AUSTRALIA TRƯỚC SỨC MẠNH CỦA LỬA


hanhtinhtitanic
AUSTRALIA TRƯỚC SỨC MẠNH CỦA LỬA

Bắt đầu từ ngày hôm qua (2/1/2020), hàng chục nghìn người dân Australia ở bờ Đông Nam hai bang lớn là New South Wales và Victoria bắt đầu phải di tản sau khi lửa cháy rừng đã lan đến đây. Nhìn trên bản đồ cập nhật tình hình mới nhất từ NASA WorldView, các đám cháy đã từng bao vây thủ phủ Sydney, thì nay đang chuẩn bị công hãm thủ đô Canberra và lan ra khu vực East Gippsland của bang Victoria. Toàn bang Victoria đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Nguồn dữ kiện về cháy rừng: NASA lúc 0718 GMT, ngày 2/1/2020. Đồ họa: báo theGuardian.

Ngay trong ngày cuối năm (31/12/2019), hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch tại thị trấn Mallacoota đã bị bão lửa đẩy ra tận ngoài bờ biển. Họ phải tháo chạy sau khi tiếng còi báo động vang lên, bỏ lại xe hơi, nhà cửa, tài sản để chỉ chạy đến gần biển. Ngày biến thành đêm. Bầu trời đỏ quạch như trên một hành tinh khác. Nhiều người phải nhảy xuống biển để tránh sức nóng từ hỏa ngục. Tiếng bình gas phát nổ vì sức nóng khủng khiếp.

Một người mẹ và con của mình đang trú tạm trên thuyền nhỏ ngoài khu vực vịnh Mallacoota. Nguồn ảnh: Nicole Asher.
Người dân tràn ra bến tàu tại cảng Mallacoota và ngay đằng trước họ là giới tuyến của lửa. Nguồn ảnh: bluesfestblues
Người dân ngồi sát bờ nước trên bãi biển Batemans Bay. Nguồn ảnh: Alastair Prior

Lorena Granados, một chủ tiệm bán đồ da tại thị trấn Batemans Bay nói:

Nó giống hệt như chúng tôi đang ở trong khu vực chiến sự. Tôi nhận ra có 3 người đã mất nhà… chúng tôi đã cố chiến đấu với ngọn lửa, lửa ập xuống trên đầu chúng tôi. Khi tháo chạy, chúng tôi gần như bị bao phủ bởi lửa, chúng tôi đã phải rời đi.

Chúng tôi không thở được. Chúng tôi không nhìn thấy được. Đám cháy quá khốc liệt, mạnh mẽ, giận dữ. Chúng tôi chẳng làm gì được cả, chỉ còn cách tự cứu lấy mạng sống của mình.

Theo BBC News, các vụ hỏa hoạn trong tuần này đã phá hủy ít nhất 381 ngôi nhà ở New South Wales, 43 ngôi nhà ở Victoria, và các quan chức nói rằng, con số này dự kiến sẽ còn tăng thêm.

Có 7 người thiệt mạng do cháy rừng ở New South Wales, bao gồm:

  • Hai người được tìm thấy trong hai chiếc xe
  • Hai cha con ở lại để bảo vệ nhà và trang trại của họ
  • Một người tình nguyện cứu hỏa 28 tuổi thiệt mạng khi gió lật chiếc xe cứu hỏa

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã phải xuống hiện trường tại thị trấn Cobargo vào ngày hôm qua (2/1/2020). Người dân địa phương tại đây đã tỏ ra giận dữ, chỉ trích và cho rằng ông ta nên “tự xấu hổ” vì đã để “cả quốc gia bốc cháy” mà không làm gì cả. Họ so sánh các khoản viện trợ giúp đỡ khi thiên tai xảy ra giữa nơi mình sống (một góc nhỏ ở New South Wales) với các trung tâm kinh tế lớn như Sydney. Một người dân nói thẳng với Morrison: “Mày nên ra khỏi đây. Mày không được chào đón ở đây, thằng bần tiện”. Xem:

Ngay sau đó, trong một cuộc phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông không ngạc nhiên gì về thái độ của người dân, và kêu gọi mọi người “hãy kiên nhẫn và bình tĩnh” trong khi chờ chính phủ có các chính sách hỗ trợ mới. Ông ta nói thế này:

“Chính sách khí hậu của chúng ta đang được thiết lập để đáp ứng và giải quyết các mục tiêu cắt giảm khí thải. Lượng khí thải cắt giảm dưới thời nắm quyền của tôi lên đến 50 triệu tấn so với các chính quyền trước đây, và chúng tôi muốn tiếp tục làm điều đó, tiếp tục làm tốt hơn điều đó, trong phạm vi để đạt được mục tiêu.

Hãy để tôi nói rõ cho người dân Australia rằng, các chính sách cắt giảm khí thải của chúng ta sẽ phải vừa bảo vệ môi trường, vừa tìm cách giảm thiểu mối rủi ro và nguy hiểm mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay. Cùng lúc đó, nó cũng phải bảo đảm việc làm và sinh kế ổn định cho người dân trên khắp đất nước này.

“Những gì chúng ta làm là để chắc chắn chính sách của chúng ta vẫn hợp lý, không quá cực đoan dù theo định hướng nào, và phải tập trung vào những gì mà người dân Australia cần đối với một nền kinh tế mạnh mẽ và phát triển, cũng như một môi trường bền vững và đầy sức sống.

Bạn có thể nghe ông Scott Morrison nói tại đây:

Chỉ có người không hiểu biết mới đồng ý với Scott Morrison. Giọng lưỡi chính trị của ông ta hoàn toàn lấp liếm các sự thật sau đây:

  • Dân Australia và nền kinh tế quốc gia này chỉ góp phần thải ra 1,3% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính của tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu. Tuy nhiên, dân số của họ cũng chỉ chiếm 0,3% tổng dân số toàn cầu. Như vậy, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2017, nếu tính theo đầu người chỉ ở phân khúc sản xuất và tiêu dùng trong nước, dân Australia chỉ đứng sau nước Mỹ về mức khí thải carbon dioxide (15,4 triệu tấn). Họ kiếm tiền, làm giàu, tiêu thụ, mua sắm, sản xuất, di chuyển, vui chơi… nhiều hơn phần dân số của các nước đông dân và nghèo khác (như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc…)
  • Australia lại xuất khẩu “khí thải” sang các quốc gia khác, thông qua sản lượng hàng đầu về than đá và khí gas tự nhiên hóa lỏng (liquefied natural gas – LNG). Nói cách khác, Australia không trực tiếp thải khí nhà kính, nhưng bán nhiên liệu hóa thạch dạng thô và có xử lý sang các nước thứ ba, cùng với công nghệ nhiệt điện, để thu tiền vào túi của mình. Năm 2016, Australia đã xuất 391,2 triệu tấn than đá chủ yếu sang các thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, bao gồm 201,9 triệu tấn than tạo nhiệt (thermal coal) chủ yếu dùng cho nhiệt điện và 189,2 triệu tấn than đen luyện kim (metallurgical coal – black coal) chủ yếu dùng cho sản xuất thép. Năm 2018, Australia xuất tổng cộng 380 triệu tấn than, thu về 67 tỷ USD, tương đương với 3,5% GDP của quốc gia. Tháng 3/2019, tổng doanh thu từ việc xuất khẩu than đá của Australia đạt 278 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử thương mại quốc gia này, khiến Australia trở thành đất nước đứng hàng đầu về xuất khẩu than đá (chiếm 37.8% tổng sản lượng than đá toàn thế giới). Trung Quốc hiện đang là khách hàng quan trọng của Australia về mua than đá, thế nhưng, có vẻ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến Bắc Kinh nghĩ lại về chuyện cắt giảm khoản thương mại này, nên theo Viet Nam Economic Times (Thời báo Kinh tế Việt Nam), vào tháng 5/2017, tham tán thương mại Australia đã mon men tìm kiếm cách hợp tác bán than đá và khí gas cho cả Việt Nam, khi mà quốc gia này đang dần trở thành con mồi của ngành năng lượng bẩn, do nhu cầu nguồn cung năng lượng tăng vọt vì các hãng xưởng sản xuất tư bản đang rời bỏ Trung Quốc và đến Việt Nam. Như vậy, nếu tính cả phần “xuất khẩu khí thải” này, thì Australia đang chiếm đến khoảng 4% tổng lượng khí thải nhà kính của toàn thế giới. Khẩu phần này khiến Australia được xếp vào vị trí thứ 6 trong số hàng top các quốc gia xả thải gây hại cho nền khí hậu của hành tinh. Dưới đây là biểu đồ của CarbonBrief về khối lượng buôn bán và đường dây vận chuyển than đá của Australia và Indonesia trên toàn cầu:
  • Australia là một đất nước giàu có, từ lâu đã được hưởng lợi nhờ ngành công nghiệp sản xuất khai khoáng và khai mỏ nhiên liệu hóa thạch. Australia hiện đang ở trong danh sách 20 nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới. Điều đó có nghĩa là quốc gia này có cơ hội thực hiện cuộc cách mạng công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, nâng tầm cơ sở hạ tầng để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, cắt giảm nhiều hơn nữa lượng khí thải nhà kính, và rời bỏ nhiên liệu hóa thạch bẩn so với các quốc gia nghèo nàn và đang phát triển khác. Thế nhưng, họ vẫn chọn phá hoại nền khí hậu của hành tinh này, không cam kết các mục tiêu như đã hứa tại Hiệp định Paris (2016). Và hơn bao giờ hết, chính quyền, doanh nghiệp và người dân Australia chọn làm bẩn các quốc gia khác trong cơn lốc nhu cầu về năng lượng giá rẻ do cơn thúc ép của tăng trưởng kinh tế cho bằng chị bằng em. Australia đã chọn đào than đá lên để làm giàu cho bản thân mình. Australia đã chọn lòng tham.
  • Scott Morrison hoàn toàn ngụy biện khi cho rằng, cần phải vừa bảo vệ môi trường, vừa ổn định việc làm cho người dân và tăng trưởng kinh tế. Làm gì có chuyện đó? Con người chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc sống hài hòa và bình an với hệ sinh thái tự nhiên, hoặc phá hủy và bóc lột nó để xây dựng hệ thống sinh thái kinh tế tiền tệ của riêng mình. Ông ta làm gì mà bảo vệ quyền lợi của người dân? Thực ra là bảo vệ túi tiền của các tập đoàn khai thác nhiên liệu hóa thạch là chính. Theo một bản báo cáo chi tiết của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Xã hội SGS Economics and Planning vừa xuất bản vào đầu năm 2019, hơn 1,6 triệu người dân sống tại Sydney sẽ có nguy cơ cao đối mặt với lũ lụt hoặc cháy rừng, khoảng 2 triệu cư dân sống tại Brisbane, cộng với hơn 4,4 triệu người sống tại bang New South Wales và Queensland, sẽ phải chịu đựng rủi ro xảy ra lốc xoáy cuồng phong. Nhiều người Việt Nam ủng hộ Scott Morrison chỉ vì đơn giản ông ta là một “phiên bản ngọng nghịu” (Strine Version) khác của Donald Trump. Từ lời hứa chống Trung Quốc nửa vời và chỉ chăm chăm vào bán than đá (như Trump Digs Coal), Scott Morrison đã lừa được khối người Việt chỉ muốn dựa vào người khác để diệt cái họa xâm lăng phương Bắc. Tuy nhiên, Tập đoàn tư bản đỏ Bắc Kinh chưa sập, thì cuộc khủng hoảng khí hậu đã ập đến nhà tất cả mọi người, sốc nhiệt, hạn hán, lũ lụt và siêu bão đã quét sạch dân tộc Việt Nam trước. Và ngoài ra, chắc chắn trong tương lai gần, khi các hãng xưởng công nghiệp phương Tây dời qua hết Việt Nam, thì người dân xứ này sẽ tiếp tục được hít bụi mịn đậm đặc được thải ra từ việc đốt than đá “made in Australia” trong các lò nhiệt điện công nghệ “made in China”.

Nhưng dù gì đi nữa, thì Australia hiện đang trả giá cho những gì họ đã lựa chọn và muốn làm. Các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney vừa ước tính có đến gần nửa tỷ cá thể động vật (480 triệu con vật, bao gồm chim trời, thú vật và loài bò sát) đã bị chết cháy, chết ngạt vì những hậu quả liên quan đến cháy rừng vừa qua và hiện nay. Có đến 8.000 con gấu kaola, nghĩa là bằng 1/3 tổng quần thể loài gấu này đang sống tại bờ duyên hải phía Bắc bang New South Wales — có thể đã bị giết chết bởi khói bụi, thiếu hụt nguồn nước và lửa trong vòng 4 tháng qua. Gấu Koalas là loài động vật bản địa bị chết nhiều nhất, vì chúng di chuyển chậm và chỉ ăn lá cây bạch đàn, là môi trường có chứa chất dầu dễ bắt lửa.

Người ta chứng kiến các cảnh tượng đau lòng của hàng đàn chuột túi (kangaroos) – một biểu tượng khác của Australia – nhảy qua tường nhà để chạy trốn đám cháy, các thi thể gấu koalas bị cháy đen, vẹt mào (cockatoos) té xuống xuống chết từ trên cây vì quá nóng và ngộp.

Mưa đã không xảy ra từ nhiều tuần lễ tại các vùng khô hạn. Nhiều đàn gia súc nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và sức nóng của cháy rừng thậm chí còn không thể sinh sản được, vì đơn giản là tinh hoàn của con đực quá nóng khiến chúng trở nên vô sinh. Ngựa cái không thể mang bầu. Thời tiết quá nóng khiến ngựa và bò bị sảy thai liên tục.

Khói và hơi nóng từ cháy rừng đã tạo ra hiện tượng mây đứng Pyrocumulus (tạm dịch là mây vũ tích) tại độ cao 16km, khiến thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng có hình thái riêng, gây ra sấm sét kích hoạt thêm các đám cháy mới và gió lốc bơm thêm năng lượng cho các đám cháy lan ra chỗ khác, tăng cường số lượng và sức nóng khủng khiếp hơn. Điều đó lại càng khiến con người khó kiểm soát và dập tắt đám cháy.

Nguồn đồ họa: Business Insider và Cơ quan Khí tượng Australia. Chuyển ngữ: Hành tinh Titanic

Trong khi cháy rừng và sóng nhiệt tràn qua Australia trên mặt đất do biến đổi khí hậu (đến từ việc đốt một phần than đá có nguồn gốc xuất khẩu từ chính quốc gia này, dù là ở Trung Quốc hay Ấn Độ), thì bên dưới đại dương đã xảy ra một đợt sóng nhiệt mới giết chết nhiều sinh vật biển ở bờ Đông Bắc bang Tây Australia. Những con hàu, cua, và động vật nhuyễn thể phơi mình chết trắng trên bãi biển Pilbara Coast và Town Beach ở thành phố Exmouth.

Hàu được tìm thấy chết ngay từ bên trong sau một đợt cá chết vào ngày 15/11/2019, ở gần khu vực Karratha. (Nguồn ảnh: WA Department of Primary Industries)
Hàng trăm con bào ngư đã chết trên bãi biển South West ở Yallingup vào ngày 2/12/2019.

Dải mây chứa khói bụi từ các đám cháy rừng bên bở Đông Australia di chuyển sang phía Tây như một dải khăn tang, phủ đen bầu trời và các sông băng ở miền Nam New Zealand, khiến khả năng tan băng trong mùa hè sắp tới tại đảo quốc này được dự báo sẽ tăng 30% so với mức bình thường. Vào ngày đầu năm mới 2020, người dân New Zealand tại đảo Nam của quốc gia này đã thức giấc để chứng kiến Mặt Trời màu đỏ quạch và bầu trời màu da cam, với mùi khét của khói trong không khí.

Bầu trời và mặt tuyết ở phía Nam rặng núi Alps tại New Zealand biến thành màu nâu caramel vì khói bụi từ cháy rừng ở Australia. Nguồn ảnh: Twitter/ @Rachelhatesit

Còn hơn thế, sóng nhiệt quét qua Australia đã có ảnh hưởng ngay lập tức đến lục địa Nam Cực – miền đất ngự trị cuối cùng của băng giá, sau khi Biển băng ở Bắc Cực tan hết. Theo dữ kiện của Hệ thống Dự báo Toàn cầu ( Global Forecast System – GFS) do Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ (National Centers for Environmental Prediction – NCEP) quản lý, chỉ trong 1 ngày duy nhất – ngày trước Giáng Sinh năm 2019 (24/12/2019), khoảng 15% tổng khối lượng băng nằm trên lục địa này đã tan rã hoàn toàn. Theo nhà khí tượng học Xavier Fettweis thuộc Đại học Liège (Vương quốc Bỉ), đây là lượng băng tan lớn nhất ở Nam Cực kể từ năm 1979. Ông nói thêm rằng khối lượng nước băng tan là một kỷ lục cao hơn 230% so với thời điểm tháng 11/2019, mặc dù mùa tan băng chưa qua hết.

Nguồn ảnh: Xavier Fettweis

Giờ đây, theo một bài viết nhà báo David Marr, Australia đang trở thành một quốc gia của nỗi sợ hãi xâm chiếm, và thế giới thì đang nhìn vào đất nước này bằng sự thương hại và khinh bỉ. Xem:

David Marr viết thế này:

Một trong những trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chính là nói được điều đúng đắn hợp lý với hoàn cảnh như thế này. Rất nhiều người đã chết. Rất nhiều thứ đã bị phá hủy. Nhưng làm thế nào mà Scott Morrison lại có thể ăn nói đúng đắn với những người dân từng trải ở đất nước này nếu ông ta không thể chấp nhận được rằng chúng ta đang sống trong những thời khắc đặc biệt? Thay vì thế, ông ta đã thốt lên như thế này: “Chúng ta đã từng đối mặt với các thảm họa như thế này trước đây.”

Hãy nhìn và hành động đi, Thủ tướng. Hãy nhìn và hành động đi.

Nếu Morrison có thể đối mặt với sự thật, ông ta sẽ không nói với chỉ quốc gia của mình, mà còn cả thế giới. Nếu Australia đã biết hành động hiệu quả để chống lại biến đổi khí hậu, thì thảm họa này sẽ cho chúng ta quyền để yêu cầu các chính phủ “đểu giả vĩ đại” khác, là Trung Quốc và Mỹ, phải hành động bảo vệ nền khí hậu.

Vâng, giờ thì Australia cứng miệng. Như lòng tham của con người, lửa đã tàn phá California của Mỹ. Lửa đã cháy ngay cả ở vùng cận cực Siberia. Lửa đốt trụi những cánh rừng được xem là lá phổi của hành tinh tại Amazon, Trung Phi, Indonesia. Giờ đây, lửa đã lan sang Australia. Đó là điều công bằng cho những thể chế chính trị tham tàn, bóc lột tự nhiên, hủy diệt môi trường sống, chỉ biết lợi ích của mình mà ủng hộ “xuất khẩu khí nhà kính” sang các nước nghèo, cổ động một nền kinh tế tiêu dùng và tăng trưởng “cố đấm ăn xôi”. Rồi đây, tất cả sẽ hiểu rằng, dù chúng ta có thể vỗ ngực tự hào rằng mình sống sạch sẽ, biết ý thức bảo vệ môi trường, văn minh tiến bộ ở trời Mỹ, trời Tây, trời Úc, nhưng vẫn ủng hộ các chính quyền tập đoàn mafia tư bản sản xuất vô tội vạ, vứt rác sang nhà người khác, xả khói bụi ở chỗ mà trước kia là quê hương cha ông của mình, là chỗ sống hiện nay của đồng bào và anh chị em của mình, thì rồi một ngày nào đó, cả hành tinh duy nhất này sẽ bốc cháy, rác sẽ trôi về lại nơi sản xuất ra nó, khói bụi sẽ thổi đến nhà và tất cả đều chết hết.

Đó là lẽ công bằng của Tạo Hóa, là cái giá phải trả nếu chúng ta không biết để ý và quan tâm đến anh chị em của mình, dù ở bất cứ đâu: Việt Nam, Australia hay Mỹ. Đừng tưởng qua Australia, Mỹ, Nhật thì bạn yên tâm chỉ việc cày bừa kiếm tiền, làm giàu và ủng hộ cho các ý thức hệ già cỗi và sáo rỗng. Trước đây ở Việt Nam, nhiều người sẽ thấy trách nhiệm của mình là phải cố gắng đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản, bảo vệ nhân quyền và quyền dân chủ, nhưng họ đã cố tình phớt lờ và cố đi qua nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng ấy. Thế nhưng dù ở đâu, bạn vẫn không thể vứt cái trách nhiệm ấy đi được. Tôi thấy hiếm có người Việt nào dám nói ngược lại chính quyền Donald Trump, Scott Morrison dù họ đã có quốc tịch Mỹ, Australia…, dù chúng nó làm sai và cái sai ấy ảnh hưởng trên phạm vi khủng khiếp hơn cả chính quyền tư bản đỏ ở Việt Nam. Hệ thống kinh tế tư bản của chúng còn phá hoại gấp nhiều lần, vượt ra khỏi biên giới quốc gia của chúng, nhưng chúng rất biết cách che giấu và truyền thông tô vẽ.

Nhiều người bạn nước ngoài của tôi cười khẩy khi nghe một số người Việt gân cổ lên bảo vệ nhân quyền, quyền con người, nhưng cổ động cho cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, thờ Donald Trump như Chúa Trời, xem Scott Morrison như thần tượng. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu rằng, con người sẽ chẳng còn ngay cả cái quyền sống sót nếu như cả hành tinh này rơi vào cuộc khủng hoảng khí hậu và sụp đổ hệ sinh thái, mà nguyên nhân là do ý thức hệ tư bản tăng trưởng bằng mọi giá, cạnh tranh bằng mọi giá gây ra?

Giờ đây, Scott Morrison đang cầu viện đến Mỹ để gửi lính cứu hỏa sang hỗ trợ. Nhưng chẳng phải người Mỹ cũng đã thúc thủ trước các thảm họa cháy rừng khủng khiếp ở California cách đây không lâu? Điều mà họ có thể làm được là để lửa thiêu rụi tất cả mọi thứ, không còn gì nữa để cháy, rồi chờ nó tắt đi. Chúc may mắn nhé, Scott Morrison. Dự báo nền nhiệt Australia sẽ còn tăng cao trong thời gian sắp tới.

Nguồn tham khảo:

Australia fires: tens of thousands stranded while attempting to flee

Australian fires updates: Thousands of holidaymakers trapped on beaches as aggressive bushfires turn sky red

Thousands trapped on Australia beaches encircled by fire

Darkness at noon: Australia’s bushfire day of terror

Thousands told to evacuate vast east Gippsland fire threat zone

Cháy rừng ở Úc: Cuộc đua sơ tán khi nguy hiểm mới rình rập

PM Scott Morrison defends climate policies and asks Australians to be ‘patient’ over fires

Top CO2 polluters and highest per capita

Each Country’s Share of CO2 Emissions

How to answer the argument that Australia’s emissions are too small to make a difference

Australia’s carbon emissions rise again, largely thanks to LNG industry

Do Australia’s greenhouse gas emissions account for more than 5 per cent of the global total once exports are included, as Mike Cannon-Brookes says?

Australia on track to become one of the world’s major climate polluters

Australia’s carbon emissions highest on record, data shows

Facts4Paris: Australia’s per-capita emissions remain the highest among its key trading partners

Who emits the most CO2 today?

Coal Exports by Country

The Changing Global Market for Australian Coal

Half a billion animals perish in bushfires

Cattle have stopped breeding, koalas die of thirst: A vet’s hellish diary of climate change

The bushfires in Australia are so big they’re generating their own weather — ‘pyrocumulonimbus’ thunderstorms that can start more fires

As heatwave bakes Australia on land, an unprecedented marine heatwave causes fish kills in the ocean

New Zealand glaciers turn brown from Australian bushfires’ smoke, ash and dust

‘Apocalyptic’: New Zealand shrouded in smoke from Australian bushfires

NSW, Victoria bushfires: Australia fires cause tens of thousands to flee in mass evacuation – live

Record Hit for Most Ice to Melt in Antarctica in One Day, Data Suggests: “We Are in a Climate Emergency”

5-day forecast of the 2019-2020 Antarctica ice sheet SMB simulated by MARv3.10 forced by GFS

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Lòng tham và kiêu ngạo

BẮN NHỮNG PHÁT ĐẠN VÀO TƯƠNG LAI

Phá hủy các hệ sinh thái trong tự nhiên, con người đang bắn những phát đạn vào tương lai, và phần lớn sẽ đánh trúng con cái của họ. Vì thế, nhà sử học văn hóa Elias Canetti đã...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

CHU KỲ KHÍ HẬU EL NIÑO VÀO NĂM 2020 CÓ THỂ KÍCH HOẠT TIẾN TRÌNH TĂNG NHIỆT TOÀN CẦU +18°C

Đường biểu đồ màu xanh trong hình bên dưới cho thấy một xu hướng dài hạn, dựa trên dữ kiện của NASA LOTI (Land-Ocean Temperature Index – Chỉ số Nhiệt Đại dương – Đất...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic