9 TỶ NGƯỜI

Đó là dự báo về mức tăng dân số trên toàn cầu vào năm 2040. Chúng ta cứ thử tưởng tượng sẽ phải nuôi ăn thêm 2 tỷ người nữa trong khi hiện nay, vẫn có đến 800 triệu người khắp thế giới đang bị đói và suy dinh dưỡng, 2,7 tỷ người có mức sống dưới 2 USD/ngày. Nhưng ngược lại, để đổ đầy dầu diesel sinh học vào một thùng chứa có dung tích 25 gallon (94,5 lít), người ta cần đến hơn 450 pound (202,5kg) ngũ cốc. Đây là số lương thực đủ để nuôi sống một người trong một năm.

Thế cho nên khẩu hiệu hoành tráng “Vì một thế giới không bị đói” trên logo của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO – Food and Agriculture Organization) gần như luôn bị cạnh tranh bởi các tập đoàn sản xuất nhiên liệu sinh học (xăng/dầu Ethanol). Khi bình xăng xe hơi được xem trọng hơn cái dạ dày của con người, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Còn nhớ sự kiện lịch sử ngày 23/8/2007, giá lúa mì với hạn phân phối vào tháng 12 cùng năm trên thị trường giao dịch Chicago đã vượt mức kỷ lục: 7,50 USD/giạ. Qua tháng 9/2007, con số này đã là 8,11 USD/giạ (tức là 400 USD/tấn lúa mì). Từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2008, giá cả thực phẩm tăng chóng mặt, đến nỗi tờ The Economist phải bình luận: “Có lẽ chúng ta chưa thấy các bà xơ ăn cắp lúa, nhưng chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều chính phủ sụp đổ – khi mà những cuộc nổi loạn vì bánh mì trong lịch sử đang quay trở lại. Họ sẽ đánh nhau vì điều đó, và gây ra tình trạng căng thẳng địa chính trị cũng như hiểm họa suy sụp hoàn toàn các thị trường chứng khoán.”

Chi phí mua thức ăn đã chiếm 23% CPI (chỉ số giá tiêu dùng) ở Brazil, 29% ở Thái Lan, 33% ở Trung Quốc và 45% ở Ấn Độ. Chi phí này chiếm hơn 60% CPI ở những quốc gia cùng cực như Nigeria và Bangladesh, vì họ là những đất nước nằm giữa hai gọng kìm: vừa nhập khẩu xăng dầu, vừa nhập khẩu lúa gạo. Theo FAO, 37 quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là Burkina Faso, Haiti, Ai Cập, Yemen, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Mozambique, Uzbekistan, và Indonesia, gần như bị đánh gục khi cơn bão giá tràn qua, kéo theo các cuộc bạo loạn vì bánh mì và gạo.

Bắt đầu từ năm 2006, ba “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất ethanol dần dần lộ mặt: Mỹ (18 tỷ lít), Brazil (17 tỷ lít), và Liên minh Châu Âu (1,6 tỷ lít) (theo Báo cáo về chính sách, thị trường và nền thương mại năng lượng sinh học đối với an ninh lương thực, Hội nghị cao cấp FAO tại Rome, trang 3). Trong năm 2017 vừa qua, sản lượng xăng ethanol của Mỹ đã tăng lên 57.9 tỷ lít, trong khi Brazil là 27.2 tỷ lít và Liên minh Châu Âu là 4.92 tỷ lít. Trung Quốc mới bước vào thị trường này với mức sản lượng khoảng 3 tỷ lít. Được các chính phủ hỗ trợ bằng chính sách và nguồn tài chính, nhiều tập đoàn kinh tế lớn phấn khởi đầu tư vào lĩnh vực hứa hẹn hốt bạc này, trong đó có tỷ phú Richard Branson (của hãng hàng không Virgin Atlantic Airways), nhà tài phiệt khét tiếng George Soros, các tập đoàn xăng dầu GE và BP, Ford, Shell, Cargill và Carlyle Group. Còn các bác nông dân thì sao ? Họ bị cám dỗ phá bỏ những ruộng lúa: “Tôi yêu thích

vì nông sản bán được giá hơn”. Ở các nước đang phát triển, như Angola, Malaysia, và Thái Lan, người ta khuyến khích trồng mía, cọ dầu và cây sắn thay vì lúa nước.

Tuy nhiên, có những nghịch lý khá rõ ràng và khó vượt qua cho thấy giải pháp dùng nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt) là một huyền thoại: Chỉ riêng việc sản xuất 1 lít ethanol đã tốn 4 lít nước sạch. Hoặc thời gian “trả nợ khí thải carbon” cho những cánh rừng bị đốn để trồng ngô nhằm sản xuất ethanol là 93 năm, trồng đậu nành nhằm sản xuất dầu diesel sinh học là 319 năm và trồng cây cọ dầu là 423 năm. Một điều đáng lo ngại hơn chính là nhu cầu của con người về năng suất thu hoạch mùa vụ cao sẽ trở thành động lực đẩy nhanh việc chấp nhận ứng dụng các sản phẩm biến đổi gene, gây “ô nhiễm” nguồn tài nguyên di truyền trong tự nhiên của nhiều chủng loài thực vật và động vật.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng cho dù sản lượng tối đa dầu diesel sinh học trên toàn cầu có thể đạt đến 510 tỷ lít (nghĩa là chúng ta đã trồng cây cọ dầu ở bất cứ đâu có thể trên Trái Đất này), thì cũng chỉ đủ để đáp ứng từ 4-5% nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới hiện nay.

Nhưng vì lợi nhuận, chắc chắn các tập đoàn sản xuất nhiên liệu sinh học vẫn sẽ đầu tư, triển khai và kéo tất cả mọi nguồn lực vào vòng cám dỗ của xăng/dầu “xanh, sạch, và bảo vệ môi trường” này. Và sẽ đến lúc chiếc bình xăng trên xe hơi sẽ cạnh tranh gay gắt với cái dạ dày của người nghèo khổ trên toàn thế giới, vì hiện nay, chỉ riêng 40% vụ mùa thu hoạch bắp ở Mỹ được sử dụng để sản xuất xăng Ethanol E85, trong khi số bắp này đủ để làm no bụng tất cả mọi người dân Châu Phi trong một năm!

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Tị nạn Khí hậu

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU SẼ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHÍNH TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Ngày hôm qua (10/4/2019), tờ Washington Post vừa giật tít như sau: TRONG KHI NHÀ TRẮNG NGHI NGỜ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, QUÂN ĐỘI MỸ ĐANG LÊN KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ CHO CUỘC KHỦNG HOẢNG. Xem:...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền văn minh sụp đổ

TẠI SAO CÁC THÔNG TIN NÀY KHÔNG NẰM TRÊN TRANG NHẤT CỦA MỌI TỜ BÁO?

Đây là một đoạn twit được chụp trên trang của Ben See – một giáo viên dạy văn cho học sinh trung học tại Pháp. “BẠN CÓ BIẾT? 1. CÁC VỤ MÙA NÔNG SẢN TRÊN TOÀN CẦU SẼ BỊ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic