VỀ QUÊ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH

Chắc các bạn còn nhớ status này của tôi, với 4 nguyên tắc để các quốc gia – chính phủ có thể chuẩn bị cho một đại dịch có thể xảy ra – ngay trong đợt dịch nCoV lần này hoặc trong tương lai gần:

4 nguyên tắc đó bao gồm:

Nguyên tắc số 1: Cần phải cách li và phong tỏa người dân để tránh dịch lan ra, giữ cho xác suất lây nhiễm R0 luôn dưới 1.0.

Nguyên tắc số 2: Cần phải giữ cho nền kinh tế luôn tồn tại, ít nhất ở mức cung ứng đủ các điều kiện căn bản nhất giúp quốc gia sống sót (gạo, đường, muối, nước sạch, không khí sạch, quần áo đủ ấm, các thực phẩm và thuốc chữa trị triệu chứng khác…)

Nguyên tắc số 3: Cần phải giữ cho tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh đừng gây quá tải sức chịu đựng của hệ thống y tế và bệnh viện tại mỗi địa phương.

Nguyên tắc số 4: Đó là sự đùm bọc tương thân tương ái giữa người dân với nhau. Không có điều đó, người dân dễ hoảng loạn, “đạp nhau” để kiếm đường thoát cho riêng mình hay gia đình mình.

Tôi tạm bỏ nguyên tắc số 4, không nhắc đến nó ở đây, vì điều đó còn tùy thuộc vào văn hóa cộng đồng, trình độ giáo dục, và tinh thần đoàn kết quốc gia – mà sẽ cần một tiến trình rất lâu dài mới xây dựng và hình thành được, trong khí đại dịch có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Như vậy, với 3 nguyên tắc trên, chúng ta nên cân nhắc tình huống như sau:

Nếu thực hiện triệt để việc cách li và phong tỏa để ngăn chặn dịch lây lan, thì chắc chắn nền kinh tế sẽ không hoạt động được (vì mọi người đều bị ngăn cách với hệ thống kinh tế-sản xuất, không đi làm, không đi học…) để nuôi sống dân số hiện có. Nhưng nếu muốn tiếp tục nuôi sống dân số thì phải làm việc, hoạt động xã hội tối thiểu, và do đó không thể cách li và phong tỏa được một cách dứt khoát, đem đến kết quả là bệnh dịch tiếp tục lan ra và nhấn chìm hệ thống bệnh viện với các ca nhiễm, khiến nhiều người chết hơn. Nguyên tắc số 1 mâu thuẫn với nguyên tắc số 2 ở chỗ này, và dẫn đến hệ lụy ở nguyên tắc số 3. Vậy phải làm sao? Tôi đề xuất ba chính sách như sau:

1. Đối với một xã hội không lún sâu quá nhiều vào nền công nghiệp sản xuất hàng loạt, không phụ thuộc quá sâu trong hệ thống kinh tế hiện đại và các nguồn cung ứng điều kiện sống căn bản – như nước uống, thực phẩm, máy móc điều hòa nhiệt độ, không khí… – thì người dân nên rút ra khỏi các siêu đô thị, trở về quê và vùng nông thôn để sinh sống, phân tán và thực hiện trồng trọt, nuôi gia súc (gà, vịt, ngan…) để tự cung tự cấp, tránh đi chợ, siêu thị đông đúc, tránh tụ họp đông người.

Ở quê và các khu vực nông thôn, mật độ hộ dân trên diện tích sinh hoạt cũng thưa dần đi, nên dễ kiểm soát dịch hơn. Đó là điều kiện lý tưởng để chặn dịch và cách li an toàn, lại không bị cắt mất nguồn sống như ở siêu đô thị. Ngược lại, các siêu đô thị lại là điều kiện lý tưởng để virus lan truyền nhanh chóng qua tiếp xúc dân cư gần gũi, điều kiện sống gắn chặt với nhau (ở phòng máy lạnh, đi thang máy, dùng phương tiện công cộng, ở chung cư, đi siêu thị…)

Cho đến nay, tôi dám bảo đảm rằng không có quốc gia nào, kể cả Mỹ và Trung Quốc, có thể tập trung nguồn lực vào một chỗ để cung ứng thực phẩm, khẩu trang, trang thiết bị y tế và đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của các siêu đô thị và vùng đông đúc dân cư. Các siêu đô thị, vùng lãnh thổ và quốc gia chỉ có nền công nghiệp và thương mại mà không có diện tích trồng trọt – chăn nuôi gặp rủi ro rất lớn khi đại dịch lan nhanh không thể kiểm soát được, cắt đứt mọi nguồn cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm của họ như Singapore, Hong Kong, Arab Saudi, Các Tiểu Vương quốc Arab, Kuwait… Khi cả thế giới khủng hoảng, thì nhà nào cũng cháy và nước nào cũng phải tự lo cho nước đó. Lúc ấy, tiền chỉ là miếng giấy lộn vô giá trị, không hơn không kém.

Ngoài ra, khi phân tán nguồn lực thì dễ cứu trợ khi có một thảm họa về an ninh lương thực xảy ra cho một vùng nhất định. Chính quyền quốc gia và địa phương có thể điều phối và thành lập một lực lượng luân chuyển nguồn lực giữa các vùng khi vấn đề thiếu hụt xảy ra nghiêm trọng, như thiên tai cùng xảy ra với dịch bệnh.

2. Khi rải dân về các khu vực nông thôn xa cách, thì chúng ta sẽ gặp vấn đề về cấp cứu và chữa trị khi có ca lây nhiễm trong nội bộ phân vùng đó. Vì vậy, chính phủ các quốc gia cần phải có một đội y tế lưu động, chuyên trách di chuyển đến các điểm nóng để chữa trị và dập tắt dịch càng sớm càng tốt. Như vậy hệ thống thông tin kết nối giữa các vùng dân cư và tản cư nông thôn là rất quan trọng, cộng với bộ máy địa phương làm việc phải hiệu quả và không được quan liêu, lười biếng.

Nhưng người dân dưới quê lại dễ nhận thức vấn đề nguy hiểm khi có ca bệnh xuất hiện, làng xóm dễ loan truyền tin bằng miệng và nhiều hình thức dân gian khác. Ngoài ra, chúng ta có thể tổ chức các tổ y tế tự quản, sử dụng mọi biện pháp dân gian để chữa trị và chặn dịch – trong tình huống không thể tiếp cận với bên ngoài được. Điều đó cũng ít nhất làm giảm tốc độ lây nhiễm và không đem đến nhiều rủi ro cho cả quốc gia.

3. Khi rải dân về các vùng nông thôn và quê, thì chúng ta cũng sẽ tách ra khỏi hệ thống kinh tế hiện đại. Đó là một điều tốt. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xa xỉ cũng giảm bớt. Nhu cầu năng lượng cũng giảm bớt. Ô nhiễm khói bụi cũng giảm bớt. Căng thẳng ở các trung tâm thương mại cũng giảm bớt. Nguồn lực được chia bớt cho mọi vùng trên toàn quốc gia. Chỉ có điều là chúng ta không thu được nguồn ngoại tệ để làm giàu, không học hành được như trước, không đi mua sắm như trước, không học thói sống công nghiệp như trước mà thôi. Nhưng các điều đó thì có nghĩa lý gì, khi mà trong tương lai, sẽ có nhiều cuộc khủng hoảng khác xảy ra, bên cạnh dịch bệnh? Tôi nghĩ cái được nhiều hơn cái mất nếu thực hiện chính sách này ngay từ bây giờ.

Thật ra, trong tương lai khủng hoảng, lương thực thực phẩm, nước uống, không khí sạch, cây cối lại quan trọng hơn một lon nước ngọt, một bịch giấy chùi đít, một chiếc smartphone, một căn nhà biệt thự… Nếu chúng ta làm được nông nghiệp bền vững, sạch và an toàn trên diện rộng để tự nuôi sống dân của mình, thậm chí còn đủ để bán cho nước ngoài, thì chúng ta vẫn có thể sống sót được. Nếu chúng ta vẫn giữ được những tán rừng và dòng sông cung ứng nguồn nước, thì chúng ta vẫn an toàn hơn các quốc gia đang bán mình cho hệ thống kinh tế tư bản hiện đại.

Đã đến lúc phải thay đổi. Đã đến lúc phải suy nghĩ về tầm nhìn trước dự báo khủng hoảng. Đã đến lúc phải có những chính sách thích hợp với kỷ nguyên mới. Chúng ta đã góp sức xô đổ hệ sinh thái, thì bây giờ chúng ta phải tập sống thích nghi và sửa chữa lỗi lầm. Trận dịch CoronaVirus lần này có thể là một cơ hội để loài người nhận ra điều đó. Và tôi hy vọng người Việt Nam hiểu được vấn đề này càng sớm càng tốt – vì tôi cũng là một người Việt Nam, sống tại quê hương này, và muốn mọi sự tốt đẹp hơn.

Cuối cùng, đó là lý do vì sao tôi vẫn khuyên mọi bạn đọc trên Hành tinh Titanic nên về quê sinh sống. Đó là xu hướng của tương lai – không thể khác hơn được. Đừng sai lầm mà ủng hộ hệ thống kinh tế tư bản nữa.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Dịch bệnh

CHUYÊN GIA DỊCH TỄ HỌC: CÁC VACCINE CHỐNG COVID HIỆN NAY CÓ THỂ KHÔNG CÒN HIỆU LỰC TRONG NĂM SAU

Ông nói: “Đôi khi chúng tìm thấy một môi trường hẹp khiến biến thể virus trở nên phù hợp hơn so với những dòng trước đó. Những biến thể may mắn này có khả năng lây truyền...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Quốc gia Khủng hoảng

MADE IN CHINA

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng nghe kể những câu chuyện kinh hoàng về nạn làm giả thực phẩm ở Trung Quốc, nhưng vấn đề này còn xảy ra trên phạm vi rộng hơn sự thật của các...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic