Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ GIẢM CÓ THỂ KHIẾN THỜI TIẾT NÓNG HƠN VÀ GIÓ MÙA MẠNH HƠN


hanhtinhtitanic
Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ GIẢM CÓ THỂ KHIẾN THỜI...

Giới khoa học cho biết rằng, những cải thiện đáng kể về chất lượng không khí có liên quan đến việc phong tỏa xã hội do đại dịch coronavirus có thể làm tăng bức xạ Mặt Trời và ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết.

Khi các nhà máy đóng cửa và đường xá tương đối trống trải, thì ô nhiễm không khí ở các đô thị trên khắp Châu Á, Châu Âu và ở nước Mỹ đã giảm tới 60% trong những tuần gần đây. Việc thiếu hiện tượng bụi mù đã khiến bầu trời trở nên xanh trong hơn, và một số người ở miền bắc Ấn Độ đã có thể nhìn thấy dãy Himalayas lần đầu tiên sau 30 năm.

Điều đó cũng có nghĩa là, với ít hạt bụi và khí gây ô nhiễm cản trở đường đi của bức xạ Mặt Trời, thì sẽ có nhiều ánh nắng hơn có thể chạm tới bề mặt Trái Đất.

Đầu năm nay, các nhà khoa học đã xác nhận rằng bầu trời sạch hơn trong những thập kỷ gần đây đã làm cho bề mặt Trái Đất trở nên “sáng bóng” hơn. Các phép đo vệ tinh cho thấy Châu Âu đã trải qua hiệu ứng gây mờ khí quyển cho đến cuối thập kỷ 1980, và sau đó là hiệu ứng “sáng bóng” khi họ bắt đầu áp dụng các bộ luật chống ô nhiễm không khí. Trung Quốc cũng đã theo đuổi mô hình tương tự, nhưng phải đợi đến tận năm 2005 thì bầu trời của họ mới bắt đầu trở nên “trong sáng” hơn.

Thậm chí, bầu trời trong sạch hơn do các lệnh phong tỏa xã hội dường như đã tăng cường hiệu ứng “làm sáng bóng” này hơn nữa, nhưng việc đo lường tác động ấy đến nền khí hậu thì không đơn giản.

Ts. Laura Wilcox, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Reading, giải thích:

“Hiện tượng bụi mù khí quyển có thể tán xạ và hấp thụ bức xạ Mặt Trời. Chúng cũng có thể làm thay đổi các đám mây để khiến mây phản xạ nhiều hơn và tồn tại lâu hơn.

Không giống như carbon dioxide, bụi mù ô nhiễm chỉ tồn tại trong khí quyển trong một hoặc hai tuần, và điều đó có nghĩa là chúng ta cũng sẽ nhanh chóng cảm nhận được bất kỳ mức độ giảm ô nhiễm nào.

Ts. Wilcox cho biết:

“Với lượng bụi mù ô nhiễm nhỏ hơn trong khí quyển, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều bức xạ mặt trời chạm tới bề mặt hành tinh hơn, và do đó có khả năng làm tăng nhiệt bề mặt hơn nữa ở những khu vực mà trước đây thường có mức độ ô nhiễm không khí cao.”

Nhưng việc phát hiện ảnh hưởng của việc giảm bớt ô nhiễm không khí, và làm cho chuyện đó không tác động đến những thăng trầm ngẫu nhiên trong thời tiết, thì sẽ vô cùng khó khăn.

Ts. Richard Allan, một nhà khoa học khí quyển khác tại Đại học Reading, cho biết:

“Ở đây tại nước Anh, chúng tôi đã ghi nhận được các lượng bức xạ mặt trời kỷ lục, nhờ hệ thống áp cao bị khóa chặt đã tồn tại trên cả nước trong suốt tháng Tư. Những điều kiện thời tiết bất thường này có khả năng che đi bất kỳ hiện tượng tăng nhiệt nào do bầu trời trở nên trong xanh hơn.”

Tuy nhiên, các phép đo trên một diện tích lớn hơn và trong một thang thời gian dài hơn có thể chứng minh hiệu ứng khí hậu mang tên “Covid” này. Trước đây, khi chạy các mô phỏng trên máy tính, Ts. Wilcox và các đồng nghiệp của bà đã từng chỉ ra rằng, việc cắt giảm nhanh chóng ô nhiễm không khí có khả năng đẩy mạnh tiến trình làm thay đổi khí hậu trong tương lai.

Trong các kịch bản cực đoan nhất (với chất lượng không khí được cải thiện nhanh chóng), kết quả của họ cho thấy vào khoảng năm 2050, ngày có nền nhiệt nóng nhất trong năm có thể tăng đến +4°C, mà có khoảng một phần ba của mức tăng đó là do bầu trời trong sạch hơn.

Nghiên cứu mới nhất của Ts. Wilcox cũng dự báo rằng, việc giảm ô nhiễm không khí ở Châu Á cũng sẽ dẫn đến những trận mưa gió mùa nhiệt đới dữ dội hơn, bị kích hoạt do sự tương phản lớn hơn về nhiệt độ giữa đại dương và đất liền.

Nếu sự sụt giảm ô nhiễm không khí được duy trì đủ lâu, thì chúng ta có thể nhận ra tác động của nó đối với nền khí hậu.

Ts. Wilcox nói:

“Tôi sẽ theo dõi chặt chẽ Ấn Độ trong những tuần tới. Chúng tôi đặc biệt tin rằng sẽ chứng kiến gió mùa hè bắt đầu xuất hiện trong vòng bốn tuần lễ tới, và thông thường sẽ thấy cả nhiệt độ rất nóng và mức độ bụi mù ô nhiễm cao xảy ra ngay trước khi bắt đầu các cơn gió mùa.”

Thay vì thế, việc giảm ô nhiễm không khí ở khu vực phía Bắc Ấn Độ có thể kích hoạt một mùa gió dữ dội hơn, và Ts. Wilcox cùng các đồng nghiệp đang chờ đợi, sẵn sàng để thu thập các con số dữ kiện và so sánh với các năm trước đó.

Nhưng thậm chí ngay cả khi việc bầu trời sạch hơn đang tạm thời tăng tốc biến đổi khí hậu, thì những nguy cơ lâu dài liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn còn lớn hơn rất nhiều.

Liên quan đến vấn đề trên, Ts. Allan cho biết:

“Việc tiếp tục thải khí nhà kính vào bầu khí quyển với tốc độ hiện tại sẽ khiến nhiệt độ tăng cao hơn và duy trì lâu hơn, cùng với những thay đổi trong chu trình luân chuyển nước trên toàn cầu, sẽ gây ra các tác động nghiêm trọng cho xã hội và hệ sinh thái mà chúng ta đang phụ thuộc.”

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Sốc nhiệt/nhiệt bầu ướt

PHÂN TÍCH KHÍ HẬU NÓNG ẨM VIỆT NAM

Dưới đây là các biểu đồ vệ tinh lúc 10g sáng, ngày 20/5/2019, trên phạm vi Việt Nam và bán đảo Đông Dương: Hình số 1: Nền nhiệt môi trường ở mức cảm thụ phản xạ sóng nhiệt (Misery...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Đại dương nóng lên

VÙNG NƯỚC ẤM BẤT THƯỜNG NGOÀI KHƠI NEW ZEALAND

Ngày 23/12/2019 vừa qua, ngoài khơi khu vực Nam Thái Bình Dương, cách bờ Đông New Zealand khoảng 2.300km, một vùng nước có diện tích gấp 4 lần đảo quốc này đã đột nhiên gia tăng...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic