KHÁM PHÁ MỚI VỀ CÁC LOẠI DÒNG TIA KHÍ QUYỂN CÓ THỂ HỦY HOẠI NGUỒN CUNG THỰC PHẨM TOÀN CẦU


hanhtinhtitanic
KHÁM PHÁ MỚI VỀ CÁC LOẠI DÒNG TIA KHÍ QUYỂN...

Ngày 9/12/2019 vừa qua, Ts. Kai Kornhuber (thuộc Học viện Nghiên cứu Trái Đất của Đại học Columbia) và các cộng sự đã công bố một báo cáo khoa học trên Tạp chí Nature Climate Change, trong đó thu thập dữ liệu về khí hậu từ năm 1979 đến 2018 và xác định được hai khuôn mẫu dao động gợn sóng (còn gọi là Rossby waves) của các dòng tia khí quyển ở Bán Cầu Bắc, được đánh số wave-5 và wave-7, sẽ có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với sản lượng mùa vụ của các quốc gia thuộc bán cầu này.

Cần phải giải thích thêm rằng, dòng tia khí quyển là một dòng luân chuyển khối khí rất nhanh và liên tục từ Tây sang Đông, bao quanh Bắc Bán Cầu. Nói chung, nó tự giới hạn trong một phạm vi tương đối hẹp, nhưng có thể dao động theo hướng Nam hoặc Bắc, được gọi là “những gợn sóng Rossby”. Các dao động khí quyển này có thể kéo khối khí lạnh từ vùng cực xuống, hoặc đẩy khối khí nóng từ vùng cận xích đạo lên, vào trong những khu vực thuộc vĩ độ giữa xích đạo và vùng cực của Bắc Bán Cầu (từ 23°26’22” Bắc đến 66°33’39” Bắc). Các dao động này ảnh hưởng mạnh mẽ đến khí hậu hàng ngày của các quốc gia nằm trong phạm vi tác động. Khi chúng dao động mạnh về biên độ, thì có thể tạo ra những cơn sóng nhiệt kéo dài, hạn hán hoặc lũ lụt trong mùa hè, hoặc đem đến các đợt lạnh bất thường.

Trong nghiên cứu trên, Ts. Kai Kornhuber thấy rằng, trong khi các độ dài ngắn hơn hoặc dài hơn của sóng dao động Dòng Tia dường như xảy ra ngẫu nhiên, thì mẫu wave-5 và wave-7 có thể tuân theo một hệ đối xứng, thường uốn lượn tập trung trên những khu vực có thể dự đoán được. Mẫu wave-5 có khuynh hướng dao động trên khu vực trung tâm của lục địa Bắc Mỹ, Đông Âu và Đông Á, trong khi mẫu wave-7 dao động trên khu vực phía Tây vùng trung tâm của Bắc Mỹ, Tây Âu và Tây Á. Trong cả hai trường hợp, chúng đều tạo ra cùng một hiệu ứng: khối khí nóng bị cuốn lên từ phía Nam vào đỉnh sóng, gây ra các đợt tăng nhiệt bất thường có thể kéo dài hàng tuần lễ. Do đó, hiện tượng này sẽ làm giảm lượng mưa, khiến mặt đất và cây cối khô hạn, tàn phá các vụ mùa nông sản ở nhiều vùng.

Mô phỏng sóng Rossby loại wave-7
Mô phỏng sóng Rossby loại wave-5

Bình thường thì, việc mất mùa ở một nơi nào đó sẽ được bù lại bằng vụ mùa bội thu ở một nơi khác. Thế nhưng, điều tệ hại đang xảy ra chính là, khi nền nhiệt toàn cầu ngày càng nóng hơn do hiệu ứng nhà kính từ khí thải công nghiệp, những mẫu sóng của Dòng Tia này có thể tàn phá vụ mùa ở nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm tại Bán Cầu Bắc cùng một lúc, làm giảm sản lượng thu hoạch lương thực trên toàn cầu (vì diện tích đất nông nghiệp của loài người ở bán cầu này nhiều hơn), và đe dọa an ninh lương thực của con người.

Ts. Kai Kornhuber nói: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng gấp 20 lần về mối rủi ro sẽ xảy ra các cơn sóng nhiệt xuất hiện đồng thời ở nhiều vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Cho đến hiện nay, chúng ta vẫn chưa ước lượng được đủ tầm thiệt hại đối với hệ thống lương thực thực phẩm. Khi điều này xảy ra, thì cơ cấu toàn cầu sẽ thực sự rơi vào tình trạng khá hỗn loạn. Tiếng chuông báo động có thể reo lên tại nhiều vùng cùng một lúc.”

Các nhà khoa học thu được bằng chứng cho thấy, những năm có sự xuất hiện tăng cường của những mẫu sóng Dòng Tia này trong nhiều tuần lễ, thì sản lượng ngũ cốc bị giảm đi trung bình 4% đối với tất cả các khu vực bị ảnh hưởng, và đến 11% đối với khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp. Giá cả lương thực thường tăng vọt sau đó. Những đợt sóng dao động xảy ra vào năm 1983, 2003, 2006, 2012 và 2018 đã phá đổ nhiều kỷ lục ghi nhận về nền nhiệt ở Mỹ, Canada, bán đảo Scandinavia và lãnh nguyên Siberia. Ngoài việc tàn phá vụ mùa, các đợt sóng cũng giết chết hàng nghìn người, đặc biệt ở Châu Âu và Nga, là những nơi có số lượng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ ít thông dụng hơn Bắc Mỹ.

Dù nghiên cứu trên chủ yếu tập trung vào hiệu ứng gây tăng nhiệt của các đỉnh sóng Rossby ở phía Bắc, nó cũng bao hàm cả những hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra ở chỗ lõm sóng phía Nam. Một nghiên cứu khác trước đây của Ts. Kornhuber và nhiều nhà khoa học khác cho biết trong suốt các đợt sóng nhiệt xảy ra ở phía Bắc vào năm 2018, thì các khu vực phía Nam bao gồm bán đảo Balkans và Nhật Bản đã chứng kiến lượng mưa gia tăng đột biến và sự tàn phá của lũ lụt và lở đất. Tương tự, trong một đợt tăng nhiệt đột ngột ở phía Bắc tại Nga trong năm 2010, thì đồng thời xảy ra lũ lụt trên sông Ấn tại Pakistan khiến hàng triệu người phải di tản và vụ mùa bị tàn phá nặng nề.

Cho đến hiện nay, rất nhiều chuyên gia khoa học khí tượng tin rằng các đợt sóng Rossby sẽ tăng cường về biên độ, tần số và cường độ nhiều hơn khi hành tinh ấm lên. Ts. Kornhuber nói rằng viễn cảnh đó dường như đúng – đặc biệt cho hầu hết các sự kiện đã xảy ra trên toàn cầu kể từ năm 2000 – nhưng ông còn cho biết hiện vẫn chưa đủ dữ kiện để kết luận chính xác điều này. Nhưng trên hết mọi thứ, ông khẳng định: “Cho dù nếu tần số hay phạm vi của các đợt sóng [Rossby] không thay đổi, thì cường độ cực đoan của mức nhiệt có liên quan đến khuôn mẫu khí tượng này vẫn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, vì toàn bộ bầu khí quyển đã đang nóng lên rồi.”

– Bình luận của Hành tinh Titanic:

Chắc chắn các quốc gia ở Bắc Bán Cầu nằm trong dải vĩ độ từ 23° Bắc đến 66° Bắc sẽ nếm mùi rối loạn thời tiết và bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt sóng Rossby gây ra, và đó là Trung Quốc, Bắc Ấn Độ, Pakistan, miền Nam nước Nga, toàn bộ nước Mỹ, miền Nam Canada, khu vực Trung Đông, toàn bộ Châu Âu.

Rất tốt. Điều đó là rất tốt, vì chính các quốc gia nêu tên ở trên cũng là những kẻ xả thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, tàn phá nền khí hậu và đẩy toàn bộ hệ sinh thái hành tinh này vào vực thẳm của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ nhất. Các vụ mùa nông sản ở miền Trung Tây của Mỹ bị phá hủy, dịch bệnh gây ra đợt cúm heo Châu Phi tiêu diệt phần lớn đàn gia súc của Trung Quốc, chỉ là những dấu hiệu ban đầu. Và khi cơn đói ập đến, những con người hiện đang nắm quyền điều khiển WallStreet và nhiều trung tâm tài chính khác như New York, London, Paris, Dubai, Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải sẽ hiểu rằng, họ không ăn được tiền.

Và có lẽ ở Nam Bắn Cầu, hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra với Australia và Brazil. Vâng, luật NHÂN – QUẢ đang xảy ra rất nhanh đấy.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Hệ thống Tư bản Tài chính

BẢN THỎA THUẬN GÂY RỐI LOẠN DÂN CHÚNG

Sau clip số 1 – NHỮNG GÌ MÀ TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ EXXON ĐÃ BIẾT TỪ THẬP NIÊN 1970, trong loạt tư liệu về những gì mà các tập đoàn dầu khí đã biết cách đây 60 năm, liên quan đến...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Siêu bão/Lốc xoáy

SIÊU BÃO TẠI VIỆT NAM VÀ BANGLADESH

Đây là hình chụp dự báo khí tượng trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á lúc 7 giờ sáng (giờ Việt Nam), ngày 8/11/2019, tại độ cao khí quyển 1000hPa trên earth.nullschool.net. Hai cơn...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic