GIỚI KHOA HỌC DỰ BÁO THẾ GIỚI SẼ CHỨNG KIẾN CÁC VÙNG ĐẦM LẦY XUẤT HIỆN KHI NỀN ĐẤT ĐÓNG BĂNG VĨNH CỬU Ở SIBERIA TAN RÃ. NHƯNG NHỮNG GÌ HỌ KHÁM PHÁ RA CÒN “NGUY HIỂM HƠN NHIỀU”


hanhtinhtitanic
GIỚI KHOA HỌC DỰ BÁO THẾ GIỚI SẼ CHỨNG KIẾN...

Bài do Steven Mufson thực hiện. Steven Mufson phụ trách mảng kinh doanh về biến đổi khí hậu cho tờ The Washington Post. Kể từ khi gia nhập tờ The Post vào năm 1989, ông đã chịu trách nhiệm về các bài viết liên quan đến chính sách kinh tế, Trung Quốc, ngoại giao, năng lượng và Nhà Trắng. Trước đó, ông đã làm việc cho The Wall Street Journal. Năm 2020, ông cùng được trao giải thưởng Pulitzer cho loạt bài về biến đổi khí hậu “2°C: Vượt trên Giới Hạn” (2C:Beyond the Limit).

Nguồn bài viết trên Washington Post:

Scientists expected thawing wetlands in Siberia’s permafrost. What they found is ‘much more dangerous.’

Vào tháng 7/2019, nền đất đóng băng vĩnh cửu, được chứng kiến ở đỉnh vách sụp này, đang tan chảy vào con sông Kolyma, ở bên ngoài vùng Zyryanka, Nga. Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng khí methane không chỉ được giải phóng từ các vùng đầm lầy đang tan rã, mà còn từ các tảng đá vôi bị tan chảy. (Nguồn ảnh: Michael Robinson Chavez/The Washington Post)

Giới khoa học từ lâu đã lo lắng về cái mà nhiều người gọi là “bom methane” – hiện tượng giải phóng khí methane tiềm tàng, có khả năng gây thảm họa từ các vùng đất ngập nước do lớp băng vĩnh cửu ở lãnh nguyên Siberia tan rã.

Nhưng giờ đây, một nghiên cứu của ba chuyên gia địa chất nói rằng, một đợt nắng nóng vào năm 2020 đã vén bức màn về tình trạng gia tăng phát thải một khối lượng khí methane tiềm năng “với số lượng còn cao hơn nhiều lần”, đến từ một nguồn khác: lớp thành phần đá tảng đang tan rã ở vùng đất đóng băng vĩnh cửu tại Bắc Cực.

Sự khác biệt ở đây chính là, các vùng đầm lầy ngập nước đang tan rã có thể giải phóng khí methane “có nguồn gốc vi sinh”, do quá trình phân hủy của đất và các hợp chất hữu cơ, trong khi lớp đá vôi tan rã – còn gọi là đá cacbonate – sẽ giải phóng những chất khí gốc hydrocacbon và hydrat từ các bể/túi chứa ở cả bên dưới và bên trong lớp băng vĩnh cửu, khiến nó “còn nguy hiểm hơn nhiều” so với các nghiên cứu khoa học trước đây đã từng gợi ý.

Ts. Nikolaus Froitzheim, giảng viên tại Viện Khoa học Địa chất của Đại học Bonn (Đức), cho biết ông và hai đồng nghiệp đã sử dụng bản đồ vệ tinh đo nồng độ khí methane ở mức cao, xuất hiện phía trên hai “khu vực kéo dài dễ thấy” của dải đá vôi – là những đường dọc có chiều rộng vài dặm và chiều dài lên tới 375 dặm – nằm ở bán đảo Taymyr và vùng xung quanh miền Bắc lãnh nguyên Siberia.

Bạn có thể đọc bản báo cáo nghiên cứu trên được đăng trên trang Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS), tại:

Methane release from carbonate rock formations in the Siberian permafrost area during and after the 2020 heat wave

Nhiệt độ gần mặt đất trong đợt nắng nóng năm 2020 đã tăng vọt lên 10,8 độ F so với mức trung bình của các năm từ 1979-2000. Nghiên cứu cho biết ở các đường dọc đá vôi kéo dài này, hầu như không có lớp đất nào, và thảm thực vật cũng khan hiếm. Vì vậy, những lớp đá vôi bị nhô lên khỏi mặt đất. Khi các khối đá ấm lên (tăng nhiệt), thì cũng là lúc những vết nứt và bọng chứa mở ra, giải phóng khí methane đang bị mắc kẹt ở bên trong.

Hình ảnh vệ tinh và mật độ khí methane nơi bầu khí quyển trong suốt tháng 5 và tháng 8/2020 của khu vực bán đảo Taymyr, vùng phía Bắc Siberia. Các đường dọc màu xám nhạt trên hình ảnh chụp từ vệ tinh là những khu vực nhô ra khỏi mặt đất của lớp cacbonate cấu thành đá, giáp với lưu vực Yenisey-Khatanga chứa nhiều chất khí gốc hydrocarbon. (Nguồn ảnh: Nikolaus Froitzheim, Dmitry Zastrozhnov và GHGSAT)

Ts. Froitzheim cho biết mật độ khí methane [phía bên trên khu vực này] đã tăng lên khoảng 5% vào thời điểm đó. Các cuộc thử nghiệm chi tiết hơn cho thấy mật độ khí methane vẫn tiếp tục tăng cao cho đến mùa xuân năm 2021, bất chấp sự trở lại của nền nhiệt độ thấp và tuyết rơi trong khu vực. Ông nói:

“Chúng tôi đã chắc chắn về lượng khí methane đang tăng cao ở các khu vực đầm lầy. Nhưng đây không phải là những vùng đất ngập nước, mà các mỏm đá vôi nhô ra. Có rất ít đất ở nơi này. Đó mới thật là một tín hiệu đáng sửng sốt đến từ lớp đá cứng, chứ không phải đất ngập nước”.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, lớp đá gốc cacbonate nhô ra khỏi mặt đất này có niên đại khoảng 541 triệu năm trước, vào Đại Cổ sinh (Paleozoic era).

Ts. Robert Max Holmes, một nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell (Woodwell Climate Research Center), Massachusetts (Mỹ), nói:

“Thật là bất ngờ. Đấy không phải là tin tốt lành nếu điều đó là đúng. Không ai muốn thấy nhiều hiện tượng phản hồi có khả năng kinh khủng như vậy, và đây có thể là một sự kiện có tác động lớn.”

“Những gì chúng ta biết được, với sự tự tin tương đối cao, chính là có một lượng carbon khổng lồ đang bị nhốt trong lớp băng vĩnh cửu. Đó là một con số rất lớn, và khi hành tinh Trái Đất ấm lên, lớp băng vĩnh cửu tan rã, thì những hợp chất hữu cơ cổ xưa ấy là chỗ để cho các loài vi sinh vật tiến hành quá trình phân hủy vi sinh và thải ra nhiều khí CO2 và methane. Nếu có thứ gì đó ở Bắc Cực khiến tôi luôn thức trắng đêm, thì vẫn chính là điều đó.”

Nhưng Ts. Holmes nói rằng bài báo cáo khoa học trên vẫn cần được xem xét bình duyệt thêm.

Các nhà địa chất đã công bố báo cáo này thường xuyên nghiên cứu những thứ, như là ranh giới của các mảng kiến tạo đất đá và cách mà các mảng địa chất đó xếp chồng lên nhau. Nhưng họ đã làm việc ở Bắc Cực và điều đó thu hút sự quan tâm của họ.

Khí methane thoát ra từ các lỗ rò nằm bên dưới đáy hồ Esieh ở Alaska (Mỹ). (Nguồn ảnh: Jonathan Newton/The Washington Post)

Các nguồn phát thải khí methane lớn nhất trên thế giới vẫn là ngành nông nghiệp – chẳng hạn như trồng lúa, các vụ rò rỉ và bùng phát khí thải từ hoạt động khai thác dầu khí – chẳng hạn như ở lưu vực Permian ở bang Texas và New Mexico (Mỹ), nơi mà sản lượng khai thác đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Nhưng Ts. Froitzheim nói rằng ở bên trong lớp băng vĩnh cửu, “câu hỏi chính là: một lượng lớn bao nhiêu loại khí đó sẽ xuất hiện, và chúng tôi không thực sự biết về điều đó.”

Thông thường lớp băng vĩnh cửu có chức năng như một cái nắp bịt kín túi khí methane nằm bên dưới. Nó cũng có thể khóa các dạng ngậm nước hydrates hóa, là những lớp chất rắn kết tinh của nước đóng băng có chứa một lượng lớn khí methane. Nếu bị mất ổn định do áp suất và nhiệt độ bình thường của mực nước biển, các tinh thể khí ngậm nước ở dạng hydrates hóa này có thể bị phá vỡ tức thời, bùng nổ nguy hiểm trong một lúc, khi nhiệt độ môi trường xung quanh tăng lên.

Giới nghiên cứu khoa học cho biết lớp tinh thể khí ngậm nước ở dạng hydrates hóa nằm trong lớp băng vĩnh cửu của Trái Đất chứa khoảng 20 tỷ tấn carbon. Đó là một tỷ lệ nhỏ của tất cả lượng carbon đang bị giam lại trong lớp băng vĩnh cửu, nhưng chính tình trạng ấm lên liên tục của các dạng hydrates hóa này có thể phá vỡ và giải phóng nhanh chóng khí methane từ các mỏm đá.

Ted Schuur, giáo sư sinh thái học tại Đại học Bắc Arizona (Mỹ) cho biết:

“Việc tiếp tục so sánh khí methane trong những năm sắp tới sẽ rất quan trọng để xác định chính xác lượng khí methane từ nguồn địa chất được bổ sung và thải vào bầu khí quyển khi lớp băng vĩnh cửu tan rã. Chúng ta biết rằng sóng nhiệt là có thật, nhưng liệu nó có kích hoạt tình trạng giải phóng khí methane hay không, thì chưa thể xác định được nếu không có thêm dữ liệu về khí methane thu thập qua nhiều năm nữa. “

Bắc Cực cũng đã đang đưa ra nhiều chỉ báo nghiêm trọng khác. Polar Portal, một trang web nơi các tổ chức nghiên cứu Bắc Cực của Đan Mạch trình bày thông tin cập nhật về tình trạng của băng, mới vừa công bố rằng một “sự kiện tan băng lớn tại đảo Greenland trong một ngày” đủ để làm ngập bán đảo Florida dưới 5cm nước.

Các bạn cũng có thể đọc lại TIN BUỒN SỐ 1, cũng với nhiều bài viết của Hành tinh Titanic dự báo về một mức nhiệt tăng đột biến do lượng phát thải methane khổng lồ xuất hiện từ đáy biển Bắc Băng Dương và lớp băng vĩnh cửu Siberia tan rã, tại:

TIN BUỒN SỐ 1

ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU

NỀN NHIỆT SẼ TĂNG 18°C HAY 32,4°F VÀO NĂM 2026?

VAI TRÒ CỦA METHANE TRONG VIỆC KÍCH HOẠT SỰ TĂNG NHIỆT ĐỘT BIẾN NỀN KHÍ HẬU TRÁI ĐẤT

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

THÁNG 3/2018 LÀ THÁNG BA NÓNG NHẤT LẦN THỨ 5 TRONG LỊCH SỬ GHI NHẬN

NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ) vừa công bố tháng 3/2018 là tháng 3 nóng nhất lần thứ năm trong lịch sử theo dõi và ghi nhận khí hậu toàn cầu của con người kể...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

NHỰA ĐƯỜNG TAN CHẢY VÌ NÓNG Ở AUSTRALIA

Nhựa đường (bitumen) trên Xa lộ Oxley gần thị trấn Wauchope, phía Tây Port Macquarie, New South Wales (Australia), đã phải tan chảy vào giữa trưa vì cái nóng 47,8°C. Toàn bộ vùng...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic