CON NGƯỜI, COVID-19 VÀ SỰ SỤP ĐỔ HỆ SINH THÁI


Konan
CON NGƯỜI, COVID-19 VÀ SỰ SỤP ĐỔ HỆ SINH THÁI

CON NGƯỜI, COVID-19 VÀ SỰ SỤP ĐỔ HỆ SINH THÁI

Khi một hệ sinh thái tự nhiên vượt qua điểm bùng phát (tipping point), nó sẽ sụp đổ (collapse) và chuyển sang trạng thái mới (regime shift). Chúng ta luôn nghĩ rằng thời gian của diễn thế sinh thái này tỷ lệ thuận tuyến tính với kích thước của hệ sinh thái. Nhưng nghiên cứu của Cooper và cộng sự đăng trên tạp chí Nature hôm 10/03/2020 cho thấy nhận định thiên kiến này hoàn toàn sai [1].

Sau khi phân tích 42 diễn thế sinh thái khác nhau, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng hệ sinh thái lớn có cấu trúc phức hợp đa dạng hơn hệ sinh thái nhỏ. Đặc điểm này củng cố tính bền (resilient), giúp hệ sinh thái lớn bền vững hơn với những cú sốc ngoại cảnh và giữ được trạng thái cân bằng trong thời gian dài. Nhưng cũng chính cấu trúc phức hợp ấy lại trở thành tử huyệt của hệ sinh thái lớn, khiến nó sụp đổ nhanh hơn khi bị đẩy quá ngưỡng tới hạn. Lý do thứ nhất là trong một hệ thống nhiều tầng bậc, một thành phần bậc cao sụp đổ sẽ huỷ hoại đồng thời nhiều thành phần thứ cấp lệ thuộc vào nó. Lý do thứ hai là những tương tác tiềm ẩn giữa các nhóm thứ cấp khiến chúng ảnh hưởng lẫn nhau. Nói đơn giản, đây là hiệu ứng domino, nhưng không phải là một chuỗi, mà là một mảng domino sụp đổ theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.

Nghiên cứu này vẽ ra viễn cảnh những hệ sinh thái vốn đã cân bằng qua hàng triệu năm qua sẽ sớm biến mất chỉ trong quy mô một…đời người. Ví du, theo tính toán của nhóm, thời gian để làm tan rã hệ sinh thái rạn san hô vùng biển Caribbean (rộng 20.000 km2) chỉ là 15 năm. Nó được dự báo sẽ biến mất vào năm 2035, sau khi đã sụt giảm tới 80% chỉ trong hơn 20 năm (1977-2001). Một ví dụ khác, hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới Amazon (rộng 5.500.000 km2) cũng chỉ cần 49 năm để sụp đổ hoàn toàn. Tổng hợp các nghiên cứu cho thấy kho báu đa dạng sinh học này có thể bắt đầu sụp đổ ngay năm…2021. Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ cùng thế hệ của Greta Thunberg sẽ có cơ hội được chứng kiến một Trái Đất khác hoàn toàn so với hiện tại. Những kiến thức chúng được học bây giờ, kiểu như Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, có thể sẽ không còn đúng nữa.

Nhưng lúc đó chắc cũng chẳng ai lo lắng chuyện in lại sách giáo khoa cho đúng thực tế, bởi thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng nặng khi những hệ sinh thái quan trọng sụp đổ. Bao lâu nay chúng ta vẫn hưởng miễn phí vô số dịch vụ hệ sinh thái (ecosystem services). Có thể nói nền văn minh loài người sẽ không bao giờ xuất hiện nếu không có những ưu đãi này của tự nhiên. Chỉ riêng vấn đề sản xuất lương thực thực phẩm, những dịch vụ này đã là không đếm xuể: thụ phấn, tái tạo và cân bằng môi trường đất, tuần hoàn dinh dưỡng, điều tiết khí hậu, cung cấp nước và độ ẩm, điều tiết sinh vật có hại và bệnh tật [2]. Khi những dịch vụ này biến mất, cũng là lúc con người sẽ chìm vào màn đêm của nạn đói. Tưởng tượng mà xem, vừa rồi chỉ thiếu mấy cuộng giấy vệ sinh thôi mà người ta đã lao vào cắn xé nhau, thì khi nạn đói diễn ra trên khắp thế giới, điều gì sẽ xảy ra?

“Nếu loài ong biến mất khỏi mặt đất, con người có thể sẽ không tồn tại thêm quá 4 năm.”

– Albert Einstein –

Những sự sụp đổ đó không còn là tương lai nữa. Đột biến Khí hậu đã bắt đầu. Cuộc đại tuyệt chủng đã bắt đầu. Suy thoái môi trường hàng loạt đã bắt đầu. Vậy con người sẽ phản ứng thế nào trước những lưỡi dao đã kề vào cổ như vậy? Có lẽ diễn biến của đại dịch Covid-19 là một phiên bản dự báo rút gọn cho câu hỏi này.

Tại Trung Quốc, nơi khởi phát của dịch, việc đầu tiên chính quyền làm là đàn áp, chụp mũ và bịt miệng những người dám cảnh báo sự thật. Không phủ nhận những bước đi cứng rắn cần thiết để dập dịch sau đó, nhưng chẳng gì có thể bào chữa cho hành động lơ là để dịch bùng phát của Trung Quốc. Thậm chí ngựa quen đường cũ, ngay sau khi đợt dịch đầu tiên tạm lắng, Trung Quốc lại thực hiện ngay một chiến dịch tuyên truyền “Cảm ơn Bác Tập”, tô vẽ hình tượng một chính quyền đầy trách nhiệm [3]. Nhưng có lẽ hàng trăm triệu người Trung Quốc vừa trải qua những ngày tháng khiếp sợ là hiểu rõ nhất tinh thần trách nhiệm này. Trơ trẽn đỉnh cao hơn nữa là khi chính quyền Trung Quốc cố gắng nâng tầm việc khống chế xong giai đoạn đầu dịch như một chiến thắng vĩ đại. Nó giống như lỡ tay đốt nhà chết người, xong dập lửa và gọi đó là một thành tựu vậy. Phần thưởng cho chiến thắng đó có lẽ là tính mạng của hơn 3 ngàn người chăng?

So với chính quyền Tập, chính quyền Trump cũng không hề kém cạnh về khoản cố đấm ăn xôi vì lợi ích kinh tế-chính trị. Có thừa thời gian để chuẩn bị, nhưng Trump tính không bằng Cô Vy tính, nước Mỹ vĩ đại vẫn bị con virus to chưa tới 200 nm úp sọt trong hoảng loạn. Thành tựu rõ nét nhất trong giai đoạn chuẩn bị cho dịch Covid-19 của Mỹ có lẽ là những bộ kit xét nghiệm lỗi tung toé và một mớ phát ngôn vòng vèo, dối trá của vị vua Twitter: nào là chúng ta hoàn toàn kiểm soát được tình hình, nào là sang tháng 4 virus sẽ biến mất, nào là so sánh với cúm mùa; nào là đổ lỗi cho Obama khi phải thông báo tình trạng khẩn cấp quốc gia. Thôi thì đủ thứ lố lăng còn hơn showbiz của cường quốc số 1 thế giới [4][5].

Trước dịch Covid-19, một số quốc gia châu Á đã có những hành động quyết liệt để khống chế dịch từ giai đoạn đầu. Nhưng sự cẩn trọng hiệu quả đó được đóng góp rất lớn bởi cuộc diễn tập kinh hoàng có tên SARS trước đây. Nên nhớ rằng trải nghiệm với Đột biến Khí hậu hay Đại tuyệt chủng thì sẽ chẳng có cơ hội thứ 2 như vậy. Còn các nước châu Âu thì không phải nói thêm gì nữa, dũng cảm vô tư hơn cả bé Lượm đưa thư. Đàn gảy tai khủng long, điếc không sợ tên lửa. Chết chóc là điều không ai mong muốn, nhưng tình trạng vỡ trận ở đây là kết cục hiển nhiên.

Một điều nực cười nữa là trong đại dịch, các nước vẫn không quên tặng nhau những thuyết âm mưu, những cuộc khẩu chiến, những cú áp phe đánh lạc hướng dư luận. Như thể không bên nào quan tâm tới một nguyên tắc rất quan trọng để xử lý những khủng hoảng: sự đoàn kết. Mạng lưới lợi ích kinh tế đan xen, cùng những lọi ích chính trị sâu xa, đã vạch trần cái cách giới lãnh đạo sẽ dẫn dắt người dân trong khủng hoảng, dù là khủng hoảng Cô Vy, hay là khủng hoảng môi trường.

Vậy còn quần chúng nhân dân thì sao?

Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn thị trường toàn cầu Ipsos đã thực hiện một khảo sát online trên 10.000 người trưởng thành tại 12 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Nga, Đức, Ý, Nhật, Ấn Độ, Việt Nam, Canada, Trung Quốc. Kết quả khảo sát nói lên cách con người nhìn nhận về đại dịch Covid-19: họ quan tâm tới nó như mối nguy kinh tế trước cả khủng hoảng sức khoẻ [6].

Đặc biệt nữa, khảo sát cũng cho thấy càng ở các quốc gia tiên tiến thì « người trưởng thành » càng có xu hướng coi thường sự nguy hiểm của con virus Vũ Hán, cho rằng nó không ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng không đáng kể tới sức khoẻ của mình. Vậy nên chẳng có gì lạ khi người Anh vẫn vô tư đi bar, người Pháp vẫn tụ tập ngoài công viên [7][8][9]. Người Đức thậm chí còn định tổ chức hẳn “Tiệc Corona” (“Corona Parties”) như thể đó là một kỳ nghỉ lễ [10]. Người Mỹ cũng không vì dăm ba con virus mà dừng lối sống hưởng lạc vô bờ bến của mình. Một thanh niên đang hú hét chờ đợi lễ hội bãi biển ở Florida, đã trả lời phỏng vấn của đài NBC News như thế này [11]:

“Nhiễm (corona) thì nhiễm. Cuối ngày rồi, tao không để nó ngăn tao tiệc tùng đâu.”

Câu nói của thanh niên này đã tóm gọn khá đầy đủ cách con người phản ứng trước thảm hoạ. Dù là Covid-19, hay là sự sụp đổ của hệ sinh thái, của môi trường sống, của nền khí hậu: thế giới sụp đổ thì sụp đổ, điều đó cũng không ngăn được con người chạy theo lòng tham, sự ích kỷ và ngạo mạn.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

NỀN NHIỆT TẠI LHASA CHẠM MỨC 46.0°C

Dự báo nền nhiệt tại Lhasa (Chengguan) ở Bình nguyên Tây Tạng (Tibet) sẽ chạm mức 46.0°C lúc 13:00 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 22/6/2019. Xin lưu ý rằng, dự báo về nhiệt độ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Khủng hoảng Sông Mekong

CHÚNG TA ĐANG CHỨNG KIẾN NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG?

Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức phi chính phủ Stimson – nơi hoạt động để giải quyết những mối đe dọa lớn cho an ninh và sự thịnh vượng của thế...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic