TÁI ĐỊNH CƯ CÔNG BẰNG: VIỆC DI DỜI CÁC CỘNG ĐỒNG VEN BIỂN CẦN THẤU TÌNH ĐẠT LÝ


Linh Nguyen
TÁI ĐỊNH CƯ CÔNG BẰNG: VIỆC DI DỜI CÁC CỘNG...

Nước biển dâng và các cơn bão mạnh hơn đang làm gia tăng nguy cơ đối với các cộng đồng sống ven biển trên khắp thế giới. Khi các chính phủ tìm cách di dời hàng triệu người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhà địa lý Jola Ajibade cho rằng họ cần bảo đảm việc di chuyển được thực hiện một cách công bằng và hợp tình hợp lý.

Katherine Bagley là tổng biên tập tạp chí Môi trường 360 của Đại học Yale (Yale Environment 360). Chị từng là phóng viên tạp chí Tin tức Khí hậu Nội bộ (Inside Climate News) chuyên đưa tin về sự giao thoa giữa khoa học môi trường, chính trị và chính sách, trong đó chú trọng biến đổi khí hậu. Chị là đồng tác giả cuốn sách Di sản Ẩn giấu của Thị trưởng Bloomberg: Biến đổi Khí hậu và Tương lai của Thành phố New York .

Bài do bạn Linh Nguyen chuyển ngữ cho Hành tinh Titanic từ nguồn:

Equitable Retreat: The Need for Fairness in Relocating Coastal Communities

Cư dân lội qua một con đường bị ngập lụt ở khu phố Aboru, Lagos, Nigeria vào tháng Bảy năm 2020. Nguồn ảnh: ADEKUNLE AJAYI/NURPHOTO THÔNG QUA GETTY IMAGES

Trong khi nước biển dâng và các cơn bão gần bờ ngày càng trở nên dữ dội, giới hoạch định chính sách của những thành phố ở các vùng thấp trên toàn cầu ngày càng phải trăn trở nhiều hơn với thực tế là họ cần phải di dời hàng loạt cộng đồng dân cư lên những vùng đất cao hơn và an toàn hơn. Các nhà khoa học ước tính rằng đến năm 2050, số người phải di dời khỏi các khu vực ven biển ở khắp mọi châu lục từ Hoa Kì đến Nigeria hay Philippines có thể lên đến 340 triệu người, và con số này sẽ là 630 triệu người vào năm 2100.

Việc rút lui có tổ chức khỏi bờ biển trên diện rộng sẽ đòi hỏi quá trình lên kế hoạch và khoản ngân sách đồ sộ, nhưng nhà địa lý Jola Ajubade cảnh báo rằng nó cũng cần được thực hiện theo một cách thức hợp tình hợp lý. Để điều này trở nên khả thi, theo chị, những người làm chính sách cần tính đến những ảnh hưởng quan trọng về văn hóa, kinh tế và công lý chủng tộc đối với các cộng đồng bị di dời.

Jola Ajibade

Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Môi trường 360 của Đại học Yale (sau đây viết tắt là e360), Ajibade – một phó giáo sư (assistant professor) của Đại học Bang Portland (Portland State University) chuyên nghiên cứu về khía cạnh chính trị của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch nhằm tăng tính chống chịu tại các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á (phần lục địa phía Nam – Global South) – chia sẻ về việc những vùng khác nhau trên thế giới cần có các chương trình quản lý di dời khác nhau; về thực tế rất nhiều trong các chương trình này nhắm đến các cộng đồng thu nhập thấp và cộng đồng người da màu một cách bất công; và những yếu tố mà một kế hoạch tái định cư cần có để đảm bảo sự thấu tình đạt lý và hiệu quả. Chị nêu vấn đề:

“Chúng ta phải làm thế nào để giúp mọi người di chuyển khỏi những nơi có nguy cơ mà không tước đi căn tính, quyền tự định đoạt, văn hóa và sinh kế của họ?”

e360: Chị lớn lên ở Lagos, Nigeria, một trong những thành phố lớn có nguy cơ cao nhất thế giới về nước biển dâng. Khi còn nhỏ, chị có trải qua trận lụt nào không?

Jola Ajibade: Tôi lớn lên ở Lagos trong một khu vực mà đúng ra là đất đầm lầy. Lẽ ra nó không phải chỗ để người ta xây dựng nhà cửa. Nhưng chị biết đấy, cũng như ở phần lớn các thành phố khác trên thế giới, đô thị hóa đã bành trướng ra những tòa nhà, những khối kiến trúc đồ sộ ở khắp vùng đó.

Nơi tôi sinh trưởng được gọi là “Ijeshatedo”. Hồi ấy, chúng tôi chẳng biết gì về biến đồi khí hậu; tôi, một đứa bé con, chỉ nhận thấy rằng ở đó lúc nào cũng ngập. Gia đình tôi sống ở tầng trệt một tòa nhà và gần như cứ mỗi lần mưa là ngập. Mỗi khi tôi hỏi mẹ tôi

“Tại sao lại thế?”

Mẹ thường trả lời bằng tiếng Yoruba:

“Lẽ ra họ không nên xây nhà ở khu này. Đây là đất đầm lầy.”

Giờ đây khi làm việc với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tôi nhận ra điều mẹ tôi nói khi ấy thật đúng. Có những khu vực gần bờ biển hay trong một số thành phố mà lẽ ra nên được để lại cho tự nhiên.

Nhưng tôi cũng thấy rằng từ hơn chục năm nay, ngập lụt ở Lagos không còn là vấn đề mang tính cục bộ nữa. Khi tôi còn nhỏ, ngập thường chỉ giới hạn trong các vùng đầm lầy, bao gồm khu tôi sống. Nhưng giờ đây, ngập xuất hiện ở khắp nơi. Nó xảy ra cả ở các khu nhà giàu của thành phố nữa. Vậy đây là một điều đã thay đổi. Giờ đây, không chỉ có dân nghèo bị ảnh hưởng. Tất cả mọi người đều bị.

“Các bất động sản mới đang được dựng lên cho người giàu ở ven biển, trong khi người nghèo thì bị dời đi.”

e360: Phần lớn nghiên cứu của chị tập trung vào quá trình quản lý việc di dời khỏi những nơi nguy hiểm ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. Việc di dời giữa các khu vực đó khác nhau như thế nào, và khác với việc di dời ở các nước phát triển như Hoa Kỳ và châu Âu ra sao?

Ajibade: Có rất nhiều điểm khác biệt. Tôi sẽ bắt đầu bằng một điểm mà tôi cho rằng không chấp nhận được – chuyện xảy ra ở Lagos vào năm 2017, khi khoảng 30,000 người sống tại làng chài ngụ cư Otodo-Gbame bị tống cổ. Tôi không gọi đó là đền bù tái định cư hay thậm chí thôn tính. Họ thực sự bị chính quyền tổng khứ theo nghĩa đen của từ này. Họ có một chính sách gọi là Chính sách Biến đổi Khí hậu Lagos, trong đó viết “Chúng tôi sẽ di dời và tái định cư con người, hạ tầng và các ngành công nghiệp.” Nhưng thực tế là chỉ có người nghèo bị di dời. Và họ không được nhận bất kì sự hỗ trợ nào, ngay cả chỗ để chuyển đến cũng không có. Cách việc này xảy ra thực sự rất có vấn đề.

Ở Manlia, có ba kiểu quản lý di dời khác nhau. Sau khi cơn bão nhiệt đới Ondoy năm 2009 làm hơn 850 người thiệt mạng và gây ảnh hưởng lên khoảng 7 triệu người trên toàn lãnh thổ Philippines, chính quyền nước này đưa ra một kế hoạch di dời người nghèo bởi vì, theo họ nói, những người này là một phần nguyên nhân gây ngập lụt cho thành phố. Một trong những việc đầu tiên họ làm là ngay lập tức đưa tiền cho một vài nhóm người trong một số khu ổ chuột để dời đi. Năm 2013, họ thiết lập một chương trình gọi là Chương trình Oplan LIKAS, trong đó họ chi khoảng 50 tỷ peso [tương đương 1 triệu USD] để xây các ngôi nhà mới ở ngoại thành và sau đó di dời 100.000 người.

Vấn đề là khi họ xây xong… rất nhiều công trình đã không được thực hiện một cách tử tế. Họ đưa cho người dân khoảng 18.000 pesos [khoảng 373 USD] và bảo rằng, “OK, tiền đây, đừng mang theo thứ gì từ khu ổ chuột của các vị, chúng sẽ làm lộn xộn chỗ ở mới. Chỉ cần đem theo túi quần áo đi thôi.” Thế là mọi người làm như vậy và khi tới nơi, họ mới biết rằng những ngôi nhà này chỉ là cái vỏ, ngoài một cấu trúc vô hồn ra thì chẳng có một thứ gì khác. Ở vài chỗ còn không có điện, người ta không có sinh kế, không có dịch vụ xã hội, chăm sóc y tế hay trường học.

Trẻ em chơi gần nhà chúng ở Vịnh Manila, Philippines, nơi chính quyền di dời người dân về từ các khu ổ chuột ven biển. Nguồn ảnh: JES AZNAR/GETTY IMAGES

Một vấn đề khác là một số nơi ở mới cũng bị ngập, chứ chẳng phải không. Tôi xin nói thẳng rằng di dời ở Manila là cách giảm bớt mật độ dân trong thành phố. Nó chẳng phải chỉ để bảo vệ người ta.

Mặt khác, trong khi việc này diễn ra, có một nơi gọi là Thành phố Mới – New Clark City mà chính phủ định di dời tầng lớp công chức đến đó. Cơ bản là những người làm việc trong các văn phòng hành chính của chính phủ ở hai thành phố Davao và Manila. Ở New Clark, đường sắt đã xây xong, thậm chí có cả một trung tâm thể thao. Câu hỏi ở đây là, nếu họ có thể xây những thứ đó, sao không thể xây cả cho người nghèo?

e360: Chị từng sử dụng cụm từ “cái vòng tròn luẩn quẩn rời đi và quay trở lại.” Nó có nghĩa là gì, và có phải là điều đã xảy ra ở Manila không?

Ajibade: Đúng. Người ta rời đi. Người dân ứng xử kiểu như, “Được rồi, chúng tôi sẽ đi.” Nhưng khi đến nơi và bị sốc vì những thứ họ chứng kiến ở chỗ mới, họ bảo nhau, “Không được, chúng ta quay lại thôi.” Và thế là việc rời đi rồi trở lại, theo tôi, là cách phản kháng của người nghèo, đó là cách họ thể hiện quyền tự định đoạt cuộc sống – chúng tôi đã đồng ý, nếu [chính quyền] không thực hiện đúng cam kết của mình trong thỏa thuận, thì chúng tôi sẽ chống lại cái kiểu tái định cư mà không thực sự cải thiện đời sống cho chúng tôi, chẳng làm cho cuộc sống của chúng tôi tốt lên tí nào. Nhiều người đang sống trong các khu ổ chuột ở Manila là người nhập cư, điển hình là những người rời bỏ các vùng nông thôn để tìm kiếm cơ hội và rồi họ đến sống ở thành phố. Ta không thể muốn chuyển họ về lại những nơi mà họ chẳng có gì hết.

e360: Các chương trình tái định cư bất công có cả một lịch sử dài, đặc biệt là trong các cộng đồng thổ dân bản địa, người có thu nhập thấp và người da màu. Làm thế nào để thuyết phục những cộng đồng này, những người mà vì cái lịch sử lâu đời đầy bất công ấy sẽ dè chừng với ý tưởng về một chương trình quản lý di dời do chính quyền khởi xướng và dẫn dắt, để họ tham gia bây giờ, trước tình hình biến đổi khí hậu?

Ajibade: Đây là một câu hỏi khó. Một đồng nghiệp của tôi, A. R. Siders, đã kết luận rằng ở bang North Carolina, người ta dường như chỉ tập trung di dời các cộng đồng người da màu có thu nhập thấp. Trong nghiên cứu toàn cầu của mình, tôi cũng nhận ra điều tương tự. Di dời thực sự đang xảy ra với người nghèo; chúng ta đang chứng kiến sự bất công được củng cố thông qua các hoạt động di dời. Các bất động sản mới đang được dựng lên cho người giàu ở ven biển, trong khi người nghèo thì bị dời đi.

“Khi rời bỏ mảnh đất mình gắn bó, điều đó nghĩa là mất đi một phần căn tính của mình.”

Chúng ta cần có những hướng dẫn cụ thể, cần có các thiết chế khoa học và chính sách nhất quán về cách thức di dời, xem ai là người nên rời đi và vào lúc nào. Và cả những ai nên có mặt trong các thảo luận về việc di dời. [Những quyết định đang được đưa ra] để tìm cách giúp con người tiếp tục sống được ở vùng ven biển, nhưng chủ yếu chỉ ở những nơi sẽ giúp duy trì sự giàu có của vài nhóm người. Trong trường hợp này [ở Hoa Kỳ], chủ yếu là người da trắng, và ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, thì chủ yếu là người giàu. Nếu không có những chính sách và hướng dẫn công bằng, ta sẽ chứng kiến sự lặp lại của thứ mà ta có thể gọi là một kiểu chủ nghĩa thực dân mới – chủ nghĩa thực dân khí hậu. Ta cần thận trọng quan sát bức tranh toàn cảnh để thấy được điều này đang xảy ra với những đối tượng nào. Ai đang mất đi gia sản từ nhiều đời mà họ có thể đã từng có nhưng giờ bị mất bởi vì họ được yêu cầu phải di dời?

e360: Thế còn những hệ quả hay tổn thất về văn hóa thường gắn với các chương trình di dời ấy?

Ajibade: Chính xác. Làm thế nào để giúp mọi người di chuyển khỏi những nơi có nguy cơ mà không tước đi căn tính, quyền tự định đoạt, văn hóa và sinh kế của họ? Với kiểu di dời như hiện nay, ta có thể thấy một gia đình nhận tiền đền bù, nhưng một gia đình khác không nhận được hoặc không chấp nhận. Thế là những cộng đồng đó mất đi đặc trưng văn hóa của họ dần dần từng chút một.

Trong trường hợp của dải đất Isle de Charles ở bang Louisiana, tôi cho rằng việc toàn bộ cộng đồng nơi này đồng ý cùng nhau chuyển đến một vùng đất cao hơn là điều tốt. Nhưng thử thách ở đây là họ đồng thời cũng nói rằng, “chúng tôi vẫn muốn có thể duy trì mối liên kết với mảnh đất mà chúng tôi đang rời bỏ, vì ngay cả khi bỏ nó lại phía sau, đây cũng là nơi chúng tôi đã sống nhiều năm, chúng tôi yêu nó, nó có ý nghĩa với chúng tôi. Và chúng tôi muốn giữ lại quyền sở hữu nó theo cách nào đó. ” Nhưng chính phủ thì nói rằng, “Không, nếu quý vị nhận chỗ ở mới trong đất liền thì quý vị phải từ bỏ mảnh đất kia.” Vậy khi rời bỏ mảnh đất mình gắn bó, điều đó nghĩa là mất đi một phần căn tính của mình. Mảnh đất ấy là một căn cước của họ, nó là thứ gì đó quan trọng với họ.

Những người dân bị đuổi khỏi nhà họ ở khu Otodo Gbame tại thành phố Lagos, Nigeria đứng nhìn khói bốc lên từ những ngôi nhà bị chính quyền đốt, năm 2017. Nguồn ảnh: JUSTICE & EMPOWERMENT INITIATIVES.

Một khía cạnh khác của vấn đề này là khi người ta rời đi, họ chuyển đến một cộng đồng nơi những người xung quanh không quen biết họ. Tìm cách khuyến khích sự phát triển tinh thần cộng đồng và tình đoàn kết giữa nhóm tái định cư và nhóm dân địa phương nơi họ chuyển đến là một điều nữa mà chúng ta cần nghĩ tới. Trường hợp của Kiribati và Fiji cũng giống như vậy: Kiribati đã mua được đất ở Fiji để giúp dân nước mình tái định cư. Nhưng có người hỏi rằng khi người Kiribati chuyển đến Fiji thì về lâu về dài họ vẫn là người Kiribati sống ở Fiji hay họ sẽ coi mình là người Fiji. Và họ có gọi mình là người Fiji không? Giả sử nếu đất nước hay hòn đảo quê hương của mình biến mất, rồi bạn nói, “Tôi là người Kiribati” nhưng đất nước của bạn đã chìm dưới biển, thì điều đó có ý nghĩa gì về sự tồn tại của bạn?

e360: Có nơi nào đang thực hiện hỗ trợ di cư một cách đúng đắn không? Một nơi có thể thành điển hình cho các cộng đồng khác?

Ajibade: Nhiều người đã hỏi tôi câu này và không có câu trả lời nào thỏa đáng. Ban đầu tôi cho rằng dải đất Isle of Charles có thể là một hình mẫu, nhưng càng tìm hiểu sâu về nó tôi càng nhận ra rất nhiều vấn đề. Ngay cả khi có sự hỗ trợ và tiền của chính phủ, vẫn còn rất nhiều yếu tố liên quan đến các liên hệ quyền lực bất tương xứng trong cách để quá trình đó diễn ra.

Khi nghĩ về những yếu tố làm nên một chương trình di dời thành công, ta phải hỏi lại chính xác khái niệm “thành công” của chúng ta là gì. Có phải là thành công cho những người rời đi? Thành công cho những cộng đồng đón nhận họ? Khi một thành phố hay cộng đồng nhận thêm thành viên thì thành phố hay cộng đồng đó sẽ có được một vài thứ phải không? Những người này, họ không chỉ đi người không đến nơi ở mới, họ còn đem theo tất cả những kĩ năng và tài nguyên mà họ có. Chúng ta chỉ cần thừa nhận rằng hoạt động di dời có tổ chức sẽ luôn luôn có những sự đánh đổi.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

PHÂN TÍCH KHỦNG HOẢNG

BÁO CÁO TÌNH TRẠNG KHÍ HẬU NĂM 2023: CẢ THẾ GIỚI BƯỚC VÀO CHỐN VÔ ĐỊNH VÀ CHƯA BIẾT ĐẾN BAO GIỜ

Sự sống trên hành tinh Trái Đất đang bị đe dọa. Hiện chúng ta đang bước vào một giai đoạn chưa biết đến bao giờ. Trong nhiều thập kỷ, giới khoa học đã liên tục cảnh báo về một...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Khai thác môi trường quá mức

THẾ NÀO LÀ SẠCH?

Rất nhiều bạn trẻ – và ngay cả giới Trung Niên, Già Lão – đều cho rằng cần phải phát triển đất nước bằng mọi giá. Và thế là quốc gia Việt Nam đã quyết định thắp sáng...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic