm triệu dân đã hút cạn các mạch nước ngầm của thành phố. Hồ Kinjhar, một bể trữ nước thông với sông Ấn nằm cách thành phố 97km, là nguồn nước gần nhất của Karachi.

Khi chảy ra gần tới biển, dòng sông gần như đã không còn tồn tại nữa. Trong một con hẻm ở Goth Ibrahim Haidri, một làng chài gần Karachi, tôi đi ngang một toán phụ nữ mang bình đi lấy nước đang xếp hàng đợi trước một xe bồn. Họ nói họ đã chờ ba ngày. Cảnh tượng này quen thuộc ở các khu dân cư thu nhập thấp quanh đây. Người giàu giành chiếm phần lớn nước từ sông Ấn và các hồ của sông, họ thường mua nước chợ đen. Người nghèo thì phải xếp hàng hoặc chịu mua thứ nước lợ rẻ tiền hơn.

Rất nhiều cư dân ở Goth Ibrahim Haidri là người di cư từ vùng đồng bằng chuyển tới. Nhà cửa của ông cha họ để lại bị hủy hoại từ hai phía. Từ khi con đập Ghulam Muhammad được xây dựng vào năm 1955, sông Ấn chỉ chảy xuống biển với những dòng nước yếu ớt, thất thường. Ngược lại, biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao lên xâm nhập vào dòng sông, khiến nước sông bị nhiễm mặn sâu tận trong đất liền.

PAKISTAN
Người dân sống trong các nhà thuyền trên hồ Manchhar có truyền thống ngụy trang để săn chim. Nhưng giờ đây hồ nước ô nhiễm đã gần như cạn cá, và các loài chim di trú không còn nhiều nữa, cho nên phần lớn người dân cũng đã rời bỏ nơi này. Giờ đây chỉ còn lại không đến 50 trong số vài ngàn nhà thuyền đã từng tọa lạc bên hồ.

Lúc hoàng hôn, tôi đứng bên bờ biển ngắm các con thuyền đánh cá bằng gỗ xinh xắn di chuyển vào cảng. Giống như các xe tải ở Pakistan, những con thuyền này được sơn màu sặc sỡ và trang hoàng bằng hoa và cá. Mohammad Ali Shah, chủ tịch Diễn đàn Ngư dân Pakistan (PFF), lớn lên ở đây và thường bơi ở bãi biển này từ khi ông còn nhỏ. Ông nói bây giờ ông sẽ không cho các cháu của mình bơi ở đây nữa – nước biển bây giờ quá ô nhiễm.

PFF đang vận động thông qua điều luật trao cho sông Ấn một tư cách pháp nhân và có các quyền như của con người. Shah cho tôi xem bản dự thảo. Bản dự thảo này gọi sông Ấn là “một tuyệt tác sinh thái” với “giá trị vượt xa sự hữu dụng của nó đối với con người.” Bản dự thảo cũng chỉ ra rằng, kinh Koran gọi Trái Đất là “một Thánh đường dành cho Allah.” Dự luật đề xuất hạn chế các dự án thủy điện, kiểm soát ô nhiễm, và một ngân sách để phục hồi dòng sông.

Đề xuất quá quyết liệt này khó có thể được thông qua để trở thành luật. Tuy nhiên bên dòng sông Ấn, một điều gì đó quả thật cần được thay đổi; một điều gì đó, giống như là sự tôn kính cổ xưa đối với dòng sông, cần được quay trở lại. Bằng không, nếu dòng sông tiếp tục bị phung phí và những kiểu thời tiết kinh hoàng mới lại xuất hiện để bồi thêm vào khung cảnh hỗn loạn, thì chỉ hình dung thôi, điều ấy cũng đủ làm cho chúng ta kinh hãi.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Khủng hoảng tâm lý con người

SỰ GIẬN DỮ CỦA THẾ HỆ TRẺ KHI PHẢI CHỨNG KIẾN MỘT TƯƠNG LAI KHÔNG CÒN NỮA

Tuần này, chúng tôi sẽ không đăng ảnh hay clip về các cuộc tuần hành xuống đường bãi khóa của giới trẻ thế giới để bảo vệ nền khí hậu Trái Đất, nhưng bằng việc chuyển ngữ clip...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Hiện tượng tăng nhiệt tầng bình lưu

XOÁY CỰC NAM ĐANG LÀM AUSTRALIA NÓNG THÊM

Dưới đây là một đoạn clip ngắn của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nước và Khí quyển của New Zealand (National Institute of Water and Atmospheric Research – NIWA) cho thấy Polar...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic