LOÀI NGƯỜI CÓ THỂ THỰC SỰ PHÁ HỦY MỌI SỰ SỐNG TRÊN HÀNH TINH TRÁI ĐẤT HAY KHÔNG?


hanhtinhtitanic
LOÀI NGƯỜI CÓ THỂ THỰC SỰ PHÁ HỦY MỌI SỰ...

Dường như xu hướng tiêu dùng vô độ của con người đang thay đổi hành tinh của chúng ta và mọi sự sống trên đó, nhưng liệu chúng ta có thể thay đổi hành vi của mình?

Dưới đây là một vài suy nghĩ trong bài viết của Santhosh Mathew dành cho BBC Future. Ông là giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học Regis, Greater Boston, và là một tác giả khoa học đã ra mắt hai quyển sách.

Bài do bạn Minh Nhật chuyển ngữ cho Hành tinh Titanic, từ nguồn:

Could humans really destroy all life on Earth?

Bản quyền hình ảnh: Josua Marunduh/Getty Images

Trong số rất nhiều nguy cơ thảm họa toàn cầu mà con người từng biết đến, nhiều vấn đề đã được hình tượng hoá trên các phương tiện truyền thông hơn cả những nguy cơ khác. Nỗi lo tiểu hành tinh va chạm, những vụ phun trào siêu núi lửa và biến đổi khí hậu đều nhận được sự quan tâm của Hollywood. Và mọi trường hợp trong số này đã được diễn tả với nhiều thiệt hại gây ra cho sự sống trên hành tinh của chúng ta trong quá khứ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức được, về một mối đe dọa mới trên toàn cầu, có khả năng hủy diệt bản thân sự sống, đang len lỏi trong bóng tối cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó được thúc đẩy bởi mong muốn tiêu thụ của cải vật chất to lớn của loài người. Và nghịch lý thay, nó lại là hệ quả từ chính sự tồn tại của loài người.

Chỉ cần nhìn ra xung quanh – bạn đã không thể tách mình ra khỏi các đối tượng vật chất – cho dù chúng có cần thiết cho cuộc sống của bạn hay không. Đối với mỗi mẩu vật chất mà chúng ta đang dùng, có một mạng lưới ngày càng bành trướng của các hoạt động trên toàn cầu, đang dần tước đoạt sức khỏe cảm xúc của con người, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Trái đất và làm suy giảm môi trường sống trên hành tinh của chúng ta. Nếu không được kiểm soát, liệu con người có nguy cơ biến Trái Đất thành một thế giới không thể ở được hay không? Chúng ta có khả năng và nỗ lực để dừng lại trước khi quá muộn hay không?

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Weizmann (Israel) gần đây đã công bố một nghiên cứu so sánh lượng sinh khối do con người tạo ra – hay còn gọi là sinh khối nhân chủng (anthropogenic mass) – với tất cả khối lượng sống khác [đang chiếm hữu hệ sinh thái], hay còn gọi là tổng sinh khối trên toàn cầu. Họ tiết lộ rằng lần đầu tiên trong lịch sử loài người, cái trước đã vượt qua cái sau hoặc gần đạt được như vậy trong những năm sắp tới.

Nghiên cứu của Viện Weizmann ước tính rằng trung bình hàng tuần, mỗi cá thể người trên thế giới hiện đang tạo ra nhiều sinh khối nhân chủng hơn so với trọng lượng cơ thể của họ. Giáo sư Ron Milo, người điều hành phòng thí nghiệm đã tiến hành nghiên cứu này, cho biết:

“Việc phát hiện ra rằng sinh khối nhân chủng – những thứ do con người tạo ra – giờ đây nặng gần bằng tất cả các sinh vật sống khác, và thực tế là chúng không ngừng tích tụ nhanh chóng, đã mang lại một góc nhìn hoàn toàn khác về việc nhân loại hiện đang trở thành một nhân tố chính trong việc định hình bộ mặt của cả hành tinh. Sự sống trên Trái Đất bị tác động nghiêm trọng chủ yếu về mặt định lượng bởi các hành động của con người.”

Loài người chúng ta đang tạo ra quá nhiều vật chất đến mức xâm phạm không gian của các sinh vật khác. (Nguồn ảnh: Munir Uz Zaman / AFP / Getty Images)

Tiết lộ này không có gì đáng ngạc nhiên đối với nhiều ý kiến cho rằng, con người đã mở ra một kỷ nguyên địa chất mới, được gọi là Anthropocene – Kỷ Nhân Sinh, thời đại của loài người, một thuật ngữ được sử dụng phổ biến bởi Paul Crutzen – nhà hóa học đoạt giải Nobel. Mặc dù sự khởi đầu chính xác của kỷ nguyên này còn gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng con người đã trở thành một lực lượng thống trị trên hành tinh này, thay đổi mọi dạng sống khác thông qua hành vi của chúng ta

Quy mô và kích cỡ khối lượng vật chất do con người tạo ra là đáng báo động. Lấy ví dụ về nhựa chẳng hạn – sự ra đời của kỷ nguyên nhựa hiện đại chỉ xuất hiện vào năm 1907, nhưng ngày hôm nay, chúng ta sản xuất 300 triệu tấn nhựa mỗi năm. Ngoài ra, việc nhận thức rằng sau nước, bê tông là chất được sử dụng rộng rãi nhất trên Trái Đất, là điều không thể hiểu được.

Quy trình công nghệ khai thác hành tinh khổng lồ do con người khởi xướng đã tăng tốc nhanh chóng khi các loại vật liệu như bê tông và cốt liệu xây dựng trở nên phổ biến rộng rãi. Hai loại vật liệu này tạo nên thành phần chính cho sự bành trướng của sinh khối nhân chủng. Ngay cả những cuộc phiêu lưu khám phá không gian tương đối gần đây của con người, bắt đầu cách đây khoảng 60 năm, cũng đang gây ra một vấn đề kinh khủng về rác vũ trụ. Cùng với chuyện này, chúng ta liên tục quan sát thấy các hiện tượng như băng ở hai cực tan chảy, băng vĩnh cửu tan rã, và nhiệt độ toàn cầu ngày càng nóng lên.

Vì vậy, tại sao chuyện này đã xảy ra? Con người về mặt di truyền có khuynh hướng duy vật đến mức hủy diệt chính mình không? Có phải khuynh hướng tích lũy vật chất của con người là thước đo duy nhất cho tốc độ huỷ diệt của họ? Hay thiên nhiên sẽ trang bị cho loài người khả năng để đối phó với vấn đề này? Đây là những câu hỏi rất đáng băn khoăn.

Mặc dù có bằng chứng cho thấy chủ nghĩa duy vật được lan truyền học hỏi và định hình bởi văn hóa, nhưng có một số ý kiến còn cho rằng chính chọn lọc tự nhiên đã có thể là động lực khiến loài người chúng ta ham muốn tích lũy tài sản. Đồ đạc sở hữu có thể mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn và địa vị xã hội, mà chắc chắn khuynh hướng này đã đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người.

Con người đã được định hình để tin rằng việc tạo ra một cái gì đó mới mẻ chính là mục đích sống có ý nghĩa đối với họ.

Bằng cách nào đó, việc tạo ra những thứ mới đã trở thành một ý niệm thần thánh trong tâm lý tập thể của con người. Nó được đóng khung một cách kinh tởm trong tất cả các nỗ lực của chúng ta, từ những câu chuyện cổ cho đến các phòng nghiên cứu và phát triển hiện đại. “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo ra trời và Đất …” là câu chuyện của Sách Sáng Thế (Genesis) trong Kinh Thánh. Con người đã có cơ sở để tin rằng, việc tạo ra một cái gì đó mới mẻ chính là một mục đích sống có ý nghĩa và là cách duy nhất để thúc đẩy tham vọng của mình. Tuy nhiên, chúng ta đã quên đặt ra hạn mức dừng lại cho điều răn này.

Các giới hạn của khoa học ngày càng thể hiện rõ khi cố gắng giải quyết vấn đề hóc búa này. Việc chỉ dựa vào các giải pháp công nghệ xanh thân thiện môi trường là không đủ bởi vì trọng tâm của khuynh hướng này vẫn dựa trên những thứ mới và khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn – chứ không phải để nhằm thay đổi lối sống hoặc mô hình kinh tế đã gây ra cho chúng ta vấn đề này ngay từ thuở ban đầu. Ví dụ như, ngay cả khi chúng ta có thể thay thế tất cả những phương tiện di chuyển chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bằng các phương tiện chạy điện, thì nhiều đô thị vẫn đang phải vật lộn để giành không gian trên đường cho xe hơi, và xe điện vẫn có tác động riêng đối với các nguồn tài nguyên của thế giới do sẽ cần nhiều vật liệu để xây dựng và sản xuất chúng.

Emily Elhacham, một trong những tác giả của nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann cho biết:

“Hiện tượng tích lũy sinh khối nhân chủng cũng liên quan đến phát triển đô thị, cùng với các tác động môi trường xảy ra sau đó, đã được chứng kiến trên toàn cầu. Tôi hy vọng rằng việc nâng cao nhận thức sẽ thúc đẩy hành vi thay đổi và giúp tìm ra điểm cân bằng tốt hơn [cho cả chủng loài]. Mỗi bước đi theo hướng này sẽ mang lại hiệu ứng tích cực.”

Hãy nhìn vào lượng khí thải carbon của các thiết bị, mạng internet và các hệ thống hỗ trợ chúng ta. Nó chiếm khoảng 3,7% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, và được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Chúng ta có thể cắt giảm lượng khí thải bằng cách giảm đi một bức email gửi đi hoặc tránh chia sẻ ảnh không cần thiết trên phương tiện mạng xã hội – hành động này có vẻ như là một mức giảm không đáng kể từ một cá nhân, nhưng nếu cộng hàng tỷ hành động nhỏ đó lại với nhau, thì sức ảnh hưởng không nhỏ. (Mời các bạn đọc thêm về tác động của hoạt động internet đối với khí hậu.)

Các tập đoàn công nghệ lớn tuyên bố rằng họ đang đi theo xu hướng “xanh”, hoặc đặt mục tiêu về trung hòa lượng khí thải carbon, nhưng họ hiếm khi khuyến khích mọi người dành ít thời gian hơn trên mạng xã hội, hoặc đặt mua ít sản phẩm hơn. Thay vào đó, các mô hình quảng cáo và tiếp thị truyền tải những thông điệp mạnh mẽ củng cố phương châm: Hãy tạo ra và tiêu thụ nhiều hơn.

Ngập chìm trong số những thứ rác rưởi mà chúng ta vứt bỏ, một số loài đang tiến hóa để phát triển mạnh trong môi trường ô nhiễm mà chúng ta đang tạo ra. (Nguồn ảnh: Noel Celis / AFP / Getty Images)

Chủ nghĩa duy vật man rợ phi lý này đã ăn sâu vào truyền thống và các biểu tượng văn hóa. Tại Hoa Kỳ, Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) được nối tiếp bởi một lễ hội khác, gọi là Ngày Thứ Sáu Đen Tối (Black Friday). Trong ngày lễ này, khách hàng xếp thành nhiều hàng dài, lao vào trung tâm mua sắm, và thường bị thương hoặc giẫm đạp lên nhau – nhưng mọi người tin rằng đó là một nỗ lực xứng đáng để bỏ ra.

Trong Kỷ Nhân sinh – Anthropocene, con người cảm thấy có quyền đặt hy vọng vào công nghệ để khắc phục bất cứ vấn đề nào, để họ có thể tiếp tục làm những gì họ đang làm. Ví dụ như, khi đối mặt với tình trạng tích tụ rác nhựa tồn tại lâu dài trong môi trường, đã có một sự bùng nổ phát kiến để tạo ra những cốc cà phê có thể tự phân hủy sinh học, các túi đựng cà phê phù hợp với môi trường sống, và ống hút tái sử dụng. Mặc dù đúng là một mô hình tăng trưởng bền vững, bao gồm cả môi trường sống của chúng ta, phải có nhiều tiềm năng hơn để tồn tại, thì chúng ta cũng cần một cách tiếp cận khác đối với khái niệm “bền vững” để giải quyết thứ chủ nghĩa tiêu dùng quá khổng lồ này.

COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về việc nền văn minh nhân loại quá mỏng manh và thiếu chuẩn bị như thế nào khi đối mặt với những thứ thậm chí đã được cảnh báo trước, như một đại dịch chẳng hạn. Nó cũng dạy chúng ta rằng, hành vi của con người có thể được sửa đổi bằng những hành động nhỏ, ví dụ như đeo khẩu trang để giảm thiểu cường độ của các thảm kịch toàn cầu. Việc tiếp cận thụ động đối với sự gia tăng của sinh khối nhân chủng không chỉ đơn thuần là do thiếu kiến thức về hậu quả của nó, mà nói chung là còn do liên quan đến khuynh hướng của con người, thường gạt qua những thực tế không phù hợp với thế giới quan của họ. Về mặt tự nhiên, con người có khuynh hướng xem thường những vấn đề không mang lại thách thức cho cuộc sống hàng ngày của họ, hoặc những vấn đề không làm giảm “tiện nghi” của họ.

Ngoài ra, con người có thể tìm thấy niềm an ủi khi nghĩ rằng thiên nhiên luôn trang bị cho các sinh vật sống mọi thứ để tồn tại, bất kể chúng ta có làm gì. Đúng là quá trình tiến hóa chậm và dần dần theo kiểu suy nghĩ của Darwin thông qua chọn lọc tự nhiên thường xảy ra trong một số môi trường cực kỳ ô nhiễm nhất định. Năm 2016, một nhóm các nhà khoa học ở Nhật Bản đã tìm thấy một chủng vi khuẩn từ cơ sở tái chế chai lọ, mà chúng có thể phân hủy và chuyển hóa nhựa. Mặt khác, phát hiện này cũng cho thấy hành động của con người đang thay đổi cuộc sống trên hành tinh này một cách thức tinh tế và mạnh mẽ như thế nào.

Các đại dương ngày nay có thể bị acid hóa nhanh hơn so với 300 triệu năm trước, chủ yếu là do các hoạt động của con người.

Tính thích nghi của sinh vật đối với các chất ô nhiễm là một hiện tượng phức tạp. Alessandra Loria, một nhà sinh vật học tại Đại học McGill (Canada), người đứng đầu đề tài nghiên cứu này, cho biết:

“Về lâu dài, sự gia tăng liên tục của sinh khối nhân chủng sẽ dẫn đến tình trạng đánh mất môi trường sống do sự thay đổi về mặt thể chất và chuyển biến môi trường sống, chẳng hạn như phơi nhiễm với các chất ô nhiễm do quy trình sản xuất và xử lý sinh khối nhân chủng”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các tác động tiêu cực do ô nhiễm gây ra thường gây hậu quả trầm trọng hơn sau khi trải qua nhiều thế hệ, mặc dù cơ chế đối phó với vấn đề là khác nhau tùy theo chủng loài.

Tình trạng suy giảm nhanh chóng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học không phải là một cuộc chạy đua tiến hóa bình thường mà thiên nhiên đã quen thuộc trước đây. Mặc dù một số loài chắc chắn có thể thích nghi với những thay đổi diễn ra trong môi trường của chúng ta, con người sẽ không còn là một chủng loài đơn thuần phát triển tuân theo thuyết tiến hóa của Darwin nữa, mà là một lực lượng có sức mạnh lớn hơn nhiều đã nắm lấy quyền điều khiển tiến hóa trên hành tinh này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với hầu hết các loài, sự thích nghi về mặt tiến hóa được cho là không đủ nhanh để chống lại các tác động đến từ những thay đổi môi trường do hoạt động của con người gây ra. Và chính bản thân loài người chúng ta cũng sẽ không nằm ngoài nguyên tắc này.

Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy chúng ta sẽ tự hủy diệt chính mình, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng về việc chúng ta đã phớt lờ các hiệu ứng khiến cho chính bản thân chúng ta phải gặp nguy hiểm. Ví dụ như, một số sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử của hành tinh Trái Đất có liên quan đến quá trình acid hóa đại dương. Các đại dương hấp thụ khoảng 30% lượng khí carbon dioxide được thải vào bầu khí quyển, do đó làm tăng độ acid của đại dương. Các đại dương ngày nay có thể bị axit hóa nhanh hơn so với 300 triệu năm trước, chủ yếu là do hoạt động của con người.

Liệu các loài cùng sống chung với chúng ta trên hành tinh này có thể thích nghi đủ nhanh để đối phó với thế giới mới mà chúng ta đang tạo ra cho chúng không? (Nguồn ảnh: Yuri Smityuk / TASS / Getty Images)

Tiến sĩ Loria nói:

“Cuộc sống của con người sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì mất đi nhiều lợi ích và các chức năng mà hệ sinh thái cung cấp bởi tính đa dạng sinh học. Ví dụ như, nạn ô nhiễm nguồn nước có thể ảnh hưởng đến các nguồn cung ứng khác, chẳng hạn như thực phẩm và nước uống, do làm giảm sự đa dạng của các loại thực phẩm và/hoặc chất lượng và sự an toàn của thực phẩm. Tình trạng suy thoái trên diện rộng của các hệ sinh thái đe dọa đến nhiều điều kiện sống trên Trái Đất, đặc biệt là về khả năng tồn tại dài hạn của chủng loài chúng ta. “

Tác động của chúng ta lên hành tinh này sâu sắc hơn rất nhiều so với dấu chân carbon hoặc tình trạng nóng lên toàn cầu. Nó chỉ ra một tương lai, nơi mà các tác động của lượng vật chất do con người tạo ra sẽ thay đổi danh tính của cả Trái Đất và sự sống ở trên hành tinh này (hoặc điều đó đã diễn ra rồi). Khi đối mặt với thực tế trên, bản thân con người có thể thua trắng tay trong cuộc đua tiến hóa.

Việc loại bỏ các vật liệu như bê tông hoặc nhựa, hoặc thay thế chúng bằng các chất khác, sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản về thái độ sống của con người và lòng tham vô đối của chúng ta đối với nhiều thứ khác. Đây chính xác là nơi mà chủ nghĩa duy vật có thể âm thầm biến đổi thành một yếu tố rủi ro chưa được tính đến trong thảm họa toàn cầu. Có vô số cách mà nó có thể biến hành tinh này thành một thế giới trần tục tầm thường, và đó là điều mà nền văn minh của chúng ta chưa từng trải qua trước đây.

Trong trường hợp thiếu một tấm lá chắn tiến hóa an toàn đầy đủ, chúng ta chỉ có thể phụ thuộc vào trí thông minh của mình để tồn tại. Tuy nhiên, Abraham Loeb, giáo sư khoa học tại Đại học Harvard và là một nhà thiên văn học đang tìm kiếm những nền văn minh vũ trụ đã chết, cho biết rằng:

“Dấu hiệu của trí thông minh là khả năng thúc đẩy một tương lai tốt đẹp hơn”.

Ông nói:

“Nếu chúng ta tiếp tục hành xử theo cách này, chúng ta có thể không tồn tại được lâu. Mặt khác, hành động của chúng ta có thể là khởi nguồn sự tự hào cho các thế hệ con cháu của chúng ta, để chúng duy trì được một nền văn minh thông minh đủ để tồn tại trong nhiều thế kỷ tới.”

Câu chuyện về anh Bhasmasura trong Thần thoại Hindu đã đưa ra một luận chứng kỳ lạ, đối chiếu song song với tác động của chủ nghĩa duy vật. Là một tín đồ của Thần Shiva, anh ta nhận được một ơn huệ từ Shiva, cho phép anh ta biến bất cứ ai thành tro chỉ với một cái chạm vào đầu. Ngay sau khi có được phép màu ma thuật này, anh này đã cố gắng tự mình kiểm tra điều đó trên Thần Shiva. Và Shiva tìm cách trốn thoát số phận của mình, và câu chuyện cứ thế tiếp tục.

Nhưng con người có thể không đủ may mắn để chạy trốn khỏi hành động của chính mình. Trừ khi chúng ta đưa ra được một tầm nhìn khác bắt nguồn từ việc giảm tiêu thụ, ngọn lửa của chủ nghĩa vật chất bốc lên trong chính tâm hồn chúng ta có thể tiêu diệt cả chúng ta và Cái Chấm Màu Xanh Nhạt này (“Pale Blue Dot” – nghĩa là Trái Đất).

Bình luận của Hành tinh Titanic:

Chúng ta có thể còn lạ lẫm với khái nhiệm “sinh khối nhân chủng”, tuy nhiên chúng ta sẽ hiểu rõ hơn khi nhìn xung quanh mình, chứa đầy những thiết bị, kết cấu nhân tạo và cảm thấy mệt nhoài với nó. Chúng ta điên cuồng lao đầu vào việc kiếm tiền, mua sắm nhiều của cải vật chất hơn, để rồi cảm thấy vô nghĩa từ ngay chính bên trong tâm hồn của mình. Vất vả kiếm tiền, vất vả tiêu thụ, để rồi vất vả bỏ lại tất cả và đi tìm cảm giác bình an từ thiên nhiên, ví dụ như phong trào “bỏ phố về vườn” chẳng hạn.

Sẽ chẳng có một trường học nào dạy bạn phải làm ít đi, tiêu thụ ít đi, ngoài việc bảo vệ môi trường, không phá rừng, hoặc không xả rác bừa bãi. Bởi vì hậu quả của điều đó không xảy ra ngay lập tức so với việc phải làm chậm lại nhịp phát triển của nền kinh tế. Nhưng loài người, hay bất kỳ chủng loài sinh vật nào trên Trái Đất, không cần tiền hay của cải để sống. Chúng ta chỉ cần thức ăn, nước uống và một bầu không khí trong lành để hít thở mà thôi. Và thẳng thắn mà nói, thì việc tiếp tục sản xuất và tiêu thụ chỉ dẫn đến nạn ô nhiễm và tàn phá thiên nhiên nhanh hơn, để rồi ngày nhân loại tiến đến bờ vực không còn đường quay lại đã rất gần.

Các bạn có thể xem lại các bài đăng trước kia của Hành tinh Titanic, cũng như bộ phim tài liệu Seaspiracy, để hiểu rằng chỉ có ngừng tiêu thụ thì chúng ta mới cứu được hành tinh này.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Sử dụng Lãng phí Năng lượng

NÔ LỆ NĂNG LƯỢNG

Dưới đây là một clip quảng cáo khóa học thiết kế nhà cửa với mức trung hòa năng lượng (Zero- Energy) của trường kỹ thuật công nghệ Tu Delf. Hành tinh Titanic bỏ công chuyển ngữ và...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Rác thải & Ô nhiễm môi trường

HẠT VI NHỰA

Hiện số rác nhựa đang trôi nổi trên bề mặt Thái Bình Dương nhiều gấp 180 lần so với thức ăn cho các loài sinh vật biển. Ngoài ra, rác nhựa kích thước lớn đã bắt đầu bị phân mảnh...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic