VỚI MỖI 1°C TRÁI ĐẤT NÓNG LÊN, THÊM 1 TỶ NGƯỜI SẼ PHẢI CHỐNG CHỌI VỚI CÁI NÓNG KHÔNG CHỊU NỔI


hanhtinhtitanic
VỚI MỖI 1°C TRÁI ĐẤT NÓNG LÊN, THÊM 1 TỶ...

Một nghiên cứu cho thấy rằng trong 50 năm tới, nền nhiệt toàn cầu cứ nóng lên thêm 1°C thì sẽ có thêm 1 tỷ người buộc phải rời bỏ nơi ở của mình hoặc sống trong điều kiện nóng không chịu nổi. Điều này có nghĩa là tổn thất về người của cuộc khủng hoảng khí hậu còn nặng nề hơn những dự báo trước đây rất nhiều.

Chuyển ngữ bởi: Linh Nguyễn

từ nguồn: For Every 1°C Rise in Temperature, a Billion People Will Endure Insufferable Heat

Báo cáo này, nghiên cứu về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu lên môi trường sống của con người, cảnh cáo rằng trong tình huống xấu nhất về lượng phát thải gia tăng, các khu vực mà hiện nay khoảng một phần ba dân số toàn cầu hiện đang sinh sống sẽ trở nên nóng tương đương với những vùng nóng nhất của sa mạc Sahara trong vòng 50 năm tới.

Ngay cả với những viễn cảnh lạc quan nhất, sự tăng nhiệt toàn cầu cũng sẽ đẩy 1,2 tỷ người rơi khỏi “ngách khí hậu” (climate niche) dễ chịu mà loài người đã sống trong ít nhất 6.000 năm qua.

Tim Lenton, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết:

“Những con số này thật gây sửng sốt. Lần đầu tiên thấy chúng, tôi thực sự phải kiểm tra lại xem có chắc không. Trước đây tôi từng nghiên cứu về các điểm bùng phát của khí hậu, chúng cũng thường được coi là tuyệt vọng. Nhưng cái này thậm chí còn gây trực nhận mạnh mẽ hơn. Nó diễn đạt nguy cơ theo cách rất con người.”

Phần lớn loài người đã luôn sống trong những vùng có nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 6°C đến 28°C, lý tưởng cho sức khỏe và cho sản xuất lương thực. Tuy nhiên, quãng dao động nhiệt này đang thay đổi và thu hẹp lại vì hệ quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Điều này đẩy ngày càng nhiều người vào tình cảnh, mà báo cáo nghiên cứu mô tả là các điều kiện cực đoan “gần như không sống nổi.”

Các nhà nghiên cứu nói rằng họ bị sốc về mức độ nhạy cảm của loài người, vì chúng ta sống tập trung trên mặt đất, mà mặt đất thì nóng lên nhanh hơn các đại dương, và vì phần lớn tình trạng gia tăng dân số trong tương lai sẽ tập trung tại các vùng vốn đã nóng sẵn ở Châu Á và Châu Phi. Vì những yếu tố dân số này, khi nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng 3°C, thì trung bình một người sẽ phải trải nghiệm một mức tăng nhiệt là 7,5°C.

Ở ngưỡng nhiệt này, khoảng một phần ba dân số thế giới sẽ sống trong môi trường có nhiệt độ trung bình khoảng 29°C. Đây là điều kiện hiếm thấy bên ngoài những vùng nóng nhất hiện giờ của sa mạc Sahara, nhưng khi trái đất nóng thêm 3°C, ngưỡng nhiệt độ này sẽ trở thành điều kiện phổ biến đối với 1.2 tỷ người ở Ấn Độ, 485 triệu người ở Nigeria và hơn 100 triệu người ở mỗi nước Pakistan, Indonesia và Sudan. Điều này sẽ đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh tị nạn khí hậu và gây nhiều khó khăn cho các hệ thống sản xuất lương thực. Thật vậy, như David Wallas-Wells, tác giả cuốn sách “Không còn đất sống: Cuộc sống sau khi Trái Đất nóng lên” (The Uninhabitable Earth: Life After Warming) cho biết, thậm chí với mức tăng nhiệt 2,5°C, thế giới sẽ bước vào một thời kỳ thiếu hụt lương thực trên toàn cầu – cần nhiều calories hơn khối lượng hành tinh này có thể sản sinh, chủ yếu là do hạn hán.

Giáo sư Marten Scheffer, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng:

“Chúng tôi không ngờ con người lại nhạy cảm như vậy. Chúng ta coi mình là loài có khả năng thích nghi tốt vì có quần áo, lò sưởi và máy điều hòa nhiệt độ. Nhưng trên thực tế, đại đa số loài người sống – và đã luôn luôn sống – trong một “ngách khí hậu” mà nay đang có những chuyển biến chưa từng thấy. Trong 50 năm tới sẽ có nhiều thay đổi hơn so với cả 6.000 năm trước đây.”

Các tác giả nghiên cứu hi vọng rằng những khám phá của họ sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có động lực tăng tốc quá trình giảm phát thải và cùng cộng tác để giải quyết vấn đề di cư.

Vào cuối năm 2018, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WMO) cảnh báo rằng nhiệt độ trên toàn cầu đang trong tiến trình tăng lên khoảng 3-5°C trong vòng thế kỷ này, vượt xa mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris về việc giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 2°C hoặc thấp hơn cho đến năm 2100.

Theo những ước tính từ hơn 70 nghiên cứu khoa học có bình duyệt, Tổ chức Carbon Brief đã đưa ra một bức tranh u ám về thế giới với các viễn cảnh tăng nhiệt 2°C, 3°C, và 4°C trong thế kỷ này:

Ở mức tăng 2°C, quá trình tan rã của các phiến băng sẽ vượt quá điểm tới hạn sụp đổ, kích hoạt tình trạng ngập lụt ở hàng tá các thành phố lớn trên thế giới và làm cho mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm 56cm. Ước tính GDP toàn cầu sẽ bị suy giảm 13%. Thêm 400 triệu người sẽ chịu cảnh thiếu nước và mỗi mùa hè sóng nhiệt ở các vĩ độ phía Bắc sẽ giết chết hàng ngàn người; chuyện còn tệ hơn ở các vùng quanh xích đạo. Ấn Độ sẽ có số đợt sóng nhiệt cực đoan nhiều gấp 32 lần, mỗi đợt kéo dài gấp 5 lần và số người bị ảnh hưởng nhiều hơn gấp 93 lần. Đây là viễn cảnh tốt đẹp nhất.

Ở mức tăng 3°C, miền nam Châu Âu sẽ khô hạn vĩnh viễn. Các đợt hạn hán sẽ kéo dài trung bình 19 tháng ở Trung Mỹ, 21 tháng ở vùng Caribbean, và 60 tháng – tức 5 năm – ở Bắc Phi. Diện tích cháy rừng hàng năm sẽ tăng gấp đôi ở vùng Địa Trung Hải và gấp sáu lần ở Hoa Kỳ. Các thành phố từ Bãi biển Miami cho đến Jakarta sẽ bị nhấn chìm vì nước biển dâng và thiệt hại do lũ từ các con sông sẽ tăng gấp 30 lần ở Bangladesh, 20 lần ở Ấn Độ và lên tới 60 lần ở Anh Quốc. Mức tăng nhiệt này vẫn còn tốt hơn mức chúng ta có thể đạt được nếu tất cả các quốc gia trên thế giới tuân thủ cam kết của họ với Hiệp định Paris – mà hiện giờ thì số nước tuân thủ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ở mức tăng 4°C, chỉ riêng khu vực châu Mỹ Latinh mỗi năm sẽ có 8 triệu ca sốt xuất huyết. Sản lượng ngũ cốc toàn cầu sẽ sụt giảm tới 50%, gây ra khủng hoảng lương thực hàng năm hoặc gần như mỗi năm. Nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm hơn 30% so với khi không có biến đổi khí hậu, và chúng ta sẽ chứng kiến số cuộc xung đột và chiến tranh tăng lên ít nhất là 50%.

Mặc dù loài người đã tiến được những bước dài trên con đường cắt giảm chi phí năng lượng tái tạo và chuyển hướng đầu tư ra khỏi than đá, lượng phát thải khí carbon vẫn tiếp tục gia tăng. Cần phải giảm phát thải để đưa đồ thị carbon đi ngang rồi đi xuống.

Một cách để giảm phát thải là thông qua thuế carbon. Tuy nhiên, mức thuế này cần phải cao hơn rất nhiều so với mức hiện thời hoặc ngay cả các mức đang được cân nhắc. Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) đã đề xuất việc tăng thuế carbon lên đến 5.000 đô la Mỹ cho mỗi tấn carbon thải ra vào năm 2030, và cho biết con số này có thể phải tăng lên đến 27.000 đô la Mỹ vào năm 2100. Hiện nay, chi phí xả thải carbon trung bình của 42 nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ là 8 đô la Mỹ một tấn.

Các con số này sẽ gây sốc cho cả những người lạc quan nhất. Nếu những con số ước tính là chính xác, thì đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu sẽ có thể làm 5 tỷ người, tức gần hai phần ba dân số thế giới hiện nay, phải rời bỏ chỗ ở của mình.

Hiển thị ý kiến phản hồi (1)

Phần chia sẻ ý kiến

  • Vũ Tuấn Phương

    Chắc chắn rằng trong một tương lai không xa vời, các cuộc chiến tranh và bạo loạn sẽ xảy ra rất nhiều để tranh giành mọi thứ, Một người có những suy nghĩ rất lạc quan như mình cũng không thể không khẳng định điều này.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

63°C SẼ XẢY RA Ở KUWAIT TRONG MÙA HÈ NÀY

Theo báo Al Qabas, vào Thứ Bảy tuần trước (8/6/2019), nền nhiệt đo được tại Kuwait chạm mức cao nhất thế giới, đạt 52,2°C trong bóng râm và 63°C dưới ánh nắng mặt trời. Ở Saudi...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Sử dụng Lãng phí Năng lượng

NỀN VĂN MINH NÀY SINH RA NHỜ NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH, THÌ SẼ CHẾT BỞI NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH

Hiện đang xuất hiện một SỰ LỪA DỐI rằng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo là chìa khóa để “xoa dịu” tình trạng mất ổn định của nền khí hậu đang xảy ra hiện...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic