CUỘC ĐẠI CHUYỂN ĐỔI CẤP THIẾT CHO NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI


hanhtinhtitanic
CUỘC ĐẠI CHUYỂN ĐỔI CẤP THIẾT CHO NỀN VĂN...

Các bạn mới theo dõi Hành tinh Titanic thì sẽ luôn có một câu hỏi sau khi đọc những cảnh báo về cuộc Khủng hoảng Khí hậu và Đại tuyệt chủng Lần thứ Sáu. Đó là GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ NÀY LÀ GÌ? Các bạn đã theo dõi Hành tinh Titanic từ lâu thì có lẽ đã hiểu rằng sẽ khó đạt được một giải pháp toàn diện cho một vấn đề phức tạp vượt trên mọi khả năng và ý thức của loài người, một khi chúng ta đã sa lầy vào hệ thống cũ dựa trên lợi nhuận và tiêu thụ quá lâu.

Nhưng thôi. Đó chỉ là sự lập lại của những điều mà chúng ta không làm nổi. Trong bài chuyển ngữ dưới đây, chúng tôi lại tiếp tục giới thiệu các đề xuất cho một giải pháp – lại rất khó thành hiện thực nữa, để các bạn cùng đọc, tham khảo, suy tư và nhận định khi đối chiếu với tình hình thực tế đang diễn ra ngày hôm nay.

Bài này được một cây viết chuyên về phân tích khủng hoảng khí hậu và môi trường – Ông Umair Haque – trên Kênh Blog Medium thực hiện. Bài do một bạn đọc của Hành tinh Titanic tại Canada chuyển ngữ tiếng Việt và gửi đến độc giả Việt Nam với hy vọng thay đổi tầm nhìn và ý thức của chính người Việt Nam trước thời cuộc và khúc quanh lịch sử chủng loài.

Nguồn bài viết trên Medium (thường thì Medium bị an ninh mạng Việt Nam chặn lại và người dân trong nước không thể đọc được nếu không có kỹ thuật vượt tường lửa):

Our Civilization Needs a Great Transformation

Chúng ta cần ba thập kỷ để thay đổi. Liệu chúng ta có làm được không?

Một sự thật trở nên rõ ràng đến đáng sợ: nền văn minh của chúng ta đang trên đà sụp đổ, hướng đến tự hủy diệt. Bạn chỉ cần nhìn vào năm ngoái để hình dung thoáng qua về những gì sẽ đến – nền nhiệt độ kỷ lục, đại hỏa hoạn, lũ lụt diện rộng và đại dịch không bao giờ kết thúc, đây chỉ là khởi đầu của một kỷ nguyên sụp đổ.

Bất kỳ ai biết suy nghĩ cũng hiểu rằng, tại thời điểm này của lịch sử loài người, nền văn minh đang có vấn đề. Chúng ta phảđối mặt với thảm họa ngày càng chồng chất trong từ ba đến năm thập kỷ tới, ba đợt sóng của ngày tận thế – trong đó COVID chỉ là một điềm báo trước mà thôi. Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân vào những năm 2030; đến những năm 2040, sự tuyệt chủng hàng loạt bắt đầu giết chết sự sống trên Trái Đất; và đến những năm 2050, các hệ sinh thái tuyệt vời của hành tinh — mà nền văn minh của chúng ta phụ thuộc vào đó để có thức ăn, nước, không khí, thuốc men, và năng lượng – tất cả bắt đầu sụp đổ không thể đảo ngược được nữa.

Bang! Những suy thoái, hoảng loạn, biến động, di cư, phong tỏa và chủ nghĩa phát xít gây ra bởi những làn sóng thảm họa đang ập đến sẽ khiến sáu tháng vừa qua giống như một kỷ niệm dễ chịu.

Cái giá phải trả chưa bao giờ lớn đến thế. Chúng ta không phải là đế quốc La Mã suy tàn. Trường hợp của chúng ta lại giống với loài khủng long [bên bờ tuyệt chủng]. Chúng ta phải đối mặt với các mối đe dọa sinh tồn quá lớn, đến nỗi chúng thách thức khả năng thực sự thấu hiểu vấn đề của chúng ta. Vào giữa thế kỷ này, theo xu hướng như đang diễn ra trong hiện tại, nền văn minh của chúng ta đơn giản là không thể tồn tại được nữa. Và nếu bạn nghi ngờ tôi, hãy nhìn vào nước Mỹ – một quốc gia phủ nhận tất cả những điều trên. Cuộc sống ở đó đang diễn ra thế nào?

Chúng ta cần làn sóng đầu tư lớn nhất trong lịch sử để chống lại làn sóng thảm họa lớn nhất trong lịch sử. Lớn đến mức nào? Tôi đã ước tính chi phí là khoảng 20 nghìn tỷ đô la. Đấy là một đống tiền khổng lồ — giống như phải đưa thêm một nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, là Hoa Kỳ, vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu không có sự đầu tư ở quy mô đó vào giữa thế kỷ này, thì nền văn minh của chúng ta sẽ kết thúc giống như nước Mỹ – không thể cung cấp những thứ cơ bản cho con người nữa, từ thức ăn, nước uống, không khí cho đến thuốc men.

Nền văn minh của chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không có một cuộc Đại Chuyển đổi, một loạt cách mạng định hình lại mọi thứ – và ý tôi là tất cả mọi thứ. Nói ngắn gọn hơn: chúng ta cần sửa chữa lại toàn bộ thế giới. ĐÚNG VẬY. Tuy nhiên, khi nghĩ sâu hơn, tôi nhận ra có năm lĩnh vực mà chúng ta thực sự cần khắc phục.

Hãy để tôi bắt đầu với nhóm trừu tượng trước, rồi chúng ta sẽ nhanh chóng chạm đến thực tế.

Lĩnh vực đầu tiên cần chuyển hóa là thế giới đạo đức. Hãy nhìn vào nền văn minh của chúng ta hiện nay. Vòng tròn đạo đức của nó đang ôm lấy những gì – đâu là ranh giới những người mà nó quan tâm, đầu tư, bảo vệ, nuôi dưỡng? Trong thập kỷ qua, làn sóng chủ nghĩa phe nhóm và chủ nghĩa dân tộc đã càn quét thế giới. “Tôi chỉ quan tâm đến cộng đồng của mình thôi! Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại! Nước Anh vì người Anh!” Và những thứ tương tự.

Các vòng tròn đạo đức lại đang ngày càng thu hẹp, vào đúng thời điểm chính xác mà chúng cần phải được mở rộng triệt để. Ý tôi là gì?

Vào giữa thế kỷ này, nếu nền văn minh muốn tồn tại, thì “cộng đồng đạo đức” của chúng ta — một thuật ngữ mà các nhà tư tưởng dùng để chỉ “những người chúng ta quan tâm, những người cùng nhóm với ta, những người đáng được chăm sóc và nuôi dưỡng” – phải được mở rộng ra ba cấp độ mới. Đầu tiên, là bao gồm cả sự sống. Tiếp đến, là bao gồm các vật chất sinh học (biotic matter). Sau đó, là bao gồm vật chất phi sinh học (abiotic matter).

Hãy để tôi giải thích rõ ràng hơn. Cộng đồng đạo đức của chúng ta phải bao gồm những con cá đang làm sạch các dòng sông, những con côn trùng đang làm màu mỡ đất thịt, những cái cây cho chúng ta không khí để thở, những con sông cho chúng ta nước uống, chính dòng nước đang chảy qua chúng ta rồi lại trở thành mưa, thành sông suối. Chúng ta phải học cách quan tâm đến chúng như chúng ta quan tâm đến “chính mình”. Thời của những bộ lạc người nhỏ nhen và ích kỷ giờ đã qua rồi.

Tất cả những thứ đó cũng mang tính “người”. Theo một nghĩa nào đó, lịch sử bẩn thỉu của nền văn minh nhân loại là cuộc đấu tranh lâu dài để giành được quyền làm người. Đầu tiên, chỉ những người đàn ông da trắng giàu có mới có quyền, tiếp đến là những người đàn ông da trắng nghèo hơn, sau cùng – chỉ vào cuối thế kỷ nàyphụ nữ và những chủng tộc thiểu số mới thực sự có được tư cách con người.

Bây giờ, chúng ta có ba thập kỷ để mở rộng cộng đồng đạo đức của khái niệm “tư cách con người” để bao hàm lấy tất cả mọi con người và mọi vật. Sinh vật sống – cá, côn trùng, cây cối. Vật chất sinh học – đất, sông, đại dương, khí quyển. Vật chất phi sinh học cũng vậy, như núi và mây. Tất cả những yếu tố này duy trì và nuôi dưỡng nền văn minh của chúng ta. Nhưng nền văn minh ấy đã tồn tại như một thứ văn minh săn mồi – và giờ là lúc phải nuôi dưỡng chính những yếu tố duy trì sự sống của chúng ta, nếu không, chúng sẽ hạn màn nền văn minh và đưa chúng ta vào dĩ vãng.

Điều đó đưa tôi đến với lĩnh vực thứ hai cần phải được canh tân: lĩnh vực kinh tế. Khi tôi nói “nền văn minh của chúng ta kiểu như một thứ săn mồi,” đó là ý nghĩa thực sự chứ không phải ví von. Tỷ lệ tiêu dùng của chúng ta đang vượt quá tỷ lệ đầu tư. Quá bao nhiêu? Nhiều gấp ba lần. Chúng ta tiêu dùng ở mức 75%, và đầu tư ở mức chỉ 25%.

Tôi thường nói rằng ngay cả lão nông – ông bố vợ của tôi – cũng hiểu được sự điên rồ của cách làm kinh tế nói trên. Triết lý làm kinh tế của ông thì đơn giản, đúng và khôn ngoan hơn. Chặt một cái cây, thì phải trồng lại một cái cây. Gặt một cánh đồng, thì phải gieo lại một cánh đồng. Bắt một con cá, thì phải ném một con cá trở lại dòng nước. Thứ kinh tế học đó có tỷ lệ đầu tư cân bằng chính xác với tỷ lệ tiêu dùng – 50% tiêu thụ, 50% đầu tư.

Nền kinh tế toàn cầu cần nhanh chóng đạt đến mức [cân bằng] đó – nếu không, nền văn minh của chúng ta sẽ tắt ngấm. Chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta phải canh tân lại thế giới kinh tế của chúng ta như thế nào? Chúng ta cần một thế hệ các nhà kinh tế học, giám đốc điều hành và quản lý. Những người không bị tẩy não bởi thứ nguỵ khoa học ngu ngốc gọi là kinh tế học Mỹ, thứ thậm chí còn không hiểu được logic mà bố chồng nông dân của tôi đã thấm tận xương: một nền văn minh tiêu thụ gấp đôi số tiền mà nó đầu tư sẽ không thể tồn tại được lâu dài. Nó chỉ làm cạn kiệt sự giàu có của chính nó mà thôi.

Chúng ta cần những nhà kinh tế, giám đốc điều hành và chuyên gia quản lý như vậy để thực sự canh tân lại các khái niệm và thực tiễn nền tảng của nền kinh tế. Giới kinh tế cần phải hình dung lại các thước đo của chúng ta về thu nhập quốc dân, thặng dư xã hội, chẳng hạn như GDP. Giới giám đốc điều hành và quản lý cần tái định hình các thước đo thặng dư trong tổ chức của chúng ta, chẳng hạn như về “lợi nhuận”.

Hãy để tôi phân tích rõ thêm. Tại sao Amazon — lá phổi của Trái Đất — lại chẳng có giá trị gì… trong khi Tập đoàn Amazon trị giá một nghìn tỷ đô la? Bởi vì thứ nguỵ khoa học ngu ngốc được gọi là kinh tế học Mỹ không gán bất kỳ giá trị cố hữu nào cho cây cối, sông ngòi, cá, cho đến cả con người, như bạn và tôi. Đối với họ, không có gì mang sẵn giá trị vốn có, và do đó, bản thân [những gì thuộc về] thiên nhiên là thứ dễ bị khai thác và lạm dụng, giống như tôi và bạn. Vì vậy, bên nào khai thác nhiều nhất sẽ chiến thắng – đó là sự trỗi dậy của “những Jeff Bezos” trên thế giới. Nhưng một nền văn minh coi trọng việc khai thác ở mức hàng nghìn tỷ đô la, trong khi lá phổi của hành tinh mà nó đang sống chẳng có giá trị gì… sẽ không tồn tại lâu.

Giới kinh tế học, giám đốc điều hành và quản lý cần thực sự xây dựng lại nền kinh tế của chúng ta ngay bây giờ. Khái niệm “lợi nhuận” đã lỗi thời, và “GDP” cũng vậy – vì nó chỉ là tổng tất cả “lợi nhuận” thu được trong một xã hội. Điều nước Mỹ dạy chúng ta là một xã hội có thể tràn ngập “lợi nhuận”, nhưng lại rơi vào cảnh nghèo đói, hỗn loạn và tuyệt vọng, bởi vì thứ lợi nhuận đó kiếm được đơn giản chỉ bằng cách phá hủy mọi thứ thực sự đáng giá từ nguyên thủy, từ các nghề nghiệp tử tế, đến các mối quan hệ, đến niềm tin, đến cảm nhận hạnh phúc, đến sự lạc quan về khả năng tiết kiệm trọn đời của người dân, đến chính nền dân chủ này. Giờ đây, chúng ta cần thứ tương tự như lý thuyết cân nhắc “The Triple P’s” (“Triple Bottom Line”) của John Elkington để làm nền tảng cho nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần các thước đo hiệu quả về sự giàu có thực sự của mọi quốc gia — không phải là những tàn tích của thời đại công nghiệp như GDP, vốn chỉ tính đến lợi nhuận tài chính, mà không bao hàm những thứ như bao nhiêu cây cối, động vật, hệ sinh thái và cuộc sống con người đã bị hủy hoại để các tỷ phú bốc đồng có thể trở nên giàu có hơn, và các nhà kinh tế Mỹ có thể gọi đó là một nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ.

Vận mệnh của mọi nền văn minh đều được rèn đúc từ cách làm kinh tế của nó. Nền kinh tế của chúng ta hiện mang tính hủy diệt. Tình trạng tiêu thụ gấp đôi vốn đầu tư có thể kéo dài khoảng 25 năm nữa hoặc lâu hơn một chút, với những hậu quả ngày càng khủng khiếp, từ biến đổi khí hậu thảm khốc đến cuộc tuyệt chủng sự sống như chúng ta đang ý thức, đến cái chết của “chân tay, phổi, máu” của hành tinh này. Nền kinh tế của chúng ta không thể tồn tại lâu hơn nữa.

Điều đó đưa tôi đến lĩnh vực thứ ba cần được tái tạo: giới chính trị và lập pháp. Bạn có nhớ khi tôi nói rằng cộng đồng đạo đức của chúng ta phải mở rộng để bao gồm tất cả sự sống và vật chất sinh học không? Rằng mọi thứ phải được xem là “người” – giống như phải mất hàng thiên niên kỷ để phụ nữ và các dân tộc thiểu số mới trở thành “người” được, thì giờ đây chúng ta có ba mươi năm để biến mọi thứ từ rạn san hô đến sông, côn trùng, bầy động vật, cho đến đại dương cũng nhận được “tư cách con người” [có những quyền chính đáng và hiển nhiên của con người]?

Chúng ta phải làm thế để chúng có quyền. Quyền được bảo vệ. Quyền được đảm bảo sự tồn tại bền vững. Và như thế, chúng cũng có thể “sở hữu” những thứ như tiền và tài sản, từ đó nhận được triển vọng đầu tư bảo tồn.

Đây sẽ là một trong những thách thức chính trị to lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Làm thế nào để chúng ta biến sự sống và vật chất sinh học thành “con người”, mang “tính người”? Chúng ta cần trân trọng “tư cách con người” của chúng về mặt pháp lý thì mới làm được điều đó. Chúng ta cần đặt chúng vào trung tâm của nền chính trị. Điều đó có nghĩa là thực thi những thách thức pháp lý và các vụ kiện trên khắp thế giới, cho đến khi quyền làm người của chúng được công nhận.

Hãy nghĩ xem cuộc chiến để công nhận đại dương và sông ngòi có “tư cách con người” sẽ khó khăn và kỳ lạ đến thế nào. Bây giờ, hãy nhân con số đó lên một nghìn lần — để bao gồm mọi thứ, từ những cuộc di cư vĩ đại của các loài, đến rạn san hô, các dạng sống như côn trùng. Việc thực hiện dự án vĩ đại và tổng thể này có nghĩa là phải sửa đổi hiến pháp, thay đổi luật, xé bỏ các quy tắc cũ, và viết lại bản mới tốt hơn, như chúng ta đã cùng xem xét, là mở rộng cộng đồng đạo đức của con người để bao hàm tất cả sự sống và vật chất sinh học trong thế giới thực.

Giống như chúng ta sẽ cần một đội quân gồm các nhà kinh tế và giám đốc điều hành để thay đổi thế giới kinh tế, chúng ta cũng sẽ cần một đội quân luật sư, các nhà hoạt động và chính trị gia để thay đổi thế giới luật pháp và chính trị. Không còn cách nào khác, và tôi cũng không đặc biệt thích giới luật sư và chính trị gia. Nhưng sự thật là những lĩnh vực này rất quan trọng đối với sự tiến bộ của loài người và sự tồn tại của nền văn minh của chúng ta hiện nay, theo cách thực dụng. Giờ đây, họ là những người có thể tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội và pháp lý của tư cách con người cần thiết để nền văn minh của chúng ta có thể tiếp tục tồn tại.

Đó là lối thoát duy nhất tôi có thể thấy được cho nền kinh tế chết chóc, tiêu dùng gấp ba lần đầu tư, của nền văn minh này. Hiện nay, nền văn minh của chúng ta là một chuỗi các hình thức bóc lột. Tỷ phú bóc lột, bạn bóc lột người khác trong chuỗi, những người đó lại bóc lột một cái cây, một dòng sông, một con vật, có thể là cho đến chết, tuyệt chủng và kết thúc. Chúng ta cần trở thành một nền văn minh củng cố sự sống và mang lại sự sống, điều đó có nghĩa là chúng ta phải đầu tư ít nhất bằng với mức mà chúng ta đang tiêu thụ, và để làm như thế, chúng ta cần bắt đầu bằng cách công nhận mọi loại sự sống và tất cả những gì hỗ trợ sự sống với “tư cách người” – nghĩa là một cá thể có nhân phẩm, quyền lợi, thực thể đại diện và quyền sở hữu nữa.

Có một cách khác để nền chính trị của chúng ta phải phát triển để giải quyết tất cả những vấn đề đó. Đó là khái niệm dân chủ của chúng ta phải mở rộng một cách triệt để. Hiện nay, chúng ta có “phát ngôn nhân” ở hầu hết các nền dân chủ. Chỉ một hình thức. Đó là tiếng nói của “nhân dân – dân chúng”. Nhưng chúng ta sẽ cần một nền dân chủ rộng rãi hơn và trung thực hơn thế.

Tất cả những thứ có “tư cách con người” mới đó cũng cần được đưa vào nền dân chủ của chúng ta nữa. Chẳng hạn, một Phát ngôn Nhân cho Động Vật thì sao? Một Phát ngôn Nhân cho Sự Sống? Một Phát ngôn Nhân cho Tương Lai. Sẽ phải có người đại diện cho tiếng nói của loài vật. Dĩ nhiên, chúng không thể nói – nhưng không phải điều chúng muốn nói là rất rõ ràng sao? “Đừng giết chúng tôi nữa! Hãy nuôi dưỡng chúng tôi!” Ai đó sẽ phải đại diện cho vật chất sinh học, như đại dương và rạn san hô. Chắc chắn, chúng không thể nói, nhưng nếu có thể, thì điều chúng nói sẽ rất rõ ràng. “Hãy cho chúng tôi sự nuôi dưỡng, bảo vệ, an toàn. Ngừng gây ô nhiễm và hủy hoại chúng tôi!”

Một Phát ngôn Nhân cho Tương lai cũng là người đại diện cho tất cả các thế hệ chưa sinh ra của loài người. Nếu chúng ta có một vị trí như vậy, không phải đấy rõ ràng là những gì họ sẽ nói như vậy sao? “Các người đang làm cái “mẹ” gì vậy? Tiêu dùng gấp ba lần số vốn các người đem ra đầu tư? Sẽ chẳng còn lại gì cho chúng tôi ngoài tro tàn và rác rưởi! Dừng lại đi – các người cũng đang tước đi cơ hội của chúng tôi.”

Nền dân chủ như chúng ta biết nên được hiểu như một sự khởi đầu thuần túy. Ngày nay, chúng ta có các khu vực bầu cử cho các phe phái khác nhau. Chúng ta vẫn là những bộ lạc vượn khỉ không có lông đang cãi cọ nhau. Nhưng nền dân chủ phải trở thành một quá trình đại diện cho sự đồng thuận của tất cả các dạng sự sống và vật chất sinh học, cũng như các thế hệ trong tương lai.

Những quan điểm trên nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng đối với bạn – nhưng như tôi đã nói, không có cách nào khác để thoát khỏi nền kinh tế chết chóc của nền văn minh chúng ta. Phải có những cơ chế để hạn chế chúng ta tiêu dùng nhiều hơn đầu tư, và những cơ chế đó phải được gắn chặt vào các tổ chức nhà nước của chúng ta, chúng phải khắc sâu vào nội hàm không chỉ luật pháp của chúng ta mà còn cả cách chúng ta làm luật.

Cá, côn trùng và cây cối, các cơ phận “tay chân, phổi và các cơ quan” của Trái Đất — tất cả những yếu tố này đều phải có tiếng nói trong một “nền dân chủ” thực sự, một cộng đồng gồm “mọi cá thể mang tư cách người” được cùng nhau đưa ra quyết định. Tại sao vậy? Bởi vì nếu không, nó sẽ mãi mãi chỉ là thứ còi cọc, mà loài người dùng để khai thác và lạm dụng khiến thế giới trở nên cạn kiệt và tuyệt chủng, và bất kỳ nền văn minh nào như thế sẽ sụp đổ mà thôi.

Tôi nghĩ rằng, việc tái tạo nền dân chủ là dự án cấp tiến nhất của tôi – nhưng đó cũng là thước đo mức độ nghèo nàn và nhỏ bé của cách chúng ta suy nghĩ hiện nay. Chúng ta cần hình dung lại và xây dựng lại các hệ thống và thể chế cơ bản của nền văn minh – và cho đến nay, chúng ta thậm chí còn chưa nghĩ đến chuyện đó, chứ đừng nói đến việc nghĩ ở quy mô mà chúng ta cần.

Nền văn minh của chúng ta cần một cuộc Biến đổi Vĩ đại. Tôi đã chỉ ra ba lĩnh vực cần phải thay đổi, mà bạn cũng có thể coi đó là ba Dự án Vĩ đại mà chúng ta cần nắm lấy và bắt tay vào thực hiện ngay từ bây giờ, nếu không thì nền văn minh của chúng ta sẽ vụt tắt.

Chúng ta cần hình dung lại và xây dựng lại lĩnh vực đạo đức, lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chính trị của chúng ta. Ý tôi không phải là bất kỳ điều gì trong số đó một cách mơ hồ, mà theo một cách rất, rất thực tế.

Nền văn minh của chúng ta có thể không chạm đến được mức độ đó, đấy là sự thật. Tôi nghĩ rằng đây là những ý tưởng kỳ lạ và đầy thách thức. Nhưng nền văn minh tiếp theo sẽ làm được điều đó. Hoặc nền văn minh sau đó nữa. Bởi vì không có lựa chọn nào khác đâu. Chúng ta đã chạm đến giới hạn của mình. Đây là mức tối đa mà một nền văn minh có thể đạt được, nếu nó có tỷ lệ tiêu dùng gấp ba lần tỷ lệ đầu tư, nếu nó chỉ coi loài vượn không lông của mình là con người, nếu nền dân chủ của nó, tức cộng đồng của những người cùng nhau đưa ra quyết định, chỉ giới hạn trong các cuộc tranh cãi nội bộ về việc bộ tộc vượn đứng thẳng nào được khai thác và lạm dụng mọi chủng loài và mọi thứ vật chất khác.

Chúng ta là một nền văn minh trẻ. Chúng ta còn nhiều điều phải học, và còn nhiều điều phải làm. Câu hỏi là: Liệu nền văn minh của chúng ta có đủ khả năng cho sự Biến đổi Vĩ đại mà nó cần hay không?

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Mực nước biển dâng

TOÀN CẢNH MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG +8,9 MÉT TẠI VIỆT NAM

Dưới đây là các hình ảnh dự báo mực nước biển dâng khi biến đổi khí hậu xảy ra với kịch bản nền nhiệt toàn cầu tăng +4°C và mực nước biển dâng +8,9 mét. do Climate Central –...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Dịch bệnh

MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG HAY PHÉP THỬ TRÊN TÍNH MẠNG CON NGƯỜI?

Miễn dịch cộng đồng và sự mập mờ Miễn dịch cộng đồng (herd immunity) có thực sự là mục tiêu chính phủ Anh hướng tới trước đại dịch Covid-19 hay không, điều đó vẫn bị phủ bởi một...

Đã đăng ở by Konan