ĐIỂM TIN SỐ PHẬN LOÀI NGƯỜI


hanhtinhtitanic
ĐIỂM TIN SỐ PHẬN LOÀI NGƯỜI

1. NASA quay được các thước phim về hiện tượng băng tan ở Greenland đang hình thành những hồ nước lớn ngay trên mặt băng. Điều này chưa từng xảy ra trước đây, nhất là trong thời gian tháng 5. Nền nhiệt ở Greenland đang ấm lên bất thường so với cùng kỳ trước đây.

2. Sông băng ở mỏm băng Vavilov Ice Cap trên đảo Cách mạng Tháng Mười (October Revolution Island) tại khu vực biển Kara, miền Bắc lãnh nguyên Siberia, đột nhiên di chuyển về phía biển với tốc độ 20 mét/ngày (trước đây tốc độ này chỉ là 20 mét/năm). Đây là sự kiện chưa bao giờ xảy ra, vì các sông băng ở vĩ độ cao ít khi nhận được tuyết hay mưa thêm, nên nước đóng băng của chúng rất bền vững, và chỉ di chuyển vài mét mỗi năm.

3. Khí nhà kính (do con người thải ra và đang thoát ra từ lõi băng tan chảy) đang a-xít hóa nước biển Bắc Băng Dương tại Canada với tốc độ nhanh hơn bất cứ nơi nào khác ở khu vực đại dương Bắc Mỹ. Báo cáo khoa học cho thấy độ pH tại vùng biển Beaufort Sea ngoài khơi bờ Tây Bắc Canada sẽ giảm nhiều đến nỗi các sinh vật biển như cua và sò không thể tạo vỏ được nữa.

4. Khu vực phía Nam lãnh nguyên Siberia và vùng Viễn Đông của Nga đang bùng phát dữ dội các vụ cháy rừng trên diện rộng.

Trên toàn vùng thành phố Irkutsk, lính cứu hỏa Nga phải đối mặt với các đám cháy rừng trên diện tích 50.000 ha (500km2). Tại khu vực chuyển tiếp gần hồ
Baikal cháy rừng lan rộng trên một diện tích 31.300 ha (313km2). Vùng Krasnoyarsk cũng đang chiến đấu với 27 vụ cháy rừng trên phạm vi 1.100 hectares (11km2), trong khi tại khu vực Amur 7 đám cháy rừng đang bao phủ một diện tích 96.000 hectares (96km2).

5. Nghiên cứu từ Đại học Portland (PSU), Học viện Nghiên cứu Sa Mạc (DRI), và Đại học Nevada, Reno cho biết tác động từ các vụ cháy rừng đang làm cho tuyết tan ra sớm hơn tại miền Tây nước Mỹ.

6. Hiện tượng “bomb cyclone” (lốc xoáy đột biến) do khí áp hạ nhanh chóng trong bầu khí quyển sẽ gây ra gió to, mưa nhiều, và bão chớp tại nhiều nơi ở khu vực phía Tây lục địa Châu Âu trong tuần qua, trải dài từ nước Pháp đến nước Đức.

7. Có những dấu hiệu thông qua ghi nhận nơi các rạn san hô cho thấy ảnh hưởng của chu kỳ khí hậu El Niño ngày càng mạnh hơn trên các khu vực Đông Nam Á, Australia và Châu Mỹ, đặc biệt là nền nhiệt độ và lượng mưa bình quân. Năm 2019 và 2020 sẽ càng nóng hơn do tác động của El Niño.

8. Theo nghiên cứu mới của một nhóm chuyên gia khoa học quốc tế thuộc Đại học Nam California (USC), Mỹ, các mỏ và hồ chứa tự nhiên của khí nhà kính (methane, carbon dioxide, nitrous oxide) dưới đáy biển sẽ mất tính ổn định do nước biển ấm lên, đã từng giải phóng chúng và gây hiện tượng nóng lên toàn cầu trong lịch sử Trái Đất trước đây. Và như thế, với việc con người kích hoạt hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng lượng khí thải khổng lồ của mình, nước biển sẽ ấm lên nhanh chóng, khiến lớp địa chất của các mỏ và hồ dự trữ khí nhà kính tự nhiên này mất ổn định và bùng nổ giải phóng các khí carbon vào bầu khí quyển, khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu gia tăng đột biến và tệ hại hơn nữa.

9. 60.000 tấn chất thải hạt nhân từ các nhà máy điện nguyên tử của Canada và Mỹ đang được đặt gần khu vực bờ Đại Ngũ Hồ (Great Lakes) ở biên giới hai quốc gia này, và người ta đang lo ngại các tác động cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu (lũ lụt, cuồng phong, mưa to…) sẽ đánh sập kho chứa, làm rò rỉ chất thải phóng xạ ra nguồn nước, và gây ra một thảm họa hạt nhân không thể tưởng tượng nổi cho toàn bộ khu vực Bắc Mỹ, gấp nhiều lần so với vụ rò rỉ nước thải của nhà máy điện nguyên tử Fukushima do sóng thần từ vụ động đất ngoài khơi khu vực Bắc Thái Bình Dương năm 2011.

Dự báo hàng triệu dân cư đang sống tại các đô thị lớn của Mỹ và Canada như Detroit, Chicago, Cleveland, Toronto … sẽ phải di tản nếu thảm họa xảy ra. Hiện các dao động của Dòng Tia Bắc Cực (Jet Stream) đang lấn xuống phía Nam trên lục địa Bắc Mỹ, gây ra nhiều cơn bão tuyết, mưa lớn và cuồng phong tại khu vực Đông Nam của Canada và Trung Tây của Hoa Kỳ.

10. Trong một buổi phỏng vấn đặc biệt với hãng tin AP, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói rằng “thế giới sẽ lâm vào một thảm họa khủng khiếp nếu không dừng được hiện tượng nóng lên toàn cầu”.

11. Có tin cho biết các nước phương Tây và Mỹ đồng thuận ký cam kết sẽ không xuất rác bẩn của mình qua các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba. Ồ, chẳng lẽ trước đây xã hội và truyền thông phương Tây nói láo hết chăng, khi khoe khoang rằng cho dù mua sắm và tiêu xài rất nhiều (nhà giàu nà), họ luôn sạch sẽ, ngăn nắp và bảo vệ môi trường nhờ công nghệ tái chế hoàn hảo. Hóa ra để sạch nhà của mình, họ vứt rác qua nhà nghèo hàng xóm – đỡ mất công bỏ tiền ra để mà tái chế phức tạp.

Được biết sau khi Trung Quốc cấm nhập rác nhựa vào năm ngoái, xã hội Mỹ và Châu Âu bắt đầu lâm vào cuộc khủng hoảng rác tiêu dùng, dù họ đã bán bớt rác qua Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

12. Trong một cuộc điều tra trạng thái cảm xúc của cư dân toàn cầu vào năm 2018, Tập đoàn Tư vấn và Phân tích Gallup (Mỹ) đã thực hiện hơn 151.000 cuộc phỏng vấn với người lớn trưởng thành ở hơn 140 quốc gia khác nhau. Và kết quả cho thấy con người ngày càng dễ tỏ ra buồn bực và giận dữ – cho dù họ có cười nhiều hơn. Điều đó cho thấy thế giới thực sự không phải là một nơi để sống hạnh phúc vì có quá nhiều gánh nặng vật chất trong cuộc sống. Và do đó, tâm ký và cảm xúc của dân số toàn cầu ngày càng mất bình an, kém lành mạnh hơn — đây là một tình huống có thể dẫn đến nhiều “tác dụng phụ khác” khi một cuộc khủng hoảng toàn diện xảy ra và đánh sập toàn bộ nền “văn minh” loài người.

Hiển thị ý kiến phản hồi (0)

Phần chia sẻ ý kiến

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài liên quan

Nạn đói & khát

KHỦNG HOẢNG NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN TRUNG TÂY NƯỚC MỸ

Đây là những hình ảnh về cuộc khủng hoảng nông nghiệp của miền Trung Tây (Midwest) ở Mỹ, sau khi bị dập tơi tả bởi bão tuyết (do sự dao động của dòng Jet Stream vùng cực), lũ...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic
Khí Carbon Dioxide

TỔNG LƯỢNG PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRÊN TOÀN CẦU NĂM 2018 ĐÃ TĂNG HƠN 2,8%

Theo Tập đoàn Rhodium Group chuyên Nghiên cứu và Phân tích Dữ liệu Kinh tế và Chính sách Hoa Kỳ, lượng khí thải carbon dioxide của Mỹ trong năm 2018 đã gia tăng thêm 3,4%, cho dù...

Đã đăng ở by hanhtinhtitanic