CÁC CƠN BÃO NGÀY CÀNG GIỮ SỨC MẠNH NHIỀU HƠN KHI ĐỔ BỘ ĐẤT LIỀN VÌ ĐẠI DƯƠNG ẤM LÊN DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU


hanhtinhtitanic
CÁC CƠN BÃO NGÀY CÀNG GIỮ SỨC MẠNH NHIỀU HƠN...

Khám phá mới từ một nghiên cứu khoa học, được đăng trên Tuần san Nature, tiết lộ các cơn bão ngày càng có sức hủy diệt lớn hơn, gió mạnh hơn, tăng cấp cận bờ, không giảm cấp nhiều khi đổ bộ, trong một thế giới đang ấm lên. HÀNH TINH TITANIC chuyển ngữ nội dung bài đăng trên báo the Washington Post để các bạn hiểu rõ hơn về khuynh hướng của bão trong tương lai gần:

Hurricanes are staying stronger even over land as oceans warm from climate change, study finds

Slower decay of landfalling hurricanes in a warming world

Climate change causes landfalling hurricanes to stay stronger for longer

Tàn tích còn lại của nhà cửa, công trình xây dựng, xe hơi tại bãi biển Mexico, bang Florida (Mỹ) sau khi cơn siêu bão Michael mạnh cấp CAT.5 đổ bộ Florida Panhandle vào ngày 12/10/2018 (Nguồn ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post)

Vào đầu tháng 10 năm 2018, bão MICHAEL đã ủi ngang qua Florida Panhandle như một cơn cuồng phong nhiệt đới có sức mạnh CAT.5 hiếm gặp. Với thiệt hại do nó gây ra dọc theo bờ biển là gần như phá hủy hoàn toàn mọi thứ, MICHAEL cũng là ví dụ về một cơn bão vẫn giữ được cường độ nguy hiểm sau khi đổ bộ sâu vào trong đất liền. theo Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ (National Hurricane Center – NHC), MICHAEL vẫn còn gây ra được các đợt gió xoáy cuồng phong dù đã đi sâu vào trong đất liền khoảng 140 dặm (225km), gần khu vực thành phố Albany, bang Georgia.

Khoảng 3.000 tòa nhà dân cư ở Albany bị hư hại, trong đó có 49 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài ra, cũng có nhiều thiệt hại về mùa màng trong tiểu bang này, vì một số khu vực chứng kiến tốc độ gió duy trì (sustained wind) còn cao hơn cả cường độ của cơn bão, lúc ấy vào khoảng 75 dặm/giờ (120km/g).

Giờ đây, một nghiên cứu mới, được công bố hôm Thứ Tư (11/11/2020) trên Tuần san Nature, cho thấy những cơn siêu bão có khả năng kéo dài sức tàn phá của chúng vào sâu trong đất liền như MICHAEL sẽ xuất hiện nhiều hơn khi nhiệt độ đại dương tăng lên vì hiện tượng nóng lên toàn cầu do loài người gây ra.

Nghiên cứu trên, của hai tác giả Lin Li và Pinaki Chakraborty, là các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa (Okinawa Institute of Science and Technology), đã xác định xu hướng hoạt động của các cơn bão đã được quan sát khi đổ bộ vào Lưu vực Bắc Đại Tây Dương trong giai đoạn từ năm 1967 đến 2018.

Họ nhận thấy xác suất tan rã của bão trở nên chậm hơn, khi sự tan rã này được định nghĩa là cường độ bão giảm trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi đổ bộ vào đất liền. Đó là vì hiện nay, bão đang giữ nhiều độ ẩm hơn, được lấy từ các vùng biển ấm nóng hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng, so với trước đây, khi mà các cơn bão có xác suất tan rã 75% trong vòng 24 giờ sau khi di chuyển vào đất liền, thì hiện nay, tỷ lệ suy yếu đó đã giảm xuống còn 50%.

Hoặc, nếu diễn đạt theo cách khác thì điều đó có nghĩa là, trong khi một cơn bão xảy ra cách đây 50 năm có thể giữ được cường độ 24% trong 24 giờ sau khi di chuyển vào đất liền, thì hiện giờ, khả năng giữ được cường độ đã tăng gấp đôi, lên 48%.

Bằng cách sử dụng giả lập mô hình máy tính và phân tích thống kê, các tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ tan rã chậm hơn của bão – khiến các khu vực trong đất liền chịu nhiều thiệt hại do gió và lũ lụt nhiều hơn – có mối tương quan (correlation) với mức tăng nhanh của nhiệt độ nước biển trong lòng đại dương. Giả lập trên mô hình máy tính về các cơn bão cũng cho thấy độ ẩm bổ sung rất có thể là nguyên nhân chính gây ra những xu hướng này, mặc dù sự dịch chuyển nhẹ về phía Đông trên đường đi của bão trong tình trạng nóng lên toàn cầu có thể tiếp tục đóng một vai trò nhỏ trong việc giữ cho các cơn bão ở gần nguồn cung cấp hơi ẩm cho chúng hơn.

Nếu những xu hướng này cứ tiếp tục xảy ra, nó có thể khiến cho các cơn bão – vốn đã là thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong một năm điển hình – thậm chí còn trở nên đắt đỏ hơn.

Steven Bowen, người đứng đầu Ban Nhận định thảm họa tại Tập đoàn Bảo hiểm & Tính toán Rủi ro Aon, đã viết trong một email thế này:

Những cơn bão như MICHAEL (2018) và IKE (2008) là các ví dụ điển hình về thiệt hại đáng kể do gió xoáy xảy ra trong đất liền kể từ điểm đổ bộ, với tốc độ bão suy yếu chậm hơn so với dự kiến.

Phản ứng với nghiên cứu mới này, Bowen nói rằng, nếu điều đó được chứng minh là chính xác, thì:

“nó chắc chắn sẽ gây ra nhiều rủi ro hơn từ góc độ của thiệt hại và hệ quả mất mát.”

Một bức ảnh hồng ngoại từ vệ tinh của cơn bão MICHAEL, được chụp vào ngày 10/10/2018. (Nguồn ảnh: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ – NOAA)

Trong mùa bão kỷ lục năm 2020 cho đến nay, các cơn bão ZETA và ISAIAS đã bành trướng thiệt hại do gió xoáy của chúng ra hàng trăm dặm (km) sau khi đổ bộ, cùng với việc ZETA đã khoét sâu vùng thiệt hại gió từ phía Nam Louisiana đến tận Atlanta (Mỹ).

Mặc dù những phát hiện này vẫn chưa được hỗ trợ chứng minh bởi nhiều nghiên cứu khác, nhưng giới nghiên cứu về bão – dù không có mối liên hệ nào với nghiên cứu trên – cho biết kết quả nghiên cứu này phù hợp với các công trình khoa học khác gần đây và đặt ra những câu hỏi quan trọng chưa được chú ý tìm hiểu.

Michael Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất (Penn State’s Earth System Science Center) của Đại học Pennsylvania State (Mỹ), người đã công bố các nghiên cứu về cách thức hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đang làm thay đổi đặc tính của các cơn bão, cho biết ý kiến như sau trong một email của ông:

Nghiên cứu này thực sự giúp cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về việc biến đổi khí hậu đang dẫn đến mối đe dọa gia tăng từ các cơn bão đổ bộ như thế nào. Toàn cảnh của vấn đề này chính là, những cơn bão không chỉ mạnh lên với sức gió hủy diệt lớn hơn và gây ra các đợt sóng cồn cao hơn, mà còn có nhiều khả năng đứng yên khi đổ bộ VÀ duy trì cường độ sau khi đổ bộ, dẫn đến gia tăng lũ lụt và thiệt hại.

Cốt lõi của nghiên cứu là một ý tưởng thực sự rất đơn giản: Đại dương ấm hơn có nghĩa là độ ẩm bị cuốn vào nhiều hơn, vì vậy ngay cả khi “nguồn” độ ẩm (là bề mặt đại dương ấm áp) đã bị ‘cắt đứt’ (do đổ bộ vào đất liền), thì vẫn còn có nhiều độ ẩm hơn đủ để nuôi sống các cơn bão và duy trì cường độ của chúng.

Suzana Camargo, một nhà nghiên cứu tại Đài Quan trắc Trái Dất Lamont-Doherty của Đại học Columbia ở New York, cho biết có một sự phân biệt đáng kể trong nghiên cứu mới này, khi mà các tác giả chỉ xem xét các cơn bão ở Đại Tây Dương, nơi có cung cấp dữ liệu đáng tin cậy nhất. Bà nói:

Điều quan trọng là phải lặp lại các phân tích này ở những lưu vực khác, đặc biệt là tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Kerry Emanuel – chuyên gia về bão của Viện Công nghệ Massachusetts, người có công trình khoa học cho thấy các xoáy thuận nhiệt đới đang ngày càng trở nên mạnh hơn trong một thế giới nóng hơn, cho biết trong khi bị cuốn hút bởi bài nghiên cứu mới này, ông vẫn muốn biết thêm nhiều kết quả khoa học khác về chủ đề này trước khi tin vào việc các cơn bão đều có khuynh hướng xoáy quay nhanh hơn lẫn gặp khó khăn hơn khi muốn giảm cấp. Ông viết trong một email như sau:

Tôi bị thuyết phục rằng đây là một vấn đề quan trọng, nhưng không coi kết quả là duy nhất cuối cùng; sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận hoặc bác bỏ các phát hiện.

Mùa bão năm 2020 là một nghiên cứu điển hình về tác động của nhiệt độ đại dương lên cường độ bão, vì 9 cơn bão cho đến nay đã lợi dụng vùng nước ấm và các điều kiện khí quyển lý tưởng để nhanh chóng tăng cấp, trong đó có 2 cơn bão đã tăng cường độ gió lên 105 dặm/giờ (168km/g) chỉ trong vòng 36 giờ. Ví dụ như, các cơn bão LAURA, DELTA và ZETA đã mạnh lên khi đến cận bờ, khiến chúng có khả năng chống chọi tốt hơn với việc phải giảm cường độ nhanh chóng khi bị cắt khỏi vùng nước ấm của Vịnh Mexico.

Theo James Elsner, một nhà nghiên cứu bão tại Đại học Florida State, nghiên cứu mới này phù hợp với những phát hiện khác gần đây. Ông viết trong một email: “Chắc chắn còn nhiều điều cần được nghiên cứu tiếp về chủ đề này, nhưng bài nghiên cứu trên rất quan trọng trong việc định lượng xác suất tan rã khi đổ bộ và liên kết xác suất ấy với sự thay đổi nhiệt lượng trong lòng đại dương. Và kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với việc gia tăng thiệt hại về tài sản khi [nhiệt độ bề mặt biển] tăng lên.”

Các tác giả của bài báo khoa học trên Nature, tuy không trả lời yêu cầu bình luận, đã viết rằng đây là một lĩnh vực quan tâm để nghiên cứu thêm.

Với nghiên cứu mới này, một viễn cảnh đang xuất hiện về cách thức mà hiện tượng nóng lên toàn cầu tác động đến các cơn bão là một điều phiền phức đối với cư dân sống ở vùng duyên hải và ngay cả ở sâu trong đất liền.

Các hệ thống gây ra bão lớn nhất, dữ dội nhất của tự nhiên đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đổ xuống lượng mưa nhiều hơn, mất nhiều thời gian hơn để giảm cấp gió khi đổ bộ vào đất liền, đang hình thành ở những khu vực chưa từng có, và đang tạo ra những bước nhảy vọt về cường độ – điều hoàn toàn không xảy ra chỉ một vài thập kỷ trước. Cũng có bằng chứng cho thấy bão đang di chuyển chậm hơn trước đây, đủng đỉnh tiến về các khu vực ven biển.

Tất cả phân tích này có ý nghĩa được chuyển dịch thành một mối đe dọa nguy hiểm hơn cho người dân cư ngụ ở khu vực ven biển và cho những người sống một vài trăm dặm ở phía trong đất liền.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nền nhiệt cao/Sóng nhiệt

NỀN NHIỆT TRUNG BÌNH CỦA AUSTRALIA CHẠM MỨC KỶ LỤC MỚI

Ngày hôm qua (17/12/2019), nền nhiệt trung bình tại Australia chạm mức kỷ lục mới: 40,9°C, phá vỡ kỷ lục cũ hồi tháng 1/2013 (là 40,3°C). Cơn sóng nhiệt tràn qua Australia sẽ kéo...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Sốc nhiệt/nhiệt bầu ướt

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU SẼ LÀM CHO MỘT SỐ NƠI TRÊN HÀNH TINH NÀY KHÔNG THỂ SỐNG ĐƯỢC NHƯ THẾ NÀO?

Khi khí hậu Trái đất ấm lên, tỷ lệ nhiệt độ và độ ẩm cực cao đang tăng cao dần, gây ra những hậu quả đáng kể cho sức khỏe con người. Giới khoa học khí hậu đang dõi theo một thang...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic