2020 LÀ NĂM NÓNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ GHI NHẬN KHÍ TƯỢNG HIỆN ĐẠI, NHƯNG LOÀI NGƯỜI SẼ NHỚ ĐẾN NĂM NÀY NHƯ MỘT TRONG NHỮNG NĂM MÁT NHẤT THẾ KỶ 21


hanhtinhtitanic
2020 LÀ NĂM NÓNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ GHI NHẬN...

Hành tinh Titanic mời các bạn nhìn vào một góc độ khác của cuộc khủng hoảng khí hậu, như trong bài đăng rất thú vị trên trang thông tin GRIST.ORG dưới đây. Vâng, cách chính xác và có trách nhiệm nhất để nhận ra vấn đề chính là nhìn vào tương lai, chứ không phải quá khứ.

2020 was the hottest year on record. We’ll remember it as one of the century’s coldest.

2020 được chính thức xếp vào hạng cao trong một loạt những năm ấm áp nhất của lịch sử nhân loại. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã xếp năm 2020 là năm nóng nhất cho đến hiện nay, chỉ vượt qua năm 2016 một chút. Còn theo hai tổ chức khí tượng theo dõi nền nhiệt toàn cầu khác, là Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA), thì 2020 là năm có nền nhiệt nóng thứ hai trong lịch sử ghi nhận, chỉ kém năm 2016 một chút. Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ Khí tượng của Liên minh Châu Âu (Copernicus) thì tuyên bố cả hai năm 2016 và 2020 đều có mức nhiệt ngang nhau.

Nếu cho rằng thông tin này không có gì đáng ngạc nhiên, thì sẽ là sự đánh giá quá thấp sự thật. Trong một loạt 44 năm liên tiếp cho đến thời điểm hiện tại, nền nhiệt Trái Đất đã nóng hơn mức trung bình của thế kỷ 20. 7 năm được ghi nhận nóng nhất của thế giới đều xảy ra kể từ năm 2014, 10 năm nóng nhất đã diễn ra trong một thập kỷ rưỡi qua.

Mỗi năm qua đi, những cột mốc hoành tráng này về nền nhiệt lại thu hút sự chú ý của công chúng trong một hoặc hai khoảnh khắc, rồi lại nhanh chóng tan biến.

Mệt mỏi với thói quen này, Andrew Dessler, một giáo sư tại phân khoa khoa học địa lý thuộc Đại học Texas A&M, đã tạo ra một mẫu văn tự động phản hồi cho các yêu cầu mà ông nhận được từ giới báo chí, để bình luận về những kỷ lục nền nhiệt này trong mỗi năm. Đoạn văn mẫu đó như sau:

“Xin cảm ơn bạn đã gửi email cho tôi, yêu cầu chia sẻ ý kiến về việc năm 20__ là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận. Sau đây là nhận xét của tôi mà bạn có thể sử dụng cho bài báo của mình: ‘Mỗi năm trong phần còn lại của cuộc đời bạn sẽ là một trong những năm nóng nhất phá kỷ lục trước đó. Điều này có nghĩa là năm 20__ rốt cuộc sẽ là một trong những năm mát nhất của thế kỷ này. Hãy tận hưởng điều đó khi còn có thể.'”

Dessler không có ý tỏ ra thô lỗ đâu. Ông chỉ đang nói ra một số điều mà giới khoa học đã biết từ cuối thế kỷ 19: Nếu chúng ta thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, nền khí hậu của hành tinh sẽ ấm lên. Dessler nói với phóng viên của Grist:

“Đấy là nguyên tắc vật lý cơ bản.”

Ông còn nhớ về thời thơ ấu của mình ở Texas vào thập niên 1970 và 80 – là hai thập kỷ mát nhất ở Texas trong vòng 150 năm qua – khi mẹ của ông luôn miệng phàn nàn về thời tiết nóng nực.

Giờ đây, khi nhìn lại dữ liệu nền nhiệt hiện nay ở bang này, Dessler cho biết những mùa hè lúc đó ở Texas không hề nóng tí nào cả. Ông nói:

“Trong 30 năm qua, đó là cách mà chúng ta nhìn từ ngày hôm nay. Wow, chúng ta sắp đi đến tương lai, và tôi thà ở năm 2020 hơn là phải đối mặt với những gì sắp xảy ra vào năm 2050, vì nền nhiệt của 2050 sẽ thật sự nóng khi so sánh với ngày hôm nay.”

Với tiến trình tăng nhiệt hiện nay – +0,18°C (0,32°F) mỗi thập kỷ kể từ năm 1981, và đang gia tăng nhanh hơn nữa – chúng ta sẽ càng có lý do để chắc chắn rằng từ đây cho đến năm 2050 và hơn nữa, có thể du di cộng trừ một vài năm vì khí hậu biến thiên, mỗi năm sẽ là một kỷ lục mới về nền nhiệt.

Emma Frances Bloomfield, phó giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Nevada, Las Vegas, Mỹ, cho biết việc công bố mỗi năm là một kỷ lục mới về nhiệt độ đều phục vụ cho một mục đích. Bà nói với kênh thông tin Grist:

“Điều đó củng cố khả năng của chúng tôi để khẳng định về biến đổi khí hậu. Nó cung cấp cho chúng tôi một khám phá hoặc thông tin mới để bắt đầu những cuộc thảo luận lớn hơn. Nó cũng gợi lên cái mà chúng ta gọi trong giao tiếp khoa học là khía cạnh ‘kỳ diệu’, có nghĩa là đấy là một cái gì đó thú vị, độc đáo, chưa từng xảy ra trước đây.”

Gs. Bloomfield cho biết khi so sánh hiện tại, hoặc những gì xảy ra gần đây nhất, với quá khứ, thì điều đó không có tác dụng “kích hoạt tâm thế sẵn sàng hành động của mọi người”. Nhưng nhìn về tương lai thì có thể. Bà cho biết việc gọi 2020 là năm “mát nhất” của thế kỷ này “hầu như làm cho chúng ta định vị được một góc độ hoàn toàn khác của câu chuyện, rằng không phải đang nói về thời điểm chúng ta hiện đang cảm nhận, mà là hành tinh này sẽ đi đến đâu, loài người sẽ ra sao?”

Sẽ không có đáp án 100% chắc chắn cho câu hỏi trên – điều đó còn tùy thuộc vào lựa chọn trong kỳ hạn sớm nhất của các chính phủ – nhưng rõ ràng là trong thời gian ấy, chúng ta vẫn đang đi đến xu hướng này. Tôi hỏi Dessler liệu có bao giờ nhiệt độ bề mặt toàn cầu, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, có thể quay trở lại mức như hiện tại được hay không.

Ông trả lời, với kiểu tạm thời trấn an tôi:

“Vâng, tôi tin tưởng trong tương lai, điều đó có thể xảy ra tại một số thời điểm. Khó mà nói trước được. Có thể trong 100.000 năm nữa, mà cũng có thể 200.000 năm nữa. Và có thể, nếu chúng ta rất may mắn, thì chỉ 1.000 năm nữa thôi.”

Hỡi các bạn dấu yêu ơi, hãy yên tâm. Hãy cứ tận hưởng khí hậu mát mẻ chừng nào còn có thể được.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

NỀN NHIỆT TẠI LHASA CHẠM MỨC 46.0°C

Dự báo nền nhiệt tại Lhasa (Chengguan) ở Bình nguyên Tây Tạng (Tibet) sẽ chạm mức 46.0°C lúc 13:00 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 22/6/2019. Xin lưu ý rằng, dự báo về nhiệt độ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
TUYỆT CHỦNG

THẢM HỌA KHÍ HẬU LÀ ĐÂY

Hành tinh Trái Đất đã trở nên không thể sống được nữa. Liệu các chính phủ có hành động để ngăn chặn thảm họa này ngày càng trở nên tồi tệ hơn hay không? Mức độ thảm khốc và sự hỗn...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic