MƯA LŨ THẢM KHỐC Ở JAKARTA VÀ 3 CUỘC KHỦNG HOẢNG


Savio
MƯA LŨ THẢM KHỐC Ở JAKARTA VÀ 3 CUỘC KHỦNG...

Trong khi thế giới và mạng xã hội tràn ngập với cảm xúc kinh hoàng trước thảm hoạ cháy rừng ở Australia, gây ra cái chết của 25 người và nửa tỷ động vật hoang dã, thì tại Indonesia, mưa lũ vừa cướp đi sinh mạng của…66 người chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2020.

Ngay trong ngày đầu năm mới, một đợt mưa xối xả đã trút 380mm nước vào thủ đô Jakarta của Indonesia, nơi có gần nửa diện tích vốn đã nằm…dưới mực nước biển. Đợt mưa lớn nhất kể từ năm 1996 này đã nhấn chìm thành phố trong biển nước. Một số chỗ còn bị ngập tới…6m. Tức là nếu không có nhà cao từ 3 tầng trở lên, bạn sẽ không có chỗ nào thoát thân! Gần 400.000 người trong đại đô thị hơn 30 triệu dân này đã phải rời bỏ nhà cửa. Tới sáng hôm qua, 35.000 người vẫn không thể trở về bởi dù đã rút bớt, nước vẫn ngập tới 1,5m trong nhà của họ. Tình hình dự kiến còn diễn biến căng thẳng do mưa được dự báo vẫn tiếp diễn trong vài ngày tới với tổng vũ lượng khoảng 102mm.

Bạn có biết?

Jakarta rất giống, thậm chí chính là tấm gương đi trước cho thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất Việt Nam với dân số gần 10 triệu người, tương đương gần một nửa dân số đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn cả hai thành phố này đều được xây dựng trên một nền đất đầm lầy yếu về mặt địa chất, nhưng lại phải gánh tham vọng phát triển kinh tế nặng nề vô độ của con người. Để thu hút tiền của nhân lực, người ta vét cát sông về dựng lên những khối bê tông khổng lồ và tô vẽ cho chúng bằng những ngôn từ mỹ miều như “văn minh, hiện đại”. Để phục vụ một xã hội tiêu thụ, cũng như xây dựng lên chính những mảng bê tông giăng kín khắp nơi, người ta chọc vòi xuống lòng đất hút sạch túi nước ngầm được tích trữ qua hàng chục ngàn năm.

Nhưng nước hút lên thì nhanh, chỉ nước thấm trở lại đất thì chậm, thậm chí còn chậm hơn bởi đâu đâu cũng là bê tông, là nhựa đường. Và điều gì đến cũng phải đến, cả Jakarta và thành phố Hồ Chí Minh giờ đây đều trở thành những con bệnh nặng của căn bệnh “đất lún” (land subsidence), là miếng mồn ngon cho con quái vật đang lừ lừ tiến tới có tên “mực nước biển dâng” (sea level rise) hay những đợt ngập lụt.

Nhưng ngập thì cũng có ngập this ngập that. Trong một clip phóng sự thực hiện bởi kênh DW (Đức), chuyên gia đô thị học Marco Kusumawijaya, người sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đô thị RUJAK, đã nói thế này về tình trạng ngập lụt ở Jakarta:

“Điều tồi tệ là gần như toàn bộ khu dân cư nghèo sẽ bị ngập do khu nhà giầu nâng cốt nền cao lên. Bởi khi họ (hội nhà giầu) tự nâng nền của mình, phần nước ngập ở đó sẽ đổ hết sang khu nhà nghèo xung quanh.”

Xem clip tại đây:

Chúng tôi có dịch một đoạn nhỏ của video clip trên, như sau:

Vậy là ngập thì có, nhưng không phải đâu cũng ngập như nhau. Cái hay ở đây là, người giàu có thể ngại ngần chia sẻ tiền bạc cho người nghèo, nhưng với việc chia sẻ “nước” thì họ lại rất hào phóng.

Câu chuyện xây dựng loạn cốt nền, phá vỡ quy hoạch, sửa quy hoạch, quy hoạch ưu tiên một số đối tượng khiến ma trận ngập ngày càng khó phá cũng chẳng có gì lạ lẫm ở Việt Nam. Trong xã hội kim tiền này, trong nền kinh tế mà bất động sản là xương sống, người ta không quan tâm tới việc giữ cho hệ sinh thái vận hành vì lợi ích chung, người ta chỉ quan tâm tới vị trí đắc địa, tới khả năng sinh lời của lô đất, của căn nhà.

Trước đây, cái nghề kiến trúc sư nó cao quý, trọng vọng lắm. Nhưng giờ đây, chỉ với vài cú lobbies, vài buổi gặp thân tình trên bàn tiệc, người ta đã đơn giản hoá công việc của các kiến trúc sư và nhà quy hoạch rất nhiều. Những “chuyên gia” này, hay bây giờ có thể gọi là thợ vẽ, sẽ chỉ phải vẽ những bản vẽ được định sẵn số biệt thự và diện tích sàn, còn việc nước có thoát được không không quan trọng. Nếu một khoảng đất trống có vị trí đắc địa, bất kể là công viên, nghĩa trang nơi có người nghèo ở, người ta sẵn sàng lao vào gạt đi để trồng cây, nhưng là cây bê tông. Kỳ diệu hơn, kể cả chỗ không có đất như sông hồ, con cháu Sơn Tinh sẵn sàng vác đất về lấp và tiếp tục công cuộc trồng rừng bê tông của mình. Và đỉnh cao hơn, người ta còn mạnh dạn gọi những khu như thế là…khu sinh thái.

Một lẽ tự nhiên, để tưới mát cho rừng bê tông của con người, ông trời mang tới…ngập lụt. “Bi kịch của mảnh đất công” (tragedy of the commons) này là kết cục tất yếu khi người ta đua nhau chạy theo tăng trưởng phát triển, những giá trị giả tạo, mà mặc kệ các quy luật tự nhiên. Nhưng bi kịch này cũng không được chia đều. Những nhóm yếu thế có thể không đóng góp nhiều vào khủng hoảng môi trường-khí hậu, có thể không có tiếng nói trong việc hoạch định phát triển đô thị, nhưng khi ngập lụt xảy ra, họ chắc chắn sẽ được ưu tiên hưởng đầu tiên và nhiều nhất. Mà người nghèo ơi, ngập lụt thôi chưa hết đâu, hãy đón chờ dịch bệnh, nhà cửa vật dụng hỏng hóc nữa nhé. Hãy tiếp tục bỏ tiền ra chữa bệnh, vay nợ, hãy tiếp tục nghèo để sống kiếp nô lệ cho đồng tiền, phục dịch cho người giàu.

Đến đây, chúng ta hãy trở lại với chia sẻ của ông Joseph Stiglitz – cựu Phó Chủ tịch và Nhà Kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), cựu thành viên và là cựu Chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Mỹ, người được trao giải Nobel Kinh tế năm 2001:

“Đã đến lúc phải giết chết khái niệm tăng trưởng theo GDP. Thế giới đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng mang tính sống còn: khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng bất bình đẳng, và khủng hoảng dân chủ. Trong khi đó, chúng ta lại đồng thuận sử dụng những cách thức đánh giá hiệu quả nền kinh tế hoàn toàn không có liên quan gì đến các vấn đề chúng ta đang phải đối mặt.”

Xem bài giới thiệu chia sẻ của ông Joseph Stiglitz:

Và sau tất cả, bạn có nhận ra rằng cả ba cuộc khủng hoảng kia, người Việt Nam chúng ta đều đang chiêm ngưỡng hàng ngày, ngay trước mắt?

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Hệ thống Tư bản Tài chính

KHÁM PHÁ VÀ CHỐI BỎ SỰ THẬT

Trong loạt tư liệu về những gì mà các tập đoàn dầu khí đã biết cách đây 60 năm, liên quan đến chuyện sản phẩm xăng dầu và ngành kinh doanh của họ sẽ đẩy cả hành tinh vào chỗ chết,...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

NỀN NHIỆT ĐỘT NGỘT TĂNG CAO Ở VÙNG CẬN CỰC NGA VÀ CHÂU ÂU

Hình số 1: Ngày 12/5/2019 vừa qua, tại khu vực Tây-Bắc nước Nga, nền nhiệt chạm mức 31°C ở Koynas, Arkhangelsk Oblast (vĩ tuyến 64,8° – 65° Bắc), nằm ngay phía Nam của Vòng...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic