TAN BĂNG & SỰ SỤP ĐỔ CỦA VIỆT NAM


hanhtinhtitanic
TAN BĂNG & SỰ SỤP ĐỔ CỦA VIỆT NAM

Để biết số phận của Việt Nam gắn liền ra sao với số phận của những khối băng vĩnh cửu nằm ở những vùng đất xa xôi tận hai cực của Trái Đất, chúng tôi mời các bạn nên đọc hết status khá dài và chi tiết này. Chúng tôi không thể và không có thói quen trình bày một vấn đề phức tạp và mang tính hệ thống của nền khí hậu và hệ thống địa – khí hậu Trái Đất bằng những tin rút ngắn thường thấy trên báo chí truyền thông hiện đại, cắt đi nhiều cơ hội mà các bạn có thể học hỏi và hiểu rõ về chính số phận và định mệnh của mỗi người dân Việt Nam trong tương lai chỉ một thế hệ sắp tới.

Vậy xin mời các bạn cố gắng đọc đến dòng cuối của status “dài dòng, nhưng quan trọng” này nhé:

Một nghiên cứu khoa học toàn diện về băng tan ở đảo Greenland (Bắc Cực) vừa được xuất bản trên tạp chí Nature vào ngày 5/12/2018 cho biết hiện tượng nước biển dâng có thể xảy ra nhanh hơn và sớm hơn so với dự báo trước đây.

Biển băng dọc theo bờ duyên hải Greenland trong năm nay. Nguồn ảnh: Joe MacGregor/NASA IceBridge

Đó là vì tốc độ tan rã của khối băng khổng lồ phía Bắc nằm trên đất liền này – hiện là nguồn cung ứng lớn nhất và duy nhất lượng nước băng tan vào các đại dương trên thế giới – đã tăng 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp như một hậu quả của việc xả thải khí nhà kính của con người.

Phó Giáo sư Luke Trusel của Đại học Rowan (New Jersey, Hoa Kỳ) – người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Băng ở Greenland đang tan ra nhanh hơn trong nhiều thập kỷ gần đây, khi so sánh với bất cứ lúc nào cách đây 4 thế kỷ, và có lẽ hơn cả bất cứ thời điểm nào trong 7.000 hoặc 8.000 trước đây.”

“Chúng tôi chứng minh được rằng, băng ở Greenland đang khá nhạy cảm với nền khí hậu nóng ấm so với quá khứ – nó có phản ứng phi tuyến tính (cực đoan, bất ngờ) do hiện tượng phản hồi tích cực tồn tại trong một hệ khí hậu đóng toàn cầu.”

Greenland hiện đang góp vào 20% mực nước biển dâng trên toàn cầu, nghĩa là 4mm nước dâng cao hơn mỗi năm. Tốc độ này sẽ tăng gấp đôi vào cuối thế kỷ này – theo IPCC (Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc). Đấy chỉ là những con số khá bảo thủ và còn thay đổi, vì nhiều nghiên cứu mới đang công bố rằng thực ra, băng tan nhanh hơn từ bên trong lòng của nó, tạo ra các hố nước khổng lồ qua các lỗ rò (y hệt như kiểu chúng ta tưới nước ấm lên một cục nước đá và thấy nó tan vào bên trong lòng qua nhiều lỗ mọt bị xói mòn bởi ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt cục bộ).

Và nếu tất cả băng ở Greenland tan ra, mực nước biển trên toàn cầu sẽ được nâng lên 7 mét. Vấn đề là khi nào nó sẽ tan nhiều, tan nhanh, vỡ ra và còn phân rã nhanh hơn nữa? Đấy là đặc tính phi tuyến tính, không thể dự báo được của một hệ khí hậu và sinh thái bị tác động một lượng nhiệt và năng lượng thêm vào.

Gs. Ts. Michiel van den Broeke thuộc Đại học Utrecht (Hà Lan), đồng tác giả của nghiên cứu trên, còn lo lắng: “Ở một số điểm, mực nước biển sẽ dâng rất nhanh khiến chúng ta không thể thích ứng kịp, vì thế, chúng tôi thực sự kêu gọi cắt giảm khí thải công nghiệp để tránh tình huống xấu nhất này. Tôi nghĩ đây là một trong những tiếng kêu gọi hãy thức tỉnh trong nhiều thập niên gần đây. Vấn đề này rõ ràng có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra làm cho mực nước biển dâng cao.”

Ông Trusel còn chia sẻ: “Về mặt cá nhân, tôi thực sự lo lắng khi chứng kiến điều này – cùng với một loạt các bằng chứng khoa học khác cho thấy chúng ta đang bước vào thời đại của những sự kiện chưa từng có tiền lệ và hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Băng đá không có nghị trình chính trị – dù là nó đông lại hay tan ra. Hiện nay, nó tan ra là do con người làm cho hành tinh nóng lên. Các tảng băng luôn có điểm tới hạn, và việc chúng tác động nhanh chóng như thế nào đến cuộc sống sinh tồn của chúng ta qua mực nước biển dâng sẽ phụ thuộc vào điều chúng ta đang làm ngày hôm nay và trong tương lai gần.”

Nhiều giới khoa học hàn lâm khác, không tham gia vào bản báo cáo này, cho biết kết quả nghiên cứu mới là một sự xác nhận quan trọng cho điều mà các nhà khoa học đã từng nghi ngờ từ lâu: rằng hiện tượng băng tan đang gia tăng là một điềm gở bất bình thường.

Ông Edward Hanna, giáo sư chuyên về khoa học khí hậu và khí tượng học của Đại học Lincoln, nói: “Khối băng ở Greenland giống như một gã khổng lồ đang say ngủ, dần dần nhưng chắc chắn tỉnh giấc vì hiện tượng nóng lên toàn cầu, và sẽ gây ra nhiều sự kinh ngạc về cách mà nó thức dậy. Tuy nhiên, phản ứng này có thể xảy ra nhanh hơn so với suy nghĩ trước đây.”

Đó là về Greenland – một phần của Bắc Cực và khá quan trọng vì băng ở đây nằm trên đất liền, khi tan ra sẽ góp nhiều nước hơn và làm cho mực nước biển dâng cao ngay lập tức. Với vùng biển Cực Bắc, nơi băng nằm trên nước, thì tỷ khối của băng đã được bù vào phần nổi của nó ở trong nước, nên tình hình sẽ bớt căng thẳng hơn.

Một hẻm băng chứa nước băng tan ở trong lòng một khối băng ở Greenland. Nguồn ảnh: Sarah Das/Học viện Hải dương học Woods Hole/PA

Tuy nhiên, một báo cáo mới của chính NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ) mang tựa đề “Arctic Report Card” cho thấy nền nhiệt ấm hơn ở Bắc Cực đang đẩy khu vực này thành một “vùng lãnh thổ chưa được thăm dò” (vì băng tan mở ra nhiều khoảng trống bên dưới) và gia tăng tác động lên nền lục địa của chính nước Mỹ.

Bà tiến sĩ Emily Osborne, một viên chức của NOAA, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến tình trạng ấm lên liên tục trên khắp hệ thống Bắc Cực.”

Bản báo cáo công bố nền nhiệt của Bắc Cực đã nóng hơn trong suốt 5 năm qua, hơn bất cứ thời điểm nào được ghi nhận trong lịch sử, kể từ năm 1900, và nhiệt độ của khu vực này đã tăng gấp đôi so với phần còn lại của hành tinh. Năm 2018, nền nhiệt khí quyển ở Bắc Cực sẽ được xem là cao thứ hai trong lịch sử ghi nhận, chỉ sau năm 2016.

Bà Osborne còn công bố trong cuộc gặp với Hiệp hội Địa chất Vật lý Mỹ (American Geophysical Union) ở Washington, rằng: “Năm 2018, khối khí nóng và nhiệt độ đại dương tiếp tục gây ra sự thay đổi trong phạm vi rộng lớn và trong thời gian dài hạn trên khắp vùng cực, đẩy Bắc Cực tan ra thành một vùng lãnh thổ mới.”

Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ khí quyển tăng lên gây ra nhiều hiệu ứng sâu sắc cho biển băng tại đây, cho sự sống trên đất liền và trong đại dương. Những tác động đó có thể cảm nhận được ngay cả ở những nơi không thuộc vùng cực, đặc biệt là kể từ khi khí hậu ở Bắc Cực thay đổi đã ảnh hưởng đến các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp thế giới.

Khí quyển Bắc Cực ấm hơn sẽ làm cho các dòng tia (luồng gió) vùng cận cực trở nên “chậm lại và có dạng gợn sóng bất thường”. Và điều đó có thể liên quan đến những sự kiện khí hậu cực đoan đang xảy ra ở khắp mọi nơi trên Trái Đất, bao gồm cả các cơn bão tuyết khắc nghiệt ở Mỹ và tình trạng lạnh cực độ ở Châu Âu được biết dưới cái tên “Beast From the East” (Con Quái vật từ phương Đông).

Thông thường, các dòng tia vùng cận cực đóng vai trò như một loại dây thòng lọng bao bọc xung quanh và giữ cho khối khí lạnh luôn ở gần vùng cực; khi dòng tia này yếu đi và bị uốn lượn, nó cho phép các khối khí lạnh của Bắc Cực di chuyển về phía Nam trong mùa đông, và còn có thể ngăn chặn sự hoạt động các hệ thống thời tiết trong mùa hạ, tạo ra thêm nhiều hiệu ứng phụ khác.

Ts. Osborne còn cho biết: “Bờ Đông của nước Mỹ là nơi mà một phần của dòng tia này tràn xuống. Bạn sẽ chứng kiến mức nhiệt độ của bầu khí quyển Bắc Cực đột biến gia tăng ở các vĩ độ thấp hơn và gây ra nhiều cơn bão tuyết kinh hoàng trong mùa đông.”

Và theo chiều phản ứng ngược lại, vùng cực phía bắc lại gia tăng nhiệt độ nhanh chóng, gọi là quá trình khuếch đại Bắc Cực (Arctic Amplification), có mối liên hệ với rất nhiều yếu tố, bao gồm sự thật đơn giản rằng, tuyết và băng có khả năng phản chiếu lại tia nắng mặt trời, nhưng khi chúng tan ra, để lộ vùng nước mở bên dưới, có màu tối hơn, thì khu vực này sẽ dễ hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Khi biển băng tan ra, băng ít tồn tại hơn và nhiều vùng nước mở ra sẽ tạo thành một “vòng lặp phản hồi” để càng làm tan băng hơn, dẫn đến ít băng tạo thành hơn và nhiều vùng nước mở xuất hiện thêm.

Rõ ràng là sự dao động và tính đồng nhất của các dòng tia – giống như một loại đai bảo vệ vùng cực Bắc đã kém bền vững hơn, và không khí nóng từ xích đạo được đưa về hai cực, đặc biệt là Cực Bắc của Trái Đất, qua các cơn siêu bão, đã xâm nhập vào bản thân dòng tia và ngay cả chui vào khu vực bên trong của “chiếc tủ lạnh” Bắc Cực này, hâm nóng nó dần dần, làm tan băng và từ đó kích hoạt tiến trình của “vòng lặp hồi phản hồi” gây tan băng liên tục và vĩnh viễn – tùy theo lượng nhiệt đến từ vùng nóng xích đạo. Để dễ hình dung, dòng tia của vùng cận cực cũng gần giống với các làn khói lạnh bao quanh một cục nước đá. Nó bảo vệ độ lạnh bên trong cục nước đá, và sẽ bốc ra bên ngoài bề mặt của nước đá theo dạng gợn sóng nếu có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ môi trường xung quanh.

Bà Susan M. Natali, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu Bắc Cực thuộc Trung tâm khoa học Woods Hole ở Massachusetts (Hoa Kỳ), người không góp mặt vào báo cáo trên, nhưng tỏ ra buồn khi nhận xét rằng bản báo cáo này lại là một lời cảnh cáo khác không nhận được nhiều sự chú ý. Bà nói: “Mỗi lần bạn trông thấy một bản báo cáo khoa học, thì mọi chuyện đều tệ đi, và người ta vẫn không có bất cứ hành động nào cả. Bản báo cáo bổ sung thêm chứng cứ cho thấy các thay đổi đang diễn ra, và chúng có thể quan sát thấy được.”

Dưới đây là một số khám phá khoa học trong báo cáo khoa học này, được công bố bởi 81 nhà nghiên cứu ở 12 quốc gia, bao gồm:

1. Vào tháng 3/2018, phạm vi phát triển tối đa của biển băng trong mùa đông ở Bắc Cực là ít nhất thứ hai trong lịch sử ghi nhận 39 năm gần đây.

2. Khối băng tồn tại năm này qua năm khác, hình thành nhiều lớp dày đang biến mất khỏi Bắc Cực. Điều này rất quan trọng vì khối băng cũ với độ tuổi lớn có khuynh hướng chống lại quá trình tan rã; nếu không có loại băng này, tiến trình tan băng sẽ được đẩy nhanh. Năm nay,, băng có độ tuổi lớn chỉ chiếm ít hơn 1% tỷ khối băng ở Bắc Cực, và đấy là một sự suy giảm đến 95% trong vòng 33 năm qua.

3. Ts. Donald K. Perovich, một chuyên gia về biển băng thuộc Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ), người góp phần vào bản báo cáo, cho biết “câu chuyện gây shock” về băng trong năm nay nằm ở Biển Bering, ngoài khơi miền Tây Alaska, nơi phạm vi hình thành băng chạm mốc kỷ lục thấp nhất, thậm chí không có băng trong cả mùa đông. Suốt cả hai tuần trong tháng 2/2018, là thời điểm biển băng thường gia tăng phát triển nhanh chóng, thì Biển Bering đã mất hẳn một diện tích băng bằng với kích thước của bang Idaho (Hoa Kỳ).

4. Việc thiếu băng và sự gia tăng nhiệt độ xảy ra đồng thời cùng với hiện tượng bành trướng nhanh chóng của các chủng loài tảo ở Bắc Băng Dương, trong đó có loài tảo nở hoa có thể đầu độc sinh vật biển và con người ăn hải sản nhiễm độc từ loại tảo này. Sự di cư về phía Bắc của loài tảo này “có nghĩa là Bắc Cực hiện đang dễ tổn thương bởi các chủng loài sinh vật mới xâm lấn vào hệ sinh thái và cộng đồng sinh vật địa phương, mà trước đây chúng chưa bao giờ phải đối mặt với hiện tượng này.”

5. Số lượng tuần lộc và hươu vùng cực đã suy giảm 56% trong vòng hai thập kỷ qua, giảm còn 2,1 triệu con từ con số ban đầu là 4,7 triệu con. Các nhà khoa học đang theo dõi 22 bầy tuần lộc và phát hiện ra rằng 2 nhóm trong số đó đạt số lượng quần thể đỉnh điểm mà không bị suy giảm, nhưng 5 nhóm đã suy giảm 90% về số lượng “và không có bất cứ dấu hiệu nào về sự hồi phục quần thể.”

6. Các mảnh vụn rác nhựa đại dương, được hấp thụ bởi sinh vật biển, đang xuất hiện nhiều hơn ở vùng cực của hành tinh. Bản báo cáo cho biết “mật độ rác nhựa ở các khu vực xa xôi nơi Bắc Băng Dương cao hơn tất cả những lưu vực đại dương khác trên thế giới.” Vi mảnh nhựa đang trôi nổi đầy trên biển Bắc Cực. Giới khoa học đã tìm thấy những mẫu vật chứa chất cellulose acetate, được dùng để làm đầu lọc thuốc lá, và các hạt nhựa có mặt trong nắp bình nước khoáng và vật liệu đóng gói.

Được biết, bản báo cáo được công bố với tư cách đại biểu tham dự từ gần 200 quốc gia trong cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu ở Ba Lan để bắt đầu vòng mới nhất của các phiên thảo luận nhiều vấn đề phát sinh từ Hiệp định Paris, bản thỏa thuận quan trọng về khí hậu nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Ông Trump đã thề sẽ rút Mỹ ra khỏi bản thỏa thuận này. Tại các phiên thảo luận, Hoa Kỳ cùng với Arab Saudi, Kuwait và Nga đã từ chối thông qua một báo cáo quan trọng đối với toàn thể hội nghị về các hậu quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xảy ra trên toàn thế giới.

Tại buổi họp báo để công bố các khám phá mới trong bản báo cáo về Bắc Cực vào hôm thứ Ba 11/12/2018, Tim Gallaudet, một viên đô đốc nghỉ hưu của hải quân Hoa Kỳ đang nắm quyền điều hành NOAA, được hỏi liệu ông này hay bất cứ viên chức cấp cao nào của NOAA có từng tóm lược nội dung bản báo cáo này cho Tổng thống Trump về biến đổi khí hậu hay những thay đổi ở Bắc Cực hay không.

Ông ta đã nói: “Câu trả lời đơn giản là không”. Vâng, đơn giản là chính quyền Trump chẳng quan tâm gì đến điều đang xảy ra ở Bắc Cực. Việc chính quyền này giao quyền điều hành một tổ chức khoa học chuyên nghiên cứu và dự báo khí hậu, khí quyển và đại dương toàn cầu cho một ông tướng quân sự về hưu là đủ để biết các nhà khoa học tại đây đang bị bóp mồm bóp miệng như thế nào.

Ngoài ra, chính Mỹ, Nga và nhiều quốc gia Châu Âu nằm gần vùng Cực Bắc đều có tham vọng dòm ngó kho nhiên liệu hóa thạch nằm bên dưới các lớp băng của Bắc Cực. Họ sẽ thích nó tan ra nhanh hơn.

Và những gì xảy ra ở Bắc Cực, thì cũng đang diễn ra ở Nam Cực.

Giới khoa học thế giới vừa khám phá ra một nhóm các sông băng có chiều dài trên 1/8 vùng duyên hải khu vực phía Đông Nam Cực đang bị tan ra vì nhiệt độ nước biển ấm hơn thường lệ.

Dải băng vĩnh cửu Totten, khu vực phía Đông của lục địa Nam Cực. Nguồn ảnh: Esmee van Wijk/Nhóm Nghiên cứu Nam Cực của Australia

Và khu vực Nam Cực này đang tồn tại một lượng lớn băng vĩnh cửu, mà nếu tan ra, sẽ nâng mực nước biển trên toàn cầu lên 10 mét trong dài hạn, cũng như nhấn chìm tất cả mọi công trình dân cư ven biển trên thế giới.

Bờ phía Đông của lục địa Nam Cực luôn có nhiệt độ âm cực độ, dưới cả mức đóng băng, và được xem là khá ổn định, cho đến khi các nghiên cứu gần đây chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực này đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Người ta thấy dải băng vĩnh cửu khổng lồ Totten đang bị co lại, nhưng các phân tích mới đây cho biết các dải băng vĩnh cửu khác gần đó ở khu vực phía Đông của Nam Cực cũng đang thất thoát băng.

Ở phía Đông của dải băng Totten, ở Vịnh Vincennes, chiều cao của các dải băng vĩnh cửu đã suy giảm tổng cộng khoảng 3 mét kể từ năm 2008, trước thời điểm chưa có ghi nhận nào về sự suy giảm này.

Ở phía Tây của Totten, ở vùng Wilkes Land, tỷ lệ suy giảm độ cao của băng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009, với độ hụt khoảng 2,5 mét cho đến hiện tại.

Các dữ liệu này được đưa ra từ nhiều bản đồ chi tiết về tốc độ di chuyển và chiều cao của băng vĩnh cửu được vệ tinh của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) cung cấp.

Ts. Alex Gardner, một nhà chuyên nghiên cứu về băng vĩnh cửu thuộc phòng thí nghiệm động cơ phản lực học của NASA ở Pasadena, bang California, cho biết: “Sự thay đổi này dường như không ngẫu nhiên, mà trông có vẻ mang tính hệ thống. Hiện tượng này có vẻ tương tự như các ảnh hưởng của đại dương bên dưới đang tác động khủng khiếp đến bờ Tây của Nam Cực. Giờ đây, chúng ta có thể đang khám phá ra mối liên hệ rõ ràng về việc đại dương bắt đầu tác động đến khu vực phía Đông của Nam Cực.”

Trong khi đó, băng ở Bờ Tây của lục địa Nam Cực đã suy giảm nghiêm trọng trong các bản báo cáo của giới khoa học về tốc độ tan băng tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây, nghĩa là khu vực này đang biến mất nhanh hơn bất cứ ghi nhận nào trước đây trong lịch sử.

Vào tháng 4/2018, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều bằng chứng về hiện tượng tan băng bên dưới bề mặt đại dương cũng đang gia tăng nhanh chóng, đặt Nam Cực vào cùng một cuộc đua với Greenland, thậm chí còn qua mặt cả Greenland, để góp phần vào việc nâng mực nước biển toàn cầu lên cao hơn trong tương lai gần.

Nếu con người không cắt giảm phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính, hiện tượng tan băng sẽ không thể dừng lại được và tiếp diễn trong hàng nghìn năm nữa.

Khu vực phía Đông của Nam Cực đặc biệt xa xôi khắc nghiệt và có rất ít nghiên cứu được thực hiện ở đây. Những gì xảy ra ở các dải băng vĩnh cửu sẽ tùy thuộc vào mức độ chúng tiếp xúc với dòng nước ấm của đại dương, và còn tùy thuộc vào địa hình đất ở bên dưới chúng và lòng biển ở phía trước chúng.

Ts. Gardner nói: “Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến các dải băng này. Chúng ta cần thực hiện các bản đồ chi tiết hơn về địa hình và độ sâu lòng biển tại đây. Chỉ nhờ các bản đồ này, chúng ta mới có thể đánh giá toàn diện hơn là liệu các dải băng vĩnh cửu này sắp bước vào giai đoạn tan rã hay vẫn còn ổn định.”

Và theo ông Chris Fogwill, một giáo sư thuộc Đại học Keele (Anh Quốc), người không tham gia vào nghiên cứu này của NASA, thì khám phá này có nghĩa là mực nước biển sẽ dâng cao hơn so với dự báo. Ông nói: “Kết quả nghiên cứu cho thấy các hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là mực nước biển dâng. Có khả năng rằng các kịch bản của chúng ta về mực nước biển dâng có thể còn cao hơn những gì chúng ta đang chuẩn bị.”

Nhận xét của #hanhtinhtitanic:

Đến bây giờ, ngay cả giới khoa học thế giới vẫn chưa biết chắc chắn về các hiện tượng băng tan và mực nước biển dâng. Họ vẫn đang học hỏi và nghiên cứu những bài học mới về cách mà thiên nhiên phản ứng trong một kỷ nguyên hoàn toàn khác trước do biến đổi khí hậu gây ra. Họ đưa ra các kịch bản tùy theo mức phát thải và nền nhiệt toàn cầu tăng như thế nào. Nhưng có hai điều chắc chắn rằng:

(1) Donald Trump và Tập Cận Bình vẫn đang cạnh tranh với nhau khốc liệt về mặt kinh tế, và mức phát thải khí nhà kính phục vụ cho nền công nghiệp của nhiều nước tư bản gốc và tư bản đỏ vẫn sẽ không giảm đi, mà sẽ còn tăng thêm. Loài người chắc chắn đối mặt với một nền nhiệt tăng +2°C hoặc thậm chí +3°C trong 100 năm sắp tới.

(2) Các khám phá khoa học về băng tan hiện nay đều cho thấy các bằng chứng về gia tăng tốc độ và số lượng tan rã của băng, thậm chí từ bên trong lòng hoặc bên dưới khối băng, hoàn toàn rất khó khăn để theo dõi và nhận định tình hình. Thiên nhiên đang giấu đi tiến trình kích hoạt hàng loạt yếu tố tiêu diệt loài người một cách rất tinh tế và khôn khéo. Và con người thì điềm nhiên xả thải, kinh doanh và làm giàu cho bản thân – vì họ ích kỷ, tham lam và ngu dốt.

Số phận của băng và tuyết ở hai vùng Cực của Trái Đất cũng chính là số phận của Việt Nam – một quốc gia có tỷ lệ phần trăm đường bờ biển dài nhất so với diện tích đất liền. Giới khoa học đang nói đến các con số 7 mét hoặc 10 mét nước biển dâng trong 80 năm đến 100 năm sắp tới – nghĩa là điều đó sẽ xảy ra trong vòng một thế hệ người Việt Nam có thể chứng kiến thảm họa. Với mực nước biển dâng 10 mét, Việt Nam chẳng còn gì cả ngoài dải đất Cao Nguyên và vùng núi miền Trung Bộ và Bắc Bộ.

Chúng tôi chỉ khiêm tốn đề cập đến mức dâng 5 mét của mực nước biển trong tương lai, và dĩ nhiên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng và dải đồng bằng nhỏ hẹp, phân tách ven biển miền Trung, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ hoàn toàn nằm dưới các con sóng của biển Đông. Đừng nghĩ rằng người dân tại đây vẫn còn có thể bám trụ lại để thích nghi, và chuyển đổi dần dần kế sinh nhai và mục đích kinh tế đặc thù vùng miền. Điều kiện tự nhiên khi nước biển xâm thực và thậm chí là nhấn chìm đất liền – một thực tế rất rõ ràng – là hoàn toàn khác với trí tưởng tượng của con người. Nó sẽ không giống như việc biển từ từ dâng lên, tạo ra các vùng duyên hải đầm lầy nước lợ hoặc mặn để nuôi tôm, cá hay để trồng giống lúa nước chịu mặn. Thiên nhiên không khoan nhượng như vậy đâu. Giới khoa học đang lo sợ rằng hiện băng đang tan vào trong chính lòng của khối băng, và một ngày kia, khi hết sức chịu đựng của vách băng chứa nước, nước băng đã tan ra sẽ đồng loạt phá vỡ vách băng và ùa ra biển cùng một lúc, đẩy mực nước biển dâng lên nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn. Và như thế, người dân ở nhiều vùng duyên hải – trong đó có dân Nam Bộ, Bắc Bộ – không phản ứng kịp để chuyển dời nhà cửa và kế sinh nhai của họ.

Đồng bằng Sông Cửu Long mất, nghĩa là ít nhất 25 triệu người (1/4 dân số Việt Nam) sẽ phải di cư, ra đi tìm chỗ trú ẩn và tìm điều kiện sống mới. Đó là chưa nói đến các vùng miền duyên hải khác ở Việt Nam. Cấu trúc dân số quốc gia sẽ bị đứt gãy nghiêm trọng. Xã hội biến loạn và khủng hoảng sâu sắc về nhiều mặt. Khi vựa lúa và lương thực nông nghiệp của miền Nam bị nhấn chìm, Sài Gòn/Tp.HCM – thủ phủ kinh tế lớn nhất Việt Nam – cũng bị cắt đứt nguồn cung thực phẩm và rơi vào khủng hoảng. Thậm chí Sài Gòn cũng sẽ bị nhấn chìm bởi triều cường và những đợt sóng của Biển Đông do địa hình mở ra nhiều cửa sông lớn.

Nước băng tan ra không chỉ nâng mực nước biển lên. Nó còn ảnh hưởng đến các đặc tính hóa học của nước biển đại dương vốn bền vững trong hàng nghìn năm, như thay đổi độ mặn, độ pH, mức độ hòa tan oxy, nhiệt độ của nước biển. Tất cả những sinh vật biển đã quen thuộc với đặc tính nước biển trước đây, sẽ phải thích nghi dần dần hoặc bị diệt vong. Chúng ta hãy thử tưởng tượng toàn bộ ngành nuôi trồng thủy hải sản dọc bờ biển Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi tác nhân ghê gớm này. Những con tôm hùm chủng loài Panulirus, những con cá bống mú, tôm sú… đều đã quen với độ mặn, độ pH, nhiệt độ như hiện nay sẽ không thể sống hoặc phát triển tốt khi biển đột ngột thay đổi về đặc tính.

Trên báo Tuổi trẻ Online đã có một danh sách các bài, chuyên mục về hiện tượng bờ biển bị xâm thực, xói lở. Đây là những dấu hiệu rõ ràng nhất của một thảm họa lớn hơn trong tương lai. Việt Nam không có nhiều công nghệ, kỹ thuật hay trình độ quan trắc khoa học để nghiên cứu, theo dõi và dự báo về điều chắc chắn sẽ xảy ra này. Thực ra, tất cả những dữ kiện về băng tan, mực nước biển dâng, nền nhiệt khí hậu đều do người Mỹ cung cấp – vì một sự thật phũ phàng rằng, người Mỹ chỉ quan tâm đến chính bản thân quốc gia của họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi biến đổi khí hậu xảy ra.

Vì vậy, nếu chúng ta là người nghèo và cả khu xóm đều bị cháy, thì nên theo dõi những diễn biến về cách mà những thằng hàng xóm giàu có đang dự báo, nghiên cứu, nỗ lực giảm thiểu tác hại cho nhà của chúng từ chính đám cháy mà chúng đang gây ra. Với thực tế hiện tại, chúng ta không có cách nào để tránh thoát định mệnh. Còn số phận ư? Điều đó tùy thuộc vào quyết định của từng cá nhân người Việt, sau khi đọc xong status này. Trong tương lai, phần lớn con cháu của chúng ta sẽ lại một lần nữa thoát li mảnh đất quê hương này để trở thành di dân tị nạn – nhưng lần này là tị nạn khí hậu, và không bao giờ có thể quay về Việt Nam lần nữa.

Điều đáng buồn rằng, chính những người Việt đã đào thoát thành công và đang xây dựng sự nghiệp ở bên Mỹ, Châu Âu, Úc, Trung Quốc lại ủng hộ và tiếp tay cho chính quyền các nước công nghiệp tiếp tục xả thải khí nhà kính, cạnh tranh kinh tế và dối trá núp dưới chiêu bài ý thức hệ chính trị. Một lần nữa, những tảng băng, các cơn siêu bão, cháy rừng, sốc nhiệt, tuyệt chủng loài… không đứng về phe cánh nào hết, không phân biệt dù là cộng sản hay tư bản, dù là quốc gia hay thuộc địa, dù là da trắng hay da vàng, da đen, dù người thiện lành hay kẻ gian ác. Thiên nhiên sẽ ra tay tàn phá và tiêu diệt tất cả – do con người quá tham lam, kiêu căng và ích kỷ.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Suy giảm đa dạng sinh học

RẠN SAN HÔ THE GREAT BARRIER ĐANG SỤP ĐỔ

Trong hàng trăm triệu năm, các hệ sinh thái của tự nhiên đều có thể chống chọi lại cháy rừng, lũ cuốn, sóng nhiệt, hạn hán, và thậm chí là các dịch bệnh để thích nghi và xây dựng...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Bão - mưa lớn - lũ

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH BÃO NAKRI – 8/11/2019

Ở thời điểm hiện tại, JTWC và GFS cảnh báo bão NAKRI sẽ không giảm cấp nhiều trước khi đổ bộ vào khoảng vị trí chính xác là giữa Sông Cầu và Tp. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) trong buổi...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic