“CỖ MÁY XE LỬA KHÍ HẬU”


hanhtinhtitanic
“CỖ MÁY XE LỬA KHÍ HẬU”

Trên báo điện tử TheGuardian ngày hôm qua (26/12/2017), John Abraham – một giáo sư chuyên ngành nhiệt học, với công trình nghiên cứu theo dõi khí hậu và phát triển kỹ thuật mới của năng lượng tái tạo cho các nước đang phát triển – đã có nhận định rất sinh động về toàn cảnh sự thay đổi nơi các đại đương trong Bản Báo cáo Chương trình Nghiên cứu Sự Biến đổi Toàn cầu của Hoa Kỳ (US Global Change Research Program Report). Tổ chức Hành tinh Titanic xin chuyển dịch và trích đăng lại để các bạn trẻ Việt Nam tìm hiểu thêm về biến đổi khí hậu và những hậu quả:

“Một trong những chương mà tôi quan tâm nhiều nhất chính là về những thay đổi chúng ta quan sát thấy được nơi các đại dương trên toàn thế giới. Đại dương thực sự là chiếc chìa khóa để chúng ta thấu hiểu vấn đề biến đổi khí hậu, cho dù đó là nói về cách mà hiện tượng này đang diễn ra với tốc độ nhanh như thế nào, hay về việc nó sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai. Khi con người thải ra khí nhà kính (đặc biệt là carbon dioxide), thì chúng ta nhận thấy một số thay đổi quan trọng không thể giải thích được một cách tự nhiên.

Các đại dương rất quan trọng vì chúng đóng vai trò như một bộ đệm; nghĩa là, chúng hấp thu hầu hết các hiệu ứng của khí nhà kính. Thật ra, các đại dương hấp thu rất nhiều ô nhiễm carbon của con người. Đây quả thực là một tác nhân trợ giúp chúng ta vì nếu không có đại dương, nền khí hậu Trái Đất sẽ thay đổi nhanh hơn gấp nhiều lần.

Nhưng trong chừng mực nhất định, đại dương cũng đang làm tổn thương chúng ta. Vì khi các đại dương hấp thu quá nhiều khí thải carbon cũng như nhiệt lượng sinh ra như một hậu quả của khí thải, (93% nhiệt lượng cộng thêm), chúng sẽ biến một vấn đề ngắn hạn trở thành có tác động dài hạn. Cũng giống như hộp bánh đà được sử dụng để dự trữ động năng trong một cỗ máy, các đại dương thu giữ nguồn nhiệt năng và hóa năng để rồi sau đó phát tác bản thân chúng ra bên ngoài. Các đại dương cũng ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta. Lượng khí chúng ta thải ra ngày hôm nay sẽ có tác động trong nhiều năm (phần nhiều là vì các đại dương). Chúng ta không thể chỉ đơn giản ngừng phát thải khí nhà kính và cho rằng hành động này có thể chấm dứt vấn đề biến đổi khí hậu ngay lập tức. Chúng ta phải lên kế hoạch cho tương lai. Và quan trọng hơn, chúng ta phải ngừng phát thải CO2 trước khi các hiệu ứng của nó biến thành sự thật.

Tôi có khuynh hướng cho rằng khí hậu Trái Đất giống như một chuyến xe lửa tải nặng. Xe lửa không thể dừng lại ngay lập tức được; các bộ thắng cần phải được bóp để ngăn xe tông vào chướng ngại vật từ khoảng cách rất xa. Đại dương chính là “cỗ máy xe lửa khí hậu” của chúng ta.

Được rồi, vậy bản báo cáo này cho thấy điều gì? Các tác giả đề cập đến 4 khám phá quan trọng. Đầu tiên, như tôi đã đề cập đến, họ thông báo rằng các đại dương đang hấp thu hầu hết nhiệt lượng do khí nhà kính gây ra. Suốt 6 thập kỷ vừa qua, lượng nhiệt tích trữ ở tất cả các tầng đáy của đại dương đều tăng lên. Hiện tượng ấm lên này sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai với khoảng cộng 15 độ C nóng hơn cho đến năm 2100. Khoảng thay đổi nhiệt lượng này nghe có vẻ không lớn lắm, nhưng nó thực sự là một khối nhiệt khổng lồ ở trong môi trường nước. Khi các đại dương ấm lên, mực nước biển sẽ dâng cao (nước nóng luôn có thể tích lớn hơn). Nước ấm cũng sẽ bốc hơi nhanh hơn vào không khí nên bầu khí quyển sẽ trở nên ẩm hơn, gây ra các cơn mưa có lưu lượng lớn và lũ lụt nghiêm trọng.

Hình đồ thị cho thấy những thay đổi về nhiệt độ đại dương (Ocean Heat – OHC) được đo bằng đơn vị Joules (đơn vị năng lượng).

Kết luận thứ hai chính là nhiệt lượng có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng ở các dòng hải lưu. Có một dòng hải lưu chảy bên dưới đại dương rất quan trọng, gọi là AMOC (Atlantic Meridional Overturning Circulation) nằm bên dưới Đại Tây Dương. Đó là dòng chảy đưa nguồn nhiệt từ khu vực nhiệt đới đến Châu Âu. Sau đó, dòng nước sẽ trở nên nguội đi, lạnh hơn, cô đặc rồi chìm xuống tầng đáy, và chảy ngược về lại xích đạo. Ví dụ như, dòng hải lưu này đóng vai trò mang đến khí hậu nóng ẩm cho nước Anh (khi so sánh với các khu vực địa lý khác ở cùng vĩ độ). Bản báo cáo trình bày và phân tích về một hiện tượng tiềm tàng của dòng chảy này bị yếu đi. Nếu dòng hải lưu này bị yếu đi (hoặc ngừng chảy), thì sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt khí hậu cho Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

Kết luận thứ ba trong bản báo cáo chính là các đại dương đang hấp thu rất nhiều khí thải carbon của con người. Chẳng hạn như, các đại dương hiện đang hấp thu hơn một phần tư lượng carbon thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Một hậu quả của vấn đề này là nước biển sẽ tăng tính a-xít. Khí carbon dioxide đang làm thay đổi thành phần hóa học của đại dương.

Cách dễ nhất để hiểu về vấn đề này chính là so sánh với một chai soda. Nếu bạn lắc mạnh chai soda và sau đó mở nắp, nó sẽ phun bọt tung tóe. Hiện tượng này xảy ra là vì soda là nước giải khát có nén khí carbonate vào. Khi chai soda sủi bọt, khí carbon dioxide thoát ra khỏi chất lỏng. Điều mà chúng ta đang làm với các đại dương chính là một quá trình trái ngược. Chúng ta đang nén carbon dioxide vào nước biển nhiều hơn. Qua các phản ứng hóa học khác nhau, khí carbon dioxide làm cho nước biển mang tính a-xít nhiều hơn, ảnh hưởng đến các sinh vật có cấu trúc vỏ vôi sống trong đại dương. Với nhiều sinh vật này – đặc biệt là những sinh vật nằm ở tầng nền của chuỗi thức ăn – nước biển bị a-xít hóa có thể phân hủy vỏ vôi của chúng hoặc làm cho chúng khó hình thành vỏ vôi ở giai đoạn đầu của quá trình sinh trưởng. Điều này khá quan trọng vì toàn bộ chuỗi thức ăn sẽ bị sụp đổ, và rồi các hệ sinh thái biển và xã hội con người sẽ bị ảnh hưởng.

Các dải san hô bị chết trắng xóa tại the Great Barrier Reef, Queensland, Australia. Nguồn ảnh: GREG TORDA/ARC CENTRE CORAL REEF STUDIES HANDOUT/EPA

Kết luận chính cuối cùng là quan sát thấy hiện tượng giảm lượng khí oxy hòa tan trong nước biển. Đặc biệt ở gần các bờ biển, có ít nguyên tử oxy được nước biển hấp thụ hơn. Hiện tượng suy giảm này sẽ tiếp tục xảy ra và chúng ta có thể nhận thấy khoảng 3,5% lượng oxy bị suy giảm.

Bản báo cáo được phát hành miễn phí, và các chương trong đó đều tách biệt từng đề tài khác nhau. Tôi khuyến khích mọi người tải về và dựa trên nguồn tư liệu mới cập nhật này để hiểu hơn vấn đề biến đổi khí hậu.”

Mời các bạn tải về báo cáo này tại:

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Dịch bệnh

SỰ THINH LẶNG ĐÁNG SỢ TRƯỚC KHI CƠN BÃO ẬP ĐẾN

Chắc các bạn còn nhớ Ts. Chris Martenson – một chuyên gia chuyên ngành bệnh lý học, khoa nhiễm độc thần kinh tốt nghiệp từ Đại học Duke (Anh Quốc) – mà tôi đã từng nhắc đến...

Đã đăng ở by Savio
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

THÁNG 5/2019 TRỞ THÀNH THÁNG 5 NÓNG NHẤT ĐỨNG HÀNG THỨ 4 TRONG LỊCH SỬ GHI NHẬN

NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ) vừa xác nhận nền nhiệt trung bình toàn cầu trong tháng 5/2019 vừa qua đã cao hơn 1,53°F so với mức trung bình của thế kỷ 20 là...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic