GS. CHOMSKY: HÃY TẬP TRUNG VÀO NGĂN CHẶN CHIẾN TRANH HẠT NHÂN THAY VÌ CHỈ BÀN TÁN VỀ “CHIẾN TRANH CHÍNH NGHĨA”


hanhtinhtitanic
GS. CHOMSKY: HÃY TẬP TRUNG VÀO NGĂN CHẶN...

Gs. Noam Chomsky được công nhận trên tầm mức quốc tế là một trong những cây đại thụ trí thức quan trọng nhất hiện còn sống. Tầm vóc trí tuệ của ông đã được so sánh với Galileo, Newton và Descartes, vì công trình của ông đã có ảnh hưởng to lớn đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và học thuật, bao gồm ngôn ngữ học, luận lý học và toán học, khoa học điện toán, tâm lý học, nghiên cứu truyền thông, triết học, chính trị và quan hệ quốc tế. Ông là tác giả của khoảng 150 cuốn sách và được trao nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải Hòa bình Sydney (Sydney Peace Prize) và Giải thưởng Kyoto (giải thưởng của Nhật Bản có giá trị tương đương với Giải Nobel), và hàng chục bằng tiến sĩ danh dự của các trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Chomsky hiện là Giáo sư Học viện Danh dự tại Đại học MIT và Giáo sư từng nhận Huân chương tại Đại học Arizona (Hoa Kỳ).

Dưới đây là chi tiết cuộc phỏng vấn về đề tài này, do Ts. C.J. Polychroniou thực hiện, được đăng trên Truthout.org.

Ts. C.J. Polychroniou là một nhà khoa học về chính trị / kinh tế chính trị học, là tác giả và nhà báo đã giảng dạy và làm việc tại nhiều trường đại học cũng như trung tâm nghiên cứu ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện tại, các mối quan tâm nghiên cứu chính của ông là về chính trị Hoa Kỳ và nền kinh tế chính trị của Hoa Kỳ, vấn đề hội nhập kinh tế Châu Âu, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và kinh tế học môi trường, cũng như việc giải mã cấu trúc dự án kinh tế – chính trị của chủ nghĩa tân tự do. Ông là người thường xuyên đóng góp cho trang viết Truthout, cũng như là thành viên của Dự án Trí tuệ Công cộng của Truthout (Truthout’s Public Intellectual Project). Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách và hơn 1.000 bài viết trên nhiều tuần báo, tạp chí, báo chí và các trang web tin tức nổi tiếng. Nhiều ấn phẩm của ông đã được dịch sang vô số ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Croatia, Hà Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italia, Nhật, Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Những cuốn sách mới nhất của ông bao gồm cuốn Optimism Over DespairNoam Chomsky On Capitalism, Empire, and Social Change (Lạc quan trên nỗi Tuyệt vọng: Quan điểm của Noam Chomsky Về Chủ nghĩa Tư bản, Đế quốc và Cải tổ Xã hội – xuất bản năm 2017); Climate Crisis and the Global Green New DealThe Political Economy of Saving the Planet  (Khủng hoảng Khí hậu và Chính sách Kinh tế Xanh Mới Toàn cầu: Nền Kinh tế Chính trị Cứu rỗi Hành tinh, với Noam Chomsky và Robert Pollin là tác giả chính, xuất bản năm 2020); The PrecipiceNeoliberalism, the Pandemic, and the Urgent Need for Radical Change (Vách đá chắn đường: Chủ nghĩa Tân tự do, Đại dịch, và Nhu cầu Khẩn cấp Cần Thay đổi Triệt để (là tuyển tập các cuộc phỏng vấn với Gs. Noam Chomsky, xuất bản năm 2021); và Economics and the LeftInterviews with Progressive Economists (Kinh tế học và Cánh tả: Phỏng vấn các Nhà kinh tế học Tiến bộ – xuất bản năm 2021).

Một chiếc xe phóng pháo của quân đội Ukraine trên một con đường ở Kyiv, Ukraine, vào ngày 24 tháng 3 năm 2022.
NGUỒN ẢNH: FADEL SENNA / AFP THÔNG QUA GETTY IMAGES

Giới lãnh đạo NATO thông báo hôm thứ Tư (23/3/2022) rằng liên minh có kế hoạch củng cố mặt trận phía đông của mình bằng cách triển khai thêm nhiều binh sĩ ở các quốc gia như Bulgaria, Hungary, Ba Lan và Slovakia – bao gồm hàng nghìn lính Mỹ – và gửi “thiết bị để giúp Ukraine tự bảo vệ mình chống lại các mối đe dọa hóa chất, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.” Và trong khi bản thân liên minh NATO không trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhiều nước thành viên của khối này đang đổ vũ khí vào Ukraine, bao gồm tên lửa, rocket, súng máy, v.v.

Trong mọi khả năng, vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng quân đội của ông sẽ kiểm soát Ukraine chỉ trong vòng vài ngày, khi ông ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược vào quốc gia láng giềng sau một thời gian dài tập trung quân ở biên giới Ukraine.

Tuy nhiên, sau một tháng, cuộc chiến vẫn đang diễn ra ác liệt, và một số thành phố của Ukraine đã bị tàn phá bởi các cuộc không kích của Nga. Những cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ, và không rõ liệu Putin vẫn muốn lật đổ chính phủ này hay thay vào đó là nhắm đến một Ukraine “trung lập”.

Trong cuộc phỏng vấn tiếp theo, học giả nổi tiếng thế giới và có tiếng nói bất đồng chính kiến ​​hàng đầu Noam Chomsky sẽ chia sẻ suy nghĩ và hiểu biết của mình về các lựa chọn có sẵn để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, đồng thời cân nhắc nêu ra ý tưởng về cuộc chiến tranh “chính nghĩa” và liệu cuộc chiến ở Ukraine có thể có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Putin hay không.

C.J. Polychroniou: Thưa Gs. Noam, chúng ta đã có một tháng diễn ra cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc đàm phán hòa bình đã bị đình trệ. Trên thực tế, Putin đang tăng cường mức bạo lực khi phương Tây tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông đã so sánh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine với cuộc xâm lược của Đức Quốc xã vào Ba Lan. Vậy chiến lược của Putin sau đó có nằm ngoài sách vở của Hitler hay không? Ông ta có muốn chiếm toàn bộ Ukraine hay không? Ông ta có đang cố gắng xây dựng lại đế chế Nga? Đây có phải là lý do khiến các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ?

Gs. Noam Chomsky: Có rất ít thông tin đáng tin cậy về các cuộc đàm phán. Một số thông tin rò rỉ nghe có vẻ khá lạc quan. Có lý do chính đáng để giả định rằng nếu Hoa Kỳ đồng ý tham gia một cách nghiêm túc, với một chương trình mang tính xây dựng, thì khả năng chấm dứt sự kinh hoàng [của cuộc chiến] sẽ dễ đạt được hơn.

Một chương trình mang tính xây dựng sẽ như thế nào, ít nhất về mặt tổng thể, thì không có gì là bí mật cả. Yếu tố quan trọng chính là cam kết trung lập đối với Ukraine: không có tư cách thành viên trong một liên minh quân sự thù địch, không sở hữu vũ khí nhằm vào Nga (ngay cả những vũ khí được cố ý gọi nhầm là “phòng thủ”), không diễn tập quân sự với các lực lượng quân sự thù địch.

Điều đó khó có thể là một cái gì đó mới trong các vấn đề của thế giới, ngay cả khi không có gì mang tính chính thức tồn tại. Mọi người đều hiểu rằng Mexico không thể tham gia một liên minh quân sự do Trung Quốc điều khiển, vận chuyển vũ khí của Trung Quốc nhằm vào Mỹ và thực hiện các cuộc diễn tập quân sự với Quân Giải phóng Nhân dân.

Tóm lại, một chương trình mang tính xây dựng sẽ trái ngược với Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ-Ukraine được Nhà Trắng ký vào ngày 1 tháng 9 năm 2021. Văn bản này, vốn ít được chú ý, đã mạnh mẽ tuyên bố rằng cánh cửa để Ukraine gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đã rộng mở. Nó cũng “hoàn thiện Khung Phòng thủ Chiến lược (Strategic Defense Framework) tạo nền tảng cho việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh chiến lược Mỹ-Ukraine” bằng cách cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng tiên tiến và các loại vũ khí khác cùng với “một chương trình huấn luyện và tập trận mạnh mẽ phù hợp với tình trạng của Ukraine với tư cách là Đối tác Cơ hội Nâng cao của NATO (NATO Enhanced Opportunities Partner).”

Tuyên bố này là một bài thử nghiệm mang cả mục đích khác nữa là để chọc vào mắt con gấu. Đó là một đóng góp khác cho quá trình mà NATO (có nghĩa là Washington) đã và đang hoàn thiện kể từ khi Bill Clinton năm 1998 vi phạm cam kết chắc chắn của George H.W. Bush không mở rộng NATO sang phía Đông, một quyết định đã nhận được cảnh báo mạnh mẽ từ các nhà ngoại giao cấp cao như George Kennan, Henry Kissinger, Jack Matlock, (Giám đốc CIA hiện tại) William Burns, và rất nhiều người khác, và khiến Bộ trưởng Quốc phòng William Perry gần như từ chức để phản đối, còn thêm một danh sách dài những người khác đang nhận thức ra vấn đề. Tất nhiên, đó là chưa nhắc đến những hành động gây hấn đánh thẳng vào mối quan tâm của Nga (như Serbia, Iraq, Libya và những tội ác ít ghê gớm hơn), được tiến hành theo cách nhằm tối đa hóa sự sỉ nhục.

Không có gì là quá ngây thơ khi nghi ngờ rằng tuyên bố chung là một yếu tố khiến Putin và nhóm “cận thần cứng rắn” xung quanh ông quyết định tăng cường huy động lực lượng hàng năm của họ ở biên giới Ukraine nhằm nỗ lực thu được một số chú ý đến những lo ngại về an ninh của họ, trong trường hợp này là trực tiếp hướng đến vấn đề tội ác xâm lược – mà thực tế là, chúng ta có thể so sánh với cuộc xâm lược Ba Lan của Đức Quốc xã (kết hợp với Stalin).

Trung lập hóa Ukraine là yếu tố chính của một chương trình mang tính xây dựng, nhưng chuyện đó còn phải cần nhiều hơn thế. Cần phải có những động thái hướng tới một số kiểu dàn xếp liên bang đối với Ukraine, bao gồm mức độ tự trị dành cho khu vực Donbass, theo đường lối chung của những gì còn lại của thỏa thuận Minsk II. Một lần nữa, chuyện đó sẽ không có gì mới mẻ trong việc xử lý các vấn đề của thế giới. Không có hai trường hợp nào giống hệt nhau và không có ví dụ thực tế nào gần như hoàn hảo, nhưng các cấu trúc liên bang đang tồn tại ở Thụy Sĩ và Bỉ, chính là những trường hợp khác đó – thậm chí ở một mức độ nào đó, Hoa Kỳ là một ví dụ. Những nỗ lực ngoại giao nghiêm túc có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề này, hoặc ít nhất là kiềm chế ngọn lửa bốc lên.

Tuyên bố Chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ-Ukraine được Nhà Trắng ký vào ngày 1 tháng 9 năm 2021…. Tuyên bố này là một bài thử nghiệm mang cả mục đích khác nữa là để chọc vào mắt con gấu.

Và những ngọn lửa này là có thật. Ước tính khoảng 15.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở khu vực này kể từ năm 2014.

Đó là chưa kể mối nguy hiểm ở Crimea nữa. Ở Crimea, phương Tây có hai sự lựa chọn. Một là thừa nhận rằng việc sáp nhập vào Nga chỉ đơn giản là một thực tế của cuộc sống cho đến lúc này, không thể thay đổi được nữa nếu không muốn hứng chịu những hành động hủy diệt Ukraine và có thể hơn thế nữa. Hai là bỏ qua những hậu quả có thể xảy đến và đưa ra những động thái anh hùng về việc Mỹ “sẽ không bao giờ công nhận ý định sáp nhập Crimea của Nga” như tuyên bố chung đã khẳng định, kèm theo nhiều tiếng nói hùng hồn của những người sẵn sàng ký gửi Ukraine vào thảm họa kinh khủng nhất trong lúc quảng bá lòng dũng cảm của họ.

Dù muốn hay không, đấy là những lựa chọn.

Putin có muốn “chiếm toàn bộ Ukraine và xây dựng lại đế chế Nga hay không?” Các mục tiêu đã được công bố (chủ yếu là vô hiệu hóa Ukraine) của ông ta khá khác nhau, bao gồm cả tuyên bố rằng sẽ thật điên rồ nếu cố gắng tái tạo lại Liên bang Xô viết cũ, nhưng ông ta có thể đã nghĩ đến điều này rồi. Nếu thế, thật khó để tưởng tượng những điều ông ta và nhóm cận thần xung quanh ông ta vẫn còn đang thực hiện. Để Nga chiếm được Ukraine sẽ khiến trải nghiệm của họ ở Afghanistan giống như một cuộc dã ngoại nơi công viên. Bây giờ điều đó đã rõ ràng hơn nhiều rồi.

Putin thực sự có năng lực quân sự – và theo đánh giá của người Chechnya và những kẻ bạo ngược khác, ông ta còn có năng lực đạo đức để biến Ukraine thành đống đổ nát âm ỉ. Điều đó có nghĩa là không có sự chiếm đóng, không có đế chế Nga và không còn Putin nữa đâu.

Đôi mắt của chúng ta đang tập trung đúng vào sự khủng khiếp ngày càng gia tăng của cuộc xâm lược vào Ukraine của Putin. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu quên rằng bản tuyên bố chung [giữa hoa Kỳ và Ukraine] chỉ là một trong những điều khoái lạc mà tâm hồn đế quốc đang âm thầm phù phép nên.

Cách đây vài tuần, chúng ta đã thảo luận về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (National Defense Authorization Act) của Tổng thống Biden, thứ còn ít được biết đến giống như bản tuyên bố chung kia. Tài liệu xuất sắc này – một lần nữa trích dẫn lời của Michael Klare – “đủ đáng lo ngại” khi kêu gọi [thành lập] “một chuỗi liên kết không thể phá vỡ của các quốc gia do Mỹ trang bị vũ khí và có nhiệm vụ canh gác [an ninh] – trải dài từ Nhật Bản và Hàn Quốc ở khu vực Bắc Thái Bình Dương đến Australia, Philippines, Thái Lan và Singapore ở phía Nam và Ấn Độ ở phía Đông ngay bên cạnh sườn Trung Quốc”- nghĩa là bao vây Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan.

Chúng ta có thể thắc mắc là Trung Quốc sẽ cảm thấy thế nào với thực tế là Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ hiện được cho là đang có kế hoạch tăng cường bao vây, tăng gấp đôi chi tiêu của nước này trong năm tài chính 2022, một phần để phát triển “một mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc theo thứ được gọi là chuỗi đảo [phòng thủ] thứ nhất.”

Tất nhiên, vì mục đích quốc phòng, mà do đó [chính phủ] Trung Quốc không có lý do gì để phải lo lắng cả.

Có rất ít sự nghi ngờ rằng hành động gây hấn của Putin đối với Ukraine thất bại trong việc viện dẫn lý thuyết chiến tranh chính nghĩa, và rằng NATO cũng phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức đối với cuộc khủng hoảng này. Nhưng còn về việc Ukraine trang bị vũ khí cho dân thường để chống lại quân xâm lược thì sao? Không phải điều này được biện minh về mặt đạo đức dựa trên cơ sở rằng cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa quốc xã là chính đáng về mặt đạo đức sao?

Đáng tiếc là, lý thuyết chiến tranh chính nghĩa dường như chỉ mang tính xác đáng với thế giới thực, [dưới các hình thức] kiểu như “can thiệp nhân đạo”, “trách nhiệm bảo hộ” hay “bảo vệ nền dân chủ”.

Nhìn bề ngoài, đấy có vẻ như một lẽ hiển nhiên ảo tưởng rằng, một dân tộc được trang bị vũ khí có quyền tự vệ trước một kẻ xâm lược tàn bạo. Nhưng như [chúng ta thường chứng kiến] trong thế giới đáng buồn này, những câu hỏi [sâu sắc hơn] sẽ nảy sinh khi chúng ta chịu suy nghĩ về nó một chút.

Chúng ta phải đặt câu hỏi rằng chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nào đối với một cuộc chiến tranh hạt nhân, thứ không chỉ sẽ báo hiệu sự kết thúc của Ukraine mà còn xa hơn nữa, chạm đến mức độ [chúng ta] thực sự không thể tưởng tượng nổi.

Kháng chiến chống lại chủ nghĩa phát xít. Khó có thể có một lý do nào cao cả hơn.

Người ta chắc chắn có thể hiểu và thông cảm với động cơ của Herschel Grynszpan khi ông ta ám sát một nhà ngoại giao Đức vào năm 1938; hay những người theo đảng phái do người Anh đào tạo đã ám sát tên sát nhân Reinhard Heydrich của Đức Quốc xã vào tháng 5 năm 1942. Và người ta có thể khâm phục lòng dũng cảm và niềm đam mê công lý của họ mà không cần thẩm định năng lực.

Tuy nhiên, đó chưa phải là sự kết thúc. Sự kiện đầu tiên [ở trên] đã khiến Đức Quốc xã có cái cớ tiến hành những hành động tàn bạo ở Kristallnacht và thúc đẩy chương trình của Đức Quốc xã tiến xa hơn đến những hậu quả ghê tởm của nó. Sự kiện thứ hai dẫn đến vụ thảm sát Lidice gây chấn động dư luận.

Sự kiện luôn đem đến hậu quả. Những người vô tội phải chịu đau khổ, có lẽ rất khủng khiếp. Những ai có đạo đức trong xương tủy không thể tránh né được các câu hỏi như vậy. Không thể không đặt ra các câu hỏi này khi chúng ta cân nhắc xem liệu có nên và làm thế nào để trang bị cho những con người can đảm chống lại sự hung hãn giết người.

Đó là điều tối thiểu. Trong trường hợp hiện tại, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi rằng chúng ta có sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nào đối với một cuộc chiến tranh hạt nhân, thứ sẽ không chỉ báo hiệu sự kết thúc của Ukraine mà còn xa hơn nữa, chạm đến mức độ [chúng ta] thực sự không thể tưởng tượng nổi.

Không có gì đáng khích lệ khi hơn một phần ba người Mỹ ủng hộ “hành động quân sự [ở Ukraine] ngay cả khi nó có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân với Nga”, có lẽ được truyền cảm hứng bởi các nhà bình luận và giới lãnh đạo chính trị, những người nên suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện hành động mạo danh Winston Churchill của họ.

Có lẽ có thể tìm ra những cách cung cấp vũ khí cần thiết cho những người bảo vệ Ukraine để đẩy lùi kẻ xâm lược trong khi tránh được các hậu quả thảm khốc. Nhưng chúng ta không nên tự huyễn hoặc bản thân rằng đó là một vấn đề đơn giản, [có thể] được giải quyết bằng những tuyên bố táo bạo.

Ông có đoán trước được những diễn biến chính trị kịch tính bên trong nước Nga nếu cuộc chiến kéo dài lâu hơn nữa hoặc nếu người Ukraine kháng cự ngay cả sau khi các trận chiến chính thức đã kết thúc? Xét cho cùng, nền kinh tế Nga đã đang bị bao vây và có thể dẫn đến một sự sụp đổ kinh tế chưa từng có trong lịch sử gần đây.

Tôi không biết đủ về nước Nga, để thậm chí có thể mạo hiểm phỏng đoán. Có một người, ít nhất cũng đủ thông tin để “suy đoán” – và chỉ với điều đó, như ông ấy nhắc nhở chúng ta – chính là Anatol Lieven, với những hiểu biết sâu sắc đã [đưa ra nhiều] hướng dẫn rất hữu ích trong suốt thời gian qua. Ông coi “những diễn biến chính trị kịch tính” là rất khó xảy ra vì bản chất của chế độ bất lương hà khắc mà Putin đã cẩn thận xây dựng. Trong số các phỏng đoán lạc quan hơn, “kịch bản có khả năng xảy ra nhất”, Lieven viết, “là một dạng bán đảo chính, mà hầu hết chuyện đó sẽ không bao giờ trở nên quá rõ ràng trước công chúng, trong đó Putin và các cộng sự trực tiếp với ông sẽ từ chức ‘tự nguyện’ để đổi lại, được đảm bảo về quyền miễn trừ cá nhân của họ khỏi bị bắt bớ và [giữ vững] sự giàu có của gia đình họ. Ai sẽ nắm quyền tổng thống trong những trường hợp này vẫn là một câu hỏi hoàn toàn để ngỏ.”

Và đấy không nhất thiết là một câu hỏi dễ chịu khi cân nhắc.

HÀNH TINH TITANIC

là một kênh thông tin phi lợi nhuận và độc lập. Chúng tôi không nhận đăng tin quảng cáo hoặc bất cứ nguồn tài trợ nào từ các chính phủ hay tập đoàn kinh tế, để giữ vững quan điểm nói thẳng, nói thật và nói chính xác về cuộc khủng hoảng khí hậu cho Cộng đồng dân cư Việt Nam – một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ĐỘT BIẾN KHÍ HẬU. Vì thế, mỗi khoản tiền bạn đọc đóng góp cho chúng tôi đều sẽ giúp bảo vệ và phát triển kênh thông tin duy nhất bằng Tiếng Việt về biến đổi khí hậu này. Xin cảm ơn.

ỦNG HỘ HÀNH TINH TITANIC

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nạn đói & khát

BỘ NÔNG NGHIỆP MỸ HẠ THẤP CON SỐ THỐNG KÊ MẤT MÙA SẢN LƯỢNG SO VỚI THỰC TẾ

Dân Mỹ tố cáo rằng USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã hạ thấp con số thống kê thu hoạch và dự trữ mùa vụ năm 2018 của Hoa Kỳ so với thực tế. Thật ra, sản lượng nông nghiệp năm 2018 tệ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Suy giảm đa dạng sinh học

PHÂN TÍCH CHO THẤY 1/5 SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ SỤP ĐỔ HỆ SINH THÁI

Theo một báo cáo phân tích của Hãng Bảo hiểm Swiss Re, một phần năm số quốc gia trên thế giới đang đứng trước nguy cơ chứng kiến hệ sinh thái sụp đổ vì sự phá hủy môi trường sống...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic